Việt Sử Giai Thoại (Tập 1) - Chương 40 - Phần 2

THẾ THỨ CÁC TRIỀU ĐẠI TỪ THỜI HÙNG VƯƠNG ĐẾN HẾT THẾ KỈ THỨ X

Để bạn đọc tiện tra cứu khi xét thấy cần, chúng tôi viết thêm mụcThế thứ các triều đại từ thời Hùng Vương đến hết thế kỉ thứ X. Với ý nghĩa là góp phần giúp bạn đọc tiện tra cứu. chúng tôi giới thiệu hết tất cả các triều đại từng có trên đất nước ta trong giai đoạn lịch sử này, bất kể đó là chính quyền độc lập và tự chủ của ta hay chính quyền đô hộ của các triều đại phong kiến Trung Quốc. Và, vì đây chỉ là một trong những nội dung của phần phụ lục, chúng tôi chỉ có thể trình bày một cách gọn gàng mà thôi.

I - THẾ THỨ CÁC TRIỀU ĐẠI THỜI SƠ SỬ

1 - Thời đại Hùng Vương:

- Khoa học lịch sử hiện đại cho rằng, thời Hùng Vương chỉ mở đầu cách nay khoảng hai ngàn năm trăm năm (chứ không phải là bốn ngàn năm như nhiều sách vở trước đây vẫn thường nói).

- Về niên đại kết thúc của thời Hùng Vương, phần lớn các nhà sử học hiện nay cho là vào khoảng năm 208 trước công nguyên chứ không phải là năm 258 trước công nguyên như sử cũ vẫn nói.

-Các nhà sử học hiện nay cũng cho rằng, hai chữHùng Vươnggồm hai thành tố khác nhau. Thành tố thứ nhất là Hùng. Thành tố này có lẽ bắt nguồn từ sự phiên âm Hán Việt của một từ Việt cổ nào đấy, có ngữ âm và ngữ nghĩa gần với các từKun, KhunhayKhunztcủa đồng bào các dân tộc anh em như Mường, Thái, Mun-đa…, theo đó thì Kun,KhunhayKhunztđều có nghĩa là trưởng, thủ lĩnh, người đứng đầu v.v… Thành tố thứ hai làVương. Có lẽ, đây là thành tố do các nhà chép sử đời sau thêm vào, cốt để tỏ rõ rằng, thủ lĩnh hay người đứng đầu (Hùng) là thủ lĩnh hay người đứng đầu nhà nước. Đứng đầu quốc gia, nếu không là đế thì nhất định là vương mà thôi. Như vậy,Hùng Vươnglà tên tước vị, xuất hiện do phiên âm một từ Việt cổ nào đó.

-Sử cũ có nói đến con số mười tám đời Hùng Vương, nối nhau trị vì liên tục trong 2622 năm (từ năm 2879 trước công nguyên đến năm 258 trước công nguyên). Đó là những con số rất khó thuyết phục

-Các nhà nghiên cứu hiện nay cho rằng, các vua Hùng chỉ có thể nối nhau trị vì trong khoảng 300 năm, với niên đại kết thúc là năm 208 trước công nguyên (chứ không phải là năm 258 trước công nguyên). Trong khoảng thời gian như vậy, con số mười tám đời Hùng Vương là hoàn toàn có thể có.

-TheoHùng triều ngọc phảthì mười tám đời Hùng Vương là:

01-Hùng Dương (tức Lộc Tục)

02-Hùng Hiền (tức Sùng Lãm)

03-Hùng Lân

04-Hùng Việp

05-Hùng Hy

06-Hùng Huy

07-Hùng Chiêu

08-Hùng Vỹ

09-Hùng Định

10-Hùng Hy (cùng âm với đời thứ năm nhưng mặt chữ Hán thì hoàn toàn khác).

11-Hùng Trinh

12-Hùng Võ

13-Hùng Việt

14-Hùng Anh

15-Hùng Triều

16-Hùng Tạo

17-Hùng Nghị

18-Hùng Duệ

-Thời các vua Hùng, quốc hiệu của ta là Văn Lang. Khoa học lịch sử đã chứng minh được rằng, Văn Lang là một thời đại có thật. Thủ phủ của các vua Hùng là vùng Bạch Hạc (Phú Thọ) ngày nay.

