Lỗi lầm ở những vì sao - Chương 12 - Phần 2

Van Houten thở dài. Sau một ngụm khác, ông ta nói, “Rất tốt. Cô muốn biết câu chuyện của ai?”

“Mẹ của Anna, chú Tulip Hà Lan, Sisyphus chú chuột Hamster, ý cháu là, chỉ – những gì xảy đến với tất cả mọi người.”

Van Houten nhắm mắt lại rồi phồng má thở dài, sau đó nhìn lên những tấm xà gỗ đan chéo nhau lộ ra dưới mái trần nhà. “Con chuột hamster,” một lúc sau ông nói. “Con chuột hamster được Christine nhận về nuôi” – đó là một trong những người bạn của Anna trước khi bạn ấy mắc bệnh. Cũng có lý. Christine và Anna đã cùng chơi với Sisyphus trong một vài đoạn. “Nó được Christine nhận về nuôi và sống thêm một vài năm sau khi câu chuyện kết thúc và ra đi thanh thản trong giấc ngủ của loài chuột.”

Giờ thì mọi việc cũng đã tiến triển chút ít. “Tuyệt,” tôi nói. “Thật tuyệt. Rồi ạ, thế còn chú Tulip Hà Lan? Chú ấy có phải là kẻ lừa lọc không? Chú ấy với mẹ của Anna có kết hôn không?”

Van Houten vẫn chăm chăm nhìn những tấm xà. Ông ta uống thêm một ngụm. Chiếc cốc lại vơi gần hết lần nữa. “Lidewij, ta không thể làm được. Ta không thể. Ta không thể.” Ông ta hướng ánh mắt lơ đãng về phía tôi. “Chẳng có chuyện gì xảy ra với gã Tulip Hà Lan cả. Gã không phải kẻ lừa đảo hay không phải không là kẻ lừa đảo; Gã là Chúa Trời. Gã là một biểu tượng ẩn dụ hiển nhiên và rõ ràng của Chúa, việc hỏi chuyện gì xảy đến với gã cũng chẳng khác nào việc hỏi chuyện gì đã xảy đến với cặp mắt quái gở của bác sĩ T. J. Eckleburg trong cuốn Gatsby[96] cả. Vậy lão ta có kết hôn với bà mẹ của Anna không? Chúng ta đang nói về một cuốn tiểu thuyết, cô bé ạ, không phải những tiểu sử đời tư.”

[96] The Great Gatsby, tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Mỹ F. Scott Fitzgerald (1896–1940).

“Vâng, nhưng chắc hẳn ngài cũng từng nghĩ đến những chuyện đã xảy đến với họ chứ, ý cháu là chính nhân vật, tách biệt với những ý nghĩa ẩn dụ của họ.”

“Họ là những nhân vật hư cấu,” ông ta nói, gõ gõ cái cốc lần nữa. “Chẳng có gì xảy ra với họ hết.”

“Ngài nói ngài sẽ kể cho cháu,” tôi khăng khăng. Tôi tự nhắc mình phải thật cương quyết. Tôi cần giữ đầu óc quẫn trí của ông ta vào những câu hỏi của tôi.

“Có thể thế, nhưng ta đã lạc lối trong giả tưởng rằng cô không thể cứ di chuyển xuyên Đại Tây Dương được. Ta đã cố… an ủi cô, ta cho là thế, chuyện đó không nên thế thì tốt hơn. Nhưng để thành thực mà nói, cái ý nghĩ trẻ con rằng mọi tác giả của một cuốn tiểu thuyết đều thấu hiểu sâu sắc các nhân vật trong câu chuyện của mình… nó thật nực cười. Cuốn tiểu thuyết đó được viết ra từ những phác thảo nguệch ngoạc trong một mẩu giấy, cô bé ạ. Những nhân vật trong câu chuyện không hề tồn tại bên ngoài những phác thảo đó. Chuyện gì xảy đến với họ? Họ đều không còn tồn tại sau khi câu chuyện đã kết thúc.”

