Chặng Đường Mười Nghìn Ngày - Chương 18 - Phần 3

Phối hợp với bộ đội chủ lực, huyện ủy Bù Đăng do đồng chí Võ Đình Tuyến làm bí thư đã chỉ đạo lực lượng vũ trang địa phương hỗ trợ nhân dân nổi dậy diệt ác ôn, phá vỡ bộ máy thống trị của địch; các chi bộ Đảng ấp Hòa Đồng 1, 2; ấp Bù Môn lãnh đạo quần chúng làm tốt công tác binh vận, kêu gọi được ba trung đội dân vệ, tám toán phòng vệ dân sự nộp súng trở về với gia đình.

10 giờ 30 phút Bù Đăng hoàn toàn được giải phóng. Ủy ban quân quản được thành lập do đồng chí Phan Bình Minh, ủy viên thường vụ huyện ủy Bù Đăng được cử làm chủ tịch, bắt đầu làm nhiệm vụ.

Công việc mới mẻ, lại trong tình hình đang còn khẩn trương, căng thẳng và phức tạp. Ban quân quản điều hành công việc có hiệu quả. Gắn với dân từ khi nằm rừng, sống dưới hầm bí mật trong các ấp chiến lược để vận động dân, có trách nhiệm cao với cuộc sống của dân, đồng chí Minh cùng ban quân quản huy động được ba mươi tấn gạo để cứu tế cho dân; vận động vay muối, dầu hỏa, vải của bà con tiểu thương để có hàng hóa bán kịp thời phục vụ nhu cầu của dân. Số hàng hóa bán thu được 800.000 đồng tiền Sài Gòn, trả lại dân ngay sau đó. Bà con tiểu thương chỉ nhận một phần hai số tiền cho vay, ủng hộ cách mạng 400.000 đồng. Thấy việc làm vì cuộc sống nhân dân, có gia đình ủng hộ một trăm thùng dầu lửa (mỗi thùng chứa mười lít) để ban quân quản có thêm dầu thắp sáng bán cho đồng bào.

Ngoài việc tạo điều kiện nhanh chóng ổn định cuộc sống nhân dân, ban quân quản còn làm tốt các công việc phức tạp trong điều kiện phố thị mới giải phóng, như tổ chức giữ trật tự an ninh, chấp hành chính sách vùng mới giải phóng, bảo vệ nghiêm tài sản của nhân dân, của những người bị địch thúc ép di tản. Bốn tháng sau, khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, bà con di tản trở về vô cùng xúc động, vì tất cả nhà cửa, hàng hóa vật tư của họ vẫn còn nguyên vẹn.

Tạm biệt Bù Đăng, các đơn vị chủ lực lại lên đường xuôi quốc lộ 14 đi về phía tây để tiếp tục nhiệm vụ phía trước đang chờ.

Chúng tôi lên đường mang theo ấn tượng đẹp về miền đất địa đầu của tỉnh Phước Long. Ngay từ những năm đen tối Bù Đăng đã là đường đi, điểm hẹn đáng tin cậy của các đoàn soi đường từ Nam ra, mở đường từ Bắc vào gặp nhau ở xã Đồng Nai. Từ đây hội tụ các lực lượng cách mạng khắp ba miền Bắc - Trung - Nam để rồi phát triển, nhân rộng ra khắp nơi. Đoàn anh Ba Cung, Bảy Kính xuống hướng Phước Long; đoàn anh Võ Đình Tuyến, Lê Quang Giang, Phan Bình Minh rẽ lối sang hướng Lâm Đồng về Bù Đăng, để gắn bó với nhân dân với đồng bào các dân tộc từ giữa năm 1962. Các anh đã vượt qua bao nhiêu gian khổ, hiểm nguy, đương đầu với cả lính kỵ binh bay ngày đêm dùng trực thăng quần đảo, chụp bắt, triệt hạ nguồn sống. Các anh đưa ánh sáng vào một vùng đất xa xôi, hẻo lánh nhưng lại có vị trí rất quan trọng, đã tạo thế chuẩn bị lực lượng cho chúng tôi vào trận hôm nay - trận mở đầu của chiến dịch Đường 14 - Phước Long thắng lợi giòn giã. Từ trận thắng này chúng tôi càng hiểu rõ địch hơn và cũng thấy mình đầy đủ hơn, cả mạnh và yếu, nhìn thấy hướng khắc phục để tiếp tục nhiệm vụ còn lại của chiến dịch.

