Mật mã tâm linh - Chương 1 - Phần 4

Thông điệp từ thời trang búp bê

Con người hiện nay tại sao càng ngày càng chú ý đến vẻ bề ngoài thế. Có phải là con người càng ngày càng hư vinh rồi không. Ban đầu tôi thường nghĩ như thế nhưng sau này nghĩ kỹ lại thì không phải thế. Mà đó là do tiết tấu cuộc sống của chúng ta thay đổi nhanh quá.

Trong quá khứ cả đời bạn chỉ quen biết có hai trăm người. Hai trăm người này chủ yếu là sống cùng thôn hoặc ở lân cận với bạn. Bạn là người thế nào không quyết định được bạn sẽ mặc quần áo như thế nào, mà chúng quyết định lịch sử của bạn và các hành vi, hành động của bạn. Mọi người dân ở quê ai cũng biết điều đó. Còn bây giờ. Sự tiếp xúc của mỗi người đều tăng lên, bèo nước gặp nhau, trong một quãng thời gian ngắn bạn phải có phán đoán cơ bản về một người nào đó, từ đó bạn sẽ có đối sách tương ứng. Đúng là một thời đại bận rộn. Con người chỉ có cách không ngừng chuẩn bị những sách lược làm quen mới mà thôi.

Diện tích của quần áo rất lớn. Khi tôi còn nhỏ, ba năm liền gặp tai họa do thiên nhiên gây ra dẫn đến vật chất ngày càng đắt đỏ. Một hôm thầy giáo nói do phiếu vải hiếm hoi nên không đủ quần áo cho trẻ con mặc, thế nên Đảng và chính phủ quyết định phát cho mỗi học sinh một tấm phiếu đặc biệt, để mỗi học sinh có thể mua vải để may một bộ quần áo mới. Nhận được tấm phiếu đó tôi sung sướng cầm về nhà.

Chủ nhật mẹ tôi cầm phiếu ra chợ mua vải, còn tôi thì sung sướng ngồi đợi ở nhà, trong lòng khấp khởi nghĩ tới chuyện có áo mới để mặc.

Không ngờ mẹ tôi tay không về nhà, mẹ thở dài nói, một tấm phiếu chỉ mua được có tám thước vải, còn tấm phiếu mua vải của học sinh này vải rất bé, 8 thước vải không đủ may cho con một bộ quần áo.

Mẹ tôi nói với người bán hàng là tôi có dáng người cao, sợ rằng số vải này không đủ, người bán hàng không nói tin cũng không nói không tin, thế nhưng không đồng ý bán nhiều vải hơn.

Mẹ tôi nói, muốn tôi đi cùng với mẹ ra phố để người ta thấy mình cao thật, có như thế mới mua thêm được một thước vải và mới đủ may quần áo.

Tôi theo mẹ đi chợ, người bán hàng nhìn tôi một hồi rồi nói con chị đúng là cao thật, được, tôi sẽ bán thêm cho một thước vải.

Chuyện này để lại cho tôi ấn tượng sâu sắc, cũng là một sự trải nghiệm nho nhỏ. Một thời gian dài tôi luôn khom lưng xuống, tôi luôn cảm thấy mình cao là một cái tội, lãng phí của quốc gia một thước vải.

Tôi vẫn còn là một đứa bé, may một bộ quần áo mất chín thước vải, một bộ quần áo của người lớn còn tốn nhiều hơn thế. Bao nhiêu vải may thành quần áo như thế chắc chắn nó cũng truyền đạt được nhiều thông tin quan trọng của bạn. Cho dù có nhiều bộ quần áo dùng rất ít vải, ví dụ như bộ bikini ba mảnh, thế nhưng tin tức nó truyền đi cũng không hề ít.

Quần áo ngoài diện tích, kích thước ra còn có màu sắc. Màu sắc vốn là một hệ thống tín hiệu mạnh mẽ. Về điểm này đã có rất nhiều điều chứng minh rồi. Ngoài ra còn có kiểu dáng, nhãn mác, đều là những điểm thu hút ánh mắt và sự lựa chọn của người mua.

