Nước Nhật mua cả thế giới - Phần II - Chương 02 - Phần 9
Liệu nước Nhật sẽ gánh trách nhiệm của mình trong thế giới?
Ông nói thêm:
“Nguyên thủ tướng Nhật Noboru Takeshita, người đầu tiên đã thông báo rằng nước Nhật muốn cống hiến hơn nữa cho sự nghiệp của toàn thế giới. Ông đã nói rõ ràng ý nguyện này liên quan đặc biệt đến một sự đóng góp tích cực hơn vào việc giữ gìn hòa bình, trao đổi văn hóa và viện trợ kinh tế. Từ đó đến nay, chúng tôi đã tăng thêm một lĩnh vực khác: lĩnh vực sức khỏe ở các nước đang phát triển. Nước Nhật vừa quyết định tăng gấp đôi số viện trợ kinh tế trong năm năm. Viện trợ kinh tế của Nhật đã vượt quá số viện trợ của Hoa Kỳ, Và trong số tiền Nhật chi ra 2 tỷ đôla một năm sẽ được dành cho những đề án bảo vệ môi trường. Sự đóng góp của Nhật không nằm vào các lực lượng vũ trang. Dầu vậy điều này đã lỗi thời rồi. Thế giới bây giờ hướng về giải trừ quân bị. Và Nhật rất nhất trí với xu hướng đó.”
Nhưng phải chăng những nhà chính trị Nhật Bản đã được chuẩn bị để có nhiều sáng kiến hơn trên trường quốc tế?
Okita Saburo vẫn thận trọng:
“Điều đó sẽ làm từng bước. Chúng tôi sẽ tiếp tục giữ một vai trò khiêm tốn, vì kinh nghiệm của chúng tôi trong cuộc chiến tranh, vì sự xâm lược trước đây đối với những nước lân cận. Đường lối ngoại giao của chúng tôi sẽ vẫn thận trọng. Hơn nữa, dư luận công chúng ở Nhật kiên quyết chống lại việc Nhật trở thành một cường quốc quân sự. Người Nhật rất yêu hòa bình. Cũng có ngoại lệ, nhưng đó chỉ là một thiểu số. Tuy nhiên, Nhật cũng nhận thức được rằng thế giới đã trở nên nhỏ bé cùng với tiến bộ của những phương tiện truyền thông, vận tải, chuyển đổi tiền tệ. Kể cả những vùng như Châu Âu, Châu Á hay Bắc Mỹ cũng trở thành quá hẹp. Những quan hệ quốc tế đã mang tính toàn cầu. Từ đó, những công ty của chúng tôi tính toán công việc trong khuôn khổ của tiến trình toàn cầu hóa. Tôi nghĩ rằng Châu Âu về lâu về dài cũng sẽ chọn hướng toàn cầu hóa. Những truyền thống của Châu Âu đang cản trở định hướng đó. Nhưng với thời gian, Châu Âu sẽ đến kịp với xu hướng toàn cầu hóa. Đặc biệt là với sự mở rộng của thị trường Châu Âu hiện nay. Vì lợi ích của mình, Châu Âu sẽ tham gia vào sự phát triển kinh tế ở Châu Á. Đó là thế phụ thuộc lẫn nhau.”
Đóng cửa = nghèo khó; Mở cửa = thịnh vượng
Liệu nước Nhật có bị cám dỗ bởi chủ nghĩa duy dân tộc không?
Okita Saburo lắc đầu:
“Không, mặc dù có một số người Nhật thích chủ nghĩa duy dân tộc. Nước Nhật ý thức được rằng không thể thịnh vượng nếu không có quan hệ quốc tế mật thiết. Trong khuôn khổ tiến trình toàn cầu hóa mà tôi nói ở trên, kể cả Liên Xô cũng thấy không thể tự cô lập với phần còn lại của thế giới. Cô lập đồng nghĩa với nghèo khó. Điều này càng đúng hơn đối với nước Nhật, bởi nó phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu thiên nhiên của nước ngoài, 99 % dầu hỏa của chúng tôi là nhập khẩu. Hai phần ba ngũ cốc cũng vậy. Nước Nhật không thể bỏ qua thế giới bên ngoài mà có thể đứng được ở mức như hiện nay và phát triển. Bởi vậy, tình cảm dân tộc chủ nghĩa dân tộc có thể phát triển trong một thời gian như trong khuôn khổ những cuộc thương lượng Nhật – Mỹ. Nhưng điều này sẽ không kéo dài. Mọi người đều hiểu rằng nước Nhật không thể tự cắt mình ra khỏi thế giới, Ngược lại là đằng khác.”
