Xác Ấm - Phần II - Chương 15
Tôi ước gì cuộc đời mình là một bộ phim, để tôi có thể dựng được một phim ngắn. Một chuỗi cảnh phim với nền là một bài nhạc Pop nhàm chán nào đó sẽ dễ chịu hơn nhiều so với hai giờ đồng hồ khốn khổ mà hai cô gái bỏ ra để biến đổi tôi, để làm tôi trở thành thứ tạm giống con người. Họ gội đầu và tỉa tóc cho tôi. Họ đánh răng tôi đến mòn một cái bàn chải mới tinh, nhưng nụ cười của tôi cũng chỉ được bằng nụ cười của một anh chàng người Anh nghiện cà phê thôi. Họ thử mặc cho tôi mấy thứ quần áo hơi nam tính của Julie, nhưng Julie bé như một con yêu tinh và tôi xé toạc áo phông, làm khuy áo bay tứ tung như một vận động viên thể hình. Cuối cùng họ đành bỏ cuộc, và tôi trần như nhộng đứng đợi trong phòng tắm trong khi họ ném bộ quần áo công sở của tôi vào máy giặt.
Trong lúc chờ đợi, tôi quyết định tắm một cái. Đây là một việc tôi đã quên từ lâu, và tôi tận hưởng nó như tận hưởng một ngụm rượu hay nụ hôn đầu tiên. Nước nóng phả lên tấm thân bị tàn phá của tôi, rửa sạch bụi đất và máu me đã bám lên trong bao nhiêu tháng hay bao nhiêu năm, một phần trong số máu me ấy là của tôi, nhưng chủ yếu là của người khác. Những chất bẩn đấy xoáy tròn đổ xuống cống, xuống đất ngầm nơi nó thuộc về. Làn da thật của tôi hiện ra, tái xám, đầy những vết cắt, vết xước và vết đạn sượt qua, nhưng giờ đã sạch sẽ.
Đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy cơ thể mình.
Khi quần áo tôi đã khô và Julie đã vá lại những lỗ rách to nhất, tôi mặc đồ vào, thích thú với cảm giác sạch sẽ mới lạ. Áo sơ mi tôi không còn dính người nữa. Quần tôi cũng không còn chà xát lên da nữa.
“Ít nhất thì anh cũng nên bỏ cà vạt ra,” Nora gợi ý. “Với bộ đồ bảnh chọe như thế trông anh lỗi mốt đến mười cuộc chiến tranh đấy.”
“Không, cứ đeo nó đi,” Julie nói, nhìn mảnh vải ấy với nụ cười kì lạ. “Tôi thích cái cà vạt. Nó là thứ duy nhất giúp cho người anh không chỉ toàn một màu xám.”
“Nhưng chắc chắn nó sẽ không giúp hắn hòa nhập đâu, Jules. Cậu có nhớ mình đã bị nhìn ngó như thế nào khi bọn mình đi giày thể thao thay vì ủng lao động không?”
“Chính thế đấy. Mọi người đã biết tớ với cậu không mặc đồng phục, chừng nào R còn đi với bọn mình thì anh ấy cũng có thể mặc quần sooc thun đội mũ chóp cao mà cũng chẳng bị ai để ý.”
Nora cười. “Tớ thích ý tưởng ấy đấy.”
Vậy là cái cà vạt lụa đỏ chói mắt được giữ lại. Julie giúp tôi thắt nó vào. Nàng chải tóc cho tôi và bôi lên một ít keo. Nora phun nước hoa đàn ông khắp người tôi.
“Eo ơi, Nora,” Julie phản đối. “Tớ ghét thứ này lắm. Và anh ấy cũng có bốc mùi đâu.”
“Cũng hơi bốc mùi một chút.”
“Ừ, bây giờ thì có bốc mùi rồi đấy.”
“Thà rằng hắn cứ bốc mùi nhà máy hóa chất còn hơn là bốc mùi xác chết, phải không? Như thế này thì lũ chó sẽ tránh xa.”
Họ bàn cãi có nên cho tôi đeo kính râm để che mắt không, nhưng rốt cuộc họ quyết định như thế là còn đáng chú ý hơn là để cặp mắt xám kì dị của tôi tự hiển hiện.
“Trông cũng không dễ nhận lắm,” Julie nói. “Chỉ cần anh đừng đấu nhãn với ai là được.”
