Việt Sử Giai Thoại (Tập 2) - Chương 35 - 36 - 37

35 - SỰ VÔ TƯ VÀ TRUNG THỰC CỦA TÔ HIẾN THÀNH

Tô Hiến Thành sinh năm nào không rõ, chỉ biết thời trị vì của Lý Anh Tông, ông đã là một bậc lão thần của nhà Lý và thời Lý Cao Tông, ông được quyền thay vua nhỏ tuổi nhiếp chính sự. Tô Hiến Thành mất vào tháng 6 năm Kỉ Hợi (1179). Đó là một tổn thất lớn cho triều Lý, bởi lúc bấy giờ, vua Lý Cao Tông mới tám tuổi, chưa thể tự quyết đoán được mọi việc phức tạp của nước nhà, trong lúc đó, bà Chiêu Linh Thái hậu vẫn chưa chịu từ bỏ mưu đồ truất phế Lý Cao Tông để đưa Lý Long Xưởng là tên vô đạo lên thay. Cả triều đình lấy đó làm mối lo lớn, nhất là bà Đỗ Thái hậu (tức bà Thụy Châu Thái hậu, mẹ đẻ của vua Lý Cao Tông).

Lúc Tô Hiến Thành trở bệnh nguy kịch, có một câu chuyện rất cảm động, phản ánh nhân cách khả kính của ông, đã được sáchĐại Việt sử lược(quyển 3, tờ 10 - a) chép lại như sau:

“Trước đây, khi Hiến Thành ở trên giường bệnh, chỉ có quan Tham tri chính sự là Vũ Tán Đường ngày đêm hầu hạ ở bên cạnh, quan Gián nghị đại phu là Trần Trung Tá vì nhiều công việc bận, không có thời giờ rảnh rỗi tới thăm Hiến Thành được. Khi bệnh tình đã thành nguy kịch, Bà Thái hậu (đây chỉ Đỗ Thái hậu - ND) tới thăm và hỏi Hiến Thành rằng:

- Nếu có mệnh hệ nào thì ai thay ông được?

Hiến Thành đáp:

- Người mà bình nhật thần biết chỉ có Trung Tá mà thôi.

Thái hậu nói:

- Tán Đường ngày ngày hầu hạ thuốc thang cho ông, ông không nói tới là làm sao?

Hiến Thành đáp:

- Bệ hạ hỏi ai có thể thay thần nên thần mới nói đến Trung Tá, còn nếu như Bệ hạ hỏi người hầu hạ phụng dưỡng, thì phi Tán Đường ra, còn ai nữa.

Thái hậu tuy khen Hiến Thành là trung, nhưng rồi cũng không nghe lời ông, Lấy Đỗ An Thuận (các sách khác chép là Đỗ An Di, có lẽ doDiThuậnmặt chữ Hán gần giống nhau nên chép lầm. Đỗ An Thuận là em ruột của Đỗ Thái hậu - ND) trông coi việc triều chính.”

Xin nói thêm: Tô Hiến Thành mất, Vua bãi chầu 7 ngày, ăn chay 3 ngày để tỏ rõ sự đặc biệt kính trọng.

SáchĐại Việt sử kí toàn thư(bản kỉ, quyển 4), sau khi lược chép lại chuyện này, đã trân trọng ghi lại lời bàn của sử thần Ngô Sĩ Liên như sau:

“Tô Hiến Thành nhận việc kí thác con côi, hết lòng trung thành, khéo xử trí khi có biến cố, tuy bị gió lay sóng dập mà vẫn đứng vững như cột đá giữa dòng, khiến trên yêu dưới thuận, không thẹn với phong độ của đại thần ngày xưa. Huống chi, đến lúc sắp chết còn vì nước tiến cử người hiền, không hề vì ơn riêng. Thái hậu không dùng lời nói này của Hiến Thành là việc không may cho nhà Lý vậy.”

Các tác giả sáchKhâm định Việt sử thông giám cương mục(chính biên, quyển 5, tờ 20) thì bàn rằng: "Sau Gia Cát Vũ Hầu (tức Khổng Minh Gia Cát Lượng - ND) chỉ có người này mà thôi.”

36 - NGUYỄN ĐA CẨM BỊ CẮN...

Sang nửa sau thế kỉ XII, phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân chống lại nền thống trị của triều Lý liên tiếp bùng nổ, triều Lý đã phải nhiều phen xuất quân đi đánh dẹp. Có những trận, quân đội nhà Lý do đích thân các vị đại thần hoặc thân vương trực tiếp chỉ huy. Năm Ất Tị (1185), đồng bào các dân tộc ít người ở Sách Linh (nay chưa rõ là nơi nào) đã nổi dậy. Cầm đầu lực lượng của họ lúc ấy là thủ quân Đinh Vũ và quan lang Đinh Sáng. Triều đình Lý Cao Tông rất lấy làm lo sợ, vội sai Kiến Ninh Vương Long Ích đem hơn một vạn quân đi đàn áp. Long Ích cho quân đến đóng ở Đỗ Gia Thôn (một địa điểm ở gần Sách Linh) và liên tục chiêu dụ thủ lĩnh của lực lượng nổi dậy này đầu hàng. Thấy khó bề chống đỡ, Đinh Vũ và Đinh Sáng ra hàng. Nhưng, cả hai vừa ra đến nơi thì lập tức bị Long Ích sai quân bắt trói lại.