Eto Shinkichi: những nguy cơ của chủ nghĩa dân tộc Nhật Bản.
Mọi người không phải ai cũng dứt khoát được như Okita Saburo trong đánh giá. Eto Shinkichi, chủ tịch Đại học Châu Á, một khu quần thể đại học ở ngoại ô Tokyo, là một con người thăng tiến nhanh ở Nhật. Tháng 5/1990, tờ Asahi Shimbun dành hẳn một trang đăng ảnh của ông, giới thiệu ông trong bộ quần áo thể thao, như một hình mẫu của giới trí thức Nhật hiện đại, mở ra thế giới hiện đại. Thân cận với giới cầm quyền. Ông sinh ở Thẩm Dương, Trung Quốc, lúc đó bị Nhật chiếm đóng, ông rời Thẩm Dương năm mười sáu tuổi. Ông am hiểu khá sâu sắc ngôn ngữ và xã hội Trung Quốc. Cuộc phỏng vấn ông tiến hành thoải mái bằng tiếng Hoa.
Nước Nhật sẽ phải nắm giữ một vai trò chính trị quan trọng hơn trong thế giới hiện nay?
“Về lâu dài thì có, nhưng trước mắt thì không. Lý do rất đơn giản: sau khi thảm bại dưới hỏa lực của quân Đồng minh, những nhà lãnh đạo Nhật mất tự tin trên lĩnh vực chính trị. Cuộc hồi sinh kinh tế của chúng tôi là điều kì diệu, và lòng tự tin trở lại. Nhưng chưa phải trên lĩnh vực chính trị. Ông hãy nghiên cứu kết quả thăm dò dư luận gần đây. Đa số người Nhật không muốn nước Nhật trờ thành một cường quốc về chính trị. Họ mong muốn Nhật vẫn là một nước nhỏ trên lĩnh vực này. Nhưng về lâu về dài, sức mạnh kinh tế sẽ trở thành sức mạnh chính trị. Tiến trình đó đã bắt đầu. Chẳng hạn chuyến đi vừa rồi của thủ tướng Nhật Toshiki Kaifu (mùa xuân năm 1990) qua Indonésie, Bangladesh và Sri Lanka. Chính phủ các nước đó đều vui mừng. Hơn nữa, tất cả đều xin tiền nước Nhật. Thủ tướng chúng tôi đã trả lời họ: ‘Vâng, vâng, vâng, chúng tôi sẽ cho các ông.’ Đã có cải thiện mối quan hệ giữa Nhật với các nước ông đã đến thăm. Như vậy, tiền là một loại thế lực chính trị. Về lâu dài, từng bước, vai trò chính trị của Nhật trên thế giới sẽ lớn dần. Đó là ý kiến của tôi.”
Nhưng người Nhật hiện nay đã đủ trưởng thành để tự xác định một đường lối chính trị đối ngoại và một nền ngoại giao thật sự độc lập với Hoa Kỳ chưa?
“Câu trả lời của tôi có tính hai mặt: vừa có, vừa không. Vâng, người Nhật đã đủ trưởng thành để quyết định không biến nước Nhật thành một cường quốc quân sự. Sức mạnh quân sự không phải là một phương tiện để điều khiển nền chính trị thế giới, đó là điều người Nhật đã học được trong lịch sử gần đây của mình. Nhưng tôi muốn nói thêm rằng, vì người Nhật đã tìm lại được lòng tự tin từ sức mạnh kinh tế của mình, họ đã nhiễm thói suy nghĩ của một anh ‘nhà giàu mới’ – ‘Bây giờ ta đã có tiền’: thói suy nghĩ như vậy khá phổ biến. Họ bắt đầu nhìn các nước nghèo từ bên trên. Đó là lý do tại sao câu trả lời của tôi vừa có vừa không.”
Trong bối cảnh đó, phải chăng nước Nhật sẽ không cần đến sự bảo trợ của Mỹ?
