Chặng Đường Mười Nghìn Ngày - Chương 19 - Phần 1

Chương 19

Như trên đã kể cùng bạn đọc, ngay khi về Bộ chỉ huy Miền nhận nhiệm vụ đợt hai chiến dịch, tôi đã nêu vấn đề đánh Đồng Xoài cần phải tính đến bước tiếp sau hoặc song song tiến công thị xã Phước Long, để kịp xin ý kiến Bộ Tổng tư lệnh vì đánh thị xã phải có xe tăng, pháo cỡ lớn yểm trợ, phải đưa lực lượng Sư đoàn 9 vào tham gia chiến đấu.

Phước Long đúng là địa bàn chưa nằm trong chủ trương ban đầu mở đợt hoạt động quân sự Đường 14 - Phước Long. Hoặc nếu có thì chỉ dừng lại ở định hướng, vì nhận thức của con người không thể vượt quá xa của sự vận động thực tiễn. Vả lại trong tình hình lúc đó chúng ta vẫn phải thực hiện nguyên tắc vừa đánh “vừa theo dõi phản ứng của địch để kịp thời đối phó”. Mọi hành động của chiến dịch phải phục tùng ý đồ chiến lược. Bước đi của chiến dịch Đường 14 - Phước Long là sau Bù Đăng thấy rõ điều kiện dứt điểm Đồng Xoài, sau Đồng Xoài thấy rõ khả năng giải phóng thị xã Phước Long đã chín muồi.

Qua điện trao đổi giữa Bộ chỉ huy Miền với Bộ Tổng tư lệnh, chúng tôi được biết các anh Phạm Hùng, Trần Văn Trà đang họp hội nghị Bộ chính trị mở rộng ngoài Hà Nội vẫn dành thời gian theo sát diễn biến chiến dịch Đường 14 - Phước Long, trao đổi với các anh trong Quân ủy và Bộ Tổng Tham mưu về những chủ trương, biện pháp cần có để xử lý các dữ kiện phát triển của tình hình. Điện anh Trần Văn Trà gửi anh Lê Đức Anh - Phó tư lệnh thường trực Miền, thông báo ý kiến anh Lê Duẩn và các anh trong Thường trực Quân ủy Trung ương đồng ý để B2 được dùng tăng và pháo 130 ly vào trận đánh thị xã Phước Long. Một ngày sau khi chiến thắng Đồng Xoài (27 tháng 12) tôi lại nhận tiếp điện của Phó tư lệnh thường trực Lê Đức Anh: “Bộ thông báo có khả năng địch điều động 1 - 2 lữ đoàn dù về quân đoàn 3. Anh Văn Tiến Dũng, Tổng tham mưu trưởng chỉ thị ta phải tranh thủ thời cơ địch đang hoang mang và lực lượng tổng dự bị chưa về tới, phát triển nhanh chóng vây ép A1 (thị xã Phước Long), đồng thời có kế hoạch tiêu diệt quân viện lên B1 (Đồng Xoài) và A1.”

Như vậy là các anh lãnh đạo Bộ Chính trị, Thường trực Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tham mưu theo rất sát diễn biến hoạt động quân sự ở B2, nhất là trên địa bàn tỉnh Phước Long, đã có ý kiến chỉ đạo sau mỗi đợt tiến công. Và giờ đây các anh đã “bật đèn xanh” cho chúng tôi phát huy thắng lợi đã giành được, tranh thủ tiến hành cuộc tiến công giải phóng hoàn toàn tỉnh Phước Long.

Chỉ có bốn ngày chuẩn bị ở một địa bàn tác chiến chưa được đưa vào kế hoạch ban đầu mà vẫn suôn sẻ, ít phải điện đi điện lại nhiều lần lên cấp trên. Nhất là khi Bộ chỉ huy Miền nhận được điện của Quân đoàn thực hiện đúng ngày N như quy định - 31/12/1974, thì các anh trong Quân ủy và Bộ chỉ huy Miền thấy yên tâm.

