Chặng Đường Mười Nghìn Ngày - Chương 21 - Phần 2 (Hết)

Thế là rõ, nửa tháng trước đây, Toàn là một trong số ít ỏi các viên tướng chống lại chủ trương co cụm, tin vào kế hoạch phòng thủ từ xa có khả năng thắng đối phương vì trong tay Toàn còn có ba sư đoàn “tinh nhuệ” và nhiều lữ đoàn phối hợp, thì giờ đây lại xuống giọng rất nhanh, đưa ra một cầu cứu mà trước đó y chống lại. Và không chờ hồi âm của cấp trên. Ngay hôm đó Toàn và sở chỉ huy của y đã lui về căn cứ thiết giáp Gò Vấp gần sân bay Tân Sơn Nhất để thực hiện ý đồ từ sân bay này đào tẩu, bỏ mặc quân sĩ dưới quyền sau khi gọi điện ra lệnh cho Lê Minh Đảo tư lệnh sư đoàn 18 phải bằng mọi giá thực hiện kế hoạch “trì hoãn chiến”.

Từ thực tế bi hài kịch này, tôi quyết định thông tin kịp thời xuống động viên các đơn vị nhân thời cơ này tiến nhanh vào Biên Hòa, trù trừ là ân hận suốt đời nếu vào Sài Gòn chậm.

Thấy thời cơ quyết định đã tới, Bộ chỉ huy chiến dịch ra lệnh tổng công kích trên toàn mặt trận, thì Quân đoàn 4 vẫn đang vật lộn với địch mở đường vào Biên Hòa. Quân đoàn vừa động viên vừa ra lệnh bổ sung, các đơn vị đều chuyển động với khí thế mới, thi đua nước rút với một mong ước chung về đích đúng thời gian.

Ngày 29 tháng 4, Sư đoàn 341, Sư đoàn 6 tiếp tục đột phá trận địa địch theo trục đường từ Hố Nai đi Biên Hòa. Ngay khi trời vừa sáng, Sư đoàn 341 tiến công luôn với năm xe tăng dẫn đầu đập tan nhiều ổ đề kháng của địch. Mười giờ, đội hình sư đoàn tiến đến ngã ba Hố Nai đi Biên Hòa, phải dừng lại vì gặp bốn tuyến hào(7) phía trước, xe tăng không qua được. Sư đoàn 6 tiến công căn cứ thiết giáp của sư đoàn 18 ở Yên Thế, đến 17 giờ làm chủ căn cứ, địch bỏ chạy, sư đoàn tiếp tục phát triển vào Hố Nai, bị địch chặn lại.

(7) Sau đó mới biết, đây là trận địa chống tăng thuộc loại rắn chắc của địch. Ngoài bốn tuyến hào chống tăng, ở đây còn có sáu mươi tăng từ các nơi dồn về để chặn bộ binh và xe tăng ta, bảo vệ Biên Hòa. Bọn địch ở đây không nhận được lệnh của cấp trên trưa 29 tháng 4 rút về bờ tây sông Đồng Nai để phòng thủ Thủ Đức.

Sư đoàn 7 mãi 23 giờ ngày 29 tháng 4 mới đến cách Hố Nai một nghìn năm trăm mét, phải dừng lại triển khai chiến đấu, diệt một tiểu đoàn thủy quân lục chiến, một bộ phận trung đoàn 52 (sư đoàn 18) và 22 xe tăng địch. Lúc này tuyến phòng thủ Hố Nai đã bị Sư đoàn 341, Sư đoàn 6 đập tan, nhưng vẫn còn tàn quân địch lẩn trốn, trà trộn vào dân, chia thành từng tốp nhỏ chống lại theo kiểu đánh “du kích”. Chúng dùng tiểu liên M.16, súng M.79, M.72 từ trên các nhà cao tầng, các gác chuông nhà thờ bắn lén vào đội hình hành quân, làm cháy một số xe, pháo, buộc Sư đoàn 7 phải xuống xe tổ chức chiến đấu, ảnh hưởng đến tốc độ hành quân.