Eto Shinkichi trả lời:
“Không. Sau khi bại trận, người Nhật đã phát triển mối quan hệ mật thiết với Hoa Kỳ. Mối quan hệ đó thể hiện không chỉ ở liên minh quân sự giữa hai nước, mà cả ở lòng tin cậy vững chắc với Nhật đối với nền dân chủ đại nghị Hoa Kỳ và cả đối với nền dân chủ Châu Âu nữa. Trong lĩnh vực khoa học xã hội và khoa học tự nhiên, các dân tộc trên đây đang xích lại gần nhau. Chúng tôi hợp tác chặt chẽ với Hoa Kỳ về mặt khoa học. Đa số những nhà nghiên cứu hàng đầu của Nhật đã theo học ở Hoa Kỳ. Trong giới doanh nghiệp và quản lý xí nghiệp cũng vậy. Chúng tôi cũng đã học được nhiều điều ở người Mỹ trên lĩnh vực này. Và tôi không nghĩ rằng các mối quan hệ đó sẽ lơi lỏng trong một tương lai gần. Nếu như có một trào lưu dân tộc chủ nghĩa cực đoan dẫn đến sự chia cắt nước Nhật với Hoa Kỳ, thì điều đó là một báo hiệu nguy hiểm về sự trỗi dậy của chủ nghĩa quân phiệt Nhật, Mối quan hệ mật thiết giữa Hoa Kỳ và Nhật là một cơ chế tốt, ngăn chặn sự trổi dậy như thế.”
Người Nhật trở nên xấc xược
Nhưng, một khi nước Nhật thấy mình đã đứng đầu trên nhiều lĩnh vực, liệu người ra có phải lo ngại về sự bộc phát của chủ nghĩa dân tộc hay chủ nghĩa tân-dân tộc?
Eto Shinkichi trả lời:
“Vâng. Tôi rất sợ điều đó. Sự khôi phục sự tự tin từ thành tựu kinh tế đã kích thích phục hồi sự tự tin trên những lĩnh vực khác. Như tôi đã nói với ông, sự tự tin về kinh tế sẽ phát triển thành sự tự tin chính trị. Đó là chủ nghĩa dân tộc. Nếu chủ nghĩa dân tộc lan tràn khắp nơi thì sẽ rất nguy hiểm. Tôi xin lấy một ví dụ: Năm 1932 hoặc 1933 gì đó, quân đội hoàng gia Nhạt có mua một số xe cơ giới Mỹ hiệu Ford và Chevrolet dùng vào mục đích quân sự. Bằng cách đó, quân đội này không thể hoạt động theo ý mình một cách độc lập với Mỹ. Nói cách khác, công nghiệp xe hơi Mỹ đã giúp quân sự hóa nước Nhật, giúp Nhật xâm lược Trung Quốc vào đầu những năm 30. Sau đó, chính phủ Nhật đã nỗ lực và đã thành công trong việc chế tạo xe hơi, tàu thủy và máy bay ngay tại Nhật. Và thế là đến năm 1941, chính phủ quân phiệt Nhật tuyên chiến với Hoa Kỳ.”
Eto Shinkichi chứng minh tiếp:
“Lòng tự tin vào nền kinh tế của chúng tôi là một điều tốt. Nhưng nếu sự tự tin được phục hồi tự một nền kinh tế hùng mạnh, lại dẫn đến sự khôi phục tự tin về chính trị thì sẽ rất nguy hiểm. Tôi đã thấy ở một số người Nhật thái độ ngạo mạn, hung hăng đối với những quốc gia láng giềng và ngay cả đối với Hoa Kỳ. Tranh luận thằng thắn với một người ngoại quốc thì tốt. Song thái độ xấc xược thì không tốt. Nhưng, bất hạnh thay, người Nhật lại càng lúc càng tỏ ra xấc xược. Họ trở nên hiếu chiến đối với những dân tộc khác. Điển hình nhất có lẽ là cách cư xử của khách du lịch Nhật, những thanh niên đi du lịch Hồng Kông, Manille, Singapour. Họ có tiền, họ mua sắm đủ thứ, và họ không giấu giếm thái độ khinh miệt đối với người dân địa phương. Chiều hướng đó là triệu chứng của một mối hiểm họa tiềm tàng!”
