Đầu Giáo Sư Dowel - Chương 02 - Phần 2
Tôi biết rằng chiến thắng có thể ở về phía nó. Và thực tế là tôi đã để lại di chúc rằng tôi sẽ hiến thân thể tôi cho các cuộc giải phẫu, mặc dù tôi không thể ngờ chính cái đầu của tôi sẽ được hồi sinh. Và trong lúc xảy ra cơn suyễn cuối cùng ấy, Kerner ở bên cạnh tôi và cứu chữa cho tôi. Ông ta tiêm adrenalin cho tôi, có lẽ ông ta dùng quá liều, mà cũng có lẽ bệnh suyễn đã làm xong nhiệm vụ của nó.
- Rồi sao nữa?
- Ngạt thở, hấp hối và chết, đối với tôi chết là sự mất tri giác… Rồi sau đó tôi đã trải qua những tình trạng chuyển tiếp khá lạ lùng. Tôi cảm thấy như tri giác của tôi được thức tỉnh bởi cảm giác đau ghê gớm ở vùng cổ. Cái đau dần dần dịu đi. Lúc đó, tôi không hiểu như vậy nghĩa là thế nào. Khi tôi và Kerner tiến hành thí nghiệm hồi sinh những cái đầu đã được cắt rời khỏi cơ thể, chúng tôi chú ý thấy những con chó giẫy giụa mạnh đến nỗi những cái ống chất dinh dưỡng đôi khi bị bật ra khỏi các mạch máu.
Khi đó, tôi đã đề nghị gây tê ở những chỗ bị cắt. Để chỗ cắt không bị khô đi và khỏi nhiễm trùng, cổ chó được ngâm vào dung dịch đặc biệt tên là Ringenlock Dowel. Dung dịch này chứa cả những chất dinh dưỡng, chất sát trùng và gây tê. Vết cắt ở cổ tôi cũng được ngâm vào thứ dung dịch ấy. Nếu như không có biện pháp phòng ngừa ấy, có lẽ tôi đã chết lần thứ hai rất nhanh sau khi hồi sinh, giống như những cái đầu chó trong những lần thí nghiệm đầu tiên của chúng tôi. Lúc ấy, tôi chẳng nghĩ gì về tất cả những sự việc đó.
Mọi thứ đều mờ ảo, rồi dường như có ai đó đánh thức tôi dậy sau cơn say, lúc đó tác dụng của rượu vẫn chưa tan hết. Nhưng trong óc tôi, một ý nghĩ vui sướng cứ ấm nóng dần lên và điều này có nghĩa là tôi chưa chết. Mắt chưa mở được, tôi lan man nghĩ đến tính chất lạ lùng của căn bệnh vừa qua. Thông thường, những cơn suyễn của tôi chấm dứt rất đột ngột. Có khi cường độ cơn ngạt thở yếu đi dần dần. Nhưng chưa bao giờ tôi bị ngất đi sau căn bệnh đó. Đây là một cái gì đó rất mới lạ.
Cả cảm giác đau dữ dội ở vùng cổ cũng là mới. Và còn một điều nữa là hình như tôi hoàn toàn không còn thở nữa, động thái cũng không cảm thấy ngạt thở. Tôi hít một hơi, những không được. Ngoài ra tôi còn mất cảm giác ở lồng ngực của mình nữa. Tôi không thể phồng ngực lên được, dù tôi cảm thấy mình đã căng giãn mạnh các cơ ở ngực. “Có cái gì rất lạ - tôi nghĩ - hoặc mình ngủ, hoặc mình nằm mà…”
Tôi mở mắt một cách khó khăn. Tối om. Tiếng động u u trong tai. Tôi lại nhắm mắt lại… Cô biết đấy, khi người ta chết thì các giác quan không tắt nghỉ cùng một lúc. Trước hết là mất vị giác, sau đó là đến thị giác, rồi đến thính giác. Chắc chắn sự hồi phục của chúng sẽ diễn ra theo một trật tự ngược lại. Sau một thời gian, tôi lại nhướng mắt lên và nhìn thấy ánh sáng mờ mờ.
