Biệt thự Hà Lan - Chương 04
IV
GÒ NỔI TRÊN SÔNG AM-XTEC-ĐI-EP
Đó không phải là một cuộc theo dõi thật đúng nghĩa của từ ấy. Dẫu thế nào đi nữa, Me-grê cũng không bao giờ có cảm tưởng rằng ông đi do thám một ai.
Ông ra khỏi nhà Pô-pin-ga. Ông bước đi vài bước. Nhận ra hai người phía bờ bên kia sông đào, ông dừng hẳn lại để quan sát họ. Ông không ẩn núp. Ông đứng sừng sững bên bờ sông, răng cắn tẩu, tay thọc vào túi.
Nhưng có lẽ vì ông không ẩn núp, những người kia không trông thấy ông và vì họ đang say sưa theo đuổi câu chuyện mà khoảnh khắc này đâm ra có một cái gì cảm động.
Bờ sông đào mà hai người đang đứng không có người ở. Một gian nhà kho đứng giữa một công trường có hai con tàu nằm trên cạn được chống bằng những tấm ván dày. Những chiếc ca-nô mục nát ngoài mép nước.
Cuối cùng, ngay trên sông, những thân cây chỉ để lộ ra một hai thước chiều rộng mặt nước và mang lại cho phong cảnh một mùi hương xứ lạ.
Lúc đó là chiều tối. Bóng chạng vạng bao trùm; tuy nhiên không khí vẫn trong veo, khiến cho những sắc màu hoàn toàn tinh khiết.
Tĩnh lặng đến ngạc nhiên, và tiếng ếch ộp oạp từ cái ao xa xa làm giật mình.
Ông chủ đang nói. Ông không cao giọng. Nhưng người ta cảm thấy ông dằn từng tiếng, ông muốn người ta hiểu ông hay vâng lời ông. Đầu cúi xuống, chàng trẻ tuổi mang sắc phục chuẩn úy lắng nghe. Anh ta xỏ đôi găng tay trắng làm thành hai vệt sáng chói duy nhất trong bức phong cảnh.
Đột nhiên có một tiếng gọi xé tai. Một con lừa bắt đầu rống lên trong một cánh đồng phía sau lưng Me-grê. Và thế là đủ để làm tan sự diệu kì. Ôx-tinh nhìn về phía con vật đang gây sự với trời, trông thấy Me-grê, lão để mặc ánh mắt lướt trên người ông này mà chẳng hề nhúc nhích.
Lão còn nói vài lời nữa với người bạn, rồi đút cán cái tẩu đất vào miệng và đi về phía thị trấn.
Điều ấy chẳng có ý nghĩa gì, chẳng chứng tỏ gì hết. Me-grê cũng bước đi, và hai người đi song song mỗi người trên một bến sông Am-xtec-đi-ep.
Nhưng con đường mà Ôx-tinh đi theo sớm cách ra xa bờ sông. Chẳng bao lâu Ông chủ đã khuất dạng sau những nhà kho mới. Trong gần một phút nữa người ta còn nghe tiếng guốc của lão nện nặng nề trên đất.
Lúc ấy đã là đêm, chỉ có một quầng sáng gần như không cảm thấy được. Đèn đóm vừa thắp lên trong thị trấn và dọc sông đào, ánh đèn ngừng lại ở bên kia ngôi nhà của gia đình Vi-ê-nan.
Bờ sông bên kia không có người ở, nằm trong bóng tối. Me-grê quay lại mà không biết tại sao. Ông càu nhàu vì con lừa lại mới rống lên một tiếng tuyệt vọng.
Và ông nhìn thấy ở đằng xa, xa hơn những ngôi nhà, hai cái vệt trắng nhảy nhót bên trên sông đào. Đôi găng tay của Cor-nê-li-uýt.
Nếu người ta không chủ tâm, và nhất là nếu quên mất rằng mặt trước chất đầy cây gỗ, thì quang cảnh ấy thật ma quái.
Những bàn tay khua động trong chân không. Thân người lẫn vào đêm. Và trên mặt nước phản chiếu ánh sáng của ngọn đèn điện cuối cùng.
Không còn nghe thấy tiếng bước chân của Ôx-tinh nữa. Me-grê đi về phía những ngôi nhà cuối cùng, lại đi qua trước mặt nhà Pô-pin-ga, rồi trước mặt nhà Vi-ê-nan.