Tôi bày tỏ sự kính phục đối với thái độ thẳng thắn của Eto Shinkichi và hỏi ông xem xu hướng đó sẽ dẫn đến đâu?
“Tôi không nghĩ rằng người Nhật phải che giấu lòng tự tin đã tìm lại được. Song tôi cũng không tin rằng họ lại cần phải trở nên quá ngạo mạn và hung hăng như vậy. Điều quan trọng là cách giáo dục lớp trẻ sao cho họ thấm nhuần cách cư xử thế nào trong cộng đồng quốc tế. Đó là lý do tại sao tôi đánh giá cao tầm quan trọng của ngàng giáo dục. Tôi ủng hộ tư tưởng rất vững chắc về việc nhất thiết phải giáo dục cho lớp trẻ Nhật cái gọi là ‘lịch sự quý phải’. Chúng tôi phải đấu tranh chống xu hướng trờ thành những anh ‘nhà giàu mới’. Nước Nhật không có nguồn tài nguyên thiên nhiên, đất đai không rộng. Kho tàng duy nhất đích thực của nước Nhật là nguồn nhân lực. Đó là lý do tại sao dân tộc Nhật phải xứng đáng được tin cậy ở nước ngoài. Và để xứng đáng được tin cậy, họ phải chân thành hơn, tôn trọng những cam kết của mình. Chỉ có cải thiện những mối quan hệ giữa dân tộc Nhật với các dân tộc khác trên thế giới thì mới đảm bảo được nền thịnh vượng của nước Nhật. Đó là lý do tại sao tôi đang nỗ lực truyền dạy những giá trị ấy ở đây. Nếu không, chúng tôi sẽ dễ trở thành một thứ người Carthage mới: Họ có tiền nhờ khống chế nền thương mại ở Địa Trung Hải, họ trở nên hùng mạnh, nhưng cuối cùng họ bị người La Mã đánh bại. Chúng tôi đã trở nên giống người Carthage rồi chăng? Còn La Mã, có thể mai đây sẽ là người Nga, người Trung Quốc.
Người Nhật nào dám mơ đến chuyện thống trị thế giới?
Có phải vì những lý do vừa nêu qua mà ở phương Tây có mối lo sợ mới đã hình thành. Lo sợ về một nước Nhật vốn tự đặt cho mình sứ mệnh, như cách đây 60 năm chinh phục thế giới?
Eto Shinkichi trả lời ngay:
“Thật ngu xuẩn, ngu xuẩn! Hitler đã tiến hành một chiến dịch tuyên truyền rộng lớn kết tội người Do Thái là nuôi mộng lâu dài thống trị thế giới. Nước Nhật không có tham vọng đó. Chúng tôi là một nước nhỏ. Vả lại, liên minh quân sự gắn chúng tôi với Hoa Kì là rất quan trọng. Liên minh đó, từ hai bờ Thái Bình Dương, sẽ tiêu diệt mọi khả năng bộc phát tham vọng thống trị thế giới của Nhật Bản. Dẫu rằng tôi nghĩ không thể có, nhưng giả như ông gặp một người Nhật nào nuôi tham vọng như thế, xin ông vui lòng trở lại nói cho tôi biết (Eto Shinkichi cười ròn rã và nói tiếp) Những người như ông Ishihara chỉ là một thiểu số thuộc cánh hữu. Còn ông Morita thì đó chỉ là một nhà doanh nghiệp.
Tôi thoáng thấy một cảm giác khinh bỉ trên gương mặt của Eto Shinkichi khi ông nói đến tiếng “nhà doanh nghiệp”.
Tuy vậy, theo nhịp độ của chi phí quân sự hiện nay, dù muốn dù không, nước Nhật sẽ là một cường quốc quân sự quan trọng trong vòng 10 năm. Điều đó có tốt không?
“Tốt hay xấu, tôi không biết. Nhưng đương nhiên khả năng quân sự của Nhật sẽ tiếp tục đạt mức quan trọng, theo yêu cầu của người Mỹ. Họ muốn giảm chi phí của họ trong khu vực. Chừng nào mà lực lượng quân sự của Liên Xô ở Sibérie không tăng cao quá thì những khả năng quân sự của Nhật chỉ có thể phát triển từng bước. Điều này không thể tránh khỏi. Hãy yêu cầu của những nhà lãnh đạo Liên Xô giải tán những kho vũ khí của họ ở khu Đông Á. Đổi lại, lực lượng quân sự Mỹ và Nhật sẽ được cắt giảm.
