Nước Nhật mua cả thế giới - Phần II - Chương 01 - Phần 8

Trong lúc đó thì người Nhật chuẩn bị

Người châu Âu cãi nhau ầm ĩ ư? Người Nhật thật bình thản. Có thỏa thuận với châu Âu, ván cờ “go” vẫn tiếp tục: âm thầm, không kèn không trống các hãng sản xuất xe hơi Nhật Bản vẫn tiếp tục triển khai cuộc xâm chiếm toàn cầu một cách ồ ạt. Liệu cuộc xâm chiếm này diễn ra tại châu Âu ở quy mô nào? Đối với Nissan, các dự án đã nói rõ.

Yoshikazu Kawna, chủ tịch Nissan-Europe đã cho biết:

“Các dự án mang đầy tính tham vọng. Ở Anh, chúng tôi muốn tăng gấp đôi công suất vào năm 1992. Ở Tây Ban Nha, chúng tôi muốn sản xuất 150.000 xe hơi vào năm 1995.”[77]

[77] Le Figaro, ngày 2/5/1990.

Về phần mình, Toyota hi vọng sẽ sản xuất 200.000 xe hơi tại Anh từ nay cho đến giữa năm 1995. Toyota đã “ma lanh” quyết định chuyển trụ sở châu Âu của mình về Bruxelles, nơi đặt trụ sở của ủy ban châu Âu. Năm 1989, Toyota đã bán 400.000 xe hơi tại châu Âu. Tổng cộng số xe hơi của các hãng Nhật ở châu Âu là 1,08 triệu xe trong tám tháng đầu năm 1990, nghĩa là tăng hơn 6 % so với củng kì năm 1989. Cùng lúc, phần của Nhật Bản xuất sang thị trường châu Âu cũng đã tăng từ 10,9 % lên 11,6 %.

Người Nhật đã có mặt dày đặc ở châu Âu. Nhiều dự án táo bạo nhất đang được xem xét. Toyota dự kiến thành lập một xí nghiệp liên doanh ở Thổ Nhĩ Kì để năm 1994 sản xuất hơn 100.000 xe hơi mỗi năm và xuất khẩu một phần sang Liên Xô. Mazda không chậm trễ đã xuất khẩu xe hơi sang Liên Xô ngay từ tháng 6/1990. Hãng này cũng phối hợp với Ford để sản xuất 120.000 xe hơi mỗi năm tại Đức kể từ năm 1992. Honda cũng đã bắt đầu bán xe hơi sang Israel từ tháng 4/1990. Để tránh bị tẩy chay có thể xảy ra từ phía các nước Ả Rập, số xe hơi này được nhập từ các xí nghiệp “di trú” của Honda ở Mỹ. Daihatsu đã hủy bỏ một dự án ở Ba Lan, song Toyota vẫn tiếp tục các nghiên cứu khả thi về một xí nghiệp ở Tiệp Khắc. Để không bị chậm chân, Suzuki đã ký một thỏa thuận xây dựng một dây chuyền lắp ráp ở Hunggari.

Phát súng ân huệ có lẽ phát ra từ phía Mitsubishi. Ngay từ đầu năm 1990, hãng này đã xúc tiến các cuộc thương lượng với Daimler-Benz nhằm tiến hành một sự hợp tác đa phương, đặc biệt là trong lĩnh vực xe hơi. Phát súng quyết định là Mitsubishi vẫn tiếp tục các cuộc thảo luận với Volvo trong khi hãng sản xuất này đã liên minh xong với Renault về mặt tài chánh. Nếu các bạn hảng Thụy Điển và Nhật đạt được thỏa thuận thì Mitsubishi-Volvo sẽ sản xuất tại Bỉ trên 200.000 xe Mitsubishi-Mirage mỗi năm đủ để tràn ngập thị trường châu Âu. Đây không còn là những “xí nghiệp gia công” đơn thuần bởi vì 75 % các bộ phận của loại xe này sẽ được sản xuất tại chỗ. Song không ai nghi ngờ rằng bằng cách này Nhật Bản sẽ có được một đầu tàu chiến lược ở châu Âu. Và vì vậy, với thời gian, Renault có nguy cơ chỉ là một thứ bình phong không hơn không kém.

