Chặng Đường Mười Nghìn Ngày - Chương 15 - Phần 4

Những vấn đề đặt ra trên đây là thực tế, cần có biện pháp giải quyết cùng rất thực tế và cụ thể, không thể chỉ bằng cổ vũ chủ nghĩa anh hùng cách mạng một cách đơn thuần. Trước hết chúng tôi quyết định dời Sở chỉ huy chiến dịch từ Mi Mốt về Minh Đức để điều hành công việc chuẩn bị chiến đấu sát với thực tế hơn, tiện việc tổ chức khảo sát thực địa, quan hệ với cấp ủy Đảng và lực lượng vũ trang địa phương được thuận tiện trước khi triển khai chiến đấu.

Cuối tháng 5 Bộ tư lệnh chiến dịch họp trao đổi thông qua quyết tâm chiến đấu và kế hoạch thực hiện. Ý kiến thảo luận sôi nổi hào hứng, không xuôi chiều. Nhưng tất cả chúng tôi đã hiểu nhau qua nhiều chiến dịch trước đây, đều gặp nhau ở một điểm - chỉ bàn tới, nên cuộc họp đã nhanh chóng đi đến thống nhất, từ cách đặt vấn đề, chủ trương chung, sử dụng lực lượng đến các công việc cụ thể phải làm, không thể chậm. Trong đợt một chiến dịch, ta đã tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch(15), đập tan tuyến phòng thủ phía trước của địch trên vòng cung phía bắc Sài Gòn dọc theo biên giới miền Đông Nam Bộ.

(15) Trong tám ngày đầu (từ ngày 1 đến ngày 8/4/1972) ta tiêu diệt và loại khỏi vòng chiến đấu ba chiến đoàn, một tiểu đoàn bộ binh, hai trung đoàn thiết giáp cùng số lớn quân bảo an, dân vệ.

Nhưng địch vẫn ngoan cố thực hiện âm mưu tăng viện giải tỏa đường 13, giải tỏa thị xã An Lộc, tái chiếm vùng đã mất. Vì vậy muốn làm phá sản âm mưu trên ta không thể chiến đấu theo kiểu be bờ, chặn viện thụ động, mà phải chuyển thế: vừa tiêu diệt địch tại chỗ vừa đánh địch từ xa; mở mặt trận bắc Chơn Thành, nam An Lộc, quyết không cho địch nối đoạn đường này; tổ chức lực lượng tiến hành tiến công sâu vào vùng trung tuyến, đánh bại các cuộc tiến công phản kích của địch tạo thế uy hiếp mạnh thị xã Bình Dương, Sài Gòn, buộc địch phải co lực lượng về phía sau, địch ở An Lộc lo việc giữ nhà, không còn là bàn đạp thực hiện tái chiếm vùng đã mất. Như vậy là chúng ta vừa bảo vệ được Lộc Ninh, vừa tiêu diệt địch làm thất bại âm mưu giải tỏa đường 13 và thị xã An Lộc.

Một cuộc họp với chỉ huy các đơn vị để phổ biến quyết tâm chiến đấu đợt hai của chiến dịch đã diễn ra sau đó. Sau khi nhắc lại những vấn đề lớn đã được Bộ tư lệnh nhất trí trong cuộc họp nói trên, tôi nói rõ một số nội dung quan trọng có liên quan đến nhiệm vụ cụ thể của các đơn vị:

Một là, bảo vệ Lộc Ninh và bao vây thị xã An Lộc, có quan hệ mật thiết với nhau. Khả năng địch tái chiếm Lộc Ninh bằng đổ bộ đường không rất khó diễn ra, mà sẽ bằng đường bộ từ thị xã An Lộc theo đường 13 đánh lên có sự chi viện tối đa của không quân, nếu thị xã này được tăng viện. Vì vậy phá âm mưu giải tỏa An Lộc của địch là một nhiệm vụ trực tiếp quan trọng để giữ vững vùng giải phóng Lộc Ninh. Khác với bao vây theo chiến thuật be bờ, thành vòng tròn khép kín, yêu cầu vây lỏng An Lộc là khống chế, vây hãm, uy hiếp địch có trọng điểm (như vậy lực lượng ít mà vẫn mạnh ở những khu vực then chốt), tập trung lực lượng khống chế không cho địch đổ bộ đường không, khống chế sân bay Téc-ních, không cho chúng chiếm lại sân bay thị xã, đồi 128, khu vực Núi Gió, Sa Trạch và các khu vực phía tây đường 13, nhằm thu hút giam chân địch ở đây. Để có điều kiện hoạt động liên tục và dài hơi, các lực lượng làm nhiệm vụ bao vây cần tổ chức thực hiện thay phiên (cỡ đại đội, tiểu đoàn) chiến đấu đảm bảo có đơn vị lên phía trước làm nhiệm vụ đơn vị lui về phía sau nghỉ ngơi củng cố, thực hiện phương châm vừa tác chiến vừa củng cố, bồi dưỡng lực lượng.

