Tên của đóa hồng - Phần I - Chương 3 - Phần 2
Khi câu chuyện tiếp diễn, tôi sẽ tả chi tiết về con người này và ghi lại lời của gã. Thú thật, làm việc ấy rất khó vì thuở đó, và cả bây giờ nữa, tôi mù tịt không biết gã nói thứ tiếng gì. Gã không nói tiếng La tinh như các học giả ở tu viện, không nói tiếng thông tục của các vùng địa phương quanh đó, hay của bất kì vùng nào tôi đã được nghe. Khi ghi lại những lời nói đầu tiên của gã, tôi biết mình mới phác họa một ý niệm mơ hồ về cách gã nói. Sau này khi tôi biết về cuộc đời phiêu bạt của gã và những nơi chốn khác nhau gã đã lê gót qua, tôi nhận ra Salvatore nói tất cả các thứ tiếng và không nói thứ tiếng nào cả. Thực ra, gã đã sáng chế cho riêng gã một thứ tiếng sử dụng những yếu tố cơ bản của các thứ tiếng gã biết được. Có một dạo tôi cho rằng tiếng nói của gã không phải là tiếng nói của Ông tổ Adam mà nhân loại hạnh phúc xưa kia đã nói - tiếng nói duy nhất đã liên kết mọi người từ điểm khởi sinh thế giới đến tháp Babel với nhau – cũng không phải một trong những thứ tiếng xuất hiện sau biến cố tàn khốc phân hóa họ; nó chính là tiếng nói của thành phố Babel[1] ngay sau khi bị Chúa trừng phạt, thứ tiếng hỗn loạn thời nguyên sơ. Nhưng không phải vì việc đó mà tôi có thể gọi lời nói của Salvatore là một thứ tiếng, vì tất cả các thứ tiếng của nhân loại đều có luật và mỗi từ đều biểu thị một sự vật theo một quy luật cố định, vì người ta không gọi con chó lúc là chó, lúc là mèo được, hay không thể phát ra những âm thanh chưa được con người gắn cho một ý nghĩa xác định nào đó. Thế nhưng bằng cách này hay cách khác, tôi vẫn hiểu được điều Salvatore muốn nói, và những người khác cũng vậy. Gã nói tất cả các thứ tiếng, không nói tiếng nào đúng cả, khi dùng từ của tiếng này, khi của tiếng khác, có thể đề cập đến điều gì đó ban đầu bằng tiếng La tinh, rồi sau chuyển sang tiếng xứ Provence. Tôi nhận thấy gã ít sáng chế câu nói mới của mình, mà thường sử dụng những thành phần nhớ được từ các câu nói khác, gã đã nghe đâu đó trước kia, rồi áp dụng chúng vào hoàn cảnh hiện tại và điều gã muốn nói. Thí dụ gã có thể nói về một món ăn bằng cách chỉ dùng số từ những người cùng ăn món đó với gã đã sử dụng và bộc lộ niềm vui của gã bằng cách chỉ dùng số câu gã đã nghe những người vui mừng thốt ra vào cái ngày gã trải nghiệm một niềm vui tương tự. Cách gã nói cũng na ná như bộ mặt gã, chắp từ các mảnh vụn của mặt người khác lại với nhau, hay giống như vài cái hòm đựng thánh tích quý báu tôi đã thấy, được chế tạo từ các mảnh vỡ của các thánh vật khác. Vào giây phút đầu tiên gặp mặt, do cả hai yếu tố bộ mặt và lối nói của gã, Salvatore hiện ra với tôi giống như những sinh vật lai có vó đầy lông lá tôi vừa nhìn thấy dưới cửa chính. Về sau tôi nhận thấy gã khá tốt bụng và hóm hỉnh. Rồi về sau nữa… Nhưng chúng ta không nên vượt trước câu chuyện. Đặc biệt khi gã dứt lời, thầy tôi bèn hỏi, giọng hết sức hiếu kì:
[1] Theo Thánh kinh, Babel là thành phố ở Shinar, nơi đó con cháu Noah cố dựng lên một ngọn tháp cao đụng trời. Chúa bèn phạt những kẻ xây dựng táo bạo này bằng cách làm cho họ đột nhiên nói nhiều ngôn ngữ khác nhau, và do đó họ không hiểu nhau được nữa.
- Tại sao Huynh bảo hãy ăn năn sám hối?
- Lạy Chúa rất nhân hậu, - Salvatore đáp, khẽ cúi đầu - Đức Kitô sẽ đến và loài người phải sám hối. Phải không?
Thầy William nhìn gã, - Huynh từ tu viện dòng Anh em Nghèo khó đến phải không?
- Hổng hiểu.
