Đài tưởng niệm đen của bầy diều hâu gãy cánh - Chương 24

24.

Thi đoàn Werdenbruck tổ chức tiệc tiễn biệt tôi, tại nhà riêng của nhà hàng Walhalla. Các nhà thơ đều làm ra điều cảm động. Hungermann là người đầu tiên niềm nở:

- Bạn đã biết những bài thơ của tôi. Chính bạn đã nói, một phát hiện mới thời hậu chiến. Vượt xa Stéphan Georges.

Hắn nhìn tôi chờ xác nhận. Thật ra, không phải tôi nói thế mà thằng Bambuss. Tuy nhiên, đêm nay tôi không muốn làm phật lòng ai.

Bỗng nhiên hắn đổi đề tài:

- Ủa! Bộ đồ mới này đào đâu ra?

Tôi làm vẻ khiêm nhượng:

- Mới sắm bữa nay... bằng tiền Thụy Sĩ. Đã chán ngấy các bộ đồ nhà binh sửa lại. Hoan hô thường phục! Lạm phát chết rồi!

- Tiền Thuy Sĩ? Vậy là cưng trở thành quốc tế rồi. Tiền ở đâu? Tiền của nhà báo?

Tôi gật đầu. Hắn bĩu môi:

- Vậy là đúng. Phần tôi, tôi không bao giờ làm thơ cho nhật báo. Chỉ muốn đăng trên các tạp chí văn nghệ thôi. Rất tiếc là phải bắt buộc bán cho Arthur Bauer một tập phát hành cách nay ba tháng. Thằng cha Bauer không điệu. Bạn có biết bán được bao nhiêu không? Không quá năm trăm tập.

Chính miệng Bauer đã nói với tôi là ấn hành không quá hai trăm tập, bán được hai mươi tám trong số có cả mười chín tập do Hungermann mua lấy. Và không phải chính hắn bị bắt buộc in mà với tư cách giáo sư Đức ngữ, hắn cho Bauer biết nếu không in, hắn sẽ giới thiệu một nhà sách khác cho học trò của hắn, nếu Bauer không chịu in.

- Chừng nào làm việc cho nhà báo, đừng quên bọn này. Tình bạn luôn luôn là nguồn cảm hứng của thi văn.

- Đúng lắm. Và cũng hiếm như tuyết tháng Năm.

- Tuyệt diệu! - Hắn rút một lập thơ ra - Đây, bạn giữ lấy làm kỷ niệm. Nhớ cho một bài giới thiệu rồi gởi về tôi hai số báo. Và nếu bạn quen với một nhà xuất bản nào kha khá... tôi còn một tập sắp hoàn thành.

- Được lắm.

Hắn bắt tay tôi và lay thật mạnh:

- Tôi biết là có thể tin cậy bạn. Còn bạn, chừng nào bạn cho anh em xem một cái gì?

- Tôi à? Bỏ làm thơ rồi.

- Sao? Sao vậy?

- Đang chờ thời. Bây giờ vấn đề cáp bách là tập quen với thế giới bên ngoài.

Hungermann gật gù ra vẻ thầy đời:

- Rất khôn ngoan. Nếu phần lớn những nhà văn đều có ý nghĩ như bạn và để cho những người có chân tài không bị nghẽn lối...

Một tiếng đồng hồ sau, trong túi tôi đã có vô số những bản thảo thơ văn của nhiều người gởi mang đi Bá Linh. Đáng kể hơn cả là một lô thơ của Edouard khóc bạn...

... Tất cả những thứ đó bỗng như quá xa vời.

Xa vời như nạn lạm phát vừa chết cách nay hai tuần lễ, xa vời như tuổi trẻ mặc áo trận, xa vời như Isabelle.

Tôi đưa ra một quyết định chấn động:

- Các bạn, tôi xin rút lui khỏi thi đoàn.

Tất cả đều nhìn tôi. Hungermann phản đối:

- Không được. Bạn vẫn là đoàn viên thông tin của hội tại Bá Linh.

- Không, tôi xin từ chức hẳn.

Các nhà thơ im lặng một phút. Hungermann lo ngại:

- Bạn nói thật?

- Hoàn toàn đứng đắn.

