Liêu Trai chí dị (Tập 1) - Quyển III - Chương 053 - 054

53. Tăng Hữu Vu

Ông họ Tăng là người đất Côn Dương (huyện Diệp tỉnh Hà Nam) là con nhà thế gia cũ. Lúc ông chết còn chưa chôn, hai mắt ứa lệ giàn giụa, nhưng có sáu người con mà không ai hiểu vì sao. Người con thứ tên Đễ, tự Hữu Vu là danh sĩ trong huyện cho là điều không lành, nói với anh em đều nên cẩn thận giữ gìn đừng để người quá cố đau lòng, nhưng một nửa số anh em khinh bỉ chế nhạo là ngu xuẩn vu vơ. Trước kia ông Tăng lấy vợ sinh được người con trưởng là Thành, được bảy tám tuổi thì hai mẹ con bị giặc cướp bắt đi. Lấy vợ kế sinh được ba con trai là Hiếu, Trung, Tín, người thiếp sinh được ba con trai là Đễ, Nhân, Nghĩa. Hiếu vì bọn Đễ là con dòng thứ nên khinh bỉ không coi là ngang hàng, kéo bè kéo cánh với Trung và Tín. Như đang uống rượu với khách mà bọn Đễ đi ngang thềm thì tỏ ra ngạo mạn vô lễ, Nhân và Nghĩa đều tức giận, bàn với Hữu Vu định trả đũa. Hữu Vu tìm đủ cách can ngăn khuyên giải chứ không nghe theo, mà Nhân và Nghĩa vì còn quá nhỏ nên nghe anh nói thế cũng thôi.

Hiếu có con gái gả cho họ Chu người cùng huyện bị bệnh chết, bèn dắt các em đến đánh đập người mẹ chồng. Chu báo lên huyện, quan huyện tức giận bắt giam bọn Hiếu định trị tội thật nặng. Hữu Vu sợ hãi lên ra mắt quan huyện nài nỉ. Quan huyện vốn ngưỡng mộ phẩm hạnh Hữu Vu, nhờ vậy bọn anh em không phải chịu khổ nhiều. Hữu Vu lại tự mang roi tới nhà Chu xin nhận lỗi, Chu cũng kính trọng Hữu Vu nên thôi không kiện nữa. Bọn Hiếu được trở về nhưng rốt vẫn không hề biết ơn Vu. Không bao lâu, mẹ Hữu Vu là Trương phu nhân chết, bọn Hiếu đều không để tang mà vẫn yến ẩm như cũ, Nhân và Nghĩa càng căm tức. Hữu Vu nói: “Đó là họ vô lễ chứ chúng ta đâu có mất gì?” Đến khi chôn cất thì bọn Hiếu ra giữ cửa mộ không cho hợp táng với ông Tăng, Hữu Vu bèn chôn mẹ ở đường vào mộ cha.

Không bao lâu vợ Hiếu chết, Hữu Vu gọi Nhân và Nghĩa tới giúp việc tang, hai người đều nói: “Họ không để tang vợ lẽ của cha, thì làm gì có chuyện chúng ta để tang chị dâu?” Khuyên mấy lần vẫn thản nhiên bỏ đi. Hữu Vu bèn tới, khóc lóc rất đau thương. Nghe Nhân và Nghĩa ở nhà bên đàn hát uống rượu, Hiếu tức giận họp các em qua đánh. Hữu Vu vác gậy xông vào trước, Nhân biết được bỏ chạy, Nghĩa đang trèo qua tường thì Hữu Vu đuổi tới đánh ngã xuống đất. Bọn Hiếu xúm lại đánh túi bụi không ngừng tay. Hữu Vu lấy thân mình che chở cho Nghĩa, Hiếu tức giận chửi Hữu Vu. Hữu Vu nói: “Đánh nó vì tội vô lễ chứ tội ấy không đáng chết, em không tha thằng em vô lễ nhưng cũng không thể thấy anh nóng giận mà không can, xin được chịu tội thay nó.” Hiếu bèn quay gậy đánh Hữu Vu, Trung và Tín cũng giúp Hiếu đánh anh, gầm thét ầm ĩ, người làng xúm lại khuyên giải mới thôi. Hữu Vu bèn vác gậy tới nhà anh xin chịu tội, Hiếu đuổi đi không cho để tang. Nhưng Nghĩa bị đánh trọng thương không ăn uống gì được, Nhân bèn lên quan kiện thay, tố cáo bọn Hiếu không để tang thứ mẫu. Quan bèn ra lệnh bắt bọn Hiếu, sai Hữu Vu khai báo. Hữu Vu vì mặt mũi bị thương không tới công đường được, chỉ làm tờ bẩm năn nỉ bỏ qua chuyện này. Quan huyện bèn không xét tới nữa, Nghĩa cũng dần dần bình phục, từ đó càng thù hận bọn Hiếu.

