Liêu Trai chí dị (Tập 1) - Quyển II - Chương 024 - 025 - 026

24. Cô Tư họ Hồ[1]

[1] Hồ Tứ Thư.

Thượng sinh người Thái Sơn (tỉnh Sơn Đông), ở một mình nơi nhà học. Gặp đêm mùa thu, sông Ngân vằng vặc, trăng sáng giữa trời, sinh bồi hồi dưới bóng hoa, nghĩ ngợi vẩn vơ. Chợt có cô gái trèo tường vào, cười nói: “Tú tài nghĩ gì lung thế?” Sinh tới gần nhìn thấy nàng xinh đẹp như tiên, mừng quýnh ôm lấy dìu vào, thả sức ân ái. Nàng tự xưng họ Hồ tên Tam Thư, hỏi nhà ở đâu chỉ cười không nói. Sinh cũng không căn vặn, chỉ hẹn gắn bó với nhau dài lâu mà thôi, từ đó đêm nào nàng cũng tới.

Một đêm nàng cùng sinh ngồi kề gối dưới đèn trước màn, sinh âu yếm nhìn không chớp. Cô gái cười hỏi: “Sao cứ nhìn thiếp chằm chằm thế?” Sinh nói: “Nàng như hồng dược bích đào, dù nhìn suốt đêm cũng không chán.” Cô gái nói: “Thiếp xấu xí mà chàng còn để vào mắt xanh, nếu gặp em Tư nhà thiếp thì không biết chàng điên đảo tới đâu.” Sinh càng động lòng, hận là chưa được một lần thấy mặt, bèn quỳ xuống nài nỉ.

Đêm sau quả nhiên nàng dắt Tứ Thư cùng tới, thấy tuổi mới cập kê, như cánh sen đượm sương, đóa hạnh khói tỏa, nụ cười chúm chím vô cùng quyến rũ. Sinh mừng quýnh mời ngồi, khi Tam Thư cùng sinh cười nói chuyện trò thì Tứ Thư chỉ cúi đầu mân mê dải thắt lưng thêu mà thôi. Giây lát Tam Thư đứng lên cáo biệt, cô em định theo về thì sinh kéo lại không chịu buông, nhìn qua Tam Thư nói: “Ái khanh, phiền nàng nói giùm một tiếng.” Tam Thư cười nói: “Chàng cuồng yêu quýnh lên rồi, em hãy ở lại một lúc.”

Tứ Thư không nói gì, người chị bèn ra về. Hai người cùng nhau ân ái rất vui sướng, kế gối đầu lên tay nhau kể hết mọi chuyện về mình không hề giấu giếm. Tứ Thư tự nói là hồ nhưng sinh say mê sắc đẹp nên cũng không lấy làm lạ. Tứ Thư nhân nói: “Chị thiếp tàn độc, nghiệp căn là phải giết ba người, ai bị chị ấy dụ dỗ đều phải chết. Thiếp may được chàng đoái thương nên không nỡ nhìn chàng bị hại, hãy sớm dứt tình với chị ấy đi.” Sinh sợ hãi xin chỉ cách, Tứ Thư nói: “Thiếp tuy là hồ nhưng học được chính pháp của tiên, vẽ một lá bùa dán lên cửa phòng thì có thể cự tuyệt chị ấy,” rồi vẽ ra luôn. Sáng sớm Tam Thư tới nhìn thấy lá bùa liền lui lại nói: “Con nhãi phụ ơn, hết lòng với tân lang mà không nhớ tới bà mối. Hai người các ngươi có duyên phận với nhau, ta cũng không thù oán gì, nhưng cần gì phải làm như thế!” Rồi bỏ đi.

