Nhiếp chính Ỷ Lan - Chương 6 phần 2

Tên quan châu chưa kịp hiểu ra sao thì đã bị toán người ngồi ngoài hiên xông vào trói giật cánh khuỷu. Hiểu nỗi nguy khốn, hắn hoảng hốt thét:

- Cướp? Bay đâu! Hãy bắt bọn cướp!

Nghe tiếng kêu cứu của quan châu, lính canh và gia nhân hắn chạy xô tới.

Một võ sĩ rút kiếm giấu trong đòn ống nhảy một bước ra hiên, thét vang như sấm:

- Các ngươi không được vô lễ với nhiếp chính Ỷ Lan. Trái lệnh, ta chém.

Tên quan châu chợt hiểu. Sấm động trên đầu hắn. Đất sụt dưới chân hắn. Hắn kinh hoàng rú lên rồi ngã vật xuống.

Từng nghe oai danh của Ỷ Lan, mọi người sững lại rồi đứng bất động trong nỗi sợ hãi đến tột đỉnh.

Vừa lúc ấy Ỷ Lan – cô gái đẹp ấy chính là Ỷ Lan – cất giọng đường bệ:

- Thay mặt hoàng đế, ta nhiếp chính Ỷ Lan hạ lệnh cách chức và tống ngục quan châu Nguyễn Văn Bảo, tịch thu gia sản đem chia ngay cho dân đói.

Nguyễn Văn Bảo mặt tái xanh, lắp bắp, run rẩy:

- Tâu nhiếp chính. Xin nhiếp chính tha cho hạ thần tội chết.

Ỷ Lan hạ lệnh cho võ sĩ:

- Ngay ngày hôm nay giải Nguyễn Văn Bảo về kinh.

Dứt lời Ỷ Lan cùng hai thị nữ và các hoạn quan hầu cận bước sang công đường. Cũng ngày hôm ấy, dưới danh nghĩa hoàng đế, Ỷ Lan xuống chiếu bổ nhiệm quan châu mới và gấp hạ lệnh bãi các cuộc truy lùng bọn cướp.

Viên quan châu mới tỏ ý lo lắng:

- Tâu nhiếp chính! Thần không hiểu ngụ ý mệnh lệnh này.

Ỷ Lan cười độ lượng:

- Ta cho rằng, dân bị cơn đói thúc bách mà sinh loạn. Bãi bỏ lệnh truy lùng bọn cướp ta muốn tỏ cho chúng thấy ta không coi chúng là cướp để mở đường cho dân trở về đời sống lương thiện.

- Tâu nhiếp chính! Nếu bọn cướp không nghe giáo lệnh tự giải tán?

Ỷ Lan quả quyết:

- Ngươi hãy thác lời ta truyền lệnh: từ nay hễ ai mang vác cày bừa, nông cụ, đều được coi là dân lành, quan lại không được hỏi. Nhưng hễ ai còn mang vác binh khí, lẩn quất không về gia đình sẽ bị coi là trộm cướp và bị bắt hạ ngục. Nếu có hành động chống đối sẽ bị hạ sát ngay. Ta tin rằng việc mở kho phát chần để dân tạm có cái ăn rồi ghép dần vào khuôn khổ, tất sẽ dẹp được loạn.

Viên quan châu vỡ lẽ:

- Nhiếp chính thật là người có bản lĩnh, có lượng cả. Hiểu dân hóa ra trộm cướp là bất đắc dĩ cho nên không coi trộm cướp là trộm cướp ấy là việc xưa nay chưa thấy ai làm. Riêng thần mới được bổ nhiệm, chưa đảm đang việc lớn bao giờ nên trong lòng rất lo.

Ỷ Lan chậm rãi:

- Ta rất hiểu bụng ngươi. Nghiệp trị nước không có trường dạy nên càng cần phải học hỏi. Thói thường, quyền lực và danh vọng dễ làm thay đổi con người. Nhưng kẻ có quyền lực chỉ có thể giết chết được người chứ không giết chết được lòng người. Theo ta, người có đức lấy khoan dung mà trị dân. Sự khoan dung ví như nước mắt. Theo ta, một người giỏi trị nước là phải ứng hợp cả hai mặt khoan dung và nghiêm lệnh như sự phối hợp giữa tay phải và tay trái của một con người.