“Anh sẽ ổn thôi,” Nora thêm vào. “Dù sao thì ở đây mọi người cũng chẳng nhìn nhau bao giờ.”
Bước cuối cùng trong kế hoạch trùng tu là trang điểm. Trong khi tôi ngồi trước gương như một nữ minh tinh Hollywood chuẩn bị cho cú quay cận cảnh, họ trát phấn cho tôi, họ bôi son cho tôi, họ tô màu cho làn da đen trắng của tôi. Khi họ làm xong, tôi trố mắt nhìn vào gương một cách kinh ngạc.
Tôi là người sống.
Tôi là một anh chàng công chức điển trai, vui vẻ, thành đạt, đang ở độ sung sức nhất, vừa rời khỏi một cuộc họp để đến phòng tập thể thao. Tôi cười phá lên. Tôi nhìn bóng mình trong gương và sự kì cục nực cười của hình ảnh ấy cứ thế trào ra.
Cười. Lại là một điều đầu tiên khác đối với tôi.
“Ôi trời...” Nora nói, lùi lại nhìn tôi, và Julie nói. “Hờ,” nàng ngoẹo đầu sang một bên. “Trông anh...”
“Trông anh nóng bỏng!” Nora buột ra. “Cho tớ mượn hắn được không, Julie? Chỉ một đêm thôi?”
“Ngậm cái mồm bậy bạ của cậu lại,” Julie vừa cười vừa ngắm tôi. Nàng chạm vào trán tôi, vào cái khe hẹp không một giọt máu nơi nàng đã từng ném con dao vào. “Chắc mình phải che chỗ đó lại. Xin lỗi nhé, R.” Nàng dán một miếng băng dính lên vết thương và nhẹ nhàng ép nó xuống. “Rồi.” Nàng lại lùi lại và ngắm tôi như một nhà họa sĩ cầu toàn, đã hài lòng nhưng vẫn còn một chút băn khoăn.
“Được... chứ?” Tôi hỏi.
“Hừm,” nàng nói.
Tôi tặng nàng một nụ cười lấy lòng đẹp hết mức, môi nhệch ra.
“Ôi Chúa ơi. Nhất quyết là không được làm thế.”
“Cứ tự nhiên đi,” Nora nói. “Giả vờ như anh đang ở nhà mình, ở sân bay, xung quanh là bạn bè, nếu như anh có bạn bè.”
Tôi nhớ lại giây phút Julie đặt tên cho tôi, nhớ lại cảm giác ấm áp đã tràn lên mặt tôi lần đầu tiên khi chúng tôi chia nhau một chia bia và một đĩa đồ ăn Thái.
“Đấy, tốt hơn rồi,” Nora nói.
Julie gật đầu, áp nắm tay lên nụ cười trên miệng như để giữ một luồng cảm xúc nào đó. Một sự pha trộn giữa thích thú, tự hào và âu yếm. “Trông anh được lắm, R ạ.”
“Cảm... ơn.”
Nàng hít một hơi thật sâu vẻ quyết tâm. “Được rồi.” Nàng đội một cái mũ len lên đầu để che mớ tóc bù xù và kéo khóa chiếc áo nỉ lên. “Sẵn sàng để xem nhân loại đã làm gì kể từ khi anh rời bỏ nó chưa?”
TRONG NHỮNG NGÀY săn tìm ở thành phố trước kia, tôi thường nhìn lên tường sân vận động và tưởng tượng ra trong đó là một thiên đường. Tôi mặc nhiên cho rằng nó là một nơi hoàn hảo, rằng mọi người sống trong đó đều sung sướng, đẹp đẽ và không thiếu thứ gì, và theo cái cách đờ đẫn, hạn hẹp của mình, tôi thấy ghen tị và càng muốn ăn thịt họ hơn. Nhưng hãy nhìn nơi này xem. Những tấm mái tôn sóng phản quang chói mắt dưới ánh nắng. Những cái chuồng đầy ruồi nhốt gia súc bị bơm đầy hooc môn và miệng không ngừng la rống. Những thứ quần áo cáu bẩn không sao giặt sạch được phơi trên những sợi dây chằng giữa các tòa nhà, phất phơ trong gió như cờ trắng đầu hàng.
“Chào mừng đến thành phố sân vận động,” Julie nói và dang rộng hai tay. “Nơi cư trú lớn nhất của loài người ở vùng trước kia là nước Mỹ.”