- Được! Chúng tôi chấp nhận và chỉ định bạn làm hội viên danh dư.

Hungermann xoay người nhìn cử tọa. Mọi người cùng vỗ tay vang dậy. Tác giả tập Casanova hô lớn:

- Toàn thể đồng chấp nhận!

- Cám ơn các bạn. Đó là một vinh dự lớn nhưng rất tiếc là tôi buộc lòng từ chối. Tôi đang có ý định chuyển hướng. Ước mong duy nhất của tôi là đừng bao giờ làm hội viên danh dự cho bất cứ một hội đoàn nào trên thế giới này, ngay cả cho nhà chứa điếm của thành phố chúng ta. Dẫu vậy...

Matthias Grund càu nhàu:

- Sao lại so sánh kì vậy?

Hungermann nhượng bộ:

- Được rồi, đêm nay chúng mình nên chìu ý của y. Vậy bạn muốn được làm gì?

- Một tia lửa của cuộc đời không bao giữ muốn tắt.

Bambuss kêu lên:

- Chúa ơi! Dường như tôi đã đọc thấy ở đâu! Phải trong Euripide không?

- Rất có thể, Otto. Như vậy có vẻ thật hơn vì chính Euripide đã nói. Có điều là tôi không có ý định đem đề tài đó làm thơ. Tôi chỉ cố gắng được sống.

Hungermann tuyên bố:

- Câu này thì không có trong Euripide. Như vậy, bạn muốn...

- Đêm qua, tôi đã đốt một ngọn lửa. Một ngọn lửa tin vui. Các bạn còn nhớ quy tắc cũ mèm của bộ binh chớ gì: Hãy làm nhẹ túi đeo lưng!

Tất cả vỗ tay tán thưởng. Tôi nói với Edouard:

- Hiện thời tôi còn mười hai phiếu khẩu phần. Bạn có đồng ý cho tôi đổi với hai chai Johannisberg không? Mình uống tại đây.

Edouard tính nhẩm thật mau. Có lẽ hắn đã kể luôn cả tập thơ mà hắn đã làm về cái chết của Valentin mà tôi sắp mang đi Bá Linh. Thế là hắn đâm ra hào hiệp:

- Ba chai cũng được.

Tôi tới thăm Willi, hắn đã rời khỏi căn nhà sang trọng và mướn một phòng trọ. Bất thần trở lại cảnh nghèo túng, nhà tỷ phú thời cuộc vẫn chịu đựng một cách dũng cảm. Hắn còn cứu vãn được những bộ quần áo hợp thời trang, một số vật dụng bằng vàng và như thế hắn còn tiếp tục sống khá giả được một thời gian. Chiếc xe hơi nệm đỏ dĩ nhiên là đã bán rồi.

Các bức tường trong phòng hắn được dán đầy giấy bạc, tính ra còn rẻ hơn giấy hoa mà lại vui mắt hơn.

- Rồi mầy định làm gì?

- Chắc phải xin làm ở ngân hàng Werdenbruck. Chắc mầy biết Renée đang ở Magdebourg. Thành công lớn trong Vert Cacatois, nó vừa viết cho tao.

- Vẫn còn viết thơ à?

Willi làm một cử chỉ bao dung:

- Tất cả những chuyện đó không có gì đáng kể, Louis. Cũng như khi gặp nhau thi chào hỏi. Cũng như mầy rời khỏi bọn tao để ra đi! Phần mầy, xin chúc mầy may mắn. Bây giờ mầy muốn lấy gì cứ lấy.

Hắn mở va-li ra, đầy giấy chứng khoán và giấy bạc:

- Toàn bạc triệu và bạc tỷ. Như giấc mộng, đúng không?

- Đúng lắm!

Willi đưa tôi ra đường:

- Tao còn cứu được vài trăm đồng Mark. Tổ quốc thân yêu của mình vẫn chưa mất. Đồng quan của Pháp sắp nhảy nai. Mày có muốn hùn hạp chút đỉnh gì không?

- Không, Willi. Tao không có khiếu đầu tư.