Hai là, đánh bại âm mưu địch giải tỏa đường 13, ngăn chặn địch phát triển lên phía bắc. Đây là một nhiệm vụ rất quan trọng có quan hệ đến diễn biến chung được xác định từ đầu trong quyết tâm cơ bản của chiến dịch. Vì vậy Bộ tư lệnh chiến dịch chủ trương tiếp tục đánh địch trên đường 13, nhưng trong đợt hai này không phải để phục vụ cho những trận tiến công như trước, mà để đẩy lùi và đánh bại mọi hành động phản kích giải tỏa đường 13 của địch, tạo điều kiện cho chiến dịch tiếp tục phát triển trên cơ sở giữ vững vùng giải phóng phía sau. Yêu cầu những đơn vị làm nhiệm vụ ở đây là phải thiết lập thế trận chốt chặn vững chắc trên đoạn đường từ nam An Lộc xuống bắc Chơn Thành, kiên quyết không cho địch chọc thủng để lên tăng viện cho An Lộc, đẩy thị xã này vào thế bị ta bao vây uy hiếp mạnh, không làm nổi vai trò vị trí bàn đạp tái chiếm Lộc Ninh, khôi phục lại thế cũ. Đồng thời với chốt chặn, còn chuẩn bị điều kiện và tổ chức lực lượng sẵn sàng phát triển xuống nam Chơn Thành, uy hiếp vùng trung tuyến.

Ba là, trên cơ sở không xáo trộn đội hình, phát huy sở trường của các đơn vị, bảo đảm tính tiến công liên tục, Bộ tư lệnh chiến dịch chủ trương: Sư đoàn 9 từ tiến công chuyển sang làm nhiệm vụ bao vây thị xã An Lộc; Sư đoàn 7 tiếp tục làm nhiệm vụ chốt chặn đánh địch trên đường 13 với yêu cầu cao hơn.

Nhưng tất cả đều phải sẵn sàng thực hiện yêu cầu điều chỉnh lực lượng theo lệnh của Bộ tư lệnh chiến dịch để lập thế trận mới phục vụ nhiệm vụ chung của cuộc tiến công. Vì lực lượng có hạn, cả đơn vị làm nhiệm vụ bao vây và chốt chặn đều phải hình thành thế đánh có trọng điểm, thực hiện thay phiên chiến đấu và nghỉ ngơi thích hợp.

Cuộc họp diễn ra suôn sẻ, ý kiến trao đổi sôi nổi về biện pháp tổ chức thực hiện, trong đó có vấn đề chung: Đợt hai chiến dịch, ta thực hiện cách đánh gì, tiến công hay phòng ngự.

Đây không đơn thuần là nhận thức, đằng sau nó có chứa đựng tư tưởng cần được trao đổi để thông suốt. Nhưng lúc này thời gian không có nhiều, tôi chỉ nêu gọn: Hình thức thì như phòng ngự, nhưng thực chất là tiến công. Lập thế trận chốt chặn là vừa giữ đất vừa tiến công, phòng ngự và tiến công xen kẽ, giữ chốt để vận động tiến công, vận động tiến công để giữ chốt. Muốn hiểu thế nào thì tùy, miễn là phải đánh bại âm mưu giải tỏa đường 13, không cho địch đặt chân lên An Lộc.

Chốt chặn đánh địch trên đường 13 và bao vây cô lập thị xã An Lộc là hai nhiệm vụ chính của đợt hai chiến dịch. Nhưng cả Bộ chỉ huy Miền và Bộ tư lệnh chiến dịch đã dành sự quan tâm nhiều đến việc chặn đánh địch trên đường 13. Bởi lẽ đây là nhiệm vụ rất quan trọng, nếu không nói là quyết định đến yêu cầu giữ vững thành quả của đợt một, tạo đà, chuẩn bị bàn đạp cho nhiệm vụ đợt ba chiến dịch. Vì vậy giải tỏa và chống giải tỏa - cuộc tranh chấp giữa ta và địch chắc chắn sẽ diễn ra rất gay go, quyết liệt.

