Nhãn đầu mùa - Chương 1 phần 2
… Vào một đêm đầu thu năm ấy, đồng bằng mênh mông ăm ắp ánh trăng. Trăng rằm rắc vàng trên dòng sông Luộc. Bóng những chiếc thuyền từ từ trôi. Mái chèo đập nước, hất tung những chuỗi hạt trăng óng ánh.
Từng tiểu đội du kích xã Thủ Sỹ đang họp trên đường 39. Ánh trăng mát rười rượi đọng sáng lấp lánh trên rặng nhãn chạy dài ven đường về đến thị xã.
Một hồi còi rúc lên phía Thái Bình. Tuấn nằm trên bờ đê mắt nhìn về phía ruộng theo dõi. Những nhịp còi ngắn trả lời bên kia ven đồng. Tuấn lẩm bẩm:
- Bảo mãi, vẫn cứ làm sai.
Bóng hai cô em gái nhô lên, chạy ra. Tý đi trước Na. Cả hai người đến gần bên Tuấn. Tý nhìn Tuấn đầy trách móc, lẩu bẩu:
- Khó quá! Chả nhớ được đâu!
Na ngước đôi mắt ngây thơ nhìn Tuấn.
- Cứ chịu khó, rồi quen đi anh Tuấn nhỉ?
- Phải cô giỏi. Cái gì cô cũng giỏi cả!
- Bao giờ cũng thế, cả trong các cuộc vui chơi, Tý cũng thường tinh nghịch lấn át bạn.
Na hiền lành nói nhỏ:
- Đấy! Em có nói gì đâu mà cái Tý nó cũng giận.
Tý lườm Na vùng vằng.
- Thì thôi! Không tập nữa!
Tuấn dỗ mãi, Tý mới hết giận:
- Ngày mai tôi chép cho Tý bài hát mới hay lắm!
Cô bé vụt tươi tỉnh, cười ríu rít như chim. Tý mê nhất bài hát. Cả ba tỏa xuống những ruộng lúa ven đường. Tổ liên lạc của đội du kích xã bắt đầu tập ký hiệu. Tuấn làm tổ trưởng. Năm ấy, Tuấn lớn nhất mới mười lăm tuổi. Các em say sưa tập đến khuya mới về. Tý chia tay bạn bên gốc nhãn. Cùng lứa tuổi, cùng xóm nhà sát gần, cả ba thường quấn quýt bên nhau. Như những măng non đâm thẳng, các em thiếu nhi đang độ trưởng thành. Thời gian trôi nhanh. Mấy mùa nhãn đã nở hoa bên bờ sông Luộc.
Tuấn vẫn làm tổ trưởng liên lạc. Có những đêm anh say sưa theo đội du kích tập dượt. Khuya về người mệt mỏi, Tuấn ngả lưng dựa vào gốc nhãn. Quen lệ, Tý đã chờ sẵn, đưa cho Tuấn bát nước chè nóng, tấm mía hay củ khoai. Tuấn im lặng nghỉ, mắt nhìn ra cánh đồng. Xa nhau thì nhớ, vắng nhau thì buồn. Tâm hồn họ trong trắng ngây thơ, chưa hề suy nghĩ về tình cảm yêu đương giữa hai người.
Một buổi sáng, ánh nắng như tắt hẳn trên dòng sông Luộc. Những chiếc ca-nô mở máy phăng phăng chạy như điên như cuồng. Giặc từ thị xã Hưng Yên ồ ạt tiến về các ngả. Tiếng súng đại bác nổ dữ dội. Khói bốc cuồn cuộn trùm lấp xóm làng. Trên đường 39, những cành nhãn trúng đạn xác xơ, gục đổ, hoa nhãn rụng lấm tấm khắp mặt đường. Những dấu giày đinh man rợ giẫm ngang dọc.
