Liêu Trai chí dị (Tập 1) - Quyển IV - Chương 069 - 070

69. Hằng Nương

Hồng Đại Nghiệp người kinh đô, vợ là Chu thị nhan sắc rất đẹp, hai bên đều yêu thương nhau. Sau Hồng cưới tỳ nữ là Bảo Đới làm thiếp, nhan sắc kém xa Chu nhưng Hồng lại yêu chiều. Chu bất bình, vì thế vợ chồng sinh ra bất hòa. Hồng tuy không dám công nhiên ở luôn lại phòng thiếp nhưng càng chiều chuộng Bảo Đới mà xa cách Chu.

Sau Hồng dời nhà, ở cạnh nhà một người buôn lụa họ Địch. Vợ Địch là Hằng Nương qua thăm Chu trước, thấy khoảng ba mươi tuổi, nhan sắc chỉ bình thường nhưng nói năng dịu dàng, Chu thích lắm. Hôm sau qua thăm đáp lễ thấy nhà nàng cũng có người thiếp khoảng hai mươi tuổi rất xinh đẹp. Ở cạnh nhau gần nửa năm, Chu không nghe thấy họ cãi cọ gì cả, mà Địch lại chỉ yêu quý có Hằng Nương, vợ thiếp chỉ là người để đó mà thôi. Một hôm Chu qua chơi nhà Hằng Nương, hỏi: “Thiếp trước nay cho rằng chồng yêu vợ lẽ là vì vợ lẽ muốn thay bậc đổi ngôi, nay mới biết không phải. Phu nhân có thuật gì thế, nếu có thể dạy được thì thiếp xin làm học trò.” Hằng Nương đáp: “Ồ! chị tự xa cách rồi lại trách chồng sao? Ngày đêm cứ nói sa sả là đuổi chim sẻ cho bụi rậm, càng xa cách nhau hơn. Về nhà cứ để mặc họ, dù chồng tự tới cũng đừng cho vào phòng. Sau một tháng thiếp sẽ tính tiếp cho chị.”

Chu theo lời, trang điểm thêm cho Bảo Đới, bảo cùng ngủ với chồng, Hồng ăn uống gì cũng bảo Bảo Đới ăn chung. Lúc nào Hồng quan tâm thì Chu ra sức từ chối, từ đó mọi người đều khen Chu thị hiền. Như thế hơn tháng, Chu qua thăm Hằng Nương, Hằng Nương vui vẻ nói: “Được đấy!” Bây giờ chị về nhà bỏ hết nữ trang, đừng mặc quần áo đẹp, đừng đánh phấn tô son, để mặt bẩn đi giày rách làm lụng với người nhà, một tháng sau hãy qua đây.”

Chu theo lời, mặc áo vá đụp, làm ra vẻ bẩn thỉu chỉ lo dệt vải chứ không hỏi gì tới chuyện khác. Hồng thương xót bảo Bảo Đới cùng làm lụng nhưng Chu không cho, cứ quát đuổi lên nhà. Như thế hơn tháng, lại qua gặp Hằng Nương, Hằng Nương nói: “Đứa nhỏ này dạy được đấy! Ngày tới là tiết Thượng Ty[1], muốn rủ chị đi chơi. Chị nên bỏ hết quần áo rách, giày dép áo quần thay mới một loạt rồi qua ta cho sớm.” Chu thị vâng dạ.

[1] Tiết Thượng Ty: một lễ hội ở Trung Quốc cổ, tiến hành vào ngày Tỵ đầu tiên trong thượng tuần tháng ba âm lịch.

