Bản tình ca xót xa - Chương 2 phần 1
CHƯƠNG II: THỎ CHÂU ÂU
Những tia nắng chiều thu chiếu xiên qua cành lá cây hoa giấy. Cánh hoa mỏng manh khẽ lay động trước làn gió thoảng.
Cổng ngõ dẫn vào nhà cô Thùy thật đẹp làm sao. Giữa những ồn ào náo nhiệt của đô thị, những bông hoa giấy tím hồng nổi bật trên nền lá xanh luôn hiện lên trong tầm mắt người đi đường.
Có đôi tình nhân dạo bước ngang qua, thích thú với vẻ nên thơ của cây hoa giấy, đứng lại chụp ảnh một hồi lâu...
* * *
Hôm nay, cửa phòng học cô Thùy đã mở sẵn, Huế Anh đến lớp sớm. Cô bé ngồi vào chỗ của mình, lấy sách ra đọc bài cũ. Gian phòng lạnh ngắt bỗng nghe thấy giọng đọc hiền hòa và ấm áp của Huế Anh.
“Bonjour!”
“À... Bonjour cô ạ!”
“Buổi trước hình như vắng em?”
“Vâng ạ, hôm đó, trên lớp em đại hội chi đoàn muộn quá.”
“Ừm, cứ ngồi ôn bài đi em nhé. Còn 20 phút nữa mới vào giờ học.”
“Vâng ạ.”
Vừa khi cô Thùy cầm tách trà đi về phía phòng đọc của mình thì Ngôn bước đến trước cửa lớp. Đôi mắt anh sáng lên vì trông thấy Huế Anh.
“Hi em!”
Miệng cười và giơ bàn tay trái lên là cách chào quen thuộc của Ngôn.
“Bonjour anh! Anh đến sớm vậy ạ?”
“Hì. Tự nhiên hôm nay trời đẹp nên anh nổi hứng đi sớm đấy. Em chắc cũng vừa tan học ở trường?”
“Vâng ạ. Hôm nay thầy em dạy thông các tiết luôn, không cho giải lao ạ. Thế là được về sớm.”
“Huế Anh học những môn gì ở khoa em?” Ngôn ngồi xuống, cách hai bàn so với Huế Anh.
“Các môn chung thì chắc cũng giống anh thôi. Còn chuyên ngành thì mới đầu bọn em đang học Kỹ năng tiếng căn bản và Cơ sở văn hóa Việt Nam anh ạ. Sang kỳ sau mới đi sâu.”
“À...”
Đột nhiên Ngôn không nghĩ ra được điều gì muốn hỏi tiếp, mặc dù ở nhà đã chuẩn bị vô số kịch bản, liền giả vờ lấy tập vở ra, để lên bàn cho có. Ngón tay cầm bút gõ nhịp theo một điệu beat, còn mắt anh nhìn lên bảng, tưng hửng không biết nên nói gì nữa...
“Anh Ngôn năm thứ mấy rồi ạ?”
“Anh năm ba.” Ngôn hé miệng cười, nhìn sang Huế Anh khi được cô bé dẫn chuyện tiếp.
“Hình như anh học Sư phạm phải không ạ?”
“Ừ. Sao em biết?”
“Hôm nọ em nghe thấy anh nói chuyện điện thoại ngoài sân. Có nhắc đến... hình như là ‘giáo án’ với cả ‘dự giờ’ ấy ạ. Xin lỗi anh nhưng em chỉ nghe thế thôi, không có gì nữa đâu ạ.” Trong mọi lời nói, Huế Anh luôn đứng đắn và thánh thiện.
“À, không sao đâu.”
Ngôn mừng thầm trong lòng vì có vẻ mình được chú ý. Thoáng nhìn khuôn mặt Huế Anh, Ngôn khẽ xao động lồng ngực, những đầu ngón tay xoay xoay chiếc bút một cách vẩn vơ. Cô bé đáng yêu lạ thường. Đường nét của hai má, nụ cười mỉm nhẹ nhàng, đôi mắt buồn xa xăm của Huế Anh thật sự đang chiếm hữu tâm trí Ngôn. Nhưng anh còn muốn khám phá thêm vẻ đẹp thiên thần ấy sẽ ra sao nếu nở một nụ cười thật tươi sáng...
