Liêu Trai chí dị (Tập 1) - Quyển I - Chương 014 - 015

14. Bộ da vẽ[1]

[1] Họa bì.

Vương sinh người Thái Nguyên (tỉnh thành Sơn Tây) sáng sớm ra đường gặp một nữ lang ôm bọc quần áo đi mau một mình, có vẻ rất mệt nhọc, vội vượt lên nhìn thì thấy tuổi khoảng đôi tám, dung mạo tuyệt đẹp. Trong lòng ưa thích bèn hỏi: “Sao còn sớm mà đã đi lẻ loi một mình thế?” Nàng đáp: “Khách qua đường hiểu sao được nỗi lo buồn của kẻ khác, hỏi làm gì cho mệt?” Sinh hỏi: “Nàng có điều gì lo buồn vậy? Nếu giúp được thì ta không từ chối mà.” Cô gái buồn bã đáp: “Cha mẹ tham tiền bán thiếp cho nhà quan, vợ lớn cả ghen sớm hôm đánh đập chửi mắng làm nhục, không chịu nổi nên phải trốn đi.” Sinh hỏi định đi đâu, nàng đáp: “Người đi trốn thì làm sao có nơi mà định trước được?” Sinh nói: “Tệ xá không xa, mời nàng ghé qua,” cô gái mừng rỡ đi theo.

Sinh mang hộ bọc quần áo, đưa nàng cùng về. Cô gái thấy nhà không có ai bèn hỏi sao không có người nhà, sinh đáp đây chỉ là phòng sách thôi, nàng nói: “Nơi này tốt lắm. Chàng như thương xót mà cứu giúp thiếp thì xin giữ kín đừng nói với ai.” Sinh ưng thuận, kế cùng nàng chung chạ, giấu giếm trong phòng kín qua mấy ngày cũng không ai hay. Sinh nói hé với vợ là Trần thị, vợ ngờ là nàng hầu vợ lẽ của nhà đại gia, khuyên để cô ta đi nhưng sinh không nghe. Ngẫu nhiên đi ngang chợ, gặp một đạo sĩ nhìn sinh kinh ngạc hỏi gặp gì lạ rồi, sinh đáp không có gì cả. Đạo sĩ nói: “Người ông đầy tà khí, sao lại nói là không?” Sinh lại cố chối. Đạo sĩ bèn bỏ đi, nói: “Mê muội thay, trên đời vẫn có kẻ sắp chết đến nơi mà chưa tỉnh ngộ!”

Sinh thấy lời nói lạ lùng cũng hơi ngờ cô gái, nhưng lại nghĩ rõ ràng là một mỹ nữ sao đến nỗi là yêu quái được nên cho rằng đạo sĩ mượn tiếng trừ tà để kiếm ăn. Lát sau về tới nhà học, thấy bên trong đóng chặt không vào được lấy làm ngờ vực, bèn trèo qua chỗ tường lở vào thì cửa phòng cũng đóng. Sinh rón rén tới trước cửa sổ nhìn vào, thấy một con quỷ hung ác mặt xanh lè, răng chơm chởm như lưỡi cưa đang trải một tấm da người ra giường, lấy bút màu tô lên. Tô xong ném bút nhấc tấm da như tấm áo khoác lên người, liền biến thành cô gái. Sinh thấy thế cả sợ, bò xuống lẻn ra, vội vàng đi tìm đạo sĩ thì không biết đã đi đâu, tìm kiếm khắp nơi mới gặp ngoài đồng, quỳ xuống xin cứu mạng.

Đạo sĩ nói: “Xin sẽ đuổi đi giúp ông. Con quỷ ấy cũng khốn khổ mới tìm được người thay, ta cũng không nỡ hại mạng nó.” Liền lấy chiếc phất trần đưa sinh, dặn treo ở cửa phòng ngủ rồi từ biệt, hẹn gặp lại ở miếu Thanh Đế. Sinh về không dám tới nhà học bèn vào phòng vợ ngủ, treo phất trần lên cửa. Khoảng canh một nghe ngoài cửa có tiếng lạch cạch, không dám nhìn bèn bảo vợ ra nhìn xem. Chỉ thấy cô gái tới, thấy chiếc phất trần thì không dám bước tới nữa, đứng nghiến răng hồi lâu rồi bỏ đi. Giây lát lại quay lại mắng: “Đạo sĩ chỉ dọa ta! Chẳng lẽ miếng ăn đã đến miệng lại nhả ra à?” Rồi chụp chiếc phất trần bẻ nát, phá cửa sấn vào, lên thẳng giường sinh nằm xé bụng móc lấy quả tim bỏ đi.