Ông vẫn không giấu mình, nhưng ông biết rằng chính ông cũng hòa lẫn vào bóng đêm. Ông dõi mắt theo đôi găng tay. Ông hiểu. Cor-nê-li-tuýt, muốn khỏi phải đi vòng qua thị trấn để gặp chiếc cầu bắc ngang sông đào, đã vượt sông nhờ những thân cây kết thành bè. Đến giữa dòng, cậu phải nhảy một bước dài hai thước. Đôi tay trắng khua động mạnh hơn, vẽ nên một đường cong rất nhạnh và nước vỗ lóc bóc.
Vài giây sau, cậu bước đi dọc sông, Me-grê theo sau chừng một trăm thước.
Cả hai bên đều vô ý thức, vả lại Cor-nê-li-uýt chắc không biết đến sự có mặt của Me-grê. Vậy mà ngay từ những bước đầu tiên hai người đã bước cùng một nhịp, đến mức cả tiếng xào xạo của xi rải đường cũng hòa lẫn vào nhau.
Me-grê nhận thức được điều đó vì có lúc bàn chân ông vấp một cái, thì trong khoảng một phần mười giây sự đồng bộ không còn được tuyệt đối.
Ông không biết là ông đi đâu. Tuy vậy bước đi của ông trở nên nhanh hơn khi chàng trẻ tuổi bước nhanh hơn. Hơn thế nữa, ông cảm thấy mình dần dà bị cuốn theo một cơn chóng mặt thế nào đó.
Lúc đầu, bước đi dài và đều đều. Bước ngắn dần.
Rồi dồn dập.
Đúng vào lúc Cor-nê-li-uýt đi qua trước mặt công trường gỗ thì một cuộc hòa tấu thực sự của những con ếch bùng lên và chàng trai đứng sững lại.
Cor-né-li-uýt sợ chăng? Bước đi tiếp tục, nhưng so le hơn, đôi lúc lại do dự, ngược lại có những lúc hai ba bước gấp gấp khiến người ta có thể cho rằng cậu ta sắp sửa chạy.
Sau đó thì hết cả yên lặng vì bản đồng ca ếch không ngưng lại nữa. Nó tràn ngập cả màn đêm.
Và bước đi càng nhanh hơn. Hiện tượng lại tiếp tục: Me-grê, khi ráng sức bước đi cùng nhịp với người bạn đồng hành, đã cảm nhận được hoàn toàn tâm trạng của cậu ta.
Cor-nô-li-uýt sợ! Cậu đi nhanh vì cậu sợ! Cậu hối hả để đi đến nơi. Nhưng khi cậu đi qua gần một bóng đen có góc cạnh kì dị, đống gỗ, cái cây chết hay bụi rậm, bàn chân cậu có đến hơn một phần mười giây chới với trên không.
Con sông đào uốn khúc. Cách xa một trăm thước, về hướng trang trại, là khoảng không gian ngắn được ánh đèn biển rọi sáng.
Và chàng trai dường như lảo đảo trước luồng ánh nắng. Cậu quay lưng lại. Cậu chạy qua luồng sáng mà vẫn quay lưng lại.
Cậtt đã vượt qua chỗ sáng và vẫn còn quay lại, trong khi Me-grê bình thản bước vào, với tất cả tầm vóc dài rộng và với trọng lượng của ông. Chàng trai không thể không nhìn thấy ông. Cậu dừng lại. Đủ thì giờ lấy lại hơi, rồi lại đi.
Vùng sáng đã ở sau lưng bọ. Trước mặt là một khung cửa sổ sáng đèn: cửa sổ của trang trại. Tiếng ếch chẳng đi theo họ đó sao? Họ đã đi xa lắm mà tiếng ếch vẫn gần bên, bao bọc lấy họ như thể lũ vật ấy có đến hàng trăm hàng trăm con tháp tùng theo họ.
Một bước dừng đột ngột, dứt khoát ở cách ngôi nhà một trăm thước. Một bóng người tách khỏi một thân cây. Một giọng nói xì xào.
Me-grê không muốn quay lại phía sau. Như thế thật lố bịch, ông không muốn ẩn núp. Thêm vào đó, đã quá muộn bởi vì ông đã đi qua những luồng ánh đèn.
