Liêu Trai chí dị (Tập 2) - Quyển XVI - Chương 405 - 410
405. Vương Tử An
Vương Tử An là danh sĩ huyện Đông Xương (tỉnh Sơn Đông) nhưng lận đận mãi ở chốn trường ốc. Khoa ấy vào thi xong, Vương rất mong mỏi, gần đến ngày ra bảng thì uống rượu say mèm, về nằm trong phòng. Chợt có người bẩm ngựa báo tin thi đỗ tới Vương choàng dậy nói: “Thưởng người báo tin mười ngàn.” Người nhà thấy say, nói dối cho qua chuyện: “Xin cứ ngủ yên, đã thưởng rồi,” Vương lại ngủ tiếp. Giây lát lại có người bẩm: “Ông đỗ Tiến sĩ.” Vương nói một mình: “Còn chưa lên kinh, làm sao đã đỗ Tiến sĩ.” Người ấy nói: “Ông quên rồi à? Đã qua tam trường rồi.” Vương cả mừng lại vùng dậy gọi: “Thưởng người báo tin mười ngàn.” Người nhà lại nói dối: “Xin cứ ngủ yên! Đã thưởng rồi.” Lát sau, một người bước mau vào bẩm: “Ông thi điện đỗ Hàn lâm, Trưởng ban đang có mặt.” Nhìn ra quả có hai người đang lạy trước giường, áo mũ tề chỉnh. Vương gọi dọn rượu mời, người nhà lại ậm ừ, cười thầm là say tới như thế.
Hồi lâu, Vương lại nghĩ không thể không ra ngoài cho vẻ vang với làng xóm, cất tiếng gọi Trưởng ban, nhưng gọi cả chục lần vẫn không thấy thưa. Người nhà cười nói: “Xin tạm nằm thêm một lúc, ông ta vừa ra ngoài.” Hồi lâu quả nhiên Trưởng ban lại tới, Vương đập giường giậm chân mắng thằng đầy tớ chậm chạp đi đâu mất mặt, Trưởng ban nổi giận nói: “Đồ học trò khố rách vô lại, nãy giờ ta đùa với ngươi, mà ngươi mắng thật à?” Vương giận lắm vùng dậy tát cho rơi cả mũ, Vương cũng ngã theo. Vợ vào đỡ dậy nói: “Sao mà say tới mức này?” Vương đáp: “Thằng Trưởng ban đáng ghét, ta phải trị nó chứ say cái gì?” Vợ cười nói: “Trong nhà chỉ có một mụ già ban ngày nấu cơm, ban đêm ấp chân cho ông, lấy đâu ra Trưởng ban? Chờ đến khi ông rạc xương ra ấy à?” Con cái đều phì cười, Vương cũng hơi tỉnh rượu, chợt như tỉnh mộng mới biết những việc trước đó đều là nhảm nhí. Nhưng vẫn nhớ việc Trưởng ban rơi mũ, tìm tới sau cửa thấy có một cái núm giải mũ to bằng cái chén, mọi người đều lạ lùng. Vương cười nói: “Người xưa bị quỷ trêu chọc, ta nay thì bị hồ lấy làm trò cười.”