Vài hôm sau Tứ Thư có việc, hẹn đi vắng một đêm. Hôm ấy sinh ngẫu nhiên ra ngoài đi dạo, dưới chân núi vốn có đám cây kiều mộc, chợt thấy một thiếu phụ từ trong đám cây xanh tốt bước ra, cũng khá xinh đẹp, tới cạnh sinh nói: “Tú tài cần gì phải quyến luyến chị em họ Hồ, họ thì không có một đồng để tặng.” Rồi lập tức đưa cho sinh một quan, nói: “Chàng cứ đem về trước mua rượu ngon, thiếp sẽ đem một ít thức ăn tới cùng chàng vui chơi.”

Sinh đem tiền về, làm như lời dặn, giây lát quả nhiên thiếu phụ tới, đặt lên bàn một con gà quay, một vai lợn muối, rút dao thái nhỏ ra rồi cùng ăn uống đùa giỡn rất vui vẻ. Kế tắt đèn lên giường ôm ấp mơn trớn vô cùng buông thả. Sáng ra vừa dậy, đang ngồi ở đầu giường mang giày chợt nghe có tiếng chân, đang còn lắng nghe thì đã vào tới bên màn, té ra là chị em họ Hồ. Thiếu phụ nhìn thấy hai người hoảng sợ chạy trốn, bỏ lại đôi giày cạnh giường. Hai nàng đuổi theo mắng: “Con chồn dâm đãng dám ngủ với người ta à?” Đuổi theo hồi lâu mới quay lại. Tứ Thư giận sinh, nói: “Chàng không khá được! Đã chung chạ với con chồn dâm đãng thì không thể gần gũi nữa!” rồi tức tối bỏ đi. Sinh hoảng sợ xin lỗi, năn nỉ khẩn khoản rất thảm thiết, Tam Thư đứng bên cũng lựa lời khuyên giải Tứ Thư mới nguôi giận, từ đó lại thương yêu nhau như trước.

Một hôm có người ở đất Thiểm (tỉnh Thiểm Tây) cưỡi lừa tới cổng, nói: “Ta tìm yêu quái không phải một sớm một chiều, hôm nay mới gặp.” Cha sinh thấy lời nói lạ lùng liền hỏi duyên do, người ấy đáp: “Tiểu nhân ngày ngày lênh đênh nơi khói sóng, rong chơi khắp bốn phương, một năm hơn mười tháng thì vắng nhà đến tám chín nên em trai bị bọn yêu quái giết hại. Khi trở về rất đau xót căm hờn, đã thề phải tìm diệt chúng bằng hết, nhưng lặn lội mấy ngàn dặm mà chưa thấy dấu vết. Hiện chúng đang ở nhà ông, nếu không diệt đi thì sẽ bị hại như em ta.”

Lúc ấy cha mẹ đã hơi biết chuyện sinh lén lút dan díu với cô gái nên nghe khách nói thế rất sợ, bèn mời vào nhà xin làm phép diệt trừ yêu quái. Khách lấy ra hai cái bình đặt xuống đất, niệm chú hồi lâu thì có bốn làn khói đen bay tới chia nhau chui vào bình. Khách mừng nói: “Cả nhà nó đều vào đây cả rồi,” rồi lấy bong bóng lợn bịt miệng bình, buộc lại thật chặt. Cha sinh cũng mừng, cố mời khách ở lại ăn cơm. Sinh trong lòng thương xót, lại gần bình nghe trộm thì nghe Tứ Thư trong bình nói: “Nỡ ngồi nhìn không cứu, sao chàng bạc tình thế.” Sinh càng mủi lòng vội mở miệng bình nhưng dây buộc chặt không sao cởi được. Tứ Thư lại nói: “Đừng làm thế, chỉ cần hất đổ lá cờ trên đàn cúng, lấy kim châm thủng một lỗ trên lớp bong bóng là thiếp ra được.” Sinh làm theo lời, quả nhiên thấy một sợi khói trắng chui qua lỗ kim bay lên trời đi luôn. Khách ra thấy lá cờ đổ xuống đất, cả sợ nói: “Nó trốn mất rồi, đây ắt là do công tử làm thôi.” Kế lắc bình, ghé tai nghe rồi nói: “May là chỉ có một con trốn thoát, con ấy không đáng tội chết, có thể tha được,” rồi mang bình đi.