Hình như tôi rơi xuống nước ở một chỗ rất sâu. Sau đó, màn sương mờ mờ màu xanh nhạt bắt đầu tan và tôi lờ mờ phân biệt được khuôn mặt Kerner trước mặt tôi, cùng lúc đó tôi nghe khá rõ tiếng ông ta. “Ông tỉnh lại rồi hả? Rất vui vì được thấy ông sống lại.” Bằng sức mạnh của ý chí, tôi đã bắt buộc tri giác của mình chóng minh mẫn hơn. Tôi nhìn xuống và thấy cái bàn tay dưới cằm mình - lúc đó còn chưa có chiếc bàn nhỏ này, chỉ có cái bàn bình thường, loại như bàn ăn được Kerner trang bị vội vã cho cuộc thí nghiệm.
Tôi muốn nhìn lại đằng sau, những không thể quay đầu lại được. Cạnh cái bàn, đặt một cái bàn thứ hai, hơi cao hơn, làm bàn mổ xác. Trên bàn này sõng sượt một cái xác không đầu của ai đó. Tôi nhìn kĩ và thấy cái xác có vẻ quen thuộc một cách kì lạ, mặc dù nó không có đầu và bị mở phanh lồng ngực. Cùng bên cạnh đấy có một quả tim người đang đập trong lồng kính…
Tôi ngơ ngác nhìn Kerner. Tôi hoàn toàn chưa hiểu rõ vì sao đầu tôi nhô lên trên bàn và vì sao tôi không nhìn thấy thân mình. Tôi muốn giơ tay những lại cảm thấy không có tay. “Có chuyện gì thế?…” Tôi muốn hỏi Kerner nhưng chỉ âm thầm mấp máy môi. Còn ông ta nhìn tôi và mỉm cười. “Ông không nhận ra à?” Ông ta hỏi tôi, hất hàm về phía bàn mổ. “Đó là thân người của ông. Bây giờ ông đã vĩnh viễn khỏi bệnh suyễn rồi.” Ông ta còn đùa được!…
Và tôi hiểu hết mọi chuyện. Thú thật là ngay phút đầu tiên, tôi muốn gào lên, rứt ra khỏi cái bàn, giết chết cả mình lẫn Kerner… Không, hoàn toàn không phải vậy. Đầu óc tôi thì nghĩ rằng hoàn toàn tôi phải tức tối, phải la hét, phẫn nộ, song cùng lúc đó, tôi lại thật sửng sốt vì sự bình thản lạnh như băng trong người. Có lẽ tôi phẫn nộ, nhưng lại nhìn mình và xung quanh một cách bàng quan.
Trong tâm trí tôi đã xảy ra những chuyển biến. Tôi chỉ cầu may và nín lặng. Liệu tôi có thể căm phẫn như trước kia đã từng căm phẫn, khi mà bây giờ trái tim tôi đập trong lồng kính, còn trái tim mới là một cái máy?
Laurence kinh hãi nhìn cái đầu.
- Rồi sau đó… Ông tiếp tục làm việc với hắn. Giá như không có hắn, ông có thể trị được bệnh suyễn và bây giờ ông là một người khỏe mạnh… Hắn là một tên trộm cắp, tên sát nhân, vậy mà ông vẫn giúp hắn leo lên đỉnh cao danh vọng. Ông làm việc cho hắn. Hắn như một tên ăn bám sống vào hoạt động trí óc của ông, hắn biến đầu ông thành một cái bình ắc quy của tư duy sáng tạo rồi nhờ đó có tiền bạc và vinh quang.
Còn ông? Hắn cho ông được cái gì? Cuộc sống của ông như thế nào? Ông mất tất cả. Ông là một khúc gỗ khốn khó, mà thật đau đớn cho ông vì trong đó vẫn còn những ước muốn. Kerner đã đánh cắp cả thế giới của ông. Và phải chăng ông chấp nhận làm việc cho hắn một cách ngoan ngoãn cam chịu?
