Liêu Trai chí dị (Tập 2) - Quyển XV - Chương 346 - 351

346. Tượng đất[1]

[1] Thổ ngẫu.

Họ Mã ở huyện Nghi Thủy (tỉnh Sơn Đông) lấy vợ họ Vương, vợ chồng rất đầm ấm. Mã chết sớm, mẹ Vương thị muốn con lấy chồng khác, Vương thị thề không tái giá, mẹ chồng thương còn trẻ cũng khuyên lấy chồng khác, Vương thị không nghe. Người mẹ nói: “Ý con rất hay, nhưng tuổi còn quá trẻ, lại chưa có con, mẹ thấy ban đầu thủ tiết rồi ngày sau có chuyện không hay thì rất xấu hổ, chi bằng cứ lấy chồng khác như người ta.” Vương thị nghiêm sắc mặt thề thủ tiết đến chết, mẹ bèn để cho tùy ý. Vương thị nắn đất làm thành pho tượng chồng, mỗi bữa đều dọn cơm đưa lên như lúc còn sống. Một đêm Vương thị sắp đi ngủ, chợt thấy pho tượng đất từ trên bàn thờ bước xuống, còn đang hoảng hốt thì pho tượng vươn ra cao như người thật, đúng là chồng mình. Vương thị sợ hãi kêu mẹ, hồn Mã ngăn lại nói: “Đừng kêu, ta cảm vì tình nàng tha thiết, gia đình có được người trung trinh nên ông cha mấy đời đều được vinh dự. Cha ta lúc bình sinh có làm chuyện thất đức, không được có con nối dõi nên ta phải chết sớm. Âm phủ thương nàng thủ tiết vất vả nên cho ta về để cùng nàng sinh một đứa con nối dõi.” Vương thị cũng khóc ròng, lại ăn ở với nhau như lúc Mã còn sống, trời sáng thì Mã xuống giường đi. Cứ thế hơn một tháng, thấy trong bụng máy động, hồn Mã khóc nói: “Kỳ hạn đã hết, từ nay xin vĩnh biệt,” từ đó đi biệt luôn. Vương thị ban đầu không nói cho ai biết, đến khi bụng to dần không giấu được nữa mới lén nói với mẹ, mẹ nghi là dối trá nhưng rình xem không thấy nàng đi lại với ai, rất ngờ vực nhưng không rõ vì sao.

Được mười tháng quả nhiên Vương thị sinh được một đứa con trai, kể cho mọi người nghe, ai cũng cười không tin, nàng cũng không buồn thanh minh. Có kẻ hào lý trong làng vốn có hiềm khích với nhà Mã, bèn lên báo huyện, quan huyện bắt Vương thị lên hỏi, hàng xóm cũng không ai khai gì khác. Quan huyện nói: “Nghe nói con của ma thì không có bóng, nếu có bóng thì là chuyện bịa đặt.” Bèn sai bế đứa nhỏ ra dưới mặt trời, thấy bóng mờ mờ như làn khói nhẹ, lại cắt ngón tay nó lấy máu bôi lên pho tượng thì lập tức thấm vào không thấy dấu vết gì nữa. Lấy máu người khác bôi lên thì chùi đi được, vì thế tin lời Vương thị. Đứa nhỏ lớn lên được vài tuổi thì mặt mũi cử chỉ đều giống hệt Mã, nên không ai nghi ngờ gì nữa.

347. Họ Lê[1]

[1] thị.

