Người trong ảnh - Chương 04 - 05 - 06
Chương bốn
PHIÊN TÒA
Phiên tòa được mở vào hôm sau để kết luận về cái chết của ông Alexandre Pritchard. Bác sĩ Thomas là nhân chứng đầu tiên.
- Lúc ấy ông ta chưa chết ư? - ông bác sĩ pháp y hỏi.
- Chưa, ông ấy còn thở. Tuy nhiên chẳng còn hi vọng nào nữa... Ông ấy...
Đến đây ông Thomas dùng những danh từ chuyên môn. Ông chánh án nói với các quan tòa:
- Nói theo nghĩa thông thường, thưa các ông, có nghĩa là xương sống người ấy bị gãy, đúng không?
- Vâng, nếu muốn nói như vậy - Ông Thomas nhân nhượng.
- Bác sĩ Thomas, vụ tai nạn ấy đã xảy ra như thế nào?
- Thiếu những thông tin về trạng thái tinh thần của con người khốn khổ ấy trước khi ngã, nhưng có thể cho rằng ông ấy đã bị rơi từ vách đá xuống. Sương mù từ biển bốc lên và đường đi có chỗ gấp khúc, người ấy không nhận ra.
- Ông có thấy trên người nạn nhân có những thương tích do bạo lực không?
- Những thương tích trên xác người đều do cơ thể đập vào sườn núi khi rơi xuống vực với độ cao khoảng từ mười lăm đến hai mươi mét.
- Còn lại vấn đề tự sát.
- Vâng, cái đó bao giờ cũng có.
Người ta gọi Robert Johnes.
Bobby lên ghế các nhân chứng. Anh nói mình đã chơi gôn như thế nào, anh đã đánh bóng về phía biển. Hình như anh nghe thấy tiếng người kêu và tự hỏi có phải do quả bóng trúng vào người ấy không. Tuy nhiên anh cho rằng quả bóng không thể bay đến đường hẻm được.
- Sau đó anh có tìm thấy quả bóng không?
- Có. Nó nằm cách đường hẻm khoảng một trăm mét.
Bobby nói tiếp, nhưng ông chánh án ngắt lời anh vì chúng trùng với những ý kiến của bác sĩ Thomas. Ông căn vặn về tiếng kêu mà anh nói là anh nghe được.
- Có phải là tiếng kêu cứu không?
- Không. Chỉ là tiếng kêu thông thường thôi.
- Một tiếng kêu ngạc nhiên ư?
- Vâng, đúng thế.
Khi nói thêm người ấy tắt thở chừng năm phút sau khi ông bác sĩ ra về, anh rời khỏi chỗ của những người làm chứng.
Người ta gọi Amelia Cayman.
Bobby cảm thấy thất vọng. Bộ mặt xinh đẹp trên tấm ảnh trong túi người qua đời đâu rồi? Ảnh là cái gian dối nhất trên đời này, anh tự nhủ. Giả thiết là tấm ảnh đã được chụp từ nhiều năm trước đây thì cũng khó tưởng tượng rằng người phụ nữ xinh đẹp ấy nay đã biến thành một người mắt to, tóc phai màu và dáng đi xấc xược như thế này. Thời gian, anh nghĩ - là một kẻ phá hoại độc ác. Anh run rẩy khi nghĩ đến hình dáng của Frankie hai mươi năm sau.
Lúc này Amelia Cayman, cư trú tại số nhà mười bảy, phố Saint-Leonard’s Gardens, quận Paddington, thành phố Londres, đang khai báo.
Người chết, Alexandre Pritchard, chính là người anh ruột duy nhất của bà. Lần cuối cùng bà ta nhìn thấy anh là tối hôm trước ngày xảy ra vụ tai nạn. Ông ấy vừa ở Cận Đông trở về và có ý định đi bộ để dạo quanh vùng Wales.
- Tinh thần của ông ấy vẫn ở trạng thái bình thường chứ?