Có thể có người nói tôi sẽ đương nhiên chọn một bộ quần áo phù hợp với thẩm mỹ và tâm lý của mình, thế nhưng tôi không có nhiều tiền đến thế cho nên chỉ còn cách mua loại rẻ hơn, nếu như thế thì bạn làm sao nhìn được tôi là người thế nào thông qua quần áo chứ?

Nói vậy cũng đúng thế nhưng khó mà kết luận được. Cho dù mặc quần áo có giá trị nào đi nữa thì đều có phong cách của nó. Nhãn mác - ngoài các chuyên gia ra thì bình thường cũng chẳng phải ai cũng nhận ra được.

Trong ấn tượng đầu tiên của con người thì ấn tượng nhận được không phải là giá tiền của quần áo mà là bộ quần áo đó có phù hợp với bạn không. Bộ quần áo mà chính tay bạn lựa chọn chính là bạn đang xây dựng một sân khấu, bạn còn chưa hề chính thức lên sân khấu nhưng bộ quần áo ấy đã truyền đạt hết những thông tin về bạn ra thế giới bên ngoài rồi.

Ví dụ hai năm gần đây rất phổ biến kiểu váy áo búp bê giống bà bầu, khiến cho các cô gái khi mặc đều đáng yêu, dễ thương, không màng thế sự. Loại quần áo này ở hàng đổ đống với hàng cao cấp tôi đều đã nhìn thấy. Nếu bạn lựa chọn loại quần áo này thì thông điệp cơ bản mà nó truyền ra ngoài đó là: tôi không phải là một cô gái lạc hậu, tôi biết thế nào là trào lưu của năm nay. Tôi ngây thơ, trong sáng, không có ý định làm bị thương bạn, bởi vì tôi không hiểu biết nhiều về thế giới. Tôi đồng ý tụ họp, tôi không muốn lập dị, tôi là một người theo số đông, tôi phục tùng tiêu chuẩn bình thường của xã hội…

Nếu bạn yêu cầu một thứ kinh nghiệm tương đối phong phú, một công việc có thể độc lập, mặc bộ này đi phỏng vấn xin việc, thì kết quả tôi e là không hay đâu.

Thể hiện lễ độ với một điểm đen

Chắc luôn có người nói đến chuyện chết chóc trong cuộc đời của mình. Đây không phải là một chủ đề thoải mái gì, cũng may con người vốn không thoải mái cho nên thêm một chút nữa cũng không sao.

Thường xuyên viết văn có liên quan đến chuyện sống chết nên bạn bè hay gọi tôi là “cái mỏ quạ”. Cô ấy nói, cậu nói chuyện vui vẻ một chút không được sao? Nếu như thế thì sẽ có nhiều người đọc sách của cậu hơn đấy.

Tôi muốn nhiều người đọc sách của tôi hơn nữa thế nhưng nếu muốn tôi không nói đến chuyện chết chóc thì tôi không làm được. Tôi lại không nghĩ rằng chết chóc là một dụng cụ hoặc mượn nó để lấy lòng mọi người, thực ra đó là một việc lớn.

Chết chóc không phải lúc nào cũng tùy miệng mà nói ra được bởi vì nó rất thần thánh và nghiêm trang. Chúng ta không thể coi thường việc cuối cùng của đời người được.

Chúng ta không thể viên mãn cả đời để rồi khi kết thúc lại bị tan vỡ. Bởi vì tôn trọng cả quá trình của đời người cho nên tôi muốn nhân lúc bản thân mình còn thông minh, sáng suốt để cùng với các bạn có ý muốn tìm hiểu chuyện này, để cùng nói chuyện.

Tôi đã từng đến nhà tế bần, đến giường mà bao nhiêu người chết đã nằm, và nằm lại đó một lúc. Sở dĩ tôi nói là nằm một lúc mà không nói thời gian cụ thể là bởi vì quãng thời gian đó không tính toán được. Tôi nhìn thấy có một điểm tròn lộ hẳn ra ngoài ở trên tường, đúng ở trên vai phải của tôi, tôi khẽ nhấc vai lên là có thể chạm vào nó. Dưới ánh đèn vàng mờ mờ, tôi dùng ngón trỏ chỉ vào bụng rồi từ từ cúi chào nó.