Cái đầu mỉm cười một nụ cười buồn bã:
- Một cái đầu nổi loạn? Không có kết quả gì cả. Tôi biết làm gì được? Vì tôi bị tước mất đến cả khả năng cuối cùng của con người là tự sát.
- Nhưng ông có thể cự tuyệt làm việc cho hắn!
- Nếu có muốn thì tôi sẽ làm như thế. Những sự nổi loạn đó không phải do việc Kerner sử dụng bộ máy tư duy của tôi. Rút cuộc thì nêu tác giả có ý nghĩa gì? Quan trọng là tư tưởng đi vào thế giới và làm được công việc của nó. Tôi nổi loạn bởi vì tôi vất vả để quên với sự tồn tại của mình. Tôi thà chết còn hơn là phải sống như thế này. Tôi sẽ kể cho cô nghe mọi chuyện xảy ra trong thời gian đó.
Một lần, tôi có một mình trong phòng thí nghiệm. Bỗng từ cửa sổ bay vào một con bọ hung đen thui. Bằng cách nào đó nó có thể xuất hiện ở trung tâm thành phố này được? Tôi cũng không rõ, có thể là do một chiếc xe nào đó từ ngoại ô đi vào và mang nó theo. Còn bọ hung quay tròn trên đầu tôi và đậu trên tấm kính của cái bàn nhỏ này, ngay cạnh tôi.
Tôi liếc mắt theo dõi còn bọ hung ghê tởm đó, những không thể nào đuổi nó đi được. Chân nó bò trên mắt kính và chầm chậm nhích tới tôi, các khớp chân kêu sột soạt. Bao giờ tôi cũng kinh tởm và thù ghét những con bọ như thế. Thế mà tôi lại bất lực trước nó. Đầu tôi với nó chỉ là cái cầu thuận tiện để cho nó bay lên. Sau đó nó đã bám được vào râu tôi và tiếp tục bò ngược lên nữa.
Thế là nó bò qua đôi môi mím chặt, qua cánh mũi bên trái, qua con mắt trái nhắm lại, cho tới khi lên tới trán, sau đó lại rơi xuống mắt kính, rồi rơi xuống sàn nhà. Câu chuyện thật vớ vẩn. Thế mà nó đã gây cho tôi một ấn tượng mãnh liệt. Khi Kerner tới, tôi đã dứt khoát cự tuyệt không tiến hành cuộc nghiên cứu khoa học với ông ta nữa. Tôi biết ông ta không dám đưa cái đầu tôi ra một cách công khai, mà chỉ giữ lại ở trong nhà để làm tang chứng chống lại ông ta, nhưng cũng chẳng có ích gì.
Và ông ta cũng sẽ giết tôi. Lúc đó, tôi suy nghĩ như thế. Thế là giữa tôi và ông ấy bắt đầu có sự va chạm. Ông ta đã dùng những biện pháp khá tàn bạo với tôi. Đêm đó, ông ta đến chỗ tôi với một cái máy phát điện, áp các điện cực vào hai thái dương tôi, nhưng chưa cho điện chạy vội. Ông ta đứng khoanh tay trước ngực và nói giọng rất ngọt ngào và mềm mỏng: “Bạn đồng nghiệp thân mến, ở đây chỉ có hai chúng ta, bên trong những bức tường băng đá đây. Nhưng nếu tường có mỏng hơn thì cũng chẳng làm thay đổi được gì, bởi vì ông không thể nói được. Ông hoàn toàn thuộc về quyền của tôi. Tôi có thể bắt ông chịu những cực hình khủng khiếp nhất mà vẫn không bị trừng phạt. Nhưng để làm gì? Hai chúng ta đều là nhà khoa học và có thể hiểu nhau. Tôi biết ông sống chẳng dễ chịu gì nhưng lỗi không phải tại tôi. Ông là người mà tôi rất cần, nhưng tôi không tài nào giải thoát cho ông khỏi cuộc sống cực nhọc này, còn bản thân ông cũng không thể chạy trốn được, kể cả đến khi chết. Vậy thì chúng ta nên chấm dứt tình hình này một cách hòa bình chẳng tốt hơn sao? Ông sẽ tiếp tục những nghiên cứu khoa học của ‘chúng ta’.”
