Hàn Mặc Tử anh tôi - Thay lời tựa
THAY LỜI TỰA
TÂM SỰ TÔI
Năm mươi năm rồi! Hàn Mặc Tử, một tài năng thi phú của nền văn học Việt Nam, mà cuộc đời bất hạnh với chứng bệnh phong hủi đã chết đi trong cô đơn tẻ lạnh, giữa lúc hai tám tuổi thanh xuân.
Từ đó, thi văn Anh, tình duyên Anh, và nhất là nếp sống khép kín của đời Anh, trở thành một băn khoăn lớn.
Gần một nửa thế kỉ nay, người ta nhắc nhở văn thơ Anh, ca tụng có, thêu dệt có, nhất là giới văn nghệ sĩ đã huyền thoại hóa những mối tình Anh trong các vở ca nhạc kịch, mà vỏn vẹn chỉ dựa trên tài liệu nghèo nàn, được phổ biến trong cuốn Hàn Mặc Tử, do nhà văn Trần Thanh Mại xuất bản, ít lâu sau khi Hàn Mặc Tử qua đời.
Các nhà văn, kể cả thân hữu Anh, tranh luận dồi dào qua các hồi kí ngắn đăng tải trên các báo, qua các buổi diễn thuyết về Anh. Nhưng tựu trung vẫn chưa khai thông được những bí ẩn cuộc đời Anh – nói chi đến thi văn Anh, thì lại để lạc hướng hơn mà, thường thì kết luận mệt mỏi:
Hàn Mặc Tử, Anh là ai?
Đã nhiều lần, với ít nhiều kinh nghiệm trong quá trình sống bên Anh, tôi toan viết lại cuộc đời Anh – một cuộc đời nhiều đổi thay bất thần kì lạ, từ nội tâm đến hình thể, mà gia đình không ai quan tâm, bạn bè ít ai nhận thấy.
Tôi hằng để tâm lo lắng muốn đóng góp vào việc nghiên cứu, mở rộng tìm hiểu Anh, để cho những người yêu mến Anh biết rõ tài năng bạc mệnh đó, biết rõ những gì mà dư luận vẽ vời thêm thắt về Anh.
Tuy nhiên, mỗi lần toan tính làm một cái gì liên quan đến Anh, có kích thước một chút, là hay gặp nhiều trở ngại khó hiểu, nhất là trong việc cải táng xây lại mộ phần Anh, mà những điều đã xảy ra trở thành nghi vấn khó tin được.
Ngay cả khi dự tính viết tập Hồi kí này, trong giới bạn bè có người báo cho tôi biết trước khó tránh khỏi tranh luận gay go, điều mà tôi đã từng phen né tránh.
Năm 1942, khi ở Lào về, tôi bị đặt trước một tình trạng đã dĩ lỡ:
Từ việc xem nhẹ bút tích của anh Trí mà gia đình đã khoán trắng cho ông Quách Tấn, đến cái quan niệm “cổ phong” xem bệnh hủi như một chứng tích tủi nhục cho giòng họ, đến đỗi không ai muốn nhắc nhở đến anh Trí nữa.
Mẹ tôi lại càng tha thiết hơn, buộc tôi phải hứa không bao giờ đả động gì đến Anh, kể cả nói đến văn thơ Anh. Điều mà tôi, vì chữ Hiếu xem trọng cho đến ngày nay, để linh hồn mẹ tôi được yên nghỉ.
Nói đến văn thơ Anh, thì thật là điều bất hạnh rồi.
Thơ Anh tôi để lại rất nhiều, nhưng thất lạc cũng không ít. Có nhiều người thấy trước giá trị thơ Anh tìm cách chiếm hữu làm của riêng mà nhiều bài thơ, tôi đã mơ hồ đọc qua, đến nay vẫn không thấy phổ biến.
Một số thơ khác, ông Tấn đã bỏ rơi ở Nha Trang, có người nhặt được, mang về sửa đổi ít nhiều để giành quyền thủ đắc hay sáng tác.
Mặc dù đã hứa với Mẹ tôi, không nhắc đến văn thơ Anh, nhưng lòng vẫn xốn xang, trăn trở trên niềm uất hận từ bao nhiêu năm rồi.
Làm sao tôi quên được cả sự nghiệp văn chương Anh, mà mỗi bài thơ là máu xương nhức nhối con tim Anh, rút tỉa não cân Anh.
Quên sao được những lời Anh than thở:
Ta muốn hồn trào ra đầu ngọn bút
Mỗi lời thơ đều dính não cân ta
Cho đến nay, những tưởng:
Máu đã khô rồi thơ cũng khô
Tình ta chết yểu tự bao giờ
Từ nay trong gió, trong mây gió
Lời thảm thương rền khắp nẻo mơ
Nhưng, không đâu, Anh ơi.
