Nhãn đầu mùa - Chương 2 phần 4
Cả đêm Tý không ngủ được vì chuyện Xã Vang đến xin cưới. Chị dằn vặt, bực bội với mẹ. Bà Cần thấy con phờ phạc, như người mất hồn. Bà thương Tý nhưng vẫn giận con dại dột không nghe lời mẹ.
Tý ngồi yên lặng, gục mặt vào hai bàn tay. Bà Cần cất giọng dịu dàng dỗ:
- Bu cũng muốn cho con sung sướng, chứ có phải vùi dập con đâu? Nhà người ta căn cơ, có gia bản, về sau có con cái cũng đỡ vất vả. Nó lại là con một…
Tý không ngẩn đầu lên, trả lời mẹ, giọng cứng rắn:
- Tôi không cần cái thứ căn cơ ấy! Cái lối hà tiện vắt cổ chảy ra nước, cả làng ai còn lạ gì?
Bà Cần ngồi lặng người. Bà yên trí sáng nay Tý không giận dỗi như hôm qua. Bà hiểu tính con, lúc nào đã thốt ra xưng < tôi > với mẹ là lúc đã bực bội lắm.
- Con một cũng chả thiết! Của cải cũng chả cần. Giặc nó đến đấy, rồi bê cả ruộng vườn, cả nhà ngói, cây mít mà chạy? Cứ làm lấy mà ăn không nhờ vào ai là được!
Bà Cần như giẫm phải lửa. Bà cố kìm nỗi giận dữ cho khỏi bùng lên. Không ngờ, Tý hôm nay dám đối đáp với mẹ chan chát như thế. Bà giơ tay chỉ vào mặt con gái:
- À, con này giỏi thật! Nuôi mày nhớn để mày miếng một miếng hai với mẹ mày như thế à? Đến lúc đổi đời rồi, con chẳng coi cha mẹ vào đâu cả?
Bà ngừng lại một lát:
- Tý! Tại sao mày không bằng lòng? Không bằng lòng nó thì bằng lòng ai?
Tý biết tình thế lúc này không thể lùi được nữa. Chị ngẩng lên nhìn mẹ, nước mắt lưng tròng, nhưng giọng nói cương quyết:
- Tôi không bằng lòng ai cả. Tôi còn ít tuổi, chưa muốn đi ở riêng…
Bà Cần bĩu môi, nhìn con. Bà hiểu phần nào tâm trạng Tý muốn từ chối chỉ vì mục đích khác:
- Còn đợi đến bao giờ? Cứ tưởng là bé bỏng lắm đấy! Như người ta thì có con bế, con bồng rồi…
Bà ngẩng lên, hai hàm răng sít lại:
- Hay lại phải lòng, phải bề thằng nào rồi? Thằng Tuấn nó bỏ bùa mê thuốc giống cho mày rồi phỏng?
Tý thấy đau nhói ở tim. Chị lặng người khi nghe mẹ nhắc đến Tuấn. Tý muốn giấu kín không cho mẹ biết ngay, sợ gây thêm rắc rối cuộc tình duyên của hai người. Tý mở to đôi mắt nhìn mẹ:
- Tôi không biết ai cả. Tôi không lên năm, lên ba gì mà dễ ăn phải bùa mê. Bu muốn làm sao thì làm, tôi nhất định không…
Bà Cần nóng tiết đứng bật dậy như chiếc lò xo, đến trước mặt Tý xỉa xói:
- Mày đi đâu thì đi! Ra khỏi nhà này cho tao. Xéo ngay…
Tý đứng dậy mặt đỏ gay gắt. Chị bước nhanh vào buồng, xách buồng cau, xăm xăm bước ra, định đem đến nhà Quyền. Bà Cần chạy theo giằng lại:
- Thế này thì mày bôi tro, trát trấu lên mặt tao rồi! Sao tôi khổ thế này hở trời!...