Dị Sử thị nói: Học trò vào trường thi có bảy cái giống. Lúc mới đầu, đi chân mang tráp giống ăn mày. Lúc gọi tên, quan thét lính mắng giống thằng tù. Lúc về chỗ ngồi, nhô đầu lố nhố, thò cẳng quều quào giống ong lạnh cuối thu. Lúc ra khỏi trường thi, tâm thần thảng thốt, trời đất đổi màu giống chim bệnh rời lồng. Lúc chờ ra bảng thấy cây cỏ đều sợ sệt, mơ mộng cũng chập chờn, nghĩ tới chuyện thi đỗ thì khoảnh khắc lầu gác tựa mọc lên, nghĩ tới chuyện thi rớt thì chớp mắt xương cốt như mục nát, đứng ngồi không yên giống con khỉ bị trói. Chợt tới lúc ngựa ruổi báo danh, không có tên mình thì tinh thần suy sụp chết điếng giống con nhặng say thuốc, ai chọc ghẹo cũng không biết. Đầu tiên thì lòng dạ tan nát, chửi quan trường không mắt, bút mực không thiêng, mọi đồ dùng học hành đều đem đốt, đốt không cháy thì giẫm đạp, giẫm đạp không vỡ thì ném xuống cống, rồi xõa tóc vào núi, quay mặt vào vách, nếu lại có kẻ lấy văn chương “thả phù”[1] khen hay dâng cho mình, nhất định sẽ vác dao rượt. Không bao lâu, ngày tháng trôi đi, lòng dạ nguôi dần, lại đâm ra ngứa nghề, thì giống chim cưu vỡ trứng, đành tha rác làm tổ, ấp ủ trứng mới vậy. Tình cảnh như thế, người trong cuộc khóc lóc tưởng chết song người ngoài cuộc nhìn vào chỉ thấy buồn cười. Vương Tử An nháy mắt trong lòng sinh muôn mối, chắc hồ quỷ cười trộm đã lâu mới nhân lúc bị say mà đùa cợt, nên lúc đầu giường tỉnh rượu, há không bật cười tự nhạo mình sao? Nghĩ lại cái ý vị của sự đắc chí chỉ trong chớp mắt, các ông trong rừng văn thì chỉ được trong đôi ba chớp mắt, thế mà Vương Tử An chỉ nếm hết trong một buổi, cái ơn của hồ đáng sánh với của bậc phòng sư[2] vậy.
[1] Văn chương thả phù: tức văn chương bát cổ dùng trong khoa cử ngày trước, gồm có tám đoạn, chuyển ý từ đoạn trước sang đoạn sau thường dùng hai chữ “thả phù” (vả lại) để đưa đẩy.
[2] Phòng sư nguyên văn là “tiến sư”, chỉ các quan chấm thi, ngày trước học trò đi thi được lấy đỗ phải làm lễ tạ ơn, tôn trọng như bậc thầy.
406. Trẻ chăn trâu[1]
[1] Mục nhi.
Có hai đứa trẻ chăn trâu vào núi gặp hang sói, thấy trong có hai con sói con, bèn bàn tính rồi mỗi đứa bắt một con, chia nhau leo lên hai cái cây cách nhau vài mươi bước. Giây lát sói mẹ về, vào hang thấy mất con, có vẻ lo lắng hoảng sợ. Một đứa trẻ bèn kéo tai kéo chân sói con cho nó kêu lên, sói mẹ nghe tiếng ngẩng nhìn, giận dữ lao tới dưới gốc cây, gầm thét cắn xé. Đứa trên cây kia lại chọc cho sói con kêu ầm lên, sói mẹ nghe tiếng, ngoảnh nhìn bốn phía, vừa trông thấy thì bỏ gốc cây này phóng qua, đứng dưới gầm thét. Tiếng sói con lại kêu lên trên cây bên này, sói mẹ lại phóng qua, cứ thế miệng không ngừng gầm, chân không ngừng chạy, qua lại vài mươi lần thì chạy chậm dần, gầm nhỏ dần, sau cùng nằm phục xuống hồi lâu không động đậy. Hai đứa trẻ leo xuống nhìn, thì đã đứt hơi chết rồi.
Nay có kẻ cường hào trợn mắt vỗ kiếm như định nuốt sống người ta, kẻ làm cho y nổi giận bèn đóng chặt cửa. Y chửi mắng kiệt sức khan tiếng thấy không ai chống lại, há chẳng đắc ý tự cho là oai hùng? Không biết đó chỉ là cái oai của thú vật, người ta cố ý chọc ghẹo để làm trò vui mà thôi.
407. Anh Ất ở Kim Lăng[1]
[1] Kim Lăng Ất.