Tạ Trung Điều ở huyện Long Môn (tỉnh Hà Nam), tính tình không đứng đắn. Hơn ba mươi tuổi thì vợ chết, để lại một trai một gái, sớm tối kêu khóc, chăm sóc rất vất vả. Tạ định cưới vợ kế, nhưng ngẩng lên cúi xuống chưa chọn được ai, nên tạm thuê một bà vú chăm sóc cho hai con. Một hôm Tạ đang đi qua núi chợt thấy một người đàn bà đi phía sau, đứng lại chờ nhìn, thì ra là một cô gái đẹp tuổi chừng hơn hai mươi, trong bụng thích lắm. Bèn đùa hỏi: “Nương tử đi một mình mà không sợ à?” Cô gái không đáp, Tạ lại nói: “Chân nương tử nhỏ, đi đường núi vất vả quá,” cô gái cũng không đếm xỉa. Tạ nhìn quanh không có ai, bèn đi sát lại gần sờ mó, cô gái giận dữ nói: “Ngươi là cường bạo ở đâu mà chặn đường xúc phạm ta?” Tạ nắm tay kéo đi xềnh xệch không cho dừng lại nghỉ, đôi hài của cô gái nhỏ nên cứ vấp ngã dúi dụi, cùng cực quá không biết làm sao bèn nói: “Nếu muốn ta dịu ngọt ưng thuận sao lại làm thế? Chậm chậm lại đi, ta sẽ theo mà.” Tạ theo lời, rồi vui thú với cô gái.

Cô gái hỏi tên họ quê quán, Tạ nói thật cả, rồi hỏi lại, cô gái đáp: “Thiếp họ Lê, không may góa chồng sớm, mẹ chồng lại chết, lẻ loi một mình, nên thường về bên nhà mẹ.” Tạ nói: “Ta cũng không có vợ, có theo nhau được không?” Cô gái hỏi: “Chàng có con cái gì không?” Tạ đáp: “Không giấu gì nàng, nếu nói chuyện bạn chăn gối thì ta đây không thiếu, chỉ vì trai kêu gái khóc nên họ ngần ngại.” Cô gái do dự nói: “Đó quả là chuyện khó lắm, mà xem quần áo giày nón của chàng thì gia tư cũng chỉ loàng xoàng, nếu thiếp lo lắng thì cũng được nhưng làm mẹ kế khó trăm chiều, e không khỏi bị lời ra tiếng vào.” Tạ nói: “Xin đừng ngại chuyện đó, ta không nói ra thì người khác có lý do gì mà dây vào?” Cô gái có vẻ ưng thuận, nhưng lại nghĩ ngợi nói: “Đã gần gũi thế này thì còn gì mà không theo? Nhưng còn có ông bác dữ, vẫn thường muốn gả bán thiếp lấy nhiều tiền, sợ không ở được với nhau lâu dài, thì sẽ ra sao?” Tạ cũng e ngại, bảo nàng trốn đi. Cô gái nói: “Thiếp đã nghĩ kỹ rồi, chỉ sợ người nhà chàng để lộ ra thì bất tiện lắm.” Tạ nói: “Đó là chuyện vặt, trong nhà chỉ có một bà già, cho bà ta nghỉ là được.” Cô gái mừng, bèn cùng về nhà Tạ. Tạ để cô gái đợi ở ngoài, vào nhà trước cho bà già nghỉ về rồi quét dọn nhà cửa ra đón. Cô gái cũng tháo vát, chăm sóc hai đứa con Tạ không nề vất vả.

Tạ được cô gái, yêu mến lạ thường, cả ngày cứ đóng cửa nhìn nàng, không tiếp khách khứa nào cả. Được hơn tháng có việc công phải đi vắng, trở về thì thấy cổng ngõ mở toang. Tìm cô gái, vào tới cửa trong thì cửa đóng chặt, gọi không thấy ai lên tiếng, bèn trổ mái nhà mà vào, chẳng thấy bóng người nào. Vào tới phòng ngủ thì chợt có một con sói lớn tung cửa vọt ra, sợ hãi suýt ngất. Lúc hoàn hồn vào tìm không thấy hai con đâu, mà máu me đầy đất, chỉ còn có cái đầu, quay ra đuổi theo con sói thì không biết đã chạy đâu rồi.

Dị Sử thị nói: Kẻ sĩ mà vô hạnh thì báo ứng lạ lắm. Kẻ lấy vợ lần sau còn đều là dắt sói vào nhà, huống chi lại muốn tìm vợ hiền nơi người đàn bà đi trốn chung đụng ngoài đồng sao?

