Hitler và trận đánh Normandie - Chương 10
10
THỐNG CHẾ VON KLUGE NẰM QUYỀN TƯ LỆNH TỐI CAO BINH ĐOÀN B
NGÀY 20 THÁNG 7 NĂM 1944
ROMMEL, BỊ LOẠI RA KHỎI VÒNG CHIẾN, thoạt tiên cả Binh đoàn như rắn mất đầu. Tùy viên trưởng của Hitler, tướng Schmundt đề nghị Hausser thay thế Rommel, ông này chỉ mới ba tuần lễ trước đây vừa nắm quyền Tư Lệnh Lộ Quân VII. Viên tướng lãnh đầu đàn của lực lượng SS ở Miền Tây, Sepp Dietrich sẽ thế chỗ Hausser. Như vậy là âm mưu đưa những người thân tín kỳ cựu của Hitler nắm giữ các chức vụ then chốt tại mặt trận Miền Tây, được thể hiện càng ngày càng mạnh mẽ. Thống chế Von Kluge chống lại các vụ thuyên chuyển đó và đêm 19 tháng 7, chính ông nắm quyền tư lệnh Binh đoàn vừa vẫn bảo đảm sự liên lạc cá nhân với Bộ Tư Lệnh tối cao tại Miền Tây. Ông đóng tại Bản doanh tại La Roche-Guyon, trong khi tham mưu trưởng của Tổng tư lệnh mặt trận Miền Tây, Tướng Blumentritt, vẫn tiếp tục thi hành các mệnh lệnh khác với lệnh của Binh đoàn B tại Saint Germain. Sáng ngày 20 tháng 7, Thống chế Von Kluge đến thăm bản doanh của Lộ quân V thiết kỵ, nơi mà các Tổng tư lệnh và các Tướng lãnh chỉ huy mặt trân Normandie đều được vời đến. Thống chế đã ra các chỉ thị chiến lược đặc biệt liên quan đến hai địa điểm chủ yếu là Caen và Saint-Lô. Ông không đề cập đến vấn đề chính trị nào.
Lúc 17 giờ Tướng Blumentritt và Đại tá Finckh thuộc Bộ Tổng tham mưu, gọi điện thoại cho Tham mưu trưởng Binh Đoàn B và báo cho biết: “Hitler chết rồi”. Khi thống chế trở về giữa lúc 18 và 19 giờ, tin tức về sự thất bại của cuộc mưu sát đã được loan trên đài phát thanh. Tin ấy được xác nhận bởi nhiều cú điện thoại từ Tổng hành dinh của Hitler, với một số chi tiết.
Giữa 19 và 20 giờ, Thống chế Sperrle, các Tướng Von Stulpnagel và Blumentritt xuất hiện tại bản doanh của Bộ Tư lệnh Binh đoàn B. Tướng Von Stulpnagel và Trung tá Tiến sĩ Von Hofacker toan tính, một cách cấp bách, thúc đẩy Thống chế Von Kluge can thiệp vào các biến cố quyết định này. Họ nói có thể là cuộc mưu sát đã thất bại, tuy nhiên tại Bá linh, quyền chỉ huy đã chuyển qua tay Đại tướng Beck. Chỉ có việc chấm dứt ngay lập tức chiến trận ở Miền Tây- kể cả sự đầu hàng - người ta mới có thể đảm bảo sự thành công cho cuộc nổi dậy vẫn được âm mưu từ trước.
Trước khi lên đường, Đại tướng Von Stulpnagel đã chỉ thị cho viên “Tư lệnh Ba lê”, Tướng Bá tước Boineburg bắt giữ chỉ huy trưởng SS và cảnh sát tại Pháp, Oberg, cũng như toàn thể bộ tham mưu S.D của ông ta tất cả gồm khoảng 1.200 người, được giam giữ tại một địa điểm chắc chắn. Công tác bắt giữ này được thực hiện bởi lực lượng an ninh quân đội dưới quyền Đại tá Von Kraewel mà không cần một phát súng nào.
Các đơn vị được thông báo tin này và được giải thích rằng Hitler đã bị các lực lượng S.S. cho ra rìa vì ông ta sợ rằng chính lực lượng S.S sẽ dùng sức mạnh để chiếm quyền.
Thế nhưng, sau nhiều lần điện đàm riêng với các Tướng Beck, Hoppner và Fromm, với các tướng Warlimont và Stieff, Von Kluge không thể nào chấp nhận lãnh đạo một cuộc nổi dậy tại mặt trận Miền Tây. Theo ông, một giải pháp đơn độc tại mặt trận này, sau khi cuộc mưu sát thất bại, đối với Bá- linh và Tổng hành dinh của Fuhrer là điều không thể quan niệm được. Trước hết, trong hiện tại ông ta không còn tin chắc vào Bộ Tổng Tư Lệnh cũng như vào các đơn vị.