“Em đoán xem anh học khoa gì ở Sư phạm?”
“Anh gầy gầy nhỏ người, mắt cận khá nặng thế này... Chắc là Tin học ạ?”
“Ở trường anh, khoa đó gọi là Công nghệ thông tin. Anh cũng thuộc dạng ‘cao thủ’ về máy tính của lớp đấy. Nhưng anh không học khoa đó.”
“Vậy thì em khó đoán đấy ạ. Anh Ngôn học khoa gì thế?” Cô bé hỏi Ngôn luôn.
“Có sâu bọ này, rắn rết này, chim thú, hoa lá, cỏ cây... đủ cả.” Ngôn gợi ý.
“A! Hóa ra em đang nói chuyện với một thầy giáo Sinh học tương lai.”
“Hì hì. Thầy giáo gì anh... Nhìn có vẻ tri thức thế nhưng anh học dốt lắm, dạy dỗ được ai? Cơ mà người ta gọi ngành của anh là Sinh vật học, còn bạn bè anh hay gọi là... ‘Súc vật học’!”
“Hi hi hi!”
Wao! Huế Anh đã cười. Nụ cười mở ra một hàm răng trắng đều, thật cân đối với cả khuôn mặt. Còn đôi mắt ấy... đích thực là mắt bồ câu hai mí đẹp tuyệt vời!... Ngôn thấy mình dường như không phải đang ngồi trong căn phòng mười hai mét vuông nữa, mà trong một tầng mây sáng ánh, bồng bềnh trôi theo đôi cánh bồ câu cong mềm... Trước mắt anh là một thiên thần trong trắng, yêu kiều, khi thinh lặng thì hiền hòa, e ấp, nhưng khi nụ cười bừng lên thì giống như cả một vườn hoa hồng trắng tinh khôi đang nở rộ...
Bắt đầu có thêm một số người vào lớp. Huế Anh vội trở về nét thầm lặng ban đầu. Cô bé không quen thể hiện cảm xúc khi có nhiều người. Cái nhìn dịu dàng, man mác buồn xa xăm lại xuất hiện trước mắt Ngôn.
...
Một tay chống cằm, một tay di di cây bút bi trên mặt giấy thành những đường nét loằng ngoằng, Ngôn nghĩ về món quà sẽ tặng Huế Anh.
Hầy, ngày của con gái thì tặng gì cho hợp nhỉ? Không những hợp, mà còn phải độc đáo nữa!
Với anh, sự độc đáo được coi trọng hàng đầu trong mọi việc, nhất là khoản quà tặng này. Ngôn hiếm khi ra cửa hàng lưu niệm để tìm chọn quà tặng bạn bè người thân, mà luôn cố gắng nghĩ ra một kiểu quà handmade độc đáo. Tự cắt xốp, tự vẽ, viết thư pháp hay dùng chai lọ để chế ra một sản phẩm đẹp lung linh... là những cách làm ra một món quà mà Ngôn hay thực hiện.
Cây hoa giấy rung rinh...
... hoa giấy rung rinh...
À, phải rồi! Mình phải chơi món đó! Thật độc đáo! Và chắc chắn em ý sẽ thích nó cho mà xem... Ngôn nghĩ thầm trong lòng, những ngón tay cầm bút nãy giờ đã vẽ ra vô số đường nét hình họa gần như kín một trang giấy. Những hình vẽ giải phóng suy tư của anh ra ngoài...
“Ngôn!”
“Ngôn!...”
Có tiếng cô giáo và các bạn gọi. Ngôn giật mình ngước lên. Tuy ngồi bàn thứ ba, khuất sau lưng một anh chàng to béo, nhưng điều đó không có nghĩa là Ngôn tránh được tầm mắt của cô Thùy. Điều khiến cô ngạc nhiên là trong mọi buổi học trước, Ngôn hăng hái và tập trung lắm, nhưng hôm nay lại cứ như người mất hồn, cắm cúi xuống sách vở trong khi cả lớp đang tập đọc câu văn được cô viết trên bảng.