Để có được một quyết tâm nổ súng đúng ngày N mà cấp trên quy định chúng tôi đã phải trải qua bao lo toan tính toán. Các suy nghĩ và những điều trăn trở vẫn là đánh như thế nào để giành thắng lợi. Bù Đăng, Đồng Xoài các kinh nghiệm rút ra qua chiến đấu vẫn đang còn nóng hổi, đều có thể vận dụng vào trận đánh mới. Nhưng lại có những vấn đề mới, thật mới nảy sinh.

Trước hết Phước Long là một thị xã tỉnh lỵ, mặc dù một tỉnh nhỏ ở vùng biên ải, song lại có vị trí quan trọng về mặt quân sự. Và đã là thị xã nó lại có vấn đề chính trị, tâm lý, một khi thị xã lọt vào tay đối phương. Qua Bù Đăng, rồi Đồng Xoài ta thấy khả năng tăng viện, tái chiếm rất hạn chế, gần như không xảy ra, đành chịu thí tốt vì nó chỉ là chi khu, nhất là chi khu Bù Đăng ở quá xa sở chỉ huy quân đoàn 3, chi viện không quân chiến thuật bị hạn chế về tầm bán kính. Nhưng khi thị xã Phước Long bị tiến công chắc chắn địch phải có hành động thực tế hơn, mạnh hơn, ta không thể xem thường.

Hệ thống phòng thủ Phước Long mang kiểu dáng một tập đoàn cứ điểm quy mô nhỏ nhưng có thế chân kiềng của chi khu quân sự Phước Bình - điểm cao núi Bà Rá - thị xã Phước Long.

Mỗi mục tiêu chủ yếu đó có nhiều đồn bốt nhỏ tạo thành các lớp vành đai ngăn chặn, bảo vệ liên hoàn. Trong ta, mục tiêu chân kiềng đó, thị xã Phước Long là quan trọng nhất. Nó nằm trên dãy đồi cao phía tây bắc Bà Rá, rộng hai ki-lô-mét vuông, bao quanh nó về phía bắc và phía đông là sông Bé, bờ sông dốc đứng, phía tây nam là khu Sơn Giang, suối Dung và hồ Long Thủy sình lầy rậm rạp.

Sự phản ứng của lực lượng địch tại chỗ chắc chắn điên cuồng hơn, ngoan cố hơn. Qua Bù Đăng, Đồng Xoài cho thấy kẻ địch không dễ dàng tháo chạy, không dễ dàng chịu ta bắt làm tù binh, càng không thể có hàng binh khi chưa bị ta dồn vào tình thế bất khả kháng. Trái lại, nếu ta sơ hở và kẻ thù còn dựa được vào công sự, hầm hào, chúng chỉ là tàn quân của nhiều đơn vị cũng co cụm lại dựa vào nhau chống lại ta.

Rõ ràng càng về cuối cuộc chiến tranh, khi mà “Việt Nam hóa chiến tranh” đạt tới đỉnh cao, thì bên cạnh tính chất xâm lược không hề thay đổi, cuộc chiến tranh ít nhiều còn mang tính chất nội chiến, đối kháng về ý thức hệ. Đại bộ phận binh sĩ và hạ sĩ quan vẫn chỉ là nạn nhân, còn tầng lớp sĩ quan, nhất là sĩ quan lớp tướng tá thì chống đối đến cùng và tìm mọi thủ đoạn lừa mị mua chuộc, kìm kẹp, không chế buộc binh sĩ dưới quyền phải chống lại, “tử thủ”.

Đánh vào thị xã Phước Long ta sẽ gặp phải sự chống đối này, vì ở đây có sở chỉ huy tiểu khu, có cơ quan hành chính tỉnh. Trận chiến đấu chắc chắn diễn ra không thể dễ dàng.

