Đặng Thái Sơn - Người được Chopin chọn - Chương 10
Chương 10:
Pogorelic và Gavrilov
Ivo Pogorelic được sinh ra tại
Belgrade, Serbia, thuộc Liên bang Nam Tư, vào ngày 12 tháng 10 năm 1958. Năm
mười một tuổi Ivo Pogorelic đi du học tại Liên Xô. Năm mười sáu tuổi, vào học
tại Nhạc viện Matxcơva.
Tại Liên Xô những người học tại trường này được gọi là thành phần “tinh hoa”.
Sự thật thì hầu như những người nhận được giải thưởng trong các cuộc thi quốc
tế đều xuất thân từ trường này.
Pogorelic bề ngoài cao ráo, đầy tính nghệ sĩ và biểu diễn có phong cách riêng
nên từ ban đầu đã rất nổi bật.
Pogorelic đã từng đạt nhiều giải trong các cuộc thi âm nhạc khắp nơi. Năm 1978
đạt giải nhất cuộc thi âm nhạc quốc tế Casagrande diễn ra tại Terni nước Ý. Năm
1980 lại đạt giải cao trong cuộc thi âm nhạc quốc tế Montreal (Canada). Với
Kinh nghiệm tuyệt vời như thế, anh tham gia vào cuộc thi Chopin với nhiều lợi thế.
Dù cuối cùng không đạt được kết quả nào trong cuộc thi Chopin do liên quan đến
một vụ tai tiếng, nhưng anh đã để lại một ấn tượng rất sâu sắc trong lòng ban
giám khảo bằng phong cách biểu diễn độc đáo, mang đậm dấu ấn riêng của mình.
Sau đó anh đi biểu diễn khắp nơi với tư cách nghệ sĩ piano quốc tế và bắt đầu
ghi âm. Đồng thời Ivo Pogorelic cũng bắt đầu hướng tới phát hiện và đào tạo tài
năng trẻ. Năm 1989, anh tổ chức Liên hoan Âm nhạc Ivo Pogorelic, nơi các tài
năng piano trẻ có cơ hội biểu diễn cùng các nghệ sĩ nổi tiếng. Từ năm 1993, anh
khởi xướng cuộc thi độc tấu piano mang tính quốc tế mang tên Pogorelic.
Khi biểu diễn, Pogorelic luôn tập trung vào bản nhạc. Với anh, mọi khán giả hầu
như không hiện diện. Tiếng nhạc vang lên với nhiều cung bậc sâu sắc, những giai
điệu mạnh mẽ ngay sau đó lại là âm thanh nhẹ nhàng réo rắt như nước chảy. Giai
điệu dứt khoát thể hiện được nam tính. Đó chính là cá tính đặc biệt của
Pogorelic.
Có những ý kiến đánh giá trái ngược nhau đối với cách trình diễn của Pogorelic.
Phản ứng trước những ý kiến đó, Pogorelic đã nói: “Đối với tôi phản ứng của mọi
người phần lớn là cực đoan. Nhưng chỉ một số ít người thực sự hiểu được là tôi
vui rồi. Ban đầu đi đến đâu cũng có nhiều người xem bất bình. Nhưng lần tiếp
theo, mà khán giả bắt đầu hiểu, và bây giờ số người nghe hiểu tôi với sự hứng
thú từ tận con tim cũng đã tăng lên. Vì thế tôi luôn có thể tập trung biểu
diễn.
Ngay sau cuộc thi Chopin nhiều người nói nhiều về tôi, nào là bậc kì tài, hiếm
có, nào là có ý chí. Sau đó thì tôi không thể đi ra ngoài vì có nhiều người hâm
mộ đuổi theo. Còn bây giờ những việc như thế tôi không muốn suy nghĩ nữa. Tôi
chỉ muốn bình tâm chú tâm vào âm nhạc và sống cùng nó.”
Đối với Ivo Pogorelic, điều khiến nhiều người ngạc nhiên là anh đánh đàn rất mạnh.
Trong lúc biểu diễn cũng có nhiều lần bị đứt dây đàn. Thế nhưng gương mặt của
anh rất bình thường, vẫn tiếp tục cuộc trình diễn như không có chuyện gì xảy
ra. Cách biểu diễn này anh cũng đã học ở Liên Xô.
Ivo Pogorelic vào kí túc xá của Nhạc viện Matxcơva cùng lúc với Sơn. Tuy cùng
tuổi nhưng Pogorelic hơn Sơn ba học kì. Pogorelic từng nghe phong thanh là Sơn
muốn tham gia vào cuộc thi Chopin nên mới hỏi Sơn.
“Sơn này, phòng tôi có rất nhiều đĩa, cậu đến đó nghe không?”
“Cám ơn. Nhưng có tiện không?”
“Dĩ nhiên là không sao rồi. Nhanh nhé!”
Sơn đã nghe rất nhiều đĩa nhạc ở phòng Pogorelic. Đĩa đầu tiên mà Pogorelic đã
cho Sơn nghe là tác phẩm của Prokofiev do chính Pogorelic biểu diễn. Nhưng sau
cuộc thi Chopin, Pogorelic không còn quay lại Matxcơva nên Sơn chỉ biết có bấy
nhiêu. Hai người không có thời gian nuôi dưỡng tình bạn.
