Đặng Thái Sơn - Người được Chopin chọn - Chương 08
Chương 8:
“Em là con cá à?”
Vào năm 1974, nghệ sĩ piano Isaac
Katz từ Liên Xô được cử đến Việt Nam công tác tại nhạc viện Hà Nội, và ông đã
nhận ra được tài năng đặc biệt của Sơn. “Em rất có tài đấy! Nửa năm, một khoảng
thời gian ngắn thôi nhưng em có muốn thử cùng học chung với thầy không?”
Sơn rất lấy làm cảm động với lời đề nghị của Katz. Anh chạy ào tới phòng có lưu
trữ những giáo trình, lấy ra cuốn sách có các tác phẩm như Concerto dành cho
piano, cung Đô trưởng của Kabalevsky, Prelude cung Sol thứ Op.23-5 của
Rachmaninov.
“Thầy ơi, tất cả những bản nhạc này, em đều có thể đàn được hết đấy. Vậy em sẽ
bắt đầu từ tác phẩm nào ạ?”
“Bắt đầu từ cái nào mà em thích đàn nhất đấy! Hay đàn bản nào mà em thấy mình
đàn hay nhất!”
Sơn muốn thầy nghe những gì mà mình đã dày công tập luyện bấy lâu nay, anh đàn
rất thoải mái, toàn thân anh cũng nhịp nhàng theo tiếng nhạc.
Katz chăm chú lắng nghe. Sau khi Sơn đàn xong, ông bèn đưa cho anh mấy bài tập:
“Sơn, từ giờ trở đi, em sẽ học những tác phẩm sau: Concerto dành cho piano số 2
của Rachmaniov, Sonata cho piano số 2 của Chopin, bản Mirroirs của Ravel.”
Sơn ngẩn ngơ vì lần đầu tiên anh được biết đến những tác phẩm ấy.
“Thưa thầy, em luyện tất cả các tác phẩm này à? Có khó lắm không thầy?”
“Ừm, cũng hơi khó đấy! Nhưng mà đối với em thì không khó lắm đâu! Em có thể đàn
được ngay thôi!”
Tin này lập tức được lan rộng, tên tuổi của Đặng Thái Sơn được truyền đi khắp
nơi trong nhạc viện.
Ở Nhật cũng như ở Việt Nam, trẻ con khi đến lớp chỉ biết nghe lời thầy giảng
bài, tuyệt đối không hề hỏi han hay thảo luận với thầy về vấn đề mình đang học.
Trong lớp, người nói luôn là thầy giáo, bọn học trò thì chỉ biết tiếp thu thôi.
Trong giờ luyện tập đàn, thầy Katz thường đặt câu hỏi với Sơn, nhưng anh không
trả lời được câu nào.
“Em muốn đàn bài này như thế nào?”
“...”
“Khi nhà soạn nhạc viết tác phẩm này, em có biết là họ đang suy nghĩ điều gì
không?”
“...”
“Này, Sơn, tác phẩm này có khiến em hình dung ra cái gì ở trong đầu không?”
“...”
Sơn mấp máy môi, không nói thành lời. Anh không biết nên nói như thế nào nữa.
“Mình nên làm sao đây? Mình chẳng biết trả lời sao cho phải. Mình tưởng chỉ cần
biết đàn là được rồi, mình rất chăm chỉ tập đàn, điều đó chẳng phải là tốt rồi
sao! Thầy đang muốn gì ở mình nhỉ?”
Katz không tha cho anh, ở những bài học tiếp theo, ông vẫn tiếp tục đặt ra hàng
loạt câu hỏi cho Sơn. Và câu hỏi hôm nay mới thật là đáng sợ:
“Hôm nay thầy sẽ đổi câu hỏi. Thầy muốn em hãy xem tác phẩm này, tưởng tượng nó
ra và diễn đạt thành lời cho thầy!”
Sơn ngước mặt lên, anh mấp máy môi như đang cố hít thật nhiều không khí vào
phổi:
“Gì thế? Lúc nào em cũng vậy sao? Sơn, em là cá à?”
Kazt rất hay nói châm biếm theo cái kiểu của người Do Thái. Những lời nói châm
biếm của ông rất triết lý, vừa mang tính hài hước vừa ẩn chứa một điều gì đó
sâu xa.
Từ bữa đó, Sơn bị gọi là “Cậu bé người cá”.