Người bán rượu ở Kim Lăng (tỉnh thành Giang Tô) là Ất, mỗi khi cất rượu xong lại ngâm vào nước cho nồng thêm, người mạnh rượu bao nhiêu cũng chỉ uống vài chén là say mềm, nhờ vậy nổi tiếng là có rượu ngon, trở nên giàu có. Một buổi sáng thức dậy, thấy có con hồ say nằm cạnh hầm rượu, bèn trói chặt bốn chân, đang tìm dao để giết thì hồ tỉnh dậy cầu khẩn rằng: “Xin tha cho, ông muốn gì cũng được.” Ất bèn thả ra, nó lăn lộn vài cái biến thành người. Lúc ấy có họ Tôn ở cùng ngõ, vợ bị hồ ám, Ất nhân đó hỏi. Hồ đáp: “Đó là ta đấy.” Ất thấy người em dâu họ Tôn rất đẹp, xin hồ dắt theo, hồ lấy làm khó. Ất nài nỉ mãi, hồ bèn đưa đi, tới một cái hang, hồ lấy một tấm áo đưa cho, nói: “Đây là của tiên huynh để lại, mặc vào thì có thể tới đó được.” Ất mặc vào đi về nhà, người nhà đều không ai nhìn thấy, tới khi mặc áo thường trở ra, họ mới nhìn thấy. Ất cả mừng, cùng hồ tới nhà họ Tôn, thấy trên tường dán lá bùa lớn vẽ mấy nét ngoằn ngoèo như con rồng. Hồ sợ nói: “Hòa thượng ác thật ta không vào được,” bèn lui lại bỏ đi.
Ất mon men tới gần thì có con rồng thật từ vách nhô ra, ngẩng đầu muốn bay tới, sợ quá cũng lui lại. Đó là họ Tôn tìm được một nhà sư nước ngoài nhờ trấn yểm hồ, nhà sư mới trao cho lá bùa về trước dán chứ chưa tới. Hôm sau nhà sư tới, lập đàn làm phép, hàng xóm kéo qua xem, Ất cũng trà trộn trong đó, chợt biến sắc bỏ chạy về nhà, tới cửa thì ngã xuống đất biến thành con hồ, chân tay còn mặc quần áo người. Nhà sư toan giết, vợ con Ất lạy lục năn nỉ, nhà sư bèn sai trói nhất lại, hàng ngày cho ăn uống, được vài hôm thì chết.
408. Hai truyện xử án[1]
[1] Chiết ngục nhị tắc.
I
Phía tây huyện ta có thôn cạnh núi. Có kẻ trong thôn đi buôn bị giết trên đường, đêm hôm sau thì người vợ tự tử, em trai người đi buôn khóc lóc lên kêu với quan. Lúc ấy ông Phí Huy Vĩ làm huyện lệnh Truy Xuyên, đích thân tới khám nghiệm, thấy bọc tiền của người ấy còn năm nén bạc vẫn giắt trong lưng, biết đây không phải là vụ giết người cướp của. Bèn đòi hương chức ở thôn ấp tới hỏi, thẩm xét qua một lượt không được chút manh mối gì, cũng thả cho về cả chứ không bắt bớ một ai, chỉ sai họ ngấm ngầm dò xét, cứ mười ngày một lần lên huyện bẩm lại mà thôi. Được nửa năm việc hầu như bị dìm đi, em trai người đi buôn oán ông nhân từ nhu nhược, lên huyện làm ầm ĩ. Ông giận nói: “Người không nêu được đích danh kẻ nào, lại muốn ta bắt bớ đánh đập kẻ lương dân à?” Sai quát đuổi ra. Em trai người đi buôn không có cách nào, căm hờn trở về chôn cất anh và chị dâu.