Đúng lúc đó thì ánh sáng phát ra, có thể bật đèn hoặc không cần bật đèn, mỗi một phút ánh sáng cứ nhạt dần đi trong bóng tối, nhưng vẫn có thể nhìn thấy mọi thứ ở trong phòng. Tôi không bật đèn, tôi cảm thấy nằm dưới ánh sáng tự nhiên, nằm trên chỗ của những người già, có thể cảm nhận được tình cảm của họ trước giây phút cuối cùng.

Tôi cứ nghĩ rằng cái điểm đen ấy giống như một cái vỏ của con côn trùng cánh cứng, hơi có độ cong, thế nhưng tôi đã sai. Có thể nó vốn hơi nhô ra ngoài một chút, bây giờ sờ vào nó trên bức tường lạnh toát này nó có cảm giác trơn tuột, thậm chí có một chút dầu. Điều này làm cho nó càng bóng và sáng hơn dưới ánh sáng tối nhạt, thậm chí nó còn chuyển động.

Trong khoảnh khắc đó tôi giật nẩy mình. Tôi cảm thấy cái điểm đen này như có sinh mệnh, nó đang nói chuyện với tôi.

Nó đang nói gì? Điểm đen này thực ra chỉ là một phần nhô lên trên tường, nó chỉ là một điểm đen rất bình thản và trơn bóng, có điều gì cần tôi chuyển lời tới nhân gian chứ?

Tôi nhìn nó trân trân, rồi dần dần dùng các ngón tay kẹp lấy nó, tôi hơi mạnh tay, hình như tôi muốn ấn nó vào trong tường vậy.

Nói thật, điều kiện của nhà tế bần rất bình thường, tuy có thể đáp ứng được nhu cầu trị liệu và chăm sóc bình thường, nhưng trang thiết bị trong phòng bệnh không phải loại cao cấp. Trên tường cũng không dùng loại sơn cao cấp, chỉ dùng loại keo sữa đơn giản nhất. Mặt tường cũng không bằng phẳng, có chỗ lồi chỗ lõm. Trước mặt tôi là cái điểm đen này, đó chỉ là chỗ khi quét sơn quét không đều nên chừa ra thôi. Nhiều chỗ khác còn nhô cao hơn nó. Tôi nhổm người dậy và sờ mấy cái điểm đen tròn như thế, mấy điểm đó giống như điểm đen bên cạnh tôi. Khi tôi chạm vào mấy điểm đen ấy một cảm giác giống như một nguồn nước đang dâng lên, và chảy vào toàn thân tôi. Lúc đó tôi không hiểu được cảm giác đó là gì, trong bóng tối mấy điểm đen đó giống như ánh mắt của con chim ưng lớn vậy.

Tôi cố gắng hít thở đều, để cho máu lên não. Cuối cùng, tôi đã hiểu. Mấy điểm đen không phải giống nhau. Thậm chí có thể nói chúng có nguyên tắc không giống nhau. Mấy điểm đen ở chỗ cao đều lồi ra ngoài. Nhưng điểm trước mặt tôi không thế, nó phẳng. Nếu nói chính xác hơn một chút nó hơi lõm vào.

Tại sao lại như thế? Đáp án chỉ có một.

Ngón tay tôi nhét vừa nó, ban đầu khi nó được hình thành nó cũng nhô ra ngoài, giống như những anh em khác của nó. Tuy nhiên, nó lại là chỗ mà tay người sắp chết có thể chạm vào được. Như thế, những người sắp chết trong giây phút cuối cùng đã chạm vào cái điểm đen đó không biết bao nhiêu lần. Ngày này qua ngày khác cái điểm đen này đã trở thành bạn của họ, cho đến khi họ không thể dùng ngón tay của mình để truyền đạt mọi thứ nữa, cho đến khi ngón tay của họ mãi mãi thõng xuống… Sau đó lại có người bệnh mới đến, nằm trên chiếc giường này (cái giường này rất chật) và lại bắt đầu trò chơi cuối cùng này…

Thời gian cọ xát vào độ cong của cái điểm đen này, làm cho nó bằng phẳng như những chỗ xung quanh. Ngày này qua ngày khác, điểm đen này cũng lõm dần, có thể nó sẽ trở thành cái lỗ nhỏ…

Đột nhiên tôi bày tỏ sự kính trọng với cái điểm đen này. Nó đã mang lại cho không biết bao nhiêu người sắp chết cảm giác vui vẻ và cảm giác trò chơi, chúng ta có thể không biết thế nhưng tôi tin đã có hàng trăm cảm giác đã có, và đã tồn tại ở đó.

