Liêu Trai chí dị (Tập 2) - Quyển XV - Chương 359 - 367

359. Ngựa trong tranh[1]

[1] Họa mã.

Thôi sinh ở huyện Lâm Thanh (tỉnh Sơn Đông) nhà rất nghèo, tường quanh sân sụp lở không sửa được. Cứ sáng dậy lại thấy một con ngựa vào nằm trên bãi cỏ đẫm sương, lông đen vằn trắng, chỉ có lông đuôi không đều, như là bị lửa cháy sém vậy. Đuổi đi thì đêm lại vào nằm, không biết từ đâu tới. Thôi có người bạn thân làm quan ở đất Tấn (vùng Sơn Tây), vẫn thường muốn tới thăm nhưng không đi bộ nổi. Bèn bắt con ngựa thắng yên cương cưỡi đi, dặn người nhà rằng: “Nếu có ai tìm ngựa, thì nói là ta mượn qua đất Tấn.” Ra tới đường, con ngựa phóng như bay, trong chớp mắt đã được trăm dặm. Đêm vào nhà trọ, nó không chịu ăn rơm cỏ, Thôi cho là bị bệnh. Hôm sau buộc lại không cưỡi, nhưng con ngựa giẫm chân phì bọt mép, dáng mạnh mẽ hung hăng như hôm qua, Thôi lại cưỡi lên, trưa đã tới đất Tấn. Lúc ấy Thôi đi trên đường phố, ai nhìn thấy cũng khen ngợi con ngựa. Tấn vương nghe đồn, hỏi mua với giá cao, Thôi sợ người mất ngựa tìm tới nên lấy cớ từ chối. Được nửa năm chẳng thấy ở nhà nhắn gì, Thôi bèn bán con ngựa cho Tấn vương được tám trăm đồng vàng, rồi mua một con ngựa khỏe cưỡi về.

Về sau Tấn vương có chuyện gấp sai viên Hiệu úy cưỡi con ngựa tới Lâm Thanh, con ngựa giật dây chạy, viên Hiệu úy đuổi vào tới nhà láng giềng của Thôi thì không thấy đâu nữa. Hỏi chủ nhà họ Tăng, thì ông ta không thấy. Đến lúc vào trong phòng, thấy trên vách treo một bức tranh vẽ ngựa của Tử Ngang[2] chỉ có một con, màu lông giống hệt, chỗ đuôi bị khói hương cháy sém, mới chợt hiểu ra rằng con ngựa là yêu quái trong bức tranh. Viên Hiệu úy không biết làm sao về phục mệnh với Tấn vương, bèn kiện Tăng. Lúc bấy giờ Thôi được số tiền bán ngựa đem về làm ăn đã trở nên giàu có, bèn tình nguyện bỏ tiền ra đền thay Tăng cho viên Hiệu úy trở về. Tăng vô cùng biết ơn, nhưng không biết Thôi là người bán con ngựa cho Tấn vương năm trước.

[2] Tử Ngang: tức Trần Tử Ngang, nhà thơ và họa sĩ nổi tiếng thời Đường.

360. Thả bướm[1]

[1] Phóng điệp.

Tiến sĩ Vương Đẩu Sinh người huyện Trường Sơn (tỉnh Sơn Đông) làm Tri huyện, cứ xử kiện thì định tội nặng nhẹ theo pháp luật rồi bắt nộp bướm để chuộc tội. Hàng vạn con bướm đem tới sân công đường thả ra cùng lúc, như gấm vụn bị gió cuốn bay đầy trời, Vương thì vỗ bàn cười lớn. Một đêm mơ thấy một cô gái xiêm y lộng lẫy thong thả bước vào nói: “Gặp phải chính sự bạo ngược của ông nên chị em ta đã chịu khổ nhiều, cũng phải cho ông nếm mùi trừng phạt nhẹ trước về cái tội phong lưu!” Nói xong biến thành con bướm chập chờn bay đi. Hôm sau Vương đang uống rượu một mình trong công thự, chợt nghe báo có quan Trực chỉ sứ tới, vội vã ra đón. Trước đó thê thiếp đùa lấy hoa giắt lên mão, Vương vội vàng nên quên bỏ ra. Trực chỉ sứ thấy thế, cho là khinh nhờn, chửi mắng một trận mới cho về. Từ đó Vương bỏ luôn lệ chuộc tội bằng bướm.

