Đặng Thái Sơn - Người được Chopin chọn - Chương 15

Chương 15: Cú sốc của Argerich
Lần đầu tiên nghe Martha Argerich biểu diễn piano, Sơn có cảm giác rất lạ lùng, xúc động run rẩy. Bản Concerto số 1 dành cho piano của Chopin sáng chói và lộng lẫy, âm nhạc bay bổng.
Đó là năm Sơaw mười hai tuổi, nghe được bản nhạc ấy từ đĩa nhạc mà mẹ anh đem về sau khi dự thính cuộc thi Chopin năm 1970.
Từ đó, Sơn cũng nhận ra vẻ đẹp sâu sắc của âm nhạc Chopin. Sơn đã nghe âm nhạc của Chopin từ lâu lắm rồi, vì mẹ và chị đều chơi nhạc Chopin và nhiều học sinh cũng chơi nhạc của Chopin. Nhưng khi nghe màn trình diễn của Argerich thì hoàn toàn khác những lần đã nghe trước đây. Lúc đó Sơn đã nghĩ rằng: “Vậy âm nhạc của Chopin là gì trong những thứ mình đã nghe?” “Đây chính là ý nghĩa thực sự của âm nhạc Chopin. Âm nhạc thực sự của Chopin chính là đây!”
Một lần nữa, Đặng Thái Sơn bị cuốn hút từ buổi biểu diễn của Argerich vào năm 1980, trong Cuộc thi piano quốc tế Chopin, cuộc thi có Sơn tham dự. Khi đó, Argerich tham với tư cách là thành viên ban giám khảo, và sẽ biểu diễn cùng Dàn nhạc Giao hưởng Vácxava bản Concerto số 1 cung Si giáng thứ của Tchaikovsky. Cho đến bây giờ Sơn vẫn còn giữ đĩa nhạc này, và buổi trình diễn hôm đó của Argerich vẫn còn rất sống động trong lòng Sơn.
Sơn nói: “Thật tuyệt. Tôi nhận ra mình có niềm say mê nào đó với Tchaikovsky. Có lẽ đó chính là do nghe đĩa hát nhiều lần, dù cảm giác không mạnh bằng nghe ngoài thực tế. Tôi thấy tất cả như một giấc mơ.” Màn biểu diễn kết thúc, Sơn ngồi thẫn thờ tiếc nuối. Martha Argerich là một nghệ sĩ piano tuyệt vời. Cả dàn nhạc như bị cuốn theo cô ấy.
Sơn xúc động nói: “Đó là trải nghiệm mà cả đời tôi không thể quên.”
Đặng Thái Sơn đã bắt đầu tham gia cuộc thi Chopin trong tâm trạng bị “cú sốc” không thể nào quên ấy.
Tại cuộc thi này, Sơn gặp mẹ của Martha Argerich, bà Juanita Argerich. Xung quanh bà là những nghệ sĩ piano trẻ hâm mộ họ. Juanita cũng biết Sơn, bà nói: “Này, nếu có chuyện gì không hiểu thì hãy hỏi nhé. Không sao đâu. Cậu biểu diễn được mà. Đừng bỏ lỡ cơ hội đấy.”
Bà Juanita vừa hút thuốc vừa nói chuyện với mọi người một cách hăng say. Con gái bà có vẻ không mấy bằng lòng. Hai người ai cũng có bản tính quá sôi nổi. Juanita thì sống ở Paris còn Martha thì sống ở Geneve.
Ở Paris, người ta thường thấy Juanita đi cùng những nghệ sĩ piano trẻ trong các buổi hòa nhạc nhỏ ở các nhà hàng, cùng tham gia còn có chồng bà, ông Juan Manuel Argerich, và những người bạn khác của họ.
Sơn đã đi Paris biểu diễn vào năm 1981, lúc đó anh cũng có gặp Juanita và sau này, mỗi khi diễn ở Paris, Sơn đều ghé thăm gia đình bà.
