Ngôi nhà bí ẩn - Chương 03

III

D’ ENNERIS
NHÀ THÁM TỬ TÀI HOA

Cuộc họp đã định tiến hành lúc hai giờ trong phòng khách riêng của Régine
Aubry. Khi đến, Van Houben đã thấy d’ Enneris ngồi đấy như ở nhà mình, cười đùa
cùng nữ diễn viên xinh đẹp và Arlette Mazolle. Cả ba có vẻ rất vui. Thấy
Arlette Mazolle vô tư và vui sướng tuy hơi mệt mỏi, người ta không cho rằng đêm
trước đó cô đã phải trải qua nhữag giờ lo lắng. Cô không rời mắt khỏi d’
Enneris và cũng như Régine, cô tán thành tất cả những gì anh nói và cười thích
thú.

Van Houben, bị tác động mạnh về việc mất kim cương, nhìn đời bi quan, giọng
giận dữ kêu lên:

- Mẹ kiếp! Ba người thấy tình thế buồn cười lắm à?

- Theo tôi - d’ Enneris nói - chẳng có gì đáng sợ hãi. Về căn bản mọi việc
xoay đúng hướng lắm.

- Chà chà! Không phải người ta lấy đi những viên kim cương của anh. Còn về
cô Arlette, mọi tờ báo sáng nay đều nói về cuộc phiêu lưu của cô. Người ta đòi
hỏi ghê gớm! Chỉ có tôi mất mát trong vụ việc thảm hại này.

- Arlette - Régine bác lại - cô đừng bực mình về điều này. Ông ấy không có
học vấn gì và những lời của ông ấy không có giá trị.

- Régine thân mến, cô có muốn tôi kể thêm không? - Van Houben càu nhàu.

- Ông nói đi.

- Thế này, đêm vừa rồi tôi bắt gặp d’ Enneris quý hóa của cô quỳ trước
Arlette đang thực nghiệm trên người cô ấy cách chữa trị tế nhị đã làm cô sống
lại cách đây mươi hôm.

- Đó là điều cả hai đã kể lại với tôi.

- Cái gì? Sao! Và cô không ghen ư?

- Ghen?

- Lạy Đức Mẹ! D’ Enneris không ve vãn
cô sao?

- Cũng rất gần như thế, tôi thú nhận.

- Và cô chấp nhận?...

- D’ Enneris có một phương pháp tuyệt vời; anh ấy sử dụng, đấy là bổn phận
của anh ấy.

- Và là sự thích thú của anh ta.

- Càng hay cho anh
ấy.

Van Houben ca cẩm:

- Chà! Anh d’
Enneris thật may mắn! Anh ta muốn làm gì cô thì làm... và đối với tất cả những
phụ nữ khác cũng vậy...

- Với tất cả những
người đàn ông nữa, Van Houben. Vì, ông ghét anh ấy nhưng ông cũng chỉ hi vọng
vào anh ấy để tìm lại những viên kim cương của ông.

- Đúng, nhưng tôi
đã quyết định tuyệt đối không nhờ anh ta nữa vì đã có đội trưởng Béchoux và...

Ông không nói hết
câu. Quay lại ông thấy Béchoux đã đứng ở bậc cửa.

- Ông đến rồi ư,
đội trưởng?

- Đã được một lúc -
Béchoux nói và nghiêng mình trước Régine
Aubry. Cánh cửa hé mở.

- Ông nghe tôi nói
gì rồi chứ?

- Vâng.

- Và ông nghĩ thế
nào về quyết định của tôi?

Đội trưởng giữ thái
độ cau có và có cái gì đó có vẻ gây gổ. Ông nhìn kĩ Jean d’ Enneris như hôm
trước và nhấn mạnh:

- Thưa ông Van
Houben, tuy tôi đi vắng, vụ kim cương của ông đã được ủy thác cho một trong
những đồng sự của tôi nhưng chắc chắn tôi sẽ tham gia vào cuộc tìm kiếm. Tôi đã
được lệnh điều tra tại nhà ở của cô Arlette Mazolle. Cũng phải nói rõ ràng với
ông, bằng bất cứ giá nào tôi cũng không chấp nhận sự hợp tác, công khai hay bí
mật, của người bạn nào của ông.