Vu Trọng Dần ở Thanh Thành, tính phóng túng ngông cuồng. Lúc làm Tư lý, ngày tết Nguyên Đán lấy pháo tre buộc khắp từ đầu tới đuôi con lừa rồi dắt tới dinh quan Thái thú, gõ cổng xin vào gặp, nói: “Xin dâng con lừa pháo, mời quan ra xem một lúc.” Lúc ấy Thái thú có đứa con trai cưng đang bị lên đậu, thấy khó chịu nên từ chối. Vu cứ nằng nặc xin gặp, Thái thú bất đắc dĩ sai mở cổng. Cánh cổng vừa mở, Vu châm ngòi pháo rồi đẩy con lừa vào. Pháo nổ, con lừa phát hoảng lồng lên phóng bừa, lại thêm lửa bắn tứ tung, không ai dám tới gần bắt lại. Con lừa băng qua phòng khách chạy tuông vào phòng ngủ, đạp vỡ hết lọ hoa bình trà, lửa bén vào cửa sổ, người nhà hoảng sợ la thét, đứa nhỏ bị đậu thất kinh, qua đêm thì chết. Thái thú đau xót căm hờn, toan hặc tội cách chức. Vu nhờ các ty đạo cùng đi năn nỉ giùm, tới công đường xin chịu tội mới được tha.

361. Người vma[1]

[1] Quỷ t.

Nhiếp Bằng Vân ở huyện Thái An (tỉnh Sơn Đông) có vợ là Mỗ, vợ chồng rất đầm ấm. Người vợ bị dịch chết, Nhiếp bỏ ăn bỏ ngủ, ngơ ngẩn như mất hồn. Một đêm đang ngồi một mình, chợt người vợ đẩy cửa bước vào, Nhiếp sợ hãi hỏi sao lại tới đây? Vợ đáp: “Thiếp là ma rồi, cảm vì lòng chàng nhớ thương nên năn nỉ xin Diêm Vương cho về gặp gỡ.” Nhiếp mừng rỡ đỡ lên giường, nhất thiết đều như lúc trước không có chi khác. Từ đó khi đi khi tới hơn một năm Nhiếp cũng chẳng nói gì tới chuyện lấy vợ. Chú bác anh em sợ không có người nối dõi, đều ngầm khuyên Nhiếp nên tục huyền. Nhiếp nghe theo, đưa sính lễ tới hỏi con gái một nhà lương thiện, nhưng sợ vợ không vui nên giấu. Không bao lâu sắp đến ngày cưới, ma biết chuyện trách: “Ta vì tình chàng mà cam chịu tội chốn u minh, nay chàng lại nuốt lời thề ước, người trong nòi tình lại như thế à?” Nhiếp nói rõ ý tứ của họ hàng, ma vẫn không vui, cương quyết vĩnh biệt.

Nhiếp tuy thương xót nhưng nghĩ lại thấy thế vẫn hơn. Đêm cưới, vợ chồng đang nằm với nhau, ma chợt tới, leo lên giường đánh người vợ mới, chửi: “Sao dám nằm vào giường của ta.” Người vợ mới cũng vùng dậy níu kéo cấu xé nhau, Nhiếp không dám bênh vực bên nào. Không bao lâu gà gáy, ma mới đi. Người vợ mới ngờ là vợ Nhiếp vốn chưa chết, cho rằng mình bị lừa, định treo cổ tự tử, Nhiếp kể lại mọi chuyện, người vợ mới mới biết đó là ma. Trời tối ma lại tới, người vợ mới sợ hãi tránh mặt. Ma cũng không ngủ chung với Nhiếp, chỉ lấy tay cào cấu, chán rồi thì ngồi bên đèn nhìn Nhiếp trừng trừng, im lặng không nói một tiếng. Cứ thế mấy đêm liền, Nhiếp sợ quá, nhờ người thầy pháp giỏi ở thôn bên cạnh lấy gỗ đào vẽ bùa làm hàng rào đóng chặt xuống bốn góc ngôi mộ người vợ trước, từ đó ma mới không tới nữa.