- Nhiếp chính kiến giải thật là sắc sảo.

Ỷ Lan bật cười:

- Nhưng từ biết đến làm, từ làm hỏng đến làm được là chặng đường dài. Người có tấm lòng sẽ đi được chặng thứ nhất. Người biết sửa mình sẽ đi được cả hai chặng đường.

Viên quan châu phấn chấn:

- Chỉ đến lúc này thần mới thực tin loạn ở Định Nguyên không cần phải đánh dẹp cũng tan.

- Nhưng việc không chỉ có vậy. - Ỷ Lan nói thêm, – Trị loạn không khó bằng giúp dân yên nghiệp làm ăn. Dân sinh ra trộm cướp là vì đói lạnh, nay trở về đời sống lương thiện mà vẫn đói lạnh thì sớm muộn cũng lại hóa ra trộm cướp. Cho nên phàm là cha mẹ dân, nguyện lấy thân mình đưa đường cho thiên hạ, phải biết giúp dân tính kế lâu dài. Xem việc trị nước của các bậc đế vương, ta nghiệm ra rằng thời nào vua và quân thần đua nhau ăn chơi hưởng lạc chỉ nghĩ cách vơ vét sức dân thì sớm muộn sẽ sinh loạn, triều đại ấy sẽ đổ. Ngược lại, thời nào từ vua đến quan ăn ở mộc mạc, biết thương dân, dạy bảo dân cách làm ăn thì triều ấy sẽ thịnh trị. Một người biết lo bằng cả kho người làm là thế. Lấy châu Định Nguyên làm ví dụ. Việc cần lúc này là vừa trấn an dân chúng vừa khuyên dân chăm việc ruộng rẫy, lại phải biết nêu gương liêm khiết. Ngoài nghề làm ruộng còn phải lo chăn nuôi, trồng củ. Ngươi có thể định cho mỗi nhà phải trồng bao nhiêu sắn trong những cánh rừng bạt ngàn kia, mỗi nhà phải nuôi bao nhiêu lợn, gà, trâu, bò để trong hạt, nhà nào cũng đủ miếng ăn. Quan lại dân chúng đều giàu có. Nhà nào không giàu thóc lúa cũng phải giàu sắn, khoai, không có nhiều trâu bò cũng phải nhiều gà lợn. Làm quan, đừng chú tâm trau chuốt câu văn hoa mỹ, chuộng những chuyện to tát, hão huyền mà phải làm lợi cho dân từ việc nhỏ đến việc lớn. Ngươi còn trẻ chưa trải việc đời, song chắc ngươi không thiếu lòng tận tâm với triều đình và dân chúng.

Viên quan châu mới được Ỷ Lan bổ nhiệm cúi đầu:

- Đội ơn Nhiếp chính tin dùng, răn bảo, thần xin gắng sức làm theo giáo huấn để không phụ tấm lòng vàng của nhiếp chính.

Bằng chuyến vi hành, bằng quyết định táo bạo, nhất là tấm lòng ưu ái vì dân vì nước ấy, chẳng mấy chốc Ỷ Lan đã vỗ yên được châu Định Nguyên, dẹp tắt đốm lửa loạn lạc có cơ lan rộng.

Châu Định Nguyên được yên. Các lộ, các châu, huyện khác trong cả nước cũng nhờ sự quyết đoán sáng suốt mạnh bạo của Ỷ Lan mà vượt qua được thử thách của một trận đói để an cư lạc nghiệp. Ngay khi trở về kinh, Ỷ Lan tiếp tục điều khiển triều chính, thúc bách các đại thần và quan lại các bộ, phủ để tâm đến việc nước, yêu cầu họ phải trung thực tấu trình mọi việc. Ỷ Lan đọc rất kỹ bản tấu trình ở các lộ phủ. Và trước khi trao những bản án cho Thái sư Lý Đạo Thành, bao giờ Ỷ Lan cũng có những nhận xét khen chê minh bạch.