Nhân và Nghĩa đều còn nhỏ yếu ớt, cứ mỗi khi bị đánh đập thì nói với Hữu Vu: “Người ta đều có anh em, chỉ có chúng ta là không.” Hữu Vu nói: “Ta mà nói câu ấy ra thì hai em sẽ đi đâu mà sống?” Nhân đó hết sức khuyên giải, nhưng rốt lại hai người vẫn không nghe. Hữu Vu bèn đóng cửa nhà, dắt vợ con tới ngụ ở làng khác cách đó hơn năm mươi dặm, không ai biết tin tức. Hữu Vu lúc còn ở nhà tuy không bênh vực gì hai em nhưng bọn Hiếu cũng hơi kiêng dè, lúc đi rồi thì bọn Hiếu không sợ hãi gì nữa, cứ tới nhà Nhân và Nghĩa chửi mắng, xúc phạm cả tới mẹ ruột họ. Nhân và Nghĩa tự lượng không đủ sức đánh lại, chỉ đóng chặt cửa nghĩ cách tìm lúc bọn Hiếu sơ hở mà đâm chết, đi đâu cũng giắt dao trong người.

Một hôm chợt người anh lớn bị cướp bắt đi là Thành dắt mẹ trở về, các anh em vì chia gia tài đã lâu, họp lại bàn bạc ba ngày mà không biết đối xử với Thành thế nào, bèn tới báo với Hữu Vu, Hữu Vu mừng rỡ về ngay, đưa ruộng vườn nhà cửa cho Thành ở. Bọn Hiếu tức giận, cho rằng Hữu Vu làm ơn để lấy lòng Thành, tới tận nhà sỉ vả làm nhục. Nhưng Thành ở lâu ngày với bọn cướp cũng quen thói dữ tợn, nghe thế cả giận nói: “Ta về tới đây đã không người nào đưa cho một gian nhà để ở, may có chú ba nghĩ tình anh em thì các người lại bắt lỗi này nọ, muốn đuổi ta đi phải không?” Rồi vác đá ném Hiếu, Hiếu ngã lăn ra, Nhân và Nghĩa đều vác gậy xông ra bắt Trung và Tín đánh túi bụi. Thành không chờ bọn Hiếu thưa kiện mà đi kiện trước, quan huyện lại sai người tới hỏi ý Hữu Vu. Hữu Vu bất đắc dĩ phải lên gặp quan, cúi đầu không nói gì chỉ chảy nước mắt, quan hỏi mãi mới thưa chỉ xin cứ theo phép công mà xét.