Vợ sinh la lên, tỳ nữ vào soi đèn thì sinh đã chết, khoang bụng máu me bê bết, Trần thị sợ khóc không thành tiếng. Hôm sau sai em chồng là Nhị Lang chạy tới kể với đạo sĩ, đạo sĩ tức giận nói: “Ta đã thương tình mà con quỷ này lại dám làm thế.” Lập tức theo em sinh tới thì cô gái đã biến mất, bèn ngẩng đầu nhìn quanh rồi nói: “May là nó trốn chưa xa.” Lại hỏi dãy nhà phía nam là nhà ai, Nhị Lang đáp: “Đó là nhà tiểu sinh.” Đạo sĩ nói: “Nó đang ở nhà ông.” Nhị Lang ngạc nhiên nói là chưa hề có. Đạo sĩ hỏi: “Vậy có ai không quen tới chưa?” Nhị Lang đáp: “Ta tới miếu Thanh Đế nên không biết, để về hỏi lại.”

Rồi đi một lúc thì quay lại nói: “Quả là có. Sáng nay có một bà già tới xin làm thuê, vợ ta giữ lại, hiện còn ở đó.” Đạo sĩ nói: “Chính nó đấy.” Liền cùng đi qua, cầm kiếm gỗ đứng giữa sân gọi: “Yêu nghiệt ra đền phất trần cho ta!” Bà già trong nhà hốt hoảng tái mặt, ra cửa toan chạy. Đạo sĩ đuổi theo chém ngã lăn ra, tấm da người tuột xuống, bà ta hóa thành con quỷ nằm kêu rống như heo. Đạo sĩ lấy kiếm gỗ chặt đầu, thân nó biến thành đám khói dày xoáy tròn trên mặt đất. Đạo sĩ lấy ra một cái hồ lô mở nút đặt vào giữa đám khói, nghe kêu vu vu như huýt sáo, trong chớp mắt đám khói mất hết, đạo sĩ nút hồ lô lại bỏ vào túi. Cùng nhìn lại tấm da người thấy đủ cả mày mắt tay chân, đạo sĩ cuốn lại, tiếng kêu như cuốn trục tranh, cũng bỏ vào túi rồi từ biệt toan đi.

Trần thị đón lại lạy lục trước cổng, khóc lóc xin cứu chồng sống lại, đạo sĩ từ tạ là không làm được. Trần thị càng đau xót, quỳ rạp không đứng dậy, đạo sĩ ngẫm nghĩ rồi nói: “Phép thuật của ta kém cỏi, thật không làm người chết sống lại được. Ta chỉ cho một người may ra có thể làm được, tới cầu chắc có kết quả.” Hỏi là ai, đạo sĩ đáp: “Trong chợ có một người điên hay nằm trên đống phân, thử tới khẩn cầu xem. Nếu y buông tuồng làm nhục phu nhân, xin phu nhân cũng đừng tức giận.”

Nhị Lang cũng biết người ấy bèn từ biệt đạo sĩ, cùng chị dâu đi tìm. Thấy người ăn mày đang ngu ngơ ca hát trên đường, nước mũi lòng thòng, vô cùng bẩn thỉu. Trần thị lê gối tới trước mặt, y cười nói: “Người đẹp yêu ta à?” Trần thị kể mọi chuyện xong y lại cười lớn nói: “Ai cũng là chồng được mà, cứu sống lại làm gì?” Trần thị cố kêu van, y nói: “Lạ thật, ai đâu chết mà nhờ ta cứu sống, ta là Diêm Vương à?” Rồi tức giận lấy gậy đánh Trần thị.

Trần thị cắn răng chịu đau, người trong chợ dần xúm lại xem đông nghẹt. Người ăn mày khạc một vốc đờm vào tay rồi gí vào miệng Trần thị nói: “Ăn đi!” Trần thị đỏ bừng mặt tỏ vẻ ngần ngại, nhưng nhớ lại lời đạo sĩ dặn bèn nhắm mắt nuốt vào, tới cổ họng thấy vướng như nắm bông, nghèn nghẹn trôi xuống rồi dừng lại ở ức. Người ăn mày cười lớn nói: “Người đẹp yêu ta thật!” rồi đứng lên đi thẳng không ngoái lại. Trần thị theo sau thấy y vào trong miếu, bước mau theo để khẩn cầu thì không biết đã đi đâu mất, tìm khắp trước sau không thấy tăm hơi đành vừa thẹn vừa giận trở về.