Thấy Ỷ Lan lúc nào cũng bận rộn nên nhân một lần hoàng nhi ấm đầu, hoàng hậu Thượng Dương lựa lời khuyên:

- Ta nghe quan thái sư nói nơi nơi dân chúng đều đã an cư lạc nghiệp, việc triều đình cũng thông đồng bén giọt. Vậy phi cũng nên nghỉ ngơi, để mắt đến việc dạy dỗ hoàng nhi, sao cứ khắc khổ quá vậy.

- Tâu hoàng hậu. - Ỷ Lan đáp – Người xưa nói muốn tề gia trị quốc bình thiên hạ trước hết phải tu nhân tích đức. Nghĩa là mình phải nghiêm với mình mới quy phục được người. Khi ấy có khi không cần hạ lệnh mà mọi người vẫn tuân thủ. Ngược lại nếu mình rộng với mình, hợp với người thì dù có ra hàng trăm mệnh lệnh, người người vẫn dửng dưng và lãnh đạm.

Nghe vậy, hoàng hậu Thượng Dương chẳng vui. Nhưng cũng là lần đầu tiên, hoàng hậu đánh giá gần đúng Ỷ Lan:

- Ta thương hoàng nhi mà nghĩ vậy, phi chớ có để tâm. Xem ra hoàng đế thật tốt phước mới gặp được phi đó.

Ỷ Lan cười, đôi mắt long lanh chứa chan sức sống.

**

*

Như thường lệ, dẫu không phải thiết triều, nhưng Ỷ Lan bắt đầu ngày làm việc của mình ngay từ sáng sớm. Hôm ấy, tại cung trên chiếc kỷ quen thuộc, nghiên bút bày biện sẵn sàng, Ỷ Lan chăm chú đọc bản tấu trình mới nhất của các lộ phủ mà quan thái sư mới đem đến. Tin vui nhận được ở chiến trường và tình hình tốt đẹp ở các địa phương báo về khiến Ỷ Lan vô cùng phấn khởi. Bởi vậy khi thấy thị nữ Lộc dâng khay hoa quả, Ỷ Lan đứng dậy vui vẻ:

- Hôm nay ngươi hãy ăn cùng ta, không được thoái thác như mọi bận.

Không thể từ chối trước lời chào mời nặng ân nghĩa, Lộc đỡ lấy quả lê to mọng cung kính:

- Xin đa tạ Hoàng phi. Ăn quả lê này thiếp lại nhớ đến thứ lê quê mình.

Nhắc đến quê hương, đôi mắt rất đẹp của Ỷ Lan thoáng đờ đẫn:

- Bấy lâu ao ước có lần về thăm quê thật lâu mà vẫn chưa về được. Ngươi có biết chăng, ta chẳng thể nào nguôi nhớ đến quê mình.

- Thiếp cũng vậy! Nếu không vì hoàng phi…

Không đợi nghe hết câu, Ỷ Lan nhẹ bước ra hiên, đứng tựa cửa, cặp mắt mơ màng. Trước mắt Ỷ Lan bình minh mùa hạ ở kinh thành thực lộng lẫy. Vạn vật trải ra mênh mông, vàng rượi dưới bầu trời đầy nắng. Vẫy thị nữ Lộc lại gần, Ỷ Lan giãi bày tâm sự:

- Ngày ở quê, ta sống thật khổ sở. Ở cảnh ta không ít người khuyên ta rời bỏ quê nhà mà đi. Vậy mà những kỷ niệm về quê vẫn đậm đà trong tình ta không bờ bến.

- Tâu hoàng phi! Có thể vì ở xa và như người ta nói, chỉ ở xa quê hương mới thấy quê hương đẹp, mới nhớ nhung vậy thay.