Sư đoàn 7 do có nhiều thành công trong nhiệm vụ chốt chặn kết hợp với tiến công trên đất bạn Campuchia trong năm 1971, đã được Bộ chỉ huy chiến dịch giao đảm nhận chốt chặn diệt địch dọc theo đường 13 từ cầu Cần Lê xuống bắc Chơn Thành. Sư đoàn đã hoàn thành nhiệm vụ chặn viện có hiệu quả trong đợt một chiến dịch(16), chắc chắn cũng sẽ hoàn thành nhiệm vụ đợt hai này với yêu cầu cao hơn, chịu những thử thách gay go và phức tạp hơn. Tất cả đều như đánh bài ngửa, như thế cờ trên bàn cờ đã bày sẵn. Tướng sĩ, tượng xe, pháo đã hiện rõ trên bàn cờ. Nghĩa là không gian, thời gian và lực lượng tham gia trận phá thế đã rõ, hầu như không còn bất ngờ. Trận địa chốt chặn của ta là khu vực nam, bắc Tàu Ô, nơi mà địch dồn sức đánh phá cũng là đây. Cả ta và địch đều quen thuộc, có khi địch nắm nơi đây còn rõ hơn ta, vì trước đó chúng đã lập đồn bốt, biến thành nơi trung chuyển quân từ Lai Khê, Chơn Thành lên An Lộc, Lộc Ninh, từ Lộc Ninh, An Lộc về lại hậu cứ Lai Khê, Bình Dương.

(16) Các đơn vi sư đoàn 7 đã bao vây tiến công chiến đoàn 7 ở Phù Lổ, diệt chiến đoàn 52 ở cầu Cần Lê khi chúng từ ngã ba Đồng Tâm rút chạy về hướng thị xã Bình Long, đẩy lùi cuộc tiến quân của lữ đoàn dù 1 từ Chơn Thành lên Ngọc Bầu, đánh bại cuộc hành quân mở đường của sư đoàn 21 ở bắc Chơn Thành, đánh thiệt hại nặng lữ đoàn dù 3 khi chúng đổ quân xuống Tàu Ô.

Ta kiên quyết trụ giữ, địch dốc sức đánh phá giải tỏa đều tại đây. Hiểu như vậy sao ta vẫn chọn khu vực Tàu Ô, chứ không phải nơi khác?

Trong nghệ thuật quân sự có khái niệm đánh theo tự chọn và đánh theo mệnh lệnh cấp trên, theo sự chỉ đạo của nhiệm vụ chung. Trong trường hợp cụ thể, lúc chiến dịch Nguyễn Huệ bước sang đợt hai thì không có sự lựa chọn theo ý muốn chủ quan, mà là chấp nhận, chỉ có sự chấp nhận vì nhiệm vụ chiến dịch đòi hỏi, xa hơn nữa vì yêu cầu của cuộc tiến công chiến lược chung trên toàn chiến trường miền Nam yêu cầu.

Sư đoàn trưởng Đàm Văn Ngụy sau khi dẫn đoàn cán bộ trực tiếp đi nghiên cứu thực địa trở về càng tâm đắc với địa hình nơi đây. Từ nam An Lộc đến Tân Khai địa hình na ná nhau, bằng phẳng, trống trải, hai bên đường là ruộng bỏ hoang, mỗi bên hai đến ba ki-lô-mét sâu vào trong là rừng già, xen kẽ là trảng và bầu, có gỗ và rừng le, tìm chỗ đặt cối và đại liên không dễ.

Nhưng ở khu vực Tàu Ô thì khác, có con suối chảy từ tây sang đông đường rộng hai mươi đến ba mươi mét, nước nông nhưng là vật cản thiên nhiên tốt. Hai bờ bắc, nam của con suối là những vạt đồi thoải, quá trình mở rộng đường 13, địch san ủi vẫn còn những ụ đất cao từ một đến một mét rưỡi, lâu ngày đất rắn, có thể cải tạo thành những ụ chiến đấu tốt. Nam suối Tàu Ô năm trăm mét có cống Ông Tề rộng tám mét. Địa thế khu vực này tương đối cao, càng về phía nam địa thế càng thấp dần, đứng ở Tàu Ô ta có tầm nhìn khống chế được phía nam.

Sau khi nghe sư trưởng Đàm Văn Ngụy báo cáo quyết tâm lập trận địa chốt chặn ở khu vực Tàu Ô, trong sở chỉ huy chiến dịch có ý kiến hỏi lại:

- Phòng ngự à?