- Rõ rồi - Jean d’ Enneris vừa nói vừa cười.

- Rất rõ.

D’ Enneris bình tĩnh, không giấu ngạc nhiên của mình.

- Chà, thưa ông Béchoux, thực tế người ta tưởng tôi không có được cảm tình
của ông.

- Tôi thú nhận thế. - Ông này cộc cằn nói.

Ông lại gần d’ Enneris, ngay trước mặt:

- Ông có chắc chắn, thưa ông, là chúng ta chưa từng gặp nhau không?

- Đã một lần, cách đây hai mươi ba năm ở Champs Elysées. Chúng ta chơi đánh
vòng cùng nhau... Tôi ngáng chân làm ông ngã và tôi nhận thấy ông đã không tha
thứ cho tôi. Ông Van Houben thân mến, ông Béchoux nói đúng. Không thể có sự hợp
tác giữa chúng tôi. Tôi để các ông tự do và tôi tự làm việc lấy. Các ông có thể
đi.

- Chúng tôi đi ư? - Van Houben nói.

- Đức Mẹ ơi! Chúng ta đang ở nhà
Régine Aubry. Chính tôi mời các ông đến. Không hợp với nhau thì vĩnh biệt! Đi
đi.

Anh lại ngồi ở trường kỉ, giữa hai phụ nữ trẻ và nắm bàn tay Arlette
Mazolle.

- Arlette bé nhỏ xinh đẹp của tôi, bây giờ cô đã bình tâm lại, đừng để mất
thì giờ và kể lại tỉ mỉ cho tôi nghe những gì đã xảy ra với cô đi. Không một
chi tiết nào vô ích cả.

Thấy Arlette còn ngần ngại, anh bảo:

- Cô đừng bận tâm đến hai ông kia. Xem như họ không có ở đây.
Họ đã đi ra. Vậy kể đi, cô bé Arlette của tôi. Tôi thân mật với cô vì tôi đã
đưa môi mình lên má cô, dịu êm hơn nhung và việc đó cho tôi quyền của một người
yêu.

Arlette đỏ mặt. Régine cười và giục cô nói. Van Houben và Béchoux cũng muốn
biết, tranh thủ cuộc kể chuyện trông như những người sáp gắn chặt trên đất. Và
Arlette nói lại toàn bộ câu chuyện như con người này đề nghị mà cô cũng như
những người khác không cưỡng lại được.

Anh lắng nghe, không một lời. Thỉnh thoảng Régine xác nhận:

- Đúng như thế... một thềm nhà sáu bậc... Phải, một tiền sảnh lát đá đen trắng...
và ở tầng hai, trước mặt là phòng khách với đồ gỗ phủ lụa xanh.

Khi Arlette kể xong, d’ Enneris sải bước trong phòng, tay để sau lưng rồi
dán trán mình vào cửa kính suy nghĩ khá lâu. Anh ta kết luận qua kẽ răng:

- Khó đấy... Khó... Nhưng cũng có vài tia sáng... những tia sáng trắng đầu
tiên chỉ lối ra cửa hầm.

Anh lại ngồi ở trường kỉ và nói với hai phụ nữ trẻ:

- Các cô thấy không, khi có hai vụ song song như vậy, với cách làm tương tự
và cũng những kẻ chủ chốt ấy - vì do cùng một đôi ấy không chối cãi được phải
phát hiện ra điểm khác nhau giữa hai vụ và khi đã thấy được thì đừng rời xa
trước khi nắm được chắc chắn. Mà, đã suy nghĩ mọi mặt, điểm cảm nhận được có vẻ
ở chỗ mục đích khác nhau của hai cuộc bắt cóc.

Anh ngừng lời một lúc rồi cười.