- Tôi hỏi có phải Huynh đã sống với các thầy tu dòng thánh Francis hay không? Tôi hỏi Huynh có biết những người mệnh danh Tông đồ…
Mặt Salvatore tái nhợt hay nói đúng hơn, khuôn mặt sạm nắng và hung tợn của gã đổ màu xám xịt. Gã cúi chào thật sâu, cặp môi nửa khép nửa hở lầm bầm “Xin lui”, cuống quýt làm dấu thánh giá rồi bỏ chạy, chốc chốc lại ngoái nhìn chúng tôi.
- Thầy hỏi Huynh ấy gì thế?
Thầy William nghĩ một lát – Không có gì đâu. Ta sẽ kể cho con nghe sau. Chúng ta hãy vào bên trong đi. Ta cần gặp Cha Ubertino.
Vừa mới sáu giờ. Mặt trời xanh xao từ phương tây chỉ len lỏi qua được những cửa sổ nhỏ hẹp, lọt vào nội dinh giáo đường. Một giải sáng mỏng manh chụm lên bàn thờ chính. Và mặt trước bàn thờ dường như bừng lên những tia vàng rạng rỡ. Các gian bên cạnh chìm trong bóng tối.
Gần cuối giáo đường, phía trước bàn thờ gian bên trái, có dựng một cột dáng thon nhỏ, tạc tượng Đức Mẹ Đồng Trinh bằng đá, theo kiểu mới, với nụ cười huyền nhiệm khó tả và vòm bụng nhô cao, khoác một tấm áo xinh đẹp có áo ngắn phủ ngoài, tay bế Chúa Hài Đồng. Dưới chân Đức Mẹ, một tu sĩ mặc áo dòng Cluniac đang gần như xoãi dài dưới đất để cầu nguyện.
Chúng tôi tiến đến. Nghe tiếng chân, tu sĩ ngẩng đầu lên. Ông ta già, đầu hói, mày râu nhẵn nhụi, đôi mắt to màu xanh nhạt, môi mỏng và đỏ, da trắng, sọ xương xẩu và da đầu bám vào đó như xác ướp ngâm sữa. Đôi tay trắng, ngón dài hình ngòi bút. Ông giống như một trinh nữ tàn tạ vì chết yểu. Thoạt đầu, ông đăm đăm nhìn chúng tôi rất hoang mang, như thể chúng tôi đã quấy nhiễu ảo mộng tuyệt diệu của ông, rồi gương mặt ông bừng lên niềm vui. Ông la lên:
- William, người thân yêu nhất của ta. – Ông gắng ngồi dậy, đi về phía thầy tôi, ôm thầy tôi vào lòng và hôn lên môi thầy – William! – Ông lập lại, mắt nhòa lệ - Đã bao nhiêu năm trời! Nhưng Cha vẫn nhận ra Huynh! Bao nhiêu mùa thu rồi, bao nhiêu sự đời đã xảy ra! Chúa đã bày ra bao nhiêu là thử thách! – ông nức nở. Thầy William ôm ông, hết sức xúc động. Trước mặt chúng tôi là Cha Ubertino.
Tôi đã được nghe nói nhiều về Cha, ngay cả trước khi tôi đến Ý, và còn được nghe nhiều hơn nữa khi lui tới các tu sĩ dòng Francisco của triều đình. Ai đó đã kể tôi nghe rằng nhà thơ vĩ đại nhất thời đó ở Florence – Dante Alighieri – mới mất cách đây vài năm, đã sáng tác một bài thơ viết bằng tiếng dân gian Tuscany, trong đó có dành nhiều dòng để bình giải những đoạn do Ubertino viết trong quyển sách: “Cây của sự sống bị đóng đinh”. Đây không phải là giá trị duy nhất của con người nổi tiếng này. Nhưng để độc giả hiểu rõ hơn tầm quan trọng của buổi gặp gỡ hôm nay, tôi cần dựng lại những biến cố xảy ra trong những năm đó, theo sự hiểu biết của tôi thu lượm được nhờ khoảng thời gian ngắn lưu lại vùng Trung Ý, và nhờ lắng nghe các buổi trò chuyện của thầy William với các Cha Bề trên và tu sĩ trong cuộc hành trình của chúng tôi.
Tôi sẽ cố gắng kể lại hiểu biết của tôi về vấn đề này, mặc dù tôi không chắc sẽ có thể giải thích đến nơi đến chốn. Các thầy tôi ở Melk thường bảo rằng một người phương bắc rất khó nắm rõ sự thăng trầm của tôn giáo và chính trị ở Ý.
Bán đảo Ý, nơi giới tăng lữ giàu có và nắm nhiều quyền lực hơn hẳn các nước khác, trong ít nhất hai thế kỷ nay đã dấy lên các phong trào của các tu sĩ sống nghèo hơn chống lại các linh mục biến chất, những kẻ thậm chí đã từ chối không chịu làm lễ ban phước cho họ. Họ họp thành những cộng đồng độc lập và bị các lãnh chúa, đế chế và thị trưởng căm ghét không kém.