Ỷ Lan đăm chiêu:

- Có thể như thế. Nhưng không phải chỉ như thế. Đối với ta, mỗi lúc vui buồn, quê hương bao giờ cũng nâng giấc, vỗ về, cổ vũ, an ủi ta. Ta nhớ nương dâu đồi sắn, nhớ những bài ca óng ả, nhớ từng bờ tre, mái lá, nhớ từng đoạn đường thân quen in dấu chân kỷ niệm tuổi thơ. Ta nhớ cả những bữa cơm thanh đạm với măng rừng. Nhưng nhớ cảnh cũng không bằng nhớ người. Ta thực chẳng thể quên những nông phu tốt bụng thương ta như ruột thịt, từng đùm bọc ta lúc gặp cảnh ngộ không may. Chẳng biết cái Thao, cái Hòe, cái An có được may mắn không? Ta vẫn định bụng sẽ xuất tiền riêng chuộc tất cả những ai ở quê vì phận nghèo phải đem thân đi ở cho phú ông64sống khổ hơn súc vật. Bao năm rồi chỉ mới một lần về vội vàng ta nào biết những ai mất, ai còn? Ai gặp may, ai rủi ro. Đổi thay chắc nhiều lắm nhưng lòng ta vẫn gắn bó như ngày nào.

[64] Sử sách ghi Ỷ Lan đã có lần bỏ tiền chuộc những cô gái vì cảnh nghèo phải đi ở cho phú ông.

Lộc mủi lòng:

- Hoàng phi là người đa cảm và tốt bụng quá. Thiếp cũng yêu quê mình nhưng không nghĩ được như thế. Cách đây ít lâu thiếp được tin vùng mình đang xây chùa thờ sống65 hoàng phi.

[65] Ngày nay ở ngoại thành Hà Nội nhiều nơi vẫn còn đền thờ.

- Dân chúng làm việc ấy cũng như tôn ta làm quan âm nữ chỉ vì quý ta vậy thôi, ta nào đã làm nên công trạng gì.

Rồi như nhớ ra điều gì, Lộc mỉm cười như người có lỗi:

- Tâu hoàng phi. Còn chuyện chàng trai tên là Bông bị hoàng đế hạ lệnh xử chém hồi hoàng phi về cầu tự sinh hoàng tử ở quê nhà sự thật thế nào, thiếp không được rõ. Hình như câu chuyện bi thảm ấy có điều gì uẩn khúc?

Ỷ Lan nghẹn ngào:

- Ta định bụng không bao giờ nhắc lại câu chuyện đau lòng ấy nhưng ngươi muốn biết ta chẳng giấu. Hồi ấy, tiết hạ nóng nực ta xin hoàng đế về thăm quê tĩnh dưỡng nhân thể cầu tự vì nhập cung đã lâu - Ỷ Lan ngượng ngập – ta vẫn không có con. Sư chủ trì chùa là người học rộng, thành tâm giúp đỡ. Nhà sư khuyên ta nghỉ ngơi và hằng ngày tắm giếng chùa cho may mắn. Ta nghe theo. Chiều ấy, có lẽ đã gần tối, ngay bên giếng chùa, các thị nữ đã lấy lụa quây cho ta một buồng tắm rộng. Rồi ta vào tắm, sau bao nghi lễ phiền phức trước đó. Ta không chú ý đến xung quanh vì đã có các thị nữ, hoạn thần trông chừng, vả trời đã nhá nhem tối. Nào ngờ giữa chừng ta thấy một chàng trai vạm vỡ trong khu vực cấm, cho đến mãi sau này ta cũng không hiểu chàng trai ấy đã lọt vào từ lúc nào, từ trước hay trong lúc ta tắm. Ta sợ hãi và xấu hổ không kêu lên được một tiếng. Cũng ngay lúc ấy thị vệ đã trông thấy. Chàng trai bị bắt và sau đó bị tội chết chém. Chàng trai ấy tên là Bông66. Biết rõ chàng bị oan, nhưng ta không thể biện minh, lại cũng sợ hoàng đế dị nghị nên ta đã cho mổ lợn tế sống giải oan cho chàng.

[66] Vùng Phủ Thụy ngoại thành Hà Nội có tục mổ lợn tế giải oan cho chàng trai gọi là Hội Bông Sòng. Hội lễ này gần đây mới chấm dứt.

- Tâu hoàng phi. – Lộc thở dài – Hồi ấy thiếp chỉ sợ hoàng đế không hiểu bụng hoàng phi.