Điện tử và tin học: một chiến thắng hoàn toàn

Trong lĩnh vực này, tình thế thật cay đắng, đáng lo âu thậm chí là thảm hại. Hồi chuông báo động đã điểm đối với người phương Tây. Lửa trong nhà đã bốc cháy. Một cuộc tháo chạy khủng khiếp đang có nguy cơ xảy ra. Trong khi người Nhật đã tung ra những nguồn tài chánh về nhân lực quyết định vào lĩnh vực nghiên cứu và cải tiến công nghiệp, thì người châu Âu và Mỹ lại sa thải công nhân, không đầu tư hoặc chịu khuất phục trước người Nhật. Chính vì vậy, hãng Philips (Hà Lan), trong khi mức thua lỗ gia tăng (1,06 tỷ đô la, tương đương 5,3 tỷ franc trong 9 tháng đầu năm 1990) thì vào tháng 10/1990 lại loan báo trong hai năm sẽ sa thải từ 35.000 đến 45.000 công nhân. Hãng Bull (Pháp) cũng vậy, đã loan báo bị thua lỗ 3 tỷ franc trong năm 1990 và năm 1991 sẽ sa thải 5.000 công nhân sau khi đã sa thải 2.500 người năm 1990 và 2.000 người năm 1989. Hãng Olivetti (Ý), vào tháng 11/1990, cũng đã loan báo sa thải 7.000 công nhân trong những năm sắp tới. Người khổng lồ tin học ICL (Anh) cũng đã được Fujitsu mua đứt tháng 7/1990. Tình hình này thậm chí còn bi đát đến mức thâm thủng mậu dịch của ngành điện tử châu Âu đã tăng lên gấp 20 lần chỉ trong 10 năm. Theo kết luận của bộ phận phân tích của Pháp thuộc công ty điện tử quốc tế (EIC) thì trừ phi kịp nhận thức được tình hình, còn không thì số dư mậu dịch của ngành điện tử châu Âu có nguy cơ – 50,8 tỷ đô la (254 tỷ franc) vào năm 1995. Vấn đề của châu Âu là “không nhận thức được mối hiểm họa đang giết chết ngành công nghiệp điện tử của mình”.[78]

[78] Abel Farnoux, L’Électronique dans de monde, Positions 1989, Prospective 1995, nghiên cứu của EIC.

Số dư mậu dịch của các ngành công nghiệp điện tử (tính bằng tỷ đô la)

Châu Âu

Mỹ

Nhật Bản

1979

-1,5

+4,3

+13,3

1989

-34,2

-7,7

+62,7

1995 (dự báo)

-50,8

-17,9

+86,8

Nguồn: Electronics International Corp, tháng 10/1990

Quả là người Nhật không phải luôn giành được chiến thắng trên mọi trận địa. Bằng chứng là tỷ trọng của các hãng Nhật trong thị trường thế giới về bán dẫn (doanh số hiện nay của thị trường này là 58 tỷ đô la hàng năm) đã có sút giảm một chút trong năm 1990 xuống còn 49,5 % so với 52,1 % năm 1989 theo như số liệu của viện Dataquest (Mỹ). Song, dù có bị gián đoạn đôi chút, chiến thắng chung cuộc của các hãng Nhật trong cuộc chinh phục thị trường này là không thể nghi ngờ. Bằng chứng là năm 1989 và 1990, kết quả kinh doanh của tất cả các tập đoàn điện tử Nhật tăng vọt. Năm 1989, tài sản cố định của Hitachi đã tăng 33,8 % (đạt 7.805 tỷ yên, tương đương 281 tỷ franc), của Toshiba tăng 49,7 % (đạt 5.181 tỷ yên, tương đương 218,5 tỷ franc), của Fujitsu tăng 28,2 % (đạt 2.971 tỷ yên, tương đương 148,5 tỷ franc)[79]. Cuộc đời, ôi lại cũng đẹp sao cho người Nhật. Lợi nhuận của Hitachi tăng 9 % trong quý I năm 1990 (đạt 60,25 tỷ yên, tương đương 2,1 tỷ franc), của Toshiba tăng 31 % (đạt 64 tỷ yên, tương đương 2,3 tỷ franc) và của Mitsubishi Electric tăng 37 % (đạt 34,5 tỷ yên, tương đương 1,2 tỷ franc). Dự báo mức tăng cho cả năm 1990 của ba hãng trên là 17 %, 14 % và 19 %.[80]