Tại sao chúng ta lại ở lại? Những giọng nói thì thào sâu thẳm trong tôi trong khi Julie chỉ ra các địa giới và những nơi đáng chú ý. Thành phố là cái gì và tại sao chúng ta lại cứ tiếp tục xây chúng? Vứt bỏ đi nền văn hóa, sự thông thương, các cửa hàng mua bán và giải trí, thì cái gì còn lại? Chỉ là một dãy các con phố vô danh với những người vô danh ư?
“Có hơn hai mươi ngàn người chui rúc trong cái bể cá này,” Julie nói khi chúng tôi chen qua đám đông đặc cứng ở quảng trường trung tâm. “Chẳng mấy chốc nữa, nó sẽ đông đến mức chúng tôi sẽ dính sát vào nhau. Loài người sẽ chỉ còn là một con amip khổng lồ không trí não.”
Tại sao chúng ta không tản ra? Đi về những vùng cao và định cư ở những nơi không khí cùng nguồn nước trong lành hơn? Chúng ta cần gì ở nhau trong cái đám thân thể lúc nhúc đầy mồ hôi này?
Tôi cố giữ mắt mình luôn nhìn xuống đất, hòa vào đám đông và không thu hút sự chú ý của ai. Tôi lén nhìn những tháp canh, bể nước và những tòa nhà mới đang mọc lên dưới tia lửa điện lóe sáng của những người thợ hàn, nhưng chủ yếu tôi chỉ nhìn dưới chân mình. Mặt đường nhựa. Những góc sắc cạnh mềm đi vì bùn và phân chó.
“Chúng tôi chỉ nuôi trồng chưa được một nửa những gì chúng tôi cần để sống sót,” Julie nói khi cả bọn đi qua khu vườn, một mảng xanh thoáng qua như một giấc mơ đằng sau các bức tường trong mờ của nhà kính. “Vì vậy thức ăn thật được chia thành khẩu phần rất nhỏ, vì chúng tôi bù vào chỗ thiếu trong suất ăn bằng Carbtein.” Ba cậu thiếu niên mặc áo liền quần màu vàng bê một thùng cam ngang qua chúng tôi, và tôi nhận thấy một gã trong bọn có những vết lở loét rất lạ chạy dọc một bên mặt, những mảng nâu trũng xuống như chỗ bị nhũn trên quả táo, như thể các tế bào đã bị sụp đổ vậy. “Đấy là chưa kể đến việc mỗi tháng chúng tôi dùng hết số thuốc bằng của cả một hiệu thuốc. Các đội tìm kiếm không thể cáng đáng đủ. Chẳng mấy chốc nữa chúng tôi sẽ phải gây chiến với các vùng định cư khác vì một lọ Prozac[7] cuối cùng.”
[7] Thuốc an thần dùng để trị bệnh trầm cảm
Có phải là chỉ vì sợ hãi hay không? Những giọng nói băn khoăn. Vào những thời khắc tốt đẹp nhất chúng ta vẫn sợ, thì làm sao chúng ta có thể chống chọi được với thời khắc tồi tệ nhất? Vì vậy chúng ta đã đi tìm những bức tường cao nhất và dồn vào trốn phía sau chúng. Chúng ta cứ dồn cho tới khi chúng ta trở nên lớn nhất và mạnh nhất, bầu được những vị tướng giỏi nhất và tìm thấy nhiều vũ khí nhất, bởi vì chúng ta cho rằng những cái nhất ấy sẽ tạo nên hạnh phúc. Nhưng một điều hiển nhiên như thế sẽ không bao giờ có tác dụng.
“Tôi thấy lạ nhất một điều,” Nora nói khi lách qua cái bụng to tướng của một bà chửa vượt mặt, “là bất chấp những nhu cầu và sự khan hiếm này, người ta vẫn đẻ sòn sòn. Họ cứ liên tục tuồn ra những bản sao của chính mình chỉ vì đó là truyền thống, vì từ trước tới giờ chúng ta luôn làm vậy.”
Julie liếc nhìn Nora và mở miệng, rồi lại ngậm miệng vào.
“Và mặc dù chúng tôi đang sắp chết đói dưới một núi tã lót bẩn, thì không có ai đủ can đảm thậm chí chỉ để gợi ý là mọi người nên kế hoạch hóa ít lâu.”
