Frankenstein - Chương 01

Chương 1

Tôi sinh ra là người Geneva[13], và gia đình tôi nằm trong số những dòng họ cao quý nhất của đất nước theo chính thể cộng hòa này. Các cụ tổ tôi bao đời là cố vấn pháp luật và thẩm phán, và cha tôi đã đảm trách nhiều công vụ đem lại cho ông tăm tiếng và vinh dự. Ai biết ông đều trọng ông, ông toàn tâm toàn lực phục vụ việc công. Suốt một thời tuổi trẻ, ông bận bịu trong những việc chung của đất nước, và những sự ngẫu nhiên dồn đẩy khiến ông không lập gia đình sớm, mà tới lúc xế chiều mới trở thành một người chồng, người cha của một gia đình.

[13] Geneva (Genève): thủ phủ của bang Geneva, là thành phố lớn nhất trong vùng lãnh thổ nói tiếng Pháp của Thụy Sĩ trên bờ sông Rhône ở đầu phía Tây hồ Geneva, nơi dòng Arve từ đỉnh Mont Blanc đổ xuống Rhône.

Bởi những sự kiện xung quanh việc ông kết hôn minh họa thêm cho tính cách ông quá rõ, tôi không thể nào không kể lại. Một trong những người bạn thân thiết nhất của ông là thương nhân, ban đầu giàu có, nhưng qua nhiều nỗi rủi ro đã trở nên nghèo túng. Ông Beaufort – tên người bạn đó – vốn kiêu hãnh, tính tình kiên quyết, không chịu nổi sống trong nghèo hèn và quên lãng tại xứ sở đã từng ca tụng địa vị và cuộc sống huy hoàng của ông, nên sau khi trả hết nợ nần đàng hoàng, ông lui về ở thị trấn Lucerne[14] cùng cô con gái, sống trong cảnh khốn khổ không ai biết đến. Cha tôi yêu Beaufort với một mối giao tình thắm thiết, và vô cùng buồn khổ khi thấy ông lánh đi giữa tình cảnh khó khăn như vậy. Ông oán trách lòng tự ái sai lầm của bạn mình đã khiến ông ta xử sự chẳng xứng với tình cảm thân thiết giữa hai người. Không chút trì hoãn, ông vội lên đường tìm kiếm bạn mình, hy vọng ông ta nhận sự giúp đỡ và bảo trợ của mình, trở lại với cuộc sống.

[14] Lucerne (Luzern): thủ phủ bang Lucerne, nằm trên sông Reuss và hồ Lucerne thuộc vùng trung Thụy Sĩ, sử dụng tiếng Đức.

Beaufort những cách hữu hiệu nhất để ẩn thân, và mãi mười tháng sau cha tôi mới tìm thấy chỗ ở của ông. Quá mừng rỡ vì sự phát hiện này, ông vội đến ngay nơi đó, một căn nhà nhỏ ở con phố hẹp gần sông Reuss. Nhưng chỉ có cảnh cùng cực và tuyệt vọng đang chờ đón ông. Beaufort chỉ dành dụm được một món tiền mọn sót lại từ tài sản trước kia, nhưng cũng đủ cho ông sống qua vài tháng trong lúc ông tìm cách kiếm một chỗ làm tử tế trong một hãng buôn. Thế là thời kỳ chờ đợi trôi qua nhàn rỗi một cách bức bối; nỗi sầu khổ của Beaufort chỉ càng thêm phiền muộn và cay đắng mỗi khi ông rảnh rỗi mà nghĩ ngợi; và cuối cùng nó chi phối tâm trí ông tới mức chỉ sau ba tháng ông phải nằm liệt giường, sức tàn lực kiệt.