- Việc ấy có vẻ không là gì nhưng tôi khẳng định với các cô rất quan trọng.
Tình thế đột nhiên đơn giản đi. Cô, người đẹp Régine của tôi, không chút nghi
ngờ gì cô bị bắt cóc vì những viên kim cương mà Van Houben khóc hết nước mắt.
Việc này không phản bác được và tôi chắc ngay ông Béchoux, nếu còn ở đấy, cũng
đồng ý với tôi.

Ông Béchoux không thốt ra một lời, chờ lời nói tiếp theo. Jean d’ Enneris
ngoảnh sang cô bạn kia:

- Còn cô, Arlette xinh đẹp với đôi má dịu êm hơn nhung, vì sao người ta
chịu khó bắt cô? Mọi của cải của cô hầu như nằm trong lòng bàn tay cô, đúng
không?

Arlette ngửa hai lòng bàn tay.

- Chẳng có gì cả - Anh kêu lên - Vậy giả thuyết trấn lột bỏ ra ngoài và
chúng ta phải xem động cơ duy nhất là tình yêu, hận thù hoặc sự phối hợp hai lý
do ấy để thực hiện một kế hoạch mà cô có thể tạo điều kiện dễ dàng hoặc cản
trở. Hãy thứ lỗi cho tôi thiếu tế nhị, Arlette và trả lời đừng thẹn. Cho đến
nay cô đã yêu ai chưa?

- Tôi nghĩ là chưa - Cô nói.

- Cô đã được yêu chưa?

- Tôi không biết.

- Tuy vậy, người ta có ve vãn cô chứ? Pierre và Philippe?

Cô bác lại rất khôn ngoan:

- Không, họ tên là Octave và Jacques.

- Hai chàng trai ấy là người trung thực chứ?

- Vâng.

- Vậy là không thể dính líu vào những rắc rối này?

- Không thể.

-Thế thì...

- Thế thì sao?

Cúi xuống gần cô, nhẹ nhàng, với mọi ảnh hưởng tác động, anh thì thầm:

- Tìm kĩ xem, Arlette. Không phải gợi ra những việc bên ngoài cuộc sống cô
thấy rõ, những việc đập vào mắt mà cô thích hay không thích nhớ lại, nhưng
những việc mới chớm trong ý thức và có thể nói cô đã quên đi. Cô thấy có gì hơi
đặc biệt, hơi khác thường không?

Cô mỉm cười:

- Theo tôi thì không... chẳng có gì hết...

- Có đấy. Không thể chấp nhận người ta bắt cóc cô chẳng để làm gì cả. Chắc
chắn có một sự chuẩn bị, một số hành động đụng chạm đến cô, cô không để ý...
Tìm kĩ xem.

Arlette cố sức nhớ lại, hình dung những kỉ niệm nhỏ nhặt và Jean d’ Enneris
khơi gợi cụ thể:

- Có bao giờ cô cảm thấy ai đó lượn quanh mình trong bóng tối không? Có lúc
nào cô hơi lo lắng như gặp phải một việc gì bí ẩn? Tôi không nói đến một mối
nguy thực sự mà một sự đe dọa mơ hồ làm người ta tự nhủ: “Chà... có cái gì
vậy?... Việc gì xảy ra thế?... Việc gì có thể sẽ xảy ra đây?”

Nét mặt Arlette hơi nhíu lại, đôi mắt cô như tập trung vào một điểm. Jean
kêu lên:

- Đấy, đấy! Đúng rồi. Chà! Tiếc rằng Béchoux và Van Houben không nắm được
điều này... Giải thích đi, Arlette xinh đẹp.

Cô nói, vẻ tư lự:

- Một hôm, có một ông...

Jean d’ Enneris kéo cô từ trường kỉ dậy, phấn khích về lời mở đầu ấy và
nhảy với cô.

- Nhớ ra rồi! Mở đầu như một câu chuyện thần tiên! Có một hôm... Chúa ơi!
Cô thật tuyệt, Arlette có đôi má êm dịu! Và rồi ông ấy thế nào?