***

Ngay sau chiến thắng Bù Đăng, Miền điện tôi về nhận nhiệm vụ mới.

Lúc này anh Phạm Hùng và anh Trần Văn Trà vẫn đang ở Hà Nội để họp Bộ Chính trị mở rộng bàn kế hoạch hai năm giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Phó tư lệnh thường trực Bộ chỉ huy Miền Lê Đức Anh ra đón, bắt tay tôi và dẫn vào phòng làm việc. Vì thời gian rất gấp, chúng tôi vào việc ngay. Vẫn phong thái điềm tĩnh, anh thân mật mở đầu cuộc trao đổi:

- Mình đã sơ bộ báo cáo Bộ Tổng tư lệnh về chiến thắng Bù Đăng và xin ý kiến nhiệm vụ tiếp sau, ngoài đó đã đồng ý.

- Đánh Đồng Xoài? - Tôi hỏi.

- Đúng. - Ngừng một lát, Phó tư lệnh thường trực sôi nổi nói tiếp. - Tôi gọi anh về là để chúng ta bàn kế hoạch bước hai chiến dịch, tiến công giải quyết dứt điểm cụm cứ điểm Đồng Xoài.

Tôi hưởng ứng ý kiến anh:

- Đúng là nhiệm vụ tiếp sau của chiến dịch là phải giải quyết Đồng Xoài. Nhưng đánh chi khu này phải tính bước tiếp sau hoặc song song với tiến công Phước Long. Vì vậy ngay từ bây giờ ta phải xin ý kiến cấp trên, vì đánh thị xã phải có tăng pháo cỡ lớn yểm trợ, phải đưa Sư đoàn 9 vào tham gia chiến đấu.

Bỗng anh Lê Đức Anh hạ giọng:

- Hãy nghỉ cái đã! Vì anh Năm vừa phải qua một đợt chiến đấu vất vả, không nghỉ, lại về đây luôn qua chặn đường dài, lát nữa ta bàn tiếp.

Sở chỉ huy Miền ẩn mình dưới cánh rừng già, cách Lộc Ninh khoảng trên dưới năm mươi ki-lô-mét về phía đông bắc, nằm ở đầu mút con đường Trường Sơn từ Bắc vào Nam. Có cái vui, cái nhộn nhịp thanh bình, nên thơ như ở vùng căn cứ địa Việt Bắc hồi kháng chiến chống Pháp. Nhưng cảnh quan mang đậm nét dã ngoại, thời chiến. Tất cả tư trang của mọi người đều đơn giản, gọn nhẹ đựng trong chiếc ba lô con cóc quen thuộc. Tất cả đều ở tư thế sẵn sàng, quanh các lán vẫn là hầm hào phòng tránh và triển khai chiến đấu khi có tình huống xảy ra.

Mặc dầu vậy, tôi vẫn thấy mình đang có một khoảnh khắc, một không gian để đầu óc được thanh thản như anh Lê Đức Anh nói. Nhưng không sao chợp mắt được, có lẽ vì cái đói ngủ đã bão hòa, cứ miên man suy nghĩ, nhớ cái đã qua, nghĩ về cái sắp tới.

Vừa lúc đó, tôi được mời lên phòng làm việc. Ở đây có treo bản đồ quân sự mảng Đồng Xoài, Phước Long. Anh Lê Đức Anh đã ngồi đó từ bao giờ.