“Ừ, nhưng mà...” Julie lên tiếng, giọng rụt rè khác hẳn bình thường. “Tớ không biết nữa... việc sinh con cũng rất tuyệt, cậu không thấy thế ư? Khi chúng ta vẫn tiếp tục sống và sinh trưởng mặc dù thế giới đã biến thành xác chết?”
“Chuyện loài người cứ tiếp tục quay lại thì có gì là tuyệt chứ? Bệnh mụn rộp cũng luôn quay lại đấy thôi.”
“Thôi đi Nora, cậu yêu nhân loại mà. Chỉ có Perry mới là kẻ chán đời thôi.”
Nora cười và nhún vai.
“Đây không phải là chuyện tăng dân số, mà là truyền lại lịch sử và kiến thức của con người để tất cả có thể tiếp tục. Để chúng ta không kết thúc. Tất nhiên là theo một cách nào đó thì nghe có vẻ ích kỉ thật, nhưng nếu không thế thì cuộc sống ngắn ngủi của chúng ta có ý nghĩa gì đâu?”
“Tớ đoán là đúng thế thật,” Nora nhượng bộ. “Chúng ta chẳng còn di sản nào khác trong cái thế giới sau-tất-cả-mọi-thứ này.”
“Đúng đấy. Tất cả đều đang biến dần đi. Tớ nghe nói quốc gia cuối cùng trên thế giới vừa sụp đổ hồi tháng một.”
“Thế à? Là nước nào đấy?”
“Không nhớ. Hình như là Thụy Điển thì phải.”
“Tức là quả đất đã chính thức bị xóa sổ? Buồn thật.”
“Ít nhất thì cậu vẫn còn chút di sản văn hóa chứ. Bố cậu là người Ethiopia phải không?”
“Ừ, nhưng cái đó thì có nghĩa gì với tớ chứ? Bố tớ không nhớ đất nước cũ của mình, tớ chưa bao giờ đến đó, và giờ nó không còn tồn tại nữa. Tớ chỉ còn lại nước da nâu này, mà bây giờ thì ai còn để ý màu da nữa?” Cô phẩy tay về phía mặt tôi. “Một hai năm nữa là tất cả bọn mình sẽ trở thành màu xám ngoét hết.”
Tôi tụt lại phía sau trong khi họ tiếp tục tranh luận. Tôi ngắm họ nói chuyện và đưa tay chỉ trỏ, lắng nghe giọng nói của họ mà không chú ý xem họ đang nói cái gì.
Chúng ta còn lại những gì? Những hồn ma rên rỉ, lùi dần vào bóng tối trong tiềm thức của tôi. Không quốc gia, không văn hóa, không chiến tranh, nhưng cũng không có hòa bình. Cái gì nằm trong thâm tâm chúng ta? Cái gì vẫn còn vặn vẹo trong từng khúc xương khi tất cả những thứ khác đã bị lột bỏ?
***
Chiều muộn hôm đó, chúng tôi đến con đường trước kia có tên là phố Ngọc. Ngôi trường đứng đợi chúng tôi ở cuối phố, dáng bè bè đầy tự đắc, và tôi thấy bụng mình thắt lại. Julie ngần ngừ ở ngã tư, nhìn về phía những ô cửa sáng đèn của trường vẻ trầm tư. “Đó là chỗ huấn luyện,” nàng nói. “Nhưng anh không muốn nhìn thấy trong đó đâu. Đi tiếp thôi.”
Tôi nhẹ người đi theo nàng rời khỏi con đường tối tăm đó, nhưng vừa đi tôi vừa nhìn kĩ tấm biển tên phố mới sơn xanh. Tôi dám chắc chữ cái đàu tiên là chữ J.
“Phố ấy... tên gì?” Tôi chỉ tấm biển nói.
Julie mỉm cười. “Thì là phố Julie chứ còn gì nữa.”
“Trước kia nó là hình một viên kim cương hay đại loại như thế.” Nora nói, “nhưng bố cô ấy đặt nó theo tên con gái khi xây trường. Dễ thương nhỉ?”
“Đúng là dễ thương thật,” Julie thừa nhận. “Thỉnh thoảng bố tôi cũng có những cử chỉ như thế.”