- Không, chốt chặn kết hợp với vận động tiến công. - Đàm Văn Ngụy trả lời.

- Chiến thuật gì lạ vậy?

Đàm Văn Ngụy giải thích:

- Không rõ chiến thuật gì nhưng đã thắng địch ở Cầu Khởi, Tây Ninh trong tiến công đợt ba xuân 1968, thắng địch ở Đầm Be, Cát Thơ Me năm 1971.

Vấn đề đã rõ ràng, tất cả chỉ còn tùy thuộc nơi tinh thần chấp nhận và chịu đựng, tùy thuộc nơi mưu lược tính toán trong khối óc con người từ hai phía. Sau buổi họp quán triệt quyết tâm chung, Bộ tư lệnh chiến dịch làm việc với Sư đoàn 7, trước hết tính toán lại thế lực lượng. Nếu đợt một đội hình kéo dài, hình thành hai lớp chặn viện (hai trung đoàn đảm nhận Tàu Ô - ngã ba Xóm Ruộng, một trung đoàn tách khỏi đội hình luồn xuống nam Chơn Thành đứng chân ở khu vực Bầu Lồng làm nhiệm vụ chặn địch từ Lai Khê lên), thì nay rút ngắn lại, tạo ưu thế trên một khu vực: Trung đoàn 209 chốt chặn ở khu ngăn chặn chủ yếu nam, bắc Tàu Ô, Trung đoàn 14 bao vây Tân Khai, Trung đoàn 12(17) rút ra củng cố để cùng với Trung đoàn 1/Sư đoàn 9 và Trung đoàn 205 độc lập của Miền, trước mắt làm nhiệm vụ cơ động đánh địch ở khu vực Đức Vinh - Xa Cát (bắc Tân Khai), thực hiện hai trung đoàn chốt chặn, ba trung đoàn vận động tiến công chi viện phía trước và đánh địch vu hồi phía sau trận địa chốt.

(17) Sư đoàn 7 gồm các trung đoàn của sư đoàn 312 từ miền Bắc bổ sung vào: trung đoàn 141 đổi thành trung đoàn 14, trung đoàn 165 đổi thành trung đoàn 12, trung đoàn 209 giữ nguyên số hiệu cũ. Những trang sau sẽ lấy lại số hiệu cũ khi kể vế các trung đoàn này để đọc giả tiện theo dõi truyền thống liên tục của các trung đoàn kể trên từng đứng trong đội hình đại đoàn 312 trong kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954).

Ngày 15 tháng 5 kết thúc đợt một, từ 16 tháng 5 chiến dịch chuyển sang đợt hai, đến 19 tháng 5 trên mặt trận đường 13 Sư đoàn 7 nổ súng mở màn cuộc chiến đấu theo yêu cầu mới. Thời gian cần có thì ngắn, nhưng khối lượng công tác chuẩn bị thật nhiều với những khó khăn chồng chất. Trung đoàn 209 từ Bầu Lồng ngược lên phía bắc thay phiên Trung đoàn 165 ở nam bắc Tàu Ô, đến nơi phải triển khai ngay việc xây dựng hầm hào, công sự hình thành ba bệ thống chốt (thuật ngữ quân sự gọi là ba dải phòng ngự). Các trung đoàn khác tiếp tục ngược lên phía bắc, vừa hành quân vừa khảo sát thiết kế chiến trường, vận động tiến công.

Lo nhất vẫn là khu vực Tàu Ô vì đây là chìa khóa, cái bản lề quyết định thế trận đôi bên. Trong khi trung đoàn 209 đang bộn bề công việc xây dựng trận địa chốt thì các tin kỹ thuật, tin của quân báo Miền, quân báo chiến dịch cho biết dấu hiệu về một cuộc hành quân giải tỏa quy mô lớn của địch đang đến gần Chơn Thành chứa đầy ắp quân từ phía sau đổ lên, máy bay trinh sát địch rà lượn suốt ngày đêm trên trận địa chốt của ta.

Chiều 18 tháng 5, như thường lệ chúng tôi gọi điện xuống Sư đoàn 7 nắm tình hình kết quả chuẩn bị trong ngày thì đầu dây bên kia vọng lại: Hệ thống trận địa chốt đã hình thành, các hầm chữ L vừa có nắp tránh đạn pháo vừa có hố bắn cá nhân đã xong, từng tổ bắt đầu nối nhau bằng đường hào, đảm bảo sẵn sàng đánh địch. Đó là tiếng nói của sư đoàn trưởng Đàm Văn Ngụy.