Sau khi giao nhiệm vụ, yêu cầu bước hai chiến dịch, trong đó Đồng Xoài là hướng chủ yếu, là mục tiêu then chốt của đợt tiến công, anh Lê Đức Anh hỏi:

- Có cần tăng cường gì không?

- Báo cáo, không cần, vì quân đoàn đã chuẩn bị kỹ trước đó, nay chỉ cần điều chỉnh chút ít cho phù hợp với thực tế.

- Có dứt điểm được không?

- Báo cáo, được! - Tôi khắng định.

- Nhưng phải nhanh gọn, không được kéo dài.

Buổi Bộ chỉ huy Miền giao nhiệm vụ cho quân đoàn không mất nhiều thời gian mà đầy đủ các vấn đề cần nói, cần bàn. Vì tất cả nằm trong chủ trương chung đã thống nhất từ trước. Vì trên dưới hiểu nhau, đồng tâm nhất trí, cả về nhận thức trách nhiệm, các bước đi và biện pháp tiến hành cụ thể của chủ trương mở đợt hoạt động quân sự mùa khô 1974 - 1975.

Hai chúng tôi nắm chặt tay nhau trong tình cảm gắn bó đồng chí, đồng đội. Anh Lê Đức Anh chúc tôi sức khỏe, chúc quân đoàn có thêm những thắng lợi giòn giã. Tôi hứa:

- Bộ tư lệnh Quân đoàn sẽ gửi báo cáo quyết tâm chiến đấu về Miền vào cuối tuần này.

Trên đường trở lại đơn vị và trước khi họp thông qua quyết tâm, sự suy nghĩ của tôi đều dồn tụ vào một yêu cầu phải dứt điểm và các cơ sở để đạt yêu cầu đó đã có chưa, để trình bày trong cuộc họp Đảng ủy và Bộ tư lệnh Quân đoàn.

Như vậy là cả thế và lực sau khi Bù Đăng được giải phóng đã khác trước về cơ bản, có lợi cho ta trên mọi bình diện.

Tuyến che chắn trên đường 14 dài gần một trăm ki-lô-mét về phía đông của địch bị phá vỡ, Đồng Xoài trở thành căn cứ tiền duyên, bị ta uy hiếp trực tiếp với khoảng cách tương đối gần (chỉ cách trên dưới mười ki-lô-mét). Quân đồn trú ở đây lâm vào tình trạng hoang mang dao động, chịu sức ép mạnh mẽ về tâm lý thất bại do các nhóm tàn quân bỏ chạy lùi về phía sau lan truyền đủ chuyện về nỗi kinh hoàng trong những ngày qua.

Còn ta, khí thế chiến thắng, tinh thần phấn khởi, tự tin được nhân lên, lực lượng tổn thất qua chiến đấu là không đáng kể, nhưng lại thu được nhiều vũ khí trang bị(7) của địch, tiềm lực tiến công được tăng lên.

(7) Trong sáu ngày chiến đấu, ta đã đập tan tuyến phòng thủ của địch trên đường 14 đoạn từ ki-lô-mét 11 đến Bù Đăng dài hơn một trăm ki-lô-mét, đánh chiếm một chi khu, một yếu khu, 50 đồn bốt, tiêu diệt và làm tan rã hơn 2.000 tên địch, thu 900 khẩu súng, trong đó có bốn khẩu pháo 105 ly và 6.460 viên đạn pháo, một số xe vận tải, thiết giáp; giải phóng 14.000 dân.

Trong quá trình tiến công tuyến phòng thủ của địch ở đường 14, tiểu khu Phước Long bị cô lập, Đồng Xoài lo giữ lấy thân.

