Mật mã tâm linh - Chương 2 - Phần 3

Nguyên nhân căn bản nhất làm cho phụ nữ xấu

Đối với nữ giới, điều đáng sợ nhất chính là oán hận và hối hận. Oán hận khiến chúng ta dùng năng lượng ác độc nhằm vào người khác. Hối hận thì là xoay ngược lại mũi súng, mang thứ tình cảm, trách nhiệm nhằm vào chính mình. Bạn có thể tức giận, sau đó áp dụng hành động, bạn có thể hối hận, sau đó thay đổi bản thân. Thế nhưng mong bạn hãy từ bỏ oán hận và hối hận, điều đó ngoài việc làm cho phụ nữ xấu xí ra còn mang đến rất nhiều bệnh khác.

Tôi có một cô bạn gái rất xinh đẹp, nhiều năm không gặp, đến lúc gặp lại nhau khiến tôi giật mình. Ngay lúc đó không biết nói gì chỉ biết lắp ba lắp bắp. Cô ấy ngược lại rất bình tĩnh, nói bản thân mình già rồi, có đúng không? Tôi ậm ừ nói tôi cũng già rồi. Chúng ta đều già rồi, thời gian không tha một ai mà. Cô ấy cười đau đớn rồi nói, bản thân mình không chỉ già mà còn xấu nữa, đúng không?

Điều này trước mặt một người phụ nữ bạn không thể nào che giấu được. Tôi nói, hình như không phải cô ấy xấu đi. Mà chỉ là cô ấy không giống cô ấy của ngày xưa nữa. Dường như giống như biến thành một người khác, cả diện mạo gương mặt cũng không giống nữa.

Cô ấy nói: “Cậu không biết hôn nhân của tôi rất bất hạnh sao?”

Tôi nói: “Biết một chút”.

Cô ấy nói: “Để tôi nói cho cậu một việc, một người phụ nữ bất hạnh giống như tượng vậy. Chúng ta vẫn thường nói mỗi một người phụ nữ đều giống như một pho tượng đau khổ. Thực ra, cậu đến chỗ cô gái kia xem đi, không phải có nhiều cô gái có tướng mạo như thế đâu. Phụ nữ khi còn trẻ về cơ bản đều lãng mạn, ngây thơ như thế. Thế nhưng nếu cậu nhìn những người phụ nữ trung niên thì cậu có thể nhìn thấy ngay hạnh phúc và bất hạnh rất rõ ràng”.

Tôi nói: “Cuộc sống có thể tạo ra gương mặt của con người, điều này tôi biết. Thế nhưng, dường như không tuyệt đối như cậu nói đâu”.

Cô ấy kiên quyết nói: “Là như thế đấy, nếu không tin thì sau này cậu cứ quan sát nhiều đi. Đến chỗ những người già ấy, cậu sẽ thấy sự khác biệt rất lớn. Về cơ bản chia làm hai loại: Một loại là hiền từ, một loại là hung ác, tôi thuộc loại hung ác đấy”.

Tôi không biết phải tiếp tục chuyện này như thế nào cho nên tôi nói: “Có điều, trong những bức ảnh chúng ta đều thấy người già rất hiền từ”.

Cô ấy nói: “Đúng thế. Những người không hiền từ vốn không sống quá lâu được. Giống như tôi, sớm sớm cũng cáo từ trần gian thôi”.

Nói đến đây tôi không còn cách nào trốn tránh chủ đề này nữa, tôi nói: “Vậy chúng ta nên xem xét thế nào sự thay đổi tướng mạo của mình đây?”

Cô ấy nói: “Sở dĩ tôi nói điều khẳng định này với cậu bởi vì tôi đã rút ra được kết luận từ bản thân tôi. Bởi vì hôn nhân của tôi không hạnh phúc, tôi lại không có cách nào ly hôn vì thế tôi luôn sống trong cuộc sống đầy oán giận và hối hận. Soi gương, mỗi ngày tôi lại thấy bản thân mình già đi và trở nên hốc hác hơn. Đương nhiên không phải xảy ra một ngày được, người khác không thể nhìn thấy thế nhưng bản thân tôi thì có thể thấy được, tôi dùng kinh nghiệm có được từ bản thân mình để nhìn người khác, chắc chắn phải đúng 100%...”

