Liêu Trai chí dị (Tập 2) - Quyển X - Chương 171 - 172
171. Trường Đình
Thạch Đại Phác người Thái Sơn (huyện Thái An tỉnh Sơn Đông) thích thuật nhương quỷ trừ tà. Có vị đạo sĩ gặp mặt khen là thông minh, nhận làm đệ tử, mở tráp lấy hai quyển sách, quyển thượng dạy trừ hồ, quyển hạ dạy trừ ma, đưa quyển hạ cho Thạch, nói: “Cứ giữ kỹ sách này sẽ có cơm ngon vợ đẹp.” Thạch hỏi tên họ, đạo sĩ đáp: “Ta là Vương Xích Thành ở quán Nguyên Đế thôn Bắc Biện Thành (tỉnh thành Hà Nam),” rồi ở lại vài ngày dạy hết cho các ấn quyết. Thạch từ đó rất giỏi bùa phép, những kẻ mang lễ vật nhờ trừ tà ếm quỷ nối nhau tới mời. Một hôm có ông già tới, tự xưng là họ ông, bày đầy tiền lụa ra bàn nói có con gái bị bệnh ma làm gần chết, xin Thạch tới xem. Thạch nghe bệnh đã nguy, chối từ không nhận lễ vật, chỉ tạm tới để xem ra sao. Đi hơn mười dặm vào thôn trong núi, tới nhà thấy phòng ốc hành lang đều hoa lệ đẹp đẽ. Vào phòng thấy cô gái nằm trong màn the, tỳ nữ vén màn lên, Thạch nhìn thấy nàng khoảng mười bốn mười lăm tuổi, thoi thóp trên giường, hình dung khô héo. Tới gần xem, chợt nàng mở mắt ra nói: “Thầy giỏi đã tới!”
Cả nhà mừng rỡ cho biết rằng nàng đã không nói năng gì đã mấy ngày rồi. Thạch ra ngoài hỏi bệnh tình, ông già đáp cứ tối đến lại thấy một thiếu niên vào ngủ chung với nàng, đuổi bắt thì biến mất, lát sau lại xuất hiện, ngờ là ma. Thạch nói: “Nếu là ma thì đuổi không khó, chỉ sợ là hồ thì thật không phải chuyện ta dám biết.” Ông già nói: “Không phải đâu, không phải đâu,” Thạch bèn vẽ bùa đưa cho. Đêm ấy Thạch ngủ lại đó khuya thấy một thiếu niên áo mũ chỉnh tề đi vào. Thạch nghĩ là người trong gia đình chủ nhân, bước ra hỏi, thiếu niên đáp: “Ta là ma đây, cả nhà họ ông đều là hồ, ta thích nàng Hồng Đình nên tới đây. Ma mà ám hồ thì không hại gì tới âm đức, việc gì ông phải giúp họ chia rẽ nhân duyên của ta? Chị nàng là Trường Đình còn đẹp hơn nhiều, ta xin kính cẩn để lại nguyên vẹn cho bậc cao hiền. Nếu họ hứa gả cho ông thì ông hãy giúp họ, ông cưới xong ta sẽ không tới đây nữa,” Thạch ưng thuận.
Đêm ấy thiếu niên không vào, cô gái hơi khỏe hơn. Sáng ra ông già mừng rỡ kể với Thạch, mời Thạch vào xem bệnh. Thạch đốt lá bùa đi rồi ngồi thăm bệnh, thấy sau tấm màn thêu có một nữ lang xinh đẹp như thiên tiên, biết đó là Trường Đình. Xem bệnh xong bèn đòi nước rửa phòng, nữ lang vội xách nước vào lúc lui tới cùng dọn dẹp, Thạch ngây ngất ngẩn ngơ, chẳng còn nghĩ gì tới việc trừ tà ếm quỷ cả. Thạch ra từ biệt ông già, lấy cớ về nhà chế thuốc, mấy ngày không trở lại. Ma càng lộng hành, trừ Trường Đình ra thì cả nhà từ con dâu tới tỳ nữ đều bị hành dâm. Ông già lại sai đầy tớ mang ngựa tới đón, Thạch thác bệnh không đi. Hôm sau ông già tự tới, Thạch giả đau chân chống gậy bước ra. Ông già chào xong hỏi thăm, Thạch đáp: “Đây là cái khổ của kẻ góa vợ đây. Đêm qua đứa tớ gái dọn giường vấp ngã làm cái lò sưởi rơi vào chân ta.” Ông già hỏi sao đã lâu mà không cưới vợ khác, Thạch đáp: “Chỉ hận là không gặp được nhà nào thanh cao như nhà ông.”