Bà nằm vật ra giường khóc hu hu. Tự nhiên, Tý cũng nức nở. Bà Cần đập tay xuống chiếu kể lể không ngừng. Cơm sớm rồi đến cơm tối, Tý gọi mẹ không dậy, không ăn. Suốt ngày bà Cần đắp chiếu nằm khóc sụt sùi. Ruột gan Tý như mớ bòng bong. Đêm đến dưới ánh đèn leo lét, nghe mẹ kể lể, Tý thấy đau xót trong lòng. Chị giận bà Cần tham của, nhưng Tý hiểu rất rõ vì mình mà mẹ phải khổ sở, khóc lóc không nguôi. Có người con nào, không xót xa trước những dòng nước mắt của người mẹ thực bụng thương mình, dù là một tình thương không phải lối?
Tý lo sợ mẹ buồn bực quá, sinh ốm yếu, liệu có bề gì thì ân hận suốt đời. Hình ảnh Tuấn luôn hiện lên dằn vặt Tý, nhưng tình thương mẹ không bờ bến đã lấn át, không cho phép Tý nghĩ đến nông nỗi riêng tư. Tý đến bên mẹ nói giọng đầy nước mắt:
- Thôi! Con xin bu, con xin bu! Để con nghĩ kỹ đã…
*
* *
Trên con đường vắng, Tý lủi thủi một mình, gánh hai mớ dây khoai lang làm giống.
Gió chiều từ phía sông Luộc lồng lộng thổi vào. Tý dừng lại đổi vai. Tiếng súng từ bốt giặc lẻ loi tắt ngấm giữa khoảng đồng vắng. Những con đường quanh đồng nhoà dần trong bóng tối bắt đầu đổ xuống. Bóng người con gái nhỏ bé trên con đường heo hút. Lòng chị buồn rười rượi. Tý đột nhiên mở to mắt nhìn ngang. Một dáng người đàn ông vạm vỡ vác cuốc đang lững thững đi về phía mình. Tim Tý đập mạnh, vẻ mặt thoáng hiện nét bối rối. Đúng Tuấn rồi! Tuấn đi cuốc ruộng xếp ải về. Cuộc gặp gỡ bất ngờ gợi lên một cảm xúc mạnh mẽ. Hai chân Tý như gắn chặt xuống đất để chờ Tuấn đến. Hôm xảy ra chuyện dạm hỏi, Tuấn lên huyện đội dự lớp huấn luyện du kích ngắn ngày, Tý bị ốm mấy hôm. Đến nay đã sáu bảy ngày hai người mới gặp nhau. Tý buồn mong mỏi gặp Tuấn để cởi mở nỗi u uất.
Trên huyện về được tin Tý nhận trầu cau nhà Quyền, Tuấn lặng người vì đau đớn. Mới đầu, Tuấn không tin. Nhưng sau Na đến tận nhà kể tỉ mỉ cho Tuấn nghe những việc xảy ra, Tuấn bàng hoàng cả người. Anh cho Tý là kẻ phụ bạc.
- Lúc đầu cái Tý nó không bằng lòng. Sau bà Cần khóc lóc, mắng chửi, doạ nạt, bỏ cơm nước, nằm bệt mấy hôm, nó đành phải nghe. Anh tính, phận làm con biết làm thế nào? Tý nó nghĩ rằng thà phụ tình còn hơn mang tội bất hiếu!