Quan bèn truyền bọn Hiếu phải đưa lại ruộng vườn nhà cửa cho Thành, sai chia làm bảy phần cho đều, từ đó Nhân và Nghĩa càng thêm kính trọng yêu mến Thành. Nhân cùng trò chuyện kể lại việc chôn mẹ, hai người rơi nước mắt, Thành căm giận nói: “Bất nhân như thế thì thật là cầm thú.” Bèn định bốc mộ mẹ ba anh em Hữu Vu lên để cải táng, Nhân và Nghĩa tới báo, Hữu Vu vội về can ngăn nhưng Thành không nghe, chọn ngày lập đàn chay cạnh mộ, cầm đao phạt đứt một cái cây nói với các em rằng: “Đứa nào không chịu mặc áo tang đi theo, thì sẽ như cái cây này đấy.” Mọi người đều líu ríu vâng dạ, cả nhà đều ra khóc than, chôn cất đủ lễ, từ đó anh em yên ổn với nhau. Nhưng Thành tính nóng nảy cứng rắn, thường đánh đập các em, nhất là bọn Hiếu, duy chỉ trọng có Hữu Vu, đang lúc giận sôi lên mà Hữu Vu tới nói một câu là nguôi ngay. Những việc Hiếu làm Thành đều không ưa, vì vậy ngày nào Hiếu cũng tới nhà Hữu Vu chửi lén Thành, nhưng Hữu Vu khéo léo can ngăn, không nghe lời Hiếu. Hữu Vu thấy phiền nhiễu không chịu nổi bèn dời tới ngụ ở đất Tam Bạc, thuê nhà để ở, càng xa quê hơn trước, từ đó tin tức đi lại thưa dần. Được hai năm, các em đều sợ Thành, lâu ngày quen dần không còn tranh giành cãi cọ với nhau nữa.

Nhưng Hiếu bốn mươi sáu tuổi, sinh được năm con trai, trưởng là Kế Nghiệp, thứ ba là Kế Đức là con vợ lớn, con thứ là Kế Công, thứ tư là Kế Tích là con vợ thứ, lại có Kế Tổ là con người thiếp, lúc ấy đều đã trưởng thành, cũng học thói cha ngày xưa kéo bè kéo cánh hàng ngày tranh giành cãi cọ nhau, Hiếu không sao ngăn cấm được. Duy có Tổ là không có anh em ruột nào, lại nhỏ tuổi nhất, các anh đều có người để chửi mắng. Nhà cha vợ Tổ vốn ở gần Tam Bạc, gặp hôm Tổ tới thăm bèn lén vòng qua thăm chú, vào tới nhà chú thấy hai anh một em đang đọc sách râm ran, thích lắm bèn ở lại lâu ngày không nói tới việc về. Chú giục về, Tổ nài nỉ xin cho ở lại, chú nói: “Cha mẹ cháu đều không biết chuyện này, chứ chú đâu tiếc gì miếng cơm hớp nước với cháu?” Tổ bèn về, mấy tháng sau vợ chồng đi mừng thọ mẹ vợ bèn nói với cha: “Con đi lần này không về nữa đâu.” Cha hỏi han, Tổ bèn ngỏ ý riêng, cha sợ Hữu Vu nhớ oán hờn cũ khó nỗi ở lâu. Tổ nói: “Cha lo xa quá, chứ chú hai là bậc thánh hiền đấy.” Rồi dắt vợ lên đường tới Tam Bạc. Hữu Vu chia nhà cho ở, coi như con ruột, sai học với con lớn là Kế Thiện. Tổ học rất giỏi, từ đó ngụ luôn ở Tam Bạc.

Anh em trong nhà Tổ ngày càng bất hòa, một hôm Nghiệp vì cãi cọ chuyện nhỏ chửi mắng thứ mẫu, Công tức giận đâm chết Nghiệp. Quan bắt Công trừng phạt nặng nề, được vài hôm Công chết trong ngục. Vợ Nghiệp là Phùng thị hàng ngày cứ chửi mắng thay việc khóc chồng, vợ Công là Lưu thị nghe thấy tức giận nói: “Chồng ngươi chết còn chồng ta thì sống à?” Rồi xách dao vào chém chết Phùng thị, kế nhảy xuống giếng tự tử. Cha Phùng thị là Đại Lập xót con gái chết thảm bèn dắt con cháu trong nhà giấu binh khí dưới áo tới bắt vợ Hiếu về, lột truồng đánh đập làm nhục. Thành tức giận nói: “Nhà ta đang chết như rạ mà họ Phùng sao dám làm thế?” rồi gầm thét xông ra, anh em con cháu họ Tăng cũng đổ ra. Bọn nhà họ Phùng chạy tán loạn, Thành túm được Đại Lập, cắt luôn hai vành tai. Con Phùng tới cứu bị Kế Tích cầm gậy sắt đánh gãy hai chân, bọn nhà họ Phùng đều bị thương, kêu gào chạy tứ tán. Chỉ có con Phùng còn nằm bên đường, mọi người không biết tính sao, Thành bèn xốc nách đưa tới bỏ gần thôn Phùng rồi về, gọi Kế Tích bảo lên quan tự thú.

