Việt Sử Giai Thoại (Tập 1) - Chương 40 - Phần 4

IV - THẾ THỨ CÁC TRIỀU ĐẠI TRONG BUỔI ĐẦU CỦA KỈ NGUYÊN ĐỘC LẬP, TỰ CHỦ VÀ THỐNG NHẤT

Năm 905, lợi dụng sự đổ nát của nhà Đường, Khúc Thừa Dụ (một hào trưởng quê ở Hồng Châu, nay thuộc Hải Dương) đã khôn khéo thành lập một hệ thống chính quyền độc lập, tự chủ và thống nhất. Từ đó, kỷ nguyên độc lập, tự chủ và thống nhất bắt đầu được thiết lập.Trong kỉ nguyên lớn này, giai đoạn từ năm 905 đến hết thời Tiền Lê (1009) là giai đoạn đầu, giai đoạn có ý nghĩa xây dựng và từng bước khẳng định, gồm các triều đại sau đây:

1. Họ Khúc (905 - 930)

- Cuối năm 905, lợi dụng khi chính quyền đô hộ của nhà Đường trên đất nước ta bị tan rã, Khúc Thừa Dụ xưng là Tiết độ sứ (tên chức danh của quan đô hộ Trung Quốc đối với nước ta lúc bấy giờ). Ngày 7 tháng 2 năm 906, nhà Đường buộc phải thừa nhận chức tước của Khúc Thừa Dụ, đồng thời, còn gia phong cho Khúc Thừa Dụ hàm Đồng bình chương sự.

- Sau Khúc Thừa Dụ, con và cháu của ông vẫn tiếp tục giữ vững chính sách ứng xử khôn khéo với nhà Đường. Như vậy, tuy chưa xưng đế hoặc xưng vương, thậm chí còn tự coi là quan lại của Trung Quốc; tuy chưa đặt quốc hiệu và niên họ... nhưng, họ Khúc thực sự đã có công đặt nền tảng căn bản đầu tiên cho kỉ nguyên độc lập, tự chủ và thống nhất của nước nhà.

Họ Khúc nốI truyền được ba đời, gồm:

Khúc Thừa Dụ: 905 – 907

Khúc Hạo: 907 – 917

Khúc Thừa Mỹ: 917 – 930

2. Họ Dương (931 – 937)

- Năm 930,NamHán (tên một nước nhỏ của Trung Quốc trong thời kì Ngũ Đại Thập Quốc) đem quân sang xâm lược nước ta. Khúc Thừa Mỹ đã thất bại trong cuộc chiến đấu chống quân Nam Hán xâm lược.

- Họ Khúc tuy thất bại nhưng lực lượng của họ Khúc vẫn còn. Năm 931, một bộ tướng của họ Khúc là Dương Đình Nghệ (nhiều chỗ chép là Dương Diên Nghệ) đã lãnh đạo nhân dân đánh đuổi quân Nam Hán ra khỏi bờ cõi.

- Năm 931, sau khi đã đánh đuổi được quân Nam Hán, Dương Đình Nghệ đã thành lập và đứng đầu chính quyền độc lập, tự chủ và thống nhất ở nước ta. Cũng như họ Khúc, Dương Đình Nghệ không xưng đế hay xưng vương cũng không đặt quốc hiệu và niên hiệu. Tuy nhiên trong thực tế, Dương Đình Nghệ là ngườI đã có công tiếp tục khẳng định xu hướng độc lập, tự chủ và thống nhất vốn đã xuất hiện một cách âm thầm nhưng rất mãnh liệt dưới thời họ Khúc.

3. Họ Ngô (938 - 965)

- Tháng 4 năm 937, Dương Đình Nghệ bị một viên bộ tướng, lại cũng là con nuôi của ông, tên là Kiều Công Tiễn giết hại để giành chức quyền.