Ông già im lặng bước ra, Thạch theo tiễn chân, nói: “Lúc nào đỡ bệnh sẽ tự tới, đừng nhọc công rời gót ngọc tới đây làm gì.” Vài hôm sau ông già lại tới, Thạch khập khiễng ra đón. Ông già hỏi han đôi ba câu rồi nói: “Vừa rồi ta bàn với chuyết thê, nếu ông đuổi được ma cho cả nhà yên ổn, thì có tiểu nữ Trường Đình được mười bảy tuổi, xin sai tới phụng sự bậc quân tử.” Thạch mừng rỡ lạy phục ngay xuống, rồi nói nếu ông già có nhã ý như vậy thì đâu dám có bệnh mà chần chừ. Lập tức lên đường, cùng cưỡi ngựa đi. Vào nhà xem qua hết những người bị ma làm rồi, lại sợ xong việc bị họ nuốt lời, xin bàn rõ với vợ chồng ông già. Bà già bước ra nói: “Tiên sinh còn ngờ sao?” Lập tức lấy chiếc trâm cài đầu của Trường Đình đưa Thạch làm tin. Thạch vái lạy xong liền tập hợp tất cả người nhà lại làm phép nhương trừ, riêng Trường Đình không bị gì thì vẽ một tấm bùa sai người nhà đưa tặng cho nàng đeo. Đêm ấy yên ắng, ma quỷ bặt tăm, chỉ có Hồng Đình còn rên rỉ không thôi. Thạch làm nước phép vào rảy cho nàng, bệnh tật lập tức tiêu tan gần hết. Thạch định chào về, ông già níu kéo giữ lại, đến xế chiều dọn rượu thịt lên la liệt, mời mọc rất ân cần, canh hai chủ nhân mới chào khách đi nghỉ.
Thạch vừa đi nằm thì nghe tiếng gõ cửa rất gấp, trở dậy mở cửa thì Trường Đình bước vào, dáng vẻ hớt hải, nói là nhà thiếp mài dao muốn giết chàng, nên trốn ngay đi, nói xong vội quay ra. Thạch hoảng sợ không còn hồn vía nào, vội leo qua tường bỏ chạy, thấy xa xa có ánh lửa vội chạy tới, thì ra là người làng đi săn đêm. Thạch chờ họ săn xong cùng về, trong lòng căm tức không biết trút vào đâu, định tới đất Biện tìm Xích Thành nhưng nhà có cha già mắc bệnh đã lâu, nghĩ ngợi đêm ngày chưa biết tính bề nào. Một hôm có hai chiếc kiệu tới dừng ở cửa, thì là bà vợ ông già đưa Trường Đình tới, hỏi Thạch rằng: “Đêm trước về rồi sao không tính kế?” Thạch thấy mặt Trường Đình thì nỗi căm tức đều tiêu tan nên cũng không nói ra chuyện mình tính toán. Bà già giục hai người làm lễ giao bái ngay tại sân, xong rồi Thạch định làm cơm mời, bà nói: “Ta đang bận rộn, không thể ngồi yên ăn ngon. Lão già nhà ta đầu óc tối tăm, nếu có gì không phải xin chàng vì Trường Đình mà nghĩ tới già này một chút thì may lắm,” rồi lên kiệu đi.
Té ra ông già định giết con rể thì bà già không hay, đến lúc ông ta đuổi theo Thạch không kịp trở về thì bà mới biết, rất lấy làm bất bình, ngày nào cũng cãi vã với chồng. Trường Đình cũng khóc lóc không chịu ăn uống, bà già bèn ép đưa con gái tới cho Thạch, chứ họ ông không muốn. Trường Đình vào nhà rồi, Thạch hỏi han mới rõ sự tình. Được hai ba tháng, họ ông gọi con gái về thăm nhà, nhưng Thạch cho rằng nàng sẽ không được trở lại nên không cho đi, từ đó thỉnh thoảng Trường Đình lại rơi lệ. Hơn một năm nàng sinh con trai, đặt tên là Tuệ Nhi, thuê vú nuôi cho bú nhưng đứa nhỏ hay khóc, đêm nào cũng phải trả về ngủ với mẹ. Một hôm nhà họ ông lại mang kiệu tới, nói bà già nhớ con gái lắm. Trường Đình càng buồn bã, Thạch không nỡ giữ nên để nàng đi.
