Chuyện bí ẩn thường ngày: Những câu chuyện kỳ lạ nhất - Chương 04 - Phần 1-2
CHIẾC KÈN ÁCMÔNICA
1
Tôi đứng trước cây mộc lan mà chẳng thấy sung sướng một chút nào. Tôi gảy đàn ghi ta và liếc trộm chiếc mũ của mình nằm trên mặt đất. Chẳng được bao nhiêu tiền. Quả thật không được bao nhiêu. Thị trấn này không quá dăm chục người và họ giàu có gì cho cam. Chỉ khi có xe buýt may ra mới kiếm được một vài đô la. Khách du lịch nhiều tiền mà. Họ sẵn sàng quẳng một vài xu cho đứa con gái tội nghiệp này. Đến khi họ biết chuyện thì cái cây mộc lan đã bị chết.
Những ngón tay của tôi vẫn lướt trên phím đàn, tôi khe khẽ hát rất cảm động Bài ca về cô Hardbristle.
Có người đến! Một chàng trai chạy vội qua đường. Anh ta đi thẳng tới chỗ tôi.
Anh ta buộc tóc như đuôi ngựa, vòng quanh trán là một dải băng. Trông anh không có vẻ người giàu có, chắc không có nổi hai mươi xu trong túi. Nhưng dù sao tôi vẫn tiếp tục gảy đàn. Anh cho tay vào túi. Biết đâu anh lấy đồng hai mươi đô la cho tôi thì sao!
Chàng thanh niên lôi trong túi ra chiếc ácmônica. Tôi cảm thấy tim đau nhói. Không có tiền. Chẳng có nổi một xu. Chỉ có chiếc kèn ácmônica. Tôi dừng chơi, thở dài và ngồi xuống gốc cây.
Anh chàng tóc đuôi ngựa mỉm cười với tôi. Anh nói:
- Anh biết câu chuyện này, anh biết em đã làm gì.
Tại sao anh ấy lại biết chuyện này? Tôi không hề kể với ai kia mà. Tôi cúi gục đầu vì xấu hổ. Tôi nghĩ tới câu chuyện xảy ra cách đây bảy năm.
2
Cô Hardbristle khịt khịt mũi ngửi. Cô bảo:
- Nhanh lên, chúng ta phải đi khỏi nơi này.
Hồi ấy tôi mới sáu tuổi. Nhưng tôi không thể quên được những gì đã xảy ra. Hôm đó tôi cùng đi với cô Hardbristle và nhóm các bạn nữ trong đội Hướng đạo. Cô Hardbristle nhìn chúng tôi rồi nói với chồng:
- Ông ơi, cháy rừng. Chúng ta phải đi ngay về thành phố.
Bác Hardbristle đi cùng để “quản lí” chúng tôi. Nhưng nói thế khác gì nói đùa. Bác đi lom khom, hơi gù và yếu đuối, gần như không theo kịp chúng tôi. Bác già hơn cô Hardbristle nhiều.
Khi làn gió nóng từ cánh rừng đang cháy thổi tới, một vài đứa con gái khóc thút thít. Mặc dù còn bé nhưng bọn tôi đã có thể hiểu rằng không lâu nữa ngọn lửa tàn nhẫn, độc ác sẽ tràn qua nơi này.
Chúng tôi vội vã lên đường. Bác Hardbristle nói rất to:
- Cứ mặc tôi ở đây. Cô hãy đưa bọn trẻ tới nơi an toàn!
Bác đi sau chúng tôi, thở nặng nhọc như kéo bễ. Bà vợ bác nói:
- Vớ vẩn! - Cô vác tay bác qua vai và kéo đi xềnh xệch như kéo một cái bao tải.
Cô Hardbristle là một phụ nữ kiên nghị và mạnh mẽ.
Cành cây gãy dưới bàn chân chúng tôi. Mặt trời nóng bỏng chiếu vào lưng chúng tôi. Một con chuột túi hốt hoảng chạy băng qua chỗ chúng tôi tuyệt vọng tìm đường thoát thân. Chẳng mấy chốc cả vùng đặc quánh khói. Chúng tôi ho sặc sụa và kêu khóc ầm ĩ. Cô Hardbristle thở hổn hển, ra lệnh:
- Nhanh lên các em, chạy nhanh lên.