Tôi nhìn cô ấy mà không nói được điều gì. Trước một trí tuệ lạnh lùng, không cảm xúc thế này bạn chỉ có thể im lặng.

Mỗi lần tôi nhớ lại cô ấy trong lòng đều cảm thấy trái tim như có nghìn mũi gai đâm vào, đau buốt. Trí tuệ mà cô ấy có giống như một sợi dây thừng màu đỏ giữa dòng sông băng, tươi tắn khi đông cứng lại ở đó, thế nhưng lại chẳng giữ buộc được bất cứ thứ gì cả.

Tôi đồng ý nói lời trái tim của cô ấy ở đây. Phụ nữ có phải vì tâm lý không khỏe mạnh mà trở nên xấu xí hay không tôi không dám đảm bảo. Bởi vì tâm lý không khỏe mà dẫn đến bệnh tật trong người thì điều đó loại hoàn toàn chính xác.

Để không bị bệnh, để không xấu xí, con người chỉ có cách là để trái tim mình tràn đầy yêu thương mà thôi.

Phát ra âm thanh luôn luôn có tác dụng

Nếu như bạn là nữ giới thì mong đừng giận dữ. Thế giới này vốn không bình đẳng mà. Trước bạn rất lâu đã như thế rồi. Sau bạn rất lâu nó vẫn như thế. Vì thế nó chờ đợi bạn đến và chiến đấu. Bạn đến và chiến đấu có thể cũng chẳng thay đổi được gì, có thể bạn sẽ làm cho nó đẹp hơn một chút, thế nhưng ít nhất thế giới này vì có bạn nên có hy vọng.

Có một năm tôi đến một ngôi trường cấp hai để phát biểu. Vùng nông thôn ở phía Bắc Trung Quốc, một sân trường ở ngoài trời, xung quanh là mấy nghìn học sinh. Các em mặc đồng phục áo xanh của trường, gương mặt các em như đóa hoa hồng nở. Mùa đông trời rất lạnh. Trước đó tôi đã từng hỏi hiệu trưởng là không thể tìm được một nơi ấm áp hơn một chút sao? Hiệu trường khó khăn nói, trường học ở nông thôn đều như thế này, ngay cả đại hội của trường đều diễn ra ngay trên sân trường. Thực ra tôi nói thế không vì muốn nói cho mình mà vì sợ mấy nghìn học sinh không chịu được. Hiệu trưởng nói, cô cứ yên tâm đi, không sao đâu. Trẻ em nông thôn đều có khả năng chịu lạnh.

Tôi chưa bao giờ diễn thuyết nhiều ở một nơi lạnh như thế này. Tuy nhiên, trước đây khi ở Tây Tạng tôi đã phải chịu cái lạnh âm hơn bốn mươi độ, thế nhưng lúc đó quân nhân như con rối cứ vội vàng lên đường, ngậm miệng không nói câu nào, nếu nói chuyện thì sẽ nhanh chóng khiến cho nhiệt lượng xung quanh tan biến. Lần này do hít phải gió lạnh, thở khí nóng ra, ở cái lạnh của tháng mười hai, đối mặt với ánh mắt háo hức của hàng nghìn học sinh để nói về lý tưởng và cuộc sống, trong miệng tôi thở ra hàng hơi khói trắng, giống như ống khói của xe lửa cũ.

Phát biểu xong, tôi nói, nếu có câu hỏi gì thì có thể viết ra giấy. Đây là thói quen thuyết trình, nếu như tôi có vấn đề gì nói không thỏa đáng thì mọi người cứ nói ra. Tụi trẻ liền lấy giấy bút ra viết những điều thắc mắc trong lòng. Các thầy cô rất tận tâm đi từng hàng một để thu giấy.

Tôi mở một tờ giấy ra, trong đó viết: Tôi rất tức giận, thế giới này không bình đẳng. Ví dụ như tại sao cháu lại là một đứa con gái? Tại sao cha cháu lại là nông dân, còn cha của bạn cùng bàn với cháu lại là huyện trưởng? Tại sao chúng cháu đi học lại phải đi xa thế, còn bạn cùng bàn của cháu lại được ngồi ô tô? Tại sao cháu chỉ có một cái bút mà bạn ấy lại có một hộp bút…

Tôi nhìn một hàng câu hỏi ấy trong lòng có thể tưởng tượng ra một bé gái tràn đầy oán giận, nếu như cô bé ấy nói liền một mạch thì có lẽ không khí sẽ như bị đốt cháy thành những đốm lửa màu xanh trắng mất.