Nàng định bế con theo nhưng Thạch không cho, nàng bèn về một mình. Lúc ra đi hẹn một tháng sẽ quay về, nhưng nửa năm liền vẫn không có tin tức gì, Thạch cho người đến hỏi dò tin tức thì nhà cũ bỏ không không có ai ở. Được hai năm Thạch không mong đợi nữa, nhưng đứa con nhớ mẹ đêm nào cũng khóc ngằn ngặt, lòng như dao cắt. Kế cha bệnh mất, Thạch càng thêm thương tâm nên thành bệnh nằm liệt giường, việc tang lễ gác đó không sao tiếp đón khách khứa tới viếng. Đang lúc bối rối chợt nghe tiếng đàn bà khóc lóc đi vào, nhìn ra thì là Trường Đình mặc tang phục. Thạch đau lòng quá kêu lên một tiếng rồi ngất đi, người hầu gái hoảng sợ la lớn, Trường Đình mới nín khóc vào chăm sóc. Hồi lâu Thạch mới tỉnh, nghĩ rằng mình đã chết, nói có lẽ đang gặp nhau ở suối vàng. Nàng nói: “Không phải đâu. Thiếp bất hiếu không được lòng cha, bị giữ lại ba năm, thành ra phụ lòng chàng. Gặp lúc dời nhà đi Hải Đông đi ngang đây, nghe tin cha chàng mất, thiếp tuân lệnh cha phải dứt tình nhi nữ nhưng không dám vâng lời sai mà bỏ lễ cha chồng con dâu. Thiếp về đây mẹ biết chứ cha không biết đâu.” Đang nói thì đứa nhỏ tới sà vào lòng, dứt lời nàng vỗ về con, khóc nói: “Ta có cha nên con không có mẹ,” đứa nhỏ cũng òa khóc, cả nhà đều rơi lệ. Nàng bước ra coi việc nhà, thức ăn mang lên cúng trước linh cữu đều đầy đủ sạch sẽ. Thạch được an ủi rất nhiều, nhưng mắc bệnh đã lâu, nhất thời gấp rút không sao đứng dậy, Trường Đình bèn mời người anh họ ngoại của Thạch ra tiếp khách thay. Chôn cất xong Thạch mới đứng dậy được, chống gậy lo việc cúng trăm ngày. Kế Trường Đình từ biệt về để chịu tội trái lệnh cha, nhưng chồng níu con gào đành ẩn nhẫn ở lại.
Không bao lâu có người tới nói bà già mắc bệnh, nàng nói: “Thiếp vì cha chàng mà tới, chàng lại không vì mẹ thiếp bị bệnh mà cho thiếp đi sao?” Thạch ưng thuận. Trường Đình bảo người vú bế con đi chơi rồi rơi lệ ra cửa lên đường, suốt mấy năm không trở về, cha con Thạch cũng dần dần quên đi. Một hôm sáng sớm vừa mở cửa thì Trường Đình nhẹ nhàng bước vào, Thạch hoảng sợ hỏi, nàng rầu rĩ ngồi xuống giường than: “Thiếp sinh trưởng nơi khuê các, coi một dặm đã là xa, nay chỉ một ngày một đêm mà phải đi cả ngàn dặm, mệt gần chết.” Thạch hỏi kỹ, nàng muốn đáp lại thôi, hỏi mãi mới khóc nói: “Nay nói ra cho chàng hay, chỉ sợ điều làm thiếp đau lòng lại làm chàng khoái ý thôi. Năm rồi bên nhà tới đất Tấn (tỉnh Sơn Tây), ngụ trong nhà thân hào họ Triệu. Chủ khách giao du thân mật, cha mới gả Hồng Đình cho công tử nhà ấy. Công tử vốn phóng đãng, gia đình không yên ấm, em thiếp về kể với cha, cha bèn giữ lại nửa năm không cho về. Công tử giận, chẳng biết mời được người ác ở đâu tới, sai thần tướng xiềng khóa cha già giải đi, cả nhà hoảng sợ trong chớp mắt bỏ chạy tứ tán.” Thạch nghe thấy không kìm được bật cười ha hả, Trường Đình tức giận nói: “Người ta tuy bất nhân cũng vẫn là cha thiếp, thiếp làm vợ chàng mấy năm chỉ có vui vẻ không có hờn oán, nay người mất nhà tan, trăm miệng lưu ly, dẫu chàng không thương cha cũng phải xót cho thiếp chứ. Thế mà nghe chuyện lại vui sướng múa lên, chẳng có lấy nửa lời an ủi, sao mà bất nghĩa đến thế?” Rồi phất tay áo bỏ ra, Thạch chạy theo tạ lỗi thì đã đi xa rồi, nghĩ lại thấy ân hận, trách mình nhẫn tâm.