362. Nghề y[1]

[1] Y thuật.

Họ Trương là dân nghèo ở huyện Nghi Thủy (tỉnh Sơn Đông), đi đường gặp một đạo sĩ giỏi thuật xem tướng xem cho, nói: “Ông có thể nhờ nghề nghiệp mà làm giàu. Trương hỏi: “Nên làm nghề gì?” Đạo sĩ xem kỹ rồi đáp: “Nghề thuốc thì được.” Trương nói: “Ta không biết chữ, làm sao làm nổi?” Đạo sĩ cười nói: “Ông ngây thơ quá, các bậc danh y nào phải có nhiều kẻ nhờ biết chữ đâu? Chỉ cần làm thôi!” Trương về nhà, nghèo quá không có nghề nghiệp gì để sống, bèn hái các bài thuốc lá linh tinh đem ra chợ bày bán, làm một quầy thuốc nhỏ kiếm sống lần hồi, người ta cũng chưa thấy có gì hay. Gặp lúc Thái thú phủ Thanh Châu mắc bệnh ho, gởi công văn sai tìm thầy thuốc. Huyện Nghi Thủy vốn quê mùa nhỏ hẹp, ít có thầy thuốc, nhưng quan huyện không dám tắc trách, sai các làng tìm thầy thuốc, người ta đều đề cử Trương, quan huyện lập tức gọi tới. Trương vừa bị bệnh ho có đờm không tự chữa được, nghe lệnh sợ quá từ chối, quan huyện không nghe, sai đem ngựa trạm đưa lên phủ.

Đường đi ngang qua núi sâu, Trương khát nước ho càng dữ, bèn vào thôn xin nước uống. Nhưng thôn trong núi nước quý như vàng, xin khắp vẫn không ai cho. Chợt thấy một người đàn bà rửa rau, rau nhiều nước ít, nước trong chậu đục như bùn. Trương khát quá chịu không nổi, xin nước ấy uống bừa. Trong khoảnh khắc thấy hết khát, cũng hết cả ho, thầm nghĩ đây là phương thuốc hay. Tới phủ thì thầy thuốc các huyện đã xúm vào chữa nhưng Thái thú vẫn không đỡ. Trương vào, xin ở chỗ kín đáo rồi ra đơn thuốc, xin truyền thị khắp trong ngoài, sai người vào dân tìm đủ thứ rau cỏ, đem rửa rồi lấy nước bùn đất dâng lên, Thái thú chỉ uống một lần là hết bệnh. Thái thú mừng rỡ, thưởng cho rất hậu, ban cho biển ngạch chữ vàng để biểu dương. Từ đó Trương rất nổi tiếng, người tới chữa bệnh đông như họp chợ trước cửa, mà cứ theo tay bốc thuốc là khỏi. Có người bị thương hàn kể bệnh xin thuốc, gặp lúc Trương đang say đưa lầm cho thuốc sốt rét, tỉnh rượu mới nhớ ra nhưng không dám nói cho ai biết. Ba ngày sau lại có người đem lễ rất hậu tới cảm tạ, hỏi ra thì người bị thương hàn uống thuốc sốt rét nôn mửa một trận rồi hết bệnh, những chuyện như thế rất nhiều: Trương vì vậy cũng sợ nên chữa bệnh ít đi, lại càng có tiếng là tự trọng, nếu người ta không đem vàng ròng kiệu lớn tới mời thì không đi thăm bệnh.