Tôi ngồi một mình ở văn phòng. Đây là hôm cuối cùng, tối nay đã phải lên đường. Để giết thời giờ, tôi lật tập hình mẫu tìm một cái mộ bia để vẽ vào đó tên Watzek thay thế lời chia tay.

Chuông điện thoại reo. Một giọng khàn khàn hỏi:

- Phải cậu là Louis không? Thằng nhỏ hay bắt cóc nhái?

- Phải cũng được mà không phải cũng được. Ai ở đầu dây?

- Fritzi.

- Ồ, Fritzi! Louis đây. Có chuyện gì vậy? Thằng Otto...

- Con ngựa sắt chết.

- Hả?

- Chết đêm qua. Đau tim. Giữa lúc hành nghề.

- Chết vậy là tốt, nhưng hơi sớm.

Fritzi ho trong máy và cố dằn lại:

- Cậu trông coi việc bán bia, có phải không? Có người nói với tôi.

- Xưởng sản xuất mộ bia của tụi này là số một. Chi vậy?

- Louis, bà chủ định đặt một tấm bia. Tôi nghĩ, cậu và con ngựa sắt, hai người đã...

- Không bao giờ, chắc là lầm với Georges. Năm khi mười họa anh ấy...

- Georges hay cậu thì cũng một thứ. Vần đề trọng yếu là tấm bia. Lo ngay đi! Hồi nãy có người của xưởng cạnh tranh tới rồi. Hắn khóc ròng và cho biết đã từng đi lại với con ngựa sắt.

- Đúng là Oscar mắt treo cờ tang!

- Fritzi, tôi tới ngay. Đừng tin con cá sấu đó.

Bà chủ nhà chứa hỏi:

- Muốn lên thăm nó không?

- Đặt vào hòm chưa?

- Rồi. Ở phòng bên.

Thang lầu kêu cót két. Qua những cánh cửa mở, tôi thấy các ả điếm đang thay đồ.

- Bộ họ không nghỉ bữa nay sao?

- Đêm nay, tụi nó nghỉ nhưng vẫn thay đồ... lệ thường. Cũng chẳng có gì đáng nói. Từ ngày Đức kim trở lại giá cũ, nghề này gần như tê liệt. Khôi hài thật!

Chẳng có gì khôi hài cả mà đó là sự thật. Hết lạm phát là phải thu hết chỉ tệ. Trước, người ta tính bạc triệu, bac tỷ, bây giờ tính từng xu. Mọi lãnh vực đều thiếu hụt ngân khoản. Cơn ác mộng đã đi qua.

Ả điếm được tặng hỗn danh ngựa sắt nằm giữa những bó huệ và lá cây tươi. Mặt ả già đi và khắc khổ, chiếc răng vàng còn chiếu qua kẻ hở vành môi. Tấm gương mà ả từng soi ngắm được phủ lên một lớp vải the.

Tôi biết ả rất nhiều, ả là một trong những hình ảnh kỷ niệm thời thơ ấu. Và bạn bè tôi, lúc trở về khi chiến tranh chấm dứt, đã được ả tiếp nhận để dạy cho bài hoc đầu tiên về tình dục.

Chúng tôi trở ra. Tôi hỏi bà chủ chứa:

- Thật ra thì ngựa sắt bị gì?

- Chết trong khi hành sự. Có lẽ nó có quá nhiều lương tâm nghề nghiệp.

- Bà thích loại bia nào? Cẩm thạch hay đá hoa cương?

- Cẩm thạch không thích hợp với ngựa sắt. Chỉ để cho trẻ con.

Tôi cãi lại:

- Không phải đâu. Ngay cả các tướng tá còn dùng cẩm thạch.

- Đá hoa cương. Loại này mới phủ hợp với tính chất của ngựa sắt.

Chúng tôi quây quần trong phòng khách. Cà phê bốc khói, một ít bánh ngọt do các nàng tự làm lấy và một chai curacao. Họ xúm xít sau tôi, nhìn qua vai để xem tập hình mẫu, y như thuở tôi còn đi học.

- Đây là kiểu đẹp nhứt. Đá hoa cương đen Thụy Điển có thánh giá và bệ đôi. Cả thành phố chỉ còn hai, ba cái.

Các nàng ngắm nghía bức họa, một trong những họa phẩm sau cùng của tôi.