Chiến tranh ác liệt xộc đến như một dòng thác lũ. Thời kỳ đen tối bắt đầu. Giặc khủng bố, giết chóc ghê gớm. Suốt ngày, tiếng súng trường ghê rợn nổ cắt nhịp trên bờ sông Luộc. Những xác người bập bềnh trôi giữa dòng nước đục ngầu. Trong làng những đám cháy bốc lên khắp nơi. Nhân dân kéo nhau đi tản cư. Họ vào Hói, lên thị xã, nhưng ở đâu cũng không yên. Từng đoàn người chăn chiếu, nồi niêu lại kéo nhau trở về. Mấy ngày sau chính quyền, đoàn thể cũng phải lánh sang Thái Bình. Giặc đã lập bốt Ba Hàng, bốt Cao Vân và xây dựng nhiều vị trí chiếm đóng trên đường 39, ven sông Luộc lên thị xã để kiểm soát đường sang Thái Bình. Chúng xây bốt Triều Dương thành bốt chung của quận, án ngữ cả một vùng. Làng Thủ Sỹ nằm lọt trong tuyến chiếm đóng dày đặc của địch.
Lần đầu tiên, Tý hiểu thế nào là chiến tranh tàn khốc. Vành môi cắn chỉ luôn luôn nở nụ cười tươi như hoa giờ mím lại đau xót. Cặp mắt đen láy rưng rưng nhìn xác người gục trên ruộng lúa. Tý vô cùng luyến tiếc nhớ lại những đêm trăng mát rượi vui đùa dưới rặng nhãn chạy dài ven đường. Bóng người thấp thoáng đuổi nhau, tiếng cười nói ríu rít.
Một chiếc xe “díp” vượt qua… lại một chiếc khác. Và tất cả cái gì tươi mát đã mất. Chỉ còn ánh trăng lạnh lẽo tỏa xuống những thôn xóm tan hoang, những mái nhà cháy nham nhở. Những luống rau cải xanh mơn mởn trong vườn nhà Tý bị giẫm nát, in dấu những gót giày đinh tàn bạo. Hàng rào dâm bụt tan hoang, vương vất những bông hoa đỏ rách nát.
Những hình ảnh đau xót giận dữ hằn sâu trong lòng, cô gái Hưng Yên không sao quên được. Cũng từ đấy, Tý cùng các bạn trong tổ liên lạc thực sự bước vào cuộc chiến đấu gian khổ. Ngày đêm, họ cùng với du kích xã chặn chân thằng giặc, bảo vệ xóm làng.
Tình hình dần dần được ổn định. Mấy lần địch lập tề bị ta phá, dựng lên lại đổ xuống. Giặc cho quân về càn đi quét lại, chọn những người trong lý hương cũ lập ngụy quyền. Địch khó khăn lắm mới tìm được Tổng Lữ, Hương Cựu. Trước sự đe dọa của địch, họ nhận làm nhưng vẫn sợ nhân dân. Qua một thời gian địch cũng nhận thấy họ không còn tác dụng làm tay sai cho chúng nữa. Lúc này phong trào phá tề của huyện Tiên Lữ rất sôi nổi, chính quyền địch ở Thủ Sỹ sụp đổ. Làng Thiện Phiến nằm trong vòng kiểm soát của giặc, nhưng chính quyền hoàn toàn về ta. Địch thường xuyên uy hiếp bằng quân sự. Nhưng phong trào quần chúng ngày càng lớn mạnh, chính quyền, đoàn thể đã bám sát dân xây dựng lực lượng.
Lẻ tẻ các trận phục kích đã xảy ra trên đường 39. Địch càng hoạt động ráo riết. Trên đường về thị xã, không lúc nào ngớt tiếng xe ì ầm chuyển bánh. Tổ liên lạc ba người được nhiệm vụ theo dõi tình hình địch chuyển quân. Tý luôn luôn bám sát thân đê vào những đêm tối trời. Gặp những đoàn xe địch trong đó có những chiếc chạy bằng xích sắt Tý mới thấy lần đầu tiên; có loại Tý đếm đúng có hai hàng bánh, mỗi bên ba cái, khác hẳn những loại xe thường. Cứ mỗi lần như thế, Tý lại báo cáo cho Tuấn biết tình hình bên gốc nhãn. Chỉ cách khoảng vài ngày sau, một chiếc xe giặc trúng mìn đổ lăn trên đường 39. Và thỉnh thoảng, Tuấn chuyển lời khen của Ban chỉ huy xã đội cho tổ điều tra liên lạc. Cặp mắt đen láy của Tý sáng lên chan chứa niềm vui. Trong khi đó Na dựa lưng vào gốc nhãn cười ngây thơ hiền hậu.