Về sau sinh đang coi gặt lúa ngoài đồng, nhìn ra xa thấy Tứ Thư ngồi dưới gốc cây bèn tới gần cầm tay ân cần thăm hỏi. Nàng đáp: “Xa nhau chốc đã mười năm. Nay tu luyện đã thành, chỉ vì chưa quên lòng chàng nên lại tới thăm một lần.” Sinh muốn nàng cùng về, nàng nói: “Thiếp nay không phải như xưa, không thể vương vào tình ái cõi trần được nữa, sau này sẽ còn gặp nhau,” nói xong biến mất.

Lại hơn hai mươi năm, sinh đang ở nhà một mình thì Tứ Thư từ ngoài bước vào, sinh mừng rỡ cùng trò chuyện. Nàng nói: “Thiếp nay đã được ghi tên vào sổ tiên, lẽ ra không nên trở lại cõi trần, nhưng cảm lòng chàng nên tới kính báo cho chàng biết thọ kỳ đã hết, hãy sớm thu xếp việc nhà. Cũng đừng lo buồn, thiếp sẽ độ trì cho làm quỷ tiên, cũng không khổ đâu,” rồi từ biệt mà đi. Đến ngày, sinh quả nhiên qua đời. Thượng sinh là người thân thích của bạn ta là Lý Văn Ngọc, ta cũng từng gặp.

25. Ông già họ Chúc[1]

[1] Chúc ông.

Thôn Chúc ở huyện Tế Dương (tỉnh Sơn Đông) có ông họ Chúc hơn năm mươi tuổi bệnh chết. Người nhà về phòng lo may tang phục, bỗng nghe tiếng ông kêu rất gấp, vội chạy tới trước linh sàng thì thấy ông đã sống lại. Mọi người mừng rỡ xúm lại hỏi han, ông chỉ nói với vợ” “Ta vừa đi, đã định không trở lại, nhưng đi được mấy dặm nghĩ bỏ một mình thân già bà lại cho lũ con, ấm lạnh đều phải cậy vào người khác cũng không còn sinh thú, chẳng bằng cùng đi với ta nên quay lại đưa bà đi.”

Có người cho là ông mới sống lại nói mê sảng nên không tin, ông lại nhắc lại. Bà vợ nói: “Như thế cũng hay, nhưng đang sống làm sao chết ngay được?” Ông vẫy lại nói: “Chuyện đó không khó, bà cứ thu xếp những việc lặt vặt trong nhà mau đi.” Bà vợ cười không chịu đi, ông lại giục, bà bèn ra ngoài cửa một lúc rồi quay vào nói: “Đã thu xếp xong cả rồi.” Ông bảo đi thay quần áo tử tế bà không đi, ông càng hối thúc, bà không nỡ trái ý bèn vào thay quần áo trở ra, con gái con dâu đều bịt miệng cười. Ông dời đầu qua một bên gối, vỗ tay lên bảo nằm xuống bên cạnh. Bà vợ nói: “Con cái đứng cả đây mà nằm sóng đôi nhau thì ra cái gì!” Ông đập tay xuống giường nói: “Vợ chồng cùng chết với nhau thì có gì đáng cười?”

Đám con cái thấy cha nổi giận cũng khuyên mẹ tạm chiều. Bà theo lời, cũng ghé đầu xuống gối nằm cứng đờ, người nhà đều phì cười. Lát sau thấy bà tắt dần nụ cười, hai mắt nhắm lại, hồi lâu im lặng như đã ngủ hẳn, mọi người mới tới gần xem thì da thịt đã lạnh mà tắt hơi rồi, xem tới ông cũng thế. Năm Khang Hy thứ 21 (1683) người em dâu ông họ Chúc tới làm thuê ở nhà quan Thứ sử họ Tất[2] kể lại rất rõ ràng.

[2] Thứ sử họ Tất: bản Hương Cảng chú nhân vật này tên Tế Hữu, tự Tải Tích, người Truy Xuyên Sơn Đông, làm quan tới chức Thượng thư bộ Hộ nhà Minh.

