Liêu Trai chí dị (Tập 2) - Quyển XIII - Chương 263 - 270

263. Hai người họ Ban[1]

[1] Nhị Ban.

Ân Nguyên Lễ người Vân Nam, giỏi thuật châm cứu. Gặp lúc giặc cướp nổi lên, Ân chạy giặc trốn vào trong núi sâu, trời đã chiều mà xóm làng phía trước còn xa, sợ gặp hùm sói, nhìn ra phía trước thấy có hai người đang đi, vội đuổi theo. Hai người quay lại hỏi khách tên gì, Ân bèn nói rõ họ tên quê quán, hai người kính cẩn nói: “Là lương y Ân tiên sinh đây sao? Bọn ta ngưỡng mộ Thái Sơn Bắc đẩu đã lâu rồi.” Ân hỏi lại, hai người xưng là họ Ban, một người là Ban Trảo, một người là Ban Nha. Lại nói: “Thưa tiên sinh, đường cũng còn xa may là nhà đá gần đây, xin tạm khuất gót ngọc, bọn ta cũng có chuyện muốn nhờ.” Ân mừng rỡ đi theo họ. Giây lát tới một chỗ, nhà xây cạnh hang đá đốt củi thay đèn, ân mới thấy rõ hai người họ Ban thân hình to lớn lực lưỡng, trông không giống người lương thiện, nhưng không còn cách nào, đành phải nghe theo họ.

Lại nghe trên giường có tiếng rên rỉ, nhìn kỹ thì thấy một bà già đang nằm, có vẻ đau đớn. Ân hỏi bệnh gì, Nha đáp: “Vì chuyện này nên kính mời tiên sinh.” Bèn soi lửa lên giường, Ân tới gần xem thì thấy dưới mũi của bà già có hai lỗ thủng to bằng cái chén, lại nói đau không chịu được, không thể ăn uống. Ân nói: “Bệnh này dễ chữa thôi.” Bèn lấy ngải ra đốt vào mấy mươi chỗ, nói: “Qua đêm sẽ khỏi.” Hai người họ Ban mừng rỡ, nướng thịt nai mời khách, chẳng có cơm rượu gì khác, chỉ có thịt mà thôi. Trảo nói: “Bất ngờ không biết là có khách, mong ông đừng trách.” Ân ăn no rồi ngủ, lấy đá làm gối, hai người họ Ban tuy thành thật chất phác, nhưng thô mãng đáng sợ, Ân vì vậy trăn trở không dám ngủ say. Trời chưa sáng, bèn gọi bà già dậy hỏi bệnh tình. Bà già tỉnh dậy, sờ lên vết thương trên mặt thì đã hết đau, Ân bèn gọi hai người họ Ban dậy lấy lửa soi, nói: “Khỏi rồi.” Rồi chắp tay cáo biệt, họ Ban lại nướng một đùi nai tặng cho đi đường.

Ba năm sau, không có chuyện gì, Ân vì có việc phải vào núi, bị hai con sói cản đường không đi được. Trời đã chiều, cả bầy sói kéo tới vây quanh xông vào cắn xé, mấy lần suýt bị táp trúng, quần áo rách hết, tự nghĩ chắc chết. Chợt có hai con cọp phóng tới, bầy sói chạy tứ tán, hai con cọp giận dữ gầm thét, bầy sói sợ hãi nằm mọp cả xuống, hai con cọp vồ giết hết rồi bỏ đi. Ân run rẩy lên đường, sợ không có chỗ ngủ, chợt thấy một bà già đi tới, nhìn Ân nói: “Ân tiên sinh bị một phen hoảng sợ.” Ân ngạc nhiên hỏi tại sao bà già biết mình, bà già đáp: “Ta là bà già bị đau trong thạch thất đây.” Ân mới nhớ ra, bèn xin tá túc. Bà già dẫn Ân về, đưa vào một gian phòng, đèn đuốc sáng trưng, nói: “Già này chờ tiên sinh lâu rồi.” Bèn đưa quần áo ra cho Ân thay, rồi dọn đủ rượu thịt ra, mời mọc rất ân cần.