Đúng ngày 19 tháng 5, ngày sinh nhật Bác, đã nổ ra trận đụng độ đầu tiên giữa lực lượng giải tỏa và lực lượng chống giải tỏa. Hai trung đoàn 15 (sư đoàn 9) và trung đoàn 33 (sư đoàn 21) ngụy Sài Gòn, được máy bay lên thẳng đổ xuống Tân Khai và thiết đoàn 9 tăng - thiết giáp (thiếu) theo đường bộ vòng qua Tàu Ô lên Tân Khai, lấy đây làm căn cứ xuất phát đánh lên An Lộc. Địch nham hiểm, tránh chỗ mạnh, đánh vu hồi phía sau, nhưng đã bị lực lượng vận động tiến công lót ổ sẵn đánh phủ đầu, đội hình địch hoang mang, rối loạn. Các trung đoàn 165, 141, 205 của ta thực hiện vây hãm, diệt nhiều sinh lực địch, diệt toàn bộ các chi đoàn của thiết đoàn 9 thiết giáp (thiếu). Ngày 21 tháng 5, lợi dụng ta có sơ hở khi thay phiên, trung đoàn 31 (sư đoàn 21) địch, được tăng cường hai tiểu đoàn biệt động quân số 65 và 73 tiến công vào khu chốt bắc cống Ông Tề (cách Tàu Ô năm trăm mét về phía bắc). Trung đoàn 209 đảm trách khu chốt đã giành giật quyết liệt với địch từng thước đất.

Theo dõi diễn biến, Bộ tư lệnh chiến dịch nhận định: Ban đầu lợi dụng ta sơ hở lấn chiếm cục bộ, sau địch đẩy tới một cuộc hành quân có sự yểm trợ tối đa của hỏa lực(18) nhằm đột phá vào trận địa chốt chặn cơ bản của ta - khu Tàu Ô. Vì vậy cần phải huy động lực lượng vận động tiến công ở phía sau lên hỗ trợ, quyết không để địch chọc thủng.

(18) Pháo địch ở Chơn Thành bắn vào trận địa ta có ngày tới 10.000 viên trên chính diện 2.000m2 máy bay B.52 đánh phá cả ngày lẫn đêm, máy bay chiến thuật AD.6, A.37 xuất kích gần 40 lần chiếc/ngày.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của chỉ huy chiến dịch, Bộ tư lệnh Sư đoàn 7 đã xử trí kịp thời: vẫn duy trì Trung đoàn 165 ở bắc Tân Khai chặn địch nống lên An Lộc, đưa Trung đoàn 141 từ Tân Khai xuống cống Ông Tề cùng với Trung đoàn 209 phản công giành lại trận địa, khôi phục lại thế trận ban đầu.

Sau trận thắng này chúng tôi thấy cần phải điều chỉnh lại cách đánh. Nếu đợt một chiến dịch lấy vận động tiến công là chủ yếu, chốt giữ là quan trọng, thì nay giữ chốt phải là chủ yếu vừa thể hiện tinh thần quyết giữ Tàu Ô, sẵn sàng chấp nhận hết thảy mọi thử thách - và đó cũng là thực hiện quyết tâm cơ bản trong đợt hai chiến dịch.

Trên đây mới là thắng lợi mở đầu và cũng là thách thức bước đầu chúng tôi đã vượt qua, còn biết bao nhiêu cửa ải đang chờ.

Từ 21 tháng 6, cuộc chiến đấu chống giải tỏa mới thực gay go và ác liệt. Rút kinh nghiệm thất bại trong kế hoạch vu hồi phía sau khu vực Tàu Ô để lên An Lộc, địch thay đổi kế hoạch; tập trung ưu thế binh hỏa lực chọc thẳng vào Tàu Ô, nhổ bật chiếc “đinh cái” trên đường 13 mở đường lên An Lộc dễ dàng hơn, khỏi phải đề phòng phía sau. Với lực lượng hai trung đoàn, một lữ đoàn, một thiết đoàn(19), địch mở cuộc hành quân trên chính diện một ki-lô-mét, đột phá liên tục cả ngày lẫn đêm (22, 23 tháng 6) nhằm đánh thẳng vào Tàu Ô, đập tan hệ thống trận địa chốt của ta. Nhưng địch đã thất bại trước lối đánh vận động tiến công kết hợp với chốt chặn của ta, buộc chúng phải rút về Xóm Ruộng, Ngọc Hồi, cách Tàu Ô bốn ki-lô-mét về phía nam.