Sau nhiều lần điện thoại liên tiếp cho Tổng hành dinh của Fuhrer và cho Bá- Linh, Von Kluge ra lệnh cho các vị chỉ huy trưởng quân sự tại Ba lê phóng thích cơ quan S. D. Điều đó trong thực tế có nghĩa là khóa chặt số phận của tướng Stulpnagel. Von Kluge ra các chỉ thị tương tự bằng điện thoại cho tham mưu trưởng của ông là Đại tá Von Linstow, nơi đây Đô Đốc Kranche, Đại sứ Abetz và nhiều người khác hoảng sợ đã đến trình diện.
Tuy nhiên, vào các giờ phút bi thảm ấy, các chiến sĩ trên các mặt trận Caen và Saint- Lô đang chiến đấu trong một cuộc phòng thủ nguy ngập. Các chỉ huy trưởng đơn vị, các Tư lệnh quân khu tới tấp gọi điện thoại yêu cầu tăng viện, đòi hỏi soi sáng thêm về các biến cố xảy ra tại Tổng hành dinh của Fuhrer và tại Bá-linh mà họ được biết qua đài phát thanh. Tham mưu trưởng của Binh đoàn B phải trả lời tất cả các câu hỏi để giữ vững phòng tuyến.
Thống chế Von Kluge giữ lại Tư lệnh quân sự ở Ba lê, Trung Tá Tiến sĩ Von Hofacker và Tiến sĩ Horst để ăn tối với ông trong vòng cực kỳ kín đáo. Trong ánh sáng của đèn cầy, bữa ăn diễn ra trong im lặng hoàn toàn như trong một nhà xác. Không khí ảm đạm của giờ khắc ấy đối với những người khách còn sống sót vẫn khó mà quên được. Tướng Von Stulpnagel trở lại Ba lê; trong đêm ấy ông ta bị cách chức và được Tướng Bộ binh Blumentritt thay thế. Thống chế Keitel điện thoại triệu hồi Tướng Stulpnagel trở về Bá linh “để báo cáo”. Không báo trước cho Von Kluge biết, ông rời Ba lê sáng ngày 21 tháng 7 và khi đến gần Verdun, nơi ông đã chiến đấu trận Đệ nhất Thế chiến, ông cố tự sát bằng cách bắn một viên đạn vào đầu. Bị mù mắt, ông ta được đưa đến quân y viện tại Verdun, và bị đối xử như tù nhân của Gestapo. Sau khi được giải phẫu ông hồi tỉnh và kêu tên Rommel. Ngay khi hãy còn chưa bình phục hẳn, ông bị đưa về Bá-Linh, ra trước Tòa-án nhân dân, bị lên án tử hình bằng cách treo cổ và bản án được thi hành ngày 30 tháng 8; cũng như các Đại- Tá Finckh và Von Linstow thuộc Bộ Tổng Tư lệnh. Trung tá Von Hofacker cũng chịu cùng số phận ngày 20 tháng 12. Không hề sờn lòng một chút nào, ông ta gặp tham mưu trưởng của Binh đoàn B lần cuối ngày 19 tháng 12 trong căn hầm trụ sở Gestapo, đường Albrechtstrasse, tại Bá- Linh.
Vào tháng 4 năm 1942, lần đầu tiên thống chế Von Kluge tiếp kiến Bác sĩ Goerdeler, tại bản doanh của ông, gần Smolensk. Lúc ấy đã có cuộc trao đổi quan điểm với ông này, với Đại Tướng Beck, Đại Sứ Von Hassel và những người khác nữa. Hình như năm 1943 Von Kluge có tuyên bố sẵn sàng tham dự vào việc hủy diệt chế độ độc- tài quốc- xã tại Đức với hai điều kiện: Hitler phải chết và sự tập trung của bộ chỉ huy tối cao vào một mặt trận duy nhất (đông hay tây). Nếu điều kiện thứ hai được thỏa mãn từ ngày 4 tháng 7, thì điều kiện kia, điều kiện chủ yếu lại không được thực hiện. Ngày 4 tháng bảy khi ông nắm quyền tư lệnh mặt trân Miền Tây, qua sự đề nghị của tùy- viên trưởng của Hitler, Tướng Schmundt, ông này không ngờ vực gì cả, tướng Von Tresckow được bổ nhiệm làm tham mưu trưởng của ông. Tướng Von Tresckow đã từng phục vụ lâu ngày dưới quyền ông tại Binh đoàn Trung Ương, nên ông đã biết quá rõ về ý chí bất khuất và sự hiếu động cách mạng của ông này, cho nên ông từ chối sự bổ nhiệm ấy. Chính vì thế mà, Tresckow, một trong các đối thủ dữ dội nhất của Hitler, đầu óc trác việt và một nhân cách phi thường, không được thuyên chuyển đến Miền Tây. Tresckow tự sát ngày 21 tháng 7, trong chức vụ tham mưu trưởng Lộ quân II mặt trận Miền Đông để thoát khỏi tay bọn đao phủ. Chúc thư của ông có nhấn mạnh:
“Bây giờ sức nặng của cả thế giới đè nặng lên chúng ta và phủ lên chúng ta những lời nguyền rủa. Nhưng, hôm nay cũng như trước đây, tôi vẫn một lòng sắt thép tin tưởng rằng chúng ta đã hành động đúng. Tôi coi Hitler không những chỉ là kẻ thù không đội trời chung của Đức quốc mà còn là kẻ thù không đội trời chung của nhân loại. Trong chốc lát nữa, khi tôi đứng trước mặt Chúa, người sẽ phán xét tôi, để trình cho Ngài biết về những hành động, những sứ mạng, của tôi, tôi tin có thể trình bày với lương tâm thuần khiết, điều gì tôi đã làm trong cuộc tranh đấu chống lại Hitler. Cũng như một hôm Chúa đã hứa với Abraham là sẽ không hủy diệt Sodome, ngay cả trường hợp chỉ còn lại 10 đức công bình, tôi hy vọng rằng, vì chúng ta, Chúa sẽ không tiêu diệt Đức Quốc. Không một ai trong chúng ta có thể than van gì về cái chết của chính mình. Bất cứ ai đã nhập vào nhóm chúng ta đều cũng phải chịu đựng một mối đau khổ không thoát được. Giá trị tinh thần của một người chỉ bắt đầu khi nào người đó sẵn sàng hiến dâng đời sống cho niềm tin của mình.”