Đến lúc này mới thấy ý kiến chỉ đạo của Bộ trước đó là hoàn toàn chính xác; đánh Bù Đăng trước, đánh Đồng Xoài sau là để ta có điều kiện tập trung lực lượng ưu thế vào từng khu vực. Lúc này lực lượng ta có hạn mà phải đồng thời làm nhiều nhiệm vụ quan trọng sẽ gặp nhiều khó khăn. Ngoài tập trung lực lượng mở chiến dịch tạo thế, đón thời cơ mới, còn phải dành lực lượng hỗ trợ, kiềm chế quân địch, đánh địch lấn chiếm bảo vệ vùng giải phóng, còn phải dành lực lượng hỗ trợ nhân dân nổi dậy chống bình định. Không thể quá nặng nhiệm vụ này, coi nhẹ nhiệm vụ khác, mà phải cân đối, hỗ trợ nhau trong một kế hoạch hoạt động chung. Đánh Bù Đăng, Bù Na trước là để có lực lượng giữ khu vực đường Bảy Ngang vừa bảo vệ vùng giải phóng tây bắc Sài Gòn, vừa kiềm chế lực lượng quân đoàn 3 ngụy, không cho chúng tự do tung hoành, chi viện nơi này nơi nọ, trước hết để ta rảnh tay diệt chi khu Bù Đăng. Mặt khác tiến công giải phóng khu vực Bù Đăng, mục tiêu nhỏ, ta không cần nhiều lực lượng mà vẫn đảm bảo chắc thắng, có khả năng thu nhiều chiến lợi phẩm, vũ khí, đạn dược (nhất là loại đạn pháo cỡ lớn ta đang thiếu), có thêm tiềm lực quay lại tiến công tiếp Đồng Xoài.

Phải dứt điểm nhanh gọn, đó là yêu cầu, là mệnh lệnh của cấp trên. Bởi dứt điểm không nhanh gọn, kéo dài dễ dẫn tới những phức tạp nảy sinh trong tình hình không đáng có. Nhưng làm thế nào để thực hiện được yêu cầu này trong khi các yếu tố bất ngờ không còn nữa, trong khi Đồng Xoài là vị trí hiểm yếu của khu vực bắc Sài Gòn, được địch phòng thủ vững chắc(8).

(8) Đồng Xoài là căn cứ khá lớn, nằm trên một dải đồi thấp kiểm soát được bốn phía; chiều dài khoảng sáu trăm mét. chiều rộng khoảng ba trăm mét, án ngữ một đầu mồi giao thông chiến lược ở miền Đông Nam Bộ. Lực lượng phòng giữ Đồng Xoài có khoảng 1.300 tên, nòng cốt là tiểu đoàn 341 bảo an. Có bốn khẩu pháo 105 ly và 155 ly. Quanh căn cứ có 6 đến 11 lớp rào kẽm gai. các loại mìn chống tăng và chống bộ binh. Trong căn cứ có hơn 500 lô cốt, ụ súng chiến đấu. Ở phía nam và đông bắc có tường bao đắp đất dày hơn ba mét, cao khoảng tám mươi phân.

Địch có thể dựa vào hệ thống công sự và hỏa lực tự có chống trả các cuộc tiến công của ta và được sự chi viện của nhiều lực lượng trên nhiều hướng: ở Phước Vĩnh có chiến đoàn 8 (sư đoàn 5); Bầu Bàng, Bến Cát có chiến đoàn 7, chiến đoàn 9 (sư đoàn 5); Chơn Thành có liên đoàn biệt động quân; thị xã Bình Dương (Thủ Dầu Một) có hai trung đoàn của sư đoàn 18; trận địa pháo 175 ly ở Phước Vĩnh, không quân chiến thuật sân bay Biên Hòa, Tân Sơn Nhất đều có kế hoạch sẵn sàng chi viện.