Nàng dẫn chúng tôi đi vòng quanh tường đến một đường hầm rộng, tối, đối diện cổng chính. Tôi nhận ra đây là đường hầm mà các đội bóng thường đi qua để kiêu hãnh tiến vào sân vận động, từ cái hồi mà hàng ngàn người còn có thể reo hò cổ vũ cho những điều vặt vãnh như thế. Và vì đường hầm ở đầu bên kia dẫn vào thế giới của Người Sống, cũng thật hợp lí khi đường hầm này lại dẫn vào nghĩa địa.
Julie chìa thẻ căn cước cho mấy lính gác và họ cho chúng tôi đi qua cổng sau. Chúng tôi bước vào một cánh đồng trập trùng bao quanh là hàng trăm mét hàng rào dây thép. Những cây táo gai đen ngòm vặn cành vươn tới bầu trời lốm đốm màu xám vàng, đứng canh những bia mộ kiểu cổ có cả thập tự và tượng thánh. Tôi đoán chừng được lấy về từ một nhà tang lễ bỏ hoang nào đó. Vì những cái tên và ngày tháng được khắc lên đó đã bị phủ lấp những chữ tô vụng bằng sơn trắng. Những tấm bia nhìn giống hệt chữ kí trên các bức tranh tường.
“Đây là nơi chúng tôi chôn... những gì còn lại.” Julie nói. Nàng bước tới trước mấy bước trong khi tôi và Nora đứng ở ngoài cổng. Ngoài đây, với cánh cổng đóng lại sau lưng chúng tôi, những âm thanh ồn ào của sự sống đã biến mất, thay thế bởi cái tĩnh lặng khắc nghiệt của những người đã chết hẳn. Mỗi thi thể yên nghỉ ở đây đều không có đầu, bị bắn vào óc, hoặc chỉ là những mẩu xương thịt còn sót lại nhét trong một cái hộp. Tôi có thể hiểu vì sao họ lại xây nghĩa địa ở bên ngoài sân vận động; không chỉ bởi nó chiếm nhiều đất hơn tất cả những đồng ruộng ở bên trong, mà chắc hẳn còn vì nó không có ảnh hưởng tốt đến tinh thần của mọi người. Đây là một điều nhắc nhở đáng sợ hơn nhiều so với những nghĩa địa sáng sủa của thế giới cũ, với những cái chết yên bình và requiem eternum[8]. Đây là một ý niệm về tương lai của chúng ta. Không phải là tương lai của từng cá nhân, vì cái chết của từng cá nhân chúng ta có thể chấp nhận được, mà là tương lai của loài người, của nền văn mình, của toàn bộ thế giới.
[8] Tiếng Latin, nghĩa là: yên nghỉ vĩnh hằng.
“Cậu chắc là hôm nay cậu muốn đi vào đó đấy chứ?” Nora khẽ hỏi Julie.
Julie nhìn những ngọn đồi điểm mấy ngọn cỏ màu nâu. “Ngày nào tớ chẳng đến đây. Hôm nay cũng là một ngày. Hôm nay là thứ Ba.”
“Ừ, nhưng... cậu có muốn bọn này đợi ở đây không?”
Nàng quay lại nhìn tôi và ngẫm nghĩ một lát. Rồi nàng lắc đầu. “Không. Đi nào.” Nàng bước đi và tôi bám theo. Nora theo sau cách một quãng dài, với vẻ sững sờ không thốt nổi nên lời.
Trong nghĩa địa này không có lối đi. Julie bước thẳng qua các tấm bia và ngôi mộ, nhiều cái đất hãy còn mềm và ẩm ướt. Mắt nàng tập trung vào một ngọn thác cao, trên đỉnh là một bức tượng thiên thần bằng cẩm thạch. Chúng tôi dừng lại trước ngôi mộ, tôi và Julie đứng cạnh nhau, Nora vẫn cách một quãng phía sau. Tôi cố đọc tên ngôi mộ nhưng không đọc nổi. Ngay cả những chữ cái đầu tiên tôi cũng không luận ra được.
“Đây là... mẹ tôi.” Julie nói. Hơi gió lạnh buổi tối thổi tóc bay vào mắt nàng, nhưng nàng không gạt ra. “Mẹ đi năm tôi mười hai tuổi.”
Sau lưng chúng tôi Nora có vẻ lúng túng, rồi cô bỏ đi và giả vờ ngắm các tấm bia.
