Frankenstein - Chương 05

Chương 5

Vào một đêm tháng Mười một ảm đạm, công trình gian khổ của tôi hoàn thành. Lo lắng đến mức gần như đau đớn, tôi thu thập các khí quan của sự sống nằm quanh tôi, để đưa tia lửa sống vào cái cơ thể đang vô tri vô giác nằm dưới chân tôi kia. Đã một giờ sáng, mưa buồn thảm đập vào ô kính cửa sổ, nến đã sắp sửa tàn, thì, dưới ánh sáng đang lụi dần chỉ còn le lói, tôi trông thấy con mắt vàng mờ đục của cái sinh vật kia hé mở; nó thở nặng nhọc, và một cơn co giật chạy qua chân tay nó.

Làm sao miêu tả nổi nỗi xúc động của tôi trước tai ương ấy; làm sao phác họa nên cái của khốn nạn mà tôi đã bao đau đớn và chăm chút sáng tạo ra? Chân tay hắn cân đối đâu vào đấy, và tôi đã cố lựa chọn cho hắn nét mặt thật là đẹp đẽ. Đẹp đẽ ư! Trời cao đất dày ơi! Làn da vàng của hắn che không nổi các cơ và mạch máu đang giần giật bên dưới; tóc đen óng chảy sóng mượt, răng trắng muốt như hạt ngọc trai; tuy nhiên những nét đẹp thừa thãi đó chỉ tạo thành mối tương phản khủng khiếp đối với đôi mắt ướt nhoèn, giống hệt màu nâu xám của xương hốc mắt, nước da úa tàn, và đôi môi đen mím chặt.

Cuộc đời có biến động đến mấy cũng ít khôn lường hơn tình cảm con người. Gần hai năm trời tôi miệt mài lao động, chỉ nhằm mục đích thổi sự sống vào một cái thi thể bất động. Vì mục đích ấy tôi đã tự tước đi cả nghỉ ngơi và sức khỏe. Tôi đã cháy lòng khao khát nó với một tình cảm vượt xa điều độ; ấy thế mà nay, hoàn tất công việc rồi, cái đẹp của giấc mơ biến mất, chỉ còn lại nỗi kinh hoàng và ghê tởm đến nghẹt thở trong tim. Chịu không nổi phải nhìn thấy cái thực thể mình đã tạo ra đó, tôi chạy bổ ra khỏi phòng, mất một hồi lâu đi tới đi lui trong phòng ngủ, không thể nào bình tĩnh lại mà đi ngủ được. Mãi sau, sự kiệt sức đã lên cao thành cơn hoảng loạn mà tôi đã từng trải qua lúc trước; và tôi để cả quần áo vật mình trên giường, cố tìm quên lãng. Nhưng chỉ vô ích: tôi ngủ được thật, nhưng lại gặp phải một giấc mơ rồ dại chưa từng thấy. Tôi tưởng như trông thấy Elizabeth, sức khỏe tràn trề, đang trên đường phố Ingolstadt. Quá sung sướng và ngạc nhiên, tôi ôm lấy nàng; nhưng khi tôi đặt nụ hôn đầu tiên lên môi nàng, nó chợt trở thành tím tái đầy chết chóc; nét mặt nàng dường như thay đổi, và tôi tưởng như đang ôm xác người mẹ quá cố của tôi trong tay; một tấm khăn liệm phủ lấy hình hài, tôi trông thấy dòi bọ dưới mồ đang bò lổm ngổm trên các nếp gấp của tấm khăn. Tôi choàng dậy vì hoảng hốt; mồ hôi lạnh dấp trên trán, răng va lập cập vào nhau, tứ chi co rút: vừa lúc đó, nhờ ánh trăng vàng mờ chui lọt qua khe chớp cửa sổ, tôi nhìn thấy kẻ khốn nạn kia – con quái vật thảm hại mà tôi đã tạo ra. Hắn vén màn che giường lên, đôi mắt hắn, nếu ta có thể gọi đó là mắt, chăm chú nhìn tôi. Quai hàm há ra, hắn thì thầm những âm thanh không rành mạch, trong khi má nhăn lại trong một điệu cười. Có lẽ hắn đã nói gì đó, nhưng tôi không nghe thấy; hắn giơ một cánh tay ra, hầu như muốn nắm lấy tôi, nhưng tôi chuồn mất, và lao xuống cầu thang. Tôi náu vào sân sau ngôi nhà đang ở và trốn ở đó suốt đêm; tâm hồn xáo động, tôi cứ đi đi lại lại, nghe nghe ngóng ngóng, nắm bắt và tái người trước mỗi tiếng động nhỏ như thể nó báo hiệu cái thây ma quỷ kia đến gần, cái thây tôi đã phạm hành động kinh tởm là ban cho sự sống.