[79] Agence France-Press, ngày 6/8/1990.

[80] Agence France-Press, ngày 25/10/1990.

Kết quả: hơn bao giờ hết, ngành điện tử của Nhật Bản đã vượt ra khỏi các biên giới của nó và khẳng đinh ngày một mạnh mẽ trên thế giới. Thông qua việc đầu tư và mua lại các xí nghiệp, Nhật Bản đang từng chút, từng chút gặm nhấm cái bánh của thế giới. Và cũng từng bước từng bước, họ biến khoảng cách giữa họ và các đối thủ cạnh tranh thành cái hố ngăn cách. Ngay từ năm 1989, Bộ quốc phòng Mỹ đã thú nhận rằng Nhật Bản đã dẫn trước Mỹ 6 trong số 22 ngành công nghệ mà Lầu Năm Góc xem là “mấu chốt” cho an ninh quốc gia của nước Mỹ[81]. Vào tháng 6/1990, Bộ Thương mại Mỹ đã công bố một báo cáo trong đó tiết lộ rằng ưu thế tuyệt đối của Nhật Bản là một mối đe dọa cho ngành công nghiệp điện tử Mỹ vào trước cuối những năm 90[82].

[81] New York Times, ngày 17/5/1989.

[82] New York Times, ngày 11/6/1990.

Tình trạng rối ren này là do đâu? Để mạnh hơn, từ lâu Nhật Bản đã vạch ra những hướng phát triển dài hạn, còn châu Âu thì lại đang cố loay hoay cứu vãn hai dự án tội nghiệp là Esprit và Eurêka của cộng đồng châu Âu mà người ta đã có thể tiên đoán là cả hai sẽ mất cả người lẫn của trong cơn lốc Nhật Bản. Nhật Bản có những tài sản kếch sù, còn châu Âu thì lại nghèo đến mức gặp ai cũng ngửa tay mượn tiền. Ở Nhật Bản, một đường lối công nghiệp cường tráng đang tiếp tục tạo ra những phép lạ kinh tế. Còn ở phương Tây, thứ chủ nghĩa tự do kinh doanh và mậu dịch đang làm tê liệt các chiến lược liên kết và làm lợi cho kẻ thù.

Chưa hết, đất nước Mặt trời mọc không chỉ đào sâu hố cách biệt với phần còn lại của thế giới, mà nó còn chuẩn bị các ngành công nghệ chiến lược để một ngày nào đó trong tương lai đảm bảo cho nó nắm giữ toàn bộ lĩnh vực tin học và cùng với tin học là một phần lớn cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Nhật Bản đã tỏ ra tuyệt vời trong nghiên cứu ứng dụng. Từ lâu, họ còn yếu kém trong nghiên cứu cơ bản. Song họ đang khắc phục sự chậm trễ này. Lợi dụng tình trạng suy yếu của phương Tây, những người lãnh đạo Nhật Bản hiện đang có tham vọng thu hút tất cả những nhà nghiên cứu giỏi nhất của nước ngoài làm việc cho Nhật Bản. Một đề nghị hấp dẫn cho những bộ óc không thế phát huy ở chỗ chúng ta: tạo điều kiện cho MITI vừa thành lập ở Tokyo một viện nghiên cứu quốc tế về công nghệ cao cấp.