- Hoàn toàn bình thường. Anh tôi rất thích thú được đi đây, đi đó.
- Ông ấy có khó khăn gì về tiền bạc, về những âu lo không?
- Tôi không rõ về những vấn đề này. Anh tôi đã xa nước Anh từ mười năm nay và thường ít viết thư. Anh tôi đã dẫn tôi đi ăn, đi xem hát và tặng tôi nhiều tặng phẩm, tôi không nghĩ rằng anh ấy thiếu tiền; hơn nữa anh tôi rất vui vẻ, không chút âu lo.
- Anh bà làm nghề gì, bà Cayman?
Người được hỏi có đôi chút bối rối.
- Tôi không biết. Anh tôi nói là mình đi khai thác.
- Bà có thấy những lí do gì khiến ông ấy phải tự sát không?
- Trời! Không! Tôi không tin đây là một vụ tự sát. Theo tôi, đây là tai nạn.
- Bà nghĩ như thế nào về việc ông ấy đi mà không mang theo hành lý, kể cả một chiếc túi xách tay?
- Anh tôi không thích mang theo người những thứ đó. Anh ấy nói đã gửi mọi đồ đạc đến nơi sẽ dừng chân trước rồi. Anh ấy đã gửi bưu điện trước khi đi một ít quần áo thay đổi và một đôi giày nhưng có thể địa chỉ ghi không rõ ràng nên các thứ đó không tới nơi.
- A! Cái đó đã giải thích điều bí mật ấy.
Tiếp đó bà Cayman giải thích việc nhờ vào tấm ảnh, mặt sau có ghi tên, trong người anh mình nên cảnh sát đã liên hệ với bà. Nghe tin bà đã cùng chồng đến ngay quận Marchbolt để nhận diện ông Alexandre.
Nói tới đây bà khóc nức nở.
Ông chánh án nói với bà một vài lời an ủi rồi mời bà về chỗ.
Quay sang các quan tòa, ông yêu cầu mọi người cho ý kiến về cái cách mà ông Alexandre Pritchard qua đời.
Vấn đề rất đơn giản. Không có gì chứng tỏ là ông Pritchard đã tự sát. Có thể tin chắc đây là một vụ tai nạn do sương mù và đường đi khá nguy hiểm.
Ngay lập tức tòa có kết luận. Chúng ta cho rằng người qua đời đã chết vì một tai nạn và chúng ta nói thêm mọi người mong muốn tòa Thị Chính có những biện pháp cần thiết để làm một lan can có tay vịn trên con đường hẻm ở vách đá, chỗ có vực thẳm nguy hiểm.
Mọi người đều đồng ý.
Phiên tòa bế mạc.
Chương năm
VỢ CHỒNG NHÀ CAYMAN
Trở về nhà xứ nửa tiếng đồng hồ sau đó, Bobby thấy mình chưa hết việc với ông Alexandre Pritchard. Người ta báo vợ chồng ông Cayman đang đợi anh trong văn phòng của cha anh. Anh tới nơi thấy ông mục sư đang nói chuyện với họ một cách không niềm nở lắm.
- A! - Ông mục sư Thomas Jones thở dài nói - Bobby đây rồi.
Ông Cayman đứng lên, giơ tay, tiến lại phía chàng trai. Đó là một người cao, to, vẻ niềm nở tuy cái nhìn có vẻ lạnh nhạt và lấm lét. Còn bà Cayman thì anh đã thấy ở phiên tòa rồi.
- Tôi đi theo vợ tôi - Ông Cayman nói - Sự có mặt của tôi đã làm cho bà ấy vững vàng hơn trong hoàn cảnh bi thảm này. Bà ấy rất dễ xúc động.
Bà Cay man vẫn còn thổn thức.