Bà già tự rót rượu vào chén lớn mà uống, chuyện trò rất hào sảng, không phải như bọn đàn bà tầm thường. Ân hỏi hai người kia là người thế nào với bà, sao hôm nay không thấy? Bà già đáp: “Đó là hai thằng con ta, sai chúng đi đón tiên sinh mà giờ này chưa về, chắc lạc đường rồi.” Ân cảm vì nghĩa, cũng uống say lúc nào không biết, lăn ra ngủ luôn. Tỉnh dậy thì trời đã sáng, nhìn quanh chẳng thấy nhà cửa gì cả, chỉ thấy mình đang ngồi trên một tảng đá lớn, nghe phía dưới hốc đá có tiếng thở phì phò như trâu, tới gần xem thì thấy một con cọp già đang ngủ chưa tỉnh, ở mõm có hai vết sẹo lớn bằng nắm tay, vô cùng hoảng sợ, rón rén trốn đi. Lúc ấy mới biết hai con cọp giết bầy sói chính là hai người họ Ban vậy.

264. Quyên góp[1]

[1] Mộ duyên.

Thần ếch vẫn mượn lời thầy đồng, thầy đồng vì thế biết được thần vui hay giận, nói với tín chủ là “Thần vui” thì có điều may, nếu nói là “Thần giận” thì cả nhà ngồi thở ngắn than dài, có người bỏ cả cơm nước, lưu tục cho là đúng, có lẽ thần thiêng thật, không phải chỉ là tin xằng.

Có nhà buôn giàu có là Chu Mỗ, tính tình keo kiệt, gặp lúc mọi người góp tiền sửa đền thờ Quan Đế, người giàu người nghèo đều đóng góp, riêng Chu thì không chịu mất chút gì. Ít lâu sau, xây dựng không đủ tiền, những người đứng ra coi sóc không biết làm sao. Gặp lúc mọi người cầu thần ếch, thầy đồng chợt nói lời của Tướng quân Chu Thương, sai mở sổ lạc quyên thu thêm ít nhiều, mọi người nghe theo. Thầy đồng nói: “Người góp rồi thì không ép, người chưa thì tùy sức mà góp.” Mọi người đều kính cẩn vâng dạ, ai cũng ghi tên vào sổ, thầy đồng lên tiếng hỏi: “Chu Mỗ có ở đây không. Chu đang trà trộn núp tránh phía sau, chỉ sợ thần biết, nghe thế biến sắc, sợ sệt bước lên. Thầy đồng chỉ vào sổ nói: “Ghi tên vào.” Chu càng luýnh quýnh, thầy đồng nổi giận nói: “Đi chơi gái còn dám trả hai trăm, chuyện hay lại tiếc à?” Đại khái Chu ăn nằm với một người đàn bà, bị người chồng bắt được, phải đưa ra hai trăm đồng để xin tha. Chu càng thẹn thùng sợ hãi, bất đắc dĩ phải ghi tên vào. Trở về kể với vợ, vợ nói: “Đó là thầy đồng lừa bịp thôi.” Thầy đồng mấy lần tới hỏi, rốt lại Chu cũng không đưa tiền ra.

Một hôm vừa ngủ dậy, chợt nghe ngoài cổng có tiếng khìn khịt như trâu thở, ra nhìn thì thấy một con ếch to lớn lấp cả hai cánh cổng, chm chm nhảy vào xoay mình gác đầu lên bậc thềm, cả nhà đều hoảng sợ. Chu nói: “Chắc là tới đòi tiền quyên góp đây.” Bèn thắp hương khấn vái, xin đưa trước ba chục, số còn lại sẽ đưa sau, con ếch không động đậy. Lại khấn xin đưa năm chục, con ếch chợt co lại, nhỏ hơn khoảng một thước. Lại khấn xin đưa thêm hai chục nữa, con ếch còn nhỏ bằng cái đấu, xin đưa cả, con ếch còn bằng nắm tay, thong thả nhảy ra, chui vào góc tường đi mất. Chu vội lấy ra năm chục đồng vàng đưa tới chỗ sửa đền, mọi người đều lạ lùng, Chu cũng không nói rõ lý do. Được vài ngày, thầy đồng lại nói: “Chu Mỗ còn thiếu năm chục, sao không tới đòi?” Chu nghe thế rất sợ, lại đưa tới mười đồng vàng, tự nghĩ là đã đủ rồi.