Con gái ông chăm sóc ông hết sức dịu dàng tận tụy; nhưng cô thất vọng thấy vốn liếng nhanh chóng cạn dần, mà xem ra không có triển vọng được ai giúp đỡ cả. Tuy nhiên Caroline Beaufort có ý chí hơn người: lòng can đảm đã hỗ trợ cô trong nghịch cảnh. Cô khâu thuê vá mướn, bện rơm và làm nhiều công việc hèn mọn khác nữa nhằm xoay xở kiếm chút thù lao nhỏ nhoi khả dĩ duy trì được cuộc sống.

Đã nhiều tháng trôi qua như vậy. Cha cô càng ốm yếu hơn, cô gần như sử dụng toàn bộ thời gian để săn sóc cha mình, phương kế sinh nhai giảm sút, và sau mười tháng cha cô qua đời trong vòng tay cô, để lại đứa con gái côi cút, ăn mày. Cú trời giáng này khiến cô gục ngã; và cô đang quỳ bên quan tài cha cô, khóc than tức tưởi, thì cha tôi bước vào phòng. Ông đã xuất hiện đúng lúc như một thần linh đến bảo vệ cô gái đáng thương, cô giao phó mình cho cha tôi chăm sóc, và sau khi chôn cất bạn mình ông đưa cô về Geneva, gửi cô cho một người họ hàng trông nom. Hai năm sau chuyện đó, Caroline trở thành vợ của cha tôi.

Giữa cha mẹ tôi có một khoảng cách rất xa về mặt tuổi tác, nhưng điều này dường như chỉ càng khiến tình cảm họ thêm gắn bó với nhau. Trong tâm hồn chính trực của cha tôi có ý thức rõ rệt về sự công bằng, khiến Người thấy chỉ có tôn trọng thật nhiều mới có thể yêu thương thật sâu nặng. Có lẽ trong mấy năm trước ông đã phải khổ tâm vì phát hiện ra quá muộn sự không xứng đáng của một người mà mình yêu quý, do đó ông càng đánh giá rất cao những giá trị đã được thử thách. Trong sự gắn bó thiết tha của ông với mẹ tôi có hàm chứa cả lòng biết ơn và tôn thờ, nó khác với niềm say mê thường thấy dành cho tuổi trẻ – bởi nó xuất phát từ lòng trân trọng đối với những đức tính của bà, và từ mong muốn bù lại phần nào những đau khổ mà bà phải chịu đựng – nhưng nó khiến ông chiều chuộng bà không sao kể xiết. Mọi việc ông làm đều là để thỏa những ước nguyện của bà, chăm lo đến sự thoải mái cho bà. Ông bảo vệ bà, như người làm vườn nâng niu một chậu cây nhiệt đới mỏng manh khỏi cơn gió mạnh, và sắp đặt quanh bà mọi điều có thể khơi lên những ình cảm êm dịu trong tâm hồn hiền dịu và đức độ của bà. Sức khỏe của bà, và cả tâm trí trước đó vốn vẫn thăng bằng và bình tĩnh, đã bị ảnh hưởng nhiều do những sự kiện vừa qua. Trong vòng hai năm trước cuộc hôn nhân của họ, cha tôi đã dần dần rút chân khỏi những bổn phận của mình; và ngay sau hôn lễ họ làm một chuyến du hành qua Ý, mong khí hậu dễ chịu và sự thay đổi cảnh quan cùng hứng thú trên đất nước kỳ thú ấy giúp được bà hồi phục sức khỏe mong manh của mình.

