Việt Sử Giai Thoại (Tập 3) - Chương 33 - 34
33. LÒNG CHUNG THỦY CỦA UY TÚC CÔNG VÀ VĂN HUỆ CÔNG
Sách Đại Việt sử ký toàn thư (bản kỉ, quyển 6, tờ 25b) có chép hai mẩu chuyện về lòng chung thủy của Uy Túc Công và Văn Huệ Công. Xin tóm lược như sau:
Uy Túc Công (tên thật là Trần Văn Bích, con trai Trần Đạo Tái, cháu nội của Trần Quang Khải) có vợ là công chúa Thiên Trân. Công chúa Thiên Trân chẳng may mất sớm, vua Trần Anh Tông thương xót lắm, thân đến đưa tang. Uy Túc Công lăn ra đất, khóc lóc rất thảm thiết, vua đến cũng không dậy nổi, phải hai người dìu mới ra tiếp được. Bấy giờ, phần vì thấy Uy Túc Công có vẻ thương vợ quá, phần vì thời ấy có lệ định rằng, những ai lấy công chúa, nếu công chúa mất trước hoặc giả là bỏ nhau thì không được lấy vợ khác, nên ai cũng tin là Uy Túc Công nhất định sẽ ở vậy đến hết đời. Ấy vậy mà sau đó chẳng bao lâu, Uy Túc Công lại lấy công chúa Huy Thánh.
Văn Huệ Công (tên thật là Trần Quang Triều, con của Hưng Nhượng đại vương Trần Quốc Tảng, cháu nội Trần Hưng Đạo) có vợ là công chúa Thượng Trân. Công chúa Thượng Trân cũng chẳng may mà mất sớm, vua Trần Minh Tông cũng thân đến đưa tang như trước đó vua cha đã đến đưa tang công chúa Thiên Trân vậy. Khi vua đến, Văn Huệ Công ra đón tiếp, tâu bày mọi việc rành mạch, xem bề ngoài như chẳng hề có đau buồn gì. Mọi người thấy vậy ai cũng cho là chẳng bao lâu nữa, Văn Huệ Công sẽ lấy vợ khác, nào ngờ, về sau Văn Huệ Công lại đi tu suốt đời.
Lời bàn: Uy Túc Công đi lấy vợ khác, đó cũng là sự thường, chẳng thể coi là lỗi. Văn Huệ Công đi tu, ấy cũng chẳng phải là điều hay, vì xét ra, chùa chiền đâu chỉ để riêng đón những người góa vợ tới tu hành. Cái đáng bàn là ở đời, chớ nhìn sự việc một cách hời hợt để rồi đoán già đoán non. Lỗi có chăng chính là ở những kẻ vô công rồi nghề, chuyên đàm tiếu những điều mà chính họ cũng không hay biết gì cả.
34. PHÍ TRỰC XỬ ÁN
Năm 1317, quan Hình bộ lang trung của triều Trần, tên là Phí Trực, được thượng hoàng Trần Anh Tông cho kiêm giữ chức an phủ Thiên Trường. Phí Trực là người nổi tiếng thông minh và làm việc rất cẩn thận nên ai cũng kính nể. Mỗi lần xử án. Phí Trực thường xem đi xét lại rất kĩ, thà mang tiếng là chậm, chớ quyết không chịu xử sai. Sách Đại Việt sứ kí toàn thư (bản kỉ, quyển 6, tờ 34b) có chép lại một trong những vụ án do Phí Trực xử như sau:
“Bấy giờ, trộm cướp bắt đầu nổi lên, có tên Văn Khánh là đầu sỏ bọn cướp. Có người bắt được một tên cướp, giải lên nộp quan và bảo nó chính là Văn Khánh. Đến lúc tra hỏi, tên ấy nhận ngay, ai cũng cho là thực, duy có mỗi Trực vẫn ngờ, án ấy để lâu không giải quyết. Thượng hoàng hỏi chuyện đó, Trực trả lời rằng, mạng người rất trọng, lòng tôi còn có chỗ ngờ, không dám liều lĩnh xử quyết. Không bao lâu sau, thượng hoàng lại hỏi, Trực lại trả lời như lần trước. Thượng hoàng giận mà bảo rằng, nó đã nhận như thế, còn ngờ gì nữa. Trực tâu, nó không bị tra tấn khổ sở mà điềm nhiên thú nhận, thần trộm lấy làm ngờ. Một tháng sau. Văn Khánh thật quả nhiên bị bắt. Thượng hoàng do đó khen Trực có tài.”
Lời bàn: Thời Phí Trực, khi quý tộc chết, người ta có thể đem hàng loạt gia nô chôn sống theo chủ mà vẫn không bị cho là phạm tội. Xem thế cũng đủ biết mạng người lúc ấy chẳng đáng là gì. Giữa thời sinh linh bị rẻ rúng ấy. Phí Trực dám nói mạng người rất trọng thì quả là lạ lắm. Hẳn ông cũng biết rõ rằng tâu bày như vậy với thượng hoàng, ông rất có thể bị mang họa vào thân. Mới hay, làm quan toà cũng cần có dũng khí, bởi thiếu dũng khí thì chẳng bao giờ bảo vệ được công lí. Một khi quan tòa chỉ biết trước là lo làm vừa lòng đấng chí tôn, sau là lo giữ thân mình, cuối cùng mới tính sự đúng sai, thì công lí đành phải ngả nón mà chào bái biệt. Tấm gương cẩn trọng của Phí Trực thật đáng suy ngẫm lắm thay!