Qua hai ba hôm thì bà già và con gái cùng tới. Thạch mừng rỡ hỏi thăm an ủi thì mẹ con cùng lạy phục xuống đất. Thạch hoảng sợ hỏi, hai người đều khóc, Trường Đình nói: “Thiếp nổi giận bỏ đi, nay lại không thể giữ ý lại định nhờ người, còn mặt mũi nào nữa?” Thạch nói: “Tuy cha bất nhân nhưng ơn của mẹ, tình của nàng thì ta không bao giờ quên. Vả lại nghe tai họa mà vui cũng là thói thường của con người, sao nàng không nhịn ta một chút?” Nàng nói: “Mới rồi gặp mẹ trên đường, mới biết người bắt cha chính là thầy của chàng.” Thạch nói: “Nếu đúng như thế thì cũng rất dễ, có điều nếu cha nàng không về thì cha con nàng chia lìa, nhưng e nếu cha nàng về thì chồng nàng khóc, con nàng khổ mà thôi.” Bà già bèn thề độc, Trường Đình cũng thề nhất định sẽ đền ơn. Thạch bèn khăn gói lên đường tới đất Biện, hỏi đường tới quán Nguyên Đế thì Xích Thành mới trở về chưa lâu, bèn vào ra mắt. Xích Thành hỏi sao lại tới đây, Thạch nhìn xuống bếp thấy một con hồ già bị trói hai chân trước treo lên, cười nói: “Đệ tử tới đây lần này chỉ vì con quỷ già kia.” Xích Thành hỏi, Thành thưa: “Đó là cha vợ của con đấy,” rồi kể lại mọi chuyện. Đạo sĩ cho rằng hồ gian trá xảo quyệt không thể khinh suất tha ra, Thạch nài nỉ mãi mới ưng thuận. Nhân lại kể rõ các thủ đoạn gian trá của hồ, hồ nghe thấy nép mình rúc vào lồng, có vẻ hổ thẹn.
Đạo sĩ cười nói: “Té ra nó cũng còn biết xấu hổ.” Thạch vào bếp xách ra, lấy dao cứa dây, hồ đau quá nghiến răng kèn kẹt. Thạch cứ ỡm ờ không chịu cắt cho đứt hẳn, cười hỏi: “Cha đau lắm thì phải, thôi không cắt nữa được không ạ?” Hồ trừng trừng nhìn Thạch, vẻ rất căm hờn, kế được thả, vẫy đuôi ra khỏi quán đi luôn. Thạch chào thầy ra về, thì ba ngày trước đã có người tới báo tin ông già được thả, bà già liền về trước để con gái ở lại chờ Thạch. Thạch về tới, nàng ra đón lạy phục xuống đất, Thạch kéo đứng lên nói: “Nếu nàng không quên tình nghĩa vợ chồng thì đừng cám ơn.” Nàng nói: “Từ nay trở đi bên nhà lại về ở chỗ cũ, làng xóm gần đây tin tức dễ dàng, thiếp muốn về thăm cha, ba ngày sẽ trở lại chàng có tin không?” Thạch đáp: “Con sinh ra không có mẹ cũng chưa hề sứt mẻ, ta hàng ngày vắng bóng vợ đã trở thành quen nếp, thế mà không làm như Triệu công tử lại lấy ơn báo oán, như thế là đã hết lòng với nàng rồi. Nếu nàng không trở lại thì đó là bởi nàng phụ nghĩa, nhưng dẫu đạo lý như vậy vẫn không cần nói rõ, có gì mà không tin.” Hôm sau Trường Đình đi, hai ngày thì trở về, Thạch hỏi sao đi mau thế, nàng đáp: “Cha vì chuyện chàng chọc ghẹo ở đất Biện, tức tối không quên, cứ lải nhải nói mãi, thiếp không muốn nghe nữa nên về sớm.” Từ đó hai mẹ con qua lại với nhau luôn, nhưng cha vợ chàng rể vẫn không hề thăm viếng gì nhau.