Giặc càng bắn phá, tàn sát không tiếc tay. Ban đêm bóng tối u uất đè nặng lên thôn xóm. Những quả đạn moóc-chê tai ác câu về bất kể ngày đêm.
Những hàng tre bật gốc, cháy sém. Những xác người trúng đạn vắt qua bờ ruộng. Những cành nhãn bị tiện ngang, những vết xe cóc hằn sâu trên đồng lúa. Cảnh chết chóc tàn phá hàng ngày dần dần trở nên quen thuộc với Tý. Chị không còn hoang mang, e sợ như lúc đầu. Tý hiểu rất đơn giản giặc ác hơn quỷ dữ. Nó giết người không ghê tay. Mình không thể chung sống với nó. Muốn sống, phải cầm khí giới quật vào mặt thằng giặc, đuổi nó đi, làng xóm mới được yên vui. Ngoài ra, không có cách nào khác. Chị Hiền đã nhiều lần nói với chị em như thế! Càng ngày, Tý càng thấy điều đó là đúng.
Sau mấy lần xe đổ, Tý trông thấy tận mặt những thằng Tây chết. Những hình thù quái gở nằm co quắp bên đường. Chiếc mũ đỏ thảm hại bị bắn ra bên cạnh. Có thằng bị thương khóc lóc, rên la hèn nhát, Tý chẳng còn thấy thằng giặc ghê sợ như lúc đầu. Chúng có vẻ hùng hổ bên ngoài, nhưng nhiều khi gặp bộ đội chặn đánh là chạy như vịt. Dần dần, Tý làm quen với khói lửa chiến tranh. Cũng đôi lúc, trước những khó khăn gian khổ chồng chất lên đời sống Tý nhớ tiếc những chuỗi ngày tươi vui khi chưa có bóng giặc. Bây giờ đi cắt cỏ, hay đem ngọn mía ra đồng cũng phải đề phòng trông trước, trông sau. Na, Tuấn, Tý gặp nhau dưới gốc nhãn trao đổi tình hình cũng phải cẩn thẩn. Tý đã qua những đêm thức trắng men theo con đường nhầy nhụa xa tít mới bò đến được ven đê, ven cống Triều Dương để dò xét tình hình.
Tý vui sướng khi hiểu được mình cũng đã cùng chị em tham gia công việc đánh giặc giữ làng. Đời sống và tình cảm con người ngày càng hòa hợp với cuộc kháng chiến vĩ đại. Bản tính hồn nhiên, vui vẻ trở lại với cô gái xinh xắn đang tuổi dậy thì. Nụ cười tươi tắn lại nở trên vành môi cắn chỉ. Tiếng hát trong vắt lại vẳng lên quyện vào hàng tre những đêm liên hoan mừng thắng lợi.
Tý say sưa lao vào công tác. Chị len lỏi ven ruộng, bờ đê không kể ngày đêm. Nhiều lúc Tý băng mình dưới trời mưa tầm tã. Những đêm cần liên lạc với bộ đội ở Thái Bình, Tý đã dũng cảm chèo thuyền nan, vượt dòng nước đục ngầu chảy xiết. Có lần bị lộ, giặc đuổi bắn. Đạn lỗ chỗ tung tóe nước quanh chiếc thuyền nhỏ như chiếc lá sen gặp bão lớn giữa dòng.
Một đêm tối trời, Tý trườn người nhô qua thân đê, chị chăm chú nhìn. Đoàn xe của giặc sắp sửa qua phà. Những chiếc xe lớn, buông mui kín mít. Giặc đang chuyển quân ban đêm, sửa soạn trận càn lớn. Một tiểu đội lê dương từ bốt Triều Dương tỏa ra bao quanh bến phà bảo vệ đoàn xe qua sông. Mấy tên tài xế mở cửa nhảy xuống, cười nói xì xồ.