Tôi đọc to tờ giấy của cô bé ấy lên, lúc ấy cả sân trường đều rất yên tĩnh, tôi có thể nghe thấy tiếng một chú chim hót vang trên cành cao ở phía chân trời. Tôi đứng từ trên bục nhìn xuống, từng đôi mắt sáng, tròn, từng đóa hoa hồng trên gương mặt. Còn có em đang ngó đông ngó tây, dường như đang muốn tìm chủ nhân của mảnh giấy.

Nghe nói trẻ con khi ở trong bụng mẹ có thể cảm nhận được tình cảm của người mẹ. Rất nhiều bé gái trong bụng mẹ đã có thể cảm nhận được thế giới không công bằng, bởi vì bé ấy không phải là một bé trai, không đúng như nguyện vọng của mọi người.

Còn có cách nào khác không? Không có. ít nhất trong giai đoạn này không có cách nào thay đổi giới tính của bạn. Bạn chỉ có cách chấp nhận mà thôi. Tôi nói chấp nhận là muốn nói có một số thứ cùng bạn sinh ra không thể thay đổi được. Ví dụ như giới tính của bạn, tướng mạo của bạn, cha mẹ của bạn, nơi bạn sinh ra… Nói chung những thứ này đã được chuẩn bị sẵn trước khi bạn sinh ra rồi, không phải bạn có thể thay đổi được. Bạn chỉ có cách chấp nhận nó mà thôi.

Đừng bao giờ tin những lời nói như “thế giới bình đẳng”. Trong thời hiện nay điều ấy vẫn chỉ là một ước nguyện mà thôi. Có điều bạn không cần phải đau lòng, buồn bã đâu. Thực ra thế giới đã dần dần bước trên con thuyền bình đẳng rồi. Ví dụ một trăm năm trước, bạn có thể đến trường để học không? Rất có thể bạn đang cặm cụi học nữ công gia chánh. Con trai của huyện trưởng lúc đó đã là công tử của huyện thái gia, làm sao mà bạn có thể ngồi học cùng bàn với cậu ấy được chứ? Trên con đường tranh giành bình đẳng chúng ta đã xuất phát rồi.

Không có ai có thể đảm bảo và hứa hẹn bạn sinh ra sẽ được hưởng ánh mặt trời hòa bình chói lọi. Bạn xem giới động vật đi, bạn sẽ thấy bình đẳng hiếm thấy thế nào. Bình đẳng là sản vật trí tuệ của con người, là sách lược duy trì an ninh của đại đa số con người. Bạn hiểu được điều này sẽ giảm đi được rất nhiều phẫn nộ, và cảm thấy muốn cảm ơn thế nào. Bạn đã hưởng thụ được nhiều thành quả phấn đấu của nhiều người, sự báo đáp của bạn chính là tiếp tục cố gắng, chứ không phải than phiền.

Là nữ giới bạn không nên im lặng trước sự không bình đẳng ấy, bạn có thể lên tiếng. Nói với không nói ra trong khoảnh khắc có thể kết quả giống nhau, thế nhưng nếu như cảm nhận và ảnh hưởng lâu dài là không giống nhau. Hơn nữa chỉ cần bạn nói ra không ngừng thì mọi chuyện có thể có sự thay đổi. Nên nhớ, nói ra mọi chuyện luôn luôn có tác dụng, bởi vì có thể tiếng nói ấy được nghe thấy và có thể được thay đổi.

Nói thật, để một cô bé bị coi thường nói ra chuyện không bình đẳng này hầu như không thể. Thế nhưng suy đi nghĩ lại tôi quyết định duy trì kỳ vọng này. Bởi vì con gái ngày nay cũng có thể trở thành người mẹ trong ngày mai. Nếu như họ cứ giữ những điều cũ kỹ như thế thì không thể cất cao tiếng nói không bình đẳng được. Nếu như con cái của họ có thể chạm vào ký ức của họ thì sự việc rất có thể được thay đổi. Đương nhiên, nếu con gái lớn, đến nơi công cộng thì càng phải nhớ điều này và thực hiện nó. Nhớ, hét lên luôn cần thiết, cho dù cả đời này không ai nghe thấy thì lời hồi âm cũng mãi kéo dài.