Đến ngày, Chu thị soi gương trang điểm kỹ càng, hết thảy đều theo như lời Hằng Nương dặn. Trang điểm xong qua nhà Hằng Nương, Hằng Nương vui vẻ nói: “Tốt lắm,” rồi búi hộ mái tóc cánh phượng, mượt bóng như gương, tay áo không hợp thời trang thì tháo ra may lại, lại nói kiểu giày vụng, lấy vải vụn trong rương ra cùng khâu, xong rồi lập tức bảo Chu thay đổi. Lúc chia tay mời Chu uống rượu rồi dặn: “Về gặp mặt chồng xong là đóng cửa đi ngủ ngay, y có tìm gõ cửa cũng đừng mở. Gọi ba lần mới mở cửa cho vào một lần, nhưng phải dè sẻn chuyện hôn hít vuốt ve. Nửa tháng sau hãy qua đây.”

Chu ăn mặc đẹp đẽ về nhà vào chào Hồng, Hồng chăm chú ngắm vợ từ trên xuống dưới, vui vẻ cười nói khác hẳn ngày thường. Chu thị kể qua buổi đi chơi rồi đỡ má ra vẻ mệt mỏi, trời chưa tối đã đứng dậy về phòng cài cửa đi nằm. Không bao lâu quả nhiên Hồng tới gõ cửa, Chu cứ nằm mãi không chịu dậy, Hồng mới bỏ đi, đêm sau cũng thế. Sáng ra Hồng trách móc, Chu nói: “Ngủ một mình quen rồi, không chịu nổi sự quấy rầy.” Trời vừa xế Hồng đã vào phòng vợ ngồi giữ chỗ, kế tắt đèn lên giường như đêm tân hôn, thương yêu rất mực, lại hẹn đêm sau. Chu không chịu, hẹn trở đi cứ ba ngày một lần.

Khoảng nửa tháng qua gặp Hằng Nương, Hằng Nương đóng cửa lại chuyện trò rồi nói: “Từ nay thì chị có thể chiếm luôn chồng rồi. Có điều chị tuy đẹp nhưng chưa có duyên. Nhan sắc như chị mà biết làm duyên thì tranh giành được cả lòng sủng ái với Tây Thi, huống hồ là kẻ xấu hơn.” Liền bảo Chu liếc thử, nói: “Không phải thế! Cạnh ngoài khóe mắt chưa được.” Lại bảo cười thử, nói: “Không phải thế! Má bên trái chưa được.” Rồi liếc mắt đưa tình, hé miệng cười duyên bảo Chu làm theo, mấy mươi lần mới hơi giống. Hằng Nương bảo: “Chị về cứ soi gương mà tập, thuật chỉ có bấy nhiêu thôi. Còn như lúc trên giường thì tùy cơ mà khêu gợi, tùy sở thích mà chiều chuộng thì đó không phải là điều dùng lời mà dạy được!”

Chu về làm đúng như lời Hằng Nương dạy, Hồng rất đẹp ý, bị cả nhan sắc lẫn phong thái của vợ làm cho si mê, chỉ sợ bị cự tuyệt. Trời vừa xế là vào ngồi nói chuyện vui cười với vợ không chịu rời phòng nửa bước, ngày nào cũng thế, không sao bảo ra được. Chu càng tử tế với Bảo Đới, mỗi khi ăn uống trong phòng đều gọi vào ngồi cùng, nhưng Hồng càng thấy Bảo Đới xấu xí, chưa xong bữa đã bảo nàng ta đi ra. Chu lại lừa chồng vào phòng Bảo Đới rồi cài cửa ở bên ngoài nhưng suốt đêm Hồng không động chạm gì tới, Bảo Đới vì thế giận Hồng, gặp ai cũng oán trách ra miệng.