Tý bò nhẹ nhàng về phía bốt giặc sát bến phà để quan sát cho kỹ hơn. Những đêm về cuối tháng, trời tối như mực. Gió lạnh hun hút từ phía sông thổi thốc lên. Tý rùng mình xuýt xoa khe khẽ. Chị xiết chặt vành khăn mỏ quạ áp vào tai cho đỡ lạnh. Tiếng sóng rì rào vỗ vào bờ. Dòng sông mênh mông sẫm màu uốn mình kéo dài về xuôi. Hàng tre ven sông uốn ngọn theo chiều gió, trút lá rào rào. Tý bò được một quãng ngắn, ngã khuỵu xuống mặt đê. Hai tay tê dại hẳn đi. Trống ngực đập mạnh. Má chị áp xuống mặt đất lạnh ngăn ngắt. Cả người rũ rượi không còn muốn nhúc nhắc. Mắt hoa lên không thấy gì. Gió vẫn thổi mạnh hắt vào người Tý hơi lạnh thấu xương.
Tiếng gà gáy nửa đêm đã vang trong xóm. Thỉnh thoảng những loạt pháo hiệu của địch vụt cháy trong đêm tối dày đặc. Đáng lý, giờ này Tý về hội ý từ lâu. Nhưng hôm nay thấy đoàn xe giặc, Tý nán ở lại. Đã mấy hôm liền ngày làm quần quật, đêm lại thức khuya, Tý thấy đuối sức nhiều. Điều đó nhiều lần Tý giấu mẹ. Ở nhà trước mặt bà Cần, Tý làm ra bộ khỏe khoắn, cười nói vui vẻ. Thật tình Tý đã mệt lắm, nhưng vẫn phải gắng gượng đi. Ngay cả Tuấn, chị cũng không cho biết. Tý không muốn bỏ việc một buổi nào. Không nắm được tình hình, bộ đội du kích khó mà đánh địch. Chúng hành động bất ngờ, mình trở tay không kịp. Nhất là những buổi như đêm nay, địch đang tập trung lực lượng để càn quét cướp phá, làm thế nào để dò xét được, loan báo cho nhân dân. Tý chờ giờ phút nguy hiểm này đây. Những ý nghĩ quay cuồng trong đầu óc, giúp Tý thêm sức mạnh vượt qua quãng đê lầy lội, tiến sát bến phà.
Gió đột nhiên đổi chiều, thổi mạnh. Gió rú bên tai ù ù. Hàm răng Tý đánh lập cập. Đầu nặng trình trịch không sao cất lên được. Tý muốn nhích người xuống thân đê để tránh gió nhưng đành chịu. Chân tay tê liệt không còn nhúc nhắc được.
Những vệt đèn pha nhảy múa lung tung trước mặt, mỗi lúc một lan rộng, rồi sau mờ dần, mờ dần. Đôi mắt Tý từ từ nhắm lại.
Như thường lệ, Tuấn chờ Tý bên gốc nhãn để lấy tin tức. Đã khuya không thấy Tý về, anh bồn chồn đi lại. Bóng một người con gái hiện ra ngay chỗ ngoặt làm Tuấn vui mừng. Anh bước nhanh ra đón.
- Anh Tuấn.
Tuấn mở to mắt ngạc nhiên:
- Khuya rồi, cô Na còn đi đâu đấy?
Na cúi mặt cảm thấy hơi khó chịu. Chị buồn bực như người vừa bị hắt hủi. Thật ra Na đến đây cũng vì Tuấn. Tại sao anh ta lại vô tình đến thế. Na buộc lòng phải nói dối:
- Em xuống xóm Giếng có tí việc.
Tuấn vẫn không để ý đến Na. Anh vẫn nhìn ra phía sông Luộc.
- Lạ quá! Sao mãi không thấy cô Tý về?
Na nghĩ thầm trong bụng: Lúc nào cũng Tý, cô Tý! Anh ấy còn để ý đến ai?
- Tôi phải đi đây cô Na ạ! Sốt ruột quá! Nhỡ có gì xảy ra…
Đến lúc này, Na mới nhớ đến công tác, nhớ đến tình bạn. Chị cảm thấy mình không phải với Tý.-
- Anh cho em đi với!
Tuấn gạt ngay:
- Thôi, nhờ cô báo cho anh Thân biết.
Tuấn quay người chạy vụt đi. Na đứng lặng người trông theo. Đúng là hai người yêu nhau, hò hẹn với nhau rồi nên mới lo lắng, săn sóc chu đáo đến thế! Mình còn đi yêu Tuấn làm gì? Na bước thẫn thờ về nhà, lòng nặng trĩu.