- Hoàng đế là người rất tinh tường. Chính hoàng đế ngờ rằng nhà sư có can dự vào việc này nhưng không muốn làm to chuyện. Chính hoàng đế tuy không nói ra nhưng biết rõ chàng trai bị oan. Chẳng thế mà hoàng đế cho phép ta mổ lợn tế giải oan cho chàng.

Và như không để nhắc đến việc ấy, Ỷ Lan hỏi:

- Lâu nay người có tin gì về dì ta không? Bây giờ chắc dì đã già yếu lắm rồi. cả cái Chinh nữa đã thực tâm hối cải chưa? Người có lượng cả cũng phải thấy rằng họ đối với ta rất xấu và ác độc. Nhưng năm tháng đã xóa đi vết đau trong lòng ta. Nhiều khi nghĩ cũng thương tình.

Lộc vẻ không bằng lòng:

- Hoàng phi tha cho tội chết đã là phúc đức lắm rồi.

Ỷ Lan đăm chiêu:

- Lòng tham đã hành hạ dì ta và cái Chinh. Lòng tham không biết nén lại sẽ dẫn đến tội ác. Nhưng những người tham lam không phải đều dẫn đến chung cục như nhau. Vậy nên hạ ngục, trị tội kẻ này hay kẻ khác không phải là việc ta muốn làm. Nếu cái Chinh thực tâm hối cải, ta định bụng sẽ xin bộ Hình thương hại mà tha cho để mẹ con được đoàn tụ.

Lộc biết Ỷ Lan đã nói là làm, khó can ngăn được nên lái sang chuyện mà cô đang bận tâm:

- Tâu hoàng phi. Lúc thiếp mới vào, hoàng phi nói có tin vui. Thiếp có thể chia vui với hoàng phi được chăng?

Ỷ Lan phấn chấn:

- Chẳng là, đêm qua ta mơ thấy chuyện lạ, chuyện rất giống tin ta mới nhận được.

- Xin hoàng phi cho thiếp được nghe.

Ỷ Lan không được tự nhiên.

- Lúc ấy đã gần sáng, ta mơ thấy kinh thành đi đón rước hoàng đế viễn chinh khải hoàn. Ở các cửa ô, binh lính đứng nghiêm trang, nghi vệ rực rỡ. Khi ta ra đến cửa Bắc vừa lúc hoàng đế từ thuyền chiến bước lên bờ, ngự trên xe nạm ngọc, quần thần cưỡi ngựa theo hầu hai bên. Mừng quá, ta quên giữ gìn, chạy thẳng tới xe hoàng đế. Lạ thay, càng chạy xe hoàng đế càng bỏ xa ta. Cho đến lúc chiếc xe mất hút, ta lo lắng cất tiếng gọi rồi tỉnh dậy.

Lộc hoan hỉ:

- Mơ thấy hoàng đế thắng trận trở về, quả là điềm lành. Còn ở trận tiền, tin thực ra sao, tâu hoàng phi.

- Ta quên chưa nói, Hoàng đế và nguyên soái Lý Thường Kiệt vừa lấy được kinh đô Chà Bàn67.

[67] Nay là vùng đồng Bình Định (Nghĩa Bình).

Lộc nén tiếng reo:

- Nếu vậy ngày hoàng đế hồi triều chẳng còn xa.

- Chiến trận chưa xong vì Hoàn Vương chạy trốn được. Hiện hoàng đế đang đem quân truy tìm. Ta nào đã hết lo lắng.

Lộc an ủi:

- Hoàng phi hãy yên lòng. Có quan nguyên soái là bậc kỳ tài giúp giập, ngày khải hoàn đang đến gần.

- Cũng thật may cho Đại Việt ta, Tống triều đang bị các nước Liêu, Hạ gây hấn nên ngoài chuyện quấy rối ở miền biên viễn, đạo quân nam chinh của chúng vẫn phải án binh bất động.

Vừa lúc ấy, một thị nữ bước vào cung kính:

- Tâu hoàng phi! Có một bà già cùng quê với Hoàng phi xin được hội kiến.

Ỷ Lan sửng sốt:

- Người đó thế nào?