348. Đứa con họ Liễu[1]

[1] Liễu thị t.

Liễu Tây Xuyên người huyện Mục Châu (tỉnh Sơn Đông) làm quản gia cho Nội sử họ Pháp. Năm hơn bốn mươi tuổi mới sinh được một đứa con trai, yêu thương rất mực, mặc cho muốn làm gì thì làm, chỉ sợ nó phật ý. Lúc đứa con lớn lên thì rong chơi đàng điếm, ăn tiêu hết sạch cả tiền bạc Liễu dành dụm được. Không bao lâu đứa con mắc bệnh, Liễu vốn có một con ngựa hay, đứa con nói: “Ngựa béo ăn ngon lắm, giết cho ta ăn thì có thể khỏi bệnh.” Liễu bàn định giết một con ngựa thường để thay, đứa con nghe được, lập tức giận dữ chửi ầm lên, bệnh lại càng nặng. Liễu sợ, giết con ngựa hay làm thịt đưa tới, đứa con mới vui vẻ. Nhưng cũng chỉ ăn có một miếng rồi bỏ, bệnh vẫn không hết, kế chết. Liễu vô cùng đau đớn, khóc lóc rất thê thảm. Ba bốn năm sau, có mấy người làng đi dâng hương ở núi Thái Sơn, lên lưng chừng núi thấy một người cưỡi con ngựa như của Liễu phóng nhanh tới, lấy làm lạ vì rất giống con Liễu, khi tới gần nhìn ra quả đúng.

Y xuống ngựa vái chào, thăm hỏi trò chuyện. Người làng đều sợ, cũng không dám nói việc y đã chết, chỉ hỏi làm gì ở đây. Y đáp cũng chẳng có việc gì, dạo chơi đây đó thôi, kế lại hỏi tên chủ nhà họ trọ, mọi người đều nói rõ. Y chắp tay nói: “Gặp lúc có chút việc, không rảnh nói chuyện, ngày mai sẽ xin tới thăm,” rồi lên ngựa đi. Mọi người về tới nơi trọ, cũng cho rằng chưa chắc y đã tới nhưng sáng hôm sau chờ thì quả nhiên y tới thật, buộc ngựa ở cột chuồng ngựa, rảo bước vào trò chuyện rất vui vẻ. Mọi người nói: “Tôn đại nhân rất nhớ mong, sao không về thăm hỏi một chuyến?” Y ngạc nhiên hỏi mọi người muốn nói tới ai, mọi người đáp là Liễu. Y sa sầm mặt, hồi lâu mới nói: “Nếu ông ta nhớ mong, thì xin về nói giùm là ngày bảy tháng tư ta chờ ở đây,” nói xong từ biệt.

Mọi người về kể lại cho Liễu, Liễu khóc lớn, đúng hẹn tìm tới, đem mọi việc nói với chủ trọ. Chủ trọ nói: “Hôm trước ta thấy công tử thần thái rất lạnh nhạt, chắc không có ý tốt, theo ta thấy thì không nên gặp.” Liễu rơi lệ không nghe, chủ trọ nói: “Ta không cản ông đâu, nhưng thần quỷ không thường, chỉ sợ gặp chuyện không hay. Nếu ông quyết muốn gặp, thì xin cứ núp trong tủ chờ công tử tới xem thái độ ra sao đã, có thể gặp hãy ra gặp.” Liễu theo lời kế quả nhiên đứa con Liễu tới, hỏi họ Liễu tới chưa, chủ trọ đáp không có, y nổi giận chửi: “Đồ súc sinh già, sao lại không tới?” Chủ trọ ngạc nhiên hỏi: “Sao lại chửi cha như thế?” Y đáp: “Y mà là cha gì của ta? Buổi đầu kết bạn với nhau nơi đất khách, không ngờ y ôm lòng gian ác, mang hết tiền bạc của ta trốn mất, nay ta chỉ mong bắt được y mới cam tâm, chứ cha con gì?” Nói xong bước ra nói: “Tha cho y đấy.” Liễu núp trong tủ nghe thấy rõ ràng, sợ toát mồ hôi không dám thở mạnh, đến khi chủ trọ gọi mới dám bước ra, len lét trở về.