2- Thời đại An Dương Vương:

- Theo ghi chép của sử cũ, An Dương Vương huý là Thục Phán, làm vua nước Âu Lạc từ năm 258 trước công nguyên đến năm 208 trước công nguyên. Nhưng, các nhà nghiên cứu hiện nay lại cho rằng, nước Âu Lạc chỉ tồn tại trong khoảng thời gian từ năm 208 trước công nguyên đến năm 179 trước công nguyên, tổng cộng gần ba chục năm.

-Cũng theo ghi chép của sử cũ, Thục Phán là con của vua nước Ba Thục, nhân khi Hùng Vương suy yếu, đã đem quân đến đánh và lật đổ Hùng Vương, làm vua nước ta, xưng là An Dương Vương, đổi tên nước ta là Âu Lạc. Nhưng, kết quả nghiên cứu của khoa học lịch sử hiện đại lại cho thấy, An Dương Vương là thủ lĩnh của các bộ tộc Âu Việt (cư trú chủ yếu ở vùng Việt Bắc và Tây Bắc nước ta ngày nay). Kể từ năm 214 trước công nguyên, nếu Hùng Vương tỏ ra bất lực trong sự nghiệp tổ chức và lãnh đạo nhân dân chống lại cuộc tấn công ồ ạt của quân Tần, thì trái lại, Thục Phán là một trong những vị anh hùng chống xâm lăng. Năm 208 trước công nguyên, Thục Phán được tôn lên làm vua. Ông xưng là An Dương Vương, đổi gọi tên nước là Âu Lạc.

-Kinh đô của Âu Lạc là Cổ Loa (nay thuộc ngoại thành Hà Nội). Nay, di tích thành Cổ Loa vẫn còn.

-Năm 179 trước công nguyên, Âu Lạc bị vua của nước Nam Việt là Triệu Đà thôn tính. Từ đây, thời kỳ đen tối lâu dài nhất của lịch sử nước ta bắt đầu:Thời Bắc thuộc.

II - THẾ THỨ CÁC CHÍNH QUYỀN BẮC THUỘC

Từ năm 179 trước công nguyên đến năm 905 sau công nguyên nước ta bị các triều đại phong kiến Trung Quốc nối nhau xâm lược và đô hộ. Sử gọi đó là thời Bắc thuộc. Hẳn nhiên, chính quyền Bắc thuộc không phải là chính quyền của ta, nhưng, để bạn đọc

có thể tra cứu khi xét thấy cần thiết, chúng tôi trình bày thêm mụcThế thứ các chính quyền Bắc thuộc.Điều cần lưu ý là tất cả niên đại ghi dưới đây đều dựa trên danh nghĩa chứ không phải là trên thực tế.

1- Chính quyền đô hộ củaNamViệt:

- Năm 208 trước công nguyên, nhà Tần sụp đổ, một viên tướng cũ của nhà Tần là Triệu Ðà đã chiếm cứ vùng Lĩnh Nam và lập ra nước Nam Việt (vào năm 206 trước công nguyên).

- Ngay sau khi lập được nước Nam Việt, Triệu Ðà đã liên tục đem quân đến đánh Âu Lạc. Năm 179 trước công nguyên, Âu Lạc bị Triệu Ðà thôn tính và đô hộ.

- Nam Việt thống trị ta từ năm 179 trước công nguyên đến năm 111 trước công nguyên, tổng cộng là 68 năm với năm đời vua nối nhau trị vì là:

. Triệu Vũ Đế (Triệu Ðà), làm vua từ năm 206 trước công nguyên đến năm 137 trước công nguyên.

. Triệu Văn Vương (Triệu Hồ), làm vua từ năm 136 trước công nguyên đến năm 125 trước công nguyên.

. Triệu Minh Vương (Triệu Anh Tề), làm vua từ năm 124 trước công nguyên đến năm 113 trước công nguyên.

. Triệu Ai Vương (Triệu Hưng) làm vua năm 112 trước công nguyên.

. Thuật Dương Vương (Triệu Kiến Đức), làm vua năm 111 trước công nguyên.

2 - Chính quyền đô hộ của nhà Hán:

- Năm 206 trước công nguyên, khi nhà Tần sụp đổ, nếu ở vùng Lĩnh Nam, Triệu Ðà lập ra nước Nam Việt, thì ở vùng trung nguyên của Trung Quốc, Lưu Bang cũng lập ra một triều đại mới, đó là nhà Hán.