Tôi đã trình bày những suy nghĩ những bài học rút ra của mình trong cuộc hội ý, họp bàn trong Bộ tư lệnh và Đảng ủy Quân đoàn để cùng nhau trao đổi xem xét trước khi có một quyết tâm chiến đấu chung, tìm ra những khó khăn để bàn các biện pháp khắc phục. Bài học tiến công đánh chiếm thị xã An Lộc trong đợt hai chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972 vẫn còn mới nguyên nhắc nhở chúng tôi, không máy móc chuẩn bị chiến đấu theo trình tự, bài bản áp dụng cho mọi bối cảnh, điều kiện.

Khi thời cơ đã có, phải chuẩn bị nhưng không cầu toàn, vừa đánh vừa chuẩn bị, vừa đánh vừa tiếp tục nắm địch, thông qua đánh mà hiểu rõ địch để có cách đánh thích hợp, không phải lúc nào cũng bài bản máy móc.

Trên đây là định hướng chung cho các đơn vị khi chuẩn bị và triển khai chiến đấu.

Sau chiến thắng Đồng Xoài, đội hình chiến dịch rải ra trên một diện rộng, phải thu gọn về một khu vực. Vì vậy việc giao nhiệm vụ, kế hoạch hiệp đồng cho các đơn vị rất linh hoạt, trực tiếp hoặc qua hệ thống thông tin thật ngắn gọn: ngày giờ phải có mặt ở địa bàn X, E; nhiệm vụ cụ thể, đảm bảo nổ súng đúng ngày N và giờ G. Gần như không có điều kiện họp chung, tất cả ý định tuy bị dồn ép theo ngôn ngữ thông tin mà công việc diễn ra ăn ý như đã trao đổi, bàn bạc trực tiếp. Trong ba ngày 27, 28, 29 tháng 12, Bộ tư lệnh chiến dịch chúng tôi từ hồi hộp đến mừng vui, vì liên tiếp nhận được các thông tin khớp với kế hoạch chung. Các đoàn xe ô tô chở bộ đội, chở gạo, đạn theo đường 14, đường 311, đường 2, hối hả chạy về hướng Phước Long. Lữ đoàn công binh 25 bảo đảm cho hàng trăm xe, pháo vượt qua sông Bé tại bến Trà Thanh an toàn. Ngoài lương thực cho bộ đội, Quân đoàn cùng với các anh lãnh đạo tỉnh ủy Bình Phước lo huy động và vận chuyển hơn bốn mươi tấn lương thực từ Bù Đốp, Suối Minh về địa điểm tập kết để cấp nhằm ốn định đời sống nhân dân khi sơ tán lánh khỏi thị xã và trở lại thị xã sau khi được giải phóng.

Đến 22 giờ ngày 30 tháng 1, sở chỉ huy quân đoàn nhận đủ báo cáo của các đơn vị đã vào đến vị trí quy định hình thành thế trận mới, chia cắt Phước Bình với Phước Long, khống chế đường không, sẵn sàng đánh quân viện, vây ép quân địch ở tiểu khu Phước Long: Trung đoàn 165 đứng chân ở đông nam và tây nam chi khu Phước Bình; Trung đoàn 141 từ Đồng Xoài cơ động bằng ô tô theo đường số 2 lên đứng chân ở bắc Phước Bình và ấp Nhân Hòa, tây bắc Phước Bình, Trung đoàn 27 (sư đoàn 3) từ Bù Đăng cơ động bằng ô tô theo đường 14, đường 311 vào đứng chân ở đường 309 - Thác Mơ; Trung đoàn 16 (thiếu) từ Tây Ninh cấp tốc hành quân về đứng chân bờ bắc sông Bé làm nhiệm vụ hợp vây, tiến công địch từ hướng bắc thị xã; tiểu đoàn 208 địa phương Phước Long đứng chân ở Phước Lộc; Trung đoàn 2 tách khỏi đội hình Sư đoàn 9 cơ động về Phước Long làm lực lượng dự bị chiến dịch. Một bộ phận sở chỉ huy Sư đoàn 7 ở lại căn cứ Phước Sang, và Trung đoàn 209 ở bắc Phước Vĩnh vẫn sinh hoạt bình thường, tiếp tục liên lạc bằng vô tuyến điện theo đúng giờ và tần số quy định để làm nhiệm vụ vừa nghi binh, vừa chủ động tiến công địch, thực hiện kéo căng, kìm chân địch, hỗ trợ cho mặt trận Phước Long.