Tôi nhướng mày lên để từ chối, đôi môi thì thào lặng lẽ “Không!”
“Ông làm tôi rất buồn. Ông có muốn hút thuốc không? Tôi biết ông sẽ không thỏa mãn lắm, bởi vì ông không còn phổi nơi mà qua đó chất nicotin ngấm vào máu, nhưng dù sao cũng là những cảm giác quen thuộc.” Ông ta rút hai điếu thuốc lá, tự mình hút một điếu, còn điếu kia đặt vào miệng tôi. Tôi đã phun điếu thuốc ra với vẻ khinh mạn!
“Thôi được, ” ông ta vẫn nói cái giọng lễ phép và điềm đạm. “Ông buộc tôi phải dùng đến những biện pháp mạnh.” Và ông ta mở điện. Hình như có một mũi khoan nóng bỏng xuyên qua óc tôi. “Ông thấy trong người thế nào?" Ông ta làm ra vẻ ân cần hỏi tôi. "Đau đầu hả? Có lẽ ông muốn chữa cho khỏi đau chứ? Chỉ cần ông…”
“Không!” Môi tôi trả lời.
“Rất tiếc. Phải tăng cường độ dòng điện lên một chút. Ông làm tôi rất buồn.” Và ông ta cho dòng điện chạy mạnh đến nỗi đầu tôi như bốc cháy. Đau không chịu được, tôi nghiến răng trèo trẹo, còn tri giác thì mù tịt. Tôi muốn cho nó mất hẳn đi, những tiếc thay, lại không mất được! Tôi chỉ còn biết nhắm mắt và mím môi lại. Kerner hút thuốc, phả khói vào mặt tôi và tiếp tục đốt cháy đầu tôi. Ông ta không thuyết phục tôi nữa. Khi tôi mở mắt ra thì thấy ông ta đang điên lên vì sự cứng cổ của tôi.
“Đồ quỷ tha ma bắt. Nếu như bộ óc ông không cần thiết cho tôi thì tôi sẽ nấu chín nó và cho chó ăn ngay ngày hôm nay rồi. Đồ cứng cổ!” Và ông ta chẳng khách sáo gì hết, giật ra khỏi đầu tôi những sợi dây rồi bỏ đi. Nhưng nỗi mừng của tôi còn quá sớm. Ông ta quay lại và lấy ngay cái đầu bỏ vào những dung dịch để nuôi sống, cùng những chất kích thích khiến cho tôi bị những cơn đau dữ dội nhất hành hạ.
Khi tôi bất giác nhăn mặt lại ông ta liền hỏi: “Này ông bạn, ông quyết định thế nào rồi?” Tôi không lay chuyển. Ông ta đi ra, càng tức điên hơn nữa. Tôi vui mừng vì đã thành công. Mấy ngày sau đó, không thấy Kerner xuất hiện trong phòng thí nghiệm, còn tôi thì chờ đợi từng ngày cái chết giải thoát. Sang ngày thứ năm, ông ta đến, miệng huýt sáo một bài hát vui, như chẳng có chuyện gì xảy ra.
Không nhìn đến tôi, ông ta bắt đầu làm việc tiếp. Tôi quan sát ông ta trong hai hoặc ba ngày mà không tham gia vào công việc. Nhưng công việc khiến cho tôi không thể nào mà không quan tâm. Và khi thấy ông ta phạm phải một số sai lầm trong lúc làm thí nghiệm, mà chúng có thể huỷ hoại hết công sức của chúng tôi, tôi không im được nữa và ra hiệu cho ông ta. “Lẽ ra phải làm như thế từ lâu rồi!” Ông ta thốt lên một nụ cười thỏa mãn và bơm không khí vào họng tôi. Tôi nói cho ông ta những sai sót và từ hôm đó tôi tiếp tục chỉ đạo công trình. Ông ta đã khôn hơn tôi.