Hồng càng chán ghét, dần dần tới chỗ đánh đập. Bảo Đới phẫn uất bỏ cả trang điểm, áo bẩn giày rách, đầu bù tóc rối nên càng không trách ai được. Một hôm Hằng Nương hỏi Chu: “Thuật của ta thế nào?” Chu đáp: “Đạo thầy thật là tuyệt diệu, có điều đệ tử có thể làm được mà rốt lại vẫn chưa hiểu được. Để mặc là vì sao?” Hằng Nương nói: “Chị không biết sao? Người ta vốn chán cái cũ mà thích cái mới, trọng cái khó mà khinh cái dễ. Chồng yêu vợ lẽ không hẳn vì cô ta đẹp mà vì thấy cái ít được nếm là ngon, thấy việc khó được gặp là hay. Cứ để mặc cho ăn no thì sơn hào hải vị cũng ngán chứ nói gì tới canh rau muống.” Chu hỏi: “Bỏ hết trang điểm rồi sau ăn mặc lộng lẫy là vì sao?” Hằng Nương đáp: “Bỏ không ngó ngàng gì tới thì như xa cách lâu ngày, bỗng thấy trang điểm đẹp đẽ thì như mới tới, khác nào người nghèo chợt được ăn thịt ngon, sẽ thấy gạo lứt là vô vị. Lại không dễ dàng cho nếm ngay thì kẻ kia là cũ mà mình là mới, kẻ kia thì dễ mà mình thì khó, đó chính là thuật biến vợ thành thiếp đấy.”

Chu cả mừng, bèn coi Hằng Nương là bạn thân chốn khuê phòng. Được vài mấy chợt Hằng Nương nói với Chu: “Hai người chúng ta tình như ruột thịt, tự nghĩ không nên giấu giếm tung tích, trước đã định nói nhưng sợ chị nghi ngờ. Nay sắp từ biệt nên xin nói thật, thiếp chính là hồ. Thuở nhỏ thiếp gặp nạn, bị mẹ kế bán lên kinh đô, vì chồng thiếp đối xử tử tế nên không nỡ dứt tình ngay mới dùng dằng đến nay. Ngày mai cha thiếp trút xác lên tiên, thiếp phải về thăm không trở lại nữa.” Chu cầm tay Hằng Nương than thở, sáng ra qua xem thì cả nhà đang hoảng hốt kinh sợ vì Hằng Nương đã biến đâu mất.

Dị Sử thị nói: Người mua ngọc không quý ngọc mà lại quý cái hộp đựng ngọc[2]. Tình người đối với mới, cũ, khó, dễ vẫn là điều ngàn xưa đến nay không sao hiểu được, nhưng cái thuật đổi ghét thành yêu đã được dùng trong chỗ đó rồi. Kẻ nịnh thần ngày xưa thờ vua thì ngăn vua gặp người, cản vua đọc sách, đủ biết việc giữ cho mình được sủng ái lâu dài cũng là điều tâm truyền đấy.

[2] Hàn Phi tử chép có người nước Sở bán viên ngọc cho người nước Trịnh, lấy gỗ mộc lan làm cái hộp đựng, sơn phết chạm trổ đẹp đẽ, người nước Trịnh bèn mua cái hộp mà trả lại viên ngọc.

70. Cát Cân

Thường Đại Dụng người đất Lạc (tỉnh Hà Nam), rất mê hoa mẫu đơn. Nghe nói mẫu đơn ở Tào Châu (tỉnh Sơn Đông) đứng đầu cả Tề Lỗ (vùng Sơn Đông), đã có ý tới tìm. Gặp lúc có việc tới Tào Châu, nhân thuê khu vườn của một nhà thân sĩ để ở. Lúc ấy mới tháng hai, mẫu đơn chưa có, sinh cứ bồi hồi trong vườn nhìn chằm chằm vào cành, mong thấy nụ hoa nhú ra, lại làm đủ một trăm bài thơ tứ tuyệt nhan đề Hoài mẫu đơn (Nhớ mẫu đơn).