Lúc ấy đơn kiện của họ Phùng cũng vừa gởi tới, anh em con cháu nhà họ Tăng đều bị bắt. Chỉ có Trung chạy thoát, tới Tam Bạc chần chừ mãi ngoài cổng vì sợ anh nhớ thù xưa. Gặp lúc Hữu Vu dắt con lớn và cháu đi thi về, nhìn thấy ngạc nhiên nói: “Sao em lại tới đây?” Trung quỳ mọp ven đường, Hữu Vu càng hoảng sợ nắm tay dắt vào nhà, hỏi biết sự tình kinh sợ nói: “Làm thế nào bây giờ, cả nhà đều phạm tội. Ta đã biết có họa này từ lâu, nếu không thì đâu trốn lánh thế này. Anh xa nhà đã lâu, không có giao thiệp gì với quan huyện, nay cho dù có khúm núm tới đó cũng chỉ chuốc lấy cái nhục mà thôi. Có điều cha con họ Phùng tuy bị thương nặng nhưng không chết, nếu ba người chúng ta có ai may mắn thi đỗ thì tai họa này có thể gỡ ra một chút.” Rồi giữ Trung lại, ngày ăn cùng mâm, đêm nằm cùng chiếu, Trung rất cảm động. Ở đó hơn mười ngày lại thấy chú cháu Hữu Vu thân thiết như cha con, anh em đều như một mẹ, buồn rầu sa nước mắt nói: “Nay em mới biết ngày trước mình làm quấy.” Hữu Vu thấy Trung tỉnh ngộ hối hận cũng vui mừng, đối xử rất chu đáo. Chợt có tin báo cha con Hữu Vu đều thi đỗ Cử nhân, Tổ cũng đỗ Tú tài, cả mừng không dự ăn yến mừng các vị tân khoa, trở về cúng mộ cha mẹ trước.

Cuối thời Minh khoa bảng rất được coi trọng, bọn nhà họ Phùng vì thế đều nín hơi. Hữu Vu lại nhờ bạn bè đưa vàng lụa tới cho họ lo thuốc men, việc kiện tụng bèn dứt. Cả nhà họ Tăng đều khóc, xin Hữu Vu quay về làng ở. Hữu Vu bèn cùng anh em đốt hương lập lời thề, ai nấy đều theo đó sửa mình rồi dời nhà về. Tổ theo chú không muốn về nhà, Hiếu bèn nói với Hữu Vu rằng: “Ta thiếu đức, lẽ ra không được có đứa con làm rạng rỡ dòng họ như thế, em lại khéo dạy bảo, xin cứ cho theo ý nó gởi lại nhờ em, sau này có khá hơn thì cho nó về.” Hữu Vu theo lời, ba năm sau quả nhiên Tổ thi đỗ Cử nhân, Hữu Vu bảo dời về ở với cha mẹ, vợ chồng đều khóc ròng ra đi. Được vài tháng, Tổ có đứa con mới ba tuổi cứ trốn tới nhà Hữu Vu không chịu về, đuổi bắt đưa về thì chạy trốn. Hiếu bèn dời nhà tới ở cạnh Hữu Vu, Tổ thì mở cửa bên vách thông qua nhà chú, qua lại thăm hỏi hai nhà như nhau. Từ đó Thành cũng dần già yếu, việc trong dòng họ giao cho Hữu Vu quyết, vì vậy môn hộ đều yêu thương nhau, nổi tiếng là hiếu hữu.