Fritzi hỏi:

- Con ngựa sắt có đạo không?

Tôi cãi chánh:

- Thánh giá không phải chỉ dành riêng cho người có đạo.

Bà chủ gãi đầu:

- Chẳng biết làm lễ theo tôn giáo có thích hợp với nó không? Có cái nào khác không? Không dính líu tới đạo nào cả.

Tôi có cảm tưởng nghẹt thở trong giây lát.

Nếu vậy thì có sẵn đây! Một cái tháp tưởng niệm.

Tất cả đều lặng ngắm hình vẽ cái tháp. Tôi bước lùi ra, lo ngại. Biết đâu, chẳng có một chuyện may bất ngờ xảy tới. Đôi khi một đứa trẻ lại thành công trong khi những tay lão luyện đều bí lối. Thình lình, Fritzi cuời phá lên:

- Coi bộ cũng hợp với con ngựa sắt.

- ... còn tiền.

Người nào có được vài Đức kim là bám riết như người sắp chết đuối vớ được bè Méduse.

Tôi gằn từng tiếng một:

- Thế mà tôi, tôi vừa mới đi ra là bán được ngay.

- Giỡn hả? Bán cái gì?

Tôi đứng xích ra để cho hai anh em nhà Kroll lọt trong tầm mắt rồi tuyên bố:

- Bán cái tháp đen!

- Láo! Tới Bá Linh mà ba hoa.

- Ông nên nhớ là kể từ mười hai giờ trưa tôi không còn là nhân viên của hãng. Nhưng để chứng tỏ là tôi kiếm mối bán mộ bia, tháp tế tự không phải là chuyện khó, tôi ra tay lần chót cho ông sáng mắt ra. Đây chỉ là công việc của bọn học trò lúc nghỉ hè.

Henri thở dốc, hết chịu nổi:

- Cám ơn Chúa, cũng may là cái giọng bỉ ổi này sắp đi xa. Tới Bá Linh, chú mày sẽ có dịp học hỏi phép lịch sự.

Georges chen vào:

- Henri, hắn đã bán được cái tháp đó rồi.

Henri trợn mắt, hét to:

- Bán được? Lấy gì chứng chắc?

Tôi móc xấp bạc Hòa Lan vung vẫy trước mũi Henri:

- Đây, bằng chứng đây. Lại ngoại tệ nữa.

Henri đảo mắt đôi ba lượt trước khi thò tay nắm lấy một tờ giấy bạc, lật qua lật lại rồi đưa lên mũi ngửi xem thật giả. Ông ta nói rít qua kẽ răng:

- Chó ngáp phải ruồi!

Georges nhắc khéo:

- Nhưng nếu không có món tiền này thì lấy gì trả nợ hết hạn đúng ngày mai. Đáng lí phải hôn hắn.

- Hôn nó à? Chết còn sướng hơn!

Henri vùng vằng bước ra, đóng ập cửa lại: đúng là một người Đức trăm phần trăm, không hề biết cám ơn.

Tôi hỏi Georges:

- Mình có cần tiền cấp bách đúng như anh vừa nói không?

- Cũng hơi gấp. Thôi bây giờ tính chuyện tiền bạc của mình. Chú còn bao nhiêu?

- Vừa đủ! Trước hết là tiền vé xe hạng ba, nhưng tôi mua vé hạng tư. Tiết kiệm được 12 Đức kim. Bán được cái dương cầm, một trăm Đức kim. Tổng cộng một trăm mười hai, thừa đủ để chờ tới lúc lãnh lương.

Georges lấy ba mươi đồng Hòa Lan đưa tôi:

- Chú là nhân viên đặc biệt của xưởng. Như vậy chú cũng có quyền hưởng huê hồng như Oscar mắt treo cờ tang.

Tôi do dự một phút rồi nhận lấy. Georges hỏi tôi:

- Chú có biết sẽ phải làm gì ở đó không?

- Biết rõ lắm. Loan báo những tin cháy nhà, cho đăng những tin trộm cắp, tường thuật một vài cuốn sách không quan trọng, mang bia lên cho mấy biên tập viên, chuốt viết chì, sửa bản vẽ và... cố gắng ngoi lên.