Ít lâu sau mẫu đơn có nụ, tiền lưng đã cạn phải cầm bán quần áo, nhưng vẫn say mê với hoa quên cả chuyện về. Một hôm sáng sớm ra vườn hoa, thấy có một nữ lang cùng bà vú ở đó, ngờ là gia quyến nhà quan vội quay vào phòng. Chiều ra vườn lại thấy, họ thong thả tránh đi. Liếc nhìn thấy nữ lang mặc quần áo lối cung trang vô cùng xinh đẹp, đang lúc ngây ngất chợt nghĩ: “Đây chắc là tiên chứ dưới trần há có được người như thế sao.” Vội vàng quay lại tìm, vừa qua một hòn giả sơn thì giáp mặt bà vú. Nữ lang đang ngồi trên hòn đá, thấy sinh thì giật nảy mình. Bà vú đứng trước mặt nàng, quát: “Cuồng sinh định làm gì?” Sinh quỳ rạp xuống nói: “Nương tử đây ắt là thần tiên.” Bà vú thét mắng: “Ăn nói bậy bạ như vậy thật đáng trói lại giải lên quan lắm,” sinh cả sợ. Nữ lang mỉm cười nói: “Thôi ta đi,” rồi họ vòng qua hòn giả sơn đi mất.

Sinh quay về, cất bước không nổi, nghĩ chắc nữ lang về kể lại với cha anh ắt mình phải chịu nhục nhã, nằm lăn trong phòng tự hối hận vì đã liều lĩnh. Rồi nghĩ may mà nữ lang không có vẻ tức giận, có lẽ nàng không để bụng. Vừa hối hận vừa lo sợ suốt đêm phát ốm, đến rạng ngày vẫn không thấy ai tới hỏi tội mới hơi yên lòng. Song nhớ lại dung mạo âm thanh của nàng thì lại đổi sợ ra nhớ, cứ thế ba ngày, người gầy rộc đi như sắp chết. Đêm thắp đèn ngồi đến khuya, đầy tớ đã ngủ say thì bà vú kia bước vào cầm một cái liễn đưa sinh nói: “Nương tử Cát Cân nhà ta tự tay nấu tô canh thuốc độc này đây, uống mau đi.” Sinh nghe thế phát hoảng, kế nói: “Kẻ hèn này với nương tử vốn không có thù oán, sao lại ban cho tội chết? Nếu đã là nương tử tự tay sắc thì ốm tương tư mà chết không bằng uống thuốc độc mà chết.” Rồi ngửa cổ uống luôn. Bà vú cười cầm cái liễn đi. Sinh thấy vị thuốc thơm mát tựa hồ không phải là thuốc độc, giây lát thấy thân thể khoan khoái, đầu óc nhẹ nhàng, ngủ thiếp đi luôn.

Khi tỉnh thấy nắng đã soi sáng cửa sổ, thử trở dậy thì như đã khỏi bệnh, trong lòng càng tin nữ lang là tiên. Không biết làm sao gặp lại song lúc vắng người vẫn thấy phảng phất như nàng đang đứng đang ngồi, nên sinh lại vái lạy cầu khấn. Một hôm đi dạo chợt gặp phải nữ lang trong khóm cây rậm, không có ai khác bên cạnh. Sinh mừng quá lạy phục xuống đất, nữ lang tới gần đỡ dậy. Sinh chợt nghe mùi hương lạ tỏa ra khắp người nàng, liền nắm tay nàng đứng lên, thấy da thịt mềm mại khiến người ta nhũn cả xương cốt. Đang vừa muốn nói thì bà vú chợt tới, nàng bảo sinh núp vào sau tảng đá, chỉ về phía nam nói: “Tối cứ theo cái thang trong vườn mà leo qua tường, chỗ bốn phía đều có cửa sổ sơn màu hồng là nơi thiếp ở,” rồi vội vàng bỏ đi.

