Nước Nhật mua cả thế giới - Phần II - Chương 02 - Phần 12
Một ngày nào đó, Nhật Bản sẽ bị Triều Tiên, Ấn Độ qua mặt?
Liệu đã đến lúc Châu Âu quay sang học hỏi nước Nhật chưa?
Yoichi Tsuchiya dè dặt. Ông tỏ ra quá thông minh khi khoe khoang sức mạnh của Nhật.
“Hai thế kỷ trước đây, trong lúc nước Pháp đã xây dựng được những đồ thị hiện đại lộng lẫy, thì nước Nhật bấy giờ chỉ là một nước chậm tiến và chỉ ở mức Ấn Độ hoặc Bangladesh ngày nay. Sau đó, nước Nhật đã phát triển nhanh hơn nước Pháp. Nhưng Nhật sẽ gặp phải sự suy thoái. Sẽ đến một ngày nào đó khi Nhật đạt đến đỉnh cao của nó và nó có thể bị Triều Tiên hoặc thậm chí Ấn Độ và Trung Quốc qua mặt. Thật khó nói. Nếu chúng tôi biết dự đoán những nhu cầu để dự trữ cho tương lai, thì dù suy thoái, nước Nhật cũng sẽ không quá yếu. Thật quả là giống như tất cả mọi con người ở đời đều có sinh, có tử, đất nước chúng tôi cũng sẽ có sinh có tử. Đối với các xí nghiệp cũng thế thôi.”
Ông nói thêm:
“Hãy nhìn hành tinh Trái Đất: một dân số 5,3 tỉ người, nhưng các nguồn tài nguyên thiên nhiên rất giới hạn. Chúng ta phải lưu tâm đến một sự phân khối đồng đều hơn các tài nguyên cho mỗi con người. Trong khuôn khổ đó, có thể cần phải làm chậm lại nhịp độ phát triển cùa Nhật để có thể phân phối tốt hơn các nguồn tài nguyên. Hãy lấy ví dụ một vườn hoa. Để thưởng ngoạn được vẻ đẹp của nó, cần ngẩng đầu nhìn nó. Nhưng người Nhật không làm thế, họ cứ cắm đầu cắm cổ lao thẳng đến trước mà không hề chú ý đến nó. Vấn đề là cũng cùng lúc họ nhặt các cánh hoa và cho cào túi (Yoichi Tsuchiya cười vì hình ảnh đó rồi ông nói tiếp), thì nên bắt đầu suy nghĩ về sự cần thiết phải chấm dứt xu hướng này. Người Nhật rất lanh lệ trong việc thay đổi. Bởi vậy, chúng tôi còn phải làm việc cật lực để cho những phiền trách mà người ta nghe được ở phương Tây về chúng tôi, chấm dứt.”
Người Nhật và người Pháp đều là những công dân thế giới
Sự trưởng thành của dân tộc Nhật là gì?
“Tôi nghĩ là nước Nhật đã trưởng thành. Có thể giờ đây nó là người đàn ông ba mươi tuổi, trong khi Triều Tiên hoặc Đài Loan chỉ mới là những thanh niên mười tám tuổi. Có thể người Pháp các ông, khi quan sát những quốc gia như Triều Tiên và Đài Loan, các ông có khuynh hướng nghĩ rằng đó chỉ đơn giản là những thị trường nhỏ không quan trọng và không ảnh hưởng? Nhưng tôi cho rằng tốt hơn là nên xem xét lại thói quen đó. Vì khi các biên giới mất đi, con người, tiền của, hàng hóa lưu chuyển dễ dàng hơn. Và rồi đây có thể không còn nhiều khác biệt giữa người Pháp và người Nhật. Chúng ta không nên lý luận cùng một cách như hiện nay. Sẽ không còn bất hòa giữa chúng ta, giữa Nhật và Mỹ hoặc giữa Mỹ và Liên Xô. Nhưng, chúng ta cần cùng nhau suy nghĩ về các vấn đề của thế giới. Tự do sẽ là quyền di chuyển tùy ý khắp nơi. Ở Nam bán cầu vào mùa đông và ở Bắc bán cầu vào mùa hè. Tự do sẽ là một tự do chia xẻ cho mọi người.”