Dị Sử thị nói: Trên đời chỉ có cầm thú là biết có mẹ mà không biết có cha, sao những nhà đọc sách cũng theo vết ấy? Phàm việc xử sự trong gia đình cũng dần dần thành nếp cho con cháu, ăn sâu vào xương tủy, nên người xưa nói: “Cha giết người trả thù thì con ắt làm ăn cướp”, thói xấu lưu truyền nghĩ cũng đúng thôi. Hiếu tuy bất nhân, đã bị báo ứng thê thảm nhưng rốt lại có thể tự biết mình thiếu đức, gởi con cho em, nên mới có đứa con nóng lòng lo sợ tai họa như thế, nếu nói là chuyện quả báo thì sai lắm.

54. Công tử ở Gia Bình[1]

[1] Gia Bình công t.

Công tử Mỗ ở đất Gia Bình phong tư tuấn tú, năm mười bảy mười tám tuổi lên quận thi khoa Đồng tử, tình cờ đi ngang kỹ viện nhà họ Hứa. Ngoài cổng có một cô gái đẹp, công tử nhìn chằm chằm, nàng mỉm cười gật đầu, công tử vui vẻ tới gần trò chuyện. Cô gái hỏi chỗ trọ ở đâu, công tử nói rõ, nàng lại hỏi có ai ở cùng không, công tử đáp không. Nàng liền nói: “Tối nay thiếp sẽ tới thăm, đừng để ai biết.” Công tử gật đầu rồi về, bảo gia nhân đi hết qua nơi khác. Tối quả cô gái tới, tự nói tiểu tự là Ôn Cơ, lại nói: “Thiếp hâm mộ công tử phong lưu nên trốn bà chủ tới đây, phận hèn rất muốn được hầu hạ công tử trọn đời.” Công tử cũng mừng rỡ, hẹn sẽ đem món tiền lớn chuộc nàng ra khỏi kỹ viện, từ đó cứ hai ba hôm nàng lại tới một lần.

Một đêm nàng đội mưa tới, vào cửa rồi cởi chiếc áo ngoài bị ướt mắc lên giá, lại cởi chiếc hài nhỏ ở chân xin công tử gột giùm bùn đất cho. Công tử nhìn chiếc hài thấy là loại gấm mới năm màu, dính bùn bê bết cả, lấy làm tiếc. Cô gái nói: “Không phải thiếp dám lấy việc hèn hạ bắt công tử phục dịch, chỉ là muốn công tử biết mối tình si của thiếp thôi.” Nghe ngoài song tiếng mưa vẫn rả rích không ngớt, bèn ngâm “Thê phong lãnh vũ mãn giang thành” (Gió buồn mưa lạnh ngập giang thành), rồi xin công tử nối vần. Công tử từ chối nói không làm được, nàng nói: “Công tử là một người như thế, mà không biết chuyện phong nhã, làm thiếp mất cả hứng.” Nhân khuyên công tử cố gắng học tập, công tử vâng dạ.

Sau nàng thường lui tới nên đám gia nhân đều biết, công tử có người anh rể họ Tống cũng là con nhà thế gia nghe biết chuyện, lén xin công tử cho gặp Ôn Cơ một lần. Công tử nói lại nhưng nàng nhất định không chịu. Tống bèn tới rình trong phòng gia nhân, chờ nàng tới núp ngoài cửa sổ nhìn trộm, thấy say mê đến phát điên bèn xô cửa sấn vào, cô gái đứng dậy leo qua tường đi mất. Tống càng hâm mộ, bèn sắm sửa lễ vật tới gặp bà chủ nêu đích danh Ôn Cơ xin gặp, thì đúng là ở đó có Ôn Cơ song đã chết lâu rồi. Tống kinh ngạc về nói với công tử, công tử mới biết nàng là ma nhưng trong lòng vẫn yêu mến. Đêm nàng tới, công tử kể lại lời Tống, cô gái nói: “Đúng thế, nhưng chàng muốn có vợ xinh đẹp, thiếp cũng muốn có chồng tuấn tú, ai cũng thỏa nguyện thì bàn làm gì chuyện người hay ma,” công tử cho là đúng.