Dị Sử thị nói: Tính hồ phản phúc, xảo trá quá lắm, việc hối hôn hai con gái đều theo một kiểu, sự giả trá thế nào có thể biết được. Nhưng vì có chuyện cần mà gả con, thì cái ý hối hôn đã nảy sinh ngay từ lúc hứa hôn rồi. Còn chàng rể vì yêu con gái mà cứu người cha, lẽ ra nên bỏ oán thù cũ để lấy lòng nhân đức mà cảm hóa, thế mà lại chọc ghẹo lúc đang nguy cấp, thì trách gì cha vợ đến chết cũng không quên! Nhưng cha vợ chàng rể trong thiên hạ không dung được nhau, đều như thế cả thôi.
172. Tịch Phương Bình
Tịch Phương Bình là người huyện Đông An (tỉnh Hà Bắc). Cha tên Liêm, thẳng tính nhưng nóng nảy, vì vậy có hiềm khích với nhà giàu họ Dương trong làng. Họ Dương chết trước, mấy năm sau Liêm mắc bệnh nguy kịch, nói với mọi người rằng: “Lão Dương nay đang lo lót để âm ty sai người bắt ta,” giây lát toàn thân tấy đỏ lên, gào thét rồi chết. Tịch buồn thảm bỏ ăn, nói: “Cha ta thật thà chất phác, nay bị quỷ dữ lấn hiếp, ta phải xuống âm phủ rửa hờn cho cha mới được.” Từ lúc ấy không nói năng gì cả, lúc ngồi lúc đứng, dáng vẻ như kẻ ngây ngốc, thì ra hồn đã lìa khỏi xác. Ban đầu Tịch ra khỏi cửa, không biết đi đâu, nhưng thấy trên đường có người bèn hỏi thành ấp. Lát sau vào tới thành, thì cha đã bị hạ ngục. Tới cửa ngục, xa thấy cha đang nằm dưới thềm, có vẻ rất khổ sở, ngước lên thấy con, nước mắt trào ra, kế nói: “Bọn ngục lại đều ăn hối lộ, được dặn dò nên ngày đêm đánh đập tra khảo cha, đùi vế dập nát cả rồi.” Tịch tức giận mắng bọn ngục tốt: “Nếu cha ta có tội cũng đã có phép vua, bọn quỷ chết dịch chúng bay há lại được ngang ngược như thế à?” Rồi trở ra tìm bút viết đơn, gặp lúc Thành hoàng ra phiên hầu buổi sáng, bèn đệ đơn kêu oan.
Họ Dương sợ, đút lót cả trong ngoài mới ra đối chất. Thành hoàng cho rằng lời tố cáo của Tịch không có bằng cứ, không thèm xét xử. Tịch uất ức mà không có chỗ giãi bày, mò mẫm tới hơn trăm dặm thì tới quận, đem việc quan lại chức dịch riêng tư túi trình với Quận thú, dây dưa nửa tháng mới được xử. Quận thú sai đánh Tịch một trận, phê đơn cho như Thành hoàng đã xét. Tịch về huyện, nếm đủ mùi gông cùm, đau đớn oan ức không sao hả giận. Thành hoàng sợ lại thưa kiện, sai nha dịch giải về nhà, nha dịch đưa tới cổng rồi đi. Tịch không chịu vào, lại trốn xuống điện Diêm Vương, tố cáo Quận thú Huyện lệnh tham tàn. Diêm Vương lập tức cho bắt tới đối chất, hai người mật sai kẻ tâm phúc tới thương lượng, hứa biếu ngàn vàng, nhưng Tịch không chịu. Vài hôm sau, chủ nhà trọ nói với Tịch: “Ông ngang quá, quan trên đã năn nỉ mà còn cố chấp không chịu. Nay nghe đâu ai cũng đều có thư gởi gắm cho Diêm Vương, sợ việc hỏng mất.” Tịch cho là lời đồn vu vơ cũng chưa tin lắm. Lát sau có người mặc áo đen gọi vào hầu, lên tới công đường thấy Diêm Vương có vẻ tức giận, không cho nói năng gì, sai đánh ngay hai mươi gậy.