Trong đêm tối, Tuấn vẫn chạy nhanh.
Bóng anh tổ trưởng liên lạc băng băng qua cánh đồng hướng về Khu Hạnh, phía bốt Triều Dương. Người Tuấn nóng bừng bừng. Trong đầu anh nhiều câu hỏi dần dập: Tý bị địch bắt hay thất lạc? Có bao giờ Tý sai hẹn đâu, nhất là những trường hợp đi lấy tin địch. Tý nhanh chân, nhanh tay, đã nói là làm đến nơi đến chốn. Anh Thân chẳng đã khen Tý ít tuổi mà làm việc có “nguyên tắc quân sự” là gì? Tuấn sốt ruột băng qua ruộng mía, men theo bờ ruộng, bám sát chân đê. Những vệt đèn pha chiếu sáng bốt Triều Dương làm anh chậm bước nghe ngóng.
Mấy chiếc xe đầu đã qua phà, dừng trước cổng bốt. Tuấn cẩn thận cúi thấp người ven đường cái. Anh trườn qua nhanh như một con rắn. Chỉ cánh mấy thửa ruộng ngắn đến khúc ngoặt của con đê. Anh nhìn chung quanh tìm kiếm, nhưng cặp mắt vẫn không rời đoàn xe địch. Anh đếm từng chiếc xe, nhớ kỹ các loại, ước lượng số quân địch nhấp nhô trước bến. Tuấn mở căng đôi mắt. Bóng tối bực dọc bao phủ mịt mù. Tiếng Tuấn khe khẽ hòa trong gió, bắt chước tiếng chim ăn đêm, một ám hiệu của tổ liên lạc thường dùng để báo tin cho nhau.
Tiếng sóng rì rào từ mặt sông vẳng lên. Tuấn đi ngược về phía bốt. Tý vẫn mất hút. Gió lồng lộn hú lên từng cơn dài. Tuấn vội bước đi. Tiếng động cơ nổ mạnh phía bến phà. Đoàn xe lại tiếp tục chuyển bánh sang sông. Tuấn khom lưng bước nhanh. Anh vấp phải một thân người nằm vắt ngang thân đê. Tuấn hốt hoảng cúi xuống nhìn. Tay anh động đến chiếc khăn mỏ quạ. Tuấn giật mình nhưng rồi trấn tĩnh được ngay. Trong bóng tối anh đã biết ngay là Tý. Tuấn sửng sốt gọi khẽ:
- Tý! Tý phải không?
Tý nằm im không nhúc nhích. Tuấn nhìn quanh, lòng vô cùng thương xót. Hơi thở Tý đều đều, Tuấn đoán Tý vừa bị ngất đi vì quá mệt.
Dưới bốt, vệt đèn pha chuyển động. Anh vội vàng bế Tý nấp dưới khúc ngoặt của thân đê. Tuấn ôm Tý ngồi lọt thỏm vào hai bờ đất kín đáo như một cái hang nhỏ. Tuấn quay lưng ra ngoài che gió cho bạn. Đoàn xe địch đã nối tiếp qua phà, băng băng trên đường về Thái Bình. Tiếng động cơ lẫn trong gió lan rộng khắp cánh đồng. Từng loạt đại bác nổ liên hồi dọn đường cho đoàn xe phóng nhanh. Cách khoảng đều đặn, ánh đèn pha quét ngang trên đầu hai người. Khuôn mặt Tý hiện ra hiền hậu như đang trong giấc ngủ ngon. Và khi chiếc xe cuối cùng trong đoàn đã đi xa, tiếng động cơ mất dần trên khoảng đường vắng, Tuấn thong thả xốc Tý lên vai quay về lối xóm.