- Chúng tôi đến đây để gặp cậu - Người chồng nói tiếp - Người anh ruột của vợ tôi đã qua đời trên đôi tay cậu. Vợ tôi muốn nghe cậu kể lại những giây phút cuối cùng của ông ấy.
- Đúng thế - Bobby xác nhận - Cũng rất tự nhiên thôi.
- Alexandre khốn khổ! Alexandre khốn khổ, khốn khổ - Bà Cayman thổn thức và lau nước mắt.
- Vâng, thật là khủng khiếp! - Bobby nói và cựa quậy trên ghế.
- Xin cậu, cậu cho chúng tôi biết, anh tôi có nói gì trước khi trút hơi thở cuối cùng không? Tôi rất muốn biết điều này.
- Tôi hiểu, thưa bà, nhưng ông ấy không nói gì cả.
- Thà thế còn hơn - Ông Cayman long trọng tuyên bố. - Từ dương gian xuống âm phủ, ông anh chúng tôi không nhớ gì cả, không đau đớn gì cả.
- Cậu có chắc anh tôi không đau đớn trước khi nhắm mắt không? - Bà Cayman căn vặn.
- Ô! Điều đó thì tôi có thể khẳng định với bà.
- Sự tin chắc ấy đã an ủi tôi nhiều. Alexandre khốn khổ! Chết trong lúc còn rất mạnh khỏe! Anh ấy ưa những nơi thoáng đãng!
- Vâng, đúng thế.
Bobby lại nhớ bộ mặt rám nắng và cặp mặt xanh của người qua dời. Một ngưòi đáng mến, Alexandre Pritchard khốn khổ! Ông ta là anh ruột và Cayman và là anh rể ông Cayman! Đúng, ông ta xứng đáng như vậy!
- Chúng tôi cảm ơn cậu nhiều - Vợ chồng nhà Cayman cùng nói.
- Ô! Không có gì - Bobby lẩm bẩm.
- Chúng tôi không bao giờ quên sự giúp đỡ của cậu - Ông Cayman nói thêm. Bà Cayman đưa bàn tay nhơm nhớp cho Bobby. Những vị khách tới thăm chào tạm biệt ông mục sư, sau đó Bobby tiễn họ ra cửa.
- Và... cậu nói thế nào, chàng trai? - Ông Cayman hỏi - Cậu đang nghỉ hè ư?
- Tôi đang đi tìm việc làm - Bobby trả lời và sau đó một lúc anh nói tiếp - Trước kia tôi là lính thủy.
- Thời buổi khó khăn - ông Cayman lắc đầu nói. - Vâng, tôi xin chúc cậu may mắn.
- Cảm ơn ông.
Bobby yên lặng nhìn họ ra về trên lối mòn đầy cỏ dại. Những ý nghĩ hỗn loạn xuất hiện trong óc anh: tấm ảnh... chân dung cô gái mắt to, tóc mềm mại trên khuôn mặt ngời sáng... và mười lăm năm sau là bà Cay man trang điểm một cách quá đáng, tóc bạc màu, dáng điệu cứng đơ... Thật là khốn khổ! Sự tàn phá ấy chắc chắn xảy ra sau khi bà ta lấy ông Cayman. Bên cạnh một người đàn ông bà ta đã già đi một cách nhanh chóng.
Anh thở dài:
- Ôi! Mặt trái của hôn nhân!
- Anh nói gì?
Bobby giật mình quay lại: đó là Frankie. Anh đã không trông thấy cô đến bên mình.
- Xin chào.
- Chào Bobby. Anh đang nói cuộc hôn nhân nào đấy?
- Tôi đang nghĩ đến những hậu quả của hôn nhân nói chung.
- Và ai là nạn nhân của hậu quả ấy?
Bobby nói lại những suy nghĩ của mình nhưng Frankie không tin.
- Thật là ngốc nghếch! Người phụ nữ ấy giống hệt người trong ảnh.
- Cô có nhìn thấy tấm ảnh không? Cô có đi dự phiên tòa không?