Rạng sáng 12/12/1974, theo kế hoạch chung các đơn vị nổ súng tiến công chi khu quân sự Phước Bình, pháo kích tiểu khu Phước Long. Lần đầu tiên lực lượng đồn trú ở đây không những nghe mà còn nhìn thấy tiếng nổ của động cơ xe tăng, của đạn pháo 130 ly khiến quân địch càng khiếp đảm. Vì nhận hiệp đồng không đúng thời gian, nên tiểu đoàn 79 đặc công chưa đồng thời tổ chức tiến công núi Bà Rá; ở hướng thứ yếu, Trung đoàn 271 (sư đoàn 3) chưa tổ chức tiến công được Thác Mơ.

Trên hướng chủ yếu, ngay từ phút ban đầu cũng có trục trặc, chưa thực hiện được đồng loạt tiến công. Trung đoàn 165, lực lượng chủ công đánh chiếm chi khu Phước Bình, bị pháo địch từ đông nam thị xã và ở núi Bà Rá bắn chặn, mũi tiến công ở hướng đông nam gặp khó khăn, phải đánh từ hướng tây bắc xuống. Mãi chiều 31 tháng 12 ta mới chiếm được Phước Bình, vì vấp phải sức chống trả quyết liệt của tiểu đoàn 1, chiến đoàn 7 (sư đoàn 5) từ chân núi Bà Rá phản kích xuống sân bay, giải tỏa cho Phước Bình đang bị ta bao vây tiến công. Đến chiều ngày 1/1/1975 ta hoàn thành nhiệm vụ đánh chiếm chi khu Phước Bình, điểm cao Bà Rá.

Nhận được tin vui này, tôi điện xuống Trung đoàn 165, tiểu đoàn 79 đặc công: “Chúc mừng các đồng chí đã lập chiến công mới chào mừng ngày Tết dương lịch - ngày đầu tháng đầu của năm 1975 (1/1/1975).”

Như vậy là hai trong ba vị trí trong thế trận phòng ngự “chân kiềng” của địch bị chặn, toàn bộ cánh cửa thép phía đông nam và tây bắc tiểu khu Phước Long bị ta phá vỡ; phạm vi phòng thủ của khu vực Phước Long bị co lại, chỉ còn chưa đầy hai ki-lô-mét vuông. Ta đã hoàn thành nhiệm vụ bước một tương đối nhanh gọn.

Thực hiện mệnh lệnh chiến đấu bước hai của Bộ tư lệnh Quân đoàn, ngay đêm ngày 1/1/1975, các đơn vị nhanh chóng di chuyển vào địa điểm quy định hình thành thế trận tiến công thị xã trước giờ G: Trung đoàn 165 từ ngã ba Tư Hiền 1 tiến công theo hướng nam; trung đoàn 141 từ tây Suối Dung tiến công theo hướng tây Hồ Long Thủy; Trung đoàn 271 (sư đoàn 3) từ nam ngã ba Tư Hiền 2, tiến công từ hướng đông; Trung đoàn 201 (sư đoàn 3) cơ động lên hướng tây bắc sẵn sàng bước vào chiến đấu khi có lệnh; Trung đoàn 16 (thiếu) vẫn đảm nhận nhiệm vụ bờ bắc sông Bé - cầu Đắc Nhung.

Tiểu khu Phước Long bị đặt trong tầm súng bắn thẳng của năm Trung đoàn: 165, 141, 201, 271 và Trung đoàn 16.