Bao nhiêu người bạn tình nghĩa, xưa kia của thành phố Quy Nhơn, đầy kỉ niệm mà Anh trông ngóng từ trên điểm cao Gành Ráng, nay đã trở về bên Anh, quán xuyến Anh, tu bổ mộ phần Anh và đang phục hồi vinh dự thơ văn Anh, càng thêm tươi thắm hơn từ nửa thế kỉ nay, trong hai quyển “Tuyển tập” và “Thơ Hàn Mặc Tử.”
Tôi rất phấn khởi, và càng xúc động hơn, khi những người bạn từng gần gũi Anh, mà ngày nay tuy sự nghiệp đã thành, vẫn còn tự hạ, xem Anh là bậc thầy. Những người đó, than ôi! Lại vẫn còn thốt lên, như một lời than thở:
Hàn Mặc Tử! Anh là ai?
Thì ra họ vẫn còn băn khoăn thao thức về Anh.
Lòng tôi rộn lên một niềm tin tưởng và khích lệ, nên quyết tâm viết lại tập Hồi kí về Hàn Mặc Tử, dù muộn còn hơn không.
Tuy nhiên, tôi không khỏi áy náy, vì viết lách là một việc không quen thuộc đối với tôi. Hơn nữa, tuổi tôi đã vượt quá ranh giới cổ lai hi của nhà thơ Đỗ Phủ rồi, liệu tôi còn đủ minh mẫn sắp xếp được cảm nghĩ và tình tiết sự việc đã qua năm mươi năm, để trình bày lại có mạch lạc, có hệ thống không?
Tôi không phải là nhà văn chuyên nghiệp dù có cao hứng được một vài câu thơ thì sợ e cũng chưa đủ ngôn từ diễn tả cho hết ý. Đó là chưa nói lời lẽ đôi khi phóng khoáng không tránh khỏi va chạm vô tình, mà tôi rất tiếc.
Viết lại tập Hồi kí này, trước hết tôi phải xin tạ lỗi linh hồn Mẹ tôi, để nhận lấy một chút trách nhiệm đóng góp vào việc nghiên cứu cuộc đời anh Trí cho lịch sử văn học. Tôi không hề có tham vọng giải thích thơ văn Anh. Cái vốn liếng duy nhất để tôi làm nhiệm vụ viết lách này chỉ là kí ức của một thời gian sống bên Anh tôi từ thơ ấu. Chia sẻ với Anh vui buồn sướng khổ, chúng tôi đã trở nên quá quen thuộc nhau, biết nghe ngóng nhau cùng suy nghĩ với nhau qua truyền giao cảm ứng của giòng họ.
Tôi cũng không hề nghĩ tập sách nhỏ này có thể mang đến quí bạn đọc cảm nghĩ kì bí nào đó về cuộc đời Anh. Nhưng mà, chỉ trung thực kể lại tỉ mỉ Anh đã sống với nhiều hiện tượng mà rõ ràng đã ảnh hưởng thật sự con người bình thường của anh, biến cải thơ Anh từ phàm tục đến thoát tục.
Vì vậy, để trung thành trọn vẹn với kí ức, tập Hồi kí này không tránh khỏi có nhiều đoạn đi ngược lại cảm nghĩ hay nhận thức của nhiều bạn hữu khả kính, mà suy luận cao kiến đã vượt quá những cái tầm thường nhưng thiết thực của đời Anh tôi. Tôi rất lấy làm tiếc khi phải trung thực đến như vậy.
Tôi cũng rất mong bạn hữu xa gần dành cho tôi một thái độ bao dung hơn, khi tôi nhận xét khách quan về Anh không được tròn trịa, bóng láng như lâu nay đã được cảm nhận.
Nhân đây, tôi cũng xin gởi đến những người bạn, đã từng yêu mến, giúp đỡ Anh tôi khi còn sống và sau khi đã qua đời, một tấm lòng thành kính tri ân sâu xa của gia đình tôi và riêng tôi.
Sau hết viết được tập Hồi kí này, tôi không quên ghi nhớ mối thịnh tình giúp đỡ và khích lệ quý báu của các bạn hữu, nhất là các bạn vong niên mà tôi được hân hạnh tiếp xúc trong mùa xuân qua.
Xin gởi đến quý bạn đó lòng ngưỡng mộ và cảm mến thân tình.
Chân thành,
Thiện Nam Nguyễn Bá Tín
(Viết trong mùa Giáng sinh năm 1988 tại Sài Gòn)