Ôi! Không người sống nào có thể chịu nổi gương mặt kinh khủng ấy. Một cái xác ướp sống lại cũng không đến nỗi xấu xí ghê tởm như của khốn nạn này. Tôi đã nhìn kỹ hắn lúc hắn chưa được hoàn thành; lúc ấy trông hắn đã xấu rồi; nhưng đến khi các cơ và khớp đã cử động được, hắn trở thành một thứ ngay cả Dante[27] cũng không hình dung nổi.

[27] Dante Alighieri (1265 - 1321): nhà thơ Ý, tác giả Thần khúc. Trong phần đầu của Thần khúc, “Địa ngục”, Dante có miêu tả những tội nhân đang chịu trừng phạt, hình thể bị méo mó đi tương ứng với những tội lỗi trong tâm hồn họ lúc còn ở trên cõi trần.

Đêm hôm ấy trôi qua thật khốn khổ đối với tôi. Có lúc mạch tôi đập nhanh và mạnh đến nỗi tôi cảm thấy cơn run của từng nhịp đập; lúc khác, tôi gần như xỉu xuống đất do kiệt quệ và yếu ớt quá chừng. Giữa nỗi kinh hoàng ấy, tôi cảm thấy niềm thất vọng chua cay; những giấc mơ lâu nay nuôi dưỡng tôi, là nơi tôi ẩn náu êm đềm trong cả một thời gian dài đến thế, nay đối với tôi là địa ngục; sự thay đổi sao quá nhanh đến thế, tất cả đổ ụp hoàn toàn đến thế!

Buổi sáng ẩm thấp u sầu cuối cùng cũng rạng, và hé ra trước đôi mắt đau nhức và thiếu ngủ của tôi nhà thờ Ingolstadt, ngọn tháp trắng với đồng hồ của nó, đang chỉ sáu giờ. Người gác mở cổng chiếc sân, nơi ẩn náu của tôi đêm đó, và tôi ào ra đường, bước nhanh trên các con phố, tựa như tìm cách lánh mặt cái của khốn nạn kia, mà tôi cảm giác sẽ ló ra ở bất cứ góc phố nào. Tôi không dám trở về căn phòng mình ở, mà cảm thấy bị buộc phải đi cho nhanh, dù đang ướt sũng như chuột lột vì cơn mưa mới trút xuống từ bầu trời đen kịt u ám.

Tôi cứ đi như thế một lúc lâu, mong hành xác để rũ bớt gánh nặng mang trong tâm trí. Tôi qua hết phố nọ đến phố kia, chẳng hề có chút khái niệm mình đang ở đâu, đang làm gì. Tim tôi giật lên từng hồi trong cơn sợ muốn phát bệnh; tôi bước vội bước vàng chân thấp chân cao, không dám đưa mắt nhìn quanh:

Như ai đó, trên con đường cô quạnh

Bước đi trong khiếp đảm hãi hùng

Chỉ quay lại nhìn có một lần

Rồi thôi không dám quay đầu nữa

Bởi hắn biết một con quỷ khủng khiếp

Đang theo sát hắn từng bước chân. (*)

(*) Người thủy thủ già của Coleridge (Chú thích của Mary Shelley trong nguyên bản).