Tịch lớn tiếng hỏi: “Tiểu nhân có tội gì?” Diêm Vương im lặng như không nghe thấy. Tịch bị đánh kêu lớn: “Bị đòn là đáng lắm! Ai bảo ta không có tiền!” Diêm Vương càng giận, sai đặt lên giường lửa. Bọn quỷ tốt lôi Tịch xuống, nhìn sang thềm phía đông thấy có chiếc giường sắt đốt lửa ở dưới, mặt giường đỏ rực. Bọn quỷ cởi áo Tịch ra, đặt nằm lên giường lăn qua lật lại, vô cùng đau đớn, xương thịt cháy đen, khổ vì không chết được. Khoảng hơn một giờ, quỷ nói: “Đủ rồi!” Rồi đỡ dậy, bảo xuống giường mặc áo, may là còn gượng đi được, lại trở lại trước thềm. Diêm Vương hỏi còn dám kiện nữa không, Tịch đáp: “Oan lớn còn chưa giải thì tấc lòng vẫn chưa thôi, nếu nói không kiện nữa thì là lừa dối đại vương mất, nhất định sẽ kiện nữa!” Lại hỏi lấy lời lẽ gì mà kiện, Tịch đáp: “Những điều thân mình phải chịu đây đều là lời lẽ rồi.” Diêm Vương lại nổi giận, sai dùng cưa xẻ thân ra, hai tên quỷ tốt liền kéo Tịch đi, thấy một cây gỗ dựng đứng cao hơn tám chín thước, dưới có hai tấm ván đặt ngửa, máu me bê bết từ trên tới dưới. Đang sắp chịu trói, chợt trên thềm có tiếng kêu lớn gọi họ Tịch, hai tên quỷ tốt lập tức điệu trở lại. Diêm Vương lại hỏi còn dám kiện nữa không, Tịch đáp nhất định sẽ kiện nữa, Diêm Vương sai bắt ra cưa mau.
Tới nơi bọn quỷ tốt lấy hai tấm ván kẹp Tịch lại rồi trói vào cây gỗ, lưỡi cưa vừa kéo xuống đã thấy đỉnh đầu tách dần ra, đau không chịu nổi nhưng cũng cố nhịn không kêu lên, bọn quỷ tốt nói: “Gã trai này mạnh mẽ thật!” Lưỡi cưa ken két kéo xuống dần tới ngực, nghe một tên quỷ tốt nói: “Người này chí hiếu vô tội, kéo chệch lưỡi cưa một chút, đừng làm thương tổn quả tim của y,” liền cảm thấy lưỡi cưa vòng vèo kéo xương, còn đau gấp đôi. Giây lát nửa người tách ra, cởi dây buộc ván ra thì hai mảnh thân đều đổ xuống. Quỷ tốt lên thềm cao giọng trình báo, trên thềm sai chắp thân thể lại rồi giải lên gặp. Hai tên quỷ tốt lập tức xô hai mảnh thân dính lại, Tịch cảm thấy chỗ vết cưa đã liền còn đau rát như muốn xé ra, đi được nửa bước đã quỵ xuống. Một tên quỷ tốt rút sợi dây lưng bằng tơ ra đưa cho Tịch, nói: “Tặng cho cái này để đền đáp lòng hiếu của ngươi.” Tịch cầm lấy buộc vào lưng chợt thấy khỏe lại, hết cả đau đớn, bèn lên thềm sụp lạy. Diêm Vương lại hỏi như trước, Tịch sợ lại phải chịu cực hình tàn độc, bèn đáp không kiện nữa, Diêm Vương lập tức sai đưa về dương gian. Lính lệ đưa ra cửa bắc, chỉ đường về rồi quay đi.
Tịch nghĩ âm ty lại còn ám muội hơn trần thế, nhưng không có đường nào để kêu với Thượng đế thì biết làm sao. Thế gian vẫn truyền thần Nhị Lang ở Quán Khẩu là họ hàng bên ngoại của Thượng đế, thông minh chính trực, tới kêu với ông ắt linh ứng phi thường. Thầm mừng vì hai tên lính lệ đã đi, bèn xoay người đi về phía nam. Đang lúc rong ruổi chợt có hai người đuổi tới, nói: “Đại vương ngờ rằng ngươi không chịu về, quả đúng.” Rồi bắt đưa về gặp Diêm Vương, Tịch nghĩ thắc Diêm Vương sẽ tức giận hơn, tai họa lại càng thảm khốc, nhưng Diêm Vương không hề có sắc giận, nói với Tịch rằng: “Ngươi quả thành thực hiếu thảo, nhưng nỗi oan của cha ngươi ta đã rửa sạch cho rồi, nay đã đầu thai vào nhà giàu sang, chẳng cần ngươi phải kêu nài nữa. Nay đưa ngươi về, cho ngươi sản nghiệp ngàn vàng, lại cho thêm tuổi thọ, ngươi thỏa nguyện chưa?” Rồi ghi vào sổ, đóng ấn lớn vào, cho nhìn tận mắt.