Từ Ý họ sang thăm Đức và Pháp. Tôi, đứa con trai đầu của họ, sinh ra tại Naples, và từ khi còn là đứa bé sơ sinh đã cùng tham dự những chuyến ngao du của hai người. Suốt nhiều năm tôi vẫn là đứa con duy nhất. Quá yêu quý nhau đến như họ, họ dường như tìm được những dòng yêu thương vô tận từ chính suối nguồn của tình yêu để ban phát cho tôi. Những âu yếm mẹ dành cho tôi, nụ cười nhân từ đầy hạnh phúc của cha khi nhìn tôi là những hồi ức đầu tiên của tôi. Tôi là đồ chơi và cũng là thần tượng của họ, và còn hơn thế nữa: là con của họ, sinh vật ngây thơ và yếu đuối được Thượng Đế đặt vào lòng họ, để họ nuôi dạy trở thành người tốt, và số phận tương lai của tôi nằm trong tay họ, đi tới hạnh phúc hay đau khổ là tùy họ thực hiện sứ mạng đối với tôi ra sao. Ý thức sâu sắc về những gì họ mang nợ với sinh vật họ đã sinh ra đời đó, cộng với tình cảm âu yếm nồng nhiệt vốn xâm chiếm cả hai, hoàn toàn dễ hiểu là mỗi giờ trong cuộc đời bé bỏng của mình tôi đều nhận được một bài học về lòng kiên trì, tình nhân ái, tính tự chủ; tôi như được dắt dẫn bằng một sợi dây bằng lụa, chỉ cảm thấy những vui sướng là vui sướng.

Trong suốt một thời gian dài, tôi độc chiếm sự chăm nom săn sóc của họ. Mẹ tôi rất muốn có một đứa con gái, nhưng tôi vẫn cứ là con một mãi. Khi tôi năm tuổi, một lần đi chơi tới bên kia biên giới Ý, họ dừng chân một tuần lễ bên bờ hồ Como. Đức tính nhân từ đã thành bản chất khiến họ thường xuyên lui tới thăm khu dân nghèo. Đối với mẹ tôi đó không những là bổn phận, nó còn là nhu cầu bức bách, là niềm say mê – khi nhớ đến những gian khổ đã trải qua và vì sao mình thoát khỏi – để đến lượt bà làm thiên thần hộ mệnh cho những kẻ nghèo hèn. Trong một chuyến thăm như vậy, họ chú ý đến một nếp nhà tranh trên triền thung lũng, một nơi đặc biệt khốn khổ, có đám trẻ ăn mặc rách rưới vây quanh, tất cả nói lên nỗi cùng cực nhất đời. Một hôm cha tôi đi Milan một mình, mẹ tôi, có tôi bám theo, đến thăm túp nhà đó. Bà gặp một người nông dân cùng bà vợ, lưng còng xuống vì lao động nặng nhọc, đang chia chút thức ăn đạm bạc cho năm đứa trẻ đói khát. Trong số bọn trẻ có một đứa làm mẹ tôi lưu ý hơn hẳn những đứa khác. Trông cô bé như thuộc về một nòi khác hẳn. Bốn đứa trẻ kia là những nhóc ranh dày dạn mắt đen; riêng cô bé này mỏng mảnh và xinh vô cùng. Tóc cô óng như vàng ròng, và dù quần áo nghèo nàn, mái tóc ấy như chiếc miện khẳng định thứ bậc của cô. Lông mày đậm và rõ nét, mắt xanh thẳm không chút u buồn, đôi môi và khuôn mặt nói lên tất cả vẻ dịu dàng và nhạy cảm, khiến ai nhìn cô bé cũng thấy như cô thuộc một giống nòi khác, tựa như từ thiên đường hạ thế, mỗi nét đều mang dấu ấn của thiên thần.

Người đàn bà nông dân, thấy mẹ tôi cứ ngắm cô bé đáng yêu với vẻ ngạc nhiên và chiêm ngưỡng, liền sốt sắng kể lể sự tình. Cô vốn không phải con ruột bà mà là con một nhà quý tộc thành Milan. Mẹ cô người Đức, đã chết trong khi sinh nở. Đứa bé sơ sinh được trao cho gia đình tốt bụng này – ngày đó họ còn khá giả hơn bây giờ. Họ mới lấy nhau và vừa sinh đứa đầu lòng. Cha cô bé nằm trong số những người Ý vốn lớn lên trong niềm tiếc nuối vinh quang xa xưa của nước Ý – một trong những schiavi ognor frementi[15] đã hy sinh thân mình cho tự do của tổ quốc. Ông đã trở thành nạn nhân của sự yếu hèn của tổ quốc ấy. Ông đã chết, hay còn sống lay lắt trong những hầm ngục Áo, không ai biết. Gia sản ông bị tịch thu, cô con gái bé nhỏ trở thành mồ côi, một kẻ ăn mày. Cô sống tiếp với cha mẹ nuôi, bừng nở trong căn nhà tồi tàn của họ, đẹp hơn cả đóa hồng ngát hương giữa đám mâm xôi lá thẫm.