- Ngay trong năm 937, một bộ tướng khác của Dương Đình Nghệ, cũng là con rể của Dương Đình Nghệ, tên là Ngô Quyền đã đem quân đến hỏi tội Kiều Công Tiễn. Trong cơn quẫn bách, Kiều Công Tiễn đã đi cầu cứu quân Nam Hán và Nam Hán đã đem quân sang xâm lược nước ta.

- Năm 938, Ngô Quyền đã lãnh đạo quân dân ta, đánh trận quyết chiến chiến lược tuyệt vời ở Bạch Đằng, quét sạch quân Nam Hán ra khỏi bờ cõi, đồng thời, trừng trị đích đáng hành động tội lỗi của Kiều Công Tiễn. Với chiến công xuất sắc này, Ngô Quyền đã có công khẳng định một cách hiên ngang kỉ nguyên độc lập tự chủ và thống nhất của nước nhà.

- Sau chiến thắng, Ngô Quyền lên ngôi vương, sử gọi đó là thời Ngô Vương. Ngô Vương đóng đô ở Cổ Loa.

- Chính quyền họ Ngô gồm hai giai đoạn khác nhau. Giai đoạn do Ngô Quyền cầm đầu là giai đoạn cường thịnh và giai đoạn sau khi Ngô Quyền mất là giai đoạn suy yếu để rồi bị diệt vong.

- Chính quyền họ Ngô truyền nối được ba đời nhưng lại có đến 4 bậc xưng vương. Đó là:

. Ngô Quyền (938 - 944)

. Dương Tam Kha: anh vợ của Ngô Quyền, cướp ngôi của con Ngô Quyền sau khi Ngô Quyền mất (944 - 950).

. Nam Tấn Vương (tức Ngô Xương Văn) và Thiên Sách Vương (tức Ngô Xương Ngập): cả hai đều là con của Ngô Quyền, giành lại được ngôi vương từ Dương Tam Kha và cùng... xưng vương (951 - 965). Sử gọi đây làthời Hậu Ngô Vương.

- Ngay trong thời Hậu Ngô Vương, nạn cát cứ đã bắt đầu xuất hiện. Các thế lực yếu bị tiêu diệt nhanh, các thế lực mạnh tồn tại được lâu hơn. Cuối cùng, chỉ còn có mười hai thế lực mạnh, sử gọi đó làloạn mười hai sứ quân.

- Danh sách mười hai sứ quân như sau:

. Ngô Xương Xí (con của Ngô Xương Ngập, cháu nội của Ngô Quyền) chiếm cứ vùng Bình Kiều, nay thuộc Khoái Châu, Hưng Yên.

. Trần Lãm chiếm giữ đất Bố Hải, nay thuộc Tiền Hải (Thái Bình)

. Nguyễn Thủ Tiệp chiếm giữ vùng Tiên Sơn, nay thuộc Bắc Ninh

. Lý Khuê chiếm giữ vùng Thuận Thành (nay thuộc Bắc Ninh)

. Lã Đường (cũng đọc là Lữ Đường) chiếm giữ vùng Văn Giang, nay thuộc Bắc Ninh và Hưng Yên

. Phạm Bạch Hổ chiếm giữ vùng Đằng Châu, nay thuộc Hưng Yên

. Nguyễn Siêu chiếm giữ vùng Thanh Trì, nay là vùng Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội.

. Nguyễn Khoan chiếm giữ vùng Vĩnh Tường, nay thuộc Vĩnh Phúc

. Kiều Công Hãn chiếm giữ vùng Bạch Hạc, nay thuộc Phú Thọ.

. Kiều Thuận chiếm giữ vùng Cấm Khê (Sơn Tây)

. Đỗ Cảnh Thạc chiếm giữ vùng Đỗ Động, nay thuộc Hà Tây.

. Ngô Nhật Khánh chiếm giữ vùng Đường Lâm, nay thuộc Hà Tây.

- Như vậy, ngoài những vùng do các sứ quân nói trên chiếm giữ, thời gian này, ở nước ta có nhiều vùng không thuộc vào bất cứ hệ thống chính quyền nào.

- Loạn mười hai sứ quân đã làm cho thế nước suy vi, dân tình khốn khổ.