Sức cô cũng đuối dần. Việc cô phải kéo xềnh xệch ông chồng già quả quá sức của cô. Cô lại nói:
- Các em, cố lên, chớ có dừng lại.
Chúng tôi vâng lời cô. Cuối cùng chúng tôi cũng lảo đảo vượt qua rừng chạy được tới thị trấn. Tuy là thị trấn song ở đây không có quá sáu cửa hàng, một quán giải khát và dăm bảy ngôi nhà. Tôi hy vọng cha tôi sẽ mang ô tô tới đón tôi ở đây. Nhưng đường phố đầy bụi bặm, không một bóng người, không một chiếc xe.
Cô Hardbristle từ từ đặt ông chồng ngồi xuống một chỗ râm mát. Cô nói:
- Ngọn lửa sẽ nuốt gọn thị trấn này mất thôi. Nào, các em, hãy đi đến vành đai xanh.
Ở giữa đường có một bãi cỏ hẹp, trên bãi có dăm ba cái bàn gỗ. Cô Hardbristle chạy bổ vào một cửa hàng, khi ra cô mang theo một cái xẻng và một cái chăn khá to. Cô chẳng nói chẳng rằng vội vàng đào một cái hố. Ông chồng tìm cách giúp vợ một tay, nhưng yếu quá nên chẳng làm được gì.
Khói đen cuộn lên ngùn ngụt. Chúng tôi nghe thấy tiếng lửa réo, tiếng cành cây gãy răng rắc trong rừng bao xung quanh thị trấn. Khói đen che cả mặt trời, mặt mày chúng tôi nhem nhuốc, nước mắt chảy thành dòng.
Cô Hardbristle vẫn mải mê đào, cô đào, đào mãi. Cái hố mỗi lúc một sâu hơn, mồ hôi ướt đẫm trán cô. Quần áo cô ám đầy khói đen và đầy đất cát. Không khí nóng hừng hực phả vào mặt chúng tôi. Bỗng lửa trùm lên chúng tôi. Cửa hàng nổ tung như một trái bom. Ngọn lửa phừng phừng liếm những bức tường.
Cô Hardbristle buông xẻng, cô không đào nữa và ra lệnh:
- Các em, nhảy xuống hố!
Cô đỡ ông chồng già xuống hố. Cùng với các bạn khác tôi cũng nhảy xuống. Ngay sau đó chúng tôi thấy cái chăn ướt phủ lên đầu và tất cả trở nên tối om. Cô Hardbristle đã hắt nước lên tấm chăn.
Bác Hardbristle tội nghiệp lo sợ cho tính mạng của vợ. Bác gào lên:
- Xuống đi, cô cũng phải xuống đi.
Bác còn nghe thấy tiếng của cô:
- Ông không cần phải lo cho tôi, tôi sẽ không việc gì đâu. Ông hãy lo cho bọn trẻ.
Lửa cháy phần phật, cuốn ào ào qua chỗ chúng tôi. Khói làm chúng tôi nghẹt thở, dường như chúng tôi chảy tan ra trong ngọn lửa hừng hực ở trên đầu. Nhưng chúng tôi đã may mắn thoát chết.
Khi chúng tôi chui ra khỏi hầm thì thị trấn biến mất tăm. Không còn một ngôi nhà nào. Khói đang tỏa ra từ những cây cột, rầm nhà đã cháy thành than. Đây đó vài ba thanh sắt cong queo nằm trên mặt đất.
Chúng tôi tìm thấy cô Hardbristle nằm sóng soài ngay cạnh miệng hố. Cô không bị thiêu cháy nhưng chết vì ngạt thở. Cô đã cứu tất cả chúng tôi và hi sinh bản thân mình. Bác Hardbristle quỳ xuống bên cạnh thân thể bất động của người vợ, nước mắt đầm đìa làm ướt cả chòm râu. Vai bác rung lên bần bật, bác không thốt nên lời trước nỗi đau vò xé tâm can.
Cô Hardbristle quả là một người anh hùng. Cô đã hi sinh tính mạng của mình cứu chúng tôi thoát khỏi ngọn lửa hung ác. Bố mẹ chúng tôi rất biết ơn cô và thề suốt đời không quên công ơn cô.