Một hôm có mấy người thiếu thuế bị bắt giải lên huyện, trong đó có một người tên Chu Thành sợ bị giam, bẩm rằng đã lo đủ tiền nộp thuế, rút bọc tiền giắt trong lưng đưa lên cho quan xem. Ông xem xong hỏi: “Nhà ngươi ở làng nào?” đáp ở thôn Mỗ. Lại hỏi cách thôn cạnh núi phía tây huyện bao xa, đáp là năm sáu dặm. Ông hỏi: “Năm rồi thôn ấy có người đi buôn bị giết, là gì của ngươi?” Đáp là không hề quen biết. Ông chợt đùng đùng nổi giận nói: “Ngươi giết y, lại còn nói là không hề quen biết à?” Chu ra sức phân trần, ông không nghe, sai tra tấn, quả nhiên y chịu nhận tội. Trước đó vợ người đi buôn là Vương thị đi thăm họ hàng, thẹn vì không có món đồ trang sức nào, nói với chồng bảo sang nhà hàng xóm mượn chiếc thoa, chồng không chịu. Vương thị bèn sang mượn rồi đi thăm họ hàng, giữ gìn rất cẩn thận, trên đường về tháo ra cho vào bọc tiền cất trong tay áo, về tới nhà xem lại thì đã làm rơi mất, không dám nói với chồng, cũng không có cách nào đền cho hàng xóm, lo buồn muốn chết.
Hôm ấy Chu tình cờ nhặt được, biết là của Vương thị làm rơi, bèn rình lúc người đi buôn vắng nhà, nửa đêm nhảy tường vào, định lấy đó ép Vương thị ngủ với mình. Hôm ấy trời nóng nực, Vương thị ngủ ở sân, Chu tới cưỡng ép, Vương thị tỉnh giấc la lớn. Chu vội ngăn lại, đưa chiếc thoa ra. Xong rồi Vương thị dặn: “Từ nay về sau đừng tới nữa, đàn ông nhà ta dữ lắm, y biết thì chết cả.” Chu tức giận nói: “Ta mà cầm cái thoa này tới kỹ viện thì đủ ngủ mấy đêm, chẳng lẽ mới có một lần mà đã đủ à?” Vương thị nói ngọt rằng: “Không phải ta không muốn. Nhưng chồng ta nhiều bệnh, chẳng bằng cứ thong thả, chờ y chết rồi sẽ tính.” Chu bèn về, vì vậy rình giết người đi buôn, đêm tới nói với Vương thị: “Bây giờ y đã bị người ta giết rồi, xin nàng theo lời hứa.” Vương thị nghe thế khóc ầm lên, Chu hoảng sợ bỏ trốn, sáng ra thì Vương thị chết.
Ông hỏi rõ được hết sự thật, bèn khép tội Chu. Người ta đều phục là ông sáng suốt như thần, song không rõ ông dựa vào đâu mà biết là Chu giết người đi buôn. Ông nói: “Chuyện này không khó, chỉ cần để ý đúng chỗ thôi. Lúc ta khám nghiệm xác chết, thấy bọc tiền có thêu chữ Vạn, bọc tiền của Chu cũng thế, cùng là do tay một người thêu. Khi hỏi thì y đáp là không hề quen biết người kia, lời lẽ sắc mặt đều có vẻ giả trá, cho nên biết được.”
Dị Sử thị nói: Những người xét án trên đời, nếu không thẳng tay kết tội cũng bắt bớ đánh đập vài mươi người, bừa bãi quá lắm! Trên thềm sai đánh người huỳnh huỵch, quát thét tới trưa, rồi nghênh ngang nói: “Ta lo việc dân mệt quá!” Gõ ba hồi trống nghỉ thì giọng nói sắc mặt đều lộ vẻ tự đắc, không quyết được việc án mà cũng chẳng nghĩ ngợi gì, chỉ chờ tới lúc ra công đường thì tra khảo cho nặng mà thôi? Ô hô, có phải nhờ vậy mà rõ được dân tình đâu!