Tôi trình bày những suy nghĩ của mình trong buổi họp Đảng ủy và Bộ tư lệnh Quân đoàn. Những người tham dự thảo luận sôi nổi, và nhấn thêm: Về chiến lược, địch đang bị căng kéo trên phạm vi toàn chiến trường, nên không có lực lượng lớn chi viện cho đường 14; về chiến dịch, địch chưa phát hiện được lực lượng và ý đồ chiến dịch của ta; về chiến thuật, ta giải quyết tốt vấn đề tiến công chi khu bằng bộ binh, bằng pháo mang vác.

Cuối cùng chúng tôi đã thống nhất một phương án, trước hết Quân đoàn cho hướng thứ yếu (Bù Đốp lưu vong) nổ súng trước nhằm:

Một là, vừa củng cố vừa mở rộng bàn đạp để tiến công địch từ hướng nam lên, đồng thời tạo thế đứng chiều sâu phía sau của ta sẵn sàng đối phó với tình huống bất trắc khi chuyển sang hướng chủ yếu đánh Đồng Xoài.

Hai là, khai thác triệt để sự phán đoán lạc hướng của địch, cho rằng đối phương không đủ sức tiến công Phước Long - Đồng Xoài; rằng “tình hình Phước Long sôi động nhưng đó không phải là trọng điểm tiến công của Việt cộng, trọng điểm vẫn là Tây Ninh”(9). Đây cũng là nhân tố khách quan, cần khai thác tạo yếu tố bất ngờ.

(9) Báo cáo của tướng Dư Quốc Đống, tư lệnh quân đoàn 3 ngụy trong cuộc họp tướng lĩnh ngày 17/2/1974 do Trần Thiện Khiêm, thủ tướng ngụy quyền Sài Gòn chủ trì bàn cách đối phó với ta trong mùa khô 1974 - 1975.

Ba là, thu hút sự chú ý của địch, tạo điều kiện cho hướng Đồng Xoài hoàn thành công tác chuẩn bị.

Thực hiện ý định trên đây, trong hai ngày 23 và 24/12/1974, Quân đoàn lệnh cho Trung đoàn 165 (sư đoàn 7) được tăng cường một tiểu đoàn đặc công (trung đoàn 429), ba khẩu pháo 105 ly, một khẩu 120 ly, một khẩu pháo 85 ly và một tiểu đoàn pháo cao xạ hiệp đồng tiến công đánh chiếm, làm chủ các chi khu Bù Đốp lưu vong, đồn Phước Tín, Phước Trù, Phước Quả. Sáng 23 tháng 12, địch vội vã dùng máy bay lên thẳng đổ tiểu đoàn 1 thuộc chiến đoàn 7 (sư đoàn 5) và hai khẩu pháo 155 ly, xuống sân bay Phước Bình theo đường 311 đến tây Phước Quả để ngăn chặn ta, bảo vệ Phước Long, nhưng đã muộn. Vẫn theo kế hoạch phối hợp chung, lực lượng vũ trang địa phương tỉnh Bình Phước cũng đồng thời nổ súng tiến công ở các ấp Nhơn Hòa, An Lương.

Như vậy là các đơn vị trên hướng thứ yếu đã hoàn thành nhiệm vụ, hoàn toàn làm chủ đường 311 - đoạn từ ngã ba Liễu Đức đến Phước Quả, tạo thế uy hiếp mạnh phía nam hệ thống phòng thủ của địch ở Phước Long. Ta bắn một mũi tên trúng hai mục tiêu: kéo sự chú ý của địch vào bảo vệ Phước Long, nhẹ chú ý hướng Đồng Xoài, để mặc cho căn cứ này rơi vào thế bị cô lập cả ở phía bắc và bắc đông bắc, trong lúc lực lượng tiến công của ta đã hoàn thành công tác chuẩn bị, đang triển khai tiến vào vị trí xuất phát tiến công.