4. Họ Đinh (968 - 980).

- Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh đã dẹp yên được loạn mười hai sứ quân, tái thiết nền thống nhất cho đất nước và lập ra một triều đại mới: triều Đinh.

- Họ Đinh xưng đế, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, niên hiệu là Thái Bình, đóng đô ở Hoa Lư (nay thuộc Ninh Bình), nối truyền được hai đời, tổng cộng mười hai năm:

. Đinh Bộ Lĩnh (Đinh Tiên Hoàng): 968 – 979

. Đinh Phế Đế (Đinh Toàn): 979 - 980.

5. Họ Lê (980 - 1009)

- Năm 979, Đinh Tiên Hoàng cùng con trai trưởng là Nam Việt Vương Đinh Liễn qua đời, con nối ngôi là Vệ Vương Đinh Toàn (tức Đinh Phế Đế) còn quá nhỏ, (mới 6 tuổi đầu), trong khi đó, tình hình đối nội cũng như đối ngoại của đất nước rất phức tạp.

- Tháng 7 năm 980, khi được tin quân Tống đang chuẩn bị tràn sang xâm lược nước ta, đa số quan lại trong triều nhà Đinh đã đồng lòng tôn Lê Hoàn lên ngôi vua. Sự kiện này vừa có ý nghĩa gấp rút ổn định tình hình trong nước, vừa có ý nghĩa thiết thực đối với sự nghiệp tập hợp và lãnh đạo nhân dân cả nước chống xâm lăng.

- Với sự kiện Lê Hoàn lên ngôi, nhà Lê được lập ra. Để phân biệt với triều Lê sau (mở đầu là Lê Lợi), sử gọi đây làtriều TiềnLê.

- Triều Tiền Lê tồn tại trước sau tổng cộng ba đời vua trị vì gần ba mươi năm. Ba đời vua đó là:

. Lê Hoàn: 980 – 1005.

Nhà vua sinh năm Tân Sửu (941) tại Ái Châu (đất này nay thuộc Thanh Hóa), ở ngôi 25 năm, mất năm Ất Tị (1005), tại Hoa Lư, thọ 64 tuổi. Khi ở ngôi, Nhà vua đã đặt ba niên hiệu làThiên Phúc(980 - 988),Hưng Thống(989 - 993) vàỨng Thiên(994 - 1005).

. Lê Trung Tông: 1005.

Nhà vua tên thật là Lê Long Việt, con thứ ba của Lê Hoàn, sinh năm Quý Mùi (983) tại Hoa Lư, được lập làm Thái Tử năm 1004, nối ngôi vào tháng 3 năm 1005, nhưng vừa lên ngôi được ba ngày thì đã bị người em cùng cha cùng mẹ là Lê Long Đĩnh giết hại, thọ hai mươi hai tuổi. Vua chưa kịp đặt niên hiệu.

. Lê Ngọa Triều: 1005 - 1009.

Nhà vua tên thật là Lê Long Đĩnh, bản tính tàn bạo, ăn ở thất đức, giết anh ruột để cướp ngôi, đối xử với quần thần rất vô đạo, sau ăn chơi trác táng lại mắc bệnh trĩ nên ngồi không được, vì thế, sử gọi là Lê Ngọa Triều (ông vua họ Lê, ra triều phải nằm). Nhà vua mất vào tháng 10 năm 1005, thọ hai mươi ba tuổi (986 - 1009).

Cũng như nhà Đinh, nhà Tiền Lê đóng đô tại Hoa Lư. Không thấy sử chép việc đổi quốc hiệu, như vậy, quốc hiệu Đại Cồ Việt có lẽ đã được tiếp tục sử dụng.

Ngay sau khi Lê Ngọa Triều mất, Lý Công Uẩn được tôn lên ngôi vua. Triều Lý được thành lập kể từ đó.Tuy nhiên, mọi chuyện thuộc về triều Lý thì đã có tập51 giai thoại thời Lýrồi.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3