Khi được tin sở chỉ huy nhẹ của quân đoàn 3 chuyển về Gò Vấp tối 29 tháng 4, qua đài kỹ thuật Lê Minh Đảo cầu cứu Bộ Tổng Tham mưu ngụy, rút quân sang bờ tây sông Đồng Nai, trong khi các lực lượng ta vẫn còn bị địch chặn ở ngã ba Hố Nai đi Biên Hòa, Phó tư lệnh Quân đoàn Bùi Cát Vũ ở sở chỉ huy tiền phương lệnh cho pháo bắn chặn hai bên đầu cầu, không cho địch phá cầu. Đó là một xử trí rất kịp thời.

Sau khi Bộ tư lệnh Quân đoàn thống nhất quyết tâm bằng bất cứ giá nào phải đánh chiếm cho được Biên Hòa trước 0 giờ ngày 30 tháng 4, tôi lệnh cho các đơn vị:

- Sư đoàn 6 bỏ các vị trí, các căn cứ còn lại ở Hố Nai, tiến theo bên trái đường số 1, đánh chiếm sở chỉ huy quân đoàn 3 và cầu Ghềnh, thọc sang bờ tây sông đánh chiếm đầu cầu, giữ bàn đạp.

- Sư đoàn 341 vòng qua phía bắc, đánh chiếm sân bay Biên Hòa.

- Sư đoàn 7 đột phá từ Hố Nai, đập vỡ lá chắn địch ở ngã ba Tam Hiệp, cố gắng đưa đội hình sang tây sông Đồng Nai trong đêm.

Súng nổ dữ dội suốt đêm từ phía Biên Hòa dội về sở chỉ huy quân đoàn và ở đó ánh hỏa châu hắt lên một quầng sáng. Đúng là trận chiến đấu căng thẳng để đưa đội hình qua sông. Khu vực xảy ra trận đánh ác liệt ở ngã ba Tam Hiệp. Ở đây cũng là một trận địa chống tăng, với tuyến hào chống tăng vắt qua đường, bao lấy căn cứ. Lúc ấy đã là 2 giờ sáng 30 tháng 4. Trời sáng mà không thanh toán được cái “lá chắn” này thì làm sao vào được Sài Gòn sớm. Ý thức rõ được vai trò, ý nghĩa của nhiệm vụ thọc sâu, Sư đoàn 7 đã giải quyết xong căn cứ này khi trời sáng.

Ngày tổng công kích đã đến! Đằng đông hắt lên một màu hồng quen thuộc, màn sương mỏng trong các cánh rừng cao su tan dần, cảnh vật thật đẹp!

Tôi làm việc ngay với đồng chí trưởng phòng tác chiến, nghe báo cáo về các diễn biến từ Bộ chỉ huy chiến dịch báo xuống, các đơn vị điện về. Trên tất cả các hướng, quân ta đã vượt qua những điểm phòng thủ cuối cùng của địch. Khi nghe binh đoàn thọc sâu Quân đoàn 2 đã tiến đến cầu xa lộ, thì trong tôi cái vui cái lo cứ đan xen. Vui thì rõ, chỉ còn vài giờ nữa Sài Gòn sạch bóng thù, “hòn ngọc Viễn Đông” từ nay vĩnh viễn thuộc về ta. Nhưng lo thì nhiều hơn, cứ bám chặt trong tôi. Vì các đơn vị đã hoàn thành đánh chiếm các mục tiêu thuộc khu vực Biên Hòa. Nhưng địch ở đây - căn cứ Biên Hòa - khu vực phòng thủ mạnh nhất của địch trước cửa ngõ Sài Gòn vẫn tiếp tục chống trả, kể cả những tên đang lẩn lút. Các đơn vị Quân đoàn chưa vượt sang tây sông Đồng Nai. Bốn giờ sáng, phân đội đi đầu của Sư đoàn 7 tiến đến cầu sắt xe lửa Biên Hòa nhưng tăng không qua được vì cầu này yếu, trọng tải chỉ đảm bảo xe mười hai tấn. Cầu Mới bị địch phá.