“Không,” tôi thốt lên. Tôi bật mình dậy khỏi chiếc ghế. “Không, cháu hiểu chuyện đó. Nhưng thật không thể nào lại không tưởng tượng đến tương lai của họ. Ngài là người tốt nhất có thể tưởng tượng nên cái tương lai đấy. Phải có chuyện gì đã xảy đến với mẹ của Anna. Bà phải kết hôn hoặc không. Bà phải đến Hà Lan cùng chú Tulip hoặc không. Bà phải có thêm những đứa trẻ khác hoặc không. Cháu cần được biết chuyện gì xảy đến với bà ấy.”

Van Houten mím môi lại. “Ta rất tiếc không thể chiều theo ý muốn bốc đồng trẻ con của cô, nhưng ta cũng từ chối thương hại cô theo cái cách cô đây hẳn đã quen.”

“Cháu không cần ngài thương hại,” tôi nói.

“Như mấy đứa ốm yếu khác cả thôi,” ông ta thản nhiên trả lời, “cô nói cô không cần thương hại, nhưng sự tồn tại của cô lại phụ thuộc vào nó.”

“Chú Peter,” chị Lidewij gào lên, ông ta vẫn tiếp tục trong khi ngồi dựa ở đó, lời lẽ càng lúc càng trôi chảy tuôn ra từ cái miệng say khướt. “Bọn trẻ con ốm yếu hiển nhiên đã bị trói buộc: Định mệnh buộc cô phải sống mãi như một đứa trẻ vào cái ngày cô được chẩn đoán, đứa trẻ tin rằng có một cuộc sống sau khi câu chuyện kết thúc. Và chúng ta, những người trưởng thành, chúng ta thương hại điều đó, thế nên chúng ta chi trả tiền điều trị, chi trả tiền cho máy thở ôxy. Chúng ta cho cô đồ ăn và thức uống dù biết cô sẽ không thể sống đủ lâu để...”

“CHÚ PETER!” chị Lidewij hét lên.

“Cô là một ảnh hưởng phụ,” Van Houten tiếp tục nói, “của quá trình tiến hóa mà cuộc sống cá nhân ít được để tâm tới. Cô là một thí nghiệm thất bại của đột biến.”

“CHÁU NGHỈ VIỆC!” chị Lidewij gào lên. Mắt chị đã ngân ngấn nước. Nhưng tôi không hề tức giận. Ông ta đang tìm cách gây tổn thương nhất để nói ra sự thật, nhưng dĩ nhiên tôi đã biết sự thật từ trước rồi. Tôi đã có hàng năm trời nằm nhìn cái trần nhà từ phòng ngủ đến ICU, và tôi đã tìm ra cách đau đớn nhất để tưởng tượng ra bệnh tật của chính mình cũng lâu lắm rồi. Tôi bước về phía ông ta. “Nghe đây lão già,” tôi nói, “ông không cần nói những điều về cái bệnh không phải tôi không biết. Tôi chỉ cần một và chỉ một điều từ ông thôi trước khi tôi biến khỏi cuộc đời ông mãi mãi: CHUYỆN GÌ ĐÃ XẢY RA VỚI MẸ CỦA ANNA?”

Ông ta mơ hồ ngẩng cái cằm ngấn mỡ về phía tôi và nhún vai. “Ta chẳng thể nói chuyện gì đã xảy ra với bà ta cho cô nghe nhiều hơn chuyện gì đã xảy ra với Người dẫn chuyện của Proust[97] hay chị của Houden Caulfield[98] hay Huckleberry Finn[99] sau khi gã bỏ đi tìm những vùng đất mới cả.”

[97] In Search of Lost Time (Đi tìm thời gian đã mất), tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Pháp Marcel Proust (1871–1922).

[98] The Catcher in the Rye (Bắt trẻ đồng xanh), tiểu thyết đầu tay của nhà văn Mỹ J. D. Salinger (1919–2010).

[99] Adventures of Huckleberry Finn (Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn), tác phẩm của nhà văn Mỹ Mark Twain (1835–1910)

“NHẢM NHÍ! Thật nhảm nhí! Chỉ cần nói tôi nghe thôi. Bịa chuyện gì cũng được!”