Họ Hàn ở huyện Ích Đô (tỉnh Sơn Đông) là bậc danh y. Lúc chưa nổi tiếng, bán lá thuốc dạo khắp nơi, gặp hôm trời tối không có nơi trọ, xin vào ngủ nhờ nhà nọ. Con trai nhà ấy bị thương hàn gần chết, chủ nhà xin Hàn chữa cho. Hàn nghĩ nếu không chữa thì khó mà ngủ nhờ, nhưng chữa thì không biết cho thuốc thế nào. Đi tới đi lui nghĩ ngợi, lấy tay gãi lưng, cáu ghét và mồ hôi kết thành một mảng bèn vo viên lại, nghĩ rằng cho người bệnh uống cũng vô hại, sáng ra mà không bớt thì đêm nay mình cũng được ăn no ngủ yên rồi, bèn đưa ra. Nửa đêm, chủ nhà đập cửa phòng rất gấp, Hàn nghĩ người bệnh đã chết, cho là sẽ bị đánh đập chửi mắng, hoảng sợ vùng dậy leo qua tường chạy. Chủ nhà đuổi theo mấy dặm, Hàn không sao chạy thoát bèn dừng lại, mới được biết rằng người bệnh đã ra mồ hôi khỏi hẳn rồi. Chủ nhà kéo Hàn về, mời tiệc rất long trọng, lúc Hàn đi lại tặng cho rất hậu.

363. Hai chuyện tuyết mùa hè[1]

[1] Hạ tuyết nhị tắc.

I

Ngày sáu tháng bảy năm Đinh hợi, ở Tô Châu có tuyết lớn, trăm họ hoảng sợ cùng tới cầu đảo ở miếu thờ thần. Thần chợt mượn lời người nói: “Những kẻ xưng là Lão gia hiện nay đều thêm một chữ Đại ở trước, hạng thần nhỏ nhoi như ta không đáng được chữ Đại ấy.” Mọi người run sợ, cùng gọi thần là Đại Lão gia, tuyết lập tức ngừng rơi. Từ đó mà xem thì thần cũng thích nịnh, huống gì kẻ sang cả ăn trên ngồi trốc.

Dị Sử thị nói: Phong tục đổi thay, người dưới thì nịnh mà người trên thì kiêu, như trong khoảng bốn mươi mấy năm đầu niên hiệu Khang Hy (1662-1722) gọi là xưng hô không nệ cổ, rất đáng buồn cười. Cử nhân xưng là Gia, thì bắt đầu từ năm thứ 20 (1681), Tiến sĩ xưng là Lão gia, thì bắt đầu từ năm thứ 30 (1691), các quan ở Ty Viện xưng là Đại Lão gia, thì bắt đầu từ năm thứ 25 (1686). Trước đây quan tỉnh ra mắt đại thần, bất quá cũng chỉ xưng là Lão đại nhân mà thôi, nay thì cách xưng hô ấy đã bỏ lâu rồi. Cho dù là người quân tử thì gặp cảnh ngộ nịnh hót cũng phải làm theo lối nịnh hót, đâu dám xưng hô khác đi. Như vợ những người làm quan được gọi là Thái thái thì cũng chỉ mới vài năm nay thôi, chứ trước kia chỉ có mẹ của các quan mới được. Bắt đầu có lối xưng hô này, cứ vợ là được gọi như thế, chỉ có trong bọn lại rông càn là gọi bừa thôi, chứ ngoài ra chưa thấy. Thời Đường vua muốn gia phong cho Trương Duyệt làm Đại Học sĩ, Duyệt từ chối tâu rằng: “Xưa nay chức Học sĩ không có chữ Đại, thần không dám nhận,” chữ Đại ngày nay ai cho là lớn? Buổi đầu là do bọn tiểu nhân nịnh hót, rồi vì kẻ sang cả vui thích cứ nghiễm nhiên nhận lấy, nên thiên hạ cứ đua nhau mà gọi thôi. Trộm nghĩ vài năm nữa, kẻ xưng Gia sẽ trở thành Lão gia, kẻ xưng Lão gia sẽ trở thành Đại Lão gia, thì không biết bậc Đại Lão gia sẽ được tôn xưng thế nào cho cao hơn, thật là không biết ra sao nữa!

