Việt Sử Giai Thoại (Tập 3) - Chương 29 - 30
29. PHẠM NGŨ LÃO VÀ MINH HIẾN VƯƠNG
Tháng 5 năm Nhâm Tí (1312) vua Trần Anh Tông cất quân đi đánh Chiêm Thành. Cùng đi có tướng quân Phạm Ngũ Lão và Minh Hiến Vương (húy là Uất, con út của Trần Thái Tông). Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 6, tờ 28b) có ghi lại một mẩu chuyện về mối quan hệ giữa Phạm Ngũ Lão với Minh Hiến Vương trong chuyến xuất chinh này như sau:
“Ngày vua đóng ở Câu Chiêm, Minh Hiến Vương Uất ở trong doanh trại bàn tán, làm mê hoặc lòng quân lính, vua giận, đuổi ra khỏi dinh lại còn lệnh cho các dinh không được thu nhận. Minh Hiến Vương bèn cùng vài chục gia đồng ra ngủ ở ngoài đồng nội. Phạm Ngũ Lão nghe tin ấy, vội mời vào trong quân và nói với mọi người rằng, thánh thượng vừa quở trách ân chúa và đuổi ra ngoài, lỡ ra bị giặc bắt được thì chúng rêu rao là bắt được hoàng tử chứ có biết đâu là (hoàng tử) bị vua quở trách (và đuổi đi). Ngũ Lão này thà chịu tội trái lệnh chứ không nỡ làm lợi cho giặc. Vua nghe biết cũng không nỡ trách ông.
Minh Hiến với Ngũ Lão, tình nghĩa thì rất sâu nhưng lễ ý thì sơ sài. Minh Hiến đến nhà Ngũ Lão, thường cùng ngồi với nhau một chiếu, khi về, (Ngũ Lão) lại đem biếu vàng bạc, (Minh Hiến) cần gì, Ngũ Lão cũng không hề tiếc nuối dè sẻn, cho nên, Minh Hiến thích chơi với ông.
Vua có lần trách Ngũ Lão rằng, Minh Hiến là hoàng tử, sao mà ngươi lại khinh suất thế. Sau, Minh Hiến lại đến nhà, Ngũ Lão vẫn cùng ngồi như xưa, chỉ nói rằng, ân chúa chớ đến nhà tôi nữa, kẻo thánh thượng lại trách tôi. Nhưng Minh Hiến vẫn lui tới thường xuyên mà Ngũ Lão cũng không đổi nết cũ. Ấy là vì một người thì cậy của mà giữ lễ tiết sơ sài, một người thì ham của mà quên mất cả phận trên dưới.”
Lời bàn: Cứu Minh Hiến Vương ở Câu Chiêm, Phạm Ngũ Lão đã bộc lộ một tầm nhìn có lẽ còn sâu sắc hơn cả vua Trần. Nhưng, mối thâm giao giữa Phạm Ngũ Lão với Minh Hiến Vương tốt xấu ra sao, thiết nghĩ, lời bàn của sử cũ xác đáng lắm rồi. Hóa ra, giữ lễ với khách xa lạ vậy mà dễ, giữ lễ với người thân cận lại khó vô cùng. Đấy là thói thường, nhưng đấy cũng là điều đáng suy ngẫm lắm thay!
30. TRÍ VÀ DŨNG CỦA KHẮC CHUNG
Khắc Chung vốn người họ Đỗ, nhờ có công giúp dập nhà Trần nên được mang quốc tính, đổi gọi là Trần Khắc Chung. Nhà Trần rất ít khi ban quốc tính cho ai, nhất là ở buổi đầu của thời kì dựng nghiệp, vậy ắt hẳn là Khắc Chung trí dũng hơn người? Xin trích dịch một đoạn sau đây trong Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 5, tờ 45b và 46a) và nhường lời phẩm bình về Khắc Chung cho người đọc:
“Giặc đánh vào Gia Lâm, Vũ Ninh, Đông Ngàn (vùng ngoại ô Hà Nội và Bắc Ninh ngày nay - ND), bắt được quân ta, thấy người nào cũng thích hai chữ Sát Thát bằng mực vào cánh tay, chúng tức lắm, giết hại rất nhiều. Sau, chúng tiến đến Đông Bộ Đầu (nay là khu vực dốc Hàng Than, đầu cầu Long Biên, Hà Nội - ND), dựng một lá cờ lớn. Vua muốn sai người đi do thám mà chưa tìm được ai. Chi hậu cục thủ Đỗ Khắc Chung tiến lên tâu rằng: ‘Thần hèn mọn bất tài, nhưng xin được đi.’ Vua mừng mà nói: ‘Ngờ đâu trong đám ngựa kéo xe muối lại có ngựa kì, ngựa kí như thế.’ Nói xong liền sai Khắc Chung đem thư xin giảng hòa. Ô Mã Nhi hỏi Khắc Chung rằng: ‘Quốc vương ngươi vô lễ, sai người thích chữ Sát Thát, khinh nhờn thiên binh, lỗi ấy lớn lắm.’ Khắc Chung đáp: ‘Chó nhà cắn người lạ không phải tại chủ nó. Vì lòng trung phẫn mà họ tự thích chữ thôi. Quốc vương tôi không biết việc đó. Tôi là cận thần, tại sao lại không khắc.’ Nói rồi, giơ cánh tay cho xem. Ô Mã Nhi nói: ‘Đại quân từ xa tới, nước người sao không quay giáo lại hội kiến, còn dám chống lệnh? Càng bọ ngựa cản bánh xe thì sẽ ra sao?’ Khắc Chung nói: ‘Hiền tướng sao không theo cách Hàn Tín bình nước Yên, cứ đóng quân ở biên giới, đưa thư báo trước, nếu không thông hiếu thì mới là có lỗi. Giờ bức hại nhau. Người ta nói, thú cùng thì cắn lại, chim cùng thì mổ lại, huống chi là người?’
Khắc Chung về rồi, Ô Mã Nhi nói với các tướng rằng: ‘Người này ở vào lúc bị uy hiếp mà lời lẽ vẫn tự nhiên, không hạ chủ nó là chích (tức bọn trộm cướp - ND), không nịnh mà tâng bốc ta là Nghiêu (tức Đường Nghiêu - ND), hắn chỉ nói chó nhà cắn người, thật giỏi ứng đối, quả là không làm nhục mệnh vua. Nước nó còn có người giỏi, chưa dễ gì mưu tính được.’ (Nói rồi), sai quân đuổi theo để bắt Khắc Chung, nhưng không kịp nữa.”