Cô ngồi xuống lại, tiếp tục giọng chậm rãi:

- Cách đây ba tháng, ông ấy đến cùng bà em xem trình diễn các mẫu áo vào
một buổi chiều rất đông người. Tôi không để ý nhưng một cô bạn bảo tôi:
“Arlette biết không, cô chinh phục được một tay nổi tiếng, rất giàu, đã nhìn cô
ngấu nghiến. Theo bà giám đốc đó là một tay lo về những công việc xã hội. Gặp
đúng người đấy...”

Một giờ sau đó tôi thấy một ông lớn chờ ở cửa và đi theo tôi, tôi nghĩ có
lẽ tôi đã quyến rũ được ông ấy. Có điều đến ga tàu điện thì ông dừng lại. Hôm
sau và những ngày tiếp theo cũng theo kiểu cách ấy. Sau một tuần lễ thì ông
không trở lại nữa. Rồi mấy ngày sau, vào một buổi tối...

- Một buổi tối thế nào?...

Arlette hạ thấp giọng:

- Ở nhà, đôi khi ăn tối và dọn dẹp xong, tôi đi thăm một cô bạn ở trên
Montmartre. Trước khi đến đó, tôi phải qua một đường phố khá tối không có người, nếu
trở về lúc mười một giờ. Ở đây, ba lần liền tôi thấy bóng một người đàn ông
phía trong cửa nhà xe. Hai lần người ấy không động tĩnh gì nhưng lần thứ ba,
ông đi ra, muốn chặn đường tôi. Tôi kêu lên một tiếng và bỏ chạy. Người ấy
không đuổi theo. Từ đó tôi tránh con đường ấy. Chỉ có thế.

Cô ngừng lời. Câu chuyện của cô có vẻ không làm cho Béchoux và Van Houben
quan tâm. Nhưng d’ Enneris hỏi ngay:

- Tại sao cô kể lại hai mẩu chuyên ấy? Cô thấy có liên quan đến nhau à?

- Vâng.

- Thế nào?

- Tôi vẫn nghĩ người đàn ông rình mò tôi không ai khác người đã đi theo
tôi.

- Nhưng dựa vào cơ sở nào cô tin chắc như thế?

- Đêm thứ ba tôi nhận thấy người đàn ông ở Montmartre đi đôi ghệt hoặc giày
ống màu sáng.

- Như của ông đi theo trên đường? - Jean d’ Enneris kêu lên.

- Vâng - Arlette nói.

Van Houben và Béchoux bối rối. Régine rất xúc động, hỏi:

- Arlette, cô không nhớ kẻ tấn công tôi ở nhà hát cũng mang những đôi ủng
loại ấy ư?

- Đúng thế... Đúng thế... - Arlette nói - Tôi đã không nghĩ đến điều ấy.

- Và kẻ tấn công cô cũng vậy, Arlette... Tay hôm qua... kẻ mạo danh là bác
sĩ Bricou...

- Vâng, thực thế - Cô gái lặp lại - nhưng tôi không liên hệ đến chi tiết
này... Chỉ lúc này tôi mới nhớ cụ thể.

- Arlette, cố gắng cuối cùng, cô bé. Cô không cho chúng tôi biết tên ông
ta. Cô biết chứ?

- Vâng.

- Tên gì?

- Bá tước de Mélamare.

Régine và Van Houben giật mình. Jean d’ Enneris nén một cử chỉ ngạc nhiên.
Béchoux nhún vai và Van Houben thốt lên:

- Thật là một sự điên rồ! Bá tước Adrien de Mélamare... Tôi biết ông ấy rất
rõ! Tôi đã có dịp ngồi gần ông trong các hội từ thiện. Một nhà quý tộc hoàn hảo
mà tôi sẽ tự hào được bắt tay ông. Bá tước de Mélamare cướp kim cương của tôi!

- Nhưng tôi không hề kết tội ông ấy - Arlette sững sờ nói - Tôi chỉ nêu lên
một tên gọi.