Chuông điện thoại réo liện tục. Trên gọi xuống thông báo diễn biến chung và đòi báo cáo tình hình tiến công của hướng đông. Dưới gọi lên báo cáo, xin chỉ thị xử trí! Thần kinh căng như sợi dây đàn, chứa biết bao dữ kiện cần phải nhớ, phân tích và xử lý!

Sau khi điện xin ý kiến và được Bộ chỉ huy chiến dịch chấp thuận về trường hợp Sư đoàn 7 không theo kế hoạch cũ, tôi ra lệnh, lúc ấy là 6 giờ 30 sáng ngày 30/4/1975:

- Sư đoàn 6 tiếp tục truy quét tàn quân địch, diệt các mục tiêu còn lại, làm nhiệm vụ quân quản khu vực thị xã Biên Hòa.

- Sư đoàn 341 nhanh chóng vượt qua cầu đường sắt bằng xe tải đánh chiếm các mục tiêu đã phân công ở quận Gò Vấp, quận 3, quận 10.

- Sư đoàn 7 xốc lại đội hình, nhanh chóng quay ra đường xa lộ tiến vào mục tiêu quận 1 như đã được giao.

8 giờ ngày 30 tháng 4 đội hình thọc sâu bắt đầu thực hiện nhiệm vụ. Đến đầu thị xã Biên Hòa rẽ phải ra xa lộ tiến vào Sài Gòn. Lữ đoàn 52 (Quân khu 5) đi sau đội hình Sư đoàn 7 theo xa lộ vào Sài Gòn đánh chiếm quận 10. Sư đoàn 7 vừa ra đến đầu xa lộ thì cũng vừa lúc đội hình thọc sâu Quân đoàn 2 đã qua trước đây ít phút. Như vậy trên hướng đông đội hình thọc sâu có Sư đoàn 7 (Quân đoàn 4) và Sư đoàn 304 (Quân đoàn 2).

Đi đầu đội hình Sư đoàn 7 là đại đội 7 anh hùng do chính trị viên Hoàng Cao Đại chỉ huy, có xe tăng, trương cờ cách mạng tiến về phía trước, phải gạt hai chiếc xe tăng M.41 bị ta bắn cháy sang lề đường để tiến lên. Một cán bộ vừa được giải thoát khỏi nhà tù Tam Hiệp hồi sớm ngồi trên chiếc xe tăng đi đầu, chỉ đường cho bộ đội theo đường Hồng Thập Tự quẹo qua đại lộ Thống Nhất là tới dinh “Độc lập”. Lúc đó là 12 giờ 30 phút (một giờ trước đó Lữ đoàn xe tăng 203 và Trung đoàn 66 thuộc Quân đoàn 2 đã tiến vào dinh “Độc lập” buộc Dương Văn Minh và toàn bộ nội các ngụy quyền Sài Gòn đầu hàng và cắm cờ Quyết thắng lên tòa nhà chính. Tư lệnh Sư đoàn 7 Nam Phong vào sau đoàn xe tăng của đại đội 7, gặp anh Hoàng Đan, phó tư lệnh Quân đoàn 2 ở Dinh “Độc lập”. Cả hai đều tham gia chiến đấu ở Điện Biên Phủ cho đến giờ chót, khi Đờ Cát và toàn bộ bộ tham mưu của Đờ Cát bị bắt.

Cán bộ Sư đoàn 9, Sư đoàn 7 (Quân đoàn 4) cùng cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 2 nắm tay nhau đầy xúc động ngay tại dinh “Độc lập” sào huyệt cuối cùng của địch trong niềm vui đại thắng.

