Các Học Thuyết Tâm Lý Nhân Cách - Chương 16 - Phần 2

5. Nhu cầu tinh thần và bệnh lý tinh thần

Một cách nhìn khác của Maslow về những vấn đề của người đạt cảnh giới giác ngộ thỏa mãn nhu cầu hiện hữu (B–needs) tuy không bao giờ bão hòa, song họ cần phải có những điều kiện môi trường với các đặc tính sau đây để duy trì trạng thái cân bằng nhằm đạt được hạnh phúc:

– Sự thật – thay vì giả dối.

– Tính thiện – thay vì độc ác.

– Cái đẹp thay vì xấu xa và dung tục.

– Hợp nhất, tổng thể, vượt qua định kiến – thay vì chia rẽ và áp lực.

– Sống động – thay vì chết thóc, tù túng, hoặc quá máy móc.

– Đặc biệt, độc đáo – thay vì rập khuôn và bắt chước.

– Hoàn hảo, cầu toàn, và cần thiết – thay vì chậm chạp, lộn xộn, hay phạm lỗi.

– Hoàn thành công việc – thay vì bỏ dở, đánh rắn giữa khúc.

– Công bằng và trật tự – thay vì bất công và vô luật lệ, vô tổ chức.

– Đơn giản xuề xòa – thay vì cầu kỳ hình thức, hoặc phô trương câu nệ.

– Sự phong phú, đầy đủ – thay vì sự thiếu hụt, đói khổ đến từ môi trường.

– Tự nhiên và nhẹ nhàng - thay vì phải cố gắng, đánh vật hoặc cố sức.

– Vui vẻ sảng khoái – thay vì hằn học, nghiêm túc thái quá, mê mải công việc.

– Tự lực tự cường – thay vì lệ thuộc, nhờ vả.

– Có ý nghĩa – thay vì vô nghĩa và trống trải.

Thoạt mới nhìn, ta nghĩ rằng mọi người cần đến những nhu cầu này. Nhưng khi xét kỹ lại, ta thấy có sự khác biệt. Ví dụ khi có nạn đói, nạn dịch, nạn cướp, thiên tai, chiến tranh, những người khác sẽ nghĩ về các nhu cầu sinh lý, an toàn, tình thương.. Nhưng những người giác ngộ vẫn nghĩ đến những giá trị tinh thần đến từ những tai ương này. Maslow tin rằng sở dĩ chúng ta có những vấn nạn xã hội xảy ra vì chúng ta có quá ít những con người có giá trị tinh thần giác ngộ – không phải vì chúng ta có nhiều người xấu – song một thực tế là chúng ta có quá nhiều những con người còn có những nhu cầu vật chất để quan tâm đến.

Khi những người đạt cảnh giới giác ngộ không thỏa mãn được những nhu cầu tinh thần này, họ vấp phải những trạng thái bệnh lý tinh thần. Tóm lại, khi bị ép sống trong những hoàn cảnh không có những giá trị nhân văn, họ sẽ gặp phải những căn bệnh như: trầm uất, vô vọng, ghê tởm, cô đơn co cụm, và có thể chuyển sang một não thức hằn học nhất định nào đó.

Maslow hy vọng rằng với những cố gắng trong việc mô tả về những con người đạt giới cảnh giác ngộ, ông sẽ có thể tạo ra một bảng hệ thống tuần hoàn về những nhóm đức tính, các vấn đề và cả những trạng thái bệnh lý. Ông mong rằng từ bảng tóm tắt này chúng ta có thể đưa vào những biện pháp xử lý những bậc nhu cầu và xây dựng những tiềm năng cao hơn của con người. Theo thời gian, những cố gắng của ông càng được khuyến khích, không chỉ với học thuyết của ông, mà cả với tâm lý học nhân văn và những phong trào về tiềm năng của con người.

Vào gần lúc cuối đời, ông chính thức đưa ra một khái niệm mà ông gọi là động lực thứ tư trong ngành Tâm lý học. Nếu Freudian được coi là động lực thứ nhất: Tâm lý độ sâu, Thuyết hành vi là động lực thứ hai, các nhà Học thuyết hiện sinh ở Châu Âu là động lực thứ ba, thì Tâm lý siêu nhiên được Maslow giới thiệu là động lực thứ tư. Tất nhiên ý tưởng trong học thuyết siêu nhiên đã có từ lâu trong triết lý phương Đông, tìm thấy qua những hiện tượng thiền để hướng đến cấp cao hơn của cõi ý thức, hoặc kể cả những hiện tượng bán tâm lý.

6. Thảo luận

Maslow là một nhân vật có ảnh hưởng tinh thần rất lớn đến các học thuyết nhân cách khác. Những năm 60, người ta bắt đầu mệt mỏi với các Học thuyết phân tích, vốn là những thông điệp của các nhà Hành vi học và các nhà tâm lý Sinh lý học. Thế giới bắt đầu tìm một kênh khám phá mới để tiếp cận với mục đích của đời sống và cao hơn nữa là ý nghĩa bí hiểm của những hiện tượng trong cuộc sống. Maslow là một trong những người tiên phong trong trào lưu ấy, nhằm đem con người trở lại với tâm lý và đem con người trở lại với nhân cách.