Dị Sử thị nói: Lấy được nhiều vàng như thế có sung sướng gì? Khó mà trả cho được vậy. Tiêu pha phung phí bằng hết mà chết rồi vẫn không quên mối thù, oán hận người ta tới như thế cũng quá lắm?

349. Bậc thượng tiên[1]

[1] Thượng tiên.

Tháng ba năm Quý Hợi, ta cùng Cao Quý Văn tới huyện Tắc Hạ (tỉnh Sơn Đông), cùng ở nhà trọ. Quý Văn chợt bị bệnh, gặp lúc Cao Chấn Mỹ cũng theo tiên sinh Niệm Đông tới quận, bàn việc chữa trị. Nghe ông Ai Lân nói nhà Lương thị ở phía nam huyện thành có hồ tiên giỏi chữa bệnh, bèn cùng nhau tới đó. Lương thị là đàn bà, tuổi khoảng bốn mươi, phong thái tự nhiên phảng phất như hồ. Vào nhà, tới phòng trong treo rèm gấm đỏ, vén rèm xem thấy trên vách có treo tranh Quan Âm, lại có hai ba bức tranh vẽ người giục ngựa vung mâu, quân lính chạy theo. Phía dưới vách phía bắc có bàn, đầu bàn đặt cái đôn nhỏ cao không quá một thước lót nệm gấm. Lương thị nói: “Tiên tới thì ngồi ở đó.” Mọi người thắp hương vái lạy, Lương thị gõ ba tiếng khánh, miệng lẩm nhẩm như nói gì đó.

Khấn xong đưa khách vào chỗ ngồi, đứng ngoài rèm chải tóc tô môi, trò chuyện với khách toàn nói những phép thiêng của tiên. Hồi lâu mặt trời xế bóng, mọi người lo đường xa về không kịp, lại nhờ khấn mời lần nữa. Lương thị lại gõ khánh khấn khứa, rồi quay người đứng lên nói: “Thượng tiên rất thích trò chuyện ban đêm, chứ lúc khác khó gặp lắm. Đêm trước có người học trò chờ thi mang rượu thịt tới uống với thượng tiên, thượng tiên cũng đưa rượu ngon ra mời khách, đọc thơ bàn văn cười nói vui vẻ, lúc chia tay thì trời đã gần sáng.” Chưa dứt lời thì trong phòng có tiếng rì rào khẽ vang lên như tiếng dơi bay. Còn đang nghe ngóng thì trên bàn ầm một tiếng như có tảng đá lớn rơi xuống. Lương thị quay người nói: “Làm người ta sợ chết được!” thì nghe trên bàn có tiếng cười rộ vui vẻ, như là một ông già khỏe mạnh.

Lương thị đặt chiếc quạt gần cái đôn, trên cái đôn lại có tiếng nói lớn: “Có duyên làm sao?” rồi lớn tiếng mời ngồi, lại như chắp tay làm lễ. Kế hỏi khách có chuyện gì muốn dạy bảo, Cao Chấn Mỹ nói ý của tiên sinh Niệm Đông, hỏi có gặp Bồ Tát không? Tiên đáp: “Nam Hải ta quá quen đường, làm sao không gặp?” Lại hỏi Diêm Vương có thay đổi người không, đáp: “Cũng như ở cõi trần thôi.” Hỏi Diêm Vương họ gì, đáp: “Họ Tào.” Kế xin thuốc chữa bệnh cho Quý Văn, tiên nói: “Trở về cứ đêm mang trà nước ra cúng, ta sẽ tới chỗ Quan Âm hái thuốc tặng tho, bệnh gì mà không khỏi.” Mọi người ai cũng hỏi chuyện này chuyện nọ, đều được trả lời rành mạch dứt khoát, bèn chào ra về. Qua đêm thì Quý Văn hơi đỡ, ta lại cùng Chấn Mỹ sắp xếp về trước, nên không rảnh ghé viếng thượng tiên được nữa.