Với những nguồn vốn được tài trợ thường xuyên, các tập đoàn hàng đầu của Nhật Bản đang tiến công vào mọi lĩnh vực điện tử của tương lai. Trong số những ứng dụng sẽ ra đời trong tương lai là truyền hình có độ rõ cao mà khả năng tiêu thụ của thị trường sẽ rất lớn, các thiết bị bán dẫn siêu nhỏ, máy vi tính thế hệ thứ năm, thứ sáu, các thiết bị vi-laser, siêu dẫn, bộ nhớ có công suất cực lớn, các nguồn năng lượng mới, các siêu máy tính cực nhanh, các bộ chuyển đổi số theo kênh nối trong các thành phố lớn (cho phép chuyển tiếng nói, hình ảnh và các dữ liệu trên một đường dây duy nhất), trí thông minh nhân tạo và những lĩnh vực đa dạng của công nghệ sinh học. Các ứng dụng từ đó cũng sẽ là vô kể và đó cũng là lời báo trước sự bại trận của phương Tây.

Đây chỉ là một số lĩnh vực mang tính tiên phong. Sony đã tung ra thị trường loại tự điển và sách trên đĩa Compact, một loại bảng ghi dữ liệu cực nhỏ: 100.000 trang tư liệu được ghi lại trên một đĩa cực nhỏ. Toshiba loan báo đã sản xuất một loại võng mạc nhân tạo có nhiều ứng dụng khác nhau, đặc biệt là tranh y khoa và người máy. Hitachi vừa hoàn thành (tháng 6/1990) bộ nhớ điện tử khổng lồ đầu tiên có công suất 64 mégabit, nghĩa là trên một diện tích cực nhỏ chỉ bằng 1,97 cm2, có 149 triệu mạch điện tử và có khả năng lưu trữ 64 triệu thông tin. Các hãng Nhật còn đứng đầu về số bằng sáng chế. Ở Mỹ, Hitachi dẫn đầu với 1.053 bằng sáng chế, kế đến là Toshiba (949) và Canon (949), Fuji (884). Đứng hàng thứ năm là General Electric của Mỹ với 818 bằng sáng chế.

Để khẳng định những tiến bộ của Nhật Bản, chỉ cần đến thăm một trung tâm nghiên cứu chẳng hạn như trung tâm nghiên cứu của Nippon Electric Corp (NEC). Trung tâm Miyazakidai, một trong bốn trung tâm lớn của NEC nằm cách Tokyo ba mươi phút. Tôi đã được Hirozaku Goto đón tiếp. Ông ta là trưởng ban dịch vụ kĩ thuật và kế hoạch hóa của bộ phận nghiên cứu và phát triển của NEC. Có cần nói rằng ông ta làm việc mỗi ngày từ 8 giờ 30 đến 22 giờ 30 chăng? Rằng ông ta không hề biết đến nghỉ hè chăng? Rằng cuộc sống gia đình của ông ta bị hi sinh cho cuộc sống nghề nghiệp chăng? Tôi thì không hề thích một cuộc sống như thế. Song ông ta tự hào với những thành tựu ở trung tâm của ông, một cơ sở sử dụng đến 1.000 nhà nghiên cứu, trong đó có 30 người nước ngoài từ Mỹ, châu Âu và châu Á. Tôi bị thu hút đặc biệt bởi kho tàng những “con bọ” cực nhỏ. Tuy không là người sản xuất đầu tiên những bộ nhớ có công suất 64 mégabit. Song do cạnh tranh, hãng này vẫn tiếp tục đẩy mạnh các nghiên cứu để tạo ra một mạch kết hợp tối ưu bằng cái lớp vi mạch điện tử có độ hoàn hảo cao. NEC, được thành lâp năm 1899, tự hào là đã sáng chế ra máy tính nhanh nhất thế giới vào năm 1983 và bộ nhớ có công suất 4 mégabit đầu tiên vào năm 1986.