Con người khi đến bước đường cùng có thể hoàn thành được những động tác đơn giản ở xung quanh mình. Thế nên tôi nghĩ, nếu bạn có điều gì muốn nói thì nhất định phải nói ra sớm nếu không không có ai nghe được. Nếu bạn có việc gì muốn làm thì nhân lúc còn khỏe đi làm, không nên đợi đến lúc sức cùng lực kiệt mới làm.

Hôm đó, nghĩ đến đây tôi vội vàng bật dậy và đi ra ngoài. Tôi quyết định trong thời gian tôi còn sống khi tôi còn minh mẫn tôi phải bắt đầu tìm hiểu về chết chóc, nếu không đến khi tôi gần tắc thở có bao nhiêu điều muốn làm, muốn nói lại phải giao phó cho cái lỗ nhỏ trên tường.

Đó không chỉ là tổn thất của tôi mà còn ảnh hưởng đến cả quá trình của cuộc sống.

Bởi vì sợ nên càng phải đối diện

Chết chóc không phải là một chủ đề dễ nói chuyện tuy nhiên không thể không nói đến. Mấy năm gần đây tôi cứ tìm hiểu mãi về vấn đề này. Sự thu hoạch mà tôi chờ đợi đó là hy vọng có một ngày khi tôi một mình đối diện với cái chết, tôi có thể cảm thấy bình tĩnh hoặc là có chuẩn bị tâm lý sẵn sàng. Tôi không có nhiều hiểu biết lắm về vấn đề này thế nhưng nếu tôi không tiến hành quan tâm nhiều hơn đến nó nữa thì sự việc sẽ còn nghiêm trọng hơn. Có thể tôi sẽ bị chứng trầm uất, hoặc cũng có thể vì nguyên nhân gì đó mà cảm thất chán nản dẫn đến tự sát.

Có một độc giả nữ nói với tôi, cô ấy chia tiểu thuyết của tôi làm hai loại: Một loại vô cùng ấm áp, duy mỹ và yên tĩnh. Còn một loại khác là liên quan đến những vấn đề thảm thương, chết chóc, ung thư, cai nghiện. Khi tôi xuất bản một tác phẩm mới cô ấy sẽ để chồng cô ấy đọc trước. Chồng cô ấy xem xong rồi sẽ nói cảm nghĩ cho cô ấy nghe, nếu là tiểu thuyết thuộc thuộc loại thứ nhất thì cô ấy sẽ đọc. Còn nếu là loại sau thì cô ấy không đọc.

Cô ấy hỏi tôi, khi cô viết tiểu thuyết thuộc loại thứ hai, cô có cảm thấy sợ hãi không?

Tôi nói, tôi biết người bình thường không muốn đọc tiểu thuyết có không khí như thế, bởi vì nó chạm tới đáy tâm linh của nhân loại, thế nhưng nó cũng là một phần của nhân gian, bạn không thể chạy trốn được. Nếu chúng ta luôn trốn chạy nó vậy thì một ngày nó đến chúng ta sẽ cảm thấy lạ lẫm, cô độc, không ai giúp đỡ. Tôi muốn chuẩn bị tâm lý trước cho chuyện này, làm chuyện gì cũng nên chuẩn bị trước mà, nếu không thì sẽ gặp thất bại. Tôi không thể chỉ viết những điều đẹp đẽ ra đây, những điều đó trên thế giới viết quá nhiều rồi, thêm một cái nữa hoặc thiếu đi một cái nữa cũng không sao. Tôi dựa trên cương vị bác sĩ, tôi chú trọng đến cả quá trình của cuộc đời, biết nó gian khổ và hạnh phúc như thế nào. Tôi muốn điều này được nhân rộng với nhiều người hơn nữa, để mọi người khi gặp trắc trở trong cuộc sống thì có chuẩn bị trước. Cho dù có lúc nó làm cho con người ta không vui vẻ.