Tôi và sở chỉ huy cơ bản Quân đoàn từ bắc Trảng Bom cũng di chuyển xuôi về Sài Gòn sau Sư đoàn 7. Vậy mà phải 13 giờ 30 phút cùng ngày tôi và các đồng chí trong Bộ tư lệnh mới tới được điểm hẹn lịch sử. Vì dọc đường không phải dừng lại chiến đấu mà là trước sự đón tiếp, cổ vũ đầy nhiệt tình của đồng bào.

Đoàn xe không thể tiến nhanh được, buộc phải giảm tốc độ như người đi bộ. Đồng bào vây xung quanh, tiếng hoan hô vang dậy.

Chúng tôi bị nhân dân và cả binh sĩ địch đầu hàng vây chặt không biết mấy chục lần, nhất định không cho đi. Họ muốn nhìn mặt, đòi bắt tay, đòi nói chuyện, bắt nhận quà, ăn cơm.

Kỳ lạ thật! Vẫn đang trong thời điểm tiến quân vào trung tâm, tiếp tục tiến công tiêu diệt các ổ đề kháng, tàn quân ngoan cố đang rình rập bắn lén mà lại bắt gặp cảnh này, cảnh như ca khúc khải hoàn đoàn quân thắng trận trở về được tình cảm đằm thắm hậu phương sưởi ấm!

Khi tôi tới dinh “Độc lập” thì đã gặp Võ Văn Dần, tư lệnh Sư đoàn 9 có mặt tại đây. Nắm tay tôi, tư lệnh Dần rạng rỡ niềm vui và cả xúc động:

- Chúc sức khỏe Tư lệnh quân đoàn!

- Mình vẫn khỏe! - Tôi đáp và hỏi tiếp. - Dần vào đây lúc nào?

- Báo cáo Tư lệnh, lúc 10 giờ 30 phút, hoàn thành đánh chiếm biệt khu thủ đô và cũng là lúc Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng là tôi cho một tổ xe tăng dẫn đầu bộ binh hội chiến tại dinh “Độc lập” và xin được trở về đội hình Quân đoàn đúng lúc xe tăng Quân đoàn 2 tiến vào dinh “Độc lập”.

- Một chiến thắng thật đẹp và một ý thức tổ chức rất đáng được biểu dương!

Chỉ nói được có thế, nhưng trong tôi chứa bao kỷ niệm muốn nói. Vì tôi và Sư đoàn 9 gắn bó từ đầu, đã qua tất cả các trận chiến đấu ở miền Đông, đã lập nhiều thành tích xuất sắc. Sau khi chiến thắng Dầu Tiếng tháng 3 năm 1975, Sư đoàn 9 được lệnh tách khỏi đội hình quân đoàn, chuyển về Đoàn 232 chiến đấu ở phía tây nam Sài Gòn. Lúc đó cả tôi và anh em Sư đoàn 9 như có cái gì sững lại. Tình cảm tôi không muốn Sư đoàn 9 vắng mặt ở chiến trường Đông Nam Bộ và anh em Sư đoàn 9 cũng thấy phải xa Quân đoàn vào thời điểm này cũng không thật thoải mái.

Nhưng biết làm thế nào, đó là nhiệm vụ, yêu cầu, đó là mệnh lệnh của cấp trên. Niềm tự hào của tôi về Sư đoàn 9 lại được bồi đắp và nhân lên. Tách khỏi đội hình Quân đoàn, nhưng sư đoàn 9 vẫn giữ được vai trò nòng cốt của mình trong đội hình chiến đấu mới. Đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đánh chiếm một trong năm mục tiêu trọng điểm trong nội đô.

Để đi được tới đích cuối cùng, Sư đoàn 9 đã vượt qua không ít khó khăn, đưa đội hình binh chủng hợp thành vượt sông Vàm Cỏ, qua bao nhiêu bưng sình(8).

(8) Vùng đồng lầy ngập nước, mọc nhiều cỏ lác.