“Tôi đoán là mẹ đã phát điên,” Julie nói. “Một đêm mẹ một mình chạy vào thành phố, và thế là xong. Họ tìm thấy mấy mảnh còn lại của mẹ, nhưng... trong mộ này không có gì.” Giọng nàng vẫn bình thường. Tôi chợt nhớ đến khi nàng bắt chước những Người Chết trong sân bay, cái cách nàng cường điệu hóa mọi cử động, chiếc mặt nạ mỏng tang của nàng. “Tôi đoán những cái này quả quá sức chịu đựng của mẹ, tất cả mọi thứ.” Nàng khoát tay về phía nghĩa địa và sân vận động phía sau. “Mẹ tôi là người rất tự do tự tại, anh biết không? Một nữ thần bohemian hoang dại rực lửa. Mẹ gặp bố tôi lúc mới mười chín tuổi. Kể cũng khó tin, nhưng lúc ấy bố tôi là nhạc sĩ, chơi piano trong một ban nhạc rock, chơi cũng khá giỏi. Họ lấy nhau khi còn rất trẻ, và rồi... tôi không biết nữa... thế giới sụp đổ, và bố thay đổi. Tất cả đều thay đổi.”
Tôi cố dò mắt nàng nhưng tóc nàng vẫn che khuất chúng. Tôi nghe thấy một thoáng run rẩy trong giọng nàng. “Mẹ đã cố. Cố gắng thực sự. Mẹ nỗ lực tham gia giữ gìn trật tự, hoàn thành phần việc hàng ngày được giao, rồi chỉ còn có tôi. Mẹ trút tất cả vào tôi. Bố chẳng mấy khi có nhà nên lúc nào cũng chỉ có mẹ và con nhóc này. Tôi còn nhớ hai mẹ con đã rất vui, mẹ thường dẫn tôi đến công viên nước ở...” Một tiếng nấc nhỏ bật ra khiến nàng ngạc nhiên, nghẹn ngào không nói tiếp được, và nàng đưa tay lên che miệng. Đôi mắt đằng sau những món tóc cáu bẩn nhìn tôi cầu khẩn. Tôi nhẹ nhàng gạt tóc ra khỏi nàng. Nàng tránh nhìn tôi và quay về phía ngôi mộ. “Mẹ tôi sinh ra không phải để dành cho cái nơi khốn kiếp này.” Nàng nói, giọng run run thành ra the thé. “Mẹ biết làm gì ở đây? Tất cả những thứ mang lại sự sống cho mẹ đều đã biến mất rồi. Mẹ chỉ còn một con bé mười hai tuổi ngu ngốc răng khấp khểnh đêm đêm lại đánh thức mẹ dậy để ôm ấp xua đi một cơn ác mộng. Thảo nào mà mẹ muốn thoát ra.”
“Thôi đi,” tôi cương quyết nói, và xoay người nàng lại đối mặt với tôi. “Thôi ngay.” Nước mắt đang tràn xuống mặt nàng, những giọt nước mặn chát tiết ra qua các ống và tuyến lệ, xuyên qua những tế bào sáng rực còn phập phồng và những mô đỏ ngầu. Tôi lau chúng đi và kéo nàng vào người mình. “Em... còn sống,” tôi thì thầm vào tóc nàng. “Em... đáng người ta sống vì mình.”
Tôi cảm thấy nàng run rẩy trên ngực tôi, bám chặt lên ngực tôi trong khi tay tôi vòng quanh người nàng. Không khí im lìm chỉ còn tiếng gió rít khe khẽ. Nora giờ đang nhìn về phía chúng tôi, cuốn tay qua mớ tóc xoăn. Cô bắt gặp mắt tôi và mỉm cười buồn bã, như muốn xin lỗi vì đã không cảnh báo cho tôi. Nhưng tôi không sợ những bộ xương trong tủ[9] của Julie. Tôi mong được gặp nốt những bộ xương còn lại, nhìn thẳng vào mắt chúng, và siết chặt tay chúng đến gãy.
[9] Thành ngữ chỉ những việc xấu xa hay bí mật phải che đậy
Khi nàng đã làm ướt cả áo tôi bằng đau buồn và nước mũi thì tôi nhận ra mình sắp làm thêm điều mà tôi chưa từng làm. Tôi hít một hơi và chuẩn bị hát. “Em... thật tuyệt vời...” Tôi cất giọng khàn khàn, cố tìm một chút giai điệu của Sinatra. “Thật tuyệt vời... thế thôi.”