Cứ tiếp tục đi như thế, cuối cùng tôi đến trước cái quán xưa nay nhiều xe ngựa chở khách hay hàng hóa đường dài hay tới đậu. Tôi dừng lại ở đó, chẳng hiểu tại sao; nhưng tôi cứ đứng yên dán mắt vào một chiếc xe từ đầu phố đằng kia đang tiến lại phía tôi. Tới gần, tôi thấy đó là một xe ngựa Thụy Sĩ: nó dừng ngay nơi tôi đứng; cửa xe mở ra, và tôi trông thấy Henry Clerval đã nhảy ào ra khi trông thấy tôi. “Frankenstein thân mến của tôi ơi! Mừng biết bao khi được gặp lại bạn! May sao bạn ở đây đúng lúc tôi xuống xe!”

Không gì làm tôi sung sướng hơn khi trông thấy Clerval; nhìn thấy anh tôi tưởng ngay đến cha tôi, Elizabeth, mọi cảnh tượng quê nhà thân thương trong trí nhớ. Tôi vội nắm bàn tay anh, phút chốc quên hẳn cơn hãi hùng và rủi ro đang chịu đựng; đột ngột và lần đầu tiên sau nhiều tháng trời tôi lại cảm thấy niềm vui yên bình và trong sáng. Thành thử tôi đón tiếp Clerval thân tình vô hạn, và chúng tôi tản bộ về phía trường. Clerval tiếp tục nói khá lâu về những người bạn chung, về may mắn của bản thân mình được phép tới Ingolstadt. “Bạn hẳn quá biết,” Clerval nói, “thuyết phục được cha tôi khó như thế nào để ông hiểu rằng mọi kiến thức người ta cần ở đời đâu chỉ nhờ cái nghệ thuật cao quý là ôm sổ sách kế toán; và thực tế, tôi tin rằng mãi đến phút cuối tôi cũng không lay chuyển được lòng tin của cha tôi, bởi câu trả lời thường trực cho những khẩn cầu không mỏi của tôi vẫn y như ông thầy giáo Hà Lan nói trong Cha sở xứ Wakefield[28] ‘Chẳng cần tiếng Hy Lạp tôi vẫn có mười ngàn florin một năm, chẳng cần tiếng Hy Lạp tôi vẫn ăn ngon miệng.’ Nhưng cuối cùng tình yêu dành cho tôi đã chiến thắng được sự khinh miệt đối với học hành, và ông đồng ý cho tôi thực hiện một chuyến du hành khám phá miền đất quê hương tri thức.”

[28] The Vicar of Wakefield: tiểu thuyết của Oliver Goldsth, 1766. Chương 20, khi George, con trai của viên cha sở chu du khắp châu Âu và đang đói việc, anh đến gặp hiệu trưởng một trường đại học Hà Lan đề nghị đem vốn tiếng Hy Lạp đào tạo tại Oxford của mình làm một chân giảng viên ở trường đó và được trả lời như trên.

“Gặp bạn là niềm vui mừng lớn nhất dành cho tôi; song hãy cho tôi biết tình hình cha tôi, các em trai tôi, Elizabeth ra sao khi bạn ra đi.”

“Họ khỏe cả, và rất hạnh phúc, chỉ hơi không yên lòng khi bạn gần như chẳng viết thư về gì cả. Nhân đây, tôi cũng được giao nhiệm vụ phải thay họ diễn thuyết một bài đạo đức cho bạn nhớ. Nhưng Frankenstein ạ,” Clerval bỗng đứng lại, nhìn kỹ khuôn mặt tôi, “lúc nãy tôi chưa kịp để ý rằng trông bạn ốm quá đi mất, xanh và gầy quá, có vẻ như đã thức trắng nhiều đêm.”