Đã xót chồng không may chết thảm, lại hối mình chịu nhục nuốt đờm, ôm mặt kêu khóc chỉ muốn chết ngay. Kế chùi máu liệm xác chồng, người nhà cứ đứng xa nhìn không ai dám tới gần, Trần thị ôm thây nhặt ruột, vừa xếp vừa khóc. Khóc đến lúc thất thanh chợt cái vật vướng trong ức trào ra, chưa kịp quay đi nó đã rơi vào trong khoang bụng xác chết. Hoảng sợ nhìn lại thì là một quả tim người đang đập thon thót, hơi nóng bốc nghi ngút như khói, lấy làm lạ vội lấy hai tay khép bụng chồng lại, cố sức giữ chặt, hơi nới tay thì hơi nóng từ khe hở bốc ra, bèn xé lụa buộc mau lại. Sờ vào xác chồng thấy dần dần ấm lại bèn lấy chăn đắp lên, nửa đêm mở ra xem thì thấy mũi có hơi thở.

Đến sáng thì sinh sống lại, nói vừa giật mình như nằm mơ tỉnh dậy, chỉ thấy bụng nhoi nhói đau. Nhìn lại chỗ bị xé rách thấy đóng vảy to như đồng tiền, sau dần lành lại.

Dị Sử thị nói: Người đời ngu thay! Rõ ràng là yêu quái mà cho là người đẹp. Người ngu mê muội thay! Rõ ràng là lời ngay mà cho là nói bậy. Nhưng mê đắm sắc đẹp mà muốn chiếm lấy, thì vợ cũng phải chịu cái nhục nuốt đờm của người khác. Đạo trời tuần hoàn, nhưng người ngu vẫn mê muội không tỉnh ngộ, đáng thương lắm thay.

15. Đứa con người lái buôn[1]

[1] Cổ nhi.

Ông Mỗ người đất Sở (vùng Hồ Nam, Hồ Bắc) đi buôn xa nhà, vợ ở nhà một mình, đêm mơ thấy ngủ với người lạ, tỉnh dậy sờ thì là một người đàn ông bé nhỏ. Thấy cung cách khác người thường biết là hồ, lát sau y xuống giường đi ra, cửa chưa mở đã biến mất. Đến tối phải bảo bà già nấu bếp vào ngủ chung, có đứa con trai mười tuổi vẫn ngủ riêng cũng gọi vào. Đến khuya bà già và đứa nhỏ đã ngủ thì hồ lại tới, người đàn bà ú ớ như nói mê, vú già hay được la lên, hồ mới đi. Từ đó người đàn bà cứ ngẩn ngơ, đến tối không dám tắt đèn, dặn con đừng ngủ say.

Đến khuya, đứa nhỏ và bà già dựa vào tường ngủ gật một lúc, tỉnh dậy thì người đàn bà biến mất, ngỡ là đi tiểu nhưng chờ lâu không thấy vào mới sinh nghi. Bà già sợ không dám đi tìm, đứa nhỏ cầm đèn đi soi khắp nơi, tới phòng khác thì thấy mẹ trần truồng nằm trong, tới gần đỡ lên cũng không biết xấu hổ.

Từ đó người đàn bà hóa điên, ban ngày ca khóc chửi mắng đủ kiểu, đêm đến không muốn ở chung với ai mà ngủ riêng một phòng, bảo đứa nhỏ và bà già qua ngủ chỗ khác. Đứa nhỏ mỗi khi nghe thấy tiếng mẹ cười nói thì dậy châm lửa soi, mẹ tức giận mắng cũng mặc kệ, mọi người đều khen là gan dạ. Nhưng nó lại nghịch ngợm quá quắt, hàng ngày cứ bắt chước thợ nề lấy gạch đá xếp lên cửa sổ, cản lại thì nó không nghe, vứt gạch đá đi thì nó lăn ra đất kêu khóc nên không ai dám chọc ghẹo.