Dị Sử thị nói: Ông già này là kẻ có nết lạ chăng? Suối vàng xa xăm mà đi lại đều do mình, lạ thật! Vả lại muốn người vợ già cùng đi thì về gọi, sao mà ung dung thế! Người lúc sắp chết vốn không nỡ chia tay mà ông thì nói thầm với vợ trên giường, nếu nhiều người làm được như vậy thì không phải lo lắng nhiều về hậu sự vậy!

26. Hiệp nữ

Cố sinh người Kim Lăng (tỉnh thành Giang Tô), tài giỏi mà nghèo khó, lại có mẹ già nên không nỡ đi xa, ngày ngày viết liễn vẽ tranh nuôi thân, hai mươi lăm tuổi vẫn lẻ loi chưa có vợ. Trước cửa vẫn có một tòa nhà bỏ không, chợt một bà già và một nữ lang tới thuê ở, sinh thấy nhà không có đàn ông nên không hỏi là ai. Một hôm sinh về nhà, thấy cô gái từ phòng mẹ bước ra, khoảng mười tám mười chín tuổi, dáng dấp xinh đẹp, thế gian ít có. Nàng thấy sinh cũng không tránh né gì lắm, nhưng ý tứ có vẻ lạnh lùng. Sinh vào hỏi, mẹ nói: “Ấy là cô gái ở trước mặt nhà ta qua mượn kéo và thước may, vừa rồi nói chuyện nhà nàng cũng có một bà mẹ già. Ta xem mẹ con họ không phải hạng nhà nghèo, hỏi sao không lấy chồng thì nàng nói vì còn có mẹ già. Ngày mai ta qua làm quen với mẹ nàng, nhân dò ý thử, nếu họ không đòi hỏi nhiều thì con nuôi giùm mẹ nàng luôn.”

Hôm sau bà qua thăm, thì mẹ cô gái là một bà già nghễnh ngãng, nhìn trong nhà thấy không có gạo để qua đêm, hỏi làm nghề gì thì ra chỉ sống nhờ mười ngón tay của con gái. Dần dà đem ý ở chung để hỏi thì bà già có vẻ bằng lòng, nhưng bàn với cô gái thì nàng im lặng như không muốn. Mẹ sinh bèn về kể rõ rồi ngờ vực nói: “Hay nàng chê nhà mẹ con ta nghèo chăng? Người đâu không nói cũng không cười, xinh đẹp như đào ly mà lạnh lùng như sương tuyết, thật kỳ lạ.” Mẹ con bàn tán than thở với nhau rồi bỏ qua.

Một hôm sinh ngồi trong phòng sách thì có thiếu niên tới nhờ vẽ tranh, dáng mạo rất đẹp trai, ý tứ có vẻ không đứng đắn, sinh hỏi từ đâu tới thì đáp là ở làng bên cạnh. Từ đó cứ hai ba ngày lại tới chơi một lần, dần dần quen thuộc đùa giỡn, sinh ôm ấp mơn trớn cũng không chống cự gì lắm, bèn tư thông với nhau, nhân đó lui tới ngày càng thân mật. Gặp lúc cô gái qua, thiếu niên đưa mắt nhìn theo hỏi là ai, sinh đáp là con gái nhà láng giềng. Thiếu niên nói: “Xinh đẹp như thế mà thần thái sao dễ sợ quá.” Lát sau sinh vào nhà trong, mẹ nói: “Mới rồi nàng qua vay gạo, nói bếp không nổi lửa trọn ngày rồi. Nàng chí hiếu mà nghèo khổ đáng thương, ta nên giúp đỡ chút ít.” Sinh vâng lời mang một đấu gạo qua nói rõ ý mẹ, cô gái nhận nhưng cũng không cảm ơn.