Tuấn tối sầm cả mặt. Một nỗi chán nản ghê gớm xâm chiếm tâm hồn anh. Nét mặt anh càng trở nên lầm lì. Đã mấy lần anh định đến ngay gặp Tý nhưng lại thôi. Tuấn suy nghĩ miên man. Anh quên làm sao những lúc cùng Tý trò chuyện ở dưới gốc nhãn những đêm sáng trăng. Và nhất là ánh lửa lung linh bốc cháy vào một đêm không lạnh – đêm mở đầu cuộc tình duyên giữa hai người. Tuấn chưa ngõ ý với Tý về chuyện cưới xin, nhưng anh dự định đến đầu mùa nhãn năm sau, bán nhãn có tiền sẽ sắm sửa trầu cau nhờ người đến dạm hỏi. Tất cả anh em du kích đều biết chuyện, ai cũng thấy họ hợp lứa đôi. Tình yêu đằm thắm của Tý làm anh tin chắc Tý sẽ một dạ trung thành. Trong cuộc chiến đấu gian khổ, mối tình ngày thêm gắn bó. Anh có ngờ đâu những sự ngang trái xảy ra giữa hai người.
Gặp Tý, Tuấn thấy lúng túng, vừa giận, vừa thương. Anh thầm trách Tý đã sớm quên mối tình gắn bó và không muốn gặp mặt Tý nữa. Nhưng nhìn hình dáng Tý lủi thủi trong bóng chiều, trong lòng Tuấn rào rạt một tình thương mênh mông. Dù sao Tuấn cũng không tin là Tý đã yêu Quyền mà quên mình. Giữa hai người vẫn còn những sợi dây ràng buộc.
Tý từ từ bước lại gần. Chị đã cố trấn tĩnh nhưng vẫn thấy xót xa tủi cực. Chị nghẹn ngào, ứa nước mắt lúc giáp mặt Tuấn.
- Anh… Anh…
Tý không nói được hết câu, bật lên khóc nức nở. Tuấn lặng người nhìn hai vai Tý rung nhè nhẹ trong mảnh áo nâu. Bao nhiêu sự bực bội oán trách khinh ghét đều tiêu tan hết và anh cảm thấy rất rõ mình vẫn còn yêu Tý như lúc chưa xảy ra chuyện gì. Tuấn đăm đăm nhìn dải khăn mỏ quạ hỏi nhỏ:
- Tý đi đâu về?...
Giọng Tuấn vẫn thân mật như xưa. Tý không trả lời. Nước mắt vẫn ứa ra, Tý hổ thẹn cúi đầu. Tý thấy thấm thía câu của Mơ, khi nói đến mối tình trắc trở. Tại Tý hèn nhát không dám đấu tranh. Còn Tuấn bao giờ cũng một lòng chung thuỷ, thực bụng thương yêu Tý.
- Anh… Anh… Lỗi tự em… Làm thế nào? Em chết mất!
Bị xúc động quá mạnh, Tý khóc to hơn. Tuấn xích lại gần. Anh đặt tay lên vai Tý an ủi.
- Thôi… Tý đừng khóc nữa.
Đột nhiên, Tý hất tay Tuấn ra:
- Em khổ quá!... Ai biết cho em bây giờ?
Tý quay mặt rất nhanh, xốc gánh lên vai. Chị vừa gánh vừa đi như chạy. Tiếng khóc nức nở bay trong gió đồng. Tuấn lặng nhìn theo bóng người yêu mờ dần rồi khuất hẳn vào rặng tre đầu xóm.