Trời đã ngừng gió. Tuấn chầm chậm bước trên đường ruộng. Trên lưng anh, Tý vẫn thở đều đều. Hơi thở và những sợi tóc buông nhẹ làm ấm gáy Tuấn. Một ý nghĩ vụt qua: liệu Tý có làm sao không? Tuấn thấy lo ngại cho Tý. Chưa bao giờ Tuấn thấy gắn bó với Tý như lúc này. Nếu Tý chết, không chỉ tổ liên lạc thiếu mất một người, mà riêng Tuấn thấy mình thiếu đi nhiều lắm. Từ bé, có lúc nào cạnh Tuấn không có Tý đâu? Tuấn không cắt nghĩa nổi cảm giác lúc này của mình. Tuấn nhớ câu nói của anh Thân, chính trị viên xã đội dặn dò tổ liên lạc lúc nhận nhiệm vụ:
- Các đồng chí - lần đầu tiên Tuấn sung sướng được nghe gọi là đồng chí - các đồng chí phải coi nhau như ruột thịt, sống chết có nhau vì từ nay chúng ta đã bắt đầu chiến đấu gian khổ.
Tuấn nhẹ bước, tránh xốc mạnh để giữ Tý nằm yên trên vai mình. Tuấn men theo bờ ruộng, vòng qua khu Việt Hồng, bỏ các xóm Dương Khượng, xóm Cháy rồi quanh về phía sau làng. Anh chui vào một bụi rậm kín đáo khuất sau gò đất cao. Tuấn nhẹ nhàng đặt Tý lên đám rơm êm, rồi vơ vội nắm rơm đánh diêm đốt lửa sưởi cho Tý. Ánh lửa bốc cháy ấm áp. Hơi nóng tỏa nhẹ chung quanh hai người. Trong ánh lửa hắt sáng, da mặt xanh ngắt của Tý dần dần ửng hồng. Tuấn sung sướng chắc Tý không chết và ngay lúc ấy Tuấn có ý nghĩ chắc chắn là từ giờ phút này Tý sẽ gắn bó với mình. Đã từ lâu Tuấn mơ ước được người vợ như Tý. Hai người cùng công tác, chiến đấu, sản xuất trên những nương ruộng, và dưới mái nhà nhỏ xinh xinh.
Tuấn mồ côi cả cha mẹ, anh em không có, chỉ còn một thân một mình. Tý về nhà anh là đem lại cho anh mọi sự tươi vui đầm ấm.
Tuấn vơ thêm những lá nhãn khô đốt to ngọn lửa. Sức lửa nóng đánh tan băng giá thấm vào cơ thể làm Tý dần dần tỉnh lại. Tý từ từ mở mắt ngơ ngác nhìn quanh. Thấy Tuấn ngồi ngay bên cạnh, Tý bàng hoàng. Chị sực nhớ mình bị ngã xuống mê đi khi theo dõi đoàn xe địch qua phà. Chị hiểu Tuấn đã bắt gặp rồi đưa chị về đây. Chưa bao giờ Tý cảm thấy giữa mình với Tuấn gần gũi thân thiết như bây giờ. Tuấn không ngại làn đạn của địch lặn lội ra tận ven sông tìm Tý để đưa Tý về. Không có Tuấn có lẽ Tý đã sa vào tay giặc đêm nay. Tý muốn nói với Tuấn lòng biết ơn sâu sắc, nhưng chị e thẹn không biết mở miệng ra sao. Tuấn thấy Tý lại khẽ nhắm mắt nên cúi xuống gọi:
- Tý, cô Tý!
Tiếng Tuấn thì thầm bên tai. Giọng nói ngày thường sao lúc này Tý nghe âu yếm lạ! Bất ngờ Tuấn khẽ nắm bàn tay Tý sẽ hé mắt nhìn lên, Tuấn vội vàng rút tay về. Tý ngồi thẳng dậy chớp đôi mắt vì chói lửa. Trong giọng nói vui mừng Tuấn vẫn không giấu được sự lúng túng:
- Cô Tý, tỉnh rồi, may quá!
Tý ngập ngừng:
- Kìa, anh Tuấn, sao em lại ở đây?
Lần đầu tiên nghe Tý xưng “em”, Tuấn thấy vừa ngượng nghịu vừa sung sướng. Tuấn ngồi dịch ra xa hơn. Giọng anh ngượng ngập:
- Cô bị ngất ở đê, tôi đưa về.