Người ta biết có ông ở đó. Ông tiến lên phía trước, chậm rãi, bối rối vì không còn một bước chân khác để dội lại bước chân ông.
Bóng tối dầy đặc vì có hai cái cây vòm lá rậm rì ở hai bên đường. Nhưng có một chiếc găng tay trắng đặt lên một vật gì.
Mội cái ôm ghì. Bàn tay Cor-nê-li-uýt sau lưng một cô gái, cô Bét.
Còn nhiều nhất năm mươi thước nữa... Me-grê dừng lại một lát, rút bao diêm trong túi ra, bật một que châm lên tẩu. Và như vậy, đánh dấu vị trí chính xác của mình.
Khi ông tiến tới, đôi tình nhân động đậy, Khi ông chỉ còn cách mười thước, cái bóng của Bét tách ra, đến đứng ở giữa đường, quay mặt về phía ông như chờ đợi. Và Cor-nô-li-uýt vẫn tựa lưng vào một thân cây.
Tám thước...
Sau lưng họ, cửa sổ trang trại vẫn sáng đèn. Chỉ là một khung hình chữ nhật đỏ mờ.
Đột nhiên một tiếng kèn ồ ồ, không thể nào miêu tả, một tiếng kêu sợ hãi, bứt dứt, thuộc loại những tiếng kêu thường đi trước tiếng nức nở và nước mắt, giống như một tiếng tách mở chốt hầm.
Chính là Cor-nê-li-uýt đang khóc, tay ôm lấy đầu. Cậu dán mình vào thân cây như là để tự che chở.
Bét đứng trước mặt Me-grê. Cô khoác một chiếc áo măng tô, nhưng viên chỉ huy trưởng nhận thấy bên trong người cô là chiếc áo ngủ, hai ống chân trần, bàn chân cũng đi trần trong đôi dép lê.
- Ông đừng để ý..
Cô thì cô rất thản nhiên. Thậm chí còn ném cho Cor-né-li-uýt một cái nhìn trách cứ và sốt ruột.
Cậu tự quay lưng lại. Cậu gắng tự trấn tĩnh, nhưng không được và cậu hổ thẹn vì sự sợ hãi của mình.
- Anh ấy bứt rứt... Anh ấy tin là...
- Cậu ấy tin làm sao?
- Người ta sắp buộc tội cho anh ấy.
Chàng trai tiếp tục đứng tách riêng ra. Cậu lau mắt. Phải chăng cậu sắp vắt chân lên cổ chạy trốn?
- Tôi chưa buộc tội ai hết! - Me-grê nói cho có chuyện.
- Phải vậy không ông?
Và, quay về phía cậu bạn, cô nói với cậu bằng tiếng Hà Lan, Me-grê tin là ông hiểu được hay đúng hơn là ông đoán được.
- Anh thấy đấy! Ông chỉ huy trưởng không buộc tội cho anh đâu! Anh phải bình tĩnh lại... Trẻ con quá...
Nhưng cô bỗng im bặt. Cô đứng bất động, giỏng tai nghe ngóng, Me-grê không nghe thấy gì hết. Vài giây sau ông tưởng rằng ông cũng có cảm thấy một tiếng kêu rắc ở phía đằng trại.
Như thế cũng đủ khiến cho Cor-nê-li-uýt linh hoạt trở lại. Anh nhìn khắp xung quanh, nét mặt phờ phạc, các giác quan thức tỉnh.
Không ai nói năng gì.
- Anh có nghe thấy không?... - Bét nói trong hơi thở. Chàng trai muốn tiến về phía nơi phát ra tiếng động, với sự can đảm của một chú gà trống tơ. Cậu thở rất mạnh.
Muộn quá rồi... Kẻ thù đã gần hơn người ta dự đoán rất nhiều.
Cách xa mười thước, một bóng người vươn cao, thoạt nhìn đã nhận ra ngay: bóng ông chủ trại Li-ê-ven, dưới chân ông có đôi giày vải.
- Bét! - Ông ta gọi.
Cô không dám trả lời ngay lập tức. Nhưng vì ông bố lại gọi lại tên cô, cô thở dài mội cách sợ hãi:
- Vâng!...