Thị trấn được xây dựng lại. Để tưởng nhớ đến người phụ nữ dũng cảm, cha mẹ chúng tôi đã trồng một cây mộc lan nhỏ bé ở ngay cái hố mà chúng tôi đã ẩn náu.
Bác Hardbristle đau khổ, tuyệt vọng, bác luôn cho rằng bác có lỗi. Bác nói:
- Tôi thì nấp trong hố để cho vợ chết. Tôi là đồ vô tích sự.
Tất nhiên bác không phải là người vô tích sự. Bác đã già và yếu. Vả lại có ai khẳng định người chồng phải can đảm hơn người vợ đâu? Tại sao người vợ lại không làm được những chuyện như thế kia chứ?
Cho dù mọi người khuyên can đến đâu, bác cũng không thể yên lòng. Dân phố đã làm cho bác một căn nhà nhỏ và bác không bao giờ rời ngôi nhà đó. Suốt ngày bác ngồi trên ghế xích đu đặt ngoài hiên và nhìn chằm chằm cây mộc lan.
Hồi ấy, tuy còn bé nhưng tôi đã nói với bác cái điều mà tôi đã nghe mẹ tôi nói với bố tôi:
- Bác đừng buồn khổ như vậy nữa. Bác gái hẳn mong rằng bác được sống hạnh phúc, sung sướng.
Bác gật gù một lúc lâu rồi thủng thẳng nói:
- Chỉ khi nào cây mộc lan trổ hoa thì bác mới tin rằng bác gái đã tha thứ cho bác, chỉ đến lúc đó bác mới có thể yên lòng và sung sướng được.
Tôi chạy về nhà kể cho mẹ những điều bác Hardbristle đã nói. Mẹ mỉm cười buồn bã. Mẹ bảo:
- Đến lúc cây mộc lan ra hoa, nhiều khi phải mất bảy năm. Chỉ sợ rằng bác ây không sống được đến lúc đó.
Song mẹ tôi đã nhầm. Bảy năm trôi qua. Cây mộc lan chưa trổ bông nhưng bác Hardbristle vẫn ngồi đợi chờ. Cái cây phát triển rất nhanh, cành lá sum suê, tươi tốt.
Thấm thoắt tôi đã mười ba tuổi và đã thuộc diện lớp lớn trong đội Hướng đạo. Hơn ai hết tôi mong ước cây sớm trổ hoa. Tôi cầu mong làm sao để bác Hardbristle không còn bị mặc cảm tội lỗi. Nếu cô Hardbristle biết được rằng bác trai ân hận như vậy, thế nào cô cũng mỉm cười với bác.
Vì vậy, vào mùa khô nóng, tôi xách nước tưới cây. Cái xô bé quá nên tôi chứa nước vào can nhựa. Can này trước kia đựng một loại bột gì đó, hình như là phân hóa học.
Tôi mang nước tới chỗ cây. Bột hóa chất nổi lềnh bềnh ở trên. Tôi cẩn thận tưới nước vào rễ cây. Bác Hardbristle vẫn ngồi gật gù trên ghế xích đu, lim dim nhìn tôi làm mà không nói một lời.
Sáng hôm sau, cây mộc lan bị chết, lá héo ủ rũ.
Bố tôi nói:
- Lạ thật, làm sao cái cây ấy có thể chết được?
Ông lấy tay quệt một tí bột trắng. Ông kêu lên:
- Ai lại rắc hóa chất diệt cây trồng thế này không biết?
Tôi có cảm giác đất dưới chân sụp lở. Tôi cứ nghĩ hóa chất trong thùng là phân bón. Tôi, chính tôi đã giết chết cây mộc lan. Tôi nhìn sang chỗ bác Hardbristle vẫn thường ngồi hàng ngày nhưng chỉ thấy cái ghế trống không. Bác ấy bị ốm, phải nằm trên giường. Bác ấy sẽ không bao giờ còn thấy cây mộc lan nở hoa.
Giờ đây có hai người ăn năn, ân hận đó là bác Hardbristle và tôi.