- Năm 111 trước công nguyên, nhà Hán đã thôn tính được Nam Việt và thay thế Nam Việt đô hộ nước ta. Lịch sử nhà Hán bao gồm hai giai đoạn khác nhau. Giai đoạn thứ nhất bắt đầu từ khi Lưu Bang lên ngôi Hoàng đế (Hán Cao Tổ) đến năm thứ 8 sau công nguyên. Giai đoạn này sử gọi là thời Tiền Hán hay thời Tây Hán. Từ năm thứ 8 đến năm thứ 25, loạn Vương Mãng đã làm cho nền thống trị của nhà Hán bị gián đoạn một thời gian ngắn. Giai đoạn thứ hai bắt đầu từ khi Lưu Tú lên ngôi Hoàng Đế (Hán Quang Võ) đến năm 220. Giai đoạn này sử gọi là thời Hậu Hán hay thời Đông Hán. Cũng có khi, sử gộp chung, gọi cả hai giai đoạn này là thời Lưỡng Hán.

- Thời Lưỡng Hán, có tất cả bốn mươi hai viên quan được cử sang làm đô hộ ở nước ta.

3 - Chính quyền đô hộ của nhà Ngô:

- Cuối thế kỉ thứ II, nhà Hán sụp đổ, các thế lực cát cứ nổi lên xâu xé lẫn nhau. Đầu thế kỉ thứ III, Trung Quốc bước vào thời kì hỗn chiến tương tàn của ba nước là Ngô, Thục và Ngụy. Sử gọi đó làthời Tam Quốc. Thời này, nhà Ngô thống trị nước ta.

- Trên danh nghĩa, nhà Ngô thống trị nước ta từ năm 220 đến năm 280. Trong thời gian đó, ba mươi mốt viên quan đã được cử sang làm đô hộ.

4 - Chính quyền đô hộ của nhà Tấn:

- Năm 280, nhà Tấn thống nhất được Trung Quốc, và cũng từ năm đó, nhà Tấn thay nhà Ngô thống trị nước ta.

- Nhà Tấn tồn tại tổng cộng 140 năm (từ năm 280 đến năm 420). Trong thời gian này, hai mươi hai viên quan của nhà Tấn đã được cử sang làm đô hộ nước ta.

5 - Chính quyền đô hộ củaNamTriều:

- Đầu thế kỉ thứ V, Trung Quốc lại lâm vào tình trạng hỗn chiến cát cứ mới, sử gọi đó làthờiNam- Bắc Triều. Trong thời kì này, Nam Triều thống trị nước ta. Nền thống trị của Nam Triều bắt đầu từ năm 420 đến năm 542. Năm này, Lý Bí (cũng tức là Lý Bôn) đã khởi nghĩa và giành được thắng lợi, lập ra nước Vạn Xuân.( Xin xem thêm mục thứ III của phần này).

- Trong 122 năm thống trị,NamTriều đã lần lượt đưa sang hai mươi lăm viên quan làm đô hộ ở nước ta.

6 - Chính quyền đô hộ của nhà Tùy và nhà Đường:

- Năm 581, nhà Tùy được thành lập ở Trung Quốc. Năm 602 nhà Tùy tấn công xâm lược nước ta. Cuộc kháng chiến chống xâm lăng do Lý Phật Tử lãnh đạo đã nhanh chóng bị thất bại. Nhà Tùy đô hộ nước ta từ năm 602 đến năm 618.

- Năm 618, nhà Ðường lật đổ nhà Tùy và thay nhà Tùy đô hộ nước ta. Ách đô hộ của nhà Ðường kéo dài từ năm 618 đến năm 905, mặc dù trên danh nghĩa, phải đến năm 907 nhà Ðường mới bị diệt vong hoàn toàn.

- Nhà Tùy thống trị nước ta chỉ có mười sáu năm, và điều đáng nói là dấu ấn để lại không có gì sâu sắc, bởi vậy, sử vẫn gộp với nhà Ðường mà gọi chung là thời thuộc Tùy - Ðường.

- Trong thời gian thống trị kéo dài tổng cộng 303 năm, nhà Tùy và nhà Ðường đã đưa sáu mươi tư viên quan sang làm đô hộ ở nước ta.