“Đã hoàn hồn chưa em?”
“Ơ... dạ... à...”
“Tính mưu kế gì đấy? Hay là để quên quả tim mình ở phương trời nào rồi?”
“À... không ạ.”
Ngôn lúng túng vì không biết lớp mình đang làm gì. Anh bắt gặp ánh mắt Huế Anh ngồi bàn đầu, hơi chếch bên tay trái Ngôn, đang ngoái nhìn cái ngẩn ngơ của anh chàng “thầy giáo Sinh học” và mỉm cười dịu dàng.
“Đọc cho cô câu này nhé.” Tay cô Thùy chỉ lên bảng, miệng mỉm cười để xoa dịu cảm giác ái ngại của các bạn.
Ngôn đứng dậy. Mất một vài giây để anh nhận ra những gì đang thấy là tiếng Pháp.
“Thưa cô,
J'ai un bleue crayon
Il a trente ans.”
“Rất tốt. Em phát âm chuẩn đấy. Nhưng cần phải tập trung vào bài hơn.”
“Vâng ạ.”
Ngôn cười khì, tay xoa tóc gáy như kiểu trẻ con. Tạm biệt cây hoa giấy, lúc về anh sẽ nghĩ tiếp.
Học tiếng Pháp được gần một tháng, anh nhận ra ngôn ngữ này thật dễ phát âm. Kể cả âm khó như “u”, nửa “u” nửa “uy”, Ngôn cũng phát âm được. Không như cậu Tài ngồi bên cạnh, cứ đọc đến “u” là cái miệng chu môi ra, chật vật mãi mà không đọc được. Lại chữ “je” thì phải là “giơ” chứ không phải là “dơ” hay “rơ”.
Còn ngữ pháp thì Ngôn bó tay. “Đực”, “cái” loạn xạ cả lên! Động từ, tính từ nhiều khi cũng khiến anh đau đầu.
Cũng không sao, quan điểm học ngoại ngữ của anh là coi-ngữ-pháp-chẳng-ra-cái-thá-gì. Cứ nghe-nói trước cho thật ngấm, hình thành phản xạ hội thoại. Dần dần cái ngữ pháp nó cũng tự lòi ra ấy mà. Dân ta, dân Tàu, dân Tây đều giống nhau ít nhất ở một điểm thế này: chẳng học ngữ pháp cũng nói được tiếng mẹ đẻ của mình. Nghe ông bà, bố mẹ nói chuyện, rồi bắt chước, bi bô từng chữ, dần dần lớn lên, nói sõi, nói chuẩn, nói hay đều được. Học ngoại ngữ mà cứ tuân theo quy luật tự nhiên ấy, thể nào cũng thành công.
Ngôn sẽ phải học thật giỏi tiếng Pháp để ghi điểm cho mình trong mắt Huế Anh.
* * *
“Bắt nguồn từ châu Âu đầu thế kỉ XX, paper craft được xem là một thú vui tiêu khiển và là môn thủ công cho trẻ nhỏ. Những bản kit và ấn phẩm mô hình giấy đầu tiên được in kèm trong các tạp chí đương thời. Khi Chiến tranh thế giới thứ hai diễn ra, môn nghệ thuật này phát triển mạnh vì giai đoạn đó, giấy là một trong số ít những nguyên liệu không bị kiểm soát quá khắt khe như sắt, gỗ, nhựa – vốn được sản xuất và sử dụng theo nhu cầu của những cuộc chiến. Từ năm 1941, một hãng thiết kế ở Anh đã cho sản xuất hơn một trăm mô hình kiến trúc, máy bay, tàu bè... bằng giấy để tặng các binh sĩ nằm điều trị trong bệnh xá, giúp họ hồi phục tinh thần và ý chí... Ngày nay, môn nghệ thuật này đã phát triển phong phú với hàng trăm ngàn chủng loại, kiểu dáng: kiến trúc, nhân vật hoạt hình, thú nuôi, v.v…”[1]
[1] Nguồn: mohinhgiayvn.com
Ngôn tìm tòi thông tin về “paper craft” – mô hình giấy – trên mạng. Trước mắt anh hiện lên vô số những hình thù vật thể, chim thú được dựng theo không gian ba chiều. Hóa ra bộ môn này đã rất thịnh hành trên thế giới, nhưng ở Việt Nam còn chưa được chú ý nhiều.