Trong khoảng thời gian sáu tháng, Sơn đã học được rất nhiều điều từ Kazt. Anh
được thầy chỉ cho cái gọi là “tự do”, “linh hoạt” khi biểu diễn. Và Sơn còn
được thầy dạy tất cả những gì được xem là quan trọng khi đàn piano. Song song
đó, anh cũng học được rất nhiều tác phẩm khác.
Khi Sơn gần kết thúc khóa học ở nhạc viện Hà Nội, Katz đã đề nghị với anh rằng:
“Sơn, tôi kỳ vọng rất nhiều ở em đấy! Có cuộc thi Long - Thibaud tổ chức ở Pháp
vào năm 1975, em có muốn thi thử không?”
Sơn bối rối:
“Có sớm quá không thầy! Em vẫn chưa chuẩn bị gì cho cuộc thi này. Em cần phải
học thêm nhiều tác phẩm nữa, nếu không thì...”
“Thầy biết vậy, nhưng đây là cơ hội tốt đấy!”
Khi nghe được điều này, bà Liên đã phản đối vì cho là còn quá sớm đối với Sơn:
“Mẹ biết rồi nhưng ta hãy chờ dịp khác đi nhé!”
Sơn bắt đầu thể hiện được âm nhạc bằng tiếng nói của riêng mình sau khi anh đi
du học ở Matxcơva. Ở Nhạc viện Matxcơva, người học sinh không chỉ đến lớp học
rồi biểu diễn, mà còn phải giải thích được tác phẩm đó bằng lời. Katz đã rèn
cho Sơn điều đó. Sau khi Sơn đi du học, Katz đã gởi một bức thư cho Natanson,
người thầy sau này của Sơn:
“Ông hãy trang bị kiến thức cho Đặng Thái Sơn đi nhé, để anh ta được có mặt
trong kỳ thi Tchaikovsky. Anh ta là một tài năng lớn đấy. Nếu có mặt ở cuộc
thi, tôi tin chắc anh ta sẽ đạt được kết quả cao. Ông hãy khuyến khích anh ta
nhé!”
Tuy nhiên, Natanson đã gởi thư từ chối vì Sơn chỉ mới học một năm ở Nhạc viện
Matxcơva. Bước sang năm thứ ba, Sơn thật sự muốn nói với Natanson rằng anh muốn
tham dự cuộc thi piano Chopin, nhưng ông đáp:
“Ta nên bắt đầu từ những cuộc thi nhỏ hơn! Anh cứ từ từ học thêm nữa đi, chẳng
có gì là quá muộn đâu!”
Tuy nhiên, Sơn cảm thấy rằng cho dù có bị loại thì cũng chẳng sao, đời người ai
mà chẳng có lúc thất bại chứ, với suy nghĩ đó, anh đã quyết định tham dự cuộc
thi piano Chopin.
Và khi anh giành giải nhất ở cuộc thi này, người vui mừng hơn ai hết là Katz:
“Đấy, thầy đã nói rồi, thầy tin là em có thể làm được. Chiến thắng, đó là điều
đương nhiên thôi. Em chính là niềm tự hào của thầy đấy. Thầy cảm thấy rất vui
như thể giải nhất này là của thầy vậy.”
Sơn biết thầy không nói đùa, thầy đang nói thật lòng mình, và anh cảm thấy thật
xúc động.
Khoảng thời gian Sơn đi du học, Katz dọn tới sống ở Gorky, một vùng nằm ở phía
bắc Matxcơva. Hai người khó có thể gặp nhau, vì vùng này cấm người nước ngoài.
Sau bao nhiêu năm không gặp nhau, vào năm 1999, Sơn cũng gặp được vợ chồng
Katz. Lúc này, Katz đã dời đến Jerusalem, và Sơn mời gia đình ông đến dự buổi
hòa nhạc của anh tại Paris. Sau buổi hòa nhạc, anh mời vợ chồng ông dùng bữa.
Với những gì đã đạt được của ngày hôm nay, anh cảm thấy như mình đã đền đáp
được một chút gì đó cho công ơn của thầy Katz. “Cậu bé người cá” ngày nào, giờ
đây đã có thể thể hiện bằng lời một cách rõ ràng về âm nhạc, về những gì mình
biểu diễn.
“Thầy ơi, hôm nay mình nói chuyện về âm nhạc đi!”
“Thế à, được đấy. Vậy là em đã trưởng thành rồi, có thể mở miệng ra nói rồi
đấy. Con cá nhỏ ngày nào giờ đã thành cá lớn rồi đấy.”
Bữa tối hôm đó, Kazt và Sơn đã cùng nhau đàm luận về âm nhạc, họ nói với nhau
một cách say sưa, tưởng chừng như không thể dứt được.