(19) Trung đoàn 46 (sư đoàn 25) và thiết đoàn 3 từ đường 22 sang đường 13 (thay trung đoàn 32/sư đoàn 21 về Long An), trung đoàn 33 (sư đoàn 21) và lữ đoàn dù số 1.

Sang tháng 7, cuộc chiến đấu giữ chốt đứng trước những thử thách chưa từng gặp trước đó ở chiến trường miền Đông Nam Bộ. Lực lượng địch đông hơn, thủ đoạn phản kích vừa hiểm hóc vừa tàn bạo. Ngày 14 tháng 7, toàn bộ sư đoàn 25, trung đoàn 31 (sư đoàn 21 chưa về đồng bằng) chia làm ba cánh, hình thành chín mũi, đột phá ào ạt và liên tục, nhiều ngày, nhiều hướng vào khu chốt chặn Tàu Ô một lần nữa. Đến ngày 26 tháng 7, địch tạo được những chốt nhỏ trong quá trình tiến quân nối liền từ ngã ba Xóm Ruộng đến Tàu Ô, dựa vào đó đánh vào các chốt, chia cắt trận địa và chặn tiếp tế của ta từ đông đường sang tây đường.

Lê Văn Tư, tư lệnh sư đoàn 25 hám danh, đặt nhiều tham vọng vào cuộc hành quân giải tỏa mà hắn đảm trách. Y thay đổi chiến thuật, dùng hỏa lực phi pháo có mức độ, có trọng điểm trong khu vực Tàu Ô, nhưng lại dùng rộng rãi hỏa lực tối đa đánh phá trận địa phía sau ta, phá hủy đường sá, cắt đứt liên lạc ngăn chặn đường tiếp tế vận tải của ta ra phía trước.

Nguyên là tư lệnh phó sư dù, được điều về giữ chức tư lệnh sư đoàn 25, Lê Văn Tư còn trẻ và nhiều tham vọng, rất kiêu ngạo và hung hăng. Khi từ đường 22 điều sang đường 13, y huênh hoang: cái gì sư đoàn 21 không làm được, sư đoàn 25 nhất địch sẽ làm được: quyết tâm của Lê Văn Tư là phải phá vỡ trận địa chốt chặn của Việt cộng (chỉ Quân giải phóng) ở Tàu Ô, đưa sư đoàn 25 - mệnh danh là “Tia chớp nhiệt đới” của quân lực Việt Nam cộng hòa (chỉ quân đội ngụy) đặt chân lên thị xã An Lộc.

Từ tập trung lực lượng lớn liên tục tiến công, liên tục đột phá bằng nhiều mũi (kể cả việc đưa chiến đoàn 49 bí mật vòng sâu vào phía tây đường lên Tân Khai vu hồi phía sau Tàu Ô) vẫn không nhổ được các cụm chốt của ta. Địch dãn ra hình thành các cụm đã ngoại đóng xen kẽ rất gần với các chốt của ta, cắt đứt đường vận chuyển của ta từ phía sau ra phía trước.

Nhưng chúng đã thất bại. Bắt đầu từ phát kiến của một đại đội, nhanh chóng thành phong trào, tất cả các con đường mòn vận tải đêm đưa đồ tiếp tế ra các chốt dã ngoại của địch đóng xen kẽ với các trận địa chốt của ta đều bị ta phát hiện và sau đó đều bị ta tổ chức phục kích đánh trúng vừa diệt được địch vừa thu được lương thực, đạn dược; cũng có nơi các chiến sĩ ta phải mặc giả địch, trà trộn với địch để vượt qua mọi nguy hiểm đưa đồ tiếp tế ra phía trước. Cứ thế, cái khó ló cái khôn, xuất hiện phương cách na ná như kiểu lấy đồ tiếp tế của địch đánh địch ở Điện Biên Phủ năm xưa. Trại biệt kích Minh Hòa đóng phía sau trận địa ta, quân số cỡ tiểu đoàn. Ta thừa sức nhổ cái gai này một cách nhanh gọn. Nhưng cứ để đó, chỉ thỉnh thoảng cho lực lượng nhỏ đến pháo kích, đêm vào cắt rào, gỡ mìn làm như sắp sửa bị ta xóa sổ. Bọn chỉ huy trại lo sợ, càng có cớ xin tăng viện. Thế là địch trúng mưu, đều đều máy bay địch từ hậu cứ bay đến thả dù tiếp tế đủ thứ. Nhờ sự “chi viện” kiểu này mà ta có gạo sấy, có đạn dược của địch đánh địch. Đạn cối 81 dùng cho cối 82 ly, đạn 106,7 ly dùng cho cối 120 ly, hơi lỏng một chút, độ chính xác giảm, nhưng còn hơn không. Đến đầu tháng 8, tình thế đã thay đổi, ta tiến công san bằng đồn này vì xét thấy nó đã hết tác dụng.