“Không, và ta sẽ rất cảm ơn nếu cô không nói tục trong căn nhà này. Một quý cô sẽ không trở nên như vậy đâu.”

Tôi vẫn không hề tức giận. Tôi chỉ cố gắng tập trung để đạt được thứ tôi đã được hứa. Trong cơn bộc phát tôi đã vung tay xuống cái bàn tay múp míp đang cầm cốc rượu Scotch đó. Phần rượu còn lại bắn tung tóe qua khuôn mặt to bè, chiếc cốc bật ra khỏi mũi ông ta rồi xoay vòng điệu nghệ trên không trung, đáp xuống vỡ tan tành trên sàn gỗ cứng lâu năm.

“Cô Lidewij,” Van Houten vẫn bình tĩnh nói, “tôi muốn một cốc martini[100], nếu cô không phiền. Chỉ cần một chút vermouth.”

[100] Martini, một loại cocktail pha chế từ rượu gin và rượu vermount.

“Cháu nghỉ việc rồi,” một lúc sau chị Lidewij nói.

“Đừng ngớ ngẩn thế.”

Tôi không biết phải làm gì. Tử tế không được. Thô tục không xong. Tôi cần một câu trả lời. Tôi đã đến được đây, đã cướp mất Điều ước của Augustus. Tôi cần được biết.

“Đã bao giờ cô dừng lại và tự hỏi,” ông ta nói, lời lẽ càng lúc càng líu nhíu, “tại sao cô quá quan tâm đến những câu hỏi ngu ngốc như vậy chưa?”

“ÔNG ĐÃ HỨA!” tôi gào lên, cảm nhận được tiếng than khóc bất lực của Isaac trong cái đêm của những chiếc cúp vỡ. Van Houten không trả lời.

Tôi vẫn đứng trước mặt ông ta, chờ đợi ông ta nói điều gì đó với mình cho tới khi cảm thấy bàn tay Augustus nắm lấy cánh tay của mình. Cậu ấy kéo tôi về phía cánh cửa, tôi bước theo cậu ấy trong khi Van Houten đang lên lớp chị Lidewij về sự vô ơn của giới trẻ ngày nay và cái chết của xã hội mẫu mực, và chị Lidewij, có đôi chút kích động, đã quát lại ông ta với bằng giọng Hà Lan nhanh như tên bắn.

“Cô cậu sẽ phải thứ lỗi cho cựu trợ lý của ta đây,” ông ta nói. “Tiếng Hà Lan nghe chẳng giống một ngôn ngữ hơn là một căn bệnh nơi cổ họng.”

Augustus kéo tôi ra khỏi căn phòng và đi qua cánh cửa bước vào buổi sáng cuối xuân với những cánh hoa du rơi.

***

Với tôi không có khái niệm nào gọi là chạy trốn, nhưng chúng tôi đều vội vã bước xuống cầu thang, Augustus cầm hộ giá đỡ, rồi chúng tôi bắt đầu đi bộ ngược về phía khách sạn Filosoof trên vỉa hè mấp mô những viên gạch hình chữ nhật lát đan nhau. Lần đầu tiên sau vụ chiếc ghế đu, tôi bắt đầu khóc.

“Này,” cậu ấy gọi, chạm tay vào eo tôi. “Này, mọi chuyện ổn mà,” tôi gật đầu rồi quệt nước mắt bằng mu bàn tay. “Lão ta thật tệ,” tôi gật đầu lần nữa. “Tớ sẽ viết cho cậu đoạn kết,” Gus nói. Điều này khiến tôi khóc còn to hơn. “Tớ sẽ,” cậu ấy nói. “Tớ sẽ. Tốt hơn tất cả những thứ nhảm nhí lão nát rượu đó từng viết ra. Đầu óc lão chỉ toàn phô mai Thụy Sĩ. Lão thậm chí còn chẳng nhớ mình đã từng viết cuốn sách nữa. Tớ còn viết được mười lần câu chuyện lão viết. Sẽ đầy máu đổ sẽ có mất mát và cả hi sinh. Nỗi đau tột cùng gặp Cái giá của Bình minh. Cậu sẽ thích nó cho.” Tôi gật đầu, cố nặn một nụ cười, rồi cậu ấy ôm tôi, hai cánh tay mạnh mẽ kéo tôi vào lồng ngực săn chắc của mình, tôi khóc đẫm một khoảng trên chiếc áo polo của cậu ấy nhưng rồi dần trấn tĩnh lại đủ để nói chuyện.