Còn bao điều muốn nói, hao chuyện muốn trao đổi, tâm sự, nhưng lúc này còn nhiều việc phải làm, cần làm, cũng nghiêm túc và khẩn trương trong điều kiện chiến tranh đã đi qua mà vẫn gian khổ, nguy hiểm, nếu không chắc bản lĩnh, có thể bị đạn “bọc đường” tiến công.

Hai chúng tôi chia tay nhau trong lưu luyến mặc dầu thời gian tới, đều có điều kiện thường xuyên gặp nhau.

Lúc này tôi mới có phút xả hơi, được nhìn quang cảnh một cái “dinh”, một địa danh quen thuộc với tất cả cán bộ, chiến sĩ có mặt trên chiến trường, nhất là chiến trường Đông Nam Bộ - vì trước đó lúc 10 giờ ngày 30 tháng 4 nó vẫn là sào huyệt cuối cùng của quân thù. Điều dễ thấy căn dinh mang dáng dấp một đồn binh, một trại lính. Có tới ba hàng rào và công sự ngăn cách với bên ngoài; trong vườn dinh vẫn còn lều lán của binh sĩ địch canh phòng, xe bọc thép và súng phòng không chĩa ra tứ phía.

Được biết Dương Văn Minh và nội các của ông ta từ sáng đến giờ chưa có gì vào bụng, nhưng vẫn lấm lét sợ hãi không dám ngỏ lời.

Tôi chủ động nói với họ:

- Các ông có thể báo người nhà đem cơm tới, từ sáng đến giờ, đói chịu sao được.

Họ lễ phép cúi đầu, hai tay chắp cám ơn, đưa mắt nhìn trộm tôi. Tất cả đều cung kính, thưa bẩm vì thấy tôi tóc ngả hoa râm họ cho là tướng chỉ huy (khi gặp bất cứ chiến sĩ nào của ta họ đều hỏi như thế).

Đêm ấy tôi cùng cán bộ, chiến sĩ nằm ngoài hiên căn dinh, trên nền gạch lát hoa thật mát. Lo toan chiến tranh đã qua đi, thành phố về khuya yên tĩnh, không gian thoáng mát. Vậy mà cứ thao thức hoài mặc dầu những ngày dài vừa qua kể từ chiến dịch Đường 14 - Phước Long, chẳng đêm nào tôi được ngủ trọn vẹn. Gần đây, kể từ 26/4/1975 đều đói ngủ, mà vẫn cứ chong mắt với những suy nghĩ miên man. Nằm tại dinh “Độc lập” thật rồi mà cứ thấy ngỡ ngàng như mơ. Khi được tin chiến dịch mang tên Bác, cái vui mừng, cái xúc động rộ lên, tiếp sức mạnh để đi vào nhiệm vụ rồi tan nhanh vào trong công việc. Từ cảng Nhà Rồng Bác ra đi tìm đường cứu nước đến khi trở về, thành phố đã bị quân xâm lược trở lại chiếm đóng lần thứ hai, cái không khí “Không có gì quý hơn độc lập tự do” mà thành phố được hưởng chẳng là bao. “Bác nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà”, tâm huyết Bác dành phần nửa cho miền Nam. “Nam Bộ là lãnh thổ của Việt Nam, là thịt của thịt chúng tôi, là máu của máu chúng tôi(9).” Hai lần từ miền Nam ra tôi đều được gặp Bác, được Bác hỏi nhiều chuyện. Bác dặn dò các công việc khi trở lại miền Nam, thì tôi cứ tiếc Bác đã đi xa! Tiếc là “Miền Nam mong Bác nỗi mong Cha”, mà Bác không về được.

(9) Tuyên bố của Chủ tịch Hồ Chí Minh với báo chí ngày 12/7/1946, tại Paris.

Với tất cả tình cảm đó mà Bộ Chính trị quyết định chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh. Và khi tên Chiến dịch Hồ Chí Minh được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng đáp ứng nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, nhất là đối với quân dân miền Nam, quân dân B2 thì sức mạnh được nhân lên, góp phần tạo đà cho chiến dịch mang tên Bác đi tới đích!

