Việt Sử Giai Thoại (Tập 3) - Lời nói đầu

LỜI NÓI ĐẦU

Đây là tập tiếp theo của bộ VIỆT SỬ GIAI THOẠI mà chúng tôi đã có sơ bộ giới thiệu trong Lời nói đầu của tập 2 - 51 giai thoại thời Lý. Với tập này, chúng tôi hân hạnh gởi đến các bạn 71 giai thoại thời Trần, tất cả đều được chắt lọc từ hai bộ chính sử lớn của ta xưa là Đại Việt sử kí toàn thư Khâm định Việt sử thông giám cương mục. Những giai thoại có nguồn gốc từ dã sử và từ chuyện kể dân gian, chúng tôi dự kiến sẽ biên soạn riêng.

Cơ sở tư liệu của VIỆT SỬ GIAI THOẠI là chính sử, nhưng bản thân VIỆT SỬ GIAI THOẠI lại không được biên soạn theo đúng những quy phạm riêng của sử học. Bạn muốn hiểu được một cách khái quát về một triều đại nào đấy chăng? Xin bạn hãy đọc các bộ sử chính thống. Bạn muốn hiểu một cách toàn diện về các nhân vật lịch sử nổi bật chăng? Xin bạn hãy đọc các sách viết về danh nhân. Bạn muốn biết phép dạy người và kinh nghiệm ứng xử của cha ông trong từng sự việc cụ thể chăng? Trong trường hợp đó, xin bạn hãy dành chút thời gian làm bạn với sách này. Ở đây, chuyện vui buồn, chuyện tốt xấu, chuyện hay dở... v.v. đều có cả. Song xin bạn chớ bao giờ khái quát một triều đại hay một con người mà chỉ thông qua một giai thoại riêng rẽ nào đấy của sách này, bởi vì làm như thế ắt không tránh khỏi sự phiến diện. Cổ nhân nói “Quá tin vào sách chẳng bằng không có sách” là để nhắc nhở chúng ta trong trường hợp đại loại như thế này chăng?

Trước mỗi sự kiện, mỗi vấn để của lịch sử, mỗi người có thể có một cách nhìn nhận và đánh giá khác nhau. Chính cách nhìn nhận và đánh giá khác nhau đó đã xác định vị trí cũng rất khác nhau của họ trong lịch sử. Ranh giới giữa bạn và thù, giữa chính nghĩa và phi nghĩa, giữa anh hùng và phản bội, giữa cao thượng và thấp hèn... cũng đều từ đó mà phát sinh và nảy nở. Bởi lí do ấy mọi cố gắng dùng lời bàn của người viết để tìm cách ấn định suy nghĩ của người đọc là điều hoàn toàn không nên. Song, viết sách mà không một lời thể hiện chút lòng riêng của người viết thì kể cũng là điều tối kị. Bạn đồng cảm với chúng tôi chăng? Ấy là cơ duyên may mắn mà chúng tôi hân hạnh có được. Cùng một giai thoại mà bạn cảm nhận và suy nghĩ khác chúng tôi chăng? Chẳng hề gì cả, bởi điều ấy là rất tự nhiên và do đó cũng rất dễ hiểu. Tham vọng nếu có ở chúng tôi thì đây chính là khát khao cùng bạn suy ngẫm sử cũ để hiểu được, và quan trọng hơn, là để học được những điều bổ ích từ cuộc sống sinh động của tổ tiên ta xưa.

Hình như Bemard Shaw đã nói: “Bài học lớn nhất của lịch sử chính là ở chỗ người ta không chịu rút ra từ lịch sử những bài học.”

Xin được siết tay bạn trước khi bạn giở tiếp những trang sau của cuốn sách này.

Thành phố Hồ Chí Minh, hè 1992.

NGUYỄN KHẮC THUẦN