Hàng ngày nàng qua nhà sinh, thấy mẹ sinh may áo khâu giày là may vá hộ, ra vào làm giúp việc nhà như là vợ. Sinh càng biết ơn, có thức ăn ngon là chia phần đưa qua biếu mẹ nàng, nàng cũng không hề cảm tạ. Gặp lúc mẹ sinh bị mụn nhọt ở chỗ kín, sớm tối rên la, cô gái cứ tới cạnh giường thăm hỏi, rửa ráy thoa thuốc cho, mỗi ngày ba bốn lần, mẹ sinh áy náy không yên lòng nhưng nàng không nề bẩn thỉu hôi hám. Mẹ sinh nói: “Ôi, làm sao ta có được đứa con dâu như cháu để nuôi dưỡng thân già này đến chết,” nói xong khóc tấm tức. Cô gái an ủi nói: “Lang quân đại hiếu, còn sung sướng hơn cảnh con côi mẹ góa nhà cháu gấp ngàn lần!” Mẹ sinh nói: “Những việc lặt vặt bên giường thế này thì có phải đứa con trai hiếu thảo làm nổi đâu. Vả lại ta đã già, sớm tối sương nắng chưa biết thế nào nên rất lo vì chưa có cháu nối dõi.” Đang nói thì sinh bước vào, mẹ khóc nói: “Mẹ làm phiền nương tử đây nhiều lắm, con đừng quên đền ơn.” Sinh vái lạy tạ ơn, cô gái nói: “Chàng kính mến mẹ ta mà ta không cảm tạ, sao chàng lại tạ ơn ta?” Từ đó sinh càng kính yêu nhưng thái độ của nàng vẫn cứng cỏi, không có chỗ nào có thể suồng sã được.

Một hôm nàng ra tới cửa, sinh nhìn theo đăm đăm, nàng bỗng quay lại nhìn sinh mỉm cười. Sinh mừng quá lòng mong mỏi, liền đuổi theo vào tới nhà nàng, chọc ghẹo nàng cũng không chống cự, lại vui vẻ cùng sinh giao hoan. Kế dặn sinh rằng: “Chuyện này chỉ một lần thôi, không có tới hai đâu.” Sinh im lặng ra về, hôm sau lại hẹn hò, cô gái nghiêm sắc mặt không đếm xỉa tới mà bỏ đi thẳng. Hàng ngày nàng qua lại sinh cũng thường gặp, nhưng nàng vẫn giữ vẻ nghiêm nghị từ sắc mặt tới lời nói, hơi tỏ ý đùa cợt thì nàng lập tức trở nên lạnh lùng. Chợt gặp nhau ở chỗ vắng, nàng hỏi thiếu niên thường ngày tới chơi là ai, sinh kể rõ, nàng nói: “Y mấy lần tỏ vẻ vô lễ với thiếp rồi, nhưng vì chàng thân mật với y nên thiếp bỏ qua, xin nhắn với y rằng nếu còn như vậy là không muốn sống nữa đấy!”