Thua keo này địch bày keo khác, Lê Văn Tư lại tung thủ đoạn gây căng thẳng thường xuyên cả đêm lẫn ngày, làm ta không còn đủ sức giữ chốt. Ngày địch tiến công bằng hỏa lực phi pháo và tiếp tục gây sức ép, các mũi đột kích liên tục vào trận địa ta. Đêm chúng tổ chức các bộ phận nhỏ chia thành từng tốp, cởi trần mặc quần đùi đeo trên lưng túi lựu đạn, bí mật luồn lách mò đến từng hầm chốt thả lựu đạn xuống. Chúng lại bị thất bại, vì ta kịp thời phát hiện và tổ chức đối phó, phái các tổ chiến đấu bí mật vòng ra ngoài phục sẵn. Khi địch mò đến địa điểm thích hợp, ta trong nổ súng ra, ngoài tổ vu hồi bất thần nổ súng đánh phía, sau lưng.

Địch lại dùng thủ đoạn điều tăng, thiết giáp đến gần chốt ta, ở cự ly ngoài tầm bắn hiệu quả của súng B.40. B.41, tức thì tập trung pháo tự hành ĐK.90 bắn trực tiếp phá từng công sự trên trận địa chốt của ta. Bằng lối đánh này, chúng đã gây cho các đơn vị giữ chốt nhiều thiệt hại, có đại đội sau trận đánh chỉ còn ba, bốn hoặc năm tay súng. Nhưng vỏ quýt dày có móng tay nhọn. Sự tự giác chấp nhận thử thách là nguyên nhân nảy sinh nhiều sáng kiến đánh giặc. Dùng thuật nghi binh nhử địch kết hợp thiết lập các trận địa bắn tỉa, xuất hiện bất thần, từ nhiều phía, địch lúng túng, hoang mang, phải chấp nhận thất bại.

Táo bạo hơn, các đơn vị còn tổ chức những tổ bí mật ra phục sẵn ở những nơi xe tăng và bộ binh địch vẫn hay lợi dụng địa hình có lợi để đứng bắn vào trận địa ta, gây cho địch những bất ngờ đến kinh hoàng.

Trận địa chốt chặn Tàu Ô của ta vẫn đứng vững!

Nhưng cuộc chiến đấu chống địch giải tỏa càng gặp muôn vàn khó khăn. Vừa mệt mỏi, căng thẳng và bị tiêu hao trong chiến đấu. Sang tháng 6, tháng 7 mưa càng nhiều, hầm hào sụt lở ăn ở của bộ đội càng gian khổ, thiếu thốn, ốm bệnh đủ loại, quân số chiến đấu giảm, từng đại đội, tiểu đoàn chỉ còn 50%, thậm chí 30% so với biên chế.

Bộ tư lệnh chiến dịch chúng tôi nhận định: trên thế chung chúng ta vẫn giữ được quyền chủ động. Qua tin tức của đài Tiếng nói Việt Nam, từ Bộ chỉ huy Miền thông báo xuống; tại hướng chiến lược chủ yếu Quảng Trị, đã hút thêm lữ đoàn dù 1 và liên đoàn biệt kích 81 từ đường 13 đưa ra; địch cũng rút bớt quân ở Tây Nguyên và đồng bằng Khu 5 đi chi viện các nơi khác vì tại đây ta vẫn tiếp tục tiến công uy hiếp. Trên mặt trận đường 13, địch phải rút sư đoàn 21 về đồng bằng sông Cửu Long để đối phó với sư đoàn 5 của ta đang cùng quân dân Khu 8 mở chiến dịch tổng hợp đạt hiệu quả. Sư đoàn 18 và liên đoàn biệt động quân 5 vẫn bị giam chân ở thị xã An Lộc, thay sư đoàn 5 rút về phía sau củng cố, chưa thể tiếp tục đưa ra phía trước được. Trên mặt trận đường 13 vẫn chỉ có sư đoàn 25 và một số đơn vị tăng cường khác, đã bị sứt mẻ và sa sút tinh thần qua gần một tháng thay sư đoàn 21 tiến công trận địa chốt Tàu Ô.