Koji Sugiue: Nước Nhật phải tỏ ra mềm mỏng
Là giám độc Vụ cộng đồng Châu Âu của Bộ công nghiệp và thương mại quốc tế, Koji Sugiue, bốn mươi tuổi, một trong những nhà lãnh đạo trẻ nhất của bộ máy kinh tế vĩ đại và đầy uy lực này. Nằm trong khu Kasumigazeki ở trung tâm Tokyo, cách cung điện Hoàng gia một tầm ném đá, MITI là một quần thể khổng lồ các cao ốc, bố trí trên hàng chục ngàn thước vuông diện tích. Về đồ sộ hơn là sạch sẽ và hiện đại, khác với những trụ sở khác của chính phủ Nhật, MITI là trung tâm thần kinh của đường lối công nghiệp nơi quốc gia này. Chính tại đây, hàng ngàn viên chức tận tụy hình thành, cân nhắc toàn bộ các chính sách tài chính, kinh tế và thương mại của Nhật, tổng thể kế hoạch đầu tư nước ngoài, các chiến dịch phản công của Nhật trước sự thống nhất Châu Âu và nhiều kế hoạch khác mà công chúng không biết được. Tổng cộng có 10.000 người Nhật làm việc ở MITI, rải rác trong các văn phòng khác nhau nằm ở nước Nhật. 2.500 người làm việc trong 16 phòng nghiên cứu của Cục công nghiệp, khoa học và công nghệ của MITI. Những người lính của nước Nhật hiện đại này đang chuẩn bị cho thế giới tương lai.
Cuộc trao đổi của tôi với Koji Sugiue diễn ra trong văn phòng to lớn của ông, nơi ông cùng làm việc với các đồng nghiệp. Là một viên chức chính phủ, ông ta tỏ ra có phần thận trọng trong các phát biểu. Đôi khi hơi vô thưởng vô phạt, nhưng không kém thú vị. Rất nhiều máy vi tính cá nhân cao cấp đặt trên các bàn làm việc. Chỗ kia đang vẽ các đường biểu diễn, chỗ này đang tính toán, xa hơn đang sắp xếp các số liệu. Trên một hộc tủ bằng sắt, thay vì trò chơi “go” cổ truyền, tôi phát hiện có hai bộ cờ chiến lược rất quen thuộc với chúng tôi: cờ “Monopoly” và cờ “Risk”. Luật chơi cờ Monopoly đơn giản: mua càng nhiều càng tốt càng đường phố ở Paris để tích tài sản và đẩy các đối thủ đến chỗ phá sản. Về cờ Risk là chiếm lĩnh thế giới; làm chủ bằng sức mạnh và thế liên minh quân sự với người này hoặc người kia trong số các đối thủ cùng chơi. Tôi chỉ các bộ cờ cho Koji Sugiue và hỏi ông có thích chơi cờ đó không. Ông trả lời không với nụ cười ngượng ngập, kín đáo chỉ về phía các đồng nghiệp. Không giấu giếm, sự hiện diện của các bộ cờ đã nói lên nhiều ý nghĩa…
Cả ông ta, ông ta cũng tin chắc rằng Châu Âu khong có khả năng để trở thành một pháo đài.
“Pháo đài Châu Âu? Đó là một từ ngữ đã nổi tiếng! Nhưng chúng tôi không hề lo sợ về việc này. Những người lãnh đạo CEE, chính họ cũng đã công khai tuyên bố là CEE sẽ không phải là một pháo đài. Ngược lại, CEE đang chuẩn bị để mở cửa rộng hơn nữa kể từ năm 1992. Chúng tôi không có lý do để nghi ngờ gì về những lời hứa hẹn này. Hơn nữa, chúng tôi quan niệm thế giới chia làm ba vùng kinh tế lớn: Mỹ, Nhật và CEE. Điều cần thiết hơn cả là ba vùng này duy trì các quan hệ kinh tế tốt đẹp. Điều đó sẽ đảm bảo cho sự ổn định chung của thị trường thế giới. Song thẳng thắn mà nói, thì Mỹ và Nhật rõ ràng mạnh hơn Châu Âu. Cho nên, sau cuộc hội nhập của thị trường Châu Âu, Châu Âu có lợi thế để có sức cạnh trang hơn. Vả lại, đó là lý do tồn tại của thị trường duy nhất. Chúng tôi cho rằng sự hội nhập Châu Âu sẽ mang lại cho Châu Âu một loạt các nhân tố tích cực cho nền kinh tế của nó. Các triệu chứng đã thấy rõ: sản xuất tăng lên, đầu tư vọt lên. Chúng tôi vui mừng về sự hội nhập sắp tới của thị trường Châu Âu.”
Tại Châu Âu, Nhật thường vị đánh giá là bạn hàng không trung thực. Phải chăng Nhật không cần mở cửa hơn nữa cho hàng nước ngoài vào, nhất là hàng của Châu Âu? Koji Sugiue cười. Những chỉ trích này, ông đã rất rõ, vì đã thường nghe nhiều. Dĩ nhiên, ông cũng đã biết câu trả lời. Tháng 13/1989, Nhật Bản đã đơn phương bãi bỏ các hạn chế thuế quan cho gần 1.000 sản phẩm, chỉ riêng nông nghiệp là vẫn còn được bảo hộ chặt chẽ.