Thiếu niên tới, sinh kể lại rồi nói: “Anh nên cẩn thận, nàng ta thì không thể phạm vào đâu. Thiếu niên nói: “Đã không thể phạm thì sao anh lại phạm?” Sinh ra sức biện bạch là không có, thiếu niên nói: “Nếu không có thì sao những lời đùa cợt của ta lại tới tai anh được?” Sinh không đáp được thiếu niên nói: “Ta cũng phiền anh nhắn với cô ta là đừng làm ra vẻ, nếu không ta sẽ rêu rao khắp nơi đấy.” Sinh giận dữ ra mặt, thiếu niên mới đi. Một đêm sinh đang ngồi một mình chợt cô gái tới cười nói: “Ta với chàng tình duyên chưa dứt, há không phải số trời sao?” Sinh mừng quýnh ôm lấy nàng, chợt nghe có tiếng giày lẹp kẹp, hai người hoảng sợ vùng dậy thì thiếu niên đã đẩy cửa bước vào. Sinh sửng sốt hỏi: “Anh định làm gì?” Thiếu niên cười nói: “Ta tới xem con người trinh tiết thôi!” Rồi quay qua cô gái nói: “Hôm nay không mắng người à?” Cô gái đỏ mặt dựng ngược lông mày im lặng không nói gì, chỉ phanh áo ngoài để lộ ra một cái túi da, theo tay tuốt ra thì là một thanh chủy thủ sáng loáng dài ngót một thước. Thiếu niên trông thấy sợ hãi bỏ chạy, đuổi theo ra cửa nhìn quanh thì đã biến mất. Cô gái phóng ngọn chủy thủ lên không nghe vút một tiếng, lóe sáng như chiếc cầu vồng bay đi, chớp mắt có vật rơi huỵch xuống đất, sinh vội cầm đèn ra soi thì là một con chồn trắng, đầu một nơi mình một nẻo. Cô gái nói: “Đó là thằng nhãi đẹp trai của chàng đấy. Ta vẫn muốn tha, nhưng tự nó không muốn sống nữa thì làm sao được,” rồi thu đao cất lại vào túi. Sinh kéo trở vào, nàng nói: “Mới rồi bị con vật này làm mất hứng, xin hẹn đêm mai.” Rồi ra cửa đi thẳng.

Đêm sau nàng quả tự tới cùng sinh ân ái, hỏi về thuật lạ thì nàng nói: “Đó không phải là điều chàng biết được, nên giữ cho kín, tiết lộ ra e không phải là chuyện hay cho chàng đâu. Sinh bàn chuyện cưới hỏi, nàng nói: “Đầu gối tay ấp rồi, nấu cơm gánh nước rồi, không phải vợ chồng thì là gì? Đã là vợ chồng mà còn nói chuyện cưới hỏi sao?” Sinh nói: “Hay là nàng chê ta nghèo?” Nàng đáp: “Chàng nghèo thì thiếp giàu sao? Cuộc gặp gỡ đêm nay chính vì thương chàng nghèo đó thôi.” Lúc chia tay lại dặn: “Việc chung lén này không nên làm mãi. Thấy nên thì thiếp tự tới, không thì đừng ép nhau vô ích.” Sau đó gặp nhau sinh cứ lần khân muốn nói chuyện riêng nhưng cô gái đều tránh đi, có điều việc cơm nước vá may nàng đều lo toan như là vợ sinh thật vậy.

Mấy tháng sau mẹ nàng mất, sinh hết sức lo việc mai táng. Cô gái từ đó còn có một mình, sinh nghĩ vắng vẻ có thể gạ gẫm bèn trèo tường vào đứng ngoài cửa sổ gọi mấy lần không thấy đáp, nhìn tới cửa thì nhà vắng người mà then vẫn cài. Sinh ngờ nàng hẹn hò với ai khác nên tối lại tới nhưng nàng cũng đi vắng, bèn tháo miếng bội ngọc đặt ở cửa sổ rồi đi. Qua hôm sau gặp nhau ở phòng mẹ, kế sinh đi ra, nàng theo sau nói: “Chàng ngờ thiếp ư? Người ta ai cũng có tâm sự riêng không thể nói ra, nay muốn chàng hết ngờ thì làm sao cho được. Nhưng hiện có chuyện gấp nhờ chàng lo giùm.” Sinh hỏi chuyện gì, nàng đáp: “Thiếp có thai tám tháng rồi, e sớm tối là sinh nở. Thân phận thiếp chưa rõ ràng nên chỉ có thể sinh con chứ không thể nuôi con cho chàng. Vậy chàng nói kín với mẹ để tìm vú nuôi, cứ nói là con nuôi chứ đừng nói là con của thiếp.”