Quá bất ngờ vì bị ngược đãi, cả Đinh Vũ lẫn Đinh Sáng đều kêu la và đúng lúc ấy, một chuyện chẳng hay ho gì đã xảy ra. SáchĐại việt sử lược(quyển 3, tờ 11 - a) cho biết rằng, tùy tướng của Long Ích là Nguyễn Đa Cẩm thấy Đinh Vũ và Đinh Sáng đã bị bắt trói thì nghĩ rằng họ tất phải sợ oai, quyền sinh sát ở trong tay mình, mình muốn làm gì mà chẳng được. Nghĩ vậy, Nguyễn Đa Cẩm vừa không ngớt chửi rủa, vừa tiến lại gần sát để tiểu tiện vào miệng của Đinh Vũ và Đinh Sáng. Thế cùng, Đinh Vũ bèn cắn nghiến ngọc hành của Nguyễn Đa Cẩm. Đau quá, Nguyễn Đa Cẩm lấy hết sức thoi thật mạnh vào Đinh Vũ, lúc ấy Đinh Vũ mới buộc miệng nhả ra. Nguyễn Đa Cẩm rút được của quý ra nhưng cũng bị ngã xuống đất ngất xỉu. Bấy giờ, Long Ích bèn sai người làm con cá bằng gỗ để khóa miệng Đinh Vũ và Đinh Sáng lại rồi đánh cho đến chết, xong, đem thây phơi ra đường để trấn áp tinh thần dân Sách Linh.

Lời bàn:Dân có nổi dậy thì đó cũng chẳng qua là chuyện chẳng đặng đừng, mọi thời chính sự suy vi đều thấy cả. Long Ích đường đường là thân vương của triều đình mà thất hứa với hai thủ lĩnh nhỏ của dân, làm chuyện ngược đãi kẻ quy thuận, lỗi ấy thật khó bỏ qua. Nguyễn Đăng Cẩm cậy thế kẻ thắng, chửi mắng đã thô tục, tiểu tiện vào miệng tù nhân lại còn thô tục hơn. Sự xúc phạm nhân phẩm thô bạo ấy, chỉ mới nghe qua đã lấy làm xấu hổ. Đinh Vũ ở thế cùng thì phải xử theo kiểu thế cứng, cắn Nguyễn Đa Cẩm cũng là điều dễ hiểu.

37 - NHÀ SƯ XỨ TÂY VỰC VỚI PHÉP GIÁNG HỔ

SáchĐại Việt sử lược(quyển 3, tờ 11 - b) có chép một mẩu chuyện xảy ra ở nước ta vào mùa thu năm Đinh Mùi (1187), dưới thời trị vì của vua Lý Cao Tông như sau:

“Mùa thu, có một nhà sư người xứ Tây Vực đến (nước ta). Vua hỏi Nhà sư có biết làm phép gì lạ không. Nhà sư trả lời là biết làm phép giáng hổ. Vua sai tên Chi hầu phụng ngự là Lê Năng Trường đem Sư về nhà công quán ở rồi sai người bắt hổ để thử phép thuật của Nhà sư. Sau hơn một tuần, Nhà sư ấy nói với Năng Trường là đã có thể phục hổ được. Năng Trường tâu Vua. Vua sai dựng chuồng cọp ở gác Vĩnh Bình rồi bảo Nhà sư vào chuồng. Sư vừa ren rén đi vừa đọc thần chú rồi bước về phía hổ, lấy gậy đánh vào đầu hổ. Hổ chồm tới vồ lấy gậy. Sư nhân đó tâu Vua rằng, có người ác đã giải mất phép thuật của thần, xin cho thần lại được lập đàn cầu Phật, sau sẽ thi hành phép thuật. Vua y lời. Sư lập đàn cầu đảo khá lâu. Nhà vua cũng muốn thử phép thuật đến cùng, nên một hôm, Vua lại sai Nhà sư vào chuồng hổ. Hổ nhảy chồm lên cào thét. Sư sợ hãi lùi lại, rồi không biết thế nào, đã tựa vào chuồng mà chết.”

Lời bàn:Các nhà sư ngao du đó đây để tìm cách hoằng dương Phật pháp, đó vẫn là chuyên thường, xưa nay nhiều nơi vẫn có. Nhưng sống với đời mà không trung thực thì dẫu việc nhỏ cũng không làm được, nói gì đến chuyện cực khó như thoát tục để đi tu. Nhà sư xứ Tây Vực nói trên chẳng rõ là do lòng phàm chưa dứt hay chỉ là kẻ vô đạo mượn áo cà sa để làm chuyện lừa bịp, quả là đáng trách vô cùng. Không thấy sử chép tên Sư, và cũng chẳng biết pháp danh của Sư là gì, triều Lý hồi đó ắt là rất khó khăn khi thông báo tìm thân nhân người bị nạn!

Cái chết khác thường của Nhà sư âu cũng là lời cành tỉnh tất cả những ai muốn lợi dụng việc tu hành để mưu cầu việc riêng vậy.