350. Hầu Tĩnh Sơn

Thiếu tễ họ Cao tức tiên sinh Niệm Đông nói trong niên hiệu Sùng Trinh nhà Minh (1628-1643) có con khỉ thành tiên, hiệu là Tĩnh Sơn, tới ở nhà một ông già ở huyện Hà Gian (tỉnh Hà Bắc). Mỗi khi cùng người ta bàn văn chương, luận số mệnh thì hào hứng không biết mỏi, đặt bánh trái trên bàn thì ăn uống vung vãi, nhưng không ai trông thấy hình dáng ra sao. Lúc ấy ông nội của tiên sinh bệnh nặng, có người gởi thư nói ông Tĩnh Sơn là kẻ hàng trăm năm mới có một người, không thể không gặp gỡ ông nội tiên sinh bèn sai đầy tớ mang ngựa đón ông già tới. Ông già tới đã mấy ngày mà tiên chưa tới, bèn thắp hương khấn vái. Chợt nghe trên nóc nhà có tiếng khen lớn: “Thì ra là nhà người tốt?” Mọi người ngạc nhiên ngoảnh nhìn, kế chỗ chái nhà lại có tiếng nói, ông già đứng dậy nói: “Đại tiên tới rồi?” Mọi người theo ông già để đầu trần ra cửa đón, lại nghe có tiếng chắp tay chào hỏi. Khi đã vào phòng thì cười to nói lớn, trò chuyện hào sảng. Lúc ấy anh em Thiếu tễ còn là Chư sinh, vừa đi thi về. Tiên nói: “Bài làm của hai ông cũng hay, nhưng chưa hiểu hết kinh sách, phải cố gắng hơn nữa, bước đường công danh không còn xa đâu. Hai ông kính cẩn hỏi về bệnh của ông nội, tiên đáp: “Sống chết là chuyện lớn, khó biết rõ lắm,” vì thế đều biết là không hay. Không bao lâu sau, quả nhiên ông nội của tiên sinh qua đời.

Trước có người nuôi khỉ làm trò, tới diễn trong thôn, con khỉ bứt đứt dây xích chạy, không đuổi bắt được. Con khỉ vào trong núi, mấy mươi năm sau người ta còn nhìn thấy, đi lại rất nhanh, thấy người là chạy. Sau lại dần dần vào thôn ăn vụng bánh trái, không ai bắt được. Một hôm nó bị người trong thôn rình được, đuổi theo ra tới ngoài đồng bắn chết. Nhưng hồn con khỉ vẫn không biết là mình đã chết, chỉ thấy thân thể nhẹ nhàng như chiếc lá, trong chớp mắt đi được hàng trăm dặm, bèn tới nương tựa ông già ở Hà Gian, nói: “Nếu ngươi phụng thờ ta, ta sẽ giúp cho ngươi giàu có,” rồi lấy tên hiệu là Tĩnh Sơn.

Ở Trường Sa (tỉnh thành Hồ Nam) có con khỉ, cổ đeo xích vàng, thường lui tới nhà các bậc sĩ đại phu, ai nhìn thấy nó ắt có chuyện may mắn vui vẻ. Cho trái cây nó cũng ăn, mà không rõ từ đâu tới cũng không rõ đi đâu. Có ông già hơn chín mươi tuổi nói lúc nhỏ còn thấy trên chiếc xích có tấm bài ghi chữ là của phiên vương nhà Minh cũ, nghĩ chắc cũng là tiên vậy.