Sinh theo lời kể với mẹ, mẹ cười nói: “Lạ thật, cô gái này hỏi cưới thì không chịu mà lại tình nguyện hiến thân cho con ta!” Rồi vui mừng sửa soạn để chờ. Lại hơn tháng sau, cô gái mấy hôm liền không ra ngoài, mẹ sinh ngờ vực tới nhà dò xét, thấy vắng vẻ yên ắng, gõ cửa hồi lâu mới thấy nàng đầu tóc rối bù mặt mũi lem luốc từ trong đi ra mở cửa cho bà vào rồi đóng lại ngay. Vào trong phòng thì đứa nhỏ mới sinh đã nằm trên giường. Bà giật mình hỏi sinh nở bao lâu rồi, nàng đáp đã ba hôm, mở tã ra xem thì ra là con trai, mặt vuông trán rộng. Bà mừng nói: “Con đã sinh cho già cháu nội rồi, nhưng lênh đênh một mình định nương dựa vào đâu.” Nàng nói: “Nỗi riêng trong lòng không dám tỏ bày với mẹ, hãy đợi đến tối mà bế cháu về.” Bà về kể chuyện cho sinh nghe, mẹ con cùng lấy làm lạ, đến đêm qua bế đứa nhỏ về.

Mấy hôm sau, lúc gần nửa đêm, cô gái chợt gõ cửa bước vào, tay xách cái túi da cười nói: “Việc lớn xong rồi, từ nay xin vĩnh biệt.” Sinh vội hỏi duyên cớ, nàng đáp: “Cái ơn chàng nuôi mẹ không lúc nào quên. Trước đây nói một lần chứ không có hai vì nghĩ chuyện báo đền không phải ở chỗ cùng chăn gối. Thấy chàng nghèo không cưới vợ được nên muốn giúp chàng kéo dài dòng dõi, vốn nghĩ chỉ một lần là có kết quả, không ngờ lại thấy tháng nên phải phá giới mà ăn nằm lần thứ hai. Nay ơn chàng đã trả, chí thiếp đã toại, không ân hận gì nữa.” Hỏi vật gì trong túi nàng nói: “Cái đầu của kẻ thù.” Sinh mở xem thấy râu tóc bờm xờm, máu me bê bết sợ quá lại hỏi đầu đuôi, cô gái nói: “Trước kia không nói với chàng vì việc lớn mà không kín đáo e bị tiết lộ. Nay việc đã xong, nói ra cũng không sao. Thiếp là người đất Chiết (tỉnh Chiết Giang), cha làm quan Tư mã bị kẻ thù hãm hại, tịch thu hết sản nghiệp. Thiếp dẫn mẹ già đi trốn, mai danh ẩn tích đã ba năm rồi. Sở dĩ không trả thù ngay chỉ vì mẹ còn sống, khi mẹ qua đời lại vướng hòn máu của chàng trong bụng nên đến nay mới ra tay được. Đêm trước thiếp đi vắng không có chuyện gì khác, chỉ vì đường lối cửa ngõ chưa thuộc nên e bị lầm lẫn.” Nói xong đi ra cửa, lại dặn: “Nên chăm sóc con cho khéo, chàng phúc mỏng không thọ nhưng đứa nhỏ này có thể làm rạng rỡ cửa nhà. Đêm khuya không thể quấy rầy mẹ, thôi ta đi đây.”

Sinh đang buồn rầu định hỏi đi đâu thì cô gái như ánh chớp lướt đi, trong nháy mắt không thấy đâu nữa. Sinh thở than thương tiếc đứng ngẩn ra như mất hồn. Hôm sau kể chuyện cho mẹ nghe, chỉ còn cùng nhau thở than khen lạ mà thôi. Ba năm sau quả nhiên sinh chết, đứa con năm mười tám tuổi thi đỗ Tiến sĩ, phụng dưỡng bà nội đến già.

Dị Sử thị nói: Người ta ắt trong phòng có kẻ nữ hiệp thì về sau mới có thể nuôi được con hay, nếu không thì chỉ là người này thích heo nọc già còn người kia thích heo đực con của người này mà thôi[1].

[1] Nguyên văn là “Nhĩ ái kỳ ngải gia, bỉ ái nhĩ lũ trư hĩ”, ý nói một người muốn có chồng còn một người muốn có con trai nối dõi.