- Arlette có lý - Régine nói - Người ta hỏi, cô trả lời. Nhưng rõ ràng bá
tước de Mélamare, theo như mọi người biết về ông và bà em cùng sống chung,
không thể là người đàn ông rình mò cô trên đường cũng không phải người đã bắt
cóc cô và tôi.

- Ông ấy có đi giày ống màu sáng không? - Jean d’ Enneris hỏi.

- Không rõ... hay đúng ra là có... đôi lúc...

- Hầu như luôn luôn - Van Houben nói dứt khoát.

Tiếp theo sự khẳng định là im lặng. Rồi Van Houben lại nói:

- Ở đây có sự hiểu
lầm nào đấy. Tôi nhắc lại bá tước de Mélamare là một nhà quý tộc hoàn hảo.

- Chúng ta đến nhà
ông ta xem sao - d’ Enneris nói đơn giản - Van Houben, ông có một người bạn ở
sở cảnh sát, một ông Béchoux chẳng hạn. Ông ấy đưa chúng ta vào.

Béchoux nổi giận:

- Thế ông hình dung
vào nhà người ta như vậy, không điều tra sơ bộ, không chứng cứ buộc tội, không
có giấy ủy quyền mà chỉ thẩm vấn người ta theo những đồn đại ngu ngốc thôi à?
Đúng, ngu ngốc. Những gì tôi nghe thấy trong nửa giờ vừa rồi là cả một chuyện
ngu ngốc.

D’ Enneris thì
thầm:

- Thế mà tôi đã
chơi trò trí óc với tay ngốc nghếch ấy! Thật ân hận!

Anh ngoảnh lại phía
Régine:

- Bạn thân mến, nhờ
cô mở danh bạ điện thoại, xin số của bá tước Adrien de Mélamare. Chúng ta chẳng
cần đến ông Béchoux.

Anh đứng dậy. Một
lát sau, Régine Aubry đưa máy điện thoại cho anh. Anh nói:

- A lô! Nhà bá tước
de Mélamare phải không ạ?
Tôi là nam tước d’ Enneris. Ông bá tước de Mélamare
đấy ạ? Thưa ông, tha lỗi cho tôi đã làm phiền ông nhưng cách đây hai, ba tuần
tôi đọc báo thấy ông có thông báo mất trộm một số đồ vật, tay nắm một đôi kìm
nhỏ, một miếng đồng áp lỗ khóa, một đĩa nến bằng bạc và nửa dải băng kéo chuông
bằng lụa xanh... đồ vật không có giá trị gì nhưng ông gắn bó vì những lý do
riêng... Tôi không nhầm chứ, thưa ông?.. Nếu ông cho gặp, tôi có thể cung cấp
một số thông tin có ích về vấn đề ấy... Hai giờ ngày hôm nay?... Rất tốt... À!
Còn một điều, ông có thể cho phép hai người phụ nữ cùng đến mà vai trò của họ
xin giải thích sau?... Ông rất tử tế, thưa ông, và tôi vô cùng cám ơn ông.

D’ Enneris bỏ máy.

- Ông Béchoux sẽ thấy vào nhà người ta như mình muốn. Régine cô thấy trong
danh bạ điện thoại nhà bá tước ở đâu?

- Số 13 đường Urfé.

- Vậy là ở ngoại ô Saint Germain.

Régine hỏi:

- Nhưng những vật ấy ở đâu?

- Tôi có đấy. Tôi mua chúng ngay hôm có thông báo với số tiền khiêm tốn là
mười ba phrăng rưỡi.

- Thế tại sao ông không gửi trả lại bá tước?

- Họ Mélamare này nhắc tôi nhớ lại điều gì còn mơ hồ. Hình như xưa kia,
trong thế kỉ XIX có một vụ việc gắn với tên Mélamare. Rồi tôi không có thì giờ
tìm hiểu. Nhưng chúng ta rồi sẽ nắm được. Régine, Arlette, hai giờ kém mười
phút chúng ta gặp nhau ở quảng trường Palais - Bourbon. Màn vén lên rồi.