Cánh cửa bật tung ra bởi một cú đá. Như ma quỷ hiện hình lảo Knopf đứng giữa ngưỡng cửa, cất giọng khàn khàn:

- Tám ngàn tỷ!

Ông nói ngay:

- Ông Knopf, ông vẫn còn nằm mộng hay sao? Lạm phát đã kết thúc từ mười lăm ngày qua. Tám ngàn tỷ lúc đó chỉ bằng tám Đức kim bây giờ.

- Láo! Cái gì mà kết thúc lạm phát? Bộ muốn giựt dọc sao? Được rồi, tôi cứ giữ lại để chờ kì tới.

- Hả?

- Kì lạm phát tới.

Georges nói vào:

- Tốt! Uống một li không?

Lão Knopf vồ lấy chai rượu:

- Đánh cá chơi.

- Cá cái gì?

- Coi chai rượu này thuộc về hãng nào?

Tôi mở nút chai rồi ngửi và thách đố:

- Không được đâu. Rượu thùng thì ông nhà nghề lắm chớ rượu vô chai thì thua đứt.

- Vậy thì đánh cá đi. Tôi đánh bằng tám bia.

Georges cười:

- Chắc bọn tôi thua nhưng thây kệ, cứ đánh ba Đức kim.

- Tốt lắm! Cho tôi một li.

Knopf ngủi rồi nếm. Nếm xong, lão ta ực một hơi và đòi thêm li thứ hai. Tôi can thiệp:

- Thôi cho xin. Coi chừng ông lại nguy mất. Khỏi đánh cá nữa.

Nhưng lão thượng sĩ đã kết luận ngay:

- Chai rượu này là của hãng Brockmann, đường Assomption.

Tôi và Georges nhìn nhau, ngơ ngác. Lão đã nói đúng. Georges đưa lão ba Đức kim và lão ta biến dạng ngay. Tôi vẫn còn ngẩn người:

- Lạ thật! Sao lão tài ba đến thế!

Georges cười rộ lên:

- Mình mắc lừa rồi.

- Sao?

Georges nhấc chai rượu lên. Ở lưng chai phía dưới có một nhãn hiệu nhỏ: J. Brockmann, 18 dường Assomption. Tôi buột miệng:

- Vậy là mắt lão ta còn sáng quá.

- Nhưng tới ngày mốt, sau khi uống rượu ban đêm trở về không còn thấy cái tháp đen nữa, lão ta sẽ nghi ngờ đôi mắt của mình. Và đó cũng là dấu hiệu sụp đổ cả thế giới của lão ta.

- Còn thế giới của anh?

- Cứ mỗi ngày một yếu đi. Đời là vậy.

Hai tiếng đồng hồ trước khi lên đường, tôi bỗng nghe có tiếng ồn ào trong hẻm Arquebusiers. Không đầy một phút sau, có tiếng hợp ca bốn giọng:

Hỡi đêm thánh hãy trút xuống

Sự thái hòa của trời cao xuống trái tim này...

Tôi và Georges bước mau tới cửa sổ. Ngay giữa đường, trọn ca đoàn của Bodo đang đứng đó.

- Chuyện gì vậy? Mở đèn mau lên. Georges!

Trong ánh đèn mờ ảo hắt từ văn phòng, chúng tôi nhận ra sự hiện diện của Bodo. Georges bảo tôi:

- Họ tới hát để tiễn đưa chú. Đừng quên chú vẫn là thành viên của ca đoàn Bodo.

Hãy ban cho người hành hương mệt mỏi

Một chút hơi ấm của cuộc đời

Nhiều cửa sổ trên đường mở tung ra. Mụ Konersmann tru tréo:

- Im đi! Khuya rồi, bọn say rượu.

Sao bắc đẩu chiếu sáng

Trên cõi vô tận xanh xanh...

Lisa nghiêng mình ra cửa sổ. Ả tưởng là dạ khúc đó dành cho ả.

Ngay lúc đó, cảnh sát tới. Một giọng hùng hổ cất oang oang:

- Giải tán ngay!

Ca đoàn vẫn tiếp tục hát. Một viên chức mặc sắc phục hô lớn:

- Náo loạn ban đêm.