Một hôm, vợ chồng vừa bắt đầu ăn cơm, con ếch lại tới, hình thù to lớn giống hệt lần trước, trợn mắt lấy thế. Trong chớp mắt nhảy phóc lên giường, giường kêu răng rắc muốn sập, chúi đầu vào gối mà ngủ, bụng phình to như con trâu, đầy kín cả cái giường. Chu sợ hãi, vội mang bốn chục đồng vàng còn thiếu ra, con ếch không hề động đậy. Trong nửa ngày, lũ ếch kéo nhau tới tụ tập ở nhà Chu, đến hôm sau càng đông, phòng khách nhà kho không đâu không có, con nào cũng to như cái bát, bắt ruồi đớp muỗi nhảy cả vào nồi niêu, nhơ bẩn không nấu nướng ăn uống gì được. Được ba ngày thì lúc nhúc đầy sân không có chỗ nào hở, cả nhà khiếp sợ, không biết làm sao để đuổi đi, bất đắc dĩ phải tới hỏi thầy đồng. Thầy đồng nói: “Đó là vì bốn chục vẫn còn thiếu. Chu bèn khấn khứa, xin góp thêm hai chục đồng vàng, con ếch lớn mới từ từ ngóc đầu dậy, xin góp thêm, mới động đậy một chân, tới một trăm mới nhấc cả bốn chân, nhảy xuống giường ra cửa, nghênh ngang bò mấy bước lại quay trở vào nằm giữa cổng. Chu sợ, hỏi thầy đồng, thầy đồng giải thích là nó đòi Chu phải lập tức giao tiền ra, Chu không biết làm sao, phải lấy đủ tiền đưa cho thầy đồng, con ếch mới đi. Nhảy được vài bước thì thân hình chợt co lại lẫn vào giữa bầy ếch, không thể nhận ra được, rồi cả bầy nhao nhao ồm ộp tan đi.

Khi đền sửa xong, ngày lạc thành cũng cần có tiền cúng tế, thầy đồng chợt chỉ vào những người đứng ra coi sóc nói: “Người này người này phải bỏ ra đủ số, tất cả mười lăm người, còn sót hai người.” Mọi người khấn: “Bọn ta và hai người ấy đều đã góp tiền.” Thầy đồng nói: “Ta không nói chuyện giàu nghèo, mà chỉ nói tới chuyện tiền của các ngươi bị ăn bớt, loại tiền ấy không nuốt được đâu, sợ lại có tai bay vạ gió nghĩ tới bọn người coi sóc công việc vất vả, nên mới giúp các ngươi ngăn chặn tai họa. Ngoài những người liêm chính cẩn thận thì có người ngồi đồng của ta, ta không hề riêng tây, sẽ bảo y mang ra trước để làm gương cho mọi người.” Nói xong chạy mau vào nhà, lục lọi rương hòm, vợ hỏi cũng không đáp. Mang hết tiền bạc ra nói với mọi người rằng: “Người này bớt xén tám lượng bạc, nay xin xem lại.” Rồi cùng mọi người cân lại, thì được hơn sáu lượng, sai người ghi số thiếu, mọi người ngạc nhiên không dám hỏi han, nhận lấy số bạc. Thầy đồng sau đó vẫn không biết gì, có người kể lại cho, rất thẹn thùng, đem cầm bán quần áo để bù, chỉ có hai người là còn thiếu. Khi việc xong, một người bệnh hơn một tháng, một người bị nổi mụn nhọt, tiền thuốc men vừa ăn khớp với số còn thiếu, người ta cho rằng đó là quả báo về tội bớt xén

Dị Sử thị nói: Con ếch già quyên tiền, không ai không thể không làm điều thiện, mà còn được nhiều hơn kẻ đòi đâm đòi đánh! Lại phát giác ra việc những người coi sóc bớt xén mà ngăn chặn tai họa cho họ, thì tỏ rõ sự oai mãnh chính là làm việc từ bi đấy.