Im lặng, rồi Julie thay đổi thái độ. Tôi chợt nhận ra nàng đang cười.
“Ôi trời,” nàng khúc khích ngước lên nhìn tôi, bên trên nụ cười ấy mắt nàng vẫn còn long lanh ướt. “Nghe hay lắm, R ạ, thật đấy. Anh và Xác Sống Sinatra nên thu âm đĩa Song ca, tập ba đi.”
Tôi húng hắng ho. “Chưa... khởi động trước.”
Nàng vén lại tóc tôi. Nàng quay nhìn ngôi mộ. Nàng thò tay sau túi lôi ra một bông hoa cúc hái ở sân bay đã héo rũ và chỉ còn bốn cánh. Nàng đặt nó lên nền đất trước tấm bia. “Xin lỗi mẹ,” nàng khẽ nói. “Con chỉ tìm được bông này thôi.” Nàng nắm lấy tay tôi. “Mẹ, đây là R. Anh ấy rất tốt, mẹ sẽ thích anh ấy cho mà xem. Hoa này cũng là của cả anh ấy nữa.”
Mặc dù ngôi mộ trống, tôi vẫn thoáng nghĩ rằng tay mẹ nàng sẽ thọc lên khỏi nền đất túm lấy cổ chân tôi. Dù sao thì tôi cũng là một tế bào trong khối u đã giết chết bà. Nhưng nếu lấy Julie làm bằng thì tôi đoán mẹ nàng sẽ tha thứ cho tôi. Những người này, những phụ nữ Người Sống tuyệt đẹp này, dường như họ không liên hệ tôi với những sinh vật đang giết hết những gì họ yêu quý. Họ coi tôi là một điều ngoại lệ, và tôi thấy mình quá tầm thường so với món quà ấy. Tôi muốn làm cách nào để đáp trả lại, để xứng đáng với lòng vị tha của họ. Tôi muốn sửa lại thế giới mà tôi đã góp phần tàn phá.
Nora quay lại với chúng tôi khi chúng tôi rời khỏi mộ bà Grigio. Cô xoa vai Julie và hôn lên đầu nàng. “Cậu không sao chứ?”
Julie gật đầu. “Vẫn ổn như mọi khi.”
“Cậu có muốn nghe một tin hay không?”
“Muốn cực kì.”
“Tớ nhìn thấy một bụi hoa dại gần nhà. Chúng mọc trong một cái rãnh.”
Julie mỉm cười. Nàng dụi mắt cho khô nốt những giọt lệ cuối cùng và không nói gì nữa.
Vừa đi tôi vừa ngắm nghía các tấm bia. Chúng được đặt vẹo vọ, không ra hàng lối gì, khiến nghĩa địa có vẻ hết sức cổ kính, bất chấp mấy chục ngôi mộ mới đào. Tôi nghĩ về cái chết. Tôi nghĩ cuộc sống thật ngắn ngủi biết bao khi đem so với cái chết. Tôi tự hỏi rằng nghĩa địa này sâu bao nhiêu, có bao nhiêu lớp quan tài chồng lên nhau, và bao nhiêu phần đất được tạo nên bởi thân xác thối rữa của chúng ta.
Rồi một điều gì đó cắt ngang những suy nghĩ đen tối của tôi. Tôi thấy bụng bỗng thót lại, một cảm giác kì lạ mà trong trí tưởng tượng của tôi cũng chẳng khác gì người mẹ cảm thấy thai nhi đá trong bụng. Tôi dừng bước và quay lại. Một tấm bia hình chữ nhật đơn giản dõi theo tôi từ một đỉnh đồi gần đó.
“Đợi đã,” tôi nói với hai cô gái, rồi đi lên đồi.
“Hắn làm gì thế?” Tôi nghe thấy Nora thì thào hỏi. “Có phải đó là...?”
Tôi dừng lại trước ngôi mộ, nhìn trừng trừng vào cái tên trên tấm bia. Một cảm giác nôn nao chóng mặt xuyên qua chân tôi, như thể một vực thẳm há toác đang mở ra trước mặt tôi, kéo tôi về phía nó với một sức mạnh đen tối, không sao cưỡng lại nổi. Bụng tôi lại thót lên, tôi cảm thấy cuống não mình bị giật một cái... tôi ngã xuống.