Tiếp theo là giọng the thé của mụ Konersmann.

- Bắt chúng nó!

Ca đoàn Bođo gồm hai mươi ca sĩ chắc nịch. Đứng trước họ là hai trật tự công cộng. Tôi tự thấy có bổn phận nhắc nhở:

- Bodo! Nghe đây! Đừng cử động! Nhớ là không được kháng cự! Nếu không, sẽ bị phạt tù!

Bodo vừa gật đâu vừa tiếp tục hát, miệng tròn vo như trứng đà điểu.

Ôi! Em muốn được theo anh

Cùng lên tận thiên đường

Mụ Konersmann lại rú lên:

- Im! Để người ta ngủ!

Lisa chõ miệng nói với viên cảnh sát:

- Ê! Cứ để yên cho họ. Tốt hơn hết là nên tìm bắt bọn trộm cướp.

Cảnh sát bắt đầu hành động. Họ hô lớn một hai lần:

- Tất cả về bót!

Các ca sĩ không nhúc nhích. Bodo bắt đầu hát đoạn hai.

Cuối cùng, cảnh sát ra tay, mỗi người tóm lấy một đoàn viên của Bodo. Tôi lại kêu lớn:

- Đừng chống cự. Sẽ bị khép tội: chống luật pháp. Cứ để nhà chức trách làm việc.

Hai ca sĩ bị bắt ngoan ngoãn đi về bót. Những người còn lại vẫn tiếp tục hát. Trụ sở cảnh sát ở cách đó không xa nên chỉ vài phút sau họ chạy trở lại mang về thêm hai người nữa.

Ca đoàn vẫn hát nhưng giọng kim đã yếu đi. Tới lượt thứ ba, Willi bị dẫn đi, thế là không còn một giọng kim nào nữa. Chúng tôi chuyền mấy chai bia xuống:

- Bodo, vững tinh thần!

- Đừng lo. Hát tới người cuối cùng!

Cảnh sát lại chạy tới. Hết bia, chúng tôi đành hy sinh rượu mạnh. Mười phút sau, chỉ còn những ca sĩ giọng thổ nhưng họ vẫn thản nhiên để mặc cho những người đi săn đập chết bằng chài vồ. Và chính mắt tôi cũng đã từng chứng kiến một số dân tộc giữ y thái độ tiêu cực đó trong thời chiến.

Mười lăm phút sau, chỉ còn lại một mình Bodo. Cuối cùng, hắn cũng bị đưa về bót. Tôi và Georges theo sau.

Thình lình, chúng tôi lắng tai nghe. Tiếng hát từ đâu vẳng tới như phụ họa khúc hát của đoàn Bodo. Vừa qua khúc quanh ở nhà thờ, tiếng hát như từ từng trời cao vẳng xuống.

Hỡi đêm thánh, xin trút xuống

Và tới khúc quanh thứ hai, chúng tôi đã biết nơi xuất phát: trụ sở cảnh sát. Những người bạn can đảm của tôi chưa bị tước khí giới. Người ca đoàn trưởng đi vào, đầu ngẩng cao và chúng tôi lại nghe:

Hãy ban cho người hành hương mỏi mệt

Viên cảnh sát trưởng nhìn Georges:

- Thế này là sao đây, ông Kroll?

- Say mê âm nhạc. Đêm tiễn biệt một thanh niên ra thế giới bên ngoài. Giải trí vô tư, biểu trưng tinh thần dân tộc. Đáng được nhà cầm quyền khích lệ.

- Chỉ có vậy thôi?

- Chỉ có vậy.

Một cảnh sát viên chêm vào.

- Gây náo loạn ban đêm.

Tôi hỏi ông ta:

- Nhưng nếu họ hát quốc ca Deutschland, Deutschland uber alles thì sao?

- A! Đó là chuyện khác.

Georges tuyên bố với viên cảnh sát trưởng:

- Kẻ nào hát thì không trộm cắp, không giết người và cũng không tìm cách lật đổ chính phủ.

Tôi bồi thêm:

- Chẳng lẽ ông cảnh sát trưởng lại bắt giam những công dân hiền hòa chẳng phạm một tội nào cả.