II
Trong huyện có Hồ Thành cùng làng với Phùng An, nhiều đời có hiềm khích với nhau. Cha con Hồ hung dữ, Phùng nhịn nhục qua lại chơi bời, song rốt lại Hồ vẫn ngờ vực. Một hôm cùng uống rượu, Hồ hơi say không còn giữ gìn nữa, bèn nói khoác rằng: “Ta chẳng sợ gì nghèo, gia tài trăm lượng vàng chẳng phải là khó kiếm.” Phùng thấy nhà Hồ không giàu, bèn chế nhạo. Hồ tỏ vẻ thành thật nói: “Nói thật nhé, đêm qua gặp nhà buôn giàu trên đường mang rất nhiều hàng, ta đã giết y quăng xuống giếng cạn ở núi nam rồi.” Phùng lại cười nhạo. Lúc ấy em rể của Hồ là Trịnh Luân nhờ mua ruộng đất, có gởi ở nhà Hồ mấy trăm đồng tiền vàng, Hồ bèn đem ra giả làm chứng cớ, Phùng mới tin. Hôm sau Phùng ngầm lên huyện tố cáo, ông cho bắt Hồ tra hỏi, Hồ bèn nói hết sự thật, hỏi tới Trịnh Luân và người bán ruộng cũng không sai. Bèn tới chỗ giếng cạn, ròng dây sai một người lính lệ xuống xem, thì quả có một cái thây người không đầu dưới đáy giếng. Hồ hoảng sợ không biết làm sao phân trần, chỉ kêu là oan.
Ông giận, sai đánh vài mươi tát, nói: “Chứng cớ rõ ràng, còn kêu oan à?” Sai đóng gông tử tù giam lại. Cái thây thì không cho mang lên, chỉ hiểu thị cho các làng gọi người nhà tới nhận. Vài hôm sau có người đàn bà tới nhận là vợ người chết, nói rằng chồng tên Hà Giáp, mang vài trăm đồng tiền vàng đi buôn, bị Hồ giết chết. Ông nói: “Dưới giếng có xác người chết thật, nhưng chắc đâu đúng là chồng ngươi.” Người đàn bà cả quyết đó là chồng mình, ông bèn cho mang cái xác lên, xét ra quả đúng. Người đàn bà không dám tới gần, chỉ đứng xa xa gào khóc. Ông nói: “Đã bắt được thủ phạm rồi, nhưng thi thể người chết chưa đầy đủ, ngươi cứ tạm về nhà, khi nào tìm được cái đầu, sẽ báo quan trên xét rồi kết án.” Rồi cho gọi Hồ trong ngục ra, nói: “Ngày mai mà không đem được cái đầu tới đây, sẽ đánh cho một trận.” Lính lệ giải Hồ đi cả ngày trở về, hỏi cái đầu đâu, Hồ chỉ kêu khóc. Ông sai bày các thứ hình cụ ra, làm như sắp tra khảo rồi bảo dừng lại, nói: “Hay là trong đêm ngươi vội vã quăng bừa không biết là rơi ở đâu sao không chịu tìm cho kỹ?” Hồ kêu là oan, ông tha cho, bắt phải tìm gấp.
Ông lại hỏi người đàn bà có mấy đứa con rồi, thưa rằng không có. Hỏi thân thích của Giáp còn những ai, thưa rằng: “Chỉ còn có một ông chú. Ông bùi ngùi nói: “Còn trẻ đã chết chồng, lênh đênh như vậy, rồi lấy gì mà sống?” Người đàn bà bật khóc, xin ông thương xót. Ông nói: “Tội kẻ giết người đã rõ, chỉ cần tìm được đầu người chết, án này sẽ kết thúc. Kết thúc án này xong, ngươi có thể cải giá ngay. Ngươi là đàn bà trẻ tuổi, khỏi ra vào công đường nữa.” Người đàn bà cảm kích khóc lạy rồi ra, ông ra lệnh cho người làng tìm giúp cái đầu xác chết. Qua một đêm, lập tức có Vương Ngữ cùng thôn báo là đã tìm được, ông đưa ra khám nghiệm cái đầu rõ ràng xong, bèn thưởng cho y một ngàn đồng tiền, gọi chú của Giáp lên nói: “Án lớn đã xong nhưng mạng người là lớn, chưa hết năm chưa kết thúc được. Cháu ngươi đã chết, vợ y còn trẻ không biết lấy gì mà sống, cứ cho đi lấy chồng khác, từ nay về sau không hỏi tới nữa. Nếu có quan trên cần xem xét lại, chỉ cần ngươi có mặt là đủ.” Người chú của Giáp không chịu, ông ném hai cái thẻ tre xuống”[2], vừa lại định cãi, ông lại ném ra một cái thẻ tre nữa, người chú của Giáp sợ, vâng dạ lui ra. Người đàn bà nghe chuyện tới tạ ơn ông, ông hết sức dịu ngọt an ủi, lại ra lệnh ai muốn cưới người ấy phải bẩm với quan.