Còn Andrei Gavrilov sinh ra tại Matxcơva ngày 21 tháng 9 năm 1955. Vào năm sáu
tuổi anh đã bắt đầu học các lớp năng khiếu thuộc Nhạc viện Matxcơva. Năm 1972,
sau khi tham gia cuộc thi âm nhạc toàn Liên Xô, anh đã được nhận vào Nhạc viện
Matxcơva, lớp của Lev Naumov.
Vào năm 1974, mười chín tuổi, Andrei Gavrilov lần đầu tiên biểu diễn chính thức
tại cuộc thi Tchaikovsky và đã đoạt giải thưởng lớn.
Andrei Gavrilov có phong cách biểu diễn mạnh mẽ. Đặc biệt đối với những tác
phẩm của Nga như của Rachmaninov và Skryabin.
Andrei nói: “Tôi đặc biệt rất thích J. S. Bach. Lần đầu tiên tôi nghe nhạc của
Bach là lúc Glenn Gould biểu diễn ở Nga vào năm 1957. Dĩ nhiên khi đó tôi vẫn
còn nhỏ nên không thể đi xem trực tiếp, chỉ có thể nghe bài trình diễn qua
radio. Từ đó trở về sau tôi lúc nào cũng muốn vượt qua Gould và lấy đó làm mục
tiêu.”
Gavrilov biểu diễn một cách mạnh mẽ sinh động theo điệu nhạc, nhưng với sự tinh
tế, ta có thể thấy anh là người có trái tim dễ bị tổn thương. Tính cách bộc
trực thể hiện qua lời nói ngay thẳng như những gì suy nghĩ.
“Khi quyết định ghi âm khúc biến tấu Goldberg của Bach, tôi đã bị sự phản đối
của những người xung quanh. Tất cả đều nói với giọng lo lắng cho tôi khi phải
đối mặt với một thách thức lớn. Nhưng tôi đã vượt qua được. Vì tôi đã luyện tập
chăm chỉ trong suốt năm tháng, mỗi ngày từ mười lăm tiếng đến mười bảy tiếng.
Tôi cứ luôn nghĩ đến màn trình diễn của Gould, nhưng tôi cũng có thể làm được
như vậy. Tôi muốn thổi những làn gió mới vào phong cách biểu diễn của mình.”
Andrei đã trở thành quán quân trong cuộc thi Tchaikovsky, điều mà nhiều người
tham gia trong cuộc thi không ngờ tới.
Andrei Gavrilov và Sơn đã biết nhau tại nhạc viện Matxcơva. Tính tình cũng như
cách cảm thụ âm nhạc của họ hoàn toàn khác nhau, nhưng họ lại đồng cảm lạ lùng.
Vào năm 1982, hai người đã cùng trình diễn, cùng đánh bốn bản Concerto bằng hai
cây đàn piano khác nhau trong bốn ngày. Để có được buổi hòa nhạc đó cả hai đã
phải tập trung luyện tập hết bốn mươi lăm ngày.
“Sơn này, anh hãy chơi bài đầu tiên của Mozart đi. Bài đó thì có nhiều nốt cao,
sở trường của anh. Quãng giữa tôi sẽ phụ trách.”
“Tôi hiểu rồi, Andrei. Còn bây giờ Mendelssohn thì do cậu đảm nhiệm phần đầu
nhé. Phần đầu đòi hỏi trình độ kĩ thuật cao, tôi sẽ đánh giai điệu thứ hai.”
Cuộc biểu diễn cũng đã diễn ra như thế. Hai người đã bắt đầu hợp tấu. Ban đầu
thì cũng có tình trạng không thể hòa nhịp được vì ra sức đuổi theo nốt nhạc.
Những buổi trình diễn trong những ngày tiếp theo khi thay đổi giai điệu hai
người như đã thấu hiểu nhau; cho đến cuối bài hai người hoàn toàn không nhìn
nhau, nhưng giống như là họ nắm bắt được đúng lúc nốt nhạc giống nhau một cách
tự nhiên.
“Sơn này, vui thật. Đây quả là bài hợp tấu thú vị. Chính là vì chúng ta đã cảm
âm rất tốt.”
“Lúc đầu, không nhìn thấy gương mặt của Andrei nhìn vào bản nhạc tôi đã lo lắng
không biết phải làm sao, nhưng khi cùng luyện tập tôi càng cảm thấy tự tin hơn.
Vì hoàn toàn có thể đánh trôi chảy một cách tự nhiên.”
Bây giờ, cả Đặng Thái Sơn và Andrei Gavrilov không có thời gian để cùng tập và
biểu diễn chung một tác phẩm. Nhưng Đặng Thái Sơn cảm thấy rất vui và hạnh phúc
vì khoảng thời gian đã trải qua, niềm hạnh phúc có thể đồng cảm cùng nhà soạn
nhạc.