Màn kịch đúng là tế nhị. Nửa giờ đủ để d’ Enneris dọn đường và phát hiện ra
một cánh cửa có thể gõ được. Trong bóng tối một bóng người nổi lên và vấn đề
được đặt ra cụ thể hơn: Bá tước Mélamare đóng vai trò gì trong vụ này?

Régine giữ Arlette ở lại ăn trưa. D’ Enneris đi ra sau Van Houben và
Béchoux một, hai phút. Nhưng anh gặp lại họ ở thềm tầng ba. Béchoux đột ngột
quá khích, nắm lấy tay áo Van Houben.

- Không, tôi không để ông đi lâu hơn nữa trên con đường chắc chắn sẽ đưa
ông đến thảm họa. Không! Tôi không muốn ông là đối tượng của một kẻ lừa bịp.
Ông có biết con người này là ai không?

D’ Enneris tiến lại:

- Dĩ nhiên tôi là tôi, và ông Béchoux đang muốn thổ lộ tâm tình.

Anh đưa danh thiếp
ra.

- Nam tước Jean d’
Enneris, nhà hàng hải - Anh nói với Van Houben.

- Vớ vẩn! - Béchoux
kêu lên - Anh chẳng phải nam tước d’ Enneris, cũng chẳng phải d’ Enneris nhà
hàng hải.

- Thế thì ông
Béchoux lễ độ thật, tôi là ai vậy?

- Anh là Jim Bamett! Chính Jim Bamett. Dù khéo nguỵ trang,
không còn mớ tóc giả và áo choàng có đuôi nữa nhưng tôi nhận ra anh dưới mặt nạ
con người thời thượng và nhà thể thao. Đúng anh, Jim Bamett của công ty Bamett
mà tôi đã mười hai lần hợp tác và mười hai lần bị chơi xỏ. Tôi chán ngấy rồi và
bổn phận của tôi là làm cho mọi người cảnh giác. Ông Van Houben, ông đừng tin
cậy vào con người này!

Van Houben rất bối
rối, nhìn Jean d’ Enneris bình thản châm thuốc hút và hỏi:

- Ông Béchoux kết
tội như vậy có xác thực không?

D’ Enneris mỉm
cười.

- Có lẽ... tôi
không biết rõ lắm. Mọi giấy tờ của tôi đều hợp lệ nhưng tôi không chắc chắn
không có giấy tờ tên là Jim Bamett, vốn là người bạn tốt nhất của tôi.

- Nhưng cuộc du
lịch vòng quanh thế giới trên một chiếc ca nô ô tô, ông có thực hiện đấy chứ?

- Có lẽ. Tôi nhớ
không rõ mọi cái đó. Nhưng việc ấy quan hệ quái quỷ gì đến ông? Điều cần thiết
cho ông là tìm lại kim cương. Mà, nếu tôi là Barnett khác thường ấy như ông
cảnh sát của ông nói thì đó là điều đảm bảo nhất cho sự thành công, thưa ông Van Houben.

- Điều đảm bảo nhất
là ông sẽ bị lấy đi, ông Van Houben -Béchoux gầm lên - Đúng, anh ta sẽ làm
được. Đúng, trong mười hai lần chúng tôi làm việc với nhau, anh ta đều gỡ ra sự
việc, nắm được thủ phạm hoặc tìm lại vật bị lấy trộm. Nhưng cũng mười hai lần,
anh ta bỏ túi một phần hoặc toàn bộ vật bị trộm ấy. Đúng, anh ta sẽ phát hiện
ra kim cương của ông nhưng anh ta sẽ tước mất chúng trước mũi ông, ông chỉ còn
thấy lửa. Ông nghĩ anh ta làm việc cho ông ư? Anh ta làm việc cho chính mình!
Jim Bamett hay d’ Enneris, nhà quý tộc hay thám tử, nhà hàng hải hoặc tên cướp,
anh ta không vì cái gì khác ngoài quyền lợi của mình. Nếu ông cho anh ta tham
gia vào cuộc điều tra, kim cương của ông sẽ đi đời, thưa ông.