Li-ê-ven vẫn tới. Thoạt tiên ông ta đi qua trước mặt Cor-nê-li-uýt, làm như không thấy cậu này. Có thể ông chưa nhìn thấy Me-grê chăng?
Thế mà đến đúng trước mặt Me-grê, ông đứng lại, hai lỗ mũi phập phồng vì giận dữ. Ông ghìm mình. Ông im lìm một cách nghiêm khắc. Khi ông nói, là ông quay đầu về phía cô con gái, và nói với một giọng sắc bén váng tai.
Hai hay ba câu thôi, cô vẫn đứng cúi đầu. Lúc đó ông nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần chỉ nguyên một tiếng với giọng chỉ huy và Bét nói bằng tiếng Pháp:
- Bố muốn tôi nói với ông...
Bố cô theo dõi cô để đoán xem cô dịch lời ông có chính xác không.
- ... rằng ở Hà Lan các thám tử không hẹn hò ban đêm với các cô gái, ở ngoài đồng.
Me-grê đỏ mặt như ít khi thấy xảy ra ở ông. Một luồng máu nóng bốc lên ù cả tai.
Sự buộc tội mới ngu ngốc làm sao! Nó bộc lộ một tà ý đến thế nào!?
Bởi vì, cuối cùng thì Cor-nê-li-uýt đang sờ sờ ở đây trong bóng tối, mắt lo âu, vai so cả lại!...
Và dù sao ông bố cũng phải biết rõ ràng Bét ra khỏi nhà chính là vì cậu ấy. Vậy thì?... Trả lời sao đây? Nhất là lại phải qua một người phiên dịch?
Vả lại người ta thậm chí cũng chẳng đợi câu trả lời. Ông chủ trại bật ngón tay như để gọi chó, chỉ đường cho cô con gái đang trù trừ, quay mặt về phía Me-grê, cô không dám nhìn người tình và cuối cùng bước đi đằng trước ông bố.
Cor-nê-li-uýt vẫn không động đậy. Tuy nhiên cậu giữ tay lên như để giữ ông chủ trại lại khi ông đi qua nhưng rồi cậu lại thả tay xuống. Ông bố và cô con đi xa dần. Sau đó có tiếng cánh cửa trang trại kêu lạch cạch.
Trong lúc màn kịch diễn ra, thì những con ếch có im tiếng hay không? Không thể khẳng định được, nhưng bây giờ bản hòa tấu của chúng hòa thành một sự huyên náo váng óc.
- Anh nói được tiếng Pháp chứ?
Cor-nê-li-uýt không trả lời.
- Anh nói được tiếng Pháp chứ?
- Chút xíu...
Cậu nhìn Me-grê một cách thù ghét, chỉ miễn cưỡng hé răng, đứng xéo xéo như để làm nhỏ bớt mục tiêu tấn công.
- Tại sao anh sợ hãi đến thế? - Những giọt nước mắt tuôn ra, nhưng không có tiếng nức nở. Cor-nê-li-uýt xì mũi rất lâu. Hai bàn tay cậu run lên, có thể cậu lại sắp lên cơn lần nữa?
- Anh sợ người ta buộc cho anh tội giết giáo sư thật à?
Me-grê nói thêm với một giọng cục cằn:
- Đi nào!...
Ông đẩy cậu đi về hướng thị trấn, ông nói dài, bởi ông cảm thấy đến phân nửa lời ông lọt ra ngoài tai người nghe.
- Anh sợ cho anh à?
Một thằng nhóc! Khuôn mặt gầy guộc, chưa có nét rõ ràng, nước da nhợt nhạt. Đôi vai hẹp trong bộ đồng phục bó sát. Chiếc mũ cát két chuẩn úy hàng hải hoàn toàn đè bẹp cậu, khiến cậu trông như một đứa trẻ ranh mặc đồ lính thủy.
Và sự thiếu tự tin trong mọi thái độ, trong biểu hiện của nét mặt. Nếu như Me-grê nói lớn tiếng, chắc là cậu đã giơ tay lên để đỡ đòn. Tuy nhiên, cái băng tay đen tạo cho cậu một sự khắc khổ đáng thương. Chẳng phải trước đây một thằng thằng bé đã được tin mẹ chết bên Ấn Độ, có thể đúng vào một buổi tối mà ở Đen-phơ-di nó đang rất vui vẻ, có thể tối đó là vũ hội mãn khóa ở trường. Cậu sẽ trở về nhà sau hai năm nữa, với cấp bậc phó ba và bố cậu sẽ chỉ cho cậu một nấm mồ cũ kĩ, thậm chí cả một người đàn bà khác ở trong nhà.