[2] Ném hai cái thẻ tre xuống: ngày xưa lệ ở công đường sắp đánh đòn trách phạt kẻ có tội thì quan ném thẻ tre ra làm hiệu lệnh. Đây ý nói Phí Huy Vĩ dọa sẽ đánh đòn người chú của Hà Giáp.
Ngay sau đó có kẻ lên huyện thưa với quan xin cưới, đó là Vương Ngũ, người tìm ra cái đầu xác chết. Ông gọi người đàn bà lên huyện hỏi: “Ngươi đã biết kẻ giết người thật là ai chưa?” Thưa là Hồ Thành. Ông nói: “Không phải đâu, ngươi và Vương Ngũ mới đúng là thủ phạm đấy.” Hai người hoảng hốt, ra sức biện hộ là bị oan ức. Ông nói: “Ta đã biết sự thật từ lâu, nhưng để từ từ mới nói ra, là vì sợ vạn nhất có chỗ oan uổng thôi. Cái thây chưa mang lên khỏi giếng, sao ngươi đã biết đó đúng là chồng ngươi, rõ ràng đã biết trước rằng y đã chết rồi. Vả lại người đi buôn chết mà áo mặc rách mướp, lấy đâu ra vài trăm đồng tiền vàng?” Lại nói với Vương Ngữ rằng: “Tại sao ngươi biết rõ chỗ cái đầu như vậy? Sở dĩ ngươi gấp gáp như thế, là vì muốn lấy người đàn bà này sớm thôi.” Hai người mặt xám như tro không nói được câu nào, đến khi bị tra khảo, quả đều khai nhận tội. Đại khái Vương Ngũ và người đàn bà tư thông với nhau đã lâu, bèn mưu giết chồng người đàn bà, lại gặp đúng lúc Hồ Thành nói đùa nên thành chuyện. Ông bèn tha cho Hồ, phạt trượng rồi đày Phùng An ba năm vì tội vu cáo. Án ấy kết thúc, không người nào bị chịu cực hình oan uổng.
Dị Sử thị nói: Thầy ta nổi tiếng nhân ái, cứ xem chuyện này đủ biết người nhân dụng tâm lao khổ thế nào. Lúc ông vừa làm huyện lệnh Truy Xuyên, Tùng vừa tới tuổi nhược quan[3], được ông quý mến lắm cho là tài giỏi, nhưng ngu độn bất tài, lại trở thành con hạc không múa khiến Dương công xấu hổ[4]. Đó là việc không sáng suốt duy nhất trong đời thầy ta đấy, mà thật là do tội của Tùng, nghĩ đau lòng thay!
[3] Tùng: tức Bồ Tùng Linh tự xưng.
[4] Con hạc không múa khiến Dương công xấu hổ: lấy tích Dương Thúc Tử nuôi con hạc biết múa, nhưng có lần có khách, ra lệnh cho nó múa thì nó cứ đứng im. Đây tác giả có ý nói mình lận đận công danh làm phụ lòng tin tưởng của Phí Huy Vĩ.
409. Hiệp khách chim[1]
[1] Cầm hiệp.