265. Người thợ mộc họ Phùng[1]

[1] Phùng mộc tượng.

Phủ quân Chu Hữu Đức sửa sang vương phủ cũ làm công thự. Lúc ấy vừa khởi công, có người thợ mộc là Phùng Minh Hoàn trực đêm ngủ lại. Tối vừa đi nằm, chợt thấy cửa sổ hé mở, trăng sáng vằng vặc, nhìn ra đầu tường thấy có một con trĩ đỏ đứng. Đang chăm chú nhìn con trĩ đã bay xuống đất. Giây lát có một cô gái cởi trần lộ nửa người tới nhìn vào, Phùng ngờ là bạn thợ có ai vụng trộm với nàng, yên lặng lắng nghe thì mọi người đều đã ngủ say, trong lòng rạo rực, thầm mong nàng tới lầm chỗ. Giây lát cô gái quả vượt cửa sổ vào tới nằm vào lòng Phùng, từ đó đêm nào cũng tới. Lúc đầu Phùng còn giấu, sau bèn nói rõ. Cô gái nói: “Thiếp không tới lầm đâu, kính trọng chàng mà tới đấy.” Hai người ngày càng khăng khít, đến khi công thự xây xong, Phùng định về nhà, cô gái đã chờ ngoài đồng. Thôn Phùng ở vốn không xa quận thành lắm, cô gái bèn theo về. Vào tới nhà, người nhà chẳng ai nhìn thấy nàng, Phùng mới biết đó không phải là người. Được vài tháng tinh thần suy giảm, Phùng lo sợ, mời thầy pháp tới trấn yểm, nhưng chẳng có kết quả gì. Một đêm cô gái ăn mặc đẹp đẽ tới gặp Phùng nói: “Duyên nợ ở đời đều có định số, nên tới thì đuổi cũng không đi, nên đi thì giữ cũng không được, đêm nay xin vĩnh biệt chàng,” rồi biến mất.

266. Cầu tiên[1]

[1] tiên.

Mễ Bộ Vân ở huyện Chương Khâu (tỉnh Sơn Đông) giỏi cầu tiên, mỗi lần họp mặt với bạn bè đều cầu tiên, cùng nhau xướng họa. Một hôm, có người bạn thấy đám mây nhỏ trên trời nghĩ được một câu là Dương chi bạch ngọc thiên (Trời ngọc trắng mỡ dê), xin tiên đối lại. Tiên viết “Hỏi lão Đổng ở nam thành”. Mọi người ngờ là tiên không đối được, nên mới nói thác như thế. Sau Mễ có việc đi ngang cửa nam thành, tới một chỗ đất đỏ như đan sa, lấy làm lạ, thấy một ông già chăn lợn cạnh đó bèn hỏi. Ông ta đáp: “Chỗ đó tục gọi là Trư huyết hồng nê địa (Đất bùn hồng máu lợn).” Mễ chợt nhớ lại lời tiên, hoảng sợ hỏi tên thì ông già tự xưng là lão Đổng. Câu đối không có gì lạ nhưng biết trước rằng qua cửa nam thành ắt gặp lão Đổng, mới thật là thần tiên vậy.

267. Thư sinh bùn[1]

[1] tsinh.

Thôn La có Trần Đại, lúc trẻ vụng về ngu xuẩn, lấy vợ là Mỗ thị rất đẹp. Nàng cho rằng lấy chồng không bằng người, uất ức bất đắc chí không chịu ngủ chung, mẹ chồng cũng để mặc. Một đêm Mỗ thị ngủ một mình, chợt nghe gió khua cửa rồi có một thư sinh bước vào phòng. Nàng rất sợ hãi, ra sức chống cự, nhưng gân cốt cứ nhũn ra, từ đó ít có đêm nào ngủ một mình. Hơn một tháng thì hình dung tiều tụy, mẹ lấy làm lạ hỏi, ban đầu nàng còn hổ thẹn không chịu nói, bà cứ hỏi mãi nàng mới nói thật. Mẹ hoảng sợ nói: “Đó là yêu quái rồi.” Dùng hàng trăm cách bùa chú trấn yểm cũng không ngăn chặn được, bèn sai Đại lén núp trong phòng, cầm gậy chờ sẵn. Đến khuya, thư sinh quả nhiên lại tới, đặt mũ lên bàn, lại cởi áo mắc lên giá, chợt hoảng sợ nói: “Có mùi người lạ.” Rồi vội vàng mặc áo vào. Đại trong chỗ tối nhảy xổ ra, đập trúng vào lưng, kêu thành tiếng bồm bộp, ngoảnh nhìn bốn phía thì thư sinh đã biến mất. Đốt đuốc lên soi, thì một mảnh áo bùn còn rơi trên mặt đất, cái mũ bằng bùn vẫn còn trên bàn.