Và cuộc sống sẽ lại bắt đầu trên một con tàu lớn, những giờ trực ca, những bến ghé, Giava-Rot-tec-đam, Hốt-tec-đam-Gia-va, hai ngày ở đây, năm bảy giờ ở đó...
- Lúc giáo sư bị giết thì anh ở đâu?
Tiếng nức nở vọt ra, dữ dội, gào xé. Cậu bé nắm lấy hai ve áo của Me-grê trong đôi bàn tay xỏ găng trắng đang run lên, vặn vẹo.
- Không đúng, không đúng. - Cậu nhắc đi nhắc lại ít nhất hàng chục lần... - Nein... Ông không hiểu... Không... Không!... Không đúng!
Họ lại va phải cái luồng sáng trắng sữa của ngọn đèn biển. Ánh sáng khiến họ quáng mắt, tạc nổi hẳn lên mọi chi tiết của thân thể họ.
- Anh ở đâu?
- Ở đằng kia..
Đằng kia, đó là ngôi nhà của ông bà Pô-pin-ga, là con sông đào mà chắc cậu đã có thói quen vượt qua bằng cách nhảy từ thân cây này sang thân cây khác.
Chi tiết này thật nghiêm trọng. Pô-pin-ga chết vào lúc mười hai giờ kém năm. Cor-nê-li-uýt về đến vào lúc mười hai giờ năm.
Thế mà, để vượt hết chặng đường theo lối đi thông thường, nghĩa là đi qua thị trấn, thì phải mất gần ba mươi phút.
Nhưng chỉ mất sáu hay bảy phút nếu vượt sông theo lối nọ, tránh đoạn đường vòng.
Me-grê bước đi, nặng nề và chậm chạp, bên một chàng trai trẻ đang run lên như tàu lá và lúc mà tiếng lừa lại rống lên vang dội, Cor-né-li-uýt rùng mình, run rẩy từ đầu đến chân như thể sắp vắt chân lên cổ chạy trốn đến nơi.
- Anh yêu cô Bét à?
Im lặng bướng bỉnh.
- Anh đã nhìn thấy cô quay lại sau lúc ông giáo sư của anh tiễn cô về?
- Không đúng đâu!... Không đúng!.. Không đúng.
Me-grê suýt nữa thì trấn an cậu ta bằng một trận đấm.
Tuy nhiên ông lại nhìn cậu bằng ánh mắt khoan dung, có thể còn trìu mến:
- Ngày nào anh cũng gặp Bét à?
Lại im lặng.
- Anh phải về tàu lúc mấy giờ?
- Mười giờ... Trừ khi có phép... Khi tôi đến nhà giáo sư, tôi có thể...
- Về muộn hơn! Vậy tối hôm đó thì không à?
Họ đã đến bờ sông, ở ngay chỗ Cor-nê-li-uýt đã vượt sông. Me-grê, hoàn toàn tự nhiên, đi về phía những thân cây, đặt chân lên một khúc, suýt ngã xuống nước vì không quen và vì gỗ lăn dưới đế giày ông.
Cor-né-li-uýt chần chừ.
- Đi nào! Sắp mười giờ rồi...
Cậu bé ngạc nhiên. Chắc cậu trông đợi sẽ không còn bao giờ thấy lại con tàu, sẽ bị bắt, ném vào nhà tù.
Và đấy kìa, ông chỉ huy trưởng ghê gớm lại đưa cậu về, ông cũng lấy đà để nhảy vọt lên qua hai thước nước giữa dòng sông như cậu. Họ làm bắn bùn lên người nhau. Lên đến bờ bên kia, Me-grê dừng lại để chùi ống quần.
- Đây là đâu?
Ông chưa từng đi bên bờ này. Đó là một bãi đất rộng bỏ hoang nằm giữa sông Am-xtec-đi-ép và con sông đào mới, rộng và sâu, tàu biển có thể vào được.