351. Quách sinh

Quách sinh là người Đông Sơn trong huyện. Lúc nhỏ ham học, nhưng trong thôn núi không có thầy giỏi, đến năm hơn hai mươi tuổi mà viết chữ còn sai. Trước đó trong nhà bị hồ quấy phá, thức ăn vật dùng thường bị mất, rất là cực khổ. Một đêm đọc sách để sách trên bàn, bị hồ đổ mực vào đen ngòm cả không sao đọc được nữa, vì là chọn những bài văn hay chép lại để học nên mất tới sáu bảy chục bài, vô cùng căm tức nhưng không biết làm sao. Lại có hơn hai mươi bài văn làm được cất để đợi hỏi thêm bậc danh sĩ, sáng ra thấy vứt tung tóe trên bàn, mực bôi lem luốc hết cả, giận lắm. Gặp lúc Vương sinh có chuyện đi ngang, vốn chơi thân với Quách, tới nhà thăm, thấy sách vở bị bôi mực bèn hỏi. Quách kể l nỗi khổ, lại đem những đoạn còn sót ra đưa cho Vương xem. Vương nói đùa là so những chỗ bị bôi xóa với những chỗ còn sót thì như có ý phẩm bình hay dở. Lại xem lại những đoạn bị bôi đen thì đều là tạp nhạp nên bỏ, ngạc nhiên nói: “Dường như hồ có ý, là không những đừng lo sợ, mà nên lập tức nhận nó làm thầy đấy.”

Được vài tháng, Quách xem lại bài làm cũ thấy những đoạn bị bôi xóa đúng là dở. Bèn làm hai bài khác đặt ở bàn để chờ xem sao, sáng ra thấy đều bị bôi xóa. Hơn một năm sau thì bài làm không bị bôi xóa gì nữa, mà thấy có vết mực đậm khuyên điểm rất to tỏ ý khen ngợi. Quách lấy làm lạ, mang tới cho Vương xem. Vương mừng rỡ nói: “Hồ đúng là thầy của ông, có thể đi thi rồi đấy.” Năm ấy quả nhiên Quách được vào trường huyện, vì thế rất cảm ơn hồ, thường đặt xôi gà ở bàn cho hồ ăn. Mỗi khi tìm mua được bài làm của những người thi đỗ mà không chọn lựa được đều nhờ hồ quyết định, nhờ thế thi hương thi hội đều đỗ cao, thi đình đỗ Phó bảng. Lúc bấy giờ có bản thảo của các ông Diệp, Mục văn chương phong nhã đẹp đẽ, người ta đua nhau truyền tụng, Quách cũng có một bản sao, rất là trân trọng, chợt bị trút cả nghiên mực vào, đen ngòm gần như không còn chữ nào. Lại nghĩ đầu đề làm một bài văn, lấy làm đắc ý, cũng bị bôi xóa cả nên từ đó dần dần không tin hồ nữa. Không bao lâu triều đình sửa định văn thể, ông Diệp bị hạ ngục, mới lại hơi phục hồ có tài biết trước. Nhưng vì mỗi lần làm được một bài văn thì nghĩ ngợi vất vả, mà cứ bị bôi xóa, lại thấy mình mấy lần đỗ cao, ý khí kiêu căng, vì vậy càng ngờ hồ làm càn. Bèn đem những bài văn được khuyên điểm trước kia ra thử, hồ lại bôi xóa sạch. Quách cười nói: “Đúng là làm càn, chứ chẳng lẽ trước thì hay mà nay lại dở à?” rồi không đặt xôi gà cho hồ ăn nữa.

Quách cất sách đọc trong hòm, thấy khóa vẫn như cũ nhưng mở ra xem thì thấy trên bìa bị bôi bốn vết mực to bằng ngón tay, chương một bị bôi năm vết, chương hai bị bôi năm vết, sau nữa thì không có gì. Từ đó không thấy hồ tới nữa. Về sau Quách thi một lần được hạng tư, hai lần được hạng năm mới biết đó là điềm báo trước, là hồ ngụ ý qua vết mực vậy.

Dị Sử thị nói: Tự mãn thì chuốc lấy tổn thất, khiêm cung thì được ích lợi thêm, đó là đạo trời. Vừa hơi có danh đã tự cho rằng mình đúng, học theo lối văn của họ Diệp, đã sai mà không chịu sửa đổi, thì không thể không thất bại được. Tự mãn thì có hại là như thế chăng!

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3