268. Què trả n[1]

[1] Kiển thường trái.

Ông Lý Trứ Minh tính khảng khái hay làm ơn. Có người làng là Mỗ thuê nhà ông ở, người này lúc trẻ lười biếng, không biết làm ăn, nhà càng ngày càng nghèo, nhưng cũng khéo nghề vặt, thường khi qua giúp việc nhà, ông cũng trả công rất hậu. Những lúc không còn gì ăn, tới ông năn nỉ, ông cũng lập tức chu cấp cho. Một hôm y nói với ông rằng: “Tiểu nhân thường ngày vẫn được cho nhiều nên một nhà ba bốn miệng ăn may không đến nỗi chết đói, nhưng làm sao lâu dài được! Xin chủ nhân cho tiểu nhân mượn một thạch đậu làm vốn.” Ông theo lời đưa cho, Mỗ đội về. Hơn một năm, không hề trả tí gì. Đến khi hỏi tới, thì số đậu làm vốn đã hết sạch cả, ông thương y nghèo cũng không đòi nữa. Ông đọc sách trong chùa, hơn ba năm sau, chợt nằm mơ thấy Mỗ tới nói: “Tiểu nhân còn nợ đậu của chủ nhân, nay tới để trả.” Ông an ủi rằng: “Nếu bắt ngươi trả, thì số ngày thường vẫn thiếu làm sao tính hết?” Mỗ buồn rầu nói: “Dĩ nhiên, nhưng nếu có làm việc gì giúp người, thì có nhận ngàn vàng cũng có thể không trả, còn nếu bỗng dưng nhận không của người, thì một đấu một thưng cũng phải tính, huống chi là nhiều hơn?” Nói xong biến mất.

Ông càng ngờ, kế đó người nhà bẩm là tối qua con ngựa cái đẻ được một con ngựa con rất to lớn ông chợt nghĩ ra nói: “Hay đó là Mỗ chăng?” Mấy ngày sau ông về nhà, nhìn thấy con ngựa con, đùa gọi tên Mỗ, con ngựa con chạy tới như hiểu, từ đó thành tên. Ông cưỡi nó lên huyện Thanh Châu (tỉnh Sơn Đông), người quản gia trong phủ Phò mã nhìn thấy rất thích, muốn bỏ nhiều tiền ra mua, còn đang mặc cả chưa xong, ông vì có việc nhà gấp không chờ được, bèn cưỡi về. Hơn một năm sau, nó bị con ngựa đực cùng chuồng cắn nát xương chân, không thể chữa được. Có người thầy thuốc chữa bệnh ngựa tới nhà ông trông thấy nói: “Xin cứ giao con ngựa này cho tiểu nhân mang về, sớm tối chăm sóc cũng phải mất nhiều thời gian, nếu may mà chữa khỏi, bán được giá sẽ chia lại cho ông.” Ông theo lời, mấy tháng sau người thầy thuốc bán con ngựa được một ngàn tám trăm đồng, đem một nửa dâng cho ông. Ông nhận tiền, mới sực nghĩ ra là vừa đúng với số tiền đậu Mỗ còn thiếu ngày trước. Ôi! Món nợ ở cõi dương gian mà âm phủ bắt phải trả, cũng đủ để răn người vậy.

269. Đuổi quái[1]

[1] Khu quái.