- A, điều ấy không
được! - Van Houben bực bội chống đối - Thế thôi vậy. Nếu tôi tìm lại kim cương
để cho người ta lấy đi thì xin chào! Ông lo việc của ông, d’ Enneris, tôi lo
việc của tôi.

D’ Enneiis phá lên
cười:

- Nhưng lúc này tôi
quan tâm nhiều đến việc của ông hơn việc của tôi.

- Tôi cấm ông...

- Ông cấm gì tôi?
Bất cứ ai cũng có thể quan tâm đến những viên kim cương. Chúng đã mất đi, tôi
có quyền tìm lại chúng, như mọi người khác. Vả lại, ông muốn sao? Vụ việc này
làm tôi say mê. Những người phụ nữ dính líu vào đấy xinh đẹp đến thế! Régine,
Arlette! Những con người tuyệt diệu! Thực sự, ông bạn thân mến, tôi không bỏ
cuộc trước khi nắm được kim cương của ông!

- Còn tôi - Béchoux
nổi nóng nghiến răng - tôi không bỏ cuộc trước khi tống giam anh, Jim Bamett.

- Thế thì chúng ta
cùng chơi. Vĩnh biệt, các bạn. Chúc may mắn. Ai biết đâu! Có lẽ một ngày nào đó
chúng ta sẽ gặp lại nhau.

Và d’ Enneris, điếu
thuốc lá trên môi, bỏ đi với bước đi hơi nhảy nhót.

Arlette và Régine
tái người khi xuống ô tô ở quảng trường nhỏ bình lặng Palais Bourbon, chỗ d’
Enneris đang chờ họ. Régine nói:

- Này ông d’
Enneris, thực sự ông nghĩ bá tước de Mélamare ấy là người đàn ông đã bắt cóc
chúng tôi?

- Vì sao có ý nghĩ
ấy, Régine?

- Tôi không rõ...
một cảm giác. Tôi hơi sợ. Arlette cũng như tôi. Đúng không Arlette?

- Vâng, tim tôi
đang bóp mạnh.

- Thì sao nào? -
Jean nói - Nếu đấy là người tấn công hai cô, ông ta sẽ ăn thịt các cô à?

Đường phố cổ Urfé gần đây, hai bên là những ngôi
nhà của thế kỉ XVIII, trên tường khắc những tên lịch sử: La Rocheíeté... d’
Ourmes..., tất cả gần giống như nhau, tường rào tẻ nhạt, gác lửng rất thấp, một
cửa nhà xe cao, nhà chính ở cuối khoảng sân lát thiếu chu đáo. Ngôi nhà gia
đình de Mélamare không khác gì những nhà khác.

Ngay lúc d’ Enneris
sắp bấm chuông, một chiếc taxi chạy đến, Van Houben và Béchoux lần lượt nhảy
xuống, khá ngượng ngùng nhưng bề ngoài cố tỏ ra cao ngạo.

D’ Enneris bực bội
khoanh tay nói:

- Hai tay ấy đúng là táo tợn! Cách đây một tiếng đồng hồ tôi đã không tốt
vứt đi, thế mà họ bám theo ta!

Anh quay lưng lại với họ và bấm chuông. Một phút sau cửa bên mở, một ông
già lưng còng, khập khiễng bước ra. D’ Enneris nói tên họ mình. Ông già đáp:

- Ông bá tước đang chờ, thưa ông. Xin mời ông...

Ông đưa ngón tay chỉ về phía bên kia sân, bậc thềm chính trước đây một bà
hầu tước ở. Régine bỗng suy sụp và ấp úng:

- Sáu bậc... Thềm có sáu bậc.

Tiếp đó Arlette nói theo, thì thầm không kém phần khổ sở:

- Đúng, sáu bậc... cũng bậc thềm này... khoảng sân này. Có thể thế được
chăng!.. Chính ở đây!... Ở đây.