Suốt đêm Tý không ngủ. Hình ảnh Tuấn với khuôn mặt hiền lành, buồn bã lại chập chờn hiện ra. Một thanh niên thường xông lên hàng đầu trong trận đánh, đã liều thân cứu Tý lúc nguy hiểm, gắn bó tha thiết với Tý qua bao nhiêu thử thách, khó khăn, con người như thế có thể phút chốc lìa xa sao đành? Giờ đây Tý thấy rõ mình thương mẹ, chiều ý mẹ như vậy là không đúng. Không ai lạ gì tính chất đanh ác, bủn xỉn của mụ Xã Vang. Về làm dâu nhà mụ, cứ nắm chắc làm quần quật suốt ngày, vùi đầu vào việc nhà, đừng nói gì đến chuyện hoạt động du kích. Quyền thì Tý hiểu từng kẽ tóc, chân tơ. Con người chỉ biết ăn chơi, có cái mã ngoài nhưng trong lòng thì dát như cáy, không thể là người bạn đời của mình. Tý không thể đặt Quyền ngang với Tuấn, rồi phụ Tuấn, vùi dập tất cả những hình ảnh, những ước mơ thân yêu. Bao nhiêu ý nghĩ nổi dậy chập chờn. Tý nhớ lại mình là nữ du kích Hoàng Ngân. Câu chuyện dũng cảm phấn đấu với khó khăn, ngang trái của chị Hoàng Ngân Hiền kể lại hôm nào, còn in sâu trong trí nhớ của Tý. Và câu nói của Hiền gặp Tý khi được biết chuyện Xã Vang dạm hỏi, còn văng vẳng bên tai:
- Vợ chồng là chuyện của hai người. Cha mẹ chỉ giúp đỡ khuyên bảo, đúng thì mình nghe, không đúng mình không nghe. Đó là quyền của mình! Bây giờ không có cái lối cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy nữa. Thêm vào đó bao nhiêu lời bàn của anh chị em du kích, nhắc nhủ Tý, vạch cho Tý thấy mình đã nhu nhược, không quyết tâm đấu tranh. Tý hiểu mẹ tham của và Xã Vang vẫn quen lối lấy của loè người. Chị thấy rất rõ giữa chị và Tuấn đã có một sự ràng buộc chặt chẽ, không thể chỉ vì chiều mẹ mà dứt khoát được với nhau. Còn sống còn chiến đấu, chị phải kiên quyết gìn giữ mối tình của hai người. Hình ảnh Tuấn gắn liền với hạnh phúc và nhiệm vụ chiến đấu, đi đôi với đời sống tập thể lớn lao. Tý hiểu tình yêu chính đáng của mình và chị thấy không lẻ loi. Còn anh Thân, chị Hiền, và nhiều anh chị em khác đã đồng tình… Và sâu xa hơn là tình yêu chung thuỷ của Tuấn.
Thái độ Tý đã rõ rệt. Sáng mai, lúc đi làm đồng, chị tạt qua nhà anh chính trị viên xã đội. Chị nói với Thân hoàn cảnh của mình, định nhờ Uỷ ban, chính quyền can thiệp. Thân giải thích sắc lệnh tự do kết hôn. Không ai có quyền phá cuộc hôn nhân chính đáng và cưỡng ép chị phải lấy một kẻ không yêu. Cuối cùng anh khuyên Tý nên làm thế nào để giữa mẹ con đừng gây ra xích mích, không lợi cho quan hệ trong nhà. Tý càng vững dạ tin tưởng.
Bị Quyền thúc giục, mụ Xã Vang lân la đến bà Cần bàn chuyện chọn ngày ăn hỏi. Nhân tiện để xem thái độ bà Cần thế nào, vì mụ đã nghe nhiều dư luận về chuyện giữa Tý với mẹ.
Xã Vang đang nói chuyện trên nhà, vừa lúc Tý vác cuốc ở ngoài đồng về. Chị lững thững đi xuống bếp, không chào hỏi mụ, thản nhiên như không. Xã Vang không ngờ bẽ mặt, ngồi lặng im. Nghe tiếng mẹ gọi lên, Tý biết lúc này là lúc quyết định cho hạnh phúc cả đời mình. Mụ Xã Vang thấy Tý gượng cười, thân mật:
- Sao hôm nay cô về muộn thế?
Tý trả lời lạnh nhạt:
- Vì tôi đi làm cỏ đồng xa
Xã Vang có vẻ không bằng lòng. Nhưng không biết nói gì, đành ngồi im. Bà Càn tươi cười để lấy lòng mụ.
- Tý! Ngồi đây bu bảo. Bà Xã đã chọn ngày hai mươi tháng bảy này là ngày tốt để làm lễ dạm hỏi. Tiện đây hỏi ý con xem, cái gì có mẹ, có con bàn bạc vẫn hơn.