Tịch tạ ơn lui xuống, quỷ tốt cũng cùng ra, tới đường xua đi, mắng: “Thằng giặc gian hoạt cứ tráo trở khiến người ta phải chạy ngược chạy xuôi muốn chết! Nếu còn giở trò sẽ bắt bỏ vào cối lớn nghiền cho nát vụn ra.” Tịch trừng mắt quát: “Thằng quỷ định làm gì? Tính ta chịu được dao cưa nhưng không chịu được roi vọt đâu. Cứ quay lại gặp đại vương, nếu ông cho ta tự về thì cần gì ai vất vả đưa tiễn?” Rồi quay ngoắt trở lại. Hai tên quỷ tốt sợ ngọt ngào khuyên về, Tịch cố ý đi chậm rãi, cứ được vài bước lại ngồi xuống nghỉ cạnh đường, chúng nuốt giận không dám nói gì nữa. Khoảng nửa ngày thì tới một thôn, có ngôi nhà cánh cổng khép hờ, quỷ tốt kéo vào ngồi nghỉ, Tịch nhân ngồi tựa trên bậc cửa. Hai tên quỷ tốt nhân lúc không đề phòng, xô Tịch vào trong cửa, định thần nhìn lại thấy mình đã là đứa trẻ sơ sinh, phẫn uất kêu khóc không chịu bú, ba ngày thì chết, hồn ở nơi xa xôi vẫn chăm chăm tìm về Quán Khẩu.
Đi được vài ngàn dặm chợt gặp một chiếc xe cắm lọng lông chim đi tới, cờ quạt kiếm kích chắn ngang bèn băng qua đường để tránh, đụng vào hàng lỗ bộ nên bị đội kỵ mã dẹp đường bắt trói, giải tới trước xe. Ngẩng nhìn thấy trong xe có một thiếu niên tướng mạo khôi vĩ, hỏi Tịch là ai. Tịch đang lúc lòng đầy oán hờn không nơi phát tiết, lại nghĩ đây ắt là quan lớn, hoặc giả có thể ra oai làm phúc, bèn kể hết nỗi oan khổ. Người trong xe truyền lệnh cởi trói cho, bảo đi theo xe. Giây lát tới một nơi, có hơn mười viên quan ra đón bên đường. Người ngồi trong xe chào hỏi tất cả rồi chỉ Tịch nói với một viên: “Đây là người dưới âm ty, đang muốn tới tố cáo, nên xét rõ trắng đen ngay.” Tịch hỏi đám tùy tùng mới biết người ngồi trong xe là Cửu Vương Điện hạ, con thứ chín của Thượng đế, còn người đước dặn dò chính là thần Nhị Lang. Tịch nhìn Nhị Lang thấy mình cao râu rậm, không như thế gian vẫn đồn. Cửu Vương đi rồi, Tịch theo Nhị Lang tới một công thự, thấy cha và họ Dương cùng đám nha lại đều đã có mặt. Phút chốc trong xe lại có tù nhân bước ra, thì là Diêm Vương, quận thú và Thành hoàng. Lập tức lên thềm tra hỏi đối chất, thì lời Tịch khai không có chỗ nào gian dối. Ba viên quan run rẩy như chuột bò mọp dưới đất. Nhị Lang cầm bút phê bản án, giây lát sai đưa xuống cho những kẻ can án cùng xem. Lời phê như sau:
“Kẻ làm vua cõi U minh kia: tước tới bậc vương, chịu ơn Thượng đế. Lẽ ra phải giữ mình trong sạch mà thống lĩnh quần thần, chứ không nên nảy ý gian tham để chuốc lời chê trách. Nhưng lại cờ giong lọng mở, khoe mẽ chức quyền, dê độc lang tham, làm nhơ danh tiết. Búa rìu vạc đẽo, thịt da mấy kẻ được còn, kình ngạc nuốt ăn, sâu kiến muôn dân đáng xót. Phải múc nước Tây Giang, cho nước rửa ruột[1] đốt giường Đông Bích, mời bác vào vò[2].
[1] Múc nước Tây Giang, cho ngươi rửa ruột: Ngũ đại sử chép Vương Nhân Dụ nhà Chu mơ thấy có người tự mổ bụng lấy nước Tây Giang gột rửa. Đây ý nói trị tội cho bỏ thói xấu cũ.
