Đài tưởng niệm đen của bầy diều hâu gãy cánh - Chương 20 - Phần 1

20.

Tôi đã vận dụng tất cả mọi phương cách nhưng vẫn chưa thoát được lão Roth, một cựu nhân viên phát thư từng đem toàn những tin đau buồn tới khu phố chúng tôi trong thời chiến.

Trước năm 1914, mọi người đều vui vẻ khi thấy ông ta tới, nhưng từ khi thế chiến xảy ra, Roth bỗng trở thành bóng dáng của tai họa đối với nhiều gia đình. Cái túi da của ông ta đầy ngập những tin tức chẳng lành: lính gọi nhập ngũ, giấy cáo tri có mang hàng chữ “Hi sinh cho Tổ quốc”. Chiến tranh càng kéo dài, ông ta càng phát nhiều thơ từ loại đó. Roth tới đâu thì là y như có nước mắt rơi ở đó.

Rồi một hôm ông ta bỗng có bổn phận phát cho chính ông ta một trong những bức thơ định mệnh. Và không đầy một tuần sau ông ta nhận thêm một bức thư thứ hai cùng loại. Sức người có hạn. Roth không chịu nổi. Thế là ông ta bắt đầu loạn trí. Giới thẩm quyền Bưu điện buộc lòng cho ông ta về hưu. Và rồi cũng như bao nhiêu người khác, Roth bị nạn lạm phát lên án tử hình nhưng được phép chết từ từ vì đói khổ. Một số bạn bè giúp đỡ cho con người già nua đơn độc đó. Vài năm sau ông ta lại bắt đầu đi đó đi đây nhưng tâm trí vẫn cứ bất bình thường. Roth cứ tưởng mình là người đưa thơ nhưng chỉ muốn đem tới những tin lành, ông ta thường lượm lặt các bao thơ cũ và những bưu thiếp rồi tới từng nhà phân phối, bảo đó là thơ của những tù binh Đức còn sống ở Nga.

Ông ta bảo:

- Họ không chết đâu, họ chỉ bị bắt và không bao lâu nữa họ sẽ trở về đây.

Tôi nhìn tấm bưu thiếp của Roth vừa đưa, đó là một mẩu giấy in kêu gọi tất cả công dân tham gia vào cuộc xổ số của chế độ cũ. Thật là cả một sự khôi hài chua chát trong thời buổi lạm phát này.

Ông ta làm thế nào lượm được mảnh giấy này? Tôi cố làm ra vẻ thật vui:

- Cám ơn ông. Cám ơn nhiều lắm.

Roth gật gù:

- Họ sẽ từ Nga trở về. Không còn bao lâu nữa...

- Vâng, họ sắp trở về. Không thiếu mất một binh sĩ nào cả. Nhưng phải từ từ. Nước Nga ở quá xa.

- Vâng, hai người con của ông cũng sẽ trở về một lượt.

Mắt người điên sáng lên:

- Phải, phải. Chúng nó cũng về. Chúng nó đã báo tin cho tôi. Lúc này tất cả những thơ từ đều chứa toàn tin lành.

Người đưa thơ cười rồi lặng lẽ tiếp tục chuyển phát thơ tưỏrng tượng. Lúc đầu, nhà chức trách muốn nhốt ông ta lại nhưng gặp sự phản đối mãnh liệt từ mọi giới, họ đành để ông sống tự do.

Một vài tên lưu manh mới đây nảy ra ý nghĩ, nhờ sự trung gian của Roth, gởi tới các nhà chính trị đối nghịch những bức thư hăm dọa. Có kẻ còn lợi dụng lão già mất trí này gởi những lời lẽ thô bỉ hoặc gạ gẫm đến những quả phụ còn xuân.

Nhưng rồi một số lầm lẫn đã xảy ra. Roth thường đưa lộn thư của người này cho người kia. Chính vì vậy mà có một bức thơ gởi cho Lisa được trao tận tay tu viện trưởng Bodendick đề nghị một cuộc găp gỡ lén lút lúc một giờ đêm với giá mười triệu Đức kim.

