Việt sử giai thoại (Tập 5) - Chương 07 - 11

07 - TRẬN BỒ ẢI

Cuối tháng chạp năm Giáp Thìn (1424), sau trận Trà Long, giặc phải cố thủ trong thành Nghệ An, tình thế rất bi đát. Nhưng rồi chẳng bao lâu sau, viện binh của chúng lại kéo tới, cán cân lực lượng nghiêng hẳn về phía quân Minh. Lê Lợi nói với các tướng rằng:

- Thiện chiến giả, trí nhân nhi bất trí ư nhân (nghĩa là bậc giỏi cầm quân thường buộc đối phương phải đánh theo cách đánh của mình chứ không dại mà đánh theo cách đánh của đối phương).

Nói xong, cho các tướng đem quân đi chiếm lĩnh hết các vị trí hiểm yếu ở huyện Đỗ Gia (Hương Sơn, Hà Tĩnh ngày nay). Quả nhiên, chỉ độ vài ba ngày sau là giặc cũng tiến xuống phía nam Nghệ An. Sách Đại Việt thông sử (trang 45 - 46) chép rằng:

"Vua đóng ở phía trên dòng nước, ban ngày dựng cờ và thúc trống ầm ầm, ban đêm thì đốt đèn đuốc sáng trưng trong trại rồi ngầm sai đem voi và quân qua sông phục nơi hiểm yếu. Trời sắp sáng, địch dẫn quân đánh vào trại ta, Vua vờ thua lui chạy dẫn địch vào chỗ phục binh, bốn mặt phục binh đều trỗi dậy đánh phá, có hàng vạn quân địch bị giết và chết đuối. Thua trận này, chúng bèn lập trại tựa vào thế núi để đóng quân, không chịu ra giao chiến nữa.

Lúc này, bên địch lương thực dồi dào, mà bên ta, lương chưa đủ để quân sĩ dùng trong mười ngày, Vua bảo các tướng rằng:

"Giặc cậy nhiều lương, nên cứ cố thủ trong trại, không chịu ra đánh. Đó là chúng định làm kế lâu dài. Ta ít lương thực, không có thể cầm cự lâu dài với chúng được.” Bèn sai tự đốt hết các doanh trại, vờ như bỏ trốn, rồi đi ngầm ra lối tất. Quân địch thấy vậy rất mừng, liền tiến quân đóng vào doanh trại của ta, và đắp thêm đồn lũy trên núi.

Ngày hôm sau, Vua chọn quân tinh nhuệ mai phục ở Bồ Ải, rồi sai đội khinh kị đến khiêu chiến. Địch không hay biết, liền dẫn quân ra ứng chiến, đến Bồ Ải, trúng phải ổ phục binh, quân phục binh liền trỗi dậy, các viên dũng tướng: Phạm Vấn, Lê Sát, Lê Ngân, Đinh Lễ, Lê Xí, Lê Đạp, Lê Triện, Lê Bôi, Lê Nhân Chú, Lê Chiến, Lê Tông Kiếu và Lê Khôi, đều đua nhau xông lên hãm trận, đánh phá quân địch, chém đầu giặc nhiều vô kể, thây lấp đầy sông, khí giới đầy đường, thuyền bè chặn ngang dòng nước. Bắt sống Đô ti là Chu Kiệt, chém tướng tiền phong là Hoàng Thành, bắt sống hàng ngàn quân địch. Trần Trí và Sơn Thọ chạy về Nghệ An, cố thủ ở trong thành.”

Lời bàn: Đánh vào Nghệ An là đánh vào chỗ yếu nhất của địch. Mưu hiểm là đấy. Cô lập Cầm Bành để tiêu diệt từng bộ phận của đối phương, ấy là đánh theo lối tằm ăn dâu. Kế thâm sâu là đấy. Khéo bày trận phục binh, dồn quân Minh vào thế liên tiếp bị bất ngờ, khiến trở tay không kịp, ấy là phép dùng thế mạnh để bù vào chỗ lực non, giành chiến thắng ngay trong chỗ ngỡ như bị bại. Phương vạn toàn là đấy. Lê Lợi thường hay dẫn lời binh pháp xưa, người đương thời đâu có ngờ chính bản thân Lê Lợi cũng là một pho binh pháp sống động và nhiệm màu.

Từ đây, quân Minh vẫn cố thủ trong thành Nghệ An mà đất Nghệ An thì kể như đã mất hẳn về tay Lam Sơn rồi. Thế chẻ tre của Lam Sơn bắt đầu hình thành từ đây chăng?

08 - QUÂN PHÁP CỦA LAM SƠN

Đầu mùa xuân năm Ất Tị (1425), sau chiến thắng Bồ Ải, Lam Sơn lần lượt giải phóng hết các huyện của Nghệ An. Khi tiến đến đất Thanh Chương ngày nay, Lam Sơn được nhân dân vùng này nô nức đem rượu thịt ra đón mừng. Họ nói:

- Không ngờ ngày nay chúng ta lại được trông thấy uy nghi nước nhà!

Lê Lợi rất lấy làm cảm kích, nhưng cũng chính lúc đó, Lê Lợi đã lập tức ban bố những quy định rất nghiêm ngặt. Sách Đại Việt thông sử (trang 46) chép:

“Vua hạ lệnh rằng:

“Nhân dân ta lâu nay đã khốn khổ vì chính trị bạo ngược của quân Minh? Vậy, quân sĩ đến châu huyện nào cũng không được xâm phạm của dân một mảy may. Nếu không phải là trâu bò thóc gạo của ngụy quan, thì dù có đói lắm cũng không được lấy.”

Lúc ấy, quân sĩ có người ba ngày chưa được một bữa ăn mà không ai dám phạm lệnh trên! Về phần nhân dân, thì ai cũng đem trâu bò thóc gạo của người Minh đã tích trữ ra để tiếp tế cho quân ta.”

Suốt cuộc trường chinh, quân pháp của Lam Sơn bao giờ cũng được giữ rất nghiêm. Sách Đại Việt thông sử (trang 56) còn chép việc Lam Sơn xử tử Lê Lai (trong phong trào Lam Sơn có đến mấy nhân vật Lê Lai khác nhau - NKT), Lý Vân và Bùi Vĩnh vào năm 1427 (năm cuối của phong trào Lam Sơn) như sau:

"Viên Tư mã là Lê Lai cậy có chiến công, thường thốt ra những lời khinh nhờn. Vua sai xử tử và tịch thu gia sản. Viên Thiên hộ là Lý Vân và kẻ tòng phạm là Bùi Vĩnh vì chở trộm muối vào thành Chí Linh, Vua cũng sai giết cả, và đều tịch thu gia sản.

Ra lệnh kiểm điểm khí giới của binh sĩ, kẻ nào thiếu, sẽ trị theo quân luật.”

Lời bàn: Thói thường, vui quá dễ say, say sưa quá dễ mất hất cả tỉnh táo, và thế là mắc sai lầm trong chỗ không ngờ đó thôi. Lam Sơn chiến thắng mấy trận lớn liền, vậy mà vẫn không bị say bởi hơi men của chiến thắng, lại còn tỉnh táo lo nghĩ đến nỗi khổ chất chứa nhiều năm của dân, đội quân ấy mà được lòng dân cũng là phải lắm.

Thà chết đói chứ không tơ hào của dân, cái đức của đội quân nhân nghĩa ấy thật đã tỏa sáng đến muôn đời vậy. Không có cái đức sáng ấy, dù võ nghệ họ có cao cường bao nhiêu, dù vũ khí của họ có lợi hại đến bao nhiêu, thì tất cả họ chỉ là một đội quân ô hợp, bại vong là lẽ tất nhiên.

Tiếc thay, người lính vô danh thì nghiêm giữ quân pháp, còn làm đến chức Tư mã như Lê Lai, đến Thiên hộ như Lý Vân và Bùi Vĩnh thì ngông nghênh và thủ lợi. Họ đã tự giết chết cái đức của họ, lưỡi gươm của phép nước chỉ giết nốt cái xác phàm xấu xa của họ mà thôi.

Mới hay, nếu tạo hóa chẳng chút công bằng khi phân phát trí tuệ và vinh hoa cho thiên hạ, thì lại bất công bằng khi phân phát đức độ cho mọi lớp người. Đừng tưởng lính là kém đức hơn quan.

09 - SỐ PHẬN CỦA TRẦN PHONG VÀ LƯƠNG NHỮ HỐT

Trần Phong người xã Ma Lộng, huyện Chí Linh (nay thuộc Hải Dương), sinh năm nào không rõ. Khi quân Minh xâm lược nước ta, Trần Phong đem toàn bộ gia thuộc đầu hàng giặc, được giặc cho làm chức Chỉ huy đồng tri, sau thăng đến chức Đô chỉ huy thiêm sự. Trần Phong là một tên Việt gian tàn ác, đã giết hại không biết bao nhiêu người yêu nước đương thời.

Lương Nhữ Hốt người xã Trác Vĩnh, huyện Cổ Đằng (nay thuộc Thanh Hóa), cũng không rõ là sinh năm nào. Khi quân Minh vào xâm lược nước ta, Lương Nhữ Hốt đầu hàng, được chúng cho làm chức Tri phủ Thanh Hoa (tức Thanh Hóa ngày nay). Lương Nhữ Hốt từng đem gia quyến sang Yên Kinh (Trung Quốc) để tình nguyện giúp việc xây dựng cung điện cho quân Minh, nhưng rồi vua Minh cho về. Sau, Lương Nhữ Hốt được quân Minh cho chỉ huy đồn Đa Căng, và tại đây, suýt nữa thì Lương Nhữ Hốt đã bị Lam Sơn tiêu diệt.

Năm 1427, quân đội Lam Sơn khép chặt vòng vây ở Đông Quan. Lương Nhữ Hốt và Trần Phong cũng đều có mặt trong thành Đông Quan này. Tổng chỉ huy quân giặc trong thành Đông Quan là Vương Thông rất lo sợ, đã có ý đầu hàng, nhưng ý định đó bị bọn Trần Phong và Lương Nhữ Hốt ngăn cản. Sách Đại Việt thông sử (trang 223 - 224) chép rằng:

"Khi quân Nhà vua vây thành Đông Quan, quân Minh bị nguy khốn, đưa thư xin hòa, muốn được bảo toàn quân số trở về nước. Nhà vua bằng lòng cho, đã có lời đoan ước đầy đủ, nhưng bọn Trần Phong và Nhữ Hốt xúi bẩy Vương Thông rằng: Trước đây quân của Ô Mã Nhi bị thua ở sông Bạch Đằng, đem toàn quân quy hàng, Hưng Đạo Vương bằng lòng cho. Nhưng lại dùng kế lấy thuyền to chở quân cho về, rồi sai người bơi giỏi sung vào làm phu chở thuyền. Ra tới ngoài biển, đang đêm, rình lúc quân Ô Mã Nhi ngủ say, lặn xuống đục đáy thuyền, làm cho những người đã quy hàng đều bị chết đuối, không một ai sống sót trở về được.” Bọn Thông tin lời ấy, lại sinh lòng khác, đóng chặt cửa thành không ra. Đến khi Vương Thông cùng kế, buộc phải xin hòa, dẫn quân về nước, bọn Trần Phong mới chịu ra hàng. Nhà vua đã tha tội cho, nhưng bọn Phong vẫn chưa chịu yên, lại kết bè đảng với nhau, sai người đi tắt sang đưa thư cho tướng nhà Minh ở biên giới, yêu cầu quân Minh gây sự, còn bọn Phong bí mật làm nội ứng. Thư ấy bị viên Thượng tướng quân ở trấn Thái Nguyên là Hoàng Nguyên Ý bắt được. Nhà vua muốn cho yên lòng dân mới quy phụ, bèn giết kẻ đưa thư ấy mà giấu kín việc này đi. Tháng 8 năm thứ nhất (tức là năm 1428 - NKT) lại có người trong đảng y đến cáo giác, Nhà vua mới bắt Trần Phong giết đi và ban chiếu bảo cho trong ngoài rằng chỉ giết kẻ cầm đầu, những người còn lại thì không hỏi đến.”

Cũng sách nói trên (trang 225) còn cho biết thêm là trong số bọn đầu sỏ cùng mưu với Trần Phong, có cả Lương Nhữ Hốt.

Lời bàn: Giặc vừa sang đã hàng, đó là nhát. Cam phận làm tay sai cho giặc để hại dân, đó là phản. Kẻ nhát và phản, có bao giờ từ một việc làm hèn mạt nào đâu. Cho nên, Trần Phong và Lương Nhữ Hốt gồm đủ mọi tội lỗi đáng khinh, chuyện ấy chẳng có gì là lạ cả. Thường ở đời, hễ có anh hùng, tất sẽ có tiểu nhân, có chính nghĩa, tất sẽ có gian tà, có cao thượng tất sẽ có thấp hèn, sáng tối đặt bên nhau, cứ như là sự trớ trêu của con tạo vậy. Nhưng, sống một đời mà nhục đến muôn đời như Trần Phong và Lương Nhữ Hốt, thử hỏi có đáng sống không?

10 - CÁI CHẾT CỦA ĐỖ DUY TRUNG

Vùng Cẩm Khê, Sơn Tây cũ, nay thuộc về Phú Thọ. Đất ấy có xã mang tên chữ là Ký Chế, tên nồm là Cấy Chấy. Cuối thế kỉ XIV, đầu thế kỉ XV, ở Cấy Chấy có người tên là Đỗ Duy Trung. Đỗ Duy Trung vốn là cựu thần của nhà Trần. Năm 1400, họ Hồ cướp ngôi họ Trần, Đỗ Duy Trung lấy đó làm điếu căm tức. Thế rồi khi quân Minh xâm lược nước ta, cuộc kháng chiến chống Minh do nhà Hồ lãnh đạo nhanh chóng bị thất bại, Đỗ Duy Trung lập tức đầu hàng và cam phận làm tay sai cho quân Minh.

Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (chính biên, quyển 12, tờ 46) có đoạn chép về Đỗ Duy Trung như sau:

"Trước đây, bọn tên Huân đầu hàng nhà Minh, được (tướng giặc) là Trương Phụ xuống trát, cho Huân chức Tham nghị, Nhữ Hốt làm Tri châu Thanh Hóa, còn Duy Trung thì cho giữ chức Tri phủ Tam Giang. Đến đây (mùa xuân năm Bính Thân, 1416 - ND) bọn này mang vàng bạc cùng các thứ sản vật địa phương, đi đến tận Yên Kinh (kinh đô của nhà Minh - ND), xin vào bái yết. Vua nhà Minh khen ngợi, liền sai đổi trát của Trương Phụ cấp cho chúng trước kia bằng sắc phong chính thức của triều đình, lấy giấy vàng của bộ Lại để viết sắc phong ấy. Cả bọn đều được thăng chức. Vua Minh nhân đó dụ bảo chúng rằng:

- Trước đây, khi bình định được Giao Chỉ (chỉ nước ta - ND) chúng bay đã dốc lòng thành mà theo việc nghĩa, đến xin quy phụ với thiên triều, nay lại đến cửa khuyết để xin vào bái yết, trẫm cảm lòng thành ấy mà đặc ân ban khen cho. Chúng bay cần phải cố gắng trưng thành và mẫn cán hơn nữa, một lòng kính giữ tiết tháo của kẻ làm tôi, với dân thì phải biết vỗ về, sao cho muôn phương được an nghiệp để cùng hưởng thái bình, như thế thì đấng cao xanh sẽ phù hộ cho chúng bay được hưởng tước lộc, để lại cho con cháu mãi mãi cũng chẳng hết.

Sau, bọn tên Huân lại sai người sang Yên Kinh để tự nguyện giúp xây cung điện, vua nhà Minh thấy chúng đi xa khó nhọc, khổ sở trăm bề, nên sai cho ban thưởng rồi trả về.”

Nhận xét về hành vi của bọn Đỗ Duy Trung, các sử gia thời Nguyễn, tác giả của bộ sách nói trên, đã có lời phê rất nghiêm khắc như sau: "Mất hết lương tâm, nay, một lũ người ở Nam Kì cũng giống như thế" (tờ 45).

Sách Đại Việt thông sử (trang 226) cho biết thêm: "Khi vua Thái Tổ bình định thiên hạ, Duy Trung cùng kế mới chịu hàng, y lại cùng bọn Trần Phong, Nhữ Hốt mưu phản, liền bị giết ngay.”

Lời bàn: Chống nhà Hồ là việc riêng của Đỗ Duy Trung, nhưng phản quốc rồi làm tay sai cho giặc là tội không thể tha thứ được. Sử thần thời Nguyễn ví Đỗ Duy Trung với “một lũ người ở Nam Kì” (ý chỉ bọn Tôn Thọ Tường) thì thật là chưa thấy hết tính chất đầy nguy hiểm của những hành vi mà Đỗ Duy Trung và đồng bọn đã làm vậy.

Lê Lợi làm nên cuộc đại định, lại còn mở lượng hải hà mà bao dung, cơ may cho một cuộc đổi đời của chúng đã đến, vậy mà rồi chứng nào vẫn tật ấy, bị giết là phải lắm.

Phàm ở đời, làu thông thiên kinh vạn quyển mà quên hai chữ ái quốc thì chưa thể gọi là bậc trí giả. Quên hai chữ này thì không phải là lỗi mà thực là tội. Đã được nhắc cho nhớ mà lại không thèm nhớ thì đúng là đại tội. Lê Lợi trị bằng lưỡi gươm chưa đủ, cho nên miệng thế đời đời mới góp lời để trừng trị đó thôi. Lưu danh sử sách kiểu Đỗ Duy Trung và đồng bọn, nhục nhã lắm thay!

11 - BƯỚC ĐƯỜNG CÙNG CỦA TỔNG BINH THÀNH SƠN HẦU VƯƠNG THÔNG

Mùa đông năm Bính Ngọ (1426), quân Minh trên đất nước ta lâm vào tình thế rất khốn quẫn. Để cứu nguy, tháng 10 năm đó, vua Minh liền sai Thành sơn hầu là Vương Thông làm Tổng binh, cùng với bọn Tham tướng Mã Anh, đem năm vạn quân và năm ngàn con ngựa, tiến thẳng sang Thăng Long. Nhưng, vừa sang đến nơi, Vương Thông đã bị thất bại thảm hại trong trận Tốt Động - Chúc Động. Vương Thông bị trọng thương, sau đó, cố thủ trong thành Thăng Long và kêu cứu thảm thiết. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 10, tờ 25 a - b) chép rằng:

"Vua (chỉ Lê Lợi – ND) thân đốc suất tướng sĩ vây đánh thành Đông Quan (tức thành Thăng Long - ND) suốt cả ngày đêm. Bọn tướng nhà Minh là Vương Thông, Sơn Thọ đánh trận nào thua trận đó, lấy làm lo sợ lắm. Thấy hết cả mưu hay chước lạ, viện binh thì không đến, chúng bèn cho người mang thư tới xin hòa, mong được an toàn về nước. Vua nói:

- Lời ấy đúng với ý ta. Vả chăng, binh pháp nói là không đánh mà khuất phục được đối thủ mới là kế hay nhất.

(Nói rồi), bèn bằng lòng cho giảng hòa, lại hẹn ngày cho gọi quân sĩ ở khắp các thành tề tựu để kịp trở về một lúc. Vua sai bề tôi bàn với quân Minh, cho chúng được phép đi lại, mua bán như dân thường.

Bấy giờ, bọn ngụy quan là Đô ti Trần Phong, Tham chính Lương Nhữ Hốt, Đô chỉ huy Trần An Vinh… đã can tội bán nước làm tay sai cho giặc, sợ rằng sau khi quân Minh rút về, chúng sẽ không còn sống sót, nên cố ngấm ngầm làm kế phá hoại. Chúng nói với quân Minh rằng:

- Trước kia, Ô Mã Nhi bị thua ở sông Bạch Đằng, phải đem quân về hàng. Hưng Đạo Vương cũng cho hàng, nhưng lập mưu dùng thuyền lớn chở họ về nước, xong, lấy người giỏi bơi lặn làm phu chèo thuyền. Thuyền ra đến ngoài biển, nhân lúc mọi người ngủ say, đang đêm, bọn phu thuyền lặn xuống, đục thủng đáy thuyền, làm cho những người đầu hàng đều bị chết đuối cả, không một ai sống sót trở về.

Bọn Vương Thông tin lời ấy, bèn ngờ vực mà nảy ý khác, sai quân đắp thêm thành lũy, đào hào và thả chông để tính kế chống đỡ, ngoài mặt nói hòa hiếu nhưng bên trong thì toan đánh lại. Chúng bí mật sai người mang thư bọc sáp, theo lối tất mà về nước để xin viện binh. Vua bắt được người đưa thư, ghét chúng nuôi lòng tráo trở, liền bí mật mai phục khắp bốn phía thành Đông Quan, đón bọn giặc do thám, bắt được hơn ba ngàn tên và hơn năm ngàn con ngựa. Từ đấy, quân Minh đóng chặt cửa thành, không dám ra ngoài, sứ giả hai bên qua lại cũng dứt.”

Lời bàn: Từ khi được cử làm Tổng binh đi đàn áp lực lượng Lam Sơn. Vương Thông mắc ba lần đại nhục. Lần thứ nhất là lần bị thảm bại ở Tốt Động - Chúc Động, thân bị trọng thương, quân bị vây chặt trong thành Đông Quan, tiến không được, thoái cũng không xong, bi đát không thể tưởng tượng được. Lần thứ hai là lần này, trong thì trí quẫn lực kiệt, ngoài thì bọn ngụy quan vì quá lo cho số mạng của bản thân mà xúi đông giục tây, kế cùng đâm ra phản trắc, hao binh tổn tướng mà chẳng thu được lợi lộc gì, thê thảm lại càng thêm thê thảm. Lần thứ ba là lần phải cúi đầu kí vào văn kiện đầu hàng không điều kiện và cút khỏi nước ta. Ba lần ấy đủ để thiêu hủy toàn bộ uy danh của tướng quân thiên triều.

Vương Thông và các tướng phụ tá cùng bọn ngụy quan quá bất tài chăng? Cứ như sử Trung Quốc chép mà xét thì chính Vương Thông là tướng tài trong số những tướng tài chứ chẳng phải là thường. Có chăng thì chỉ là ở chỗ, Lê Lợi và Nguyễn Trãi cùng các tướng lĩnh Lam Sơn tài hơn. Vả chăng, đã là đội quân bất nghĩa thì làm gì có diệu kế để tự cứu mình.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3