Ngoài bác ây ra không ai biết tôi đã làm gì. Còn tôi thì không muốn thú nhận. Tôi thấy kinh khủng quá. Tôi mong cũng được ốm liệt giường, tôi sẽ trùm kín chăn và không bao giờ đi ra ngoài, y như bác Hardbristle vậy.
Không. Tôi phải sửa chữa sai lầm của mình. Tôi quyết kiếm tiền để mua một cây mộc lan khác, một cây trưởng thành. Biết đâu tôi có thể mua được cây đang trổ hoa cũng nên. Và lúc đó bác Hardbristle sẽ vui sướng.
Mẹ bảo tôi:
- Giá một cây mộc lan lớn trồng trong bồn là một nghìn đô la, song tất nhiên không phải là cây kia.
Tôi không thể tưởng tượng giá một cái cây lại lên tới một nghìn đô la. Tôi không có lấy một đồng, một xu cũng không. Thế là tôi cầm cây đàn ghi ta, ngả mũ trên mặt đất và ngồi bên cây mộc lan gảy đàn.
Anh chàng tóc đuôi ngựa mỉm cười với tôi rất lạ lùng. Anh chìa cho tôi cái kèn ácmônica đã bị móp vài chỗ và nói:
- Em cầm lấy, may ra nó có thể giúp em.
Tôi đưa mắt nhìn cái kèn méo mó, nhún vai nói:
- Em không biết thổi kèn, chỉ biết chơi ghi ta.
Cây đàn ghi ta này bố tôi tặng, tôi sẽ không bao giờ rời bỏ nó.
Anh ngậm kèn và thổi. Tiếng nhạc mới du dương, sôi nổi làm sao. Tiếng nhạc bỗng vút lên rồi từ từ lắng đọng. Nó réo rắt trong tai tôi như một bầy chim hót líu lo. Tôi nghe thấy suối chảy róc rách, gió thổi rì rào trong rừng cây bạch đàn. Tôi như cảm thấy vị ngọt của mật ong trên những lát bánh mì mới ra lò. Nước mắt tôi trào ra. Bỗng muôn ngàn tia sáng mặt trời chiếu qua đám mây tỏa hào quang rực rỡ.
Tôi nhận chiếc kèn từ tay anh. Anh dặn:
- Em hãy chơi theo làn điệu của mình chứ không phải của người khác. Em có làn điệu của em, hãy chơi làn điệu đó.
Nụ cười của anh như thấm vào tâm hồn tôi. Anh nói:
- Trưa mai, mười hai giờ anh sẽ tới nhận lại.
Tôi vội nói:
- Mai em phải đi học. Anh cứ yên tâm, hãy đợi em ở cổng trường.
Anh còn dặn thêm:
- Em chớ quên đấy nhé và anh còn phải đi tiếp.
Tôi dựa ghi ta vào thân cây và dõi mắt nhìn theo bóng dáng anh đang vội vã qua đường. Có lẽ anh sống trong lều trại ở ngoài đó.
Chiếc kèn ácmônica bị bẹp và xước nhiều chỗ. Tôi cảm giác có nhiều người từng chơi chiếc kèn này, họ đã bị lãng quên. Đúng lúc tôi đưa kèn lên môi thì một chiếc xe buýt chở đầy khách du lịch chạy tới.
Kể từ ngày cây mộc lan được trồng tại đây, nhiều đoàn khách du lịch đã dừng lại nghỉ chân ở đây trên đường tới Sidney. Câu chuyện về bác Hardbristle ngồi trên ghế xích đu chờ cây nở hoa được báo chí tường thuật. Nhiều đoàn khách du lịch khi tới đây cũng mong được chứng kiến cây ra hoa. Khách du lịch từ xe buýt nhảy vọt xuống, ai cũng đeo kính râm, mặc quần soóc, cổ đeo lủng lẳng máy ảnh. Họ muốn chụp ảnh cái cây, họ chạy tới, chạy lui, vội vội vàng vàng, bỗng nhiên họ ngây ra.
Người lái xe nhìn chằm chằm vào cái cây, buồn bã nói:
- Nó chết rồi!