- Tâu hoàng phi, bà già xưng là người đỡ đầu của hoàng phi.

Lộc khẳng định:

- Có lẽ mụ Độc. Hoàng phi cũng vừa nhắc tới.

Ỷ Lan khẽ thở dài:

- Ngươi hãy ân cần tiếp đón, chờ ta.

* *

*

Vừa trông thấy Ỷ Lan, mụ Độc quỳ mọp xuống:

- Tâu hoàng phi. Bấy lâu kẻ già này mới lại được nhìn thấy dung nhan tươi tốt của hoàng phi. Xin trời Phật phù hộ cho hoàng phi vạn sự như ý.

Nhận thấy mụ Độc tóc đã bạc trắng, Ỷ Lan thân đỡ dậy và động lòng thương:

- Dì thay đổi nhiều quá. Dì gầy đi nhiều rồi.

Mụ Độc khóc rưng rức:

- Hãy thương lấy thân già này, tâu hoàng phi. Hoàng phi đức độ như trời biển. Dân cảm cái ơn ấy đã tôn thờ Hoàng phi làm phật sống. Vậy sao thân già này không được thấm nhuần chút ân ấy?

Ỷ Lan chau mày:

- Sao dì cứ tự làm khổ mình như vậy. Dì muốn gì xin cứ nói.

Mụ Độc lấy vạt áo lau cặp mắt đỏ hoe:

- Bấy lâu những mong có dịp lạy hoàng phi xét tình cảnh già nua tuổi tác, một mình ấp bóng, không người đỡ đần lúc tối lửa tắt đèn mà rộng lòng ban cho kẻ hèn mọn này một ân huệ cuối cùng.

- Dì hãy nói ngay ý định của mình bất tất phải kể lể dài dòng - Ỷ lan cắt ngang – Tôi quen xét việc theo lẽ phải chứ không dựa vào sự khéo léo trong cách nói năng.

Mụ Độc không một chút lúng túng:

- Hoàng phi đã cho phép xin được giãi bày. Lỗi em Chinh nó là lớn nhưng hoàng phi trị nó cũng đã đủ. Xin hoàng phi thương tình mà tha cho nó để mẹ con được nương tựa vào nhau.

Ỷ Lan chưa bao giờ trị tội Chinh. Vì thế, nghe mụ Độc nói, vị nhiếp chính đang thâu tóm mọi quyền lực của đất nước uất ức đến nghẹn lời. Thấy Ỷ Lan im lặng, mụ Độc tiếp tục khơi sâu việc mụ đang nói với giọng oán trách:

- Hoàng phi hẳn đã thấy nếu giữa hoàng hậu và hoàng phi không có sự bất đồng, không có người xui dại xui khôn, cho bạc vàng, hứa hẹn điều này điều khác thì đâu đến nỗi. Hoặc giả nếu em nó khôn ngoan như con người ta, biết làm đẹp lòng hoàng phi như chị Lộc, biết tránh né mọi chuyện, không hảo tâm giúp người thì đã chẳng lâm vào hoạn nạn. Vậy nên nghĩ đi cũng nên nghĩ lại, trách người cũng phải trách mình thì ân oán mới thực công bằng.

Ỷ Lan gượng cười:

- Ta không muốn nhắc lại những việc đã qua, bới lại đống tro đã nguội. Bởi vì bọn gian Tống đã bị bắt, hoàng hậu Thượng Dương cũng đã nhận lỗi. Nhưng thử hỏi, nếu em Chinh cảm cái ơn ta cưu mang, nâng đỡ, không toan tính chuyện lọc lừa, phản phúc, không cố tình hại ta, toan đẩy ta vào tội chết thì địa vị nó đã hơn người. Dẫu thế mà ta chưa hề làm cho nó nặng tội. Và nói cho cùng ta khôngphải là người thưởng xằng vi tư ân, phạt bừa vì tư nộ. Ta cũng không bao giờ lạm dụng quyền hành để ban ơn hay phạt ghét bất cứ kẻ nào, vì bất cứ lý do gì. Vả chăng, trừng trị hay tha bổng người nào đã có chính luật của triều đình. Bản thân ta cũng không thể đứng ngoài vòng pháp luật. Xem vậy, dù muốn ta cũng không thể tùy tiện định đoạt số phận một con người. Dì chưa thấy tội em Chinh, chưa thấy được chính dì đã làm hư hỏng nó. Như vậy, làm sao mong được tha bổng, xóa án?