Tuy phản ứng của địch ở tây nam Phước Long không làm đảo lộn thế trận đã cài, nhưng lại là một hiện tượng khiến chúng tôi phải quan tâm, dành thời gian trao đổi, vì nó có quan hệ đến các diễn biến của bước hai chiến dịch. Liền đó, ngày 20 tháng 12, địch lại sử dụng máy bay lên thẳng đổ một đại đội thám báo xuống khu vực Đồng Xoài để lùng sục, phát hiện ta, nhưng chúng đã bị lực lượng pháo cao xạ của Sư đoàn 7 bắn dữ, buộc máy bay địch phải quay đầu về phía Phước Vĩnh - Lai Khê.

Diễn biến tình hình một ngày một rõ như đánh bài ngửa, cả ta và địch đều biết được ý định của nhau sẽ làm gì trên khu vực hiểm yếu này. Duy chỉ có ngày N và giờ G địch chưa biết. Trong khi địch bị cuốn hút sự chú ý theo dõi Sư đoàn 7, Sư đoàn 9 của ta, thì cuộc chuyển quân khẩn trương và bí mật của ta vẫn diễn ra suôn sẻ, tất cả đã vào vị trí cài thế; Trung đoàn 209 (thiếu) đã đứng chân ở phía tây đánh viện từ Chơn Thành sang; Trung đoàn 201 thiếu (sư đoàn 3) sau khi diệt căn cứ Vĩnh Thiện (Bù Đăng) được lệnh cấp tốc hành quân vượt qua một chặng đường dài hơn một trăm ki-lô-mét về đứng chân phía nam Đồng Xoài, chặn viện từ hướng Phước Vĩnh lên. Theo lệnh của Quân đoàn, Sư đoàn 9 vẫn trụ ở đường Bảy Ngang nhưng cần tổ chức lực lượng ngăn chặn địch trên đường 13 - đoạn nam Chơn Thành, sẵn sàng cơ động một trung đoàn sang đường 14 diệt viện binh địch, hỗ trợ cho Trung đoàn 141 (sư đoàn 7) làm nhiệm vụ tiêu diệt căn cứ Đồng Xoài.

Đề ngày 22/12/1974, Quân đoàn nhận được báo cáo của Sư đoàn 7: Trung đoàn 141 đang triển khai chiếm lĩnh trận địa tiến công căn cứ Đồng Xoài, hình thành ba mũi chủ yếu (phía tây), mũi thứ yếu (phía đông), mũi vu hồi (phía nam).

16 giờ ngày 25 tháng 12, tôi trực tiếp điện xuống Sư đoàn 7 thông báo các hoạt động phối hợp của các Quân khu 8, trung đoàn chủ lực 812 Quân khu 6 ở khu Tánh Linh, Hoài Đức; Sư đoàn 5, lữ đoàn 3 thiết giáp địch vẫn phải đứng chân ở bắc Sài Gòn do ta tổ chức nghi binh lừa địch tốt; chúng vẫn khẳng định Sư đoàn 7, Sư đoàn 9 của ta đang có mặt ở đường Bảy Ngang để động viên các đơn vị và nắm thêm tình hình trước khi phát lệnh nổ súng. Từ đầu dây bên kia, đồng chí tư lệnh Sư đoàn 7 giọng sôi nổi, tự tin báo cáo:

- Trung đoàn 141 và hai tiểu đoàn tăng cường của Trung đoàn 209 và 201 đang tiến vào vị trí xuất phát tiến công thuận lợi. Các lực lượng pháo cối được tăng cường(10) đã vào các vị trí yểm trợ đang điều chỉnh tầm và hướng.

(10) Hỏa lực tăng cường yểm trợ trung đoàn 141 gồm: ba khẩu 160 ly, hai khẩu 122 ly, một khẩu 120 ly, bốn khẩu pháo 105 ly, bốn khẩu pháo 85 ly, một tiểu đoàn cao xạ.

- Tiếp tục theo dõi sát sao mọi động tĩnh trong căn cứ báo cáo về quân đoàn và kịp thời xử trí các diễn biến đột xuất. - Tôi nhắc đồng chí tư lệnh Sư đoàn 7.