Mọi người giương mắt nhìn những cái lá ủ rũ. Họ trở lui định nhảy lên xe. Thế này tôi làm sao kiếm được tiền. Tôi vội ngậm cái kèn rồi tìm một làn điệu gì đó. Tự nhiên tôi nhớ đến bài Hang down your head, Tom Dooley, hang down your head and cry. Đó là bài hát duy nhất mà lúc này tôi còn nhớ. Bản nhạc thật buồn bã, ai oán.
Khách du lịch bắt đầu sụt sịt. Một ông khách người Hoa Kỳ đội cái mũ rộng vành to tướng vội lấy khăn hỉ mũi. Bà khách người Nhật nước mắt đầm đìa. Bản nhạc mới buồn bã làm sao. Cái kèn này có một sức mạnh thật đặc biệt. Chẳng mấy chốc các vị khách du lịch đều khóc thút thít. Họ đứng đó, ôm nhau thổn thức. Nhưng không có ai quẳng lấy một xu vào cái mũ của tôi.
Có chuyện gì đó không ổn. Kiểu này cái kèn sẽ không đem lại cho tôi hiệu quả mong muốn. Tôi cố nhớ lại một điệu nhạc vui vẻ. Tôi sực nhớ làn điệu bài Cancan. Đó là một vũ khúc vui nhộn, sống động. Khách du lịch khoác tay nhau nhảy múa. Họ tung chân phải, đá chân trái, họ nhảy múa thật say sưa không biết mệt. Nhưng họ khoác tay nhau như thế kia thì làm sao lấy được tiền để quẳng vào mũ cho tôi! Bản nhạc chấm dứt, tôi ngừng chơi.
Nhưng người khách du lịch giương mắt nhìn nhau, họ không hiểu nổi chuyện gì đã xảy ra với mình. Họ chạy vội chạy vàng ra xe và chẳng ủng hộ cho cây mộc lan được xu nào. Tôi liếc mắt nhìn chiếc ghế bỏ trống của bác Hardbristle và nghĩ phải làm ngay một viêc gì đó.
Tôi chọn một bản nhạc khác, Kookabura sits on the old gum tree. Đây là một bản nhạc rất vui nhộn, sảng khoái khi họ leo lên những cây bạch đàn hai bên đường. Họ ngồi trên các cành cây như một bầy chim. Tôi muốn ngừng chơi nhưng không thể nào dừng được. Hình như với chiếc kèn này, khi đã bắt đầu thổi một giai điệu nào đó thì phải chơi đến cùng.
Bây giờ tôi thổi đến đoạn Laugh Kookabura, laugh Kookabura. Thế là họ, chứ không phải những con chim khổng lồ Kookabura, đua nhau cười ầm ĩ. Họ ngồi trên những cành cây ngửa mặt nhìn lên trời và cười nhăn nhở như những con lừa.
Cuối cùng tôi cũng dừng lại được. Khách du lịch la hét hoảng loạn. Hình như có cái gì đó làm họ sợ sệt bủn rủn chân tay. Họ nhảy vọt xuống và chạy tọt vào trong xe. Tôi vẫn không nhận được một xu của họ. Tôi tuyệt vọng vội cố thử lại một lần nữa.
Bài hát mà tôi thổi lần này có tên You can leave your hat on.
Khách du lịch dừng lại. Họ bắt đầu khiêu vũ với những động tác lả lướt và cử động chân tay khá đặc biệt. Cái ông người Nhật Bản từ từ cởi cúc áo và quẳng cái áo khoác trên mặt đất. Còn ông người Mỹ thì tháo giày vứt đi. Ba người khác cởi áo len theo nhịp điệu bản nhạc. Một bà béo ụt ịt co chân cởi tất. Thôi chết tôi rồi, tôi chọn phải bản nhạc khỏa thân!
Tôi muốn ngừng lại, nhưng không được. Tôi phải thổi đến hết bài. Cuối cùng ba chục khách du lịch đều chỉ mặc đồ lót ngẩn tò te giương mắt nhìn nhau. Họ la lối om sòm và chạy bổ vào xe. Thôi mặc xác họ, để họ biến đi. Tôi không thể làm gì với chiếc kèn ácmônica này. Xe buýt nổ máy chạy vút đi, để lại phía sau một đám bụi mù mịt.