Qua mấy hôm, hai cửa sổ đều bị lấp kín không còn chút ánh sáng nào lọt vào được, kế nó lại lấy bùn trét kín khe vách bị hở, suốt ngày quần quật không biết mệt. Trét xong lại vớ dao làm bếp mài xoèn xoẹt, ai cũng ghét là bướng bỉnh, không buồn đếm xỉa. Đến nửa đêm đứa nhỏ giấu dao vào bụng, chụp vỏ quả bầu lên ngọn đèn, đợi mẹ nói mê liền vùng dậy mở ra, đứng chặn ngoài cửa phòng kêu ầm lên. Chờ hồi lâu không thấy gì lạ, nó bèn bước ra xa cửa phòng giả nói to là mót tiểu. Chợt có con vật như con mèo từ khe cửa vọt ra, nó chém vội chỉ đứt được khúc đuôi dài khoảng hai tấc, máu chảy ròng ròng. Lúc nó vừa dậy khêu đèn thì mẹ đã mắng chửi, đứa nhỏ cũng làm như không nghe, chém không trúng hồ bực bội đi ngủ lại, tự nghĩ tuy không chém chết được nhưng may ra thì hồ không tới nữa.

Đến sáng ra nhìn thấy vết máu qua tường mà đi, lần theo thấy vào vườn nhà họ Hà, đến đêm quả không thấy gì nữa. Đứa nhỏ mừng thầm nhưng mẹ lại ngủ mê mệt như chết. Không bao lâu người lái buôn về, tới cạnh giường thăm hỏi nhưng vợ chửi mắng coi như kẻ thù. Đứa nhỏ kể chuyện lại, người cha sợ hãi mời thầy cắt thuốc chữa, vợ hắt thuốc chửi rủa, phải ngầm đổ thuốc vào cháo cho uống, mấy ngày mới hơi đỡ, cha con đều mừng.

Một đêm tỉnh giấc thấy người đàn bà đã biến mất, hai cha con qua phòng khác tìm thì bắt gặp. Từ đó lại điên không muốn ngủ cùng phòng với chồng, cứ gần tối lại chạy qua phòng khác, kéo lại thì càng chửi mắng thậm tệ. Chồng không còn cách nào phải đóng chặt cửa tất cả các phòng khác, nhưng người đàn bà tới thì cửa cứ tự mở. Chồng lo lắng, cầu cúng đủ cách vẫn không hiệu nghiệm. Đứa nhỏ chiều tới lén tới núp trong bụi cỏ rậm ở vườn nhà họ Hà để dò xét chỗ hồ ở.

Trăng vừa lên chợt nghe tiếng người nói, lén vạch cỏ nhìn ra thấy hai người uống rượu, có một người đầy tớ râu dài bưng bầu rượu, mặc áo màu xanh sẫm, tiếng nói rất nhỏ, không nghe được gì. Lát sau nghe một người nói: “Ngày mai cứ đem một vò rượu trắng tới đâ,y” giây lát cùng ra đi, chỉ còn người râu dài ở lại, cởi áo nằm trên tảng đá trong đình, nhìn kỹ thấy tay chân đều như người, chỉ có cái đuôi thò ra phía sau. Đứa nhỏ muốn về nhưng sợ hồ biết bèn núp suốt đêm, trời chưa sáng lại nghe thấy hai người lục tục trở lại, thì thào đi vào bụi tre rậm.

Đứa nhỏ trở về, cha hỏi đi đâu nó đáp là ngủ ở nhà bác. Gặp hôm theo cha vào chợ, thấy hàng mũ có treo cái đuôi chồn liền xin cha mua. Cha không nghe, nó cứ kéo áo vòi vĩnh, cha không nỡ phật ý bèn mua cho. Cha buôn bán trong cửa hàng, đứa con nô đùa bên cạnh, nhân lúc cha quay đi bèn lấy cắp tiền đi mua rượu trắng, gửi lại ở quán. Có người cậu ở trong thành vốn làm nghề săn bắn, đứa nhỏ chạy tới nhà cậu thì cậu đi vắng, mợ hỏi thăm mẹ, nó đáp: “Mấy hôm nay khỏe hơn, nhưng vì chuột cắn phá quần áo làm mẹ giận kêu khóc không thôi nên sai cháu xin ít thuốc chuột.” Mợ mở hòm lấy ra khoảng một đồng cân gói lại đưa cho, đứa nhỏ cho là ít. Mợ ra nấu mì cho cháu ăn, nó nhân lúc trong phòng không có ai liền mở gói thuốc trộm lấy một vốc giấu vào bọc, kế ra nói với mợ đừng nhóm bếp nữa vì cha đang chờ ở chợ, nó không kịp ăn, rồi đi luôn. Nó lén bỏ thuốc độc vào rượu rồi chơi rong trong chợ, gần tối mới về. Cha hỏi đi đâu, nó nói thác là ở nhà cậu, từ đó hàng ngày đứa nhỏ cứ đi chơi trong chợ.