Cửa nhà lão Knopf mở toang. Tiếng máy may kêu rào rào. Từ sáng sớm, người ta đã mang tới một xấp vải đen để may tang phục. Lão Thượng sĩ vẫn còn thoi thóp nhưng theo lời bác sĩ thì kể như lão đã chết.

Biết chắc chắn là chồng sắp chết, bà Knopf không thể ngồi đợi tử thần mà không chuẩn bị lễ tiễn đưa cho chu đáo: mạng che mặt đen cho góa phụ, nón và vớ đen cho cả bốn mẹ con. Phải chuẩn bị một tang lễ lớn vì dù sao họ cũng là hạng một thời thuộc giới trung lưu.

Georges nhô cái đầu sói bóng vào. Cùng đi với y là Oscar “mắt treo cờ tang”. Vừa thấy họ, tôi hỏi ngay:

- Đô-la lên tới bao nhiêu?

Georges hờ hững đáp:

- Chẳn chòi một tỷ hồi trưa nay. Mình có thể ăn mừng dưới hình thức lễ đại xá ngũ thập chu niên, nếu muốn.

- Tại sao không! Và chừng nào sạt nghiệp?

- Tới lúc sập tiệm. Uống gì, bạn Fuchs?

Oscar hững hờ:

- Gì cũng được. Tiếc là ở Wenderbruck này không có Vodka.

- Rượu Vodka? Bạn đã từng đánh giặc trên đất Nga?

- Chớ sao. Chỉ huy cả một nghĩa trang chớ phải bỏ đâu! Đúng là thời kì vàng son!

Tôi không giấu được ngạc nhiên:

- Thời kì vàng son? Một người nhạy cảm, có thể khóc được bất cứ lúc nào như bạn mà lại bỏ thế à?

- Chớ sao, cậu bé. Thực phẩm dư dả, rượu loại nào cũng có, công việc nhẹ nhàng, ở cách mặt trận thật xa, còn muốn gì hơn? Con người rồi cũng quen với sự chết chóc như với bệnh hay lây.

Hắn nhấp li rượu của Georges vừa rót ra với điệu bộ của một tay chơi sành sõi.

- Một lần, lúc còn ở Nga, người ta loan báo là Đức Hoàng đế sắp thị sát vùng của ta chiếm đóng. Ồ, thật là cả một sự xáo trộn. Cũng may là gần đó còn có hai nghĩa địa khác để trao đổi.

Georges nhíu mày:

- Đổi cái gì? Mộ bia hay vòng hoa?

- Không, mấy đồ trang trí nghĩa địa đều luôn luôn thừa thãi. Tôi nói đây là trao đổi xác chết.

- Giỡn à?

- Không đùa đâu, đổi xác chết đàng hoàng. Không phải xác chết nào cũng có giá trị của một xác chết đâu. Bộ binh thì nghĩa địa nào cũng có hàng khối. Hạ sĩ, thượng sĩ, trung sĩ, thiếu úy, trung úy... nhiều vô số kể. Nhưng muốn tìm những cấp lớn hơn thì không phải dễ. Người bạn chỉ huy nghĩa địa gần chỗ tôi có tới ba cái xác tiểu đoàn trưởng trong khi tôi chẳng có một cái nào, thí dụ vậy. Nhưng bên tôi thì có tới hai cái xác trung tá và một cái xác đại tá. Tôi đổi cho anh ta một cái xác đại tá để lấy hai cái xác tiểu đoàn trưởng. Thế là hắn phải trả cho tôi một con ngỗng thật béo. Nếu có thể, hắn sẵn sàng bán cả em gái hắn để lấy một cái xác trung tá. Trình diễn trước Đức Vua mà trong nghĩa địa không có lấy một cái xác trung tá thì còn thể thống gì?

Georges đưa bàn tay che mắt:

- Chỉ nghĩ tới cũng đủ ớn lạnh.