Món quà tốt đẹp làm phiền thế giới

Nếu như bạn bị bệnh thì hãy đi đến bệnh viện ngay thời gian đầu. Không nên cứ nghĩ rằng đó là sự rèn luyện của bản thân. Thế nhưng bạn có thể suy nghĩ xem tại sao mình lại bị bệnh? Tất cả mọi bệnh tật đều có nguyên nhân của nó cả, đáp án chỉ có mình bạn biết. Biết đáp án rồi bạn có thể không nói cho ai bởi vì đó là bí mật của bạn. Nếu như bạn không ngừng nói bệnh tật của mình cho người khác, vậy đó không phải là động vật luôn tự coi bị bệnh là đẹp sao.

Tôi rất thích một cuốn sách, tên làSự hồi phục của sinh mệnh. Đây là cuốn sách do nữ bác sĩ tâm lý người Mỹ tên là Louise Sea viết, nghe nói cuốn sách bán ra với hơn hai mươi triệu bản. Đây là số lượng tiêu thụ của năm 2003, đến bây giờ chắc còn cao hơn nữa. Tôi thích cuốn sách này đến mức độ nào? Tôi sẽ kể cho mọi người một câu chuyện cười có thật.

Có một tờ báo, trên đó có một chuyên mục không định kỳ, tên là “Danh gia tiến thư”, chính là mời một số người nói xem gần đây thích đọc sách gì, sau đó cùng chia sẻ với độc giả. Thực ra đây chính là viết một bài phát biểu cảm nghĩ nói xem quyển sách này hay ở chỗ nào, tại sao lại muốn chia sẻ với mọi người. Có một chút giống như bạn ăn cơm ở một quán ăn hoặc một khách sạn, ăn được một món ăn ngon sau đó nói cho bạn bè, người thân biết và nói mọi người đến đó thử. Tôi rất hay chú ý đến một số chuyên mục loại như thế này, bởi vì bây giờ sách phê bình nhiều quá, đều là những bài văn dài dòng nói quyển sách này hay chỗ này, chỗ kia hay, có điều tôi nghi ngờ tác giả ăn tiền của nhà xuất bản nên nói tốt cho họ, không biết đâu mà tin được. Nếu là những bài văn chương còn chán hơn cả đậu phụ khô, đến lượt tôi phải biên tập, giới thiệu cuốn sách, tôi cảm thấy rất vinh hạnh, tôi vội vàng viết về cuốn sách mà tôi cảm thấy hay, biên tập của báo và tôi cùng thích chuyên mục ấy. Biên tập nói, nếu như tôi quá bận, không có thời gian để viết bài này thì tôi có thể nói cách nghĩ của tôi cho biên tập rồi cô ấy viết giúp tôi. Lúc đó tôi thực sự rất bận cho nên tôi nói hết cảm nghĩ của mình về cuốn sách trên điện thoại cho cô ấy, sau đó biên tập sẽ chỉnh sửa lại và đăng báo. Bởi vì tôi không có tờ báo ấy cho nên biên tập gửi nó cho tôi, tôi lại không nhận được cho nên ấn tượng về nó cũng nhạt nhòa. Hơn một năm sau biên tập lại hẹn bài ở mục ấy với tôi, tôi nghĩ nếu lại nhờ người ta viết thì không đành, cho nên lần này tự tay tôi sẽ viết và gửi mail cho cô ấy. Mấy hôm sau biên tập mail lại cho tôi, nói, xem ra cô Mẫn rất bận, năm ngoái cô đã giới thiệu cuốn sách đó rồi.

Tôi thực sự cảm thấy ngại ngùng, cảm thấy mình như không tôn trọng cô biên tập này thế nhưng trong lòng thực sự cảm thấy thích cuốn sách này. Tôi sẽ giới thiệu bài phát biểu ấy ở đây trước sau đó chúng ta sẽ nói chuyện về quan hệ giữa bệnh tật và cơ thể.

Louise Sea là chuyên gia trị liệu tâm lý nổi tiếng nhất nước Mỹ, cô ấy đã tìm ra mô hình tâm lý ẩn tàng đằng sau bệnh tật, cô ấy cho rằng mỗi người đều có khả năng để áp dụng phương thức tư duy tích cực, thực hiện chỉnh thể sức khỏe tâm lý, cơ thể.