Mụ Độc chồm lên:

- Tâu hoàng phi! Hoàng phi quá khắt khe, hẹp lượng mà nói vậy chứ kẻ khốn khổ này đã làm gì để nuông chiều nó?

Nhớ đến những tháng năm từng bị hai mẹ con mụ Độc hành hạ, lòng Ỷ Lan sôi lên giận dữ. Tuy thế, Ỷ Lan chỉ nói:

- Chỉ một việc dì không bắt nó làm lụng, suốt ngày chơi bời lêu lổng đã đủ để trách cứ. Mọi tội lỗi kể cả thói điêu ngoa lọc lừa đều từ đó mà ra.

Nghe vậy mụ Độc khóc thảm thiết. Mụ than trong tiếng nấc:

- Ối con ơi! Chỉ vì con dại dột nghe người ta xúi bậy mà thân gái bỗng mắc vào vòng hoạn nạn. Hoàng phi nỡ lòng nào không vì chút tư tình mà tha cho một lần.

Ỷ Lan đã bớt giận:

- Xin cho một người phạm tội mà lại chưa thấy hết tội lỗi, nếu được tha khác nào khuyến khích kẻ khác phạm trọng tội. Tôi chẳng thể nào chiều ý dì được.

Nghe vậy, mụ độc im bặt. Mụ đảo mắt, ranh ma:

- Về nhà thân già này cũng sẽ chết vì buồn khổ, héo hắt. Vậy xin được chết tại đây cho người đời biết lòng hoàng phi.

Dứt lời, mụ móc họng, kéo lưỡi tự tử.

Thị nữ Lộc đứng hầu thấy vậy xông lại giằng tay mụ Độc. Nhưng Ỷ Lan cười ngăn:

- Dì ta không chết dễ thế đâu. Đấy là kế dọa dẫm cốt làm ta sợ mà ngã lòng. Thị nữ đâu. Dẫn bà già ra khỏi cung ngay.

Tiếng dạ ran nổi lên. Mụ độc lập tức bị dẫn đi. Nhưng ngay lúc ấy, Ỷ lan lấy tiền đưa cho thị nữ Lộc:

- Ngươi hãy đưa cho dì ta nhưng nói là của ngươi thương tình mà cho.

Mụ Độc đi rồi, Ỷ Lan bồn chồn đứng ngồi không yên. ỶLan tự hỏi: Ta xử sự như vậy có tàn nhẫn không? Dẫu mụ Độc chưa nhận ra lỗi lầm của Chinh và của mụ nhưng cuộc sống cô quạnh, buồn tủi, một mình ấp bóng ở quê nhà cũng thực đáng thương hại. Ỷ Lan đứng dậy đi bách bộ trong gian điện lớn, suy nghĩ căng thẳng. Lẽ phải khuyên Ỷ Lan không nên tha Chinh, nhưng không tha Chinh, lương tâm Ỷ Lan bị dằn vặt khổ sở. Ỷ Lan không dám mường tượng cảnh mụ Độc sống đau khổ, buồn tủi ở quê nhà.

Chợt Lộc bước vào. Ỷ Lan bước lại phía Lộc:

- Ta cư xử như vậy có tàn nhẫn không? Ta muốn nghe tiếng nói của lòng người.

- Tâu hoàng phi! Thiếp biết hoàng phi có bụng tha cho cái Chinh. Nhưng mụ Độc đã lần lữa làm hại con mụ. Vậy hoàng phi chẳng nên tha vào lúc này.

Ỷ Lan trìu mến:

- Cảm ơn ngươi đã nói thực. Ta đâu ngờ việc xem ra đơn giản mà vẫn có thể rắc rối đến thế. Đúng, ta sẽ tha nó vào đúng ngày hoàng đế đem quân khải hoàn trở về.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3