Chúng tôi cùng lúc rời ống nghe sau khi chúc nhau sức khỏe và chúc trận đánh đạt thắng lợi.

Đêm 25/12/1974, một đêm yên tĩnh lạ thường ở một vùng mà đồn bốt, căn cứ quân sự vây quanh, hướng nào cũng có, cũng gần. Vẫn như lệ thường, thành một nếp đã quen, chúng tôi đều thao thức, hồi hộp chờ đón giờ G, nhưng có cái gì trang nghiêm hơn là vì trận đánh có ý nghĩa then chốt đối với tiến trình tiếp sau và trên cả khu vực nam đường 14.

Giây phút mong đợi đã đến.

5 giờ 37 phút ngày 26/12/1974, màn sương vẫn bao phủ cả không gian khu vực, thì cuộc tiến công căn cứ Đồng Xoài bắt đầu. Những giờ đầu cuộc tiến công diễn ra thuận lợi. Hệ thống vô tuyến điện bắt đầu làm việc. Tin tức sở chỉ huy Quân đoàn nhận được chỉ là những báo cáo tình hình phát triển của cuộc tiến công, chưa có thỉnh thị quân đoàn cho ý kiến xử lý tình huống nào gay cấn. Tôi càng an tâm khi nhận điện của trinh sát Miền thông báo và trinh sát quân đoàn gửi về: các căn cứ Lai Khê, Đồng Dù, An Lộc, Chơn Thành vẫn yên tĩnh, chưa thấy có hiện tượng gì chứng tỏ địch đang rục rịch chuyển quân, tăng viện. Nhưng lúc này đã gần 8 giờ tức là sau ba giờ tiến công mà vẫn chưa đứt điểm được Đồng Xoài?

Tôi thực sự băn khoăn đến lo lắng! Cần biết cụ thể tình hình, nhất là những diễn biến phức tạp nảy sinh để có biện pháp xử lý, thì các đồng chí trong bộ phận tác chiến sau khi tổng hợp tình hình báo cáo: 8 giờ 30 phút ta đánh chiếm xong sở chỉ huy chi khu, tưởng địch đã bị tiêu diệt hoàn toàn quân ta sinh chủ quan, không tiếp tục lùng sục hoặc lùng sục không kỹ. Địch vẫn còn, sở chỉ huy tiểu đoàn 341 bảo an ở phía nam căn cứ chưa bị tiêu diệt. Chúng dựa vào công sự chống lại quyết liệt.

Như vậy là chưa có tình huống đột xuất nảy sinh. Nhưng không thể để giằng co dẫn đến kéo dài, địch có lý do để ngoan cố tăng viện. Đành rằng ta đã lường đến tình huống này nhưng không cho nó xảy ra vẫn là thượng sách. Nghĩ vậy tôi điện xuống động viên khích lệ chiến thắng đã giành được và lệnh cho đơn vị phải xử trí ngay. Sư đoàn phải tập trung lực lượng, thành thế bao vây uy hiếp, kết hợp cả bộc phá tổ chức tiến công nhiều mũi, nhiều hướng, nhanh chóng dứt điểm cho được mục tiêu còn lại. Tôi nghĩ cả biện pháp cho pháo binh chi viện nhưng bị hạn chế về tầm và mục tiêu, vì lúc này khoảng cách ta, địch rất gần. Dùng xe tăng? Hiện có một đại đội làm dự bị nhưng cũng không cần, vì mục tiêu còn lại nhỏ, sự chống đối của chúng như ngọn lửa tàn vụt lên để rồi tắt ngấm.

Đợt hai của cuộc chiến đấu bắt đầu, nhưng diễn ra cũng không đơn giản. Địch trụ lại ngoan cố chống cự, mãi 10 giờ 30 phút ta mới diệt được chúng, hoàn toàn làm chủ toàn bộ căn cứ.