II

Ngày ba tháng sáu năm Đinh Hợi, ở phủ Quy Đức tỉnh Hà Nam có tuyết lớn ngập hơn một thước, lúa má chết sạch. Tiếc cho dân ở đó còn chưa biết cách nịnh hót thần, xót xa thay!

364. Hà tiên

Công tử Vương Thụy Đình ở huyện Trường Sơn (tỉnh Sơn Đông) biết cầu tiên, thường được một vị tự xưng là Hà tiên, đệ tử của tiên ông Lữ Động Tân, có người nói là con hạc của Lữ tổ cưỡi. Mỗi lần giáng lâm, đều cùng mọi người luận văn làm thơ. Thái sử Lý Chất Quân thờ làm thầy, được chỉ vẽ cho về văn bài rõ ràng cặn kẽ. Thái sử cầu khẩn được Hà tiên nhiều khi tới ở cùng, nên văn sĩ nhiều người tới nương dựa. Nhưng tiên đoán việc cho người phần nhiều đều bàn lý lẽ chứ ít khi nói rủi may. Năm Tân Mùi, Chu Văn Tông ra khảo thí ở Tế Nam, thi xong mọi người tới xin đoán về chuyện đỗ hay trượt, cao hay thấp. Hà tiên đòi xem bài làm của từng người, phẩm bình cả tháng. Trong bọn có người chơi thân với Lý Biện ở huyện Lan Lăng (tỉnh Sơn Đông), Lý vốn là kẻ sĩ ham học nghĩ xa, mọi người đều mong mỏi nên đưa văn bài của Lý ra nhờ tiên xem giúp.

Tiên chú rằng: “Hạng nhất,” lát sau lại viết: “Mới rồi là bình văn của Lý, song cứ theo văn chương thì thấy vận số rất xấu, phải bị roi vọt. Lạ thật, văn chương với số mệnh lại không phù hợp, chẳng lẽ Văn Tông không bàn văn chương à? Các ông chờ ở đây để ta đi xem thử một lúc.” Giây lát lại viết: “Ta vừa tới dinh quan Đốc học, thấy Văn Tông công việc bề bộn, đang lo nghĩ chuyện khác chứ không phải về văn chương, mọi việc đều giao phó cho đám mạc khách. Khách có sáu bảy người, toàn là hạng bỏ tiền gạo ra mua chức Giám sinh, kiếp trước đều không có khí cốt, quá nửa là kẻ chết đói giữa đường, hồn ma vất vưởng xin ăn khắp nơi thôi. Ở trong ngục tối tám trăm năm thì sức mắt suy giảm, cũng như người ở lâu trong hang chợt bước ra ngoài thì trời đất đều như đổi màu, không thấy rõ gì cả. Trong bọn có một hai người như thế đấy, duyệt quyển chấm văn e không hiểu đúng được đâu.” Mọi người hỏi cách cứu vãn, tiên viết: “Cách ấy rất rõ, ai cũng hiểu rồi còn hỏi làm gì?”

Mọi người hiểu ý đem chuyện kể cho Lý. Lý sợ đem văn bài tới dâng Thái sử Tôn Tử Vị, lại nói lời tiên. Thái sử khen văn, lại khuyên đừng tin nhảm. Lý thấy Thái sử là người chủ trì văn giáo trong nước, lấy làm phấn chấn không nghĩ tới lời tiên đoán nữa. Đến ngày ra bảng, Lý được xếp hạng tư. Thái sử hoảng sợ, đòi văn bài của Lý xem lại, cũng không hề phạm quy, bèn nói: “Đốc học là quan tỉnh, vốn có văn danh, chắc không tới nỗi mù mờ như thế, đây chắc là do bọn mạc khách mê muội không biết chữ nghĩa mà thôi.” Lúc ấy mọi người càng phục Hà tiên, cùng thắp hương vái tạ. Tiên giáng viết rằng: “Lý sinh đừng chịu khuất phục một lúc để chịu xấu hổ, cứ chép quyển thi truyền rộng ra, sang năm thế nào cũng đỗ cao.” Lý theo lời dạy, lâu sau trong dinh Đốc học cũng biết, bèn treo bảng đặc biệt an ủi. Năm sau quả nhiên Lý đỗ đầu.