Lớp trẻ Nhật mở rộng với thế giới
Nước Nhật ngày mai, đó là lớp thanh niên. Liệu họ có đi đúng hướng không? Họ có hiểu thế giới bên ngoài tốt hơn cha ông họ không?
Eto Shinkichi nói:
“Vâng, không thể chối cãi. Thế hệ trẻ đã không ngừng phát triển sự hiểu biết thế giới hiện đại và sự hợp tác quốc tế. Nhưng, đồng thời, với điều kiện vật chất dư thừa, lớp trẻ càng lớn càng trở nên ích kỷ. Phần đông họ không hiểu các đức tính bác ái và tự nguyện. Ở Châu Âu các bạn, bạn có được một tôn giáo nhân ái, đó là đạo Ky-tô. Đạo Ky-tô có hai bộ mặt. Một mặt mang một quan điểm hết sức hẹp hòi: tin vào sự hiện hữu của một thượng đế duy nhất và tin rằng lòng tin vào thượng đế là điều tích cực duy nhất, còn lại hết thảy là sai lầm. Như thế thì thật hẹp hòi. Nhưng, đồng thời, giáo lý của Giêsu thật là bác ái. Bạn đã đọc lá thư đầu gửi cho người Corinthô trong chương 13 chưa? Hãy đọc đi! Một chương ca ngợi tình thương tuyệt vời! Giáo lý này đã khơi dậy nơi các bạn đức tính tự nguyện. Đó là lý do tại sao nhiều người Châu Âu tự nguyện ra nước ngoài để giúp đỡ tha nhân. Viện trợ kinh tế của Châu Âu cho các nước thuộc ‘thế giới thứ ba’ thật là lớn. Về phần người Nhật chúng tôi, sau chiến tranh, chúng tôi trở nên ích kỷ. Chỉ khi miễn cưỡng và bị ép buộc, chính phủ mới tăng viện trợ kinh tế cho các nước ‘thế giới thứ ba’. Tựu chung, lớp trẻ đang đi đúng hướng, nhưng chúng phải đẩy hơn nữa sự nghiệp giáo dục.”
Thiếu một mô hình phát triển, song vì đã giỏi hơn thầy của họ, nước Nhật sẽ làm gì?
“Đây là một thách đố mới cho chúng tôi. Chúng tôi biết. Từ hơn 2.000 năm nay, tai chúng tôi đã nghe, mắt chúng tôi đã thấy và đem về nước biết bao nhiêu điều từ bên ngoài, rồi sau đó, Nhật hóa tất cả. Bây giờ, điều đó đang thay đổi. Chúng tôi phải tập trung vào chính những giá trị của chúng tôi. Phải làm thế nào hoàn thiện chúng. Vai trò của giáo dục sẽ là căn bản. Liệu nước Nhật sẽ ứng xử như thế nào với vị thế số một về công nghệ trên thế giới? Cũng như với tư cách người giàu nhất thế giới? v.v… Nhưng tôi lạc quan hơn và tôi rất hãnh diện đã dành trọn đời tôi cho sự nghiệp giáo dục thanh niên.”
Miyoshi Osamu: Nước Nhật phải là người bảo vệ Châu Á
Miyoshi Osamu là chủ tịch Hội nghị chiến lược toàn cầu của Nhật, giáo sư danh dự của Đại học Kyoto. Đó là một ông già mệt mỏi. Nhưng ông vẫn không từ bỏ quan điểm của mình, đôi khi rất gần với thứ chủ nghĩa tân-quốc gia. Tôi đã gặp ông ta tại nhà, một căn hộ lộng lẫy của một công thự nằm ở phía bắc Tokyo, có tên là “Acro City”. Biểu tượng của nước Nhật ngày mai, khối công trình thu nhỏ này trông thật đáng sợ. “Acro City” là một tổng thể bê tông khổng lồ, ở gần ga Veno, lối vào của nó được trang trí bằng ba cột trụ theo kiểu Hy Lạp, còn toàn bộ công trình lại chỉ thấp thoáng bóng dáng của lối kiến trúc này. Trong các thang máy cực kì hiện đại, nhạc nhẹ nổi lên thường xuyên. Tổ hợp bất động sản trường phái vị lai này xa lạ hẳn với hoàn cảnh của khu Minami Senju, một khu vực cuối cùng của thủ đô còn giữ lại được cảnh quan của Tokyo cổ kính.