Cuối cùng, Thánh Francis xuất hiện, quảng bá lối tu hành khổ hạnh nhưng không đi ngược lại giáo huấn của Giáo hội. Sau nỗ lực của Người, Giáo hội đã mở những cuộc triệu tập để kỷ luật nghiêm khắc các phong trào trước đây và thanh lọc các yếu tố chia rẽ tiềm ẩn bên trong. Đáng lẽ sau đó phải là một giai đoạn sùng đạo, an bình. Nhưng khi dòng Francisco phát triển và thu hút được những tu sĩ tốt nhất, nó trở nên quá mạnh và quá gắn bó với thế sự. Do đó, rất nhiều tu sĩ dòng Francisco mong muốn khôi phục lại sự thanh khiết ban đầu của dòng tu của mình – một công việc rất khó khăn – vì vào thời tôi ở tu viện, dòng tu đã có đến ba mươi nghìn môn đồ ở rải rác khắp thế giới. Các tu sĩ này chống lại những Điều lệ do dòng tự đặt ra, và bảo rằng hiện nay dòng tu lại mang những tính chất của các dòng mà nó đã cải tạo trước đây. Việc này đã xảy ra ngay vào thời Thánh Francis vẫn còn sống, và người ta đã phản bội lời dạy cùng mục tiêu của Người. Nhiều người tái phát hiện một quyển sách do một tu sĩ dòng Cistercian tên là Joachim, viết vào hồi đầu thế kỷ XII, người được xem như có tài tiên tri. Cha đã tiên đoán một thời đại mới sắp đến, khi đó tinh thần của Chúa Kitô, hằng bao lâu nay bị tha hóa bởi hành động của các tông đồ giả dối, sẽ được hồi phục lại trên thế gian. Và cha đã tuyên bố về những sự kiện tương lai bằng một cách, dù vô hình, khiến mọi người hiểu rằng ông đang nói đến dòng Francisco. Do đó, rất nhiều tu sĩ dòng Francisco vô cùng hân hoan, thậm chí dường như quá hân hoan nữa, vì vào khoảng giữa thế kỷ đó, các tiến sĩ Sorbonne rất lên án sự giáo huấn của Cha Bề trên Joachim. Họ đang trở nên những học giả quá uyên thâm, quá uy lực, tại Đại học Paris, và những tiến sĩ Sorbonne đó muốn trừ khử họ đi như những kẻ theo tà giáo. May thay, âm mưu đó không thực hiện được.
Trong ba mươi năm cuối cùng của thế kỷ trước, Hội đồng Thành phố Lyon đã cứu dòng Francisco thoát khỏi tay những kẻ muốn thủ tiêu nó, và cho phép dòng được sở hữu tất cả tài sản đang sử dụng. Đó là luật áp dụng đối với các dòng tu cũ. Nhưng vài tu sĩ ở Marches đã nổi loạn phản đối vì họ tin rằng tinh thần của giáo luật đã bị phản bội, vì tu sĩ dòng Francisco không được sở hữu một vật gì cả, dù là cho cá nhân, cho tu viện, hay cho dòng tu đi nữa. Những kẻ nổi loạn này đã bị tù chung thân.
Nhiều năm sau đó, Cha Bề trên mới là Raymond Gaufredi đã đến gặp các tù nhân này ở Ancana và phóng thích họ.
Trong số những tù nhân được phóng thích này có một người tên là Angelus Clarenus, sau đó đã đến gặp Pierre Olieu, một tu sĩ quê ở Provence, người đã rao giảng các lời tiên tri của Joachim, rồi gặp Ubertino, và như thế phong trào của các tu sĩ dòng Thánh thần được hình thành. Họ tìm đến Đức Giáo hoàng thánh thiện Celestine Đệ ngũ và xin thành lập một cộng đồng gọi tên là Các anh em và người nghèo của Đức ẩn sĩ Celestine. Phong trào nghèo khổ mới này được sự ủng hộ bí mật của các giáo chủ xứ Colona và Orsini. Ubertino trở thành tu sĩ được kính trọng nhất trong dòng Thánh thần và đang gặp nguy cơ bị buộc là kẻ theo tà giáo, nhưng chính giáo chủ Orisini đã đứng ra bảo vệ Cha tại Avignon.
Hàng vạn người dân chất phác công nhận lời giảng đạo của Angelus và Ubertino, rồi nó truyền lan đi khắp nước, không gì ngăn giữ nổi. Thế là nước Ý tràn ngập những tu sĩ Fraticelli hay những Thầy tu Nghèo khó mà nhiều người xem là rất nguy hiểm. Lúc đó thật khó phân biệt ai là giáo sĩ Thánh thần có liên hệ với Giáo hội, ai là tín đồ chất phác sống ngoài dòng, ngày ngày đi xin của bố thí và làm thuê làm mướn, không lưng lận một của riêng nào. Bấy giờ dân chúng gọi những người này là Fraticelli, tương tự như những tu sĩ Beghards người Pháp, những người đã nghe theo lời Pierre Olieu nhập đạo.
