Việt Sử Giai Thoại (Tập 2) - Chương 03 - 04 - 05

03 - CÁI CHẾT CỦA ĐÀO KHÁNH VĂN

Đào Khánh Văn sinh năm nào không rõ, chỉ biết ông từng làm quan dưới thời Lý Thái Tổ và tháng 4 năm Tân Hợi (1011), ông được cùng với Lý Nhân Nghĩa cầm đầu phái bộ sứ giả sang nhà Tống. Năm trước (1010), Lý Thái Tổ được vua Tống tấn phong là Giao chỉ Quận vương, Tĩnh hải Tiết độ sứ, cho nên năm này, Lý Thái Tổ sai hai người sang nhà Tống đáp lễ. Đến nơi, Đào Khánh Văn bỏ trốn sứ bộ và xin thiên triều cho ở lại Trung Quốc, nhưng nhà Tống lại bắt Đào Khánh Văn giao trả cho ta. SáchĐại Việt sử kí toàn thư(bản kỉ quyển 2, tờ 5 - a) cho biết là bởi tội này mà Đào Khánh Văn bị triều Lý xử tội, lấy gậy đánh cho đến chết.

Khác với Đào Khánh Văn, Lý Nhân Nghĩa là bậc trung thần, sau, ông từng có công lớn trong việc dẹp loạn Tam vương, làm quan trải hai triều là Thái Tổ và Thái Tông, danh thơm còn lưu mãi trong sử sách.

Lời bàn:Ngay khi mới lên ngôi. Lý Thái Tổ đã tỏ rõ khả năng và bàn lĩnh của mình. Một giai đoạn phát triển mạnh mẽ của đất nước đã được chính vua Lý Thái Tổ mở ra. Sử cũ đã phải viết: “Vua ứng mệnh trời, thuận lòng người, nhân thời mở vận, là người khoan thứ nhân từ, tinh tế hòa nhã, có lượng đế vương.” Vua tin cậy mà trao trọng trách đi sứ thiên triều cho Đào Khánh Văn Tiếc thay, đáp lại lòng tin đó, Đào Khánh Văn đã quẫn trí mà bỏ trốn, làm nhục quốc thể để rồi phải chết trong đớn đau và nhục nhã. Danh giá chết trước, thể xác lại chết sau, đường Khánh Văn đi là đường ngược đạo lí. Kẻ nào đang định lợi dụng xuất dương công cán để bỏ xứ mà đi, xin hãy trông gương Đào Khánh Văn.

04 – ĐIỀM BÁO TRƯỚC VIỆC VUA LÝ THÁI TÔNG RA ĐỜI

Vua Lý Thái Tông (1028 - 1054) tên húy là Phật Mã, lại có tên húy khác là Đức Chính, con trưởng của vua Lý Thái Tổ. Mẫu thân của Thái Tông là hoàng hậu họ Lê, sinh ra Vua vào ngày 26 tháng 6 năm Canh Tí (1000), khi Thái Tổ còn là đại thần của triều Tiền Lê (980 - 1009). Vua Lý Thái Tông mất năm Giáp Ngọ (1054), thọ năm mươi tư tuổi.

Lí lịch tóm lược của vua Lý Thái Tông có lẽ chỉ thế cũng đã tạm đủ, thế nhưng, chừng như để cho thêm phần li kì, người ta đã tặng thêm cho ông một đoạn không lấy gì làm vẻ vang. Đoạn ấy đã được sáchĐại Việt sử kí toàn thư(bản kỉ, quyển 3, tờ 17b) ghi lại như sau:

“Lúc Vua mới sinh ở phủ Trường Yên (Ninh Bình ngày nay) có con trâu của nhà dân tự nhiên thay sừng. Người ấy cho là điềm gở, lòng lấy làm lo lắng lắm. Có người giỏi chiêm nghiệm đi qua nhà ấy, cười mà nói rằng, đó là điềm đổi mới, có can dự gì đến nhà anh. Nghe vậy, người ấy mới hết lo.”

Lời bàn:Đời cha thì được báo trước bởi con chó lông trắng có đốm đen ở châu Cổ Pháp, nay đến đời con thì được báo trước bởi con trâu thay sừng ở phủ Trường Yên. Coi hai việc ngẫu nhiên ấy làm điềm báo trước cho sự ra đời của hai vị vua, sự ấy mới lạ lùng làm sao!

05 - LOẠN TAM VƯƠNG

Có một sự kiện rất đáng tiếc đã xảy ra trong cung đình nhà Lý ngay sau khi vua Lý Thái Tổ mất (năm Mậu Thìn - 1028) đã được sáchĐại Việt sử kí toàn thư(bản kỉ, quyển 2, tờ 11a - b và tờ 12 - a) ghi lại như sau:

“Mùa xuân, tháng 2 Vua không khoẻ. Tháng ba, ngày mồng một là ngày Bính Thân, có nhật thực. Đến ngày Mậu Tuất (tức 3 - 3), Vua băng ở điện Long An. Bầy tôi đều đến cung Long Đức xin Thái tử (Phật Mã) vâng di chiếu lên ngôi. Tam vương là Đông Chinh, Dực Thánh và Vũ Đức nghe tin, đều đem quân ở phủ mình vào phục sẵn trong cấm thành. Đông Chinh Vương phục ở trong Long Thành, hai vương Dực Thánh và Vũ Đức phục trong cửa Quảng Phúc, cùng đợi Thái tử đến thì đánh úp. Một lúc sau, Thái tử đi từ cửa Tường Phù vào, đến điện Càn Nguyên thì biết có biến, bèn sai người hầu đóng hết các cửa điện và sai vệ sĩ ở trong cung phòng giữ. Thái tử nhân đó bảo tả hữu rằng:

- Ta đối với anh em không phụ bạc chút nào. Nay tam vương làm việc bất nghĩa, quên di mệnh của tiên đế, muốn mưu chiếm ngôi báu, các khanh nghĩ thế nào?