Từ Viễn Công ở huyện Trường Sơn (tỉnh Sơn Đông) là Chư sinh của nhà Minh cũ, bỏ Nho theo Đạo, dần dần học được bùa phép, xa gần đều nghe danh. Có một nhà giàu ở huyện nọ sai người mang ngọc lụa kính cẩn tới mời, đem ngựa để đón. Từ hỏi mời ta có chuyện gì? Người gia nhân từ chối là không biết, chủ chỉ dặn phải cố mời bằng được mà thôi. Từ bèn lên đường, tới nhà thì trong sân đã dọn sẵn yến tiệc, chủ nhân đón tiếp rất lễ phép nhưng vẫn không nói là mời tới để làm gì. Từ không nhịn được, hỏi rằng: “Ông muốn ta làm gì, mà còn ngờ vực chưa nói ra.” Chủ nhân vội nói không có gì, lại mời uống rượu, lời nói úp mở không sao đoán được. Trong lúc trò chuyện, không biết đã sắp tối. Chủ nhân bèn mời Từ ra vườn uống rượu, vườn xây dựng rất đẹp đẽ nhưng cây cối rậm rạp, cảnh vật âm u, hoa dại mọc đầy, cỏ mọc um tùm. Tới một căn gác thì tơ nhện giăng đầy cả trên dưới. Rượu được vài tuần thì trời tối hẳn, chủ nhân sai thắp đèn uống rượu tiếp, Từ lấy cớ không uống được nhiều rượu từ chối, chủ nhân bèn sai dẹp bàn tiệc mang trà ra. Bọn gia nhân vội vàng dọn dẹp bát dĩa, cất hết lên bàn trong gian phòng bên trái trên gác. Đang giữa tuần trà, chủ nhân lấy cớ có việc bỏ đi, người gia nhân cũng cầm đuốc đưa Từ vào nghỉ ở gian phòng bên trái, cắm đuốc lên chỗ đầu bàn rồi bước ra, có vẻ rất vội vã.

Từ cho rằng y đi lấy chăn màn tới ngủ cùng, chờ hồi lâu không thấy tiếng người nữa, bèn tự đứng dậy đóng cửa đi nghỉ. Ngoài song trăng sáng vằng vặc, Từ vào phòng lên giường nằm, nghe tiếng côn trùng mùa thu kêu rả rích kéo dài một lúc, trong lòng bồi hồi không sao ngủ được. Giây lát trên sàn có tiếng giày thình thịch đi tới, như là đạp mạnh vào sàn, tiếng vang rất to, thoáng cái đã tới cầu thang, rồi tới trước cửa phòng. Từ sợ nổi da gà, vội kéo chăn trùm lên mặt, thì cánh cửa đã tự nhiên mở ra. Từ hé góc chăn ra nhìn, thì thấy một con quái đầu thú mình người, lông lá xồm xoàm dài như bờm ngựa, đen kịt một màu, răng nhe chơm chởm, mắt sáng lập lòe. Tới trước cái bàn, nó cúi xuống hít hít những thức ăn thừa trong bát dĩa, lè lưỡi liếm qua một cái thì mấy cái dĩa sạch như chùi. Kế bước tới cạnh giường, hít hít lên chăn, Từ sợ quá vùng dậy chụp cái chăn lên đầu nó rồi la rầm lên. Con quái bị bất ngờ hoảng sợ vùng ra, tung cửa chạy mất.

Từ mặc áo định trốn đi, thì cửa ngoài vườn khóa chặt, không sao ra được. Đi men theo tường thấy có chỗ tường thấp bèn leo qua, thì là chuồng ngựa của chủ nhân. Người coi chuồng ngựa hoảng sợ, Từ kể lại chuyện rồi xin ngủ nhờ. Gần sáng, chủ nhân sai tìm Từ, thấy không còn trên lầu, hoảng sợ, tìm mãi thì ra ngủ chỗ chuồng ngựa. Từ gặp chủ nhân, rất căm hờn, giận dữ nói: “Ta không biết phép thuật trừ yêu quái, ông lại bắt ta làm mà không nói trước một tiếng, trong bao của ta có một chiếc như ý câu, lại không đưa tới chỗ ta ngủ, thì chết ta rồi.” Chủ nhân xin lỗi nói: “Vốn ta cho rằng nếu nói rõ thì ông sẽ từ chối, lúc đầu cũng không biết trong hành lý có võ khí, thật là đáng chết.” Từ rốt lại vẫn hậm hực, đòi đưa ngựa về, từ đó yêu quái trong vườn cũng hết. Chủ nhân mời tiệc trong vườn, cười nói với khách khứa rằng: “Ta không quên công lao của Từ sinh đâu.”