“Tớ đã phung phí Điều ước của cậu vào gã điên đó,” tôi nói vào ngực cậu ấy.

“Không đâu Hazel Grace. Tớ thừa nhận việc cậu đã dùng mất điều ước duy nhất của tớ, nhưng cậu không hề phung phí nó vào lão. Cậu đã dùng nó cho cả hai chúng ta.”

Tôi nghe thấy tiếng giày cao gót chạy theo lộp cộp phía đằng sau. Tôi quay người lại. Đó là chị Lidewij, phấn đánh mắt của chị chảy xuống đôi gò má trông hơi kinh dị, đang đuổi theo chúng tôi. “Có lẽ chúng ta nên đến thăm Nhà Anne Frank chứ,” chị Lidewij nói.

“Bọn em sẽ không đi đâu với gã quái vật đó nữa đâu,” Augustus nói.

“Ông ấy không được mời,” chị Lidewij đáp.

Augustus vẫn giữ chặt tôi, có vẻ đề phòng, một tay đặt lên bên má tôi. “Tớ không nghĩ...” cậu ấy bắt đầu nói, nhưng tôi cắt ngang.

“Chúng ta nên đi,” tôi vẫn muốn câu trả lời từ Van Houten. Nhưng đó không phải là tất cả những gì tôi muốn. Tôi chỉ còn hai ngày ở Amsterdam với Augustus Waters. Tôi không thể để một lão già đau khổ phá hỏng nó được.

Chị Lidewij lái một chiếc Fiat cà tàng màu xám có động cơ nghe như một bé gái bốn tuổi đang hét lên phấn khích. Chị liên tục rối rít xin lỗi trong khi chúng tôi vòng vèo qua những dãy phố của Amsterdam. “Chị rất tiếc. Không phải thanh minh đâu. Bệnh ông ấy rất nặng,” chị ấy nói. “Chị đã nghĩ việc gặp các em có thể sẽ giúp được nếu ông ấy nhận ra tác phẩm của mình ảnh hưởng đến những cuộc sống thực như thế nào, nhưng mà… Chị rất xin lỗi. Thật vô cùng vô cùng đáng xấu hổ.” Cả Augustus và tôi đều không nói gì. Tôi ngồi ở ghế sau với cậu ấy. Tôi lén đưa tay vào khoảng trống giữa thành xe và ghế ngồi của cậu ấy, tìm bàn tay cậu mà không thấy. Chị Lidewij nói tiếp, “Chị đã nhận công việc này vì chị tin ông ấy là một thiên tài và lương cũng cao nữa, nhưng ông ấy đã biến thành một con quái vật.”

“Em đoán ông ta rất giàu có nhờ cuốn sách,” một lúc sau tôi nói.

“Ồ, không không, ông ấy thuộc dòng dõi nhà Van Houten,” chị nói. “Vào thế kỷ mười bảy, tổ tiên ông ấy đã khám phá ra cách trộn bột cô cao vào nước. Một số thành viên nhà Van Houten đã di cư đến Mỹ từ lâu, trong đó có Peter, nhưng ông ấy đã quay lại Hà Lan sau khi viết cuốn tiểu thuyết. Ông ấy là nỗi xấu hổ của cả một đại gia tộc.”

Tiếng động cơ rú lên. Chị Lidewij sang số và chúng tôi đi lên chiếc cầu bắc ngang qua một con kênh. “Đó là do hoàn cảnh,” chị nói. “Hoàn cảnh đã biến ông ấy trở nên vô cùng tàn nhẫn. Ông ấy không phải người xấu xa. Nhưng hôm nay thì, chị đã không nghĩ – khi ông ấy nói những lời thậm tệ như vậy, chị không thể tin nổi. Chị rất xin lỗi. Rất rất xin lỗi.”

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3