Sinh ngẩn ngơ mất cả hồn phách, không biết mình đang ở đâu. Đến đêm bắc thang leo lên bức tường phía nam thì bên trong đã có chiếc thang bắc sẵn, vui mừng leo xuống, quả thấy chỗ có cửa sổ sơn màu hồng, bên trong có tiếng gõ quân cờ. Sinh dừng lại không dám tới, lại leo qua tường quay về. Lát sau lại leo qua thì vẫn còn tiếng gõ quân cờ chan chát, tới gần nhìn thì thấy nữ lang đang ngồi đối diện với một mỹ nhân áo trắng, bà vú cũng ngồi đó, có một tỳ nữ đứng hầu, lại quay về. Qua lại ba lần, trống canh ba đã điểm. Sinh đang núp dưới chiếc thang bên này thì nghe bà vú đi ra nói: “Ai đem cái thang ra bắc ở đây thế này?” Rồi gọi tỳ nữ cùng đem cất. Sinh leo lên đầu tường, muốn xuống lần nữa thì không có thang, buồn bực quay về.

Đêm sau lại qua thì thang đã đặt sẵn trong tường, may là vắng vẻ không có ai. Vào tới nơi thì nữ lang ngồi một mình như đang nghĩ ngợi điều gì, thấy sinh giật mình đứng dậy thẹn thùng khép nép. Sinh chắp tay nói: “Tự nghĩ mình phúc mỏng, sợ không có duyên phận với người tiên, ngờ đâu lại có đêm nay.” Rồi ôm lấy nàng, thấy lưng ong nhỏ nhắn, hơi thở thơm phức. Nàng đẩy ra nói: “Sao mà gấp thế?” Sinh đáp: “Việc hay thường khó khăn, chậm trễ thì quỷ ghét!” Chưa dứt lời thì nghe có tiếng người xa xa, nàng vội nói: “Em Ngọc Bản tới, chàng hãy tạm núp xuống gầm giường,” sinh theo lời. Giây lát một cô gái bước vào cười nói: “Tướng thua trận còn dám nói đánh nữa hay không? Ta đã pha trà sẵn, xin mời tới chơi luôn qua đêm.” Cô gái lấy cớ mỏi mệt từ chối nhưng Ngọc Bản cứ cố mời, nàng ngồi lỳ không chịu đi. Ngọc Bản nói: “Còn chần chừ nữa, hay là giấu trai trong phòng,” rồi lôi nàng ra cửa đi mất.

Sinh lóp ngóp bò ra, hận quá liền lục chăn nệm mong tìm được một vật làm tin, nhưng trong phòng không có món nữ trang nào, chỉ có một cái như ý pha lê buộc mảnh khăn tía ở đầu giường trông xinh xắn đáng yêu, bèn nhét vào bụng. Kế leo qua tường, về tới nhà xếp áo thấy vẫn còn đượm hương thơm của nàng, càng thêm thiết tha ái mộ. Nhưng vì bị cái sợ chui dưới gầm giường nên lo bị khép vào tội lớn, nghĩ ngợi không dám quay lại nữa, chỉ giữ kỹ cái như ý chờ nàng tới tìm. Cách một đêm quả nhiên nữ lang tới, cười nói: “Trước nay thiếp cho rằng chàng là bậc quân tử chứ không biết là kẻ trộm cắp.” Sinh nói: “Đúng thế đấy chứ, sở dĩ ngẫu nhiên có lúc chưa phải là bậc quân tử chỉ là vì mong được như ý thôi.” Rồi ôm nàng vào lòng, cởi giải quần cho. Da ngọc vừa lộ ra, hương thơm đã tỏa khắp. Trong lúc ôm ấp vuốt ve thấy hơi thở mồ hôi của nàng đều thơm phức, nhân nói: “Ta vẫn nghĩ nàng là bậc tiên nữ, nay càng thấy là đúng. Nay may được nàng đoái thương cũng là duyên kiếp ba sinh. Nhưng chỉ sợ Đỗ Lan Hương xuống trần một lúc[1], cuối cùng sẽ thành mối hận biệt ly thôi.”