Bác đã không còn nữa nhưng Bác vẫn là Tổng chỉ huy của chiến dịch toàn thắng này, qua các tư tưởng quân sự của Người để lại, đã thâm nhập trở thành tâm đắc, thành tiềm thức của lớp thế hệ tham gia sau tháng Tám năm 1945, có mặt trong thập kỷ sáu mươi, bảy mươi thực hiện.

Trong lịch sử giữ nước của dân tộc ta, chưa có cuộc hội quân nào vĩ đại như lần này. Một đội quân trên 200.000 người cùng hơn 1.000 pháo, cối, các cỡ, 500 xe tăng và thiết giáp, tiến về Sài Gòn trên một thế trận đã được chuẩn bị công phu, tạo điều kiện cho việc thực hiện hai phương thức tác chiến kết hợp tiến công bằng các binh đoàn chủ lực cơ động với hoạt động chiến tranh nhân dân địa phương rộng khắp. Ta không chỉ huy động lực lượng áp đảo địch mà còn chiếm ưu thế; hình thành thế bao vây chia cắt địch, cài răng lược cả bên trong và bên ngoài; không cho địch ở vòng ngoài co cụm để cùng lực lượng bên trong cố thủ, phối hợp trong ngoài cùng đánh bằng tiến công và nổi dậy, làm cho địch không thể ngăn chặn và làm chậm tốc độ các mũi đột kích của bộ đội chủ lực tiến vào mục tiêu cuối cùng của chiến dịch.

Bằng chiến dịch Hồ Chí Minh, chúng ta đã giải phóng Sài Gòn trong nguyên vẹn, không có “tắm máu”, “trả thù”, “khổ sai”, “tẩy não” như kẻ địch lớn tiếng xuyên tạc những ngày tàn trước đó.

Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng là kết quả đỉnh cao của một thế trận, được Đảng ta chuẩn bị công phu, kéo dài suốt ba thập kỷ; được quân và dân ta tổ chức thực hiện một cách thông minh, dũng cảm và đầy sáng tạo.

Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng mang ý nghĩa lịch sử và tầm vóc thời đại, như một cột mốc đánh dấu đất nước từ đây chuyển sang kỷ nguyên mới.

Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 kết thúc chương cuối của tập sử thi giữ nước của nhân dân Việt Nam, đánh bại ba đội quân xâm lược nhà nghề phát xít Nhật, thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, hoàn thành sứ mạng giành lại độc lập tự do và thống nhất Tổ quốc sau nhiều năm bị ngoại bang chia cắt và thống trị.

Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 là thắng lợi vĩ đại nhất trong lịch sử bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, mang tầm vóc thời đại, được xem như là một trong những sự kiện nổi bật trong nửa cuối thế kỷ XX.

Chúng ta chiến đấu và chiến thắng trước hết là do sự thôi thúc của sự nghiệp chính nghĩa theo tiếng gọi “không có gì quý hơn độc lập tự do” của vị Cha già dân tộc - Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Đó chính là nguồn gốc tạo nên mọi thắng lợi. Nhưng sức mạnh chính nghĩa không tự nó trở thành hiện thực, mà còn phụ thuộc vào đường lối chính trị, đường lối và nghệ thuật quân sự đúng đắn, sáng tạo vào việc hạ quyết tâm chiến lược chính xác.

Trong cuộc đụng đầu lịch sử này, từ tầm nhìn dân tộc kết hợp với tầm nhìn thời đại, từ tư duy cách mạng kết hợp với tư duy khoa học, Đảng ta đã hạ quyết tâm tiến công quân Mỹ ngay từ khi chúng mới đặt chân lên mảnh đất miền Nam Việt Nam, một mảnh đất mà tiềm lực mọi mặt còn thua xa tiềm lực một bang của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.

Tiến công! Một quyết tâm chiến lược chính xác trên đây tuyệt đối không phải duy ý chí, mà là một định hướng của biện pháp cách mạng, mang nội dung chỉ đạo thực tiễn phong phú, bởi “dám đánh Mỹ sẽ tìm ra cách thắng Mỹ”.

