Tên của đóa hồng - Lời mở đầu

Lời mở đầu

Trong “Những lời chú giải về quyển “TÊN CỦA ĐÓA HỒNG” đăng trên một tạp chí Ý, UMBERTO ECO khẳng định rằng một nhà văn luôn luôn nghĩ đến độc giả. Chính ECO đã từng nói rằng khi viết, tác giả phải “nhắm vào” người đọc.

Cũng có khi nhà văn nhằm vào một số người đặc biệt nào đó, nhưng thông thường ông nói với một độc giả tưởng tượng mà ông hi vọng sẽ tạo ra được nhờ tác phẩm của mình.

Có lẽ ECO đã không tiên đoán được sự thành công vĩ đại, và không ngờ tiểu thuyết này đã được đón nhận quá nồng nhiệt ở Ý và nước ngoài, một sự thành công mà các nhà phê bình văn học và những chuyên gia về truyền thông cố tìm cách giải thích.

Điều làm điên đầu các nhà phê bình và các chủ bút không phải là việc phát hành quyển sách này quá nhanh chóng và rộng rãi, mà vì quyển sách này vừa phong phú vừa phức tạp; một sản phẩm văn học có giá trị khiến cả nhà phê bình lẫn độc giả bình dân, giới trí thức cũng như quảng đại quần chúng cùng lưu tâm.

Vậy thì nguyên nhân đưa đến sự thành công này là gì? Và làm thế nào một quyển tiểu thuyết đặt trọng tâm trong một Tu viện thời Trung Cổ ở Ý, đầy rẫy những liên hệ lịch sử và triết lý, lại có thể chinh phục mọi tầng lớp người trên thế giới?

Đã có lần, trong thị trường sách báo của chúng ta, có một sự phân biệt rõ ràng giữa những tác phẩm dành cho số đông và sách cho giới trí thức cùng người sành điệu. Sự phân đôi này, một phần vì việc san bằng và thương mại hóa văn học, mà nguyên nhân là do các phương tiện truyền thông quảng đại (radio, tivi, báo chí…), mặt khác, vì phản ứng đối kháng của các thức giả để chống lại sự hạ thấp dân trí này.

Thật mâu thuẫn thay, hiện nay giới trí thức Ý xem một tác phẩm càng được nhiều người đọc bao nhiêu thì càng kém giá trị bấy nhiêu.

UMBERTO ECO cho rằng nguyên lý này phải bị hủy bỏ, và “TÊN CỦA ĐÓA HỒNG” là minh chứng cho lời nói của ông và có lẽ đó là lý do ông thành công.

Thật ra, tiểu thuyết này nhằm vào một quần chúng đủ loại, người ta đọc và hiểu nó như một cái hộp nhiệm màu hay để giải trí, nhờ tính chất hồi hộp và sinh động của một truyện trinh thám, xen lẫn với những suy ngẫm triết lý. Vì sự háo hức, đợi chờ kết cục và sức quyến rũ của tác phẩm, độc giả nào cầm trong tay quyển sách cũng có thể thưởng thức được một trong những sự kiện nêu trên.

Với mục đích này, cấu trúc quyển sách rất phức tạp, vì nó đưa ra nhiều khúc mắc nhưng không cho cái nào nổi trội lên. Thế nên, đọc “TÊN CỦA ĐÓA HỒNG” như đi vào một phòng thí nghiệm, trong đó mỗi sự giải thích phải được gạn lọc bằng một ý nghĩa khác nhau và tất cả các đoạn văn đều quan trọng.

Là một “Tiểu thuyết lịch sử” cho những ai xem đó là một công trình tỉ mỉ sống động của một thời đại, là một “tư duy triết lý” cho đọc giả nào xem các khúc mắc là cái cớ để suy luận sâu xa hơn; hay là môt “truyện trinh thám” cho người nào thích tình tiết hấp dẫn.

Sự phóng khoáng này làm cho độc giả “giải trí một cách trí thức”, người đọc bị lôi cuốn bởi một quyển tiểu thuyết “khúc mắc nhưng thú vị”. Đó là kết quả của một công trình uyên bác của một nhà văn đã từng nghiên cứu luật quân bình ảnh hưởng đến người kể chuyện như thế nào. Chính ECO trước khi thành văn sĩ đã từng là nhà phê bình, và là một độc giả rất chăm chú.

Vậy đây không phải là một quyển sách đòi hỏi sự thông minh của người đọc, tác giả chỉ cần độc giả mà ông “nhắm vào” một ít kiên nhẫn để vượt qua những trang đầu, rồi lặng lẽ theo hai tu sĩ đến chân tường của tu viện.

Chuyện xảy ra trong một tu viện dòng Benedict cuối năm 1327.

Bối cảnh lịch sử là nước Ý bị giày xéo giữa những trận đụng độ giữa Giáo hoàng và triều đình, giữa Giáo hội và các tập đoàn dị giáo. Cả nước bất mãn vì không có một quyền lực trung ương: Giáo hoàng thì dời về Avignon bên bờ sông Rhône nước Pháp, còn hoàng đế thì bận đối phó với nước Đức. Chính tu viện, dù bề ngoài có vẻ bình lặng, cũng bị chao đảo bởi âm vang của các biến cố trên.

Chuyện kể về một Tu sĩ tên William xứ Baskerville. Ông đã làm sáng tỏ một loạt án mạng xảy ra tại tu viện, bên trong những bức tường kiên cố, được dùng làm nơi gặp gỡ giữa các đại biểu dòng Francisco và sứ giả của Giáo hoàng.

Người kể chuyện là một tu sĩ nhớ lại những biến cố xảy ra lúc ông còn là một thiếu niên. Đó là tu sinh Adso xứ Melk, đệ tử của Thầy William.

Cốt truyện bao quanh một quyển sách bí ẩn được cất giấu trong Thư viện, mà chỉ một thiểu số người có thẩm quyền mới được vào. Bên ngoài Thư viện này, và bên kia bức tường Tu viện, là một thế giới của những kẻ phàm tục, những người bị loại bỏ, chỉ trông cậy vào lực lượng dị giáo để kết hợp thành mối đe dọa cho giai cấp Tăng lữ.

William xứ Baskerville, người không bao giờ hài lòng với những lối giải thích giản dị, kiên quyết xoay theo một đường hướng đầy trí tuệ, ông không dựa vào những sự phán đoán trong một thế giới xen lẫn những mâu thuẫn giữa đức tin chính thống và dị giáo, công lý và lạm quyền, sự thật và nhầm lẫn. Nhờ một ánh sáng mờ nhạt nhưng bền bỉ, ông dần dần phanh phui các âm mưu, để rồi đến tận trung tâm thư viện, nơi cất giấu những điều bí ẩn. Trên chặng đường điều tra gian nan chằng chịt các dấu vết của thầy William, may thay, chúng ta cuối cùng cũng có được lời giải đáp. Nếu không, có lẽ mọi sự thật đều mong manh, và sự hiểu biết chỉ là sự lạm dụng của trí năng.

Quyển sách chấm dứt bằng cách đưa ra cho độc giả hai lựa chọn: sự yên lặng của Adso, người tìm thấy bình an trong tâm hồn nhờ suy ngẫm về cõi hư vô; hay sự tìm kiếm của William, người không rõ mục đích của chính mình, nhưng trong tiến trình tìm kiếm đó, người ấy đã xây dựng nên một thế giới mà chúng ta đang sống đây, với đầy khuyết điểm và bấp bênh.

ELIZABETTA CABASSI

Tùy viên Văn hóa Đại sứ quán Ý

(Hà Nội)

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3