[1] Dung Thành tiên lục chép có người đánh cá ở Tương Giang ven hồ Động Đình nghe tiếng trẻ khóc, tới nhìn thì là một bé gái khoảng một hai tuổi bèn đem về nuôi, đến năm hơn mười tuổi thì dung mạo xinh đẹp lạ lùng, quả đúng như người tiên. Chợt có Đông Linh chân nhân trên không hạ xuống đưa nàng đi. Lúc ra đi cô gái nói với người đánh cá rằng: “Ta là tiên nữ Đỗ Lan Hương, vì có lỗi bị đày xuống trần, nay xin từ biệt.”

Nàng cười nói: “Chàng nói quá lời! Thiếp chẳng qua như Thiến nữ lìa hồn[2] tình cờ động lòng vì tình thôi. Việc này phải thật kín đáo, chứ e lời thị phi đơm đặt trắng đen thì chàng không thể mọc cánh bay còn thiếp cũng không thể cưỡi gió trốn, lúc ấy tai họa còn thê thảm hơn biệt ly nhiều.” Sinh cho là đúng nhưng rốt lại vẫn ngờ nàng là tiên, cứ cố hỏi họ tên. Nàng đáp: “Chàng cho thiếp là tiên, mà đã là tiên thì cần gì phải lưu tên họ.” Sinh lại hỏi bà vú là ai, nàng đáp: “Đó là bà Tang. Thuở nhỏ thiếp được bà che chở nên không coi như hạng tôi tớ.” Rồi trở dậy ra về, dặn: “Chỗ thiếp ở có nhiều tai mắt, không thể ở lâu, lúc nào có cơ hội thiếp sẽ tới.” Khi từ biệt nàng đòi cái như ý, nói: “Vật này không phải của thiếp mà là của Ngọc Bản để quên.” Sinh hỏi Ngọc Bản là ai, nàng đáp: “Đó là em con ông chú,” rồi trở gót quay về. Nàng đi rồi, chăn gối đều nhuốm mùi hương lạ.

[2] Thiến nữ lìa hồn: Thiến nữ tức Thiến Nương. Xem chú thích truyện Diệp sinh, quyển I.

Từ đó cứ hai ba đêm nàng lại tới một lần, sinh say mê chẳng nghĩ gì tới việc về quê mà đã hết sạch tiền, định bán ngựa. Nàng biết được, nói: “Vì thiếp mà chàng hết tiền bán áo, lòng đã không nỡ, lại còn bán cả vật đỡ chân thì hơn ngàn dặm đường lấy gì mà đi? Thiếp có của riêng, có thể giúp chàng chút ít.” Sinh từ chối, nói: “Cảm lòng nàng yêu thương, dù thịt nát xương tan cũng không đủ đền đáp, thế mà còn tham lam hèn hạ để nàng tốn kém thì sao đáng gọi là người?” Nàng cố ép nói: “Nhờ chàng một lúc,” rồi cầm tay sinh dẫn tới dưới một gốc dâu, chỉ một hòn đá bảo vần đi. Sinh làm theo, nàng lại rút chiếc trâm trên đầu chọc vài mươi nhát xuống đất rồi bảo đào lên. Sinh làm theo, thấy lộ ra một cái miệng vò. Nàng mò vào trong lấy ra một đĩnh bạc khoảng năm mươi lượng, sinh giữ tay ngăn lại nhưng nàng không nghe, cứ lấy thêm hơn mười đĩnh nữa, sinh cố trả lại một nửa rồi lấp đất lại như cũ.

Một đêm nàng nói với sinh: “Gần đây đã hơi có lời đồn, thế không thể lâu dài được, không thể không tính kế khác.” Sinh cả kinh hỏi: “Làm sao bây giờ. Tiểu sinh vốn lo xa nhưng nay vì chuyện nàng, thật như góa phụ thất tiết không thể tự chủ được. Xin nhất nhất vâng lời nàng, dù đao cưa rìu búa gì cũng bất kể.” Nàng bàn cùng trốn đi, bảo sinh về trước, hẹn gặp nhau ở đất Lạc. Sinh sắp sửa hành trang về quê, định về trước đợi đón nàng, nhưng vừa vào tới nhà thì xe nàng đã tới cổng. Hai người lên sảnh cho gia nhân lạy chào, láng giềng tới mừng không ai biết là hai người đi trốn. Sinh nơm nớp lo sợ nhưng nàng vẫn thản nhiên, nói với sinh: “Không nói là ngoài ngàn dặm thì ma quỷ cũng không biết được, dù có biết thì thiếp là con gái Trác Vương Tôn lại không bằng Tương Như[3] à?”