Chùa nọ ở huyện Thiên Tân (tỉnh Hà Bắc) có đôi hạc làm tổ ở góc điện Phật. Giữa mái và trần điện Phật có con rắn lớn như cái chậu, khi hạc con vừa mọc lông cánh thì bò ra nuốt sạch. Đôi hạc kêu bi thảm mấy hôm rồi bay mất. Cứ thế ba năm, đôi hạc như cho rằng rắn không tới đó nữa, vẫn trở về làm tổ như cũ. Khi hạc con vừa lớn, đôi hạc bay đi, ba ngày mới về, vào tổ kêu ríu rít, mớm cho hạc con ăn. Con rắn lại ngoằn ngoèo bò lên, gần tới tổ thì đôi hạc hoảng sợ, bay ra kêu gấp, lên thẳng trên trời. Chợt nghe tiếng ào ào, trong chớp mắt trời đất tối sầm, mọi người kinh hãi, nhìn ra thấy một con chim lớn cánh che rợp mặt trời từ trên không lao xuống mau như cơn lốc, giơ móng chụp vào rắn, đầu con rắn đứt ra rơi xuống làm sập cả mấy thước tường góc điện, rồi giương cánh bay đi. Đôi hạc bay theo sau như tiễn đưa. Cái tổ hạc lật nghiêng, hai con hạc con rơi xuống đất, một con sống một con chết. Sư ở đó đem con còn sống đặt lên gác chuông, lúc sau đôi hạc về lại tiếp tục nuôi mớm cho. Đến khi hạc con đủ lông cánh thì cùng bay đi.
Dị Sử thị nói: Năm kế lại tới, chắc không ngờ là tai họa sẽ lại tới. Ba năm không dời tổ, thì đã quyết ý báo thù, ba ngày không trở về, đủ biết chuyến ấy là đi cầu cứu. Con chim lớn ắt là kiếm tiên của loài chim, ào ào bay tới, đánh một nhát rồi đi, kỳ diệu như vậy còn có gì nói thêm được nữa? Ở Tế Nam có người lính đóng trong dinh, thấy chim hạc bay qua, giương cung bắn, hạc theo tiếng dây cung bật rơi xuống, trong mỏ còn ngậm cá để mớm cho con. Có người khuyên nhổ mũi tên thả nó ra, người lính không chịu. Giây lát, con hạc vùng mang tên bay mất, về sau cứ qua lại quanh đó hơn hai năm, vẫn mang mũi tên như cũ. Một hôm người lính ngồi ở cửa dinh, con hạc bay qua, mũi tên rơi xuống đất. Người lính nhặt lên nhìn, nói: “Mũi tên này vẫn không bị gì sao!” Vừa lúc thấy trong tai ngứa ngứa, nhân cầm mũi tên ngoáy, chợt có cơn gió mạnh thổi cánh cửa đóng sầm lại, đập mũi tên xuyên qua đầu, người lính chết luôn.
410. Chim hồng[1]
[1] Hồng.
Có người đánh lưới chim ở phủ Thiên Tân (tỉnh Trực Lệ) bắt được một con chim hồng. Con trống theo y về tới tận nhà, kêu thảm thiết lượn trên nóc, đến chiều tối mới bay đi. Hôm sau người ấy ra khỏi nhà từ sáng sớm, thì con hồng đã tới bay theo kêu la, rồi nhảy xuống đậu sát dưới chân y. Người ấy chụp bắt luôn, thì nó vươn cổ lên nhả ra nửa nén vàng, y hiểu ý nói: “Đây là nó chuộc vợ đây.” Bèn thả con mái ra, đôi chim quẩn quanh cạnh nhau một lúc như vừa đau thương vừa mừng rỡ, rồi mới cùng bay đi. Người ấy đem cân vàng, thì được hơn hai lượng sáu đồng cân. Ôi, loài chim biết gì mà cũng chung tình tới như thế. Ở đời không gì buồn bằng nỗi buồn ly biệt, loài vật cũng như thế chăng.