Nhà Juanita hình như hoàn toàn không ngủ vào buổi tối.
Sơn cũng từng thắc mắc là: “Không biết bà ấy ngủ khi nào nhỉ? Trong nhà lúc nào cũng có người, ngay cả buổi tối cũng rất nhộn nhịp. Những người đó chắc phải có sức khỏe kinh khủng lắm!”
Khi Sơn đến Thụy Sĩ để biểu diễn, bà cũng tới tham dự, luôn luôn quan tâm, lo lắng đến sự nghiệp của Sơn. Sau một lần biểu diễn, bà nói với Sơn: “Có nhiều điều trên thế giới này mà chắc cậu chưa biết? Không chỉ là biểu diễn thôi đâu. Đối với một nghệ sĩ piano, một người theo đuổi âm nhạc thì cần phải học hỏi nhiều hơn nữa giống như là leo núi vậy!”
Khi Juanita mất, cách đây hơn mười năm, Sơn như đánh mất một phần cơ thể của mình. Trong lòng lúc nào cũng có một khoảng trống rất lớn.
Ở Paris còn một người nữa mà cũng có sức ảnh hưởng rất lớn đối với Sơn. Đó chính là nghệ sĩ piano Yvonne Lefébure.
Yvonne Lefébure sinh năm 1898, mất tại Paris năm 1986. Bà được biết đến như một thần đồng âm nhạc từ khi còn rất nhỏ. Chín tuổi đã có buổi trình diễn trước công chúng đầu tiên và vào học tại Nhạc viện Paris. Tại đây, bà thụ giáo những người thầy nổi tiếng như Alfred Dennis Cortot, Charles-Marie-Jean-Albert Widor; và bà cũng tổ chức nhiều chương trình biểu diễn. Năm 1930, bà rút ra khỏi giới biểu diễn và bắt đầu chuyên tâm với sự nghiệp giảng dạy.
Năm 1950 bà quay trở lại sân khấu và biểu diễn tại Liên hoan âm nhạc quốc tế Pau Casals. Năm 1965, bà tham gia tổ chức Liên hoan âm nhạc tháng 7 Saint Germain, có mặt nhiều nghệ sĩ lớn mà tiêu biểu là chỉ huy dàn nhạc Wilhelm Furtwangler. Cho đến những năm cuối đời bà vẫn tiếp tục biểu diễn.
Qua những lần gặp gỡ, những lời khuyên của bà mà Sơn dần mở rộng danh mục tác phẩm của mình sang các nhạc sĩ lớn của Pháp, bắt đầu là Debussy, Ravel...
Sơn bắt đầu tổ chức nhiều buổi biểu diễn khắp mọi nơi và quen biết với nhiều nghệ sĩ piano. Một nghệ sĩ piano cũng chỉ là một người bình thường, dù đi đến đâu cũng kết thúc bằng việc nghỉ ngơi hồi sức tại sân bay hay khách sạn. Nếu ở những nơi đó có người quen thì họ rất vui. Có những người bạn đã ảnh hưởng nhiều đến Sơn, khiến anh vững tin hơn, như Michel Broff, người Pháp, gặp nhau tình cờ ở Montreux khi cả hai cùng ngồi ghế giám khảo. Michel Dalberto, cũng người Pháp, thường xuyên biểu diễn các tác phẩm của Schubert và để lại ấn tượng đẹp trong lòng Sơn. Nelson Freire người Brazil cũng là một người rất thân thiện. Khi Sơn đến Brazil lúc nào ông cũng cho Sơn mượn piano của mình để luyện tập. Nelson Freire tự mang cho mình một sứ mệnh là nói cho thế giới biết về ý nghĩa thực sự của âm nhạc Chopin, và ông thể hiện qua hàng loạt các buổi hòa nhạc, các băng đĩa ghi âm. Tất cả đều có ảnh hưởng quan trọng đến Đặng Thái Sơn.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3