[3] Hán thư chép con gái Trác Vương Tôn là Trác Văn Quân xinh đẹp, giỏi thi phú, hiểu âm luật nhưng góa chồng sớm. Tư Mã Tương Như tới chơi nhà Trác Vương Tôn thấy nàng xinh đẹp bèn gảy đàn hát khúc Phượng cầu hoàng để khêu gợi, Văn Quân bèn trốn theo Tương Như. Đây cô gái có ý nói sẵn sàng vì tình trốn theo người yêu.

Em trai sinh là Đại Khí, tuổi vừa mười bảy. Nàng nhìn thấy khen: “Thật có bản căn thông tuệ, tiền đồ còn hơn chàng nhiều.” Đại Khí sắp làm đám cưới thì vợ chưa cưới chết yểu, cô gái nói với sinh: “Em Ngọc Bản của thiếp chàng đã thấy mặt rồi, dung mạo không xấu, tuổi cũng xấp xỉ, làm vợ chú ấy có thể nói là xứng đôi.” Sinh nghe thế phì cười, đùa nhờ nàng làm mai. Nàng nói: “Nếu muốn cũng không khó.” Sinh mừng hỏi làm cách nào, nàng đáp: “Em Ngọc Bản và thiếp rất thân thiết, chỉ cần hai con ngựa kéo chiếc xe nhẹ và một bà vú đi về thôi.” Sinh sợ lộ chuyện trước không dám theo lời, nàng quả quyết không hề gì, lập tức sai thắng xe, bảo bà Tang đi. Vài ngày tới Tào Châu, tới gần cổng làng bà Tang xuống xe, bảo người đánh xe dừng lại đợi bên đường, nhân lúc trời tối vào làng, hồi lâu đưa Ngọc Bản ra lên xe phóng về, đêm nghỉ ngày đi. Cô gái tính ngày, bảo Đại Khí mặc quần áo đẹp đi đón, cách năm mươi dặm thì gặp nhau, đánh xe trở về, nổi nhạc kết đèn làm lễ cưới. Từ đó cả hai anh em cùng có vợ đẹp, gia cảnh ngày càng khá giả.

Một hôm có bọn cướp lớn vài mươi tên vào nhà, sinh biết có biến, gọi cả nhà lên lầu. Bọn cướp vào nhà tới vây chặt dưới lầu, sinh cúi xuống hỏi: “Có thù oán gì với nhau chăng?” Chúng đáp: “Không có thù oán gì, nhưng có hai điều muốn xin. Một là nghe nói hai phu nhân nhà này xinh đẹp tuyệt thế, xin cho được thấy mặt một lần. Hai là năm mươi tám người ở đây, mỗi người xin năm trăm lượng vàng.” Rồi chất củi dưới lầu, định dùng kế phóng hỏa để uy hiếp. Sinh ưng thuận nộp tiền nhưng chúng không thỏa ý, vẫn đòi đốt lầu, gia nhân cả sợ. Cô gái muốn cùng Ngọc Bản xuống lầu, ai ngăn cũng không nghe, thay áo quần lộng lẫy bước xuống, chưa hết ba bậc thì nói với bọn cướp: “Chị em ta đều là người nơi tiên cung tạm thời xuống trần, sợ gì bọn giặc cướp. Muốn cho các ngươi ngàn vạn lượng vàng, chỉ e các ngươi không dám lấy thôi.” Bọn cướp nhất tề ngước lên vái lạy, đồng thanh nói không dám. Hai chị em đang định trở lên, một tên thét: “Trò bịp đấy.” Nàng nghe thấy quay lại nói: “Muốn gì cứ làm ngay đi, cũng chưa muộn mà.” Bọn cướp nhìn nhau im lặng, hai chị em ung dung bước lên lầu. Chúng nhìn theo đến khi hai nàng khuất bóng rồi mới ồn ào rút đi.