Ở Miyazakidai, “tủ kính” của các công nghệ mũi nhọn của NEC, ngày mai đã bắt đầu từ hôm nay. Một trong những dự án được chủ tịch hãng, “tiến sĩ Kobayashi” rất ưa chuộng là một hệ thống dịch thuật điện tử tự động, cùng lúc và toàn bộ ứng dụng trong điện thoại. Hệ thống này cho phép một người Pháp nói chuyện với một người Nhật, một người Tây Ban Nha nói chuyện với người Hoa, một người Đức nói chuyện với một người Indonésia... mỗi người nói bằng ngôn ngữ riêng của mình, không mất thời gian, không bị phiền hà, không bị hiểu lầm, không cần có sự can thiệp của người khác. Việc hoàn thành hệ thống này cực kì phức tạp và sử dụng hàng loạt những yếu tố không thể lường được trên bình diện công nghệ. Cho dù có thể xảy ra những tình huống bất định trong tương lai thậm chí có nguy cơ sai lầm, NEC đã ấn định thời gian hoàn thành cho dự án này vào cuối thế kỷ.

Hirokazu Goto nói: “Chủ tịch của chúng tôi, tiến sĩ Kobayashi, đã ra lệnh cho chúng tôi hoàn thành trước năm 2.000. Đó là giấc mơ của ông ta.” Tôi hỏi liệu ông có nghĩ là công việc sẽ hoàn thành đúng hạn? Ông ta bình thản trả lời: “Chúng tôi phải làm. Đó là nhiệm vụ của chúng tôi. Chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi có khả năng làm việc đó. Nhưng không ai biết một cách chính xác. Và các đối thủ cạnh tranh của chúng tôi cũng đã góp phần công sức.” Nhưng nếu ông thất bại trong cuộc thử tài này thì điều gì sẽ xảy ra cho ông? Tôi hỏi liệu với tư cách một Samourai kiểu mẫu của NEC như ông, ông có seppuku không, nói cách khác là ông có tự mổ bụng để lấy máu mình rửa nỗi nhục thất bại không? Cả cử tọa cười rộ. Ở châu Á, cái cười thường biểu hiện sự lúng túng. Thế rồi Hirozaku trả lời không phải không trang trọng: “Ít nhất thì tôi cũng phải từ chức.”

Hàng không và không gian: “Biên giới mới” của Nhật Bản

Đây là hai lĩnh vực mà Nhật Bản chậm chân sau Mỹ và châu Âu. Người khổng lồ Nhật chưa sản xuất một máy bay, một trực thăng, một tên lửa thương mại nào đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. Song những ai vẫn thường ưa gân cổ lên rêu rao (vâng ít ra cũng có một cái để thỏa lòng đấy!) thì hãy im miệng đi. Thế độc quyền này của phương Tây không còn kéo dài lâu nữa. Thật vậy, Nhật Bản đã muốn khắc phục sự chậm trễ này trong thời gian ngắn nhất. Ở Tokyo, chỉ suy nghĩ rằng cần thả mặc cho phương Tây hai lĩnh vực đầy hứa hẹn trên bình diện công nghệ và thương mại này đã là không thể chịu đựng nổi rồi. Riêng Nhật Bản sẽ phải đạt 26 tỷ đô la (130 tỷ franc) về máy bay thương mại từ nay cho đến năm 2.000, tức 8 % tổng số máy bay thế giới. Tại sao Nhật Bản phải chấp nhận sự vượt trội của nước ngoài? Chính phủ Nhật ý thức rất rõ giá trị chiến lược cao của những tên lửa phóng vệ tinh đối với hành tinh trái đất.