365. Quan huyện Lộ Thành[1]

[1] Lộ lệnh.

Tống Quốc Anh người huyện Đông Bình (tỉnh Sơn Đông) từ chức Giáo thụ được thăng làm Tri huyện Lộ Thành (tỉnh Sơn Tây), tham bạo bất nhân, thúc thuế càng dữ tợn. Những kẻ thiếu thuế bị đánh chết ngổn ngang dưới sân công đường. Từ Bạch Sơn ở làng ta ghé qua đó thấy tàn nhẫn quá, nói mỉa rằng: “Làm cha mẹ của dân mà oai vệ tới thế kia à?” Tống nghênh ngang tỏ vẻ đắc ý đáp: “Vâng ạ, không dám, quan chức tuy nhỏ, làm việc mới trăm ngày nhưng cũng đánh chết được năm mươi tám tên rồi.” Nửa năm sau, vừa ngồi vào án xem việc, chợt trợn mắt đứng dậy, tay chân khua khoắng rối rít như chống cự người khác, kêu lên: “Tội ta đáng chết! Tội ta đáng chết!” Mọi người đỡ vào nhà trong, được một giờ thì chết. Than ôi! May mà còn có âm ty kiêm nhiếp cả chính sự trên dương thế, thứ nếu không thì càng cướp đoạt của dân được nhiều càng nổi tiếng là làm quan mẫn cán, còn hại biết bao nhiêu nữa!

Dị Sử thị nói: Nơi ở cũ của Lộ tử[2] người sống cứng cỏi nên chết cũng làm quỷ hùng. Nay có một viên quan cầm triện ngồi trên ắt có một hai bọn hèn hạ dua nịnh ở dưới. Lúc quan còn thế lực thì ra sức hầu hạ, lấy đó làm tấm bình phong, lúc quan đã thất thế thì cố gắng chạy chọt, xin cho vẫn được giữ chức. Quan không kể là tham hay liêm, cứ tới nhiệm sở nào cũng gặp hai việc ấy. Kẻ cầm quyền còn oai vệ ngồi đó, người chê bai đâu lại dám không theo, cứ thế theo nhau, lâu ngày thành lệ, thật cũng đã bị quỷ thần ở Lộ Thành cười cho lâu rồi.

[2] Lộ tử: hậu duệ của Hoàng Đế thời cổ, được phong tước tử ở đất Lộ nên gọi là Lộ tử.

366. Mỗ sinh ở Hà Gian[1]

[1] Hà Gian sinh.

Mỗ sinh ở huyện Hà Gian (tỉnh Hà Bắc), trong ruộng chất rơm rạ thành đống như cái gò, người nhà hàng ngày rút để đun nấu, dần dần thành một cái l lớn. Có con hồ tới ở trong đó, thường hiện hình là một ông già tới gặp chủ nhân. Một hôm mời chủ nhân tới uống rượu, mời sinh chui vào trong đống rơm, sinh lấy làm khó khăn, mãi mới chịu chui vào. Vào trong thì thấy nhà cửa hoa lệ, vừa ngồi xuống thì trà rượu thơm ngát dâng lên, chỉ có ánh sáng mờ mờ không biết là ngày hay đêm. Uống rượu xong trở ra thì nhà cửa đều biến mất. Ông già cứ tối đi sáng về, không thể theo vết được. Sinh hỏi, ông ta đáp là bạn bè mời đi uống rượu, sinh xin theo cùng, ông ta không cho, nài nỉ mãi mới ưng thuận. Bèn nắm tay sinh kéo lướt đi như gió, khoảng nấu chín nồi cơm thì tới một nơi thành thị. Vào quán rượu thì thấy khách khứa rất đông, ăn uống cười nói ồn ào.