“Những cuộc tranh luận lien quan đến việc mở cửa thị trường Nhật là một câu chuyện dài dòng với CEE cũng như với Mỹ. Song đúng là trước đây, ở một mức độ nhất định, Nhật đã là một thị trường khép kín. Hiện nay chỉ còn một vài lĩnh vực nhưng nông nghiệp là vẫn còn đóng cửa. Nhưng điều này cũng giống như ở tất cả các nước. Tuy nhiên, đối với các sản phẩm công nghiệp, Nhật Bản đã cố gắng rất lớn. Ông có biết rằng chỉ có sản phẩm công nghệ là lĩnh vực duy nhất mà Nhật còn bảo vệ được thị trường của mình chứ? Đó là thị trường các sản phẩm như da, giày. Còn ngoài ra là hoàn toàn tự do trao đổi. Và thuế quan của chúng tôi thuộc loại thấp nhất thế giới. Các xí nghiệp nước ngoài có thể bán hàng với các chính sách ưu đãi giống như đối với các xí nghiệp Nhật. Theo quan điểm MITI về các sản phẩm công nghiệp, thị trường của chúng tôi không còn đóng cửa nữa.”
Nhưng phải nói thế nào về những hạn chế được giấu kín, chẳng hạn như hệ thống phân phối của Nhật, mãi cho đến bây giờ, cũng vẫn tẩy chay việc buôn bán hàng nước ngoài trên khắp nước Nhật?
“Các diễn văn đã được đọc lên đó đây nói về tổ chức xã hội và các thói quen mua bán ở Nhật, nói cho đúng ra, đều không phải là những hạn chế thuế quan cổ điển. Nhưng đây là một đề tài khó khăn. Mỗi nước đều có lịch sử riêng, tập quán riêng, thực tế riêng và thói quen riêng. Không có gì tự nhiên hơn thế. Bởi vậy cần phải hết sức thận trọng khi so sánh các hệ thống khác nhau của các nước khác nhau. Cái nào là tốt nhất? Ai có thể thẩm định được? Có lẽ chỉ một mình Thượng đế? Nhưng Thượng đế không ở trên trần gian, phải không? Xin hiểu tôi cho rõ: tôi không muốn tán dương hệ thống Nhật và tuyên bố rằng các thống khác là kém. Mỗi quốc gia đều có hệ thống riêng. Đó là một thực tế. Và cũng giống như vậy, có một thực tế là không một nước nào có quyền chỉ trích hệ thống của một nước khác.”
Koji Sugiue hơi cao hứng. Đề tài này làm ông ta khoái.
“Điều quan trọng đối với tôi là tất cả các nước cần cố gắng hoàn thiện hệ thống của mình. Vì thế, Nhật cũng cần cải tiến hệ thống phân phối, các mạch bán hàng. Vâng. Hệ thóng Nhật còn chưa hoàn chỉnh. Chính vì thế, người Nhật chúng tôi mong muốn hoàn thiện hệ thống của mình và chúng tôi sẵn lòng nghe những ý kiến của các nước khác. Chúng tôi không đối đầu trong thảo luận với các chính phủ khác, để cải tiến hệ thống và các thói quen mua bán của mình. Hãy xem xét kết quả của những cuộc thảo luận giữa chúng tôi với người Mỹ và sự thỏa thuận nơi bản Sáng kiến về Cấu trúc hạn chế (SII). Tất nhiên, tôi đồng ý với ông rằng: Nhật cần phải tỏ ra mềm mỏng hơn. Tuy nhiên, chúng ta không nên quên rằng các chính phủ đều mềm dẻo và linh hoạt hơn các nhà công nghiệp. Bởi vì chính các nhà công nghiệp mới sống bằng thương mại và họ cần có một ít thời gian để tự chuẩn bị cho các thay đổi này.”
Hồ sơ về vụ xe hơi: chính Châu Âu có lỗi
Khi đề cập đến hồ sơ nóng bỏng về xe hơi, vốn đã gây ra những cuộc tranh luận gay gắt giữa CEE và chính phủ Nhật từ năm 1989, Koji Sugiue tỏ ra nắm vững vấn đề thuộc lĩnh vực mà ông am hiểu nhất. Song, vì những cuộc tranh luận đặc biệt nhạy cảm này quả còn lâu mới chấm dứt, ông ta không thể nói nhiều về chuyện đó được. Tuy nhiên, ông vẫn sẵn sàng trở lại cuộc tranh luận và vẫn không ngại tỏ ra là người cứng cỏi đối với những nhà thương thảo Châu Âu. Liệu Nhật Bản có sẳn sàng để tự nhận các hạn ngạch xuất khẩu xe hơi sang CEE sau năm 1992? Như chúng ta đã thấy, nhiều quốc gia, trong đó có Pháp, đã quy định các hạn ngạch chặt về việc nhập khẩu xe hơi. Ở Pháp, nhập khẩu xe hơi của Nhật bị giới hạn ở mức 3 % số đăng bạ. Sau năm 1992, tất cả các hạn ngạch quốc gia sẽ bị bãi bỏ để nhường chỗ cho các quyết định của cộng đồng Châu Âu vốn có chỉ mình nó sẽ có quyền quyết định ra luật lệ. Liệu Nhật Bản đã sẵn sàng nhượng bộ?