Đến 15 giờ, ta tiêu diệt mục tiêu cuối cùng là chốt cầu số 2, cũng là kết thúc bước hai chiến dịch.

Sau bốn ngày chiến đấu, ta diệt hai chi khu (Đồng Xoài và Bù Đốp lưu vong) và nhiều đồn bốt khác, đánh tan hai tiểu đoàn bảo an (tiểu đoàn 352 bị đánh tan lần thứ hai), thu nhiều vũ khí có 8.000 đạn pháo, 15.000 đạn cối; giải phóng hoàn toàn đường 14, đường 311 đến sát chân núi Bà Rá mà không cần dùng đến xe tăng.

Thắng lợi bước hai chiến dịch, tương quan lực lượng (cả thế và lực) đã thay đổi có tính chất đột biến có lợi cho ta. Tôi vui mừng khôn xiết. Nỗi lo âu âm thầm trong tôi tan biến, vì chỉ sợ tái diễn trận Đồng Xoài năm 1965, thắng lớn nhưng bị tổn thất cũng không nhỏ.

Tôi thực sự phấn khởi, thanh thản, lại nghĩ về sự sáng suốt của Bộ, cho đánh Bù Đăng trước, Đồng Xoài sau. Quán triệt tư tưởng đó, Quân đoàn một mặt chuyển hướng lên đánh Bù Đăng nhưng vẫn để Trung đoàn 141 ở lại làm nhiệm vụ vây lỏng, cầm chân nhưng vẫn tiếp tục hoàn chỉnh công tác điều tra nắm địch, vẫn tiếp tục hoàn chỉnh kế hoạch đánh Đồng Xoài. Đầu tháng 12 trung đoàn tập trung huấn luyện chín đêm liền về cách đánh Đồng Xoài, chiến sĩ trinh sát, đặc công tập động tác tiềm nhập, cắt rào, gỡ mìn, đặt bộc phá liên kết từ tiểu đội đến tiểu đoàn, tập chiến thuật vượt qua cửa mở đánh vào trung tâm.

Sư đoàn rất coi trọng khâu trinh sát thực địa, nắm địa hình, nắm quy luật địch bố phòng, canh gác; đã ba lần cho người bò sát vào hàng rào địch quan sát nghiên cứu, cắt bốn hàng rào kẽm gai vẫn không lộ để nghiên cứu thực hành mở cửa. Tháng 10 năm 1974, trong lần thứ hai đi trinh sát thực địa bị lộ, địch bắn trả, hai chiến sĩ hy sinh, một bị thương bò ra được nhưng lạc đường, phải nằm lại giữa đám ruộng mạ sống cầm hơi. Đến ngày thứ bảy, một bà má từ ấp chiến lược đến giờ quy định của địch được ra ngoài thăm đồng phát hiện. Đồng chí chiến sĩ còn đang lúng túng trước tình huống bất ngờ, thì bà má chủ động:

- Má biết con là ai rồi, con cứ làm theo lời má là thoát khỏi nguy hiểm.

Đồng chí chiến sĩ không nói gì, cứ im lặng làm theo lời má.

Má đã tìm cách che giấu, chữa chạy lành bệnh rồi đưa ra khỏi khu vực Đồng Xoài, chỉ về hướng bắc mà đi thể nào cũng gặp đơn vị.

Những việc làm âm thầm, bất chấp cả nguy hiểm ấy là một trong nhiều ví dụ để chỉ ra nguyên nhân vì sao từ đợt một chuyển sang đợt hai chiến dịch lại nhanh như thế; đó cũng là một trong những căn cứ để những người lãnh đạo và chỉ huy Quân đoàn chúng tôi có được một quyết tâm, một kế hoạch chiến đấu sát hợp và rất tự tin là nhất định sẽ trở thành hiện thực trước khi trận đánh nổ súng.