Quân Mỹ nhảy vào xâm lược miền Nam nước ta có số lượng đông(10), hỏa lực mạnh, phương tiện cơ động cao, thành thục trong tác nghiệp tham mưu tác chiến hiệp đồng binh chủng; chịu rút kinh nghiệm sau mỗi thất bại và có đủ điều kiện khắc phục khi thấy có thiếu sót sai lầm. Đó là mặt mạnh, khác xa quân đội xâm lược Pháp hồi kháng chiến chín năm, mà ta không thể chủ quan, xem thường khi điều hành chỉ đạo chiến lược chiến dịch, chỉ huy chiến đấu.

(10) Quân Mỹ xâm lược miền Nam lúc cao nhất là 543.500 quân với chín sư đoàn tinh nhuệ: sư đoàn bộ binh số 1 “Anh cả đỏ”, sư đoàn bộ binh số 4, sư đoàn bộ binh số 9, sư đoàn bộ binh số 25 “Tia chớp nhiệt đới”, sư đoàn A-mê-ri-cơn mang tên “Lực lượng xung kích”, sư đoàn lính thủy đánh bộ số 1, sư đoàn lính thủy đánh bộ số 3, sư đoàn nhảy dù 101, sư đoàn “Kỵ binh bay” số 1, được trang bị 465 máy bay lên thẳng làm phương tiện chuyển quân và lữ đoàn thiết giáp số 11.

Tuy cung cách, thủ đoạn tiến hành xâm lược có khác nhau nhưng cả Mỹ lẫn Pháp đều theo đuổi cuộc chiến phi nghĩa, buộc chúng phải tạo ra ưu thế quân sự áp đảo ban đầu để ồ ạt mở các cuộc hành quân xâm lược theo phương châm đánh mạnh, thắng nhanh; buộc chúng phải rải quân, đóng đồn bốt, xây dựng căn cứ quân sự, hệ thống chi khu, yếu khu, các vành đai trắng, hệ thống các khu dinh điền, ấp chiến lược, thực hiện chiến lược phòng thủ diện địa, chiếm đất giành dân, vân vân.

Vì vậy tìm cách đánh Mỹ phải từ cách đánh Pháp, vì cả hai cùng có chung một thủ đoạn tiến hành xâm lược, tuy hình thức và thủ đoạn tiến hành có khác nhau. Trong suốt chặng đường đánh Mỹ ở Đông Nam Bộ, qua các chiến dịch: Bình Giã, Phước Long, Đồng Xoài (lần thứ nhất), Bầu Bàng, Dầu Tiếng đến các chiến dịch Nguyễn Huệ, đường Bảy Ngang - Rạch Bắp, Đường 14 - Phước Long và ngay cả trận Xuân Lộc trước khi bước vào chiến dịch Hồ Chí Minh, chúng ta đều áp dụng các hình thức chiến thuật cơ bản như: đánh điểm diệt viện (hoặc vây điểm diệt viện), tập kích, phục kích, vận động phục kích đánh giao thông, vân vân... (chỉ khác ở cách vận dụng) mang lại hiệu quả, làm phá sản nhiều chiến lược chiến tranh, nhiều cuộc phản công chiến lược “tìm diệt”, đánh bại hoàn toàn chiến lược phòng ngự diện địa của Mỹ với các thủ đoạn chiến thuật cực kỳ tàn bạo và nham hiểm dựa trên cơ sở trang bị hiện đại như “thiết xa vận”, “trực thăng vận”, vân vân.

Tiến công! Đó là tư tưởng chỉ đạo chiến lược xuyên suốt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nhưng trong nghệ thuật chiến dịch, chỉ huy chiến đấu chúng ta đã thực hiện cả cách đánh phòng ngự, vì đó là hai cách đánh địch cơ bản, hỗ trợ cho nhau, đáp ứng các yêu cầu cụ thể của chỉ đạo chiến lược.