Nội thị là Lý Nhân Nghĩa nói:

- Anh em với nhau, bên trong có thể hiệp sức bàn mưu, bên ngoài có thể cùng nhau chống giặc. Nay tam vương làm phản, thì là anh em hay là kẻ thù? Xin cho chúng thần được đánh một trận để quyết được thua.

Thái tử nói:

- Ta lấy làm xấu hổ là tiên đế mới mất, thi thể chưa quàn mà cốt nhục đã đánh nhau, há chẳng để cho muôn đời chê cười sao?

Nhân Nghĩa nói:

- Thần nghe rằng, muốn mưu xa thì phải quên ơn gần, giữ đạo công thì phải dứt tình riêng, đó là việc Ðường Thái Tông và Chu Công Đán bất đắc dĩ phải làm. (Ý muốn chỉ việc Ðường Thái Tông giết hai anh, Chu Công Đán giết em là Quản Thúc để giữ ngôi vua cho Ðường Thái Tông và cho Chu Thành Vương). Nay, điện hạ có cho Ðường Thái Tông và Chu Công là chăm mưu xa và giữ đạo công chăng? Hay (hai người ấy) chỉ tham công gần và đắm tình riêng chăng? Điện hạ biết theo dấu cũ của Đường Thái Tông và Chu Công thì đời sau ca tụng công đức còn chưa hết, còn đâu mà chê cười?

Nhân Nghĩa lại nói:

- Tiên đế cho điện hạ là người hiền, đủ để nối được chí, có tài để làm nổi việc, nên đem thiên hạ phó thác cho điện hạ. Nay giặc đến vây bức cửa cung mà ẩn nhẫn như thế, thì đối với sự phó thác của tiên đế ra sao?

Thái tử im lặng hồi lâu rồi bảo Nhân Nghĩa và bề tôi trong cung là bọn Dương Bình, Quách Thịnh, Lý Huyền Sư, Lê Phụng Hiểu rằng:

- Ta há lại không biết việc làm của Ðường Thái, Chu Công hay sao? Chỉ vì ta muốn che giấu tội ác của tam vương, khiến họ tự ý rút quân chịu tội để được vẹn toàn tình cốt nhục là hơn.

Khi ấy, phủ binh của tam vương vây bức càng gấp, Thái tử liệu không thể ngăn được, liền nói:

- Thế đã như vậy, ta còn mặt mũi nào trông thấy tam vương nữa. Ta chỉ biết làm lễ thành phục (lễ mặc đồ tang) đến hầu tiên đế, ngoài ra đều ủy thác cho các khanh cả.

Bọn Nhân Nghĩa đều lạy hai lạy, nói:

- Chết vì vua gặp nạn là chức phận của chúng thần. Nay đã được chỗ đáng chết, còn từ chối gì nữa.

Nói xong, bèn ra lệnh cho vệ sĩ trong cung mở cửa ra đánh, ai cũng vui lòng xông phá, có sức một người chọi với cả trăm người. Khi quân đánh nhau chưa phân được thua, Phụng Hiểu tức giận rút gươm chạy thẳng đến cửa Quảng Phúc, hô to rằng:

- Bọn Vũ Đức Vương ngấp nghé ngôi báu, không coi vua nối dõi vào đâu, trên quên ơn tiên đế, dưới trái nghĩa tôi con, vì thế thần là Phụng Hiểu xin đem thanh gươm này để dâng.

Nói rồi, xông thẳng đến chỗ ngựa của Vũ Đức Vương. Vương quay ngựa tránh, ngựa qụy xuống, bị Phụng Hiểu bắt giết. Phủ binh của tam vương thua chạy, quan quân đuổi theo chém chết không sót một tên nào, chỉ có hai vương là Đông Chinh và Dực Thánh chạy thoát được.

Lời bàn:Dẫu là người dưng mà chém giết nhau để giành quyền cao chức trọng, cũng đã đủ để tiếng xấu đến muôn đời, huống chi là anh em ruột thịt, nồi da nấu thịt. Đông Chinh, Dực Thánh và Vũ Đức làm sao có thể gọi là hợp mưu để giết Phật Mã được? Ngôi vua thì chỉ có một, dẫu có giết được Phật Mã đi chăng nữa, chẳng lẽ sau đó, cả ba lại cùng nhau làm vua? Cả ba chỉ lừa nhau, liên minh giả dối với nhau để rồi kẻ thắng thế duy nhất cũng chính là kẻ nham hiểm cao tay nhất.

Đông Chinh và Dực Thánh chạy thoát lưỡi gươm đương thời, nhưng làm sao thoát được lời búa rìu khinh ghét của muôn đời!

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3