Tý trả lời không chút dè dặt:
- Con đã nói với bu mấy lần rồi! Con không bằng lòng. Bu đem trả trầu cau cho người ta. Con đã nhất định như thế!
Chị quay nhìn thẳng mặt Xã Vang:
- Có bà ở đây tôi cũng thưa chuyện luôn. Tôi đã không bằng lòng là không bằng lòng...
Lúc này Tý thấy mình hoạt bát lạ. Chị không ngờ mình có thể mạnh bạo đến thế? Những khi suy nghĩ, Tý đã tự đặt cho mình những lý lẽ, câu nói để đối phó với Xã Vang. Giọng Tý nóng nảy bực bội:
- Thiên hạ không thiếu gì người, bà nên đi hỏi người khác cho hợp với bà hơn. Tôi đã không ưng thì có về nhà bà cũng chả êm đẹp gì. Mất lòng trước nhưng được lòng sau bà ạ!
Xã Vang điếng người. Nét mặt mụ xám nhợt hẳn đi. Bà Cần không ngờ con mình lại liều lĩnh đến thế. Bà chỉ con gái, giọng gay gắt:
- Con kia! Mày không được vô lễ! Con nhà mất nết. Mày coi mẹ mày không ra cái gì à?
Tý vẫn giữ vẻ mặt tự nhiên, không sợ sệt.
Biết ngồi lại thêm bẽ mặt, Xã Vang lẳng lặng ra về không nói một câu để mặc cho hai mẹ con bà Cần tranh cãi.
Bà Cần vật mình, đập tay xuống chiếu. Bà khóc lóc kể lể. Lần này Tý vẫn thấy thương mẹ nhưng đã có chủ định, nên chị quyết tâm không để lộ sự yếu đuối nhượng bộ như trước kia. Bà Cần nước mắt chảy dài kể lể:
- Mày không bằng lòng thì mày nói ra đầu ra đũa. Mày bốp chát vào mặt người ta, làm bẽ mặt tao. Tao còn sống làm sao được nữa hở trời?
Bà vội đi thẳng vào buồng, đắp chiếu nằm như người lên cơn sốt.
Tối hôm ấy, Hiền và Nụ đến thăm bà. Liền những ngày sau, Thân, Hán và mấy anh du kích cũng đến chơi. Qua mấy lần nói chuyện thân mật, bà Cần đã suy nghĩ nhiều về những lời nói của họ:
- Bà nghĩ xem ép dầu, ép mỡ, ai nỡ ép duyên. Của đi đằng của chứ của không thể thay được người! Thời buổi này ai nỡ đi chuốc cái ngữ lười biếng, chỉ thích ăn chơi. Anh Quyền thì cả cái làng này ai còn lạ gì? Suốt ngày chỉ thích đàn đúm, hát xướng, thấy việc là trốn như rắn mồng năm! Làng nước có ai ưa thích?
Bây giờ, bà Cần mới nhận rõ xuýt nữa bà đã để khổ cho con. Bà con trong làng ai cũng khinh ghét mụ Xã Vang. Trước kia, vì chỉ nghĩ đến nhà ngói cây mít của ăn của để nên bà chưa nhận ra. Mặt khác, bà cũng chưa hiểu ý con. Bây giờ, bà mới biết khi Tý đã nhất định không chịu thì đe dọa cũng không lay chuyển được con. Tý đã lớn khôn. Ý kiến của Tý hợp với bà con trong xóm và được mọi người tán thành. Cố ép Tý chỉ làm mẹ con xa lìa nhau, và mang tiếng là người tham của.
Thấy thái độ mẹ đã chuyển, Tý sung sướng vô cùng. Cứ mỗi lần nghĩ đến Tuấn, nghĩ tới vẻ mặt buồn bã của Tuấn một chiều nào, Tý lại thấy xót xa. Chị muốn gặp ngay Tuấn để báo tin vui. Tý vội vã đi nhanh về xóm Giếng.