Cách đánh phòng ngự ở chiến trường Đông Nam Bộ không ngừng phát triển, nó gần với tiến công mang một cái tên mới - chốt chặn kết hợp với vận động tiến công tỏ ra có hiệu quả, làm thất bại âm mưu địch trong những thời điểm quan trọng do chỉ đạo chiến lược yêu cầu như đã kể trên cùng bạn đọc.

Đông Nam Bộ - mảnh đất gian lao mà anh dũng đã góp phần xứng đáng vào việc hoàn thiện đường lối quân sự và nghệ thuật quân sự mang đậm nét độc đáo Việt Nam.

Đông Nam Bộ đã đùm bọc, ưu ái tạo thời cơ cho tôi được tham gia chiến đấu và trưởng thành.

[Chúc bạn đọc sách vui vẻ tại www.gacsach.com - gác nhỏ cho người yêu sách.]

Trong chặng đường mười nghìn ngày, có ba nghìn sáu trăm năm mươi ngày sống và chiến đấu ở Đông Nam Bộ đã để lại trong tôi tình cảm nhớ mãi, biết ơn. Nơi ấy chính là quê hương thứ hai của tôi.

Khi suy nghĩ kể lại những trang cuối cùng của chặng đường mười nghìn ngày này, bỗng tôi bồi hồi nhớ Quỳnh Nhai, Mộc Châu, Ninh Mít, Đông Khê, Nghĩa Lộ, Bản Hoa, Nà Sản, Điện Biên Phủ, Phước Long, Đồng Xoài, Bù Đăng, Bầu Bàng - Dầu Tiếng, Nhà Đỏ - Bông Trang, Cần Đâm, Cần Lê, An Lộc, Tàu Ô Xuân Lộc. Nhớ các anh chị Lê Thám, Văn Xì, Nguyễn Phúc, Vũ Văn Lịch, Khuất Duy Kính, Hoàng Mười, Tạ Đình Hiển, Thăng Bình, Chu Phương Đới, Trần Quân Lập, Trần Cừ, Trần Can, Văn Phác, Lê Trọng Tấn, Trần Độ, Nguyễn Bàng, Sáu Khâm, Nguyễn Thế Bôn, Lê Xuân Lựu, Năm Phòng, Ba Hồng, Ba Vũ, Hoàng Thế Thiện, Lê Văn Tưởng, Chín Mây, Lê Nam Phong, Út Liêm, Ba Đình (Su), Sáu Thượng, Năm Sài Gòn, Ba Cúc, Tư Thanh, Ba Trân, Năm Đàn, Sáu Tăng, Sáu Hưng, Trần Kính, Tư Nguyện, Sáu Phát, Hai Phong, Bảy kính, Bảy Tuyết, Hai Tuyến, Út Minh, Ba Ngoan, Đoàn Đức Thái, Sáu Chèo, Hai Lẹ, Kim Dung. Nhớ các chiến sĩ Nguyễn Văn Minh cắm cờ “Quyết chiến quyết thắng” lên nóc hầm tướng Đờ Cát ở Điện Biên Phủ, chiến sĩ Nguyễn Văn Hoan cắm cờ “Quyết chiến quyết thắng” lên nóc nhà tỉnh trưởng Phước Long.

Bởi những địa danh ấy, những đồng chí, đồng đội ấy đã gắn bó máu thịt trong những ngày gian khổ ác liệt và cũng đầy hứng khởi hào hùng; đã sưởi ấm tình cảm tôi, nâng bước tôi đi để cùng các anh các chị hoàn thành nhiệm vụ, góp phần mình vào sự chuyển động của lịch sử dân tộc trong sự nghiệp giữ nước vĩ đại, để có được ngày tươi sáng hôm nay.

Thực hiện bởi
nhóm Biên tập viên Gác Sách:
Chim Cụt - Fuju - Tiểu Bảo Bình
(Tìm - Chỉnh sửa - Đăng)