“Bạn đoán đúng; gần đây tôi lao vào một công việc, nó không cho phép tôi được nghỉ ngơi đầy đủ như bạn thấy đấy: nhưng tôi hy vọng, thành thực hy vọng, là công việc ấy giờ đây chấm dứt rồi, và rằng tôi đã được hoàn toàn tự do.”

Tôi run bắn hết cả người lên; nghĩ về nó tôi đã không chịu nổi, chưa nói đến chuyện nhắc nhở về sự việc đêm qua. Tôi bước nhanh và chẳng mấy chốc cả hai về đến trường tôi. Lúc đó tôi nhớ lại, và rùng mình, rằng cái sinh vật tôi tạo ra hôm qua, chắc vẫn còn đấy, sống nguyên, và đang đi lung tung trong nhà. Tôi sợ đến phát khiếp khi lại phải nhìn thấy con quái vật này, nhưng sợ hơn nữa là để Henry nhìn thấy nó. Vì vậy, yêu cầu bạn tôi đứng lại vài phút dưới chân cầu thang, tôi lao lên căn hộ của mình. Đã đặt tay lên núm cửa rồi mà tôi vẫn chưa bình tĩnh lại. Tôi ngừng một lát; và một cơn run rẩy cóng người lướt qua tôi. Tôi đẩy tung cánh cửa, giống kiểu trẻ con vẫn làm khi nghĩ rằng có con ma đứng sẵn chờ chúng bên trong; nhưng chẳng thấy gì hết. Tôi bước vào trong kinh sợ: căn hộ trống rỗng, giường tôi cũng không còn vị khách ghê tởm kia. Tôi không sao tin được mình may mắn đến nhường ấy; nhưng khi chắc chắn kẻ thù đã chuồn mất rồi, tôi vỗ tay đầy mừng rỡ, và chạy xuống đón Clerval.

Hai chúng tôi lên phòng, và người phục vụ lập tức mang thức ăn sáng tới, nhưng tôi không kiềm chế được mình. Tôi không chỉ tràn ngập trong sung sướng; tôi cảm thấy từng thớ thịt mình rạo rực như có kim châm, mạch tôi rộn lên. Tôi không đứng yên được lấy một chút; tôi nhảy lên ghế, vỗ hai bàn tay vào cười lên ha hả. Lúc đầu Clerval tưởng tôi vui bất thường là do anh đến, nhưng sau khi nhìn kỹ hơn, anh thấy trong mắt tôi có ánh điên dại mà anh không hiểu được; và những tràng cười lớn, khô khốc, không kiềm chế được của tôi khiến anh lấy làm lạ và hoảng sợ nữa.

“Victor thân mến,” anh kêu lên, “có chuyện gì thế này hả Trời? Đừng có cười như thế. Bạn ốm quá rồi! Tất cả chuyện này là vì đâu vậy?”

“Đừng hỏi tôi bạn ơi,” tôi vừa hét to vừa lấy tay che mắt, vì cảm giác như vừa thấy con ma kinh khủng lại lướt vào phòng; “hắn đấy, hắn sẽ cho bạn biết vì sao. Ôi, cứu tôi với! Cứu tôi!” Tưởng như con quái vật nắm lấy mình, tôi vùng vẫy kịch liệt rồi lăn ra ngất xỉu.

Clerval tội nghiệp! Chẳng hiểu lúc đó cảm nghĩ anh ra sao? Một cuộc gặp gỡ mà anh đã mong chờ vui vẻ đến thế, nay biến thành cay đắng lạ lùng. Nhưng tôi nào có chứng kiến được nỗi khổ đau của anh; bởi tôi đã bất tỉnh nhân sự, và chỉ tỉnh lại sau một thời gian dài, rất dài.