Anh nhìn đi nơi khác và lúng túng khi nói tới chữ “đưa” vì muốn tránh tiếng “cõng” về. Tý vụt hiểu ngay. Cả hai đều e thẹn khác hẳn ngày thường. Họ nhớ lại cử chỉ, ý nghĩ mình vừa qua. Tý lấy ngón chân di di trên mặt đất. Tuấn ngây người quên cả chuyện giục Tý về. Anh ngước nhìn, gặp ngay cặp mắt Tý, đâm lúng túng, chỉ kịp hỏi bâng quơ:
- Cô có làm sao không?
- Em chả làm sao cả, cảm xoàng thôi!
Tý mỉm cười dịu dàng. Gió thổi bay những tàn lửa đỏ lung linh. Trong đôi mắt Tý mở to Tuấn thấy rõ ánh lửa đang nhảy múa…
*
* *
Chiều ngày sau, Tuấn chờ Tý dưới gốc nhãn. Chiếc đòn gánh đặt trên vai. Mắt Tuấn đăm đăm nhìn qua hàng rào dâm bụt. Tý vừa lách người khỏi bờ giậu. Chị lắc đầu nhìn Tuấn:
- Em tìm mãi không thấy đòn gánh. Chẳng biết bu em cho ai mượn mất rồi.
Tý chợt thấy vệt bùn trên vai Tuấn. Chị định bảo Tuấn biết nhưng lại thôi. Tự nhiên câu chuyện Tý thèn thẹn nghĩ đến chuyện mới đêm trước, mình đã ngả đầu trên vai anh chàng, Tý vội nhìn đi nơi khác.
- Hay anh chờ để em đi mượn…
Một ý nghĩ mới mẻ, táo bạo vụt đến trong đầu Tuấn ngập ngừng trao đòn gánh cho Tý.
- Tý cầm lấy mà dùng. Tôi còn cái khác… Chiếc đòn gánh Tuấn tự làm lấy. Đôi mắt đen láy mở to nhìn Tuấn cảm ơn:
- Cho em rồi anh lấy gì mà gánh?
- Tôi sẽ làm cái khác. Chỉ một chốc thôi.
Hai người cùng nhập với anh chị em du kích kéo ra ruộng mía.
Từ hôm ấy, Tý sống trong tâm trạng tươi vui, bừng bừng sức sống. Anh chị em du kích ai cũng nhận thấy sự đổi thay của Tý. Chị làm việc, ca hát suốt ngày và hình như càng xinh đẹp hơn. Bao nhiêu anh trai làng và nhiều thanh niên ở các xã bên bắt đầu mơ tưởng.
Có những đêm Tý nằm thao thức không ngủ được. Hình ảnh anh du kích thân yêu chập chờn len vào những giấc mơ ngắn ngủi và rất đẹp. Tý hay nằm mơ thấy Tuấn nhưng giấu biệt không dám kể với ai. Những chiều đi làm đồng về, Tý rửa đòn gánh thật sạch. Nhìn đòn gánh, Tý lại nhớ đến Tuấn và trong lòng chị niềm vui lại dâng lên dào dạt.
Một buổi sáng Na đến chơi nhà Tý. Bà Cần đi vắng. Hai chị em ngồi nấu cám lợn trong bếp. Vẻ mặt Tý tươi vui phấn khởi. Tý tâm sự với Na về mối tình của mình. Cả chuyện Tuấn cõng Tý ở đê về, chuyện Tuấn đưa đòn gánh cho Tý, Tý kể hết. Trong lớp thanh niên mới lớn ở xã, Na với Tý là bạn thân nhất. Tý tin chắc Na sẽ tán thành vun vén thêm vào. Na cố giữ vẻ mặt bình thản nhưng trong người bàng hoàng, tê tái. Từ lâu, chị đã thầm yêu Tuấn, nhưng vốn tính kính đáo, Na không để lộ cho ai biết. Chị không ngờ Tý cũng không biết và hai người đã ngỏ ý với nhau. Na là kẻ đến chậm. Mối tình đầu trở nên ngang trái, Na hiểu Tý không có lỗi gì.
Trong lúc say sưa kể, Tý thoáng nhận thấy những nét ngượng ngập trên vẻ mặt bạn, Tý thông cảm rất nhanh, chị thương bạn.
Những ngày về sau, cả hai đều hết sức tránh những điều gì không hay có thể làm đụng chạm đến tình bạn thân thiết. Họ đều giữ kín không muốn cho Tuấn biết.
*
* *