Suy nghĩ về chết chóc, có thể làm cho con người vui vẻ. Đó là một loại phản ứng miễn dịch của cơ thể.

Mọi người đều đã từng đi tiêm phòng rồi chứ, đó là đưa một số virus gây bệnh đã làm giảm độc tính vào trong cơ thể người khỏe mạnh. Sau đó bạn sẽ cảm thấy bị sốt nhẹ, sẽ có một loạt cảm giác không thích ứng, có điều cảm giác này sẽ không làm cho bạn bị mắc bệnh thật sự, mà đó chỉ như một cuộc diễn tập nhỏ, để cơ thể bạn sản sinh ra chất kháng thể. Khi bệnh tật thật sự đến bạn sẽ có sự chuẩn bị đầy đủ để chiến đấu với nó. Thời gian đầu tiên tiêu diệt được nó lúc ấy cơ thể bạn mới có được cảm giác an toàn thật sự. Quá trình suy nghĩ về cái chết cũng tương tự như thế. Bạn sẽ cảm thấy sợ hãi, cảm thấy buồn bã, bạn muốn chạy trốn, bạn sẽ muốn đợi khi nào sự việc nó xảy ra rồi mới nói, bây giờ nói chuyện ấy làm gì chứ.

Nên đi tiêm phòng, nếu không thì khi mầm bệnh đã thâm nhập vào cơ thể thì lúc đó không kịp nữa. Vì thế nên sớm suy nghĩ đến cái chết, nó có liên quan đến tất cả mọi người. Khi chúng ta hiểu được sự ngắn ngủi của cuộc đời thì chúng ta mới có thể có được trí tuệ chân chính. Nhiệm vụ quan trọng của cuộc đời con người chính là để bản thân mình bình an, hạnh phúc.

Có một nhà tâm lý học người Mỹ sau khi đọc xong cuốnCứu bầu vúcủa tôi đã nói, cô đã không còn quá nhạy cảm với chuyện chết chóc nữa, bây giờ cô có thể nói chuyện đó một cách bình thản, quá trình thoát khỏi sự nhạy cảm này thực ra rất dài, rất vất vả.

Một người bạn trẻ tuổi nói với tôi rằng, tôi biết chết chóc rất quan trọng thế nhưng tôi không dám suy nghĩ về nó. Chết chóc thực sự là một việc rất phức tạp, khiến người ta lạ lẫm, mà tất cả những gì lạ lẫm đều khiến người ta cảm thấy sợ hãi. Không nên vì sợ hãi mà không dám suy nghĩ đến chuyện quan trọng thực sự. Cho dù tràn đầy nỗi sợ hãi chúng ta cũng phải đưa ra quyết định.

Thực ra, tôi không ngừng viết mọi chuyện liên quan đến cái chết bởi vì bản thân tôi sợ hãi cái chết. Bởi vì sợ hãi cho nên càng phải đối diện trực tiếp với nó. Chỉ có khi bạn biết chân tướng của sự việc, bạn hiểu biết nhiều về nó thì bạn mới có thể chuyển sợ hãi thành sự điềm tĩnh. Cuộc đời chỉ có một điểm cuối, ở đó có sẵn một cái bia mộ, trước khi đến chỗ cái bia đó bạn nên trân trọng hơn mỗi một giây phút đáng quý trong tay mình.

Trong quãng thời gian hữu hạn của cuộc đời, trong cuộc sống thường ngày với bao chuyện nhỏ nhặt, lặt vặt, dùng hết sức của mình để cố gắng, lớn là đối với hạnh phúc an khang của cả nhân loại, nhỏ là đối với hạnh phúc của gia đình, đều phải có trách nhiệm, phải cố gắng hết sức và chịu trách nhiệm hết mình. Điều này thông thường là yêu cầu đối với đàn ông, con trai, thế nhưng tôi nghĩ một người phụ nữ khi yêu cầu mọi thứ bình đẳng thì cũng nên yêu cầu bản thân mình chịu trách nhiệm một cách bình đẳng.