Thi xong trở về, cô gái cũng về theo, người khác không ai nhìn thấy nàng mà chỉ công tử nhìn thấy. Về tới nhà, công tử để nàng ở trong phòng khách rồi cũng ngủ một mình ở đó, cha mẹ đều ngờ vực. Khi cô gái về thăm nhà công tử mới nói riêng với mẹ. Cha mẹ cả sợ, bắt công tử tuyệt tình với nàng, công tử không nghe, hai ông bà lo lắng, tìm đủ cách trừ ếm mà không được. Một hôm, công tử có tờ thiếp răn bảo gia nhân đặt ở bàn, trong đó nhiều chữ viết sai như “tiêu” viết thành “thúc”, “khương”, viết thành “giang”, “khả hận” viết thành “khả lãng”. Cô gái đọc thấy, viết thêm vào phía dưới rằng: “Hà sự khả lãng, Hoa thúc sinh giang, Hữu tế như thử, Bất như vi xướng” (Việc gì “đáng sóng”, “Hoa thúc sinh giang”, Có chồng như thế, Làm đĩ còn hơn)[2], rồi giã từ công tử, nói: “Thiếp lúc đầu cho rằng công tử là văn nhân nhà thế gia nên mặt dày tự theo về, không ngờ chỉ có cái mẽ ngoài, chỉ biết xét người theo dung mạo thế này liệu tránh khỏi thiên hạ chê cười không?” nói xong biến mất. Công tử tuy xấu hổ căm hờn nhưng cũng không hiểu nàng viết gì, cứ đem tờ thiếp ra răn bảo gia nhân, người nghe được kể cho nhau nghe để cười.

[2] “Khả lãng” tức “khả hận” (đáng giận), “hoa thúc” tức “hoa tiêu” (tiêu xanh), “sinh giang” tức “sinh khương” (gừng sống), vì công tử dốt nên viết sai, thành ra tối nghĩa, Ôn Cơ nhại lại để mỉa.

Dị Sử thị nói: Ôn Cơ là một cô gái khá, mà đường đường một vị công tử thế kia sao lại bề trong chỉ có bấy nhiêu thôi? Đến như hối hận “làm đĩ còn hơn” thì thê thiếp của công tử phải thẹn thùng sa nước mắt vậy. Nghĩ lại hàng trăm cách đuổi vẫn không đi, nhưng thấy tấm thiếp liền biến mất, thì câu “hoa thúc sinh giang” có khác gì việc đọc câu thơ “Đầu lâu Tử Chương” của Tử Mỹ[3] đâu!

[3] Tháng 4 năm Thượng Nguyên thứ 2 (76) Thứ sử Tử Châu Đoàn Tử Chương làm phản đánh úp Tiết độ sứ Đông Xuyên Lý Trị ở Cẩm Châu, tự xưng là Lương vương, đặt niên hiệu là Hoàng Long, đổi Cẩm Châu làm phủ Hoàng Long, đặt bách quan. Tháng 5 Thành Đô doãn Thôi Quang Viễn đem tướng là Hoa Kính Định đánh Cẩm Châu, chém được Tử Chương. Đỗ Phủ nhân viết bài Hoa liễu ca, trong có câu “Tử Chương xúc lâu huyết mô hồ” (Đầu lâu Tử Chương máu bê bết). Cổ kim thi thoại chép về sau có người bị sốt rét, Đỗ Phủ bảo: “Đọc thơ của ta thì khỏi,” nhân dạy người ấy đọc câu thơ nói trên, quả nhiên người ấy khỏi bệnh. Đây ý nói thơ văn hay dở có ảnh hưởng tới người khác.