Ông già dắt sinh lên lầu nhìn xuống, muốn ăn uống món nào trong các bàn bên dưới cứ nói, ông già tự xuống bưng lên bày đầy trên bàn mời sinh, mà những người bên dưới không ai biết gì cả. Lát sau sinh thấy chỗ bàn của một người áo đỏ có quýt vàng, bảo ông già xuống lấy, ông già nói: “Đó là bậc chính nhân, ta không tới gần được.” Sinh nghĩ thầm vậy mà hồ chơi với mình, ắt mình là kẻ gian tà, từ nay về sau phải thay đổi tính nết. Vừa nghĩ tới đó thì thấy không tự chủ được nữa, hoa mắt rơi xuống dưới, khách khứa bên dưới cả sợ, kêu ầm lên là yêu quái. Sinh ngẩng lên nhìn thì bên trên không phải là lầu, mà là xà nhà. Bèn kể hết sự thật, mọi người căn vặn thấy đúng, cho tiền trở về. Sinh hỏi thì ra đó là ở huyện Ngư Đài (tỉnh Sơn Đông), cách Hà Gian cả ngàn dặm.

367. Ông họ Đỗ[1]

[1] Đỗ ông.

Ông họ Đỗ người huyện Nghi Thủy (tỉnh Sơn Đông), ngẫu nhiên đi chơi chợ ra, ngồi xuống dưới bức tường chờ bạn. Thấy người hơi mỏi mệt, chợt như thiu thiu ngủ, thấy một người cầm công văn bắt đi, tới một dinh thự xưa nay chưa từng biết. Có một người đội mão lóng lánh từ trong đi ra, thì là Trương Mỗ ở Thanh Châu, vốn là bạn cũ. Trương thấy Đỗ hoảng sợ nói: “Sao Đỗ đại ca lại tới đây?” Đỗ đáp không biết chuyện gì mà bị bắt. Trương ngờ là lầm, trở vào tra xét, lại dặn: “Ông đứng yên đây đừng đi đâu, sợ là lạc đường một phen thì khó cứu đấy.” Rồi đi vào trong hồi lâu không ra, chỉ có người cầm công văn trở ra, tự nhận là bắt lầm, thả Đỗ ra bảo về. Đỗ chào đi ra, trên đường thấy có sáu bảy cô gái dung mạo xinh đẹp, thích quá bèn theo sau.

Xuống khỏi đường lớn rẽ vào hẻm nhỏ, đi được mười mấy bước thì nghe Trương gọi lớn phía sau: “Đỗ đại ca, ngươi đi đâu đấy?” nhưng vẫn luyến tiếc không dừng lại. Chợt thấy các cô gái bước xuống một cái hang nhỏ, biết đây là nhà họ Vương bán rượu, bất giác thò người vào nhìn quanh, thì thấy mình đang trong chuồng, nằm cùng với một bầy heo con, chợt hiểu là mình đã biến thành heo rồi. Nhưng tai còn nghe tiếng Vương gọi, hoảng sợ, vội lấy đầu húc vào vách, nghe tiếng người nói: “Con heo con này điên rồi.” Quay ra thấy đã lại là người, vội chạy mau trở lại, thì Trương đang chờ trên đường, trách rằng: “Đã dặn là đừng đi đâu, sao anh không nghe? Suýt nữa thì có chuyện không hay rồi?” Rồi nắm tay Đỗ dắt tới cửa chợ mới chào đi. Đỗ chợt tỉnh dậy, thấy mình vẫn còn ngồi dựa vào tường. Tới nhà họ Vương hỏi, quả có một con heo con húc đầu vào tường mà chết.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3