Oscar nhướng mày và đốt một điếu thuốc xì-gà:

- Bây giờ tới chuyện anh chàng coi sóc nghĩa địa thứ ba. Cái khó của hắn gần như chẳng có một sĩ quan nào coi được, không có tới một ông thiếu tá, chỉ toàn là thiếu úy, trung úy... linh tinh. Hắn hận đời vô kể. Tôi đưa cho hắn một trong hai ông tiểu đoàn trưởng vừa đổ được để lấy về hai ông đại úy và một thượng sĩ tác chiến. Quý vị thấy chưa, lúc nào tôi cũng được việc với bạn bè. Đại úy thì tôi có hàng lô. Nhờ vậy mà tôi có được ba con ngựa rằn để trưng bày trong khu đất chết cho thêm phần long trọng.

- Còn mấy ông tướng?

Oscar nheo mắt với tôi:

- Tướng hả. Louis? Một ông tướng không phải là chuyên đùa, một ông tướng chết ở mặt trận lại càng hiếm có như...

Hắn cố tìm một so sánh trong lúc hỏi chúng tôi:

- Quý vị có nuôi loại côn trùng bốn cánh không?

Chúng tôi đồng thanh trả lời không. Hắn hỏi ngay:

- Uổng quá. Phải bảo là hiếm có như con diều giấy của Lucanus Cervris hay là như loại sư tử đầu đàn bà. Nếu không như vậy thì làm gì có chiến tranh, phải không? Ông đại tá của tôi là chết ở hậu tuyến vì bội thực sau một bữa tiệc chớ đâu phải ở mặt trận, ông đại tá đó...

Oscar nhăn mặt. Hắn không nói về đại tá đó nữa.

- Hắn muốn tôi đổi thêm một sĩ quan tham mưu và cho biết sẵn sàng để tôi lấy bất cứ món gì, nhưng bộ sưu tập của tôi đã đầy đủ, tôi không muốn làm sứt mẻ. Cuối cùng hắn ra giá ba mươi sáu chai vodka, tôi đành chìu lòng hắn... dành đổi ông đại tá. Ba mươi sáu chai vodka! Không phải đồ bỏ! Bây giờ tìm không ra một chai!

Tuy thế, hắn vẫn vui lòng uống li rượu mạnh thứ hai. Georges lò mò:

- Việc gì phải rắc rối với mấy cái xác chết? Đổi tới đổi lui, lôi thôi quá. Ở địa vị bạn, tôi chỉ cặm một vài cây thánh giá với tên tuổi và cấp bậc tưởng tượng... Làm như vậy mình có thế có cả một ông tướng, nếu muốn.

Oscar nhăn mặt bất mãn:

- Ồ, ông Kroll! Làm như thế là giả mạo, không đúng tinh thần nghề nghiệp, vả lại, đến lúc bị tiết lộ thì sao. Bọn đào huyện đâu phải vừa. Giả mạo... một ông tướng. Hừm, chắc chắn là Đức Hoàng đế thuộc lòng tên tuổi các tướng lãnh của ngài.

Đề tài đã gần cạn nhưng Oscar vẫn cố vớt vát:

- Quý vị có biết chỗ cốt yếu của câu chuyện là gì không?

Chúng tôi ngồi im. Đó cũng là cách tỏ ra không hiểu. Oscar chặc lưỡi:

- Đức vua không tới. Tất cả đều phải dẹp bỏ. Tôi đã cho trồng cấp tốc một vườn hoa. Thật tiếc...

Rồi hắn mơ màng như tiếc nuối một thời oanh liệt:

- Quả là một thời kì vàng son. Hàng vạn nấm mồ nằm trong khu đất của tôi. Ngày nay - Hắn rút ra một mảnh giấy từ túi áo - Chỉ có hai tấm bia loại trung bình. Xin giao ông.