Dị Sử thị nói: Mèo đen mèo vàng gì cũng được, cứ bắt được chuột là tốt, lời nói ấy không phải sai. Nếu sau khi chụp chăn lên đầu con quái rồi hoảng sợ kêu la mà Từ lại giấu giếm nỗi sợ sệt khoe khoang là đuổi được yêu quái, chắc thiên hạ sẽ cho rằng Từ sinh là bậc thần nhân.

270. Tần sinh

Tần sinh ở huyện Lai Châu (tỉnh Sơn Đông), pha rượu thuốc lỡ tay bỏ lầm thuốc độc vào, nhưng tiếc không nỡ đổ bỏ, bèn nút lại để đấy. Hơn một năm, đang đêm thèm rượu nhưng không mua đâu được, chợt nhớ tới hũ rượu còn cất, mở nút ngửi thấythơm phức, thèm chảy nước miếng, không nhịn được bèn lấy chén rót uống. Vợ năn nỉ can, sinh cười nói: “Uống cho đã rồi chết, còn hơn là thèm rượu mà chết.” Rồi uống cạn chén, lại rót nữa, vợ đứng dậy hất đổ cái hũ, rượu chảy tràn ra sàn, sinh bò xuống liếm như chó. Giây lát, sinh đau bụng cấm khẩu, đến nửa đêm thì chết. Vợ gào khóc, mua quan tài gọi người tẫn liệm. Đêm sau, chợt thấy một mỹ nhân bước vào, thân hình chỉ cao có ba thước, đi quanh quan tài, lấy nước rưới lên mặt sinh, giây lát sống lại. Sinh quỳ mọp hỏi, mỹ nhân đáp: “Ta là hồ tiên, chồng ta vào trộm rượu nhà họ Trần uống bị say chết nên ta tới cứu về ngang đây thì thấy ông, thương kẻ đồng bệnh nên sai ta lấy thuốc thừa vào cứu. Nói xong thì biến mất.

Bạn ta là Cống sĩ Khâu Hành Tố, nghiện rượu, một đêm lên cơn thèm mà không biết mua ở đâu, trằn trọc mãi nhịn không được, tính lấy giấm uống đỡ. Bèn nói với vợ, vợ gạt ngang, Khâu cứ lấy ra làm bừa, cũng rót giấm vào bầu, đặt lên lò hâm, uống cạn rồi cũng say, phanh áo lăn ra ngủ. Hôm sau, vợ thấy bầu rượu khô queo bèn sai đầy tớ đi mua, trên đường gặp em ông ta là Tương Thần hỏi thăm, ngờ rằng chị dâu không chịu mua rượu cho anh uống. Người đầy tớ nói: “Phu nhân nói nhà không có nhiều giấm, đêm qua đã hết một nửa, nếu ông uống lần nữa thì sạch cả con giấm,” người ta nghe thấy đều cười. Không biết là đã lên con thèm thì rượu độc cũng ngon, huống chi là giấm? Chuyện này cũng nên chép lại vậy.

Trước đây ta ở kinh, cùng người bạn đồng niên tới ăn tiệc ở nhà ông Mỗ. Chủ nhân không biết uống rượu nên rượu đưa ra mời khách rất dở, người bạn ta lại uống liên tiếp mấy chén lớn. Khi về tới nhà, ta hỏi: “Thứ rượu ấy chua như giấm, mà ông nuốt được à?” Bạn ta đáp: “Lúc đó cổ ráo miệng khô, cho dù là giấm cũng uống, huống chi là thứ còn được gọi là rượu sao?” Ta nghe thế bật cười, không ngờ rằng có người uống giấm thay rượu thật.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3