“Uầy, thật là môn nghệ thuật tuyệt vời!” Nhấp chuột xem từng hình, Ngôn tự nhủ. “Mình sẽ phải chọn một mẫu thật dễ thương... thật dễ thương...”
Và cuối cùng, một “em” thỏ Hà Lan lọt vào tầm mắt của anh. “Em” thỏ giấy lông xám, được dựng từ ba tờ giấy A4.
Ngôn thích chí tải bản kit (hình mẫu sẽ in trên giấy) về USB. Xong, phi xe ra hiệu photocopy, in luôn. Lúc về không quên mua một lọ keo sữa.
Sau ba tiếng đồng hồ miệt mài cắt cắt, dán dán, cuối cùng em thỏ châu Âu đã hoàn thành, ngồi gọn trong lòng bàn tay của Ngôn. Xoay qua xoay lại, Ngôn mỉm cười thỏa mãn. Và bắt đầu tưởng tượng bàn tay mềm mại của Huế Anh đang đón lấy, cùng một nụ cười rạng ngời vui sướng đầy mến yêu...
* * *
Không đâu có một khu vườn đẹp như thế. Những hàng cây lá đỏ, cao bốn mét, được trồng thẳng tắp suốt quãng đường dài bằng một sân bóng. Vòm lá vươn rộng gần như che kín bên trên lối đi. Lá nối lá, cành nối cành, đan xen nhau từ cây này sang cây kia. Ánh nắng chiều xiên qua kẽ hở giữa các nhành cây, chiếu xuống mặt hồ bên cạnh, phản sáng long lanh trên từng gợn sóng nhấp nhô lững lờ. Ven bờ được xây gạch màu xanh lam đậm, cứ mười ô lại có một chậu sành màu tía trồng những cây hoa trạng nguyên...
Họ bước đi bên nhau, thinh lặng. Chỉ có tiếng chim hót ở ngọn cây nào đó và tiếng xào xạc lá động khi gió nhẹ lướt qua. Nắm bàn tay nhỏ bé, mềm mại của Huế Anh trong tay mình, Ngôn mỉm cười hạnh phúc. Mắt anh nhìn lên những tán cây được chiếu xiên tia nắng, nhưng kỳ thực trong tâm hồn lại đang cảm nhận sự ấm áp nơi lòng bàn tay, và phác họa thật chân thực đường nét nhỏ nhắn, thuôn thuôn của những ngón tay nàng. Quay sang nhìn nàng, anh bắt gặp ánh mắt bồ câu kiều diễm cũng đang nhìn mình. Đường mí rõ nét, hàng lông mi cong cong, đen đậm khiến Ngôn cảm thấy bình an, hài hòa như chạm thấy vẻ hiền hậu từ trong tâm hồn đơn sơ trong trắng của nàng. Anh dừng bước, và Huế Anh cũng đứng lại. Đưa bàn tay lên xoa nhẹ một bên má nàng, những ngón tay anh cảm nhận được sự mềm mịn, trắng hồng của làn da trên khuôn mặt Huế Anh. Rồi luồn những ngón tay qua làn tóc phía sau tai, anh nhẹ nhàng ôm lấy cổ nàng, khẽ đẩy về phía mình. Đôi mắt bồ câu đóng lại dịu dàng. Những bờ môi đến gần nhau hơn. Và khi cánh mũi nàng chạm vào mũi anh cũng là lúc xúc giác anh cảm nhận được làn môi mềm mại yêu kiều cùng hơi thở ấm áp đang khẽ phả ra, xoa dịu niềm vui sướng rạo rực bừng lên trong anh...
“Nhiều nghiên cứu cho thấy, một người có thông minh hay không phần lớn được quyết định bởi việc phát huy chức năng não phải, hơn 70% nhà khoa học trên thế giới đều có ưu thế nằm ở não phải. Do đó có thể thấy, muốn phát huy tiềm năng trí tuệ não người, phải sử dụng cả não trái và não phải, khiến chúng cùng phát triển và hỗ trợ lẫn nhau... Vậy chúng ta có thể rút ra những bài học thực tế nào từ những điều trên đây? Xin mời... để tôi xem danh sách nào... xin mời... Doãn Sơn Ngôn!”