Khi quay trở lại, viên chỉ huy trưởng trông thấy một khung cửa sổ sáng đèn trên lầu một nhà Pô-pin-ga. Có một bóng người, bóng cô A-ni đang chuyển động sau rèm. Đó là phòng làm việc của Pô-pin-ga.
Nhưng người ta không thể đoán cô luật sư trẻ đang cặm cụi vào việc gì.
Cor-nê-li-uýt đã bình tâm được một chút.
- Tôi thề... - Cậu ta bắt đầu nói.
- Không!
Tiếng đó làm cậu ta chưng hửng. Cậu nhìn ông bạn đồng hành một cách sửng sốt đến nỗi Me-grê phải đập vào vai cậu mà nói:
- Không bao giờ được thề bồi. Nhất là trong tình trạng của cậu... có phải cậu định cưới Bét?
- Vâng! Vâng!...
- Bố cô ấy có chịu không? Im lặng. Đầu cúi xuống, Cor-nê-li-uýt cứ bước đi giữa những con thuyền cũ nát nằm trên cạn, ngổn ngang trên bãi đất.
Trông thấy mặt sông đào Emx rộng rinh. Ở một khuỷu sông, sừng sững một con tàu lớn sơn đen trắng, sáng bừng tất cả các lỗ cửa tròn. Mũi tàu dáng cao. Một cột buồm với những trục buồm.
Đó là một con tàu cũ của hải quân Hà Lan, một con tàu có đến trăm tuổi, không còn chạy được nữa, người ta neo ở đó để cho học sinh trường Hàng hải.
Xung quanh tàu, những bóng người tối tối, những đốm lửa thuốc lá. Một tiếng đàn pi-a-nô vọng từ phòng giải trí.
Đột nhiên một tiếng chuông khua bay bổng, trong khi tất cả những bóng người rải rác trên bếp họp thành một bầy ong ở đằng trước cầu tầu và đằng xa, trên đường đi thị trấn, bốn kẻ trễ giờ đang chạy về.
Đúng là một cảnh nhập trường, mặc dù tất cả những chàng trai từ mười sáu đến hai mươi hai tuổi này đều mang đồng phục sĩ quan hàng hải, găng tay trắng, mũ cát két cứng có viền kim tuyến.
Một hạ sĩ già, khuỷu tay chống lên bao lơn tàu, vừa hút tẩu vừa nhìn họ diễu qua từng người một.
Thật là cảm kích, trẻ trung, hoan hỉ. Những lời bỡn cợt chen ngang nhau, Me-grê nghe chẳng hiểu gì.
Những điếu thuốc bị quăng đi lúc vọt qua cầu tàu. Và, lên đến tàu rồi, những cuộc chạy đuổi lại tiếp tục, cùng những đòn đánh dứ lẫn nhau.
Những kẻ về trễ, chạy về đến cầu tàu, hết cả hơi.
Cor-nô-li-uýt, nét mặt bơ phờ, mắt đỏ hoe, cái nhìn xốn xang, quay về phía Me-grê.
- Đi đi thôi!... - Ông lầm bầm.
Cậu hiểu ông qua cử chỉ hơn là qua lời nói, cậu đưa tay lên mũ vụng về phác ra một kiểu chào nhà binh, mở miệng toan nói.
- Thôi được rồi!... Chuồn đi!.
Vì viên hạ sĩ sắp đi về, trong khi một học sinh nhận phiên trực ở cửa tàu.
Qua những lỗ cửa tròn, có thể nhìn thấy đám trai trẻ mở võng, ném bừa quần áo.
Me-grê đứng nguyên một chỗ cho tới khi đã trông thấy Cor-né-li-uýt vào trong phòng, rụt rè, khó chịu, nghiêng vai, nhận một chiếc gối ném giữa mặt và tiến về một trong những chiếc võng ở cuối phòng.
Một màn kịch khác sắp bắt đầu, còn căng thẳng hơn. Viên chỉ huy trưởng đi chưa được mười bước về hướng thị trấn thì trông thấy Ôx-tinh. Cũng như ông, lão vừa đến chứng kiến cảnh nhập trường của đám học sinh.
Cả hai người đều một trạc tuổi, lớn con, nặng nề, bình thản.
Người nọ cũng như người kia, cả hai chẳng kì khôi làm sao khi đến đây ngắm những thằng nhóc leo lên võng và đánh nhau bằng gối?