Cùng thời gian này, một trào lưu mới đang bắt đầu manh nha trong việc đưa kỹ thuật máy điện toán và cả học thuyết Phân tích biện chứng của Piaget, nhắm đến phát triển nhận thức. Hay là thuyết ngôn ngữ của Noam Chomsky, vốn là những đại diện cho học thuyết nhận thức. Vì thế những ngày tháng tốt đẹp của học thuyết nhân văn đã trở nên một thứ thuốc phiện tinh thần, giống như thuật chiêm tinh hay tự thỏa mãn. Nói khác đi chủ nghĩa nhận thức đã cung cấp được nền tảng khoa học mà các sinh viên học môn Tâm lý học vẫn mong đợi từ lâu.

Những thông điệp nhân văn của Maslow đã không bị lãng quên. Tâm lý học là một ngành học về con người, con người là một bộ phận rất đa dạng và phức tạp chứ không phải là những mô hình máy vi tính. Những phân tích dựa trên kỹ thuật thống kê, dựa vào thí nghiệm trên chuột, dựa vào thang điểm đạt được từ những trắc nghiệm và những kết quả trong phòng thí nghiệm không thể nào đầy đủ để đánh giá và phân tích một con người.

7. Những chất vấn

Vài ý kiến chất vấn đặt thẳng với học thuyết của Maslow là cách nghiên cứu của ông: Chỉ chọn lựa một danh sách nhỏ những cá nhân mà ông cho là đã đạt đến cảnh giới giác ngộ. Họ cho rằng ông chỉ đọc các tác phẩm và nói chuyện với họ rồi rút ra khái niệm giác ngộ, đây không phải là phương pháp khoa học đối với nhiều người.

Để bảo vệ, ông trả lời rằng ông hiểu được điều này và cho rằng công trình nghiên cứu của mình chỉ mang tính chất khởi hướng. Ông tin rằng có người sẽ tiếp tục con đường do ông đã khởi xướng bằng những phương pháp khoa học nghiêm túc hơn. Một điều thú vị là Maslow, cha đẻ của học thuyết Nhân văn của Hoa Kỳ đã bắt đầu sự nghiệp nghiên cứu tâm lý của mình trên cơ sở hành vi và sinh lý. Ông tin vào khoa học và nhiều lần mượn các khái niệm sinh học để giải thích một phần học thuyết của mình. Ông là người có công mở rộng tâm lý, trong đó bao gồm cả những đức tính tốt nhất của nhân loại, kể cả những hiện tượng bệnh lý.

Một chất vấn khác nhắm đến khái niệm giác ngộ khi Kurt Goldstein và Carl Roger chủ trương rằng các sinh vật luôn cố gắng phát triển, trở thành sung mãn hơn, để đạt được điểm cuối cùng của mình trên bình diện mục đích sinh học. Maslow thì cho rằng chỉ có khoảng 2% trong tổng số nhân loại đạt được cảnh giới giác ngộ. Trong khi đó Rogers cho rằng trẻ em là những ví dụ tốt nhất phù hợp với định nghĩa của khái niệm giác ngộ nhận ra chính mình. Còn Maslow nhìn thấy giác ngộ là sản phẩm chỉ đạt được rất hiếm nơi các trẻ em và những người còn trẻ.

Theo nhiều người, khi Maslow cho rằng các nhu cầu sinh lý và nhu cầu an toàn phải được bảo đảm trước khi nhu cầu tinh thần cao hơn xuất hiện. Theo những người chất vấn Maslow, nhiều người có biểu hiện những đức tính tinh thần (đạt tiêu chuẩn cảnh giới giác ngộ) trong khi đó các nhu cầu thấp hơn vẫn chưa được bảo đảm. Nhiều nhà nghệ thuật, nhà văn, trải qua những thiếu thốn, vật lộn với kế sinh nhai, trải qua những nghịch cảnh từ khi còn thời thơ ấu có bệnh thần kinh, trầm uất. Nhiều người còn có thể được coi là bệnh tâm thần. Chẳng hạn như Galieo, người đã cầu xin tư tưởng của mình thuyết phục được người khác. Rembrandts không thể giữ được chén cơm trên bàn. Toulouse Lautrec bị cơ thể hành hạ liên tục, Van Gogh vừa nghèo vừa có vấn đề tâm thần, rồi Hàn Mặc Tử của chúng ta luôn sống trong đau đớn. Phải chăng tất cả những người này đã thể hiện một chân dung ở những cấp độ đạt đến cảnh giới giác ngộ trong khi các nhu cầu sinh lý và an toàn chưa hề đạt được. Và các nhà thơ, nhà triết học, cả những nhà văn, nhà tâm lý có những khung tư duy khác lạ rất thường thấy, có lẽ họ đã chất chứa trong lòng mình quá nhiều những giá trị nhân văn mà Maslow coi là những sự thật hiển nhiên.