Đội hình binh chủng đã hình thành và hoàn chỉnh để yểm trợ trận đánh: bắc Phước Bình có trận địa pháo 105 ly (sáu khẩu) và 85 ly (bốn khẩu); tây thị xã có trận địa cối 160 ly (ba khẩu); phía đông bắc có trận địa pháo 130 ly (sáu khẩu). Hai tiểu đoàn pháo cao xạ 37 và 57 ly đứng từ cầu Suối Dung đến ngã ba Tư Hiền 1; 10 xe tăng, một tiểu đoàn công binh đứng trên đường 310 (bắc cầu Suối Dung đến ngã ba Tư Hiền l).

Chúng tôi đều yên tâm với thế trận đã được hình thành.

Riêng tôi từ đó cho đến trước giờ nổ súng mở đầu cuộc tiến công bước hai gần như không chợp mắt! Phần vì niềm vui của trận đánh thắng mở đầu đến đúng dịp thời gian đã đi chót đoạn đường năm 1974, bước vào đầu mút của năm 1975, cái năm mà giờ này cuộc họp Bộ Chính trị mở rộng xác định là năm thứ nhất trong kế hoạch hai năm giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Chắc chắn từ đây sẽ có nhiều chuyển biến theo chiều đi lên.

Trận chiến trường kỳ đã đến lúc ta tính được cái thời điểm kết thúc cụ thể. Niềm vui của trận thắng trước làm điều kiện không thể thiếu của trận thắng sau. Mới qua hai mươi ngày ra quân mở đầu mùa khô 1974 - 1975 mà ta đã chọc thủng một tuyến phòng thủ chiến lược quan trọng của địch trên đường 14 từ Bù Đăng đến Đồng Xoài. Căn cứ chiến lược phía sau của Đông Nam Bộ được hoàn chỉnh thêm, rộng đến sát Chơn Thành về phía tây, đến sát đường 16 - Tân Uyên về phía nam, bây giờ xe ta có thể đi từ Hà Nội vào đến tận Đồng Xoài. Giờ đây, chẳng còn xa nữa, thị xã Phước Long được giải phóng, khu căn cứ càng hoàn chỉnh, tạo một thế đứng vững cho chúng ta tiến xuống vùng ven đô, vào Sài Gòn.

Nhưng con đường đi tiếp ấy trở thành hiện thực cũng chẳng phẳng phiu chút nào! Phải gần một ngày ta mới làm chủ được Phước Bình là do địch phản kích, dự kiến mở cửa phía đông nam bị pháo địch bắn chặn, lực lượng tiến công phải chuyển, dồn sang hướng tây bắc. Sự cố tuy nhỏ, ta đã nhanh chóng khắc phục, nhưng qua đó cho thấy, khi ta đánh vào trung tâm phòng thủ của chúng diễn biến càng trở nên phức tạp. Sau khi mất Phước Bình, Bà Rá thế chân kiềng bị phá, địch vội vã lập sở chỉ huy nhẹ tiểu khu đóng ở trại Lê Lợi và điều quân tập trung ngăn chặn ta ở hướng nam là hướng duy nhất ta có thể tiến công bằng xe tăng vào thị xã.

Quân đoàn quyết định phía tây và tây nam thị xã làm hướng chủ yếu là hoàn toàn chính xác. Vì ở đây chỉ là khu gia binh và khu dân cư buôn bán, địch bố trí sơ sài. Đột phá từ hướng này, ta có điều kiện phát triển nhanh sang khu bắc là khu quân sự, khu đông là khu hành chính - đánh dập hai cái đầu này, sẽ rung chuyển toàn bộ. Lực lượng sử dụng gồm Trung đoàn 165 và Trung đoàn 141 (sư đoàn 7). Như vậy là yên tâm. Nhưng làm sao mà lường hết được sự đột biến!

Sau khi trao đổi với các đồng chí trong sở chỉ huy nhẹ chiến dịch những suy nghĩ trên, tôi điện nhắc các đơn vị: “Thắng lợi đạt được trong bước một là đáng khích lệ. Nhưng không được chủ quan, tự mãn. Từ đây cuộc chiến đấu sẽ có những diễn biến phức tạp, cần phái có quyết tâm cao, nhạy bén trong xử trí.”