Kế vị Đức Giáo hoàng Celestine Đệ ngũ là Boniface thứ tám. Trong những năm cuối của thế kỷ hấp hối này, Ông đã ký một Sắc lệnh Hãy cảnh giác[2], trong đó Ông thẳng tay tố cáo các thầy tu hành khất lang thang quanh vùng ven xa xôi của dòng tu Francisco và cả các tu sĩ dòng Thánh thần đã lui về ở ẩn.
[2] Firma Cautela
Năm 1936, John XXII được cử lên ngôi Đức Giáo hoàng, và đã tước của họ mọi hi vọng. Lão viết thư cho vua xứ Sicile yêu cầu Ông trục xuất tất cả các tu sĩ đang trú ẩn tại đó và truyền bắt giam Angelus cùng các tu sĩ dòng Thánh thần xứ Provence.
Không phải tất cả hành động này đều trót lọt. Nhiều người trong giới lãnh đạo Giáo hội La Mã phản kháng. Ubertino và Angelus tìm cách xin phép rời khỏi dòng, Ubertino được nhận vào dòng Benedict và Angelus vào dòng Celestine. Nhưng John đã không nương tay đối với những người vẫn tiếp tục sống đời tự do, Ông truyền lệnh thanh lọc họ, và nhiều người đã phải chịu cảnh trói vào cọc thiêu sống.
Tuy vậy, Ông nhận thức được rằng muốn hủy diệt tận gốc rễ các tu sĩ Fraticelli, những người đe dọa thành trì quyền lực của Giáo hội, Ông cần tố cáo các quan niệm làm nền tảng cho đức tin của họ. Họ tuyên bố rằng Chúa Kitô và các tông đồ không sở hữu bất kì một của cải dưới hình thức riêng chung nào cả. Thế là Đức Giáo hoàng tố cáo tư tưởng này là lạc đạo. Thật đáng kinh ngạc, vì Đức Giáo hoàng chẳng cần có một căn cứ cụ thể nào để gọi quan điểm Chúa Kitô cơ nghèo là sai trái cả. Thế nhưng, mới trước đó một năm, dòng Francisco tại Perugia đã xướng quyết quan điểm này. Đức Giáo hoàng lên án quan điểm này có nghĩa là Ông cũng đồng thời lên án dòng. Như tôi đã nói, Đại hội Perugia đối nghịch kịch liệt với cuộc đấu tranh của Ông nhằm chống lại hoàng đế. Hậu quả là sau đó, nhiều tu sĩ Fraticelli, chẳng liên hệ gì đến triều đình hay Đại hội Perugia, đã bị thiêu chết…
…
Những suy nghĩ trên hiện lên trong óc tôi khi tôi nhìn đăm đăm nhân vật truyền thuyết Ubertino. Thầy tôi giới thiệu tôi, và con người già nua này đưa bàn tay nồng ấm đến độ hầu như nóng bỏng vuốt má tôi. Khi tay ông chạm vào da thịt tôi, tôi chợt hiểu ra rất nhiều điều được nghe về con người thần thánh đó, và nhiều điều khác đọc được trong quyển sách “Cây của sự sống bị đóng đinh” do ông viết. Tôi hiểu ngọn lửa huyền nhiệm đã nung nấu Cha từ thời thanh niên, thời ông ngồi học ở Paris, bỏ nghiên cứu Thần học và tưởng tượng mình hoán cải thành cô điếm ăn năn Magdalen, hiểu dây liên hệ khăng khít giữa ông và Thánh Angela, người đã khai tâm cho ông bước vào cuộc đời huyền nhiệm phong phú và tôn thờ thập giá, và hiểu tại sao các Bề trên của ông, một ngày nọ hoảng hốt vì những lời giảng đạo nồng nhiệt của ông, đã tống ông lui về La Verna.
Chỉ mới đây, qua các tin đồn tôi loáng thoáng nghe được, ngôi sao của ông tại triều đình đã lu mờ, ông phải rời Avignon và Đức Giáo hoàng đã sai người truy đuổi con người không hề khuất phục này như một kẻ lạc đạo tha phương cầu thực khắp thế giới. Thế rồi, người ta bảo đã mất tuyệt tông tích ông. Chiều hôm đó, qua cuộc nói chuyện giữa Thầy William và Cha Bề trên, tôi biết ông đang ẩn náu nơi tu viện này. Và giờ đây, ông đang đứng trước mặt tôi.