Để làm công việc này, các nhà công nghiệp Nhật đã tìm cách để có những chuyển giao công nghệ. Mitsubishi Heavy Industries, Kawasaki Heavy Industries và Fuji Heavy Industries đang tích cực gia công cung cấp các bộ phận cho máy bay boeing 767. Một thỏa thuận đã được ký kết tháng 4/1990 nhằm hợp tác xây dựng các cơ sở chế tạo máy bay B-777, một loại vận tải cơ mà trong tương lai sẽ là đối thủ cạnh tranh của Airbus A-330. Ba tập đoàn hàng đầu của Nhật Bản sẽ cung cấp 15-20 % thân máy bay của loại máy bay hai động cơ tương lai này và tham gia tài trợ các chi phí cho nó. Mặt khác, Nhật Bản cũng đã được tham gia vào việc thiết kế một loại máy bay chiến đấu Mỹ-Nhật mang tên FSX trong đó Nhật Bản sẽ đóng góp phần lớn về mặt công nghệ. Washington không còn chọn lựa nào khác. Hoặc như vậy hoặc không có gì. Người Nhật đã cho biết rằng dù bất kể với lý do gì họ cũng không nhận mua những chiến đấu cơ mà chính phủ Mỹ áp đặt cho họ. Thật ra, người Mỹ cũng không khờ khạo gì. Họ hoàn toàn đánh hơi được mối hiểm họa là một khi làm chủ được những kĩ thuật cần thiết, Nhật Bản sẽ vượt lên trên cả Mỹ cũng như họ đã tống khứ người châu Âu để tiếp tục con đường một mình. Rồi sau đó theo như một kịch bản đã rõ, máy bay Nhật sẽ lao vào cạnh tranh với ngành công nghiệp hàng không của châu Âu và nếu cần thiết thì Nhật Bản cũng sẵn sàng hạ giá và phá giá. Nhưng làm thế nào để từ chối những đề nghị của Nhật Bản? Nếu như người Mỹ từ chối, họ sẽ làm với châu Âu. Mitsubishi và Daimler đã tiến hành thảo luận những hình thức cho một sự hợp tác trong lĩnh vực hàng không và hàng không vũ trụ. Nhiều quan hệ tương tự trong lĩnh vực này hẳn sẽ được xúc tiến không lâu nữa.

Về lâu dài, Nhật Bản còn muốn nhắm đến những mục tiêu lớn hơn. Nó ước mơ chế tạo một máy bay vận chuyển siêu thanh có khả năng bay nhanh gấp năm lần vận tốc âm thanh, nối liền Paris-Tokyo trong hai giờ bay. Nhiều khoản đầu tư quan trọng đã được giành cho chương trình nghiên cứu thiết kế một động cơ thích hợp cho loại máy bay siêu – Concorde này. Ba hãng Mitsubishi, Kawasaki và Ishikawajima-Harima của Nhật Bản đã được huy động. Hai hãng United Technologies và General Electric của Mỹ cũng như hãng Rolls-Royce của Anh, và hãng Snecma của Pháp, cũng đã đề nghị những khoản đóng góp lớn để được cùng phối hợp trong những nghiên cứu này. Cơ quan NASA đã tỏ ra lo ngại thật sự trước việc các bí mật công nghệ đang bị đe dọa chuyển giao cho người Nhật. Một điều đã rõ là: kẻ vắng mặt là kẻ thua thiệt.

Còn trong lĩnh vực không gian, quyết tâm vươn lên đứng vào hàng ngũ những cường quốc không gian của Nhật Bản không chỉ mới bắt đầu từ hôm qua. Những người lãnh đạo Nhật Bản cảm thấy khó chịu khi có nước thậm chí như Trung Quốc còn làm được nhiều hơn Nhật Bản, bởi vì quốc gia này là thành viên trong một câu lạc bộ hạn chế các cường quốc không gian, bên cạnh châu Âu, Mỹ và Liên Xô. Viện khoa học hàng không và không gian quốc gia của Nhật Bản, thành lập năm 1954 đã trở thành cơ quan phát triển không gian quốc gia (NASDA). Các nhà nghiên cứu Nhật không hề thất nghiệp. Song ngành công nghiệp không gian Nhật Bản phải gánh chịu một bất lợi nặng nề: nó không thể dựa trên những tác động quân sự do Nhật Bản không được phép có quân đội riêng. Do lệ thuộc quá lâu vào Mỹ, Nhật Bản đã muốn vượt ra khỏi sự bảo hộ này. Ngay từ 1975, chính quyền Nhật đã quyết định thông qua nguyên lý phát triển một loại tên lửa mang tên p có khả năng đưa một khối lượng 500 kg vào quỹ đạo địa tĩnh. Tên lửa p nặng 137 tấn và đã được phóng đi thành công 6 lần, chuyến phóng cuối cùng đã lần đầu tiên cho phép đưa vào quỹ đạo cùng lúc ba vệ tinh.