“Ha ha! Đó là một câu hỏi quá cụ thể! Quả rất khó trả lời ngay bây giờ. Một câu quá tế nhị, ông hiểu chứ! Nhưng người Nhật chúng tôi thừa nhận rằng xe hơi là một vấn đề lớn giữa Nhật và CEE. Chúng tôi hiểu rằng với sự hội nhập của thị trường Châu Âu, sau năm 1992, những nước như Pháp và Ý sẽ phải bãi bỏ những hạn chế nhập khẩu của họ. Bởi vậy, Châu Âu đang có chuẩn bị một ‘chính sách chung’ cho vấn đề này. Nhưng dường như các quốc gia thành viên vẫn chưa đi đến một thống nhất (đến mùa đông 1990 – 1991). Một cách tổng quát, mọi hạn chế nhập khẩu đều trái với các quy định của GATT. Bởi thế, việc hủy bỏ các hạn chế này là bắt buộc nếu Châu Âu năm 1992 muốn tôn trọng các quy định của GATT.”
Koji Sugiue nhấn mạnh:
“Dù gì đi nữa, nước Nhật cũng sẽ không hề chịu bù lỗ để đổi lấy sự tự do hóa của thị trường Châu Âu. Trách nhiệm của CEE là phải tự do hóa và tự hủy bỏ những hạn chế bất hợp lệ, chiếu theo các quy định của GATT. CEE sẽ không được đòi hỏi bù lỗ. Chúng tôi không có lỗi gì. Chính CEE mới có lỗi. Tại sao lạo phải trả tiền bù lỗ? Nhưng nói như thế, chúng tôi hiểu tầm quan trọng của vụ việc này và chúng tôi tự giữ một thái độ hợp tác với CEE.”
Koji Sugiue hé cho thấy nước ông sẽ sẵn sàng chấp nhận một sự “tự hạn chế” xuất khẩu của mình sang thị trường CEE sau năm 1992 trong một thời gian nhất định. Nhưng ông vội thêm rằng Nhật không chấp nhận nguyên tắc do một số nước như Pháp đòi hỏi, là phải tính chung trong các hạn ngạch nhất thời ấy sản lượng xe hơi Nhật sản xuất tại các nước này (phi địa phương hóa).
“Chúng tôi nghe nói rằng một số nước của CEE cứ nằng nặc đòi cho bằng được là sản lượng xe hơi trong các xí nghiệp phi địa phương hóa của Nhật tại Châu Âu cũng phải được tính vào hạn ngạch. Đó là một vấn đề căn bản, vì sự tác động của nó quá lớn đối với Nhật. Không chỉ trong lĩnh vực xe hơi, mà còn trong tất cả các lĩnh vực khác và trong tất cả các nước khác. Nó sẽ là một tiền lệ nghiêm trọng và không thể chấp nhận được. Các nguồn đầu tư của Nhật ở nước ngoài không thể bị phạt vạ như vậy. Tất cả các xí nghiệp thành lập ở nước ngoài với vốn đầu tư của Nhật như Nissan ở nước Anh, cần phải được đối xử như là một xí nghiệp của CEE. Một lần nữa, đó là vì sự hợp lý mà chúng tôi nói.”
Như để kết luận, Koji Sugiue khẳng định là tuy vậy nước Nhật đã rút tỉa được nhiều bài học trong hợp tác kinh tế đôi khi đầy sóng gió với thế giới bên ngoài.
“Nếu công nghiệp Nhật muốn tồn tại và tiếp tục phồn thịnh, các xí nghiệp của nó cần phải toàn cầu hóa những hoạt động của mình trong các nước khác. Song các xí nghiệp này cũng phải suy nghĩ về những đóng góp mà họ mang lại cho nước chủ nhà, cho nền công nghiệp địa phương, cho chính phủ của nước này. Nói tóm lại, các xí nghiệp này phải xử sự như các công dân tốt của các nước chủ nhà.”
Công việc còn lại đối với một người nước ngoài – sau khi nói chuyện với Koji Sugiue – là phải phân biệt trong các ý kiến này, đầu là phần diễn văn về tình hình của một nước Nhật đang tìm cách chơi trò ru ngủ những ngờ vực của Châu Âu và đầu là phần phát biểu chân thật của một nước Nhật đang thực sự lo âu về hình ảnh nhãn hiệu của nó ở nước ngoài đang xuống cấp.