Một hôm thấy người râu dài cũng chen trong đám đông, đứa nhỏ nhìn kỹ liền theo sát bên, lân la bắt chuyện hỏi thăm quê quán, y đáp ở thôn Bắc rồì cũng hỏi lại, đứa nhỏ bịa đặt đáp là trong hang núi. Người râu dài tỏ vẻ lạ lùng, nó cười nói: “Nhà ta đời đời ở hang núi, ông thì không sao?” Người kia càng kinh ngạc hỏi tên họ, đứa nhỏ đáp: “Ta là con họ Hồ, hình như đã gặp ông ở đâu rồi, thấy ông đi theo hai chàng trẻ tuổi, ông quên rồi à?”

Người kia nhìn kỹ nó nửa tin nửa ngờ, nó bèn khẽ vạch quần, hơi thò cái đuôi giả ra, nói: “Bọn ta trà trộn giữa loài người, chỉ cái này là vẫn còn, thật đáng bực.” Người kia hỏi ra chợ làm gì, nó đáp: “Cha ta sai đi mua rượu,” y cũng nói là đi mua rượu. Đứa nhỏ hỏi mua chưa, y đáp: “Bọn ta phần lớn đều nghèo nên hay đánh cắp hơn.” Đứa nhỏ nói: “Việc ấy cũng khổ, luôn luôn phải lo sợ,” người kia nói: “Chủ nhân ra lệnh, không thể không làm.” Đứa nhỏ hỏi chủ là ai, y đáp: “Là hai anh em mà hôm trước ngươi gặp đấy. Một người dan díu với vợ họ Vương ngoài cửa Bắc, một người ngủ ở nhà ông Mỗ ở thôn Đông, gặp thằng con ông ta dữ quá nên bị chém đứt đuôi mười ngày mới lành, nay lại tới đó rồi.”

Nói xong định từ biệt, nói: “Đừng làm hỏng việc của ta.” Đứa nhỏ nói: “Đánh cắp khó hơn mua nhiều, ta đã mua trước còn gởi trong quán, xin tặng cho ông. Trong túi ta còn tiền, không lo gì cả.” Người kia thẹn vì không có gì báo đáp, đứa nhỏ nói: “Chúng ta vốn cùng loài, tiếc gì bấy nhiêu đó, lúc nào rảnh con phải uống với ông một bữa thật say kia.” Liền cùng tới quán lấy rượu đưa cho y rồi về.

Đến đêm thấy mẹ quả ngủ yên không chạy đi nữa, nó biết có chuyện lạ bèn nói với cha cùng tới xem thì thấy có hai con chồn chết trong đình, một con chết trong đám cỏ, máu còn ròng ròng trên miệng, bình rượu cũng có đó, cầm lên lắc thử vẫn chưa hết. Cha kinh ngạc hỏi sao không nói trước, nó đáp: “Giống này rất khôn lanh, hơi lộ ra là nó biết ngay.” Cha mừng nói: “Con ta quả là Trần Bình đánh hồ[2] đấy.” Hai cha con bèn mang xác chồn về, thấy một con bị cụt đuôi, vết dao còn rõ. Từ đó mới yên nhưng người đàn bà ngày càng gầy rạc, tỉnh táo dần nhưng ho càng nặng, cứ khạc ra hàng đấu đờm, kế chết. Vợ họ Vương ngoài cửa Bắc trước vẫn bị hồ ám, lúc ấy tới hỏi thì hồ đã dứt mà bệnh cũng khỏi. Cha vì vậy cho rằng đứa nhỏ là đứa trẻ lạ liền cho học cưỡi ngựa bắn cung, sau làm quan tới chức Tổng nhưng.

[2] Trần Bình đánh hồ: Trần Bình là người thời Hán Sở tranh hùng, theo giúp Hán Cao tổ Lưu Bang đánh dẹp, từng sáu lần bày kế lạ giúp Lưu Bang, sau làm tới chức Tả Thừa tướng, được phong là Khúc Nghịch hầu. Đây người cha có ý khen con mưu trí như Trần Bình.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3