Ngoài ra chúng ta còn có những ví dụ thấy ở nhiều người có những tư tường cao lớn trong những bối cảnh tù túng chật hẹp. Tại sao trong những cảnh ngộ như trại giam mà họ vẫn sáng tạo. Ví dụ như Trachtenberg đã khám phá ra cách tiếp cận mới với môn toán số học. Hoặc Viktor Frankl đã phát hiện ra những cách tiếp cận liệu pháp trong thời gian nằm ở trại tập trung. Đây là một hiện tượng được chứng minh qua câu tục ngữ Việt Nam được cải biên: cái khó ló cái khôn.

Các trường hợp ngoại lệ là những điều vẫn thường thấy. Hệ thống nhu cầu của Maslow được áp dụng cho đông đảo quần chúng xem ra giải thích được nhiều vấn đề của nhu cầu của con người. Nếu không có những nhu cầu căn bản, xã hội chúng ta sẽ mất đi sự ổn định, nếu ai cũng không cần đến nhu cầu cái ăn, cái mặc để trở thành một nhà thơ độc đáo như Trần Tế Xương hay là một nhà văn viết giỏi như Nam Cao chẳng hạn.

Có lẽ một biến thể nhu cầu hiện hữu (B–needs) của học thuyết của Maslow được nhìn thấy nơi khái niệm lực đẩy cuộc sống mà Goldstein và Rogers đã sử dụng. Chúng ta cũng nhận ra những đại lượng khác đã can thiệp vào tiến trình vươn lên của con người và kìm hãm lực đẩy cuộc sống lại. Chẳng hạn khi đói nghèo, bệnh tật, tù tội bị đe dọa, sống trong cô đơn, thiếu tự tin, cảm thấy mình vô dụng và chúng ta vẫn sống được. Tuy nhiên đời sống của chúng ta sẽ không được sung mãn như bình thường. Maslow tin rằng nhiều người không nhận ra hết những khả năng tiềm tàng của mình. Nhưng các học giả khác khuyến cáo chúng ta nên coi giới cảnh giác ngộ như một trạng thái, chứ không phải là một nhu cầu.

Học thuyết của Maslow đã đi chung với nhiều học thuyết khác, một điều nổi bật là ông đã nhìn vào những người ngoại lệ (exceptional people) nổi cộm lên bên trên bề mặt đa dạng của thế giới con người. Maslow giúp chúng tạ nhận ra những cá tính nhân cách qua hai thái cực: những người trưởng thành thay vì coi họ là những con người lập dị, biến thái.

8. Một cách nhìn mới mẻ

Một học giả Ái Nhĩ Lan tên Gareth Costello đã có những nhận xét góp ý trong học thuyết của Maslow. Theo học giả này những nhà nghệ thuật có những cách diễn đạt bản thân nhiều hơn là những người đạt cảnh giới giác ngộ. Ông tin rằng diễn đạt bản thân ở trạng thái cao nhất sẽ trở thành một hình thái của trạng thái giác ngộ. Và ở một góc độ nào đó, trạng thái giác ngộ sẽ trở thành một tác nhân kìm hãm làm giảm đi khả năng sáng tạo của một nghệ sĩ đại tài.

Giác ngộ, theo Costello cho rằng có tính hướng ngoại và mở rộng, trái ngược hẳn với tự nhìn lại mình vốn là một tính năng hướng nội, một khả năng cần thiết cho quá trình tự diễn đạt. Sáng tạo bao giờ cũng mang dấu ấn rất riêng của một cá nhân. Các nhà khoa học nhìn vào thế giới bên ngoài để quan sát và khám phá thế giới xung quanh của mình, trong khi đó các nhà nghệ thuật thường nhìn vào thế giới nội tâm của mình để tìm ra những cảm xúc độc đáo nhất của riêng mình. Tính năng phản ánh hiện thực chung trong tác phẩm của họ chỉ quan trọng hàng thứ yếu. Phải chăng Maslow nhắc đến cảnh giới giác ngộ như một bức tranh rộng lớn, trong đó trường hợp của Albert Einstein là người muốn khám phá vũ trụ. Hoặc nơi những nhà lãnh tụ, những nhà triết học thường có những quan tâm đến đời sống của quần chúng.

Costello tin rằng trong bức tranh nhỏ bé về những nhu cầu của xã hội rất phổ biến và sự tồn tại của chúng là hiển nhiên. Tuy nhiên, nếu đạt được giới cảnh giác ngộ có thể được coi là đồng nghĩa với đại lượng tâm lý để cân bằng nhu cầu sức khỏe tâm thần. Điều đó không nhất thiết sẽ dẫn đến những địa hạt chuyên môn hay những phạm trù sáng tạo vĩ đại. Và như thế đạt cảnh giới giác ngộ không phải là phạm trù trạng thái chỉ cho người có tư tưởng lớn mà cả những con người bình thường, bị đày đọa, bị ngược đãi, những con người bất hạnh trong cuộc sống vẫn có thể đạt đến.

Costello nói: “Nếu chọn lựa được thông thái, được giác ngộ hay con cái của mình, tôi sẽ chọn được sống với con cái của mình.”

Rõ ràng ý kiến của Costello đã khiến mỗi chúng ta phải suy nghĩ.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3