- Chắc chắn là có. Nhưng chẳng có gì là thú vị cả. Tất nhiên, phiên tòa sẽ sôi động hơn nếu đây là một vụ đầu độc. Tôi muốn thấy vụ tai nạn này trở thành một vụ giết người.
- Frankie, cô là người ưa bạo lực.
- Bạn thân mến, anh nói năng như một giáo sư giảng về đạo đức.
- Dù sao tôi cũng không đồng ý với cô về chuyện bà Cayman. Trong ảnh bà ta trông rất quyến rũ.
- Ô! Chỉ cần sửa lại phim ảnh thôi.
- Không thể sửa lại âm bản đến mức trở thành một người khác được.
- Thế nào?
- Tôi xin cam đoan với cô là như vậy. Cô đã nhìn thấy tấm ảnh ấy chưa?
- Rồi. Trong báo Echo buổi chiều.
- Chắc chắn là in kém.
- Có thể nói là anh có ác cảm với bà Cayman son phấn lòe loẹt! - Frankie kêu lên - Anh thật kì cục!...
Có một lúc yên lặng. Sự bực mình của Frankie tan biến.
- Chúng ta cũng rất kì cục nếu cứ cãi nhau mãi về người phụ nữ xấu xí ấy. Tôi đề nghị chúng ta đi chơi gôn. Anh có đồng ý không?
- Rất tốt!
Hai người cùng đi và quên hẳn chuyện vừa xảy ra. Khi đánh bóng vào lỗ số mười một thì bất chợt Bobby kêu lên.
- Có chuyện gì vậy?
- Tôi nhớ lại một việc.
- Việc gì?
- Tôi đã nói hai người ấy, vợ chồng nhà Cayman, tới để hỏi xem trước khi tắt thở người anh của họ có nói gì không... tôi đã trả lời là không.
- Thế thì sao?
- Bây giờ tôi nhớ là ông ta có nói.
- Nói gì?
- Thế này: Tại sao không là Evans?
- Một câu nói kì cục. Ông ta không nói gì thêm ư?
- Không. Ông ấy mở mắt ra, nói xong câu ấy thì tắt thở. Con người khốn khổ!
- Trời! Tôi không hiểu tại sao anh lại băn khoăn mãi về việc này. Câu nói đó chẳng có giá trị gì hết.
- Chắc chắn là không rồi. Nhưng lương tâm tôi sẽ yên ổn nếu tôi nói câu này với vợ chồng nhà Cay man. Cô hiểu không, tôi đã bảo họ: ông ấy chết mà không nói lấy một lời.
- Cũng vậy thôi - Frankie tuyên bố. Nếu ông ta nói: “Bảo Amélia rằng cô ấy là người em gái rất yêu quý của tôi...” hoặc “Bản di chúc tôi để ở trong hộp gỗ hồ đào...”
hoặc một câu gì loại ấy... thì lại khác.
- Cô có thấy tôi cần viết thư cho họ không?
- Không cần thiết.
- Có thể là cô có lí - Bobby xác nhận và họ tiếp tục chơi bóng.
Nhưng Bobby vẫn băn khoăn. Câu nói của người chết có thể là không quan trọng. Nhưng không nói thì lương tâm anh vẫn bị trách cứ.
Tối hôm ấy, như bị một sức mạnh thôi thúc, anh ngồi xuống bàn viết thư cho ông Cayman.
"Ông Leo Cayman thân mến,
Tôi vừa chợt nhớ ra, trước khi tắt thở, người anh rể của ông có nói một câu. Tôi nhớ câu ấy như sau: Tại sao không là Evans? Xin lỗi về điều tôi đã nói với ông sáng hôm nay vì tôi đã cho rằng câu ấy không có gì là quan trọng nên trong óc tôi không lưu giữ nó.
Thân ái chào ông.
Bobby Jones.”
Hôm sau Bobby nhận được thư của ông Cayman.