Về phía ta, Sư đoàn 7 đã chứng tỏ là một sư đoàn có bản lĩnh trong nhiệm vụ chống địch giải tỏa, làm thất bại nhiều thủ đoạn nham hiểm của địch trong cuộc tiến công nhằm đánh bật ta ra khỏi trận địa chốt; chúng vẫn dậm chân tại chỗ trước hệ thống chốt chặn Tàu Ô của ta.

Từ nhận định trên và quán triệt sự chỉ đạo của Bộ chỉ huy Miền, Bộ tư lệnh chiến dịch chủ trương: kiên trì giữ các chốt cơ bản kết hợp với tổ chức các chốt cơ động đưa lực lượng ra phản kích.

Bắt đầu triển khai thực hiện chủ trương chuyển hoạt động vào khu trung tuyến, là thiết thực chi viện cho trận địa chốt chặn Tàu Ô, đồng thời hạn chế khả năng địch đưa lực lượng đánh ra vùng giải phóng.

Đây là nhiệm vụ đã được đề cập trong nội dung quyết tâm chiến đấu đợt hai chiến dịch. Trong bố trí lực lượng chống giải tỏa trên đường 13, chúng tôi chỉ đạo Sư đoàn 7 chỉ để Trung đoàn 209 chốt chặn Tàu Ô, Trung đoàn 165, 141 và 205 làm nhiệm vụ cơ động tiến công, thời gian đầu đánh địch vu hồi phía sau khu vực Tân Khai, Đức Vinh, sau vận động tiến công khu vực phía trước, hỗ trợ Trung đoàn 209 giữ vững khu vực chốt chặn Tàu Ô, để khi có điều kiện dễ dàng rút ra làm nhiệm vụ mới.

Thời cơ để triển khai dự kiến ban đầu đã đến. Nhưng khi vào việc thì lại không đơn giản! Khó khăn trước hết là việc rút hai trung đoàn của Sư đoàn 7. Người không thông chính là sư đoàn trưởng Đàm Văn Ngụy. Một mặt anh ra lệnh cấm không ai được nói với những người chưa biết tin này, “cụ thể thế nào sau khi tôi lên Bộ tư lệnh chiến dịch về sẽ hay”. Ngay đêm hôm được tin rút, Đàm Văn Ngụy cứ trằn trọc về những suy nghĩ miên man (khi lên sở chỉ huy chiến dịch anh tâm sự lại, như phân bua với mọi người): “Thị xã Quảng Trị đã mất, Hiệp định Paris vẫn chưa ký, ta bỏ Tàu Ô thì sư đoàn 25 địch đang đứng trước mặt sẽ tràn vào, thẳng đường lên giải tỏa An Lộc, cùng lực lượng ở đây tái chiếm sân bay Téc-ních, chi khu quân sự Lộc Ninh, thì lấy đâu địa điểm đặt trụ sở Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam? Đông Hà? Gần miền Bắc quá, không có lợi về chính trị. Sư đoàn 7 đã đóng giữ đoạn đường ba mươi ki-lô-mét từ nam An Lộc đến bắc Chơn Thành, nay rút uổng quá? Trên thương ta mà lệnh cho ta rút ra để nghỉ ngơi củng cố. Nhưng rút lúc này là mất thời cơ chiến lược.

Không, nhất định phải giữ, nhưng cần điều chỉnh lực lượng, thay đổi cách bố trí và cách đánh.

Biết sáng hôm sau sư trưởng Sư đoàn 7 Đoàn Văn Ngụy lên báo cáo, xin ý kiến, tôi đã bố trí thời gian tiếp.”

Gương mặt anh vẫn hiện rõ nét lạc quan, tự tin, nhưng hình thể thì gầy, da xanh, hai mắt trũng sâu! Rất muốn có cái gì chiêu đãi người ở phía trước sau gần hai tháng trời vất vả, nhưng ngó trước nhìn sau chẳng tìm ra thứ gì để gọi là bồi dưỡng nhẹ.

Nắm chặt tay Đàm Văn Ngụy, tôi nói:

- Ngồi xuống, uống tạm nước đun sôi, rồi trình bày ngay, tụi mình sẵn sàng nghe.

Không đắn đo suy nghĩ, như tất cả đã chuẩn bị sẵn trong đầu cứ việc mở nút là bật tung, Đàm Văn Ngụy sôi nổi trình bày những điều mình đã nghĩ đêm qua.