Trước khi đảm nhận chức vụ Tổng Tư Lệnh Miền Tây, Von Kluge còn tiếp Đại Tá Boselage, sau đó bị sát hại, người đã chuyển lời kêu gọi hành động của Tresckow, như họ đã cam kết với nhau từ trước. Vả lại Thống chế Von Kluge hoàn toàn bị bất ngờ vì vụ khởi động cuộc mưu sát ngày 20 tháng 7.
Von Hofacker từ Bá linh trở về chiều ngày 17 tháng 7 và biết được tin Thống chế Rommel bị thương nặng ở ga xe lửa. Ông ta không thể nào thông báo cho Von Kluge biết việc khởi động vội vã vụ mưu sát Hitler, bởi vì quyết định hành động vào ngày 20 tháng 7 chỉ được biểu quyết vào chiều ngày 19 tại Bá linh.
Sáng ngày 21 tháng 7 theo lệnh của Goebbels và Keitel, Ủy viên Quốc xã (Fuhrungsoffizier) cạnh Bộ Tư Lệnh Mó Đại diện Bộ Tuyên truyền tại Pháp tháp tùng, đến Bản doanh La Roche-Guyon. Ông ta muốn cưỡng ép Von Kluge ký một công điện thần phục Hitler mà họ đã soạn sẵn trước và ép ông lên tiếng trên các đài phát thanh Đức Quốc. Thống chế có thể tránh né được việc sau, nhưng bị bắt buộc gởi một điện văn chúc mừng dưới một hình thức khác, nhẹ nhàng hơn.
Mặc dầu vậy, Gunther Von Kluge cũng bị cuốn vào cơn bão tố giết người của ngày 20 tháng 7, định mệnh đã không dừng lại trước một người mà sự sáng suốt tỏ ra có vẻ mâu thuẫn với ý chí thực hành của ông.
Kể từ ngày 20 tháng 7 năm 1944, sự nghi ngờ của Hitler và của Bộ Tổng Tư Lệnh tối cao Quân lực đối với Von Kluge không ngừng gia tăng. Điểm này chắc chắn cũng là vì các cung từ khai thác được từ các tù nhân. Dầu sao chăng nữa các biện pháp được quyết định dưới thời ông làm tư lệnh cũng bị chỉ trích dữ dội và còn bị phá hoại tại “Obersalzberg” nữa.
Bài diễn văn lăng nhục do Bác sĩ Ley đọc chống lại giai cấp quí tộc và tập thể sĩ quan được nhiều người biết qua đài phát thanh. Các Tướng lãnh Nam- Tước Von Funk, Nam- Tước Von Luttwitz và Bá tước Von Schwerin công khai phản đối và đòi hỏi rút lại bài diễn văn ấy.
Mệnh lệnh của Tân Tham-mưu- trưởng quân đội lên án sự phạm tội của Bộ Tổng Tham- Mưu trong âm mưu chuẩn bị và thi hành cuộc mưu sát ngày 20 tháng 7 năm 1944 không được tham mưu trưởng Binh đoàn B chuyển đến các cấp đơn vị nhỏ, với sự thỏa thuận của vị Tư- Lệnh. Riêng về sự dẫn nhập cho cái gọi là sự cứu rỗi Đức quốc, áp đặt lên trên Quân lực Đức, vào lúc mà mỗi một binh sĩ thấy rõ sự sụp đổ sắp đến của cả hệ thống mà sự cứu rỗi ấy tượng trưng, thì nó xuất hiện trước mắt mọi người như một vở tuồng quái gở.