Cả lớp hướng ánh mắt xuống bàn cuối: một anh chàng đang úp mặt, nhoài người tì lên cánh tay phải duỗi thẳng trên bàn. Đó là anh sinh viên mang cái tên mà thầy Long – giảng viên môn Thần kinh động vật – vừa gọi. Đương sự không nhúc nhích chút nào.
“Ngôn! Ngôn! Dậy đi! Thầy gọi kìa!”
Những người bạn ngồi bên cạnh lẫn phía trên bàn của Ngôn đánh thức và lay anh dậy. Bừng tỉnh, Ngôn vừa lim dim mí mắt vừa ngơ ngác nhìn mọi người. Một bên má và cánh tay anh cùng có điểm giống nhau là đều đỏ au vết tì.
“Xin mời anh trả lời... À mà thôi... Ra ngoài rửa mặt ngay và luôn cho tôi!”
Ngôn từ từ bước ra khỏi cửa sau của giảng đường. Hai vai nhức mỏi vì lệch tư thế một hồi lâu. Ra đến hành lang, anh gặp Huấn đang ngồi trên chiếc ghế dài, tay bấm bấm điện thoại.
“Huấn huynh đệ! Làm gì mà ngồi đây thế?”
“Tôi vừa mới đến! Đang tính khi nào ông ấy điểm danh thì lẻn vào. Chứ vào sớm ngồi nghe cứ như là...”
“Hề hề... Vừa nãy, tôi đang mơ một giấc đẹp quá thì ông ấy gọi. Tụt hết cả hố!” Ngôn cười sướng sướng.
“Chắc lại mơ thấy gái hả?”
“Tôi chưa bao giờ trải qua cảm giác tuyệt vời đến vậy ông ạ. Nụ hôn đầu đời...” Ngôn ngồi xuống ghế, giọng kể có pha lẫn sự liên tưởng lại giấc mơ.
“Chẹp chẹp.” Huấn liếm mép phụ họa, giống như vừa thưởng thức một que kem ốc quế.
“Em ấy rất xinh. Da trắng, mắt bồ câu. Khuôn mặt không thể cân đối hơn. Tôi và em ấy bước đi bên nhau trong một khung cảnh siêu lãng mạn. Và rồi chuyện gì đến cũng đến...” Dường như Ngôn vẫn chưa tỉnh ngủ hẳn.
“Ngọt không?” Huấn cười.
“Còn hơn cả ngọt nữa... Một cảm giác sung sướng hết cả người.”
“Ha ha ha! Chúc mừng ông!” Huấn chộp lấy, bắt tay Ngôn “Về nhà tiếp tục mơ đi nhá!”
Câu đùa của Huấn khiến Ngôn phì cười.
“Cả thế giới phải ghen tỵ với tôi ấy chứ!” Ngôn nói.
Vừa lúc đó, tiếng chuông hết tiết reo lên. Tiếng thầy Long nói qua micro vang vọng trong lớp thêm một phút nữa. Một số sinh viên mở cửa đi ra ngoài giải lao, thở phào nhẹ nhõm vì thoát khỏi cái không khí ngột ngạt của giảng đường tầng hai nhà K. Người thì đi vệ sinh, người thì đứng ở lan can nhìn ngắm đại sảnh tầng một. Số còn lại vẫn ở trong lớp: hoặc chép bài tiếp, hoặc tranh thủ ngủ úp trên bàn. Ghế mà Huấn và Ngôn đang ngồi lại ních thêm hai tên nữa: Sơn và Lâm.
Ngôn chợt thấy Giang Thảo chạy vội ra ngoài hàng lang.
“Tâm ơi, xuống đó mua giúp tôi cây bút bi xanh nét nhỏ luôn nhá.”
“Ô kê. C2 không?” Tâm ở đàng xa ngoái lại.
“Thôi. Bà cứ mua cho bà đi, tôi không uống đâu.”
“Ừ.”