Họ chẳng có cái vẻ của những gà mái mẹ to xù đứng trông chừng một chú gà nhiếp phiêu lưu đó sao?
Họ nhìn nhau. Ông chủ không nhúc nhích, nhưng chạm tay vào vành mũ cát két.
Họ đều biết trước rằng mọi sự trò chuyện giữa hai bên đều không thể có, vì họ không nói cùng thứ tiếng.
- Goed avond... - tuy nhiên người đàn ông Uốc-kum vẫn lầm bầm.
- Ngủ ngon! - Me-grê đáp như một tiếng vọng.
Họ cùng đi theo một con đường, con đường qua khoảng hai trăm thước thì biến thành đường phố đâm vào thị trấn.
Họ bước đi gần như cùng một tốc độ. Để tách khỏi nhau, phải có một trong hai người bước chậm lại một cách rõ ràng, mà cả hai đều không muốn làm như thế.
Ôx-tinh đi guốc. Me-grê vận thường phục. Cả hai đều hút tẩu, chỉ khác một điều là tẩu của Megrê bằng gỗ thạch thảo còn tẩu của ông chủ thì bằng đất sét trắng.
Ngôi nhà thứ ba mà họ trông thấy là một quán cà-phê và Ôx-tinh đi vào đó, sau khi đã dộng đôi guốc mà sau đó ông cũng bỏ lại trên tấm thảm rơm, theo phong thái Hà Lan.
Chỉ sau một giây suy nghĩ, Me-grê cũng bước vào, có khoảng chục thủy thủ đường biển và đường sông ngồi quanh cùng một cái bàn, hút tẩu và xì-gà, uống bia và rượu đỗ tùng.
Ôx-tinh siết tay vài người, chọn một chiếc ghế và ngồi xuống một cách nặng nề, nghe mọi người nói chuyện.
Me-grê ngồi tách ra, cảm thấy rằng thực ra tất cả đều tập trung chú ý vào mình. Người chủ quán, ngồi trong bọn, đợi một lúc trước khi đến hỏi vị khách nước ngoài uống gì?
Rượu đỗ tùng chảy từ một bồn nước bằng sứ và bằng đồng. Ở đây chính mùi vị của nó ngự trị, cũng như trong mọi quán cà-phê Hà Lan, tạo nên cái không khí khác hẳn với một quán cà-phê Pháp.
Đôi mắt nhỏ tí của Ôx-tinh lóe cười mỗi khi nhìn vào viên chỉ huy trưởng. Ông này duỗi dài đôi chân rồi gập lại dưới ghế, rồi lại duỗi ra, nhồi một nõ thuốc để giữ vẻ bình thản.
Chủ quán đứng lên, chủ bụng để đến châm lửa cho ông.
- Moie veer!
Me-grê không hiểu, nhíu mày lại, khiến người kia nhắc lại:
- Moie veer, ya... Oost vind..
Tất cả những người khác lắng nghe, huých khuỷu tay vào nhau. Có một người chỉ ra cửa sổ, bầu trời đầy sao:
- Moie veer!... Thời tiết tốt!
Và anh ta tìm cách giải thích rằng gió thổi từ hướng đông, và như thế là rất hoàn hảo.
Ôx-tinh chọn xì gà trong một cái thùng. Lão khua khua năm hay sáu điếu mà người ta đặt trước mặt lão.
Như cố phô bày, lão cầm lấy một điếu xì-gà Ma-ni đen như than, cắn một đầu nhổ xuống đất trước khi châm lửa.
Rồi lão, chỉ chiếc mũ cát két mới cho các bạn:
- Vier gulden.
Bốn đồng tiền vàng Hà Lan! 40 phơrăng! Mắt lão vẫn luôn luôn cười cợt.
Nhưng có một người đi vào, mở một tờ nhật báo.
Báo nói về giá cước vận tải mới nhất ở sở giao dịch Am-xtec-đam.
Và trong cuộc chuyện trò náo nhiệt tiếp sau đó, giống như một cuộc tranh cãi vì những giọng nói oang oang và sự gay gắt của những âm tiết, người ta quên mất Me-grê, ông rút tiền lẻ trong túi ra và đi về khách sạn Van Hát-xen ngủ.