Đó là khởi đầu của một cơn sốt thần kinh đã khiến tôi phải liệt giường nhiều tháng. Suốt thời kỳ này Henry là y tá duy nhất săn sóc tôi. Mãi về sau tôi mới biết rằng, vì biết cha tôi tuổi già sức yếu, khó lòng đi xa được, và Elizabeth sẽ khốn khổ đến đâu nếu biết tôi ra thế này, anh đã giấu nhẹm không cho họ biết tôi nguy kịch đến đâu. Anh cũng hiểu chẳng ai chăm sóc tôi ân cần chu đáo hơn anh; và tin tưởng chắc chắn tôi sẽ khỏi, anh nghĩ mình làm vậy không phải là có hại, mà ngược lại đã cư xử tốt nhất đối với họ.

Nhưng tôi thực sự ốm rất nặng, và chắc chắn chỉ có sự chăm sóc tận tụy vô hạn của bạn tôi mới có thể trả tôi về với cuộc đời. Hình thù con quái vật tôi đã trao cho sự sống lúc nào cũng hiện trước mắt tôi, và tôi không ngừng nói mê nói sảng về nó. Hẳn lời tôi nói phải khiến Henry lấy làm lạ: lúc đầu anh cho đó là kết quả của óc tưởng tượng bị kích động của tôi; nhưng cứ nghe tôi dai dẳng nói mãi về cùng một đề tài anh đã bị thuyết phục rằng bệnh tình tôi thực tế bắt nguồn từ một sự kiện bất thường và kinh khủng nào đó.

Thật chậm chạp, với nhiều đợt suy sụp lặp lại thường xuyên khiến bạn tôi hoảng hốt và xót ruột, tôi hồi phục lại. Tôi vẫn nhớ lần đầu tiên tôi lại có thể quan sát sự vật quanh mình với chút ít thích thú, tôi thấy rằng lá úa đã biến mất hoàn toàn, chồi non đang mọc ra từ đám cây xòa bóng vào cửa sổ. Mùa xuân ấy thật là thần thánh, và mùa xuân đến đã giúp cho dưỡng bệnh của tôi rất nhiều. Tôi cũng cảm thấy những cảm xúc vui sướng và yêu thương trở lại trong lồng ngực; tâm trạng u ám biến mất, và sau một thời gian ngắn tôi lại vui vẻ yêu đời như lúc chưa rơi vào niềm mê đắm định mệnh kia.

“Bạn Clerval yêu mến nhất đời của tôi ơi,” tôi nói, “bạn tốt với tôi quá! Cả mùa đông mà bạn tự hứa sẽ dành để học hành, lại mất tiêu trong phòng người bệnh như thế này. Tôi biết làm sao trả ơn bạn đây? Tôi ân hận vô cùng vì đã là nguyên cớ cho nỗi thất vọng ấy của bạn; nhưng hẳn là bạn sẽ tha thứ cho tôi.”

“Đừng lo ngại gì, cứ mau khỏe lên tức là bạn đã trả ơn tôi hoàn toàn rồi đó; và tiện đây bạn đang vui vẻ thế này, tôi nói với bạn vấn đề này được không?”

Tôi run quá. Một vấn đề! Vấn đề gì vậy? Liệu có phải anh định ám chỉ cái đối tượng mà nghĩ đến tôi cũng không dám hay không?

“Bình tĩnh lại đi,” Clerval nói, khi thấy tôi biến sắc. “Tôi sẽ không nhắc nữa, nếu nó khiến bạn kích động đến thế, nhưng cha bạn và cô em họ hẳn sẽ sung sướng lắm khi nhận được thư do chính tay bạn viết. Họ chỉ biết lơ mơ về trận ốm của bạn, và rất hoang mang thấy bạn cứ im lặng hoài như vậy.”

“Chỉ có thế thôi ư, hả Henry thân mến? Chẳng lẽ bạn nghĩ rằng những ý nghĩ đầu tiên của tôi không phải là về họ sao, những người bạn thân thương tôi yêu dấu và rất xứng đáng với tình yêu của tôi?”

“Nếu tâm trạng bạn lúc này đây là như vậy thì bạn ơi, có lẽ bạn sẽ vui mừng đọc lá thư đang nằm chờ bạn từ mấy ngày nay rồi; tôi đoan chắc đó là của cô em họ bạn.”