Năm 1984, Tokyo quyết định chế tạo một loại tên lửa hiện đại hơn với hai tầng đẩy bằng một hỗn hợp lỏng làm lạnh đủ sức đưa một khối lượng nặng hai tấn vào quỹ đạo địa tĩnh và một khối lượng khác nặng bảy tấn vào quỹ đạo thấp. Việc chế tạo những động cơ cho loại tên lửa này không phải không gặp trục trặc. Ngay cho đến tháng 11/1989, tầng một của tên lửa này còn bốc cháy trong một lần phóng thử trên đất. Vào tháng 9/1989, cũng đã xảy ra một thất bại nghiêm trọng. Tuy vậy, cuộc thử nghiệm đã thành công tốt đẹp vào tháng 3/1990 và một tên lửa đầu tiên dự định sẽ được phóng vào năm 1993. Tên lửa này cao 49 mét, đường kính 4 mét, nặng 258 tấn. Nó sẽ là đối thủ cạnh tranh trực tiếp của tên lửa Ariane-5, loại tên lửa thế hệ mới của châu Âu và của tên lửa Titan-3, loại tên lửa quy ước của Mỹ. Nếu như cần phải chứng minh rằng không gian từ đây đã trở thành một sự nghiệp mới của nước Nhật thì đây là bằng chứng: ngày 5/7/1990, đã là ngày khai sinh một consortium mới mang tên: Rocket Systems Inc, được thành lập với 75 hãng tư nhân. Rocket Systems Inc có mục tiêu chế tạo và kinh doanh loại tên lửa H2 cũng như các tên lửa và vệ tinh tương lai của Nhật Bản. Trong số này có Mitsubishi Heavy Industries, Ishikawajima-Harima và Kawasaki đứng chen vai thích cánh cùng với NEC, Toshiba và Nissan.

Song đối với Nhật Bản, cuộc thám hiểm không gian không dừng lại ở ngưỡng cửa trái đất. Liên Xô sẽ mãi mãi ghi lại trong lịch sử như là cường quốc đầu tiên đã phóng thành công một vệ tinh vào trong không gian năm 1957. Nước Mỹ đã trở thành quốc gia đầu tiên đưa các phi hành gia đổ bộ lên Mặt Trăng. Bước tiên công nghệ của hai cường quốc này là to lớn. Còn nước Nhật lại vẫn chưa đưa thành công một người nào vào không gian. Cũng giống như không phải người đầu tiên sáng chế ra xe hơi hoặc điện thoại, song điều này không hề ngăn cản nước Nhật tiếp tục các cố gắng của mình. Ngày 2/11/1990, NASDA đã công bố rõ các mục tiêu của nó. Nó đang chuẩn bị để đưa một ê kíp gồm ba nhà phi hành không gian lên Mặt Trăng nhằm trong vòng 20-30 năm, thiết lập một trạm thường trực. Điều này chắc không là tham vọng duy nhất của nước Nhật. Vũ trụ trong tương lai sẽ là một biên giới mở rộng cho công nghệ của Nhật Bản. Và không có gì nghi ngờ là Nhật Bản sẽ lại tung ra các thách thức to lớn bằng tất cả tài năng và phương tiện của nó để trong tương lai, nó lại có thể đảm nhận một sứ mạng tiên phong nhân danh toàn thể nhân loại ở nơi xa tắp trong dải ngân hà của chúng ta.

*

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3