Sau hai năm, chị em mỗi người sinh một con trai, lúc ấy cô gái mới tự nói là họ Ngụy, mẹ được phong làm Tào Quốc phu nhân. Sinh ngờ là đất Tào không có nhà thế gia nào họ Ngụy, vả lại dòng họ lớn mà mất hai con gái đời nào chịu để yên, tuy không dám căn vặn tới cùng nhưng vẫn thầm ngờ vực. Bèn kiếm cớ trở lại đất Tào, vào địa giới đất Tào là hỏi thăm ngay nhưng không có nhà thế gia nào họ Ngụy. Bèn tìm đến nhà trọ cũ, chợt thấy trên vách có bài thơ Tặng Tào Quốc phu nhân, vô cùng kinh sợ lạ lùng. Bèn hỏi chủ nhân, chủ nhân cười, lập tức mời đi xem Tào Phu nhân, tới nơi thì là một gốc mẫu đơn cao ngang chái nhà. Hỏi vì đâu có tên ấy thì vì đó là thứ hoa đệ nhất đất Tào nên người ta mới phong đùa như vậy. Hỏi đó là giống gì, chủ nhân đáp là Tử Cát sinh càng sợ hãi, cho cô gái là tinh hoa.

Trở về cũng không dám hỏi han, chỉ kể lại chuyện bài thơ Tặng Tào phu nhân để dò ý. Cô gái chợt biến sắc bỏ ra ngay, gọi Ngọc Bản bế con tới, nói với sinh: “Ba năm trước cảm lòng chàng nghĩ tới nên đem thân đền đáp. Nay đã ôm lòng nghi ngờ thì sao còn có thể chung sống được nữa?” Rồi lập tức ném con ra xa, hai đứa nhỏ rơi xuống chết ngay. Sinh đang hoảng hốt thì hai nàng đã biến mất, hối hận vô cùng. Vài hôm sau ở chỗ hai đứa nhỏ rơi chết mọc lên hai cây mẫu đơn, qua đêm đã cao một thước, ngay trong năm ấy nở hoa một màu tía, một màu trắng, đóa hoa to như cái mâm, tươi đẹp dày đặc hơn hẳn các giống Cát Cân, Ngọc Bản bình thường. Mấy năm sau hai cây mẫu đơn ấy tươi tốt thành bụi dày, nếu đem đi trồng nơi khác thì biến đổi không ra giống gì cả. Từ đó, nơi nhiều mẫu đơn không đâu hơn đất Lạc.

Dị Sử thị nói: Để lòng cả vào việc nhung nhớ thì có thể thông suốt tới cả quỷ thần, hoa kia lay động cũng không thể nói là vô tình vậy. Thiếu phủ cô quạnh còn coi hoa là phu nhân[4], huống hồ là người đẹp biết nói cười, cần gì phải vất vả truy tìm cho tới tận nguồn gốc lai lịch chứ! Tiếc cho Thường sinh chưa phải là kẻ đạt vậy.

[4] Lấy ý câu trong bài Hý đề tân tài tường vi của Bạch Cư Dị thời Đường: “Thiếu phủ vô thê xuân tịch mịch, Hoa khai tương nhĩ đáng phu nhân” (Thiếu phủ xuân về buồn vắng vợ, Chờ khi hoa nở gọi phu nhân). Thời Đường thường gọi Huyện úy là Thiếu phủ, Bạch Cư Dị lúc ấy đang làm Huyện úy nên tự xưng như vậy.