Các ý kiến của Miyoshi Osamu đôi khi đáng ái ngại. Nhưng ông quả quyết chống lại thứ chủ nghĩa quốc gia của Ishihara. Song, ông tranh đấu cho một nước Nhật hùng mạnh sẵn sàng trở thành người giữ gìn sự ổn định của Châu Á. Có phải ông thuộc về thiểu số người luyến tiếc một nước Nhật cổ đã qua, như một vài đồng bào của ông đoan quyết?
“Trong vòng mười năm tới – ông nói – chúng tôi sẽ tham dự vào quá trình toàn cầu hóa nền kinh tế thế giới. Nhưng, đồng thời, thế giới lại sẽ chia ra làm ba khối kinh tế: cộng đồng Châu Âu; Đông Á – với trung tâm là Nhật; và Bắc Mỹ. Tôi hi vọng một sự chuyển biến như thế sẽ không dẫn đến một tình huống tương tự như đầu những năm ba mươi. Để tránh điều đó, chúng tôi phải thúc đẩy sự tương đương giữa ba khối ấy. Chỉ mới cách đây một năm, người ta đã hô hoán lên rằng trung tâm kinh tế thế giới đã chuyển về Châu Á - Thái Bình Dương. Bây giờ, người ta lại khẳng định rằng trái tim kinh tế thực thế lại đặt ở Châu Âu, còn CEE trở thành trung tâm của một Châu Âu lớn và Liên Xô gia nhập cơ cấu này. Trên binh diện kinh tế, chúng tôi có thể vẫn còn lạc quan đôi chút về sự chuyển dịch trung tâm thế giới về Châu Á. Nhưng, trên bình diện chính trị thì không, bởi phần thế giới này rất manh mún, không chắc chắn. Tương lai Trung Quốc sẽ ra sao? Việt Nam sẽ ra sao? Bắc Triều Tiên ra sao? và Phillippines nữa? Trong tương lai, Nhật sẽ đối đầu với nhiều tình huống rất bất ổn.”
Ông nói thêm:
“So với Châu Âu, nước Nhật có nhiều bất lợi. Tại Châu Âu, các bạn làm việc cho một cộng động và cộng đồng này đảm bảo an ninh chung, giúp cho việc sử dụng tốt hơn các khả năng sáng tạo của dân tộc các bạn, kể cả các nước Đông Âu. Cục diện ở Châu Á lại là sự chi cắt. Các hệ thống chính trị đối nghịch nhau. Sự khác biệt rất lớn về mức giàu có. Trước ngưỡng của nước Nhật, nhiều cục diện đe dọa bùng nổ. Có thể chắc là các căn cứ quân sự Mỹ ở Châu Á sẽ đóng cửa trong thập niên tới. Năm 1998 sẽ kỉ niệm 100 năm sự hiện diện của Mỹ ở Phillippines. Nhưng tôi nghĩ rằng trước khi đến ngày đó, sự hiện diện quân sự này sẽ phải biến mất khỏi lãnh thổ Phillippines. Quốc sự Mỹ đang chuẩn bị cho tình huống này.”
Vậy, vấn đề chỉ còn lại là Nhật phải trở nên chín chắn hơn trên bình diện về chính trị, để tự chuẩn bị cho các thay đổi này?
Miyoshi Osamu cười:
“Ồ, cảm ơn! Cảm ơn. Tôi vẫn còn khá bi quan về điều ấy. Phẩm chất trí tuệ của các chính trị gia của chúng tôi còn rất kém. Cái nhìn của họ về chiến lược toàn cầu của Nhật còn rất non yếu.”