[2] Đốt giường Đông Bích, mời bác vào vò: Tư trị thông giám chép Kim ngô đại tướng quân Khưu Thần Tích có tội bị giết. Có người tố cáo Hữu Thừa tướng Chu Hưng cũng thông mưu với Thần Tích, Thái hậu sai Lai Tuấn Thần hỏi cung. Tuấn Thần và Hưng vừa hỏi cung xong, cùng ăn cơm, Tuấn Thần hỏi: “Tù nhân nhiều kẻ không nhận tội, nên làm thế nào?” Hưng nói: “Lấy vò lớn đặt than chung quanh đốt lên, cho tù nhân vào thì chuyện gì mà không nhận.” Tuấn Thần bèn sai đốt vò như Hưng nói, rồi nói với Hưng: “Có người tố cáo ông, mời ông vào vò.” Hưng khiếp sợ nhận tội. Đây ý nói dùng cách của kẻ làm quan ác để trị tội họ.
Thành hoàng, Quận thú là cha mẹ con dân, bề tôi Thượng đế. Tuy rằng chức quan không lớn, nhưng kẻ hết lòng không ngại cong lưng, có khi thượng cấp bất công, thì người có chí cũng cần cứng cổ. Thế mà trên dưới phóng tay tàn ác, mặc cho dân chúng khốn cùng, lại cứ ngang tàng thỏa ý gian tham, chẳng kể quỷ ma ốm đói. Vì của đút mà trái phép, thật dạ thú mà mặt người. Phải rửa tủy nhổ lông, theo phép âm ty chịu tội, kế lột da đổi lốt, bắt lên dương thế đầu thai.
Bọn sai nha thì đã ở âm tào, khác xa nhân thế. Lẽ ra phải cửa công rèn tính hạnh, chờ lúc hoàn sinh, sao dám làm bể khổ nổi ba đào, gây thêm tội nghiệt? Ngông nghênh giày xéo, mặt chó ra vẻ lầm lỳ, nhảy nhót thét gào, oai cọp chặn đường hống hách. Lộng quyền ra oai dữ, để U minh biết lính ngục là to, theo đóm để ăn tàn, giúp quan ác giết dân đen cho sướng. Phải đem ra pháp trường, chân tay chặt hết, bỏ vào vạc nóng, gân cốt luộc nhừ.
Họ Dương kia giàu có bất nhân, tinh ma lắm chước. Ánh vàng chói đất, khiến điện Diêm La tăm tối mây mù, hơi đồng ngút trời, làm thành Uổng tử mịt mờ nhật nguyệt. Hơi tanh thừa còn sai được quỷ, sức bạc mạnh thông cả tới thần. Nên tịch thu gia sản họ Dương, để ban thướng hiếu tâm chàng Tịch.”
Lập tức sai áp giải cả bọn ra núi Đông Nhạc hành quyết. Lại nói: “Tịch Liêm, nghĩ tới con ngươi hiếu nghĩa, tính ngươi hiền lành, cho tăng tuổi thọ thêm ba kỷ nữa,” rồi sai hai người đưa về làng. Tịch bèn sao lại bản án, dọc đường hai cha con cùng đọc. Về tới nhà Tịch tỉnh lại trước, bảo người nhà mở quan tài xem thì thấy xác cha còn cứng đờ lạnh ngắt, chờ trọn ngày mới ấm dần lên rồi sống lại, tìm tới tờ sao bản án thì không thấy đâu nữa. Từ đó ngày càng giàu có, trong khoảng ba năm ruộng tốt khắp nơi, mà con cháu họ Dương thì trở nên nghèo khổ, bao nhiêu nhà cửa ruộng vườn đều thành của họ Tịch. Trong làng có người mua ruộng nhà ấy, đêm ngủ mơ thấy thần quát: “Đó là của họ Tịch, ngươi làm sao có được?” Trước chưa tin lắm, đến khi trồng trọt thì cả năm không thu hoạch được một đấu thóc, vì thế phải bán lại cho Tịch. Cha Tịch sống đến hơn chín mươi tuổi mới mất.
Dị Sử thị nói: Người ta đều nói tới sự giải thoát sau khi chết, mà không biết qua kiếp khác rồi thì ý niệm kiếp trước đều quên, vả lại đã không biết mình từ đâu tới thì làm sao biết mình sẽ về đâu, huống chi là kẻ chết rồi lại chết, sinh rồi lại sinh ư? Dốc lòng trung hiếu, gian khó không sờn, kỳ lạ thay Tịch sinh, sao mà hùng tráng như vậy!