Tôi đi thơ thẩn trong khu vườn bệnh viện. Lần đầu tiên, đêm nay, Isabelle chịu dự thánh lễ. Hết giờ, tôi đi tìm mãi nhưng chẳng thấy nàng đâu cả. Lá cây đập mạnh vào nhau như tiếng vỗ cánh của loài dơi. Đâu đâu cũng có mùi đất và hương vị mùa Thu. Mùa Hè đâu rồi?

Wernicke ngồi trong phòng riêng. Vừa dùng lưng bàn tay đẩy chồng hồ sơ bệnh lí sang một bên, ông ta vừa hỏi tôi:

- Có gặp cô Terhoven không?

- Có, trong nhà thờ. Ở ngoài không thấy đâu cả.

Wernicke gật đầu:

- Kể từ nay, cậu khỏi phải lo cho cơ ấy nữa.

- Đồng ý! Còn chỉ thị nào khác nữa không?

- Đừng vờ vĩnh thế. Tôi không hề ra lệnh mà chỉ làm bổn phận của bác sĩ với bệnh nhân.

Và nhìn tôi chăm chú, ông nói tiếp:

- Có si tình tì chút nào chưa?

- Si tình? Si ai?

- Cô Terhoven chớ ai! Cũng đẹp đó chớ! A, hư rồi! Tôi quên nghĩ tới chuyện đó.

- Tôi cũng thế.

Ông ta cười:

- Vậy là tốt. Cậu không bị thiệt hại gì cả.

- Thật sao? Từ trước tới nay tôi ngỡ chỉ có ông Bodendick là đại diện Thượng đế, bây giờ lại có thêm một vị nữa. Bác sĩ có biết chính xác cái gì làm hại và cái gì chằng làm hại không?

- Dẹp chuyện đó đi. Dầu sao tôi cũng có quyền. Rất tiếc là tôi không có thì giờ để tranh luận. Tuy thế, cũng nên hút với tôi một điều thuốc xì-gà. Cậu có để ý là đã sang Thu rồi không?

- Có. Và chúng ta đồng ý trên điểm đó.

Wernicke đưa hộp xì-gà tới. Tôi lấy một điếu để khỏi phải bị cho là kẻ si tình nếu từ chối. Thình lình tôi cảm thấy thê thảm đến buồn nôn. Tuy nhiên, tôi vẫn cố đốt điếu thuốc.

Wernicke nhìn khói thuốc:

- Tưởng cũng cần nói rõ cho cậu biết. Bà mẹ cô ấy! Tôi phải mất luôn hai đêm để dẫn dụ bà ta. Cuối cùng bà ta nói toạc ra. Chồng chết sớm, trẻ và đẹp, nuôi một bạn trai trong nhà, cô con phát điên lên... đó là trường hợp đáng nói. Bà ta và người bạn trai không giữ gìn ý tứ, đứa con gái bắt gặp quả tang, có lẽ cô ta đã theo dõi từ lâu... Cậu hiểu chưa?

- Chưa!

Tất cả sự thể càng khiến tôi buồn nôn hơn điếu xì-gà loại xấu của Wernicke:

- Chuyện xảy ra là như vậy. Oán hận bà mẹ, ghê tởm, mặc cảm trốn lánh trong sự nhị trùng hóa nhân cách, trường hợp điển hình! Sau đó bà mẹ và người bạn kia kết hôn, cơn khủng hoảng nổ bùng... và bây giờ, cậu hiểu chưa?

- Chưa!

Wernicke hơi sốt ruột:

- Giản dị lắm. Sự khó khăn đã đi tới cái gút của vấn đề. Và lần này - Ông ta xoa tay - chúng ta may mắn hơn nhân vật thứ hai, người bạn cũ trong nhà Ralph hay Rodopf, một cái tên như thế không còn ở đó nữa để quấy rày chúng ta. Li dị cách nay ba tháng, chết cách đây mười lăm hôm, tai nạn xe hơi. Nguyên nhân bị hủy diệt thế là con đường mở rộng. Nói như thế chắc đã quá đủ để cậu nắm toàn diện vấn đề?

- Hiểu rồi!

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3