Nhà trí thức này nói tiếp:
“Ai sẽ là người trong số các chính trị gia của Nhật có thể trở thành một lãnh tụ tầm cỡ thế giới, nếu như ông ta được nước Nhật tuyển lựa? Bạn có tìm ra được ai không? Không. Không có lấy được một người. Từ lâu, tôi đã nghĩ rằng Nhật càn phải trở nên độc lập hơn đối với Mỹ. Tất nhiên không nhất thiết phải đoạn tuyệt với họ. Nước Nhật là một đảo quốc và nó cần liên minh với các cường quốc khác. Nhưng Nhật cần phải độc lập hơn nữa. Thế nhưng, tôi chỉ toàn thất vọng về vấn đề này. Để cho các mối quan hệ giữa Tokyo và Washington trở nên chín muồi hơn, cần phải để cho Nhật độc lập hơn, để cho nó tự quyết định chiến lược quốc gia của nó. Đúng là Bộ ngoại giao có nghiêng về vấn đề này. Nhưng cơ quan Phòng vệ (Bộ) thì không hề có ý kiến về vấn đề này. Và đừng nghĩ rằng Nhật Bản rồi sẽ trở thành cường quốc quân sự thứ ba của thế giới. Đó là chuyện bá láp! Xét về mức chi phí quân sự thì có thể là như vậy. Song ngân sách quốc phòng của chúng tôi đã bị hoang phí. Quá nhiều tiền đổ ra chỉ có được nhưng kết quả nhỏ nhoi. Về mặt quân sự, Nhật vẫn còn lệ thuộc rất nhiều vào sự bảo trợ của Hoa Kỳ. Tự một mình thì Nhật sử dụng không được bao nhiêu các sức mạnh của nó. Nó cần được Mỹ bảo trợ. Thế mà các lực lượng của Mỹ lại sẽ rút khỏi phần đất này trước khi những năm 90 kết thúc.”
Nước Nhật phải tái vũ trang, nhưng lại còn e ngại
Miyoshi Osamu giải thích:
“Chúng tôi sẽ phải tự vạch ra chiến lược riêng của mình và tổ chức một hệ thống phòng thủ hiệu quả hơn, để đủ sức ổn định tình hình chính trị trong khu vực này của thế giới. Nhưng chính phủ của chúng tôi, Đảng Dân chủ-Tự do cầm quyền, lo sợ các phản ứng của cộng đồng quốc tế và trong nội bộ nước Nhật. Chính phủ cũng lo ngại sự chống đối của một số quốc gia như Nam Triều Tiên, Trung Quốc và các nước ASEAN. Thế mà chúng tôi lại có trách nhiệm ổn định tình hình ở châu Á và Thái Bình Dương. Vì vậy, chúng tôi phải có một chiến lược quốc gia. Để đạt mục đích đó, chính phủ chúng tôi, bắt đầu từ thủ tướng, sẽ phải cố thuyết phục dân Nhật và các quốc gia láng giềng về sự cần thiết của các thay đổi này, vốn sẽ chỉ nhằm ổn định tình hình ở Viễn Đông và khu vực Thái Bình Dương. Chúng tôi không có ý định lập lại những sai lầm trong quá khứ. Nhưng, để được như thế, chính phủ phải tổ chức lại toàn thể các Bộ, không chỉ Bộ Ngoại giao và Cục phòng vệ, mà cả MITI, Bộ Giáo dục và các cơ quan chính quyền khác nữa.
Mức chi phí quân sự chiếm 1 % tổng sản phẩm quốc gia là đủ. Vấn đề thực sự trong việc phòng thủ của chúng tôi thuộc về lĩnh vực tâm lý. Một vấn đề tâm lý ở tầm cỡ quốc gia liên quan đến một vấn đề hợp pháp. Nước Nhật bị cấm xây dựng một quân đội đúng nghĩa. Nếu có chiến tranh, chúng tôi sẽ không thể nào đóng vai trò gì một mình được. Như vậy, trong trường hợp giả sử Liên Xô tiến chiếm đảo Hokkaido, thì một tình trạng cực kì hỗn loạn sẽ bao trùm các văn phòng của Cục phòng vệ. Hãy thử xem nào! Xe tăng của chúng tôi sẽ được các nhân viên cảnh sát ở các ngã tư đường phố điều khiển. Thật nực cười. Nhưng cho đến bây giờ, các chính phủ kế tục nhau ở Nhật vẫn lẩn trách không đề cập đến các vấn đề phức tạp đó. Họ không chịu nói sự thật cho dân chúng về sự bất ổn của tình hình ở châu Á-Thái Bình Dương.”