Viên cảnh sát trưởng xua tay:

- Tống họ ra hết đi. Nhưng nhớ là phải giữ trật tự!

- Không sao đâu, tôi xin hứa. Dường như ông không phải là người Phổ.

- Tôi là người Franconie.

Georges gật gù:

- Tôi đoán không sai.

Chúng tôi đang ở nhà ga. Gió thổi mạnh từng cơn. Ngoài chúng tôi ra không còn ai trên bến.

- Georges, anh nên lên thăm tôi. Tôi sẽ quậy tung cả Bá Linh lên để giới thiệu những cô nàng trong mộng anh. Lúc anh tới, thế nào cũng có ba bốn nàng túc trực.

- Tôi sẽ lên thăm chú.

Tôi biết là Georges không nói thật nên gài thêm:

- Có lên đó anh mới có dịp mặc cái áo đuôi tôm chớ ở đây thì có cơ hội nào để mặc?

- Đúng lắm.

Chiếc xe lửa trố đôi mắt vàng vọt soi màn đêm.

- Cất cao ngọn cờ, Georges! Anh biết là bọn mình bất tử mà.

- Đúng. Và chú cũng phải luôn thận trọng, chú đã từng vượt thoát nhiều trận, không có quyền để cho gục ngã.

- Tất nhiên. Kỷ niệm tình chiến hữu, sống chung trong hầm núp và v.v… Valentine chẳng hạn.

Georges không đáp, chỉ lẳng lặng hút thuốc. Xe lửa vào ga, thở phì phò như sắp phải chở theo năm trăm người đang đợi, nhưng trên sân ga chỉ có một mình tôi là hành khách. Tôi lên toa. Mùi mồ hôi chua chua và mùi khói thuốc đông lạnh. Tôi hạ cửa kính xuống, đầu thò ra Georges nói lớn:

- Nên biết khước từ hơn là để mát.

- Ai nói với anh về chuyện khước từ?

Xe lăn bánh. Tôi với chụp bàn tay Georges, bàn tay quá nhỏ và quá mềm vẫn còn mang thương tích trong trận đánh ở khu chợ mới. Xe đã chạy mau. Georges như bị bỏ lại, trông anh như già hơn và xanh hơn. Tôi chỉ còn thấy bàn tay trắng muốt của anh và khuôn mặt mờ ảo rồi tất cả chìm vào bóng tối và trời cao.

Trong phòng, một hành khách đeo kính cặp mũi ngồi thở dốc ở một góc, bên cạnh anh ta là một nhân viên thủy lâm ngủ gật. Một anh chàng to lớn có râu mép ngáy một cách tận tình và một bà đội nón lệch, má xệ, thở ra qua kẽ răng.

Cơn buồn soi mói dạ dày. Tôi mở va-li ra. Bà Kroll đã lo cho tôi một ít bánh mì quết bơ để ăn lúc đi đường. Không tìm thấy, tôi kéo va-li xuống để trên ghế dài. Bà đội nón lệch hé một mắt giận dữ nhìn tôi rồi nhắm lại, tiếp tục thở rít qua kẽ răng như chọc tức.

Bây giờ tôi đã hiểu tại sao không tìm thấy ngay mấy miếng bánh. Chúng nó bằm nép dưới chiếc áo đuôi tôm của Georges.

Vậy là Georges đã nhân lúc tôi đi ra ngoài lo việc bán cái tháp để lén bỏ vào va-li tôi. Tôi cảm động nhìn màu nỉ đen của chiếc áo đuôi tôm, rồi lấy bánh ra ăn. Cả phòng chợt thức giấc vì mùi bánh mì nóng và mùi giò chả. Tôi cứ thản nhiên nhai. No bụng, tôi sửa bộ ngồi cho thật êm mơ màng nhìn bóng đêm nhấp nháy những ánh đèn, tôi nghĩ tới Georges, tới cái áo đuôi tôm của anh lén lút cho tôi, tôi nghĩ lới Isabelle, tới Hermann Lotz, hiệp sĩ tay sắt, tới cái tháp tưởng niệm đen và cuối cùng không nghĩ thêm gì nữa.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3