"Cậu Bobby Jones thân mến,
Tôi đã nhận được thư đề ngày mùng sáu tháng này của cậu và tôi xin cảm ơn cậu đã nhắc lại câu nói cuối cùng của người anh vợ của tôi tuy nó chẳng có nghĩa lí gì. Vợ tôi hi vọng ông ấy để lại một lời dặn dò gì đó. Dù sao thì chúng tôi cũng rất biết ơn cậu.
Chào thân ái. Leo Cayman”.
Bobby bực mình khi thấy lời lẽ trong thư có vẻ mỉa mai anh.
Chương sáu
KẾT THÚC CỦA MỘT CUỘC ĐI DẠO
Hôm sau Bobby nhận được một bức thư lời lẽ khác hẳn.
“Bobby thân mến,
Anh bạn, tất cả đã được thu xếp xong... Hôm qua tớ đã mua một lúc năm chiếc xe cũ, tất cả hết mười lăm li-vrơ. Bây giờ thì chúng không thể chạy được, nhưng chúng ta sẽ sửa chữa lại chúng. Đồ chết tiệt! Một chiếc ô tô là một chiếc ô tô! Khi mang chúng trở về không xảy ra tai biến gì thì khách hàng sẽ không trách cứ chúng ta. Tớ sẽ khánh thành xưởng sửa chữa vào thứ hai, ngày mùng tám và tớ tin tưởng vào cậu. Cố gắng đừng để tớ xảy ra sự cố, đúng không?
Chúng ta nhất định thắng! Một chiếc ô tô là một chiếc ô tô! Người ta mua chúng không phải là để vứt đi, người ta sửa chữa và sơn phết chúng lại và thế là xong. Tất cả sẽ ổn thôi. Coi chừng, đúng không? Thứ hai, ngày tám! Tớ tin tưởng ở cậu.
Bạn cậu, Badger”.
Bobby báo cho cha tin thứ hai tới anh sẽ đi làm việc ở Londres. Cái tin này làm cho người con trai chứ không phải là ông mục sư thích thú. Ông dặn dò con trai đến đấy thì chỉ làm việc chứ không được nhận bất cứ trách nhiệm quản lí nào trong xưởng thợ, không được ký tên vào bất cứ giấy tờ gì. Thứ sáu cùng tuần, Bobby lại nhận được một lá thư nữa làm anh quá đỗi ngạc nhiên. Thư viết như sau: Hãng Henriquei và Dallo ở Buenos-Ayres đồng ý tuyển dụng ông Robert Jones-Bobby với tiền lương là một ngàn li-vrơ một năm.
Một hai phút đầu Bobby tưởng mình đang ngủ mơ. Một ngàn li-vrơ một năm! Anh thận trọng đọc lại lá thư. Người ta tìm thấy một lính thủy cũ. Có người đã giới thiệu Robert Jones. (Thư không nêu tên người này). Trong trường hợp nhận việc thì viết thư ngay cho hãng và thu xếp để tới Buenos-Ayres tám ngày sau đó.
Bobby biểu lộ tình cảm của mình bằng một câu chửi thề.
- Gì vậy, Bobby.
- Thưa cha, tha lỗi cho con. Con không biết cha đang ở đây. Người ta cho con một nơi làm việc với tiền công là một ngàn li-vrơ một năm.
Ông mục sư cũng sững sờ một lúc lâu.
- Con thân yêu, ta có nghe rõ không nhỉ? Người ta cho con một nơi làm việc với một ngàn li-vrơ một năm ư? Một ngàn li-vrơ ư?
- Đúng thế!
- Không thể như vậy được! - Ông mục sư kêu lên.
Bobby không chú ý đến sự ngạc nhiên ấy. Suy nghĩ về giá trị bản thân của anh khác với cha anh. Anh đưa lá thư cho cha và ông đọc đi, đọc lại nhiều lần.