Khi cha tôi từ Milan trở về, ông thấy tôi đang chơi trong sảnh ngôi biệt thự nhà mình với một em bé đẹp hơn cả thiên thần trong tranh, một cô bé có tia nhìn như rọi sáng mọi vật, dáng dấp và cử động thanh thoát nhẹ nhàng hơn cả sơn dương trên núi. Quang cảnh này được giải thích ngay cho ông rõ. Được ông cho phép, mẹ tôi thuyết phục đôi vợ chồng nông dân nhượng lại cho bà quyền giám hộ cô bé. Họ vốn rất yêu cô bé mồ côi xinh xắn. Sự có mặt của cô đối với họ như thể sự ban ơn của Trời; nhưng giữ cô trong hoàn cảnh đói nghèo sẽ thật bất công khi Trời đã ban cho cô sự bảo hộ vững vàng như thế này. Họ hỏi ý cha cố trong làng, và kết quả là Elizabeth Lavenza trở thành người trong nhà chúng tôi – còn hơn cả một cô em gái – là cô bạn xinh đẹp được tôn sùng ở bên mọi thú vui, mọi công việc của tôi.

[15] Schiavi ognor frementi: “những vong quốc nô muôn đời căm phẫn”. Trước khi nước Ý được thống nhất vào đầu thế kỷ 19, vùng Lombardy suốt nhiều thế kỷ là đối tượng của những thế lực khác nhau xâu xé và những cuộc chiến giành quyền tự trị. Tới thế kỷ 15, khi tình hình tạm ổn định, công quốc Milan đã có được thời kỳ phát triển thịnh vượng của mình. Sau trận Pavia (1525), công quốc Milan về tay nước Áo, cho tới khi lại có được độc lập nhất định khi đế quốc Napoleon lan ra khắp châu Âu vào cuối thế kỷ 18.

Ai cũng yêu Elizabeth. Niềm gắn bó say sưa và gần như sùng kính mà tất cả mọi người dành cho em, và tôi cũng chia sẻ nó, lại cũng trở thành niềm kiêu hãnh và vui sướng của tôi. Buổi chiều trước hôm đưa em về nhà, mẹ tôi đùa cợt nói: “Em có một món quà thật xinh xẻo cho Victor[16] đây, mai con sẽ nhận được nó.” Và thế là hôm sau, khi mẹ giới thiệu Elizabeth cho tôi như món quà đã hứa, tôi, với niềm tin nghiêm túc của trẻ con, hiểu những lờ theo đúng nghĩa đen, tôi xem Elizabeth như là của tôi – trao vào tay tôi bảo vệ, yêu thương và trìu mến. Những lời người ta khen ngợi em, tôi xem như khen ngợi một báu vật thuộc quyền tôi sở hữu. Để cho tiện chúng tôi gọi nhau là anh em họ, nhưng không từ nào, không câu chữ nào thể hiện được mối quan hệ giữa em và tôi – em còn hơn cả em gái tôi nữa, vì em chỉ là của một mình tôi cho đến chết.

[16] Đây là lần đầu tiên cái tên Victor xuất hiện trong tác phẩm; trong bản 1818, cái tên này sẽ không xuất hiện mãi cho đến sau “Cornelius Agrippa”. Trong Thiên đàng đánh mất, chữ “Victor” - kẻ thắng - được dùng lặp đi lặp lại để chỉ Chúa trời và luôn xuất hiện trong phát ngôn của Satan.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3