Có thể, có người cho rằng Louise Sea là một người vô cùng khỏe mạnh, nếu không thì làm sao cô ấy có tư cách để viết cuốn sách dạy mọi người như thế này? Nên biết rằng cuốn sách này xuất bản từ sau năm 1984, cho đến năm 2002, bản tiếng Anh đã tái bản 71 lần, lượng tiêu thụ đạt hai mươi triệu bản.

Thực ra cô ấy là một người phụ nữ bất hạnh, hồng nhan bạc mệnh, dãi gió dầm sương. Thời thơ ấu của cô ấy cũng phải trôi dạt sương gió, gia cảnh khốn khổ, bố mẹ ly thân từ khi cô còn học mẫu giáo, lên năm tuổi thì gặp phải cường bạo, thời niên thiếu thì liên tục phải chịu sự ngược đãi, sau đó cô ấy chạy trốn đến New York, trải qua nhiều khó khăn cô mới trở thành một người mẫu thời trang, và lấy chồng. Mười bốn năm sau, cô bị chồng bỏ rơi, sau đó cô lại bị chẩn đoán ung thư…

Thế nhưng Louise Sea không bị số phận giày xéo tan nát thành bụi mà cô dùng những mảnh vỡ tàn khốc ấy để xây lên con đường tư duy của mình, và giới thiệu quan niệm “chỉnh thể sức khỏe”. ở trong cuốn sách của cô luôn tuôn chảy dòng trí tuệ ấm áp, truyền thụ những phương pháp thực hiện có hiệu quả. Đặc biệt nên nhắc đến một điều đó là trong cuốn sách có một danh sách câu hỏi, liệt kê những loại bệnh hiện nay bạn có và những bệnh sẽ có thể có sau này. Và đặc biệt hơn là nói đến những nguyên nhân nội tại của bệnh.

Tâm lý không phù hợp có thể dẫn đến những bệnh về mặt tâm lý. Ví dụ như công việc có áp lực quá lớn khiến bạn cảm thấy vô cùng mệt mỏi. Giám đốc yêu cầu bạn tăng ca, bạn không thể không tăng, những lúc thế này bạn rất dễ bị cảm. Bạn có thể danh chính ngôn thuận nằm trên giường để nghỉ ngơi, dưỡng bệnh. Bệnh cảm trở thành người bạn tốt của bạn, được vinh hạnh đứng tên trong hàng ngũ các bệnh tâm lý, cơ thể. Louise Sea đều xếp hàng cho các loại bệnh, chia thành bảng rõ ràng để chúng ta dễ tra cứu, điều này thật thông minh. Tôi không dám chắc cách viết theo quy luật khởi - thừa - chuyển - hợp là hoàn toàn chính xác, thế nhưng ít nhất phần lớn đều vô cùng hữu ích và thực dụng.

Ví dụ “đau đớn”, có thể là do khát vọng đạt được tình yêu, khát vọng được sở hữu thế nhưng lại không thực hiện được. Ví dụ dẫn tới “thiếu máu” nguyên nhân tâm lý có thể là do thái độ tiêu cực, thiếu vui vẻ, và sợ hãi cuộc sống. Ví dụ nữa là “áp xe” là do bạn không muốn bỏ đi một ý niệm nào đó dẫn đến cảm thấy phẫn nộ. Còn nữa là “phần lưng không hợp” là vì cảm thấy cuộc sống này khó mà cố gắng được…

Bảng biểu này chiếm 44 trang mỗi một lần đọc đến đây tôi đều tràn đầy sự hiếu kỳ và kính phục. Trong cơ thể chúng ta cất giữ tâm lý của chúng ta, bọn chúng giao lưu, hòa hợp với nhau, chúng điểu khiển cuộc sống của chúng ta trong bóng tối, còn chúng ta thường không biết điều gì cả. Sách của Louise Sea không chắc chắn là hoàn toàn chuẩn xác với cả thế giới nhưng ít nhất nó cung cấp cho chúng ta biết nhiều tin tức, để chúng ta không còn mù quáng với bệnh tật, tâm lý của chính mình nữa, để chúng ta tiếp tục xây dựng sức khỏe.