- Kì diệu! Thật là kì diệu! Là người Anh thật là kì diệu! Thật là liêm khiết! Đây là cái biểu hiện của chúng ta trước mặt các quốc gia khác. Cái hãng này đã thấy rõ giá trị của một chàng trai thật thà! Người ta có thể tin tưởng vào sự thật thà của người Anh chúng ta.
- Đúng thế, thưa cha, nhưng tại sao không phải là một người khác? Tại sao người ta lại chọn con?
- Chắc chắn đây là do ông chỉ huy cũ của con đã giới thiệu.
- Có thể. Nhưng con không thể nhận việc này được đâu.
- Không nhận ư? Con thân yêu, con nói gì vậy?
- Con đã nhận... cộng tác với... Badger.
- Badger ư? Badger Beadon ư? Chuyện ngu ngốc! Bobby thân yêu! Sự hợp tác kì cục ấy mà con vẫn nhớ ư?
- Đối với con đó là điều khẳng định rồi.
- Badger là một thằng dở hơi. Nó đã tiêu tốn nhiều tiền để lập nghiệp, gây cho gia đình nó nhiều phiền muộn. Cái dự án lập xưởng sửa chữa ô tô ấy chẳng hay ho gì. Đó là một sự điên rồ, không nên nghĩ đến nó nữa.
- Không thể như vậy được. Con đã hứa.
Cuộc tranh luận tiếp tục. Ông mục sư cho đây là lời hứa trong khi bốc đồng, về phần mình, Bobby nhắc đi nhắc lại rằng “không thể bỏ rơi bạn bè được”
Cuối cùng thì ông mục sư giận dữ bỏ đi còn Bobby thì ngồi lại viết thư trả lời cho hãng Henriquez và Dailo để từ chối lời mời của họ.
Vừa viết anh vừa thở dài. Anh vừa quẳng đi một cơ hội độc nhất.
Sau đó, trên sân gôn, Bobby kể lại chuyện này với Frankie.
- Ông già muốn anh đi Nam Mỹ ư?
- Đúng thế.
- Anh hài lòng về chuyến đi ấy ư?
- Sao lại không? - Frankie thở dài.
- Dù sao, anh từ chối là đúng.
- Đó là vì Badger, tôi không thể bỏ rơi bạn cũ, đúng không?
- Nhưng coi chừng việc người bạn cũ ấy đưa anh vào những khó khăn mới.
- Ồ! Tôi sẽ không sao cả, vì tôi không đóng một xu tiền vốn nào.
- Việc này thật kì cục.
- Tại sao?
- Vì trong cuộc sống, đồng tiền không đùa với ai thì người ta không thể hoàn toàn tự do, vô tư lự được. Tôi cũng vậy. Tôi cũng không có tiền, cha tôi cho tôi bằng tiền lợi tức của ông, tôi có nhiều kẻ hầu người hạ, nhiều quần áo, nhiều đồ trang sức và có cổ phần trong các hãng nữa... nhưng những cái đó không phải là tài sản của tôi.
- Cũng vậy thôi...
Có một khoảnh khắc yên lặng.
Khi Bobby bắt đầu đánh bóng thì Frankie báo tin:
- Ngày mai tôi sẽ đi Londres.
- Ngày mai ư? Nếu tôi mời cô ở lại nông thôn thêm vài ngày thì sao?
- Rất vui lòng, nhưng tôi còn nhiều băn khoăn. Cha tôi đang đau đớn vì chứng thấp khớp.
- Cô cần ở lại để săn sóc cho ông cụ.
- Cha tôi không muốn tôi săn sóc cho ông. Sự có mặt của tôi làm ông bực mình. Tôi muốn mình trong hàng ngũ của những người hầu. Khi họ làm những việc dại dột thì người ta chỉ kêu ca chứ người ta không bực tức với họ.
Bobby đánh bóng vào bụi cây.
- Không may rồi! - Frankie nói. - Có thể chúng ta cùng đi Londres một lúc đấy. Bao giờ anh phải có mặt ở xưởng thợ?
- Thứ hai... nhưng tôi phải làm việc suốt ngày như một người thợ sửa chữa máy... và rồi...
- Và rồi... ai ngăn cản anh đến uống cốc-tai với chúng tôi?
Bobby lắc đầu.
- Frankie, bạn cô là bạn cô. Chúng ta khác nhau về tầng lớp.
- Rủ cả Badger đi nữa. Người ta sẽ đón tiếp các anh như bạn bè.
- Badger sẽ không làm cô thích thú.
- Xin thú thực là tôi không ưa tật nói lắp của anh ấy...
- Nghe đây, Frankie, chúng ta bàn đến đây thôi. Thời gian còn dài. Ở đây ít có điều kiện vui chơi, giải trí và tôi cho rằng thà như vậy còn hơn. Cô đã tỏ ra rất đáng mến với tôi... Tôi rất biết ơn cô. Nhưng tôi biết rất rõ mình chẳng là cái gì cả khi đứng bên cô...
- Bao giờ thì anh hết cái thói tự ti như vậy? Anh cần chơi tốt hơn. Tôi thắng cuộc rồi, thưa ông Bobby.
- Một ván nữa chứ?
- Không. Tôi còn nhiều việc cần thu xếp.
Yên lặng, họ đến tấm lều trả dụng cụ chơi gôn.
- Tạm biệt bạn - Frankie nói và đưa tay ra - Tôi lấy làm hân hạnh được vui chơi với anh khi tôi về nghỉ ở nông thôn. Tôi sẽ gặp lại anh sau, tôi không có việc gì thích thú hơn so với việc được gặp lại anh.
- Ô! Frankie...
- Có thể là anh sẽ tới dự một tối vui với chúng tôi. Người ta sẽ thấy những chiếc cúc bằng ngà hạ giá ở cửa hàng giá đồng hạng.
- Frankie...
Tiếng nói của anh lẫn vào tiếng máy nổ của chiếc Bentley sang trọng mà Frankie vừa khởi động.
Với một cử chỉ giơ tay rất điệu, cô gái cho xe chạy.
- Chào! - Bobby gọi với.
Frankie tới đây như đưa ra cho anh những thách thức đó. Có thể là anh đã không khôn khéo lắm, nhưng cuối cùng thì anh nói toàn sự thật.
Ba ngày tiếp theo đối với anh là quãng thời gian bất tận.
Ông mục sư bị viêm họng, buộc phải nói khẽ. Thái độ đối với người con trai thứ tư của ông là thái độ của một người ngoan đạo nhẫn nhục.
Không thể chịu đựng nổi cái không khí gia đình như vậy, ngày thứ bảy hôm ấy Bobby yêu cầu bà Roberts, người cùng chồng phục vụ trong nhà xứ, làm cho anh một ít bánh nhồi thịt. Vào một cửa hiệu ở Marchbolt, anh mua thêm một chai bia và... lên đường.
Anh đi dọc bờ dốc hai bên là những cây dương xỉ và tự hỏi tốt nhất là ăn đã rồi hãy nghỉ trưa hay làm ngược lại. Anh vừa ngồi xuống để suy nghĩ thì đã ngủ thiếp đi.
Anh thức giấc thì đã ba giờ rưỡi chiều! Anh ăn bánh kẹp thịt một cách ngon miệng. Sau đó anh mở nút chai bia. Bia có vẻ chua nhưng rất mát.
Ném vỏ chai vào bụi thạch thảo gần đó anh lại nằm xuống.
Anh sung sướng và tự tin, có thể vượt được mọi trở ngại, khó khăn. Những ước vọng kì diệu hiện ra trước mắt anh.
Một lần nữa, anh lại buồn ngủ. Một giấc ngủ lịm người...
Anh ngủ...