Liêu Trai chí dị (Tập 1) - Quyển IX - Chương 153

153. Tiểu Thúy

Thái thường họ Vương người đất Việt (Chiết Giang), lúc còn là trẻ con có lần nằm ngủ ban ngày trên giường, bỗng trời tối sầm, sấm sét nổi lên ầm ầm, có con vật to hơn con mèo tới nằm nép bên cạnh, quanh quẩn không rời. Hồi lâu trời tạnh, con vật bỏ đi, nhìn lại thì không phải là mèo, mới sợ, gọi anh ở phòng bên. Anh nghe kể, mừng nói: “Em ắt sẽ quý hiển to, đó là hồ tới núp trốn sấm sét đấy.” Sau quả Vương tuổi trẻ đã thi đỗ Tiến sĩ, rồi từ chức Tri huyện về kinh làm Thị ngự. Sinh được một trai là Nguyên Phong rất ngây ngô, mười sáu tuổi vẫn chưa biết phân biệt con cái với con đực, quanh vùng vì vậy không ai chịu gả con gái cho, Vương rất lo lắng. Chợt có người đàn bà dắt một cô gái tới nhà xin gả cho Nguyên Phong. Nhìn tới cô gái, thấy nhoẻn miệng tươi cười, xinh đẹp như tiên. Vương mừng rỡ hỏi họ tên, người đàn bà tự nói họ Ngu, con gái tên Tiểu Thúy, vừa mười sáu tuổi. Bàn tới sính lễ, bà ta nói: “Trước nay nó ở với ta rau cháo không đủ no, nay một sớm được gởi thân vào chốn nhà cao cửa rộng, có kẻ hầu người hạ, thừa miếng ngon của lạ, nó được vừa ý mà ta cũng được thỏa lòng, có phải bán rau đâu mà nói giá!” Phu nhân mừng lắm, tiếp đãi rất hậu.

Người đàn bà liền bảo cô gái lạy Vương và phu nhân, dặn: “Đây là cha chồng, mẹ chồng của ngươi, phải hầu hạ cẩn thận. Ta vội lắm phải đi, vài ba hôm nữa sẽ trở lại.” Vương sai đầy tớ thắng ngựa đưa về, bà ta nói làng xóm không xa, không dám làm phiền rồi ra cửa đi. Tiểu Thúy cũng không hề buồn nhớ, lập tức trút đồ trang sức trong rương ra khoe, phu nhân cũng thấy thích. Mấy hôm sau không thấy người đàn bà tới, hỏi quê quán thì nàng cũng ngẩn ngơ không nói rõ được đường sá thế nào. Bèn sắp đặt một khu nhà riêng cho vợ chồng làm lễ thành hôn. Họ hàng nghe Vương cưới bừa con nhà bần tiện làm dâu ai cũng chê cười, nhưng lúc nhìn thấy cô gái đều kinh ngạc, từ đó mới thôi dè bỉu. Cô gái lại rất thông minh, biết dò ý tứ mừng giận của cha mẹ chồng. Vợ chồng Vương quý dâu quá thói thường, lại áy náy chỉ sợ cô gái chê con mình ngây, song nàng vẫn vui vẻ không hề bận tâm. ở nhà rất hay đùa giỡn, lấy vải khâu thành quả cầu đá chơi, mang đôi hài da nhỏ đá ra xa vài mươi bước cho công tử chạy theo nhặt, công tử và thị tỳ thường toát mồ hôi gọi nhau.

Một hôm Vương tình cờ đi qua, quả cầu bay tới trúng bốp giữa mặt, cô gái và thị tỳ đều chạy trốn còn công tử vẫn nhảy nhót đuổi theo. Vương nổi giận lấy đá ném, công tử mới lăn ra đất gào khóc. Vương kể với vợ, phu nhân qua mắng cô gái, nàng chỉ cúi đầu mỉm cười, lấy tay xoa mép giường, phu nhân về rồi lại đùa nghịch như cũ. Có lần lấy son phấn vẽ mặt công tử vằn vện như quỷ, phu nhân nhìn thấy giận lắm, gọi nàng tới nhiếc móc, nàng chỉ dựa vào bàn mân mê dải lưng, không sợ hãi cũng không nói gì. Phu nhân không biết làm sao, bèn lấy gậy đánh con trai. Nguyên Phong kêu ầm lên, cô gái mới biến sắc quỳ xuống xin tha. Phu nhân nguôi giận ngay, vứt gậy bỏ về. Cô gái cười kéo công tử vào nhà, phủi bụi trên quần áo cho, lau nước mắt, xoa những chỗ bị đánh, lấy táo và hạt dẻ cho ăn, công tử lại nín khóc vui ngay. Cô gái đóng cửa, lấy mũ áo thắng bộ cho công tử đóng vai Bá Vương[1], làm người ngoài sa mạc, còn mình thì trang điểm, bó lưng lại, đóng vai Ngu mỹ nhân, rồi lả lướt múa may dưới màn. Hoặc cắm lông đuôi chim trĩ lên tóc, gảy đàn tỳ bà, bập bùng tình tang, cười đùa ầm ĩ cả nhà, ngày nào cũng thế.

[1] Bá Vương: tức Tây Sở Bá vương Hạng Vũ thời Hán Sở tranh hùng, có người thiếp là Ngu mỹ nhân, tức Ngu Cơ.

Vương vì con mình ngây không nỡ trách dâu, dù thoảng nghe thấy cũng bỏ qua. Cùng ngõ có nhà quan Cấp gián họ Vương, cách hơn mười căn, nhưng vốn không đi lại với nhau. Gặp lúc triều đình theo lệ ba năm xét công quan lại, Cấp gián ghét ông giữ ấn đạo Hà Nam, rắp tâm hãm hại. Ông biết ý, lo lắm mà không biết làm sao. Một đêm ông đi nằm sớm, cô gái đội mũ đeo đai như Tể tướng, cắt tơ trắng làm râu rậm, lại bắt hai tỳ nữ cải trang như quan hầu, lén lấy ngựa trong tàu ra cưỡi đi, nói đùa rằng tới thăm Vương tiên sinh. Tới cổng nhà Cấp gián lại lấy roi đánh người hầu, nói: “Ta tới thăm Thị ngự họ Vương chứ có tới thăm Cấp gián họ Vương đâu, rồi dong ngựa trở về. Tới nhà, người gác cổng tưởng thật chạy vào báo, ông vùng dậy ra nghênh tiếp mới biết là con dâu đùa, giận lắm nói với phu nhân: “Người ta đang tìm chuyện bới móc mình, mà mình lại tự đem cái xấu trong phòng khuê tới tận cổng nhà người ta báo thì tai họa không xa đâu!” Phu nhân giận, qua ngay phòng cô gái mắng nhiếc, nàng chỉ ngu ngơ cười không cãi lại một câu, đánh thì không nỡ mà đuổi thì nàng không cửa không nhà, vợ chồng buồn bực cả đêm không ngủ.

Lúc ấy ông Mỗ làm Tể tướng, uy thế lừng lẫy, nghi vệ phong thái xiêm áo quan hầu không khác gì với những cái cô gái giả trang. Cấp gián họ Vương cũng lầm tưởng là thật, mấy lần sai người tới rình ở cổng nhà Vương, đến nửa đêm vẫn chưa thấy khách ra, ngờ rằng Tể tướng với Vương có mưu ngầm. Hôm sau vào chầu sớm gặp nhau bèn hỏi: “Đêm qua tướng công đến nhà ông à?” Vương ngờ là y nói mỉa, ngượng ngùng dạ dạ không trả lời. Cấp gián càng nghi hoặc, bèn bỏ ý trước, từ đó lại cố lấy lòng ông. Ông dò biết sự tình, mừng thầm nhưng ngầm dặn phu nhân khuyên cô gái đừng làm những việc như thế nữa, nàng cười vâng dạ. Qua năm sau, Tể tướng bị bãi chức, kế có thư riêng gởi ông, lại đưa lầm vào nhà Cấp gián. Cấp gián cả mừng, trước tiên nhờ người quen ông tới hỏi mượn một vạn lượng vàng, ông từ chối. Cấp gián đích thân tới, ông tìm khăn áo mãi mà không thấy. Cấp gián đợi lâu, giận ông xấc xược, tức tối toan ra về. Bỗng thấy công tử mặc áo cổn đội mũ miện bị một cô gái từ trong cửa xô ra, giật mình hoảng sợ rồi cười, vỗ về công tử, lột lấy áo cổn mũ miện mang đi.

Ông vội ra thì khách đã về rồi, nghe chuyện sợ tái mặt, khóc lớn nói: “Đây là cái họa nàng dâu đây, không mấy ngày sẽ chết cả họ thôi!” Liền cùng phu nhân vác gậy chạy qua. Cô gái đã biết trước, đóng chặt cửa mặc cho chửi mắng. Ông giận, lấy búa phá cửa, cô gái trong phòng cười nụ nói: “Cha đừng giận. Có con ở đây, bao nhiêu đao kiếm búa rìu con cũng xin chịu, quyết không để lụy cho cha mẹ. Cha muốn giết dâu để bịt miệng nhân chúng à?” Ông bèn thôi. Cấp gián về, quả dâng sớ tâu Vương mưu phản, dâng mũ miện áo cổn làm bằng chứng. Hoàng thượng giật mình, xét nghiệm lại thì ra mũ miện làm bằng lõi cây cao lương, áo cổn khâu bằng vải nát lấy ở khăn bao vàng, giận Cấp gián vu cáo, lại cho triệu Nguyên Phong đến, thấy dáng vẻ ngây ngô lộ rõ, phì cười nói: “Thế này mà cũng làm vua được à?” Bèn giao cho Pháp ty xét. Cấp gián lại kiện nhà ông có yêu quái, Pháp ty tra hỏi cả những con cái của tôi tớ trong nhà, đều nói không có ai, chỉ có nàng dâu điên và đứa con ngây, suốt ngày cười đùa. Láng giềng cũng không khai gì khác, án mới định, Cấp gián bị sung làm lính ở Vân Nam.

Vương từ đó cho cô gái là người lạ, lại vì mẹ nàng lâu không thấy tới, ngờ không phải là người trần. Bảo phu nhân hỏi dò, nàng chỉ cười không đáp, gặng mãi thì che miệng đáp: “Con là con gái Ngọc Hoàng, mẹ không biết sao?” Không bao lâu, ông được thăng làm quan khanh, đã hơn năm mươi tuổi nên thường lo không có cháu nội. Cô gái ở đó ba năm mà đêm đêm vẫn không ngủ chung với công tử như chưa từng chung chạ gì. Phu nhân sai khiêng giường đi, dặn công tử ngủ chung với vợ. Được vài hôm, công tử nói với mẹ: “Mượn giường của con sao lâu không trả? Tiểu Thúy cứ đêm đêm gác chân lên bụng, thở không được, lại quen tay, cứ cấu vào đùi người ta nữa!” Đám tớ gái đều phì cười, phu nhân quát, đánh đuổi đi. Một hôm cô gái tắm trong phòng, công tử nhìn thấy đòi tắm chung, nàng cười ngăn lại, bảo chờ một lúc. Tắm xong sai thay nước nóng, cởi hết quần áo cho, gọi thị tỳ cùng đỡ công tử vào thùng tắm. Công tử thấy ngột ngạt khó chịu kêu to đòi ra, cô gái không cho, lấy chăn trùm kín lên. Giây lát không nghe kêu nữa, mở ra xem thì đã tắt thở.

Nàng vẫn thản nhiên cười nói không sợ hãi gì, kéo công tử ra đặt lên giường, lau khô mình mẩy, đắp thêm chăn cho. Phu nhân nghe tin, khóc lóc đi vào mắng: “Con điên kia, sao lại giết con ta?” Cô gái tươi cười đáp: “Con ngây như thế thì thà không có.” Phu nhân càng giận, lao vào húc nàng, bọn tỳ nữ xô vào kéo ra khuyên can. Đang giằng co ồn ào thì một tỳ nữ nói: “Công tử rên được rồi,” phu nhân gạt lệ tới vỗ về con, thấy hơi thở nhè nhẹ mà mồ hôi như tắm, ướt cả chăn chiếu. Khoảng xong bữa cơm thì mồ hôi không chảy nữa, chợt mở mắt nhìn quanh, ngó khắp gia nhân như không biết ai cả, nói: “Bây giờ ta nhớ lại những việc trước đây thấy cứ như nằm mơ, sao thế nhỉ?” Phu nhân thấy lời nói không hề ngây ngô vô cùng lạ lùng, dắt qua chào cha. Hỏi thử mấy lần, quả không còn ngây, mừng rỡ như bắt được của báu, bèn sai khiêng trả giường về chỗ cũ, sắp sửa chăn gối để xem sao.

Công tử vào phòng, đuổi hết thị tỳ đi, sáng nhìn tới thì giường vẫn bỏ không. Từ đó không ngây không điên nữa, mà sắt cầm hòa hợp quấn quýt như hình với bóng. Được hơn năm, ông lại bị bè đảng Cấp gián hặc tội đòi cách chức, chuyện cũng hơi lôi thôi. Ông có cái bình ngọc quý của quan Trung thừa[2] Quảng Tây trước đây tặng cho, giá đáng ngàn vàng, định đem đút lót quan trên. Cô gái thích cầm lên ngắm, lỡ tay làm rơi vỡ nát, xấu hổ tới tự nhận lỗi. Vợ chồng ông đang buồn về việc bị cách chức, nghe thế tức giận, cùng nhiếc mắng thậm tệ. Nàng uất ức bỏ ra, nói với công tử: “Ta ở nhà anh, những cái giữ gìn được không phải chỉ là một cái bình, sao không giữ gìn thể diện cho nhau một chút? Nói thật với ông ta không phải là người, vì mẹ ta gặp nạn sấm sét, được đội ơn cha che chở, lại vì hai ta có năm năm duyên phận nên ta tới đây để đền ơn xưa và trọn duyên trước thôi. Ta bị mắng chửi đã nhiều, nhổ tóc mà tính cũng không đủ, sở dĩ không đi ngay là vì cái tình năm năm chưa hết, giờ đây thì còn làm sao nấn ná được nữa.” Rồi giận dữ bước ra, đuổi theo thì đã biến mất.

[2] Trung thừa: tức Tuần phủ đứng đầu một tỉnh theo quan chế thời Thanh.

Ông ngẩn người biết mình lỡ lời nhưng hối hận đã không kịp nữa. Công tử vào phòng, nhìn phấn thừa thoa cũ, khóc rống đòi chết, ăn ngủ không ngon, ngày càng tiều tụy. Ông lo lắm, vội lo cưới vợ khác cho con khuây khỏa, nhưng công tử không thích, chỉ tìm thợ giỏi vẽ tranh Tiểu Thúy, ngày đêm thắp hương rưới rượu khấn vái. Gần hai năm sau, công tử tình cờ có việc đi nơi khác trở về, trăng sáng vằng vặc, ngoài thôn có một khu vườn cảnh của nhà, vừa cưỡi ngựa đi qua bỗng nghe bên trong tường có tiếng cười liền dừng cương, sai mã phu nắm hàm thiếc rồi đứng lên yên nhìn vào, thì ra có hai nữ lang đang chơi đùa ở trong. Vì bóng trăng bị mây phủ mờ mờ, không nhìn thấy rõ, chỉ nghe một nàng áo xanh nói: “Con nhãi này đáng bị đuổi ra khỏi cổng!” Một nàng áo đỏ nói: “Ngươi đang trong vườn nhà ta, lại còn đòi đuổi ai?” Nàng áo xanh nói: “Con nhãi thật không biết thẹn, làm vợ không nên thân, bị người ta đuổi đi, còn dám nhận bừa sản nghiệp của người ta à?” Nàng áo đỏ nói: “Còn hơn con nhãi già không ai thèm ngó tới!” Công tử nghe giọng nói giống hệt Tiểu Thúy, vội gọi lớn. Nàng áo xanh bỏ đi, nói: “Ta không cãi vã với ngươi nữa, ông chồng ngươi tới rồi kìa.” Kế nàng áo đỏ đi tới, quả là Tiểu Thúy, công tử mừng lắm.

Cô gái bảo trèo lên tường để mình đỡ xuống, nói: “Hai năm không gặp mà chỉ còn có một nắm xương thôi!” Công tử cầm tay rơi nước mắt, kể nỗi nhớ nhung. Cô gái nói: “Thiếp cũng biết thế, nhưng chẳng còn mặt mũi nào quay lại nữa. Hôm nay cùng chị cả chơi đùa, tình cờ lại gặp nhau, mới biết duyên số không thể trốn được.” Công tử nài cùng về, nàng không chịu, xin cứ ở lại trong vườn thì nàng bằng lòng, bèn sai đầy tớ chạy về bẩm với phu nhân. Phu nhân giật mình đứng lên sai thắng kiệu tới ngay, mở khóa vào đình. Cô gái rảo bước ra đón, sụp xuống lạy. Phu nhân nắm cánh tay nàng sa nước mắt nhận hết lỗi trước, như không tha thứ được cho mình, nói: “Nếu con không chấp chuyện cũ thì xin cùng về cho mẹ vui tuổi già,” nàng cương quyết nói không được. Phu nhân lo đình tạ hoang vắng, định cho nhiều người ra hầu hạ. Cô gái nói: “Con không muốn gặp ai cả, duy chỉ có hai đứa thị tỳ cũ theo hầu sớm tối, không thể không thương mến. Ngoài ra chỉ xin một lão bộc gác cổng, chứ không cần gì khác!” Phu nhân đều theo lời, lại nói thác rằng công tử dưỡng bệnh trong vườn, hàng ngày sai mang thức ăn vật dùng ra mà thôi.

Cô gái thường khuyên công tử lấy vợ khác, công tử không nghe, hơn một năm sau thì nét mặt giọng nói của nàng dần dần đổi khác, lấy bức tranh ra so thấy khác hẳn như là hai người, vô cùng lạ lùng. Nàng hỏi: “Trông thiếp bây giờ có đẹp như trước không?” Công tử đáp: “Bây giờ đẹp thì vẫn đẹp, nhưng so với trước thì hình như không bằng.” Nàng nói: “Chắc thiếp già rồi.” Công tử nói: “Người hơn hai mươi tuổi, làm gì mà già mau thế?” Nàng cười đốt bức tranh, giật lại thì đã cháy hết. Một hôm nàng nói với công tử: “Lúc trước còn ở nhà, cha thiếp vẫn nói thiếp đến chết cũng không mang thai được. Nay cha mẹ đã già, chàng có một mình, thiếp thật không sinh nở được, sợ lỡ việc nối dõi của chàng. Xin cưới vợ về nhà để sớm tối hầu hạ cha mẹ, còn chàng qua lại hai nơi, cũng không có gì không tiện. Công tử cho là đúng, liền dạm hỏi con gái Thái sử họ Chung. Gần đến ngày cưới, cô gái đích thân may áo khâu giày cho cô dâu, sai đưa về chỗ phu nhân. Ngày cưới, cô dâu vào nhà thì giọng nói nét mặt, dáng điệu cử chỉ đều giống hệt Tiểu Thúy, công tử rất lấy làm lạ. Trở lại khu vườn thì không thấy nàng đâu, hỏi hai tỳ nữ, họ đưa ra một chiếc khăn hồng, nói: “Nương tử tạm về thăm nhà, để lại vật này cho công tử.” Mở khăn xem, thấy có buộc cái vòng quyết bằng ngọc, biết nàng không trở lại nữa, bèn đưa hai tỳ nữ cùng về, tuy trong phút chốc không quên được Tiểu Thúy nhưng may mà đối diện với vợ mới cũng như nhìn thấy người xưa. Mới chợt hiểu rằng cô gái đã biết trước duyên phận giữa công tử với cô gái họ Chung nên thay đổi nét mặt của nàng trước để khuây nỗi nhớ cho chàng ngày sau.

Dị Sử thị nói: Một con hồ chỉ chịu cái ơn lúc vô tâm mà còn lo báo đáp, thế mà kẻ kia được hưởng ơn tái tạo lại la thét khản tiếng vì bị vỡ cái bình, sao mà bỏn sẻn đến thế! Còn trăng khuyết